Chương 14 (tt)
NHỮNG NGƯỜI TÌNH KHÁC GIỚI

Vụ đánh ghen của bà tướng Đôn được báo cáo đến tai Ngô Đình Nhu và cả Ngô Đình Diệm cũng hay biết việc cô em dâu ngoại tình gây chuyện bàn tán sôi nổi trong dân chúng.
Sở Nghiên cứu chính trị của phủ Tổng thống đặt dưới quyền của Ngô Đình Nhu, và do bác sĩ Tuyến điều khiển được lệnh đặc biệt của cố vấn mở cuộc điều tra mật về tất cả những người tình dính líu xa gần đến đời sống tình cảm của bà cố vấn.
Trong lúc ghen tức và căm giận người vợ lang chạ, Nhu muốn dùng quyền hành qua hệ thống mật vụ để trị những kẻ đã cả gan cắm sừng lên đầu mình, cắt đứt những mối tình dan díu, đồng thời xa lánh Lệ khỏi con đường ngoại tình bằng cách gây nên một viễn ảnh đe doạ đối với những ai gần gũi thân mật với bà cố vấn.
Muốn lập công với ông cố vấn và Tổng thống, bác sĩ Tuyến Giám đốc Mật vụ huy động những tay chân đắc lực nhất để mở một chiến dịch chống ngoại tình của bà cố vấn.
Một bảng danh sách những người tình của đệ nhất phu nhân được ghi rõ danh tính, nghề nghiệp, tuổi tác, nếp sống, sự giao du, đi lại với những người quen biết, hoàn cảnh hiện thời… Mỗi cá nhân có một phiếu riêng biệt kê khai chi tiết từ lần đầu tiên gặp gỡ, bắt tình bà cố vấn cho đến các trường hợp hẹn hò, những địa điểm luyến ái, mức độ giao du thân mật.
Số tình nhân thực thụ và tạm thời bà cố vấn, lúc sở Nghiên cứu chính trị phủ Tổng thống bắt đầu mở cuộc điều tra mới khám phá đếm đủ đầu một bàn tay. Bác sĩ Tuyến đóng vai một nhà trinh thám tư cùng các nhân viên cao cấp mật vụ lần phăng mối tìm ra những người tình của đệ nhất phu nhân và kín đáo theo dõi người đàn bà lang chạ. Nhưng sau một thời gian tận tuỵ hoạt động không lập được thành tích nào hơn là trình lên ông cố vấn một hồ sơ công tác cũng chỉ giới hạn trong phạm vi dò xét và báo cáo, vì khó lòng mà dò dẫm những người tình võ biền cao cấp hay nghệ sĩ hành nghề tự do.
Ngô Đình Nhu tỏ vẻ không hài lòng trước phúc trình của Tuyến và lòng tự ái của người chồng mọc sừng khiến chàng thốt ra:
- Moa muốn thử xem cơ quan của toa điều khiển hoạt động có đắc lực không, chớ moa cũng không quan tâm đến việc này mấy đâu. Toa nên cho xẹp đi, đừng tiếp tục nữa, mất công.
Viên giám đốc mật vụ tưởng là ông cố vấn gián tiếp chê trách cơ quan của mình thiếu khả năng, nhưng rồi sau đó thấy Ngô Đình Nhu đối xử có vẻ thân mật hơn, mới hiểu ra là người chồng đầy mặc cảm và kiêu hãnh không muốn làm to chuyện.
Mặt khác Lệ hình như hiểu hết công cuộc âm thầm theo dõi của chồng, song vẫn tỏ ra bất chấp, coi thường. Một hôm, nàng tâm sự với bà dì bí thư:
- Tổng thống cũng ghen theo ông cố vấn, dì có thấy lạ đời không?
- Tổng thống nói năng tỏ ý ra sao mà bà cố vấn bảo vậy?
Lệ kể lại:
- Sáng nay tôi vào phòng giấy ông cụ để lấy chữ ký phê chuẩn về một áp phe, mấy lần trước thì ông cụ ký ngay, vui vẻ hỏi chuyện, nhưng hôm nay mặt cứ lầm lì, rồi bảo tôi nên "một vừa hai phải kẻo thiên hạ người ta chê cười".
- Tôi hỏi lý do tại sao, ông cụ chỉ hằn học: "Thím tự xét lấy mình thì biết". Tôi mới nói: "Việc đời tư của tôi thì can dự gì đến anh?" Ông cụ nổi xung, to tiếng: "Thím không được làm ô danh họ Ngô!". Nổi sung lên, tôi cũng la lớn: "Anh làm như là chồng tôi không bằng! Chồng tôi ghen tuông cũng không nói tôi được như vậy nữa là?". Ông cụ giận run, vơ lấy bình mực ở bàn ném vào người tôi, tôi né khỏi, mực vỡ tung tóe cả mặt tường. Tôi cũng giận điên người, chạy tuốt về phòng, lấy chiếc ảnh dì chụp dạo nọ mang đến, quẳng ra trước mặt ông cụ. Trông thấy ảnh mình chụp đang ôm quàng lấy tôi gần như khoả thân, mặt ông cụ tái mét bỗng đỏ nhừ, ngồi lặng thừ người ra. Tôi mới nói: "Như vầy thì họ Ngô đẹp mắt lắm đấy?" Rồi tôi giật lấy ảnh mang đi, mặc cho ông cụ hoảng hồn.
Lệ thắng thế trong việc đương đầu với chồng và anh chồng, biết mình nắm những yếu tố lợi hại buộc anh em họ Ngô phải đành im lìm ngậm đắng nuốt cay mà không sinh sự được với nàng.
 
Nhưng còn đối với những người tình của Lệ? Thái độ chịu đựng âm thầm của Nhu còn nguy hiểm gấp bội sự ghen tuông bộc lộ của bọn đàn ông thường tình khi biết kẻ đã cho mình mọc sừng. Với quyền thế tối cao của cố vấn chính trị, sẵn cơ quan mật vụ trong tay, Nhu có thể thủ tiêu tình địch một cách dễ dăng cũng như giết hại các đối thủ chính trị.
 
Một ít tài liệu giả tạo gán cho tình địch các tội vạ tày trời rồi tra tấn, giam cầm kín đáo cũng đủ tàn hại một đời người, hay ra lệnh cho bộ hạ bắt cóc bí mật buộc đá vào cổ tình địch dìm xác xuống sông thì ai biết đấy vào đâu? Hoặc sai người rình bắn cho tình địch một viên đạn vào đầu rồi đổ tội cho Việt cộng là xong? Còn biết bao nhiêu hình thức để thanh toán tình địch, chỉ cần một tiếng của Ngô Đình Nhu là những kẻ dan díu với Lệ phải biến mất trên cõi đời này.
 
Trong số tình nhân của Lệ, nhạc sĩ Hoàng là cô thế, một kẻ chỉ có cây đàn để sống trên đời, không trông cậy vào một sức mạnh nào để có thể bênh vực cho mình ngoài tài năng của con người nghệ sĩ.
 
Dù Hoàng là một tay săn giỏi, sử dụng súng tài tình, song Nhu có bao giờ tính đến chuyện đấu súng tay đôi với chàng, mà chỉ có sai người rình bắn lén sau lưng. Hoàng lại là người tình mà Lệ trìu mến hơn hết, trở thành tình địch trêu ngươi nhất ở thủ đô trước mắt Ngô Đình Nhu.
 
Những câu chuyện về người tình đẹp trai, tài hoa của bà cố vấn bắt đầu loan ra từ phòng báo chí phủ Tổng thống qua mỗi lần Lệ mời Hoàng vào trong dinh Độc Lập, hay hẹn họ chàng đi Long Hải, Đà Lạt đều đưa đến tai Nhu.
Các báo cáo của mật vụ xác nhận những cuộc gặp gỡ đều đặn giữa Lệ và Hoàng, khiến người chồng bất lực dù cố làm ngơ, đè nén ghen tức, giận dữ rốt cuộc rồi cũng bùng nổ. Ngô Đình Nhu định sát hại tình địch bằng kế độc, bắt đầu bằng nhạc sĩ Hoàng, người được vợ chàng nặng tình hơn hết.
Căn cứ theo những báo cáo của mật vụ về tình địch, Nhu biết Hoàng ngoài giờ dạy tại trường quốc gia âm nhạc chỉ có mỗi thú ham mê là săn bắn, giữ chức tổng thư ký hội săn bắn Việt Nam, mỗi tuần đều lên các vùng Cao nguyên để bắn cọp, voi. Phòng khách của nhạc sĩ đầy những đầu bò tót, trâu rừng chen lẫn với tượng Beethoven, bàn tay Chopin, ảnh Wagner, xác cọp thuộc, đứng cạnh dương cầm, beo gấm bên tủ sách nhạc, súng săn treo ngang với chiếc đũa nhạc trưởng, bao nhiêu chiến vật săn bắn chứng tỏ Hoàng là một tay súng thiện nghệ, không thể dễ hại bằng lối dụ chàng vào rừng săn để bắn lén. Giả tạo giấy tờ để buộc tội Hoàng là cán bộ nằm vùng hoạt động cho Việt cộng rồi bắt giam, an trí vô thời hạn cũng khó vững lý, vì người ta đều biết Hoàng là một nghệ sĩ phóng túng, không ưa chính trị. Cũng không thể gán cho Hoàng là chống đối chánh thể mà trừ khử như các đối thủ chính trị của họ Ngô.
Chỉ có giải pháp bắt cóc và bí mật thủ tiêu là gọn. Ngô Đình Nhu toan thực hiện kế hoạch trừ khử lần lượt các tình địch, giao công tác đặc biệt cho mấy tên thuộc hạ mật vụ đắc lực và trung thành, bỗng phải dừng lại.
 
Lệ cũng có một số tay chân để làm tai mắt trong các tổ chức mật vụ của chồng và ban công tác mật vụ đặc biệt miền Trung của em chồng, Ngô Đình Cẩn, gởi vào hoạt động ở Sài Gòn.
Mọi cuộc theo dõi, rình rập chung quanh Lệ cũng như những sự việc dính dáng đến nàng đều được mật báo riêng đến văn phòng bà cố vấn. Lệ hay được dự tính mưu sát nhạc sĩ Hoàng, người tình cưng yêu của nàng do chồng chủ trương để răn trị hết thảy tình dịch, làm cho họ phải sợ hãi xa lánh nàng. Nhưng Lệ không phải là người chịu khuất phục nghịch cảnh một cách dễ dàng. Nàng tìm cách đương đầu lại mưu toan thâm độc của chồng để cứu nguy cho tình nhân, đồng thời ngăn chặn sự lập đường bít ngõ phiêu lưu tình ái của nàng, Lệ nói thẳng với chồng:
- Có phải anh định ám hại mấy người quen biết em mà anh ghen phải không Nếu anh coi họ là tình địch, anh hãy thách họ đấu súng, đấu gươm hay gì gì cũng được, đường đường, chính chính cho người ta phục chớ giết lén họ sau lưng, mà lại mượn tay người khác, thì không mã thượng một chút nào cả. Như vậy, người khinh thường trước nhất sẽ là vợ anh? Mà đã khinh bỉ nhau, thì làm sao có thể chung sống với nhau được?
Ngô Đình Nhu im lặng trước những lời lẽ có tính cách tối hậu thư của vợ, khiến Lệ mạnh dạn nói luôn:
- Em không tin rằng anh lại có thể làm như vậy, nhưng em cần nói ra, vì không bao giờ muốn bị bắt buộc phải khinh anh. Hơn nữa, em không muốn luôn luôn phải rình rập theo dõi nhau một cách vô lý không thể tha thứ được.
Lòng kiêu hãnh, tự ái của người chồng buộc chàng phải đóng vai anh hùng bất đắc dĩ trước mặt vợ.
Chàng cười nhạt bảo Lệ:
- Sao tự dưng em lại nêu lên thành vấn đề như vậy?
- Anh hãy hỏi lại người của anh đã được giao phó công tác gì thì rõ.
Kế hoạch trả thù tình địch của Nhu bị Lệ phá vỡ ngay từ đầu, người chồng bất lực đành bỏ ngang. Lệ mang sự thắng thế kể lại cho nhạc sĩ Hoàng hay, để làm yên lòng người tình bị chồng nàng đe doạ nhất. Con đường ngoại tình của Lệ từ nay càng thênh thang trước sự khoanh tay chịu đựng của Nhu. Cơ quan mật vụ của phủ Tổng thống ngưng hẳn kế hoạch ám hại tình nhân của bà cố vấn.
Lệ vừa giải quyết xong việc riêng của mình thì bà chị ruột Lệ Ngọc từ Đà Lạt về nhờ can thiệp chặn đứng việc chồng đòi ly dị.
Anh rể Lệ, người chồng của Lệ Ngọc là luật sư Nguyễn Hữu Châu, đang giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao trong chánh quyền họ Ngô.
Biết rõ vợ ngoại tình, Châu không chịu đựng được như người em cột phèo Ngô Đình Nhu, lại vừa bắt gặp vợ đang sánh đôi cùng tình nhân người Pháp ở trong rừng Đà Lạt, liền tuyên bố nhờ luật pháp để bỏ vợ Được tin không may của chị, Lệ muốn tránh tiếng tăm cho gia đình họ Trần, nên nhận lời hứa sẽ thu xếp êm cho chị.
Một buổi sáng, Nguyễn Hữu Châu đang ngồi ở văn phòng bỗng có điện thoại của bà cố vấn chính trị phủ Tổng thống gọi:
- Đây là bà cố vấn… muốn nói chuyện với ông Bộ trưởng Ngoại giao.
- Có tôi nghe đây.
- Anh Châu đó à? Mời anh vô dinh Tổng thống, tôi có việc cần bàn với anh.
- Việc gì mà gấp vậy? Sáng nay tôi bận họp ở Bộ. Để đến chiều tôi vô gặp dì nghe.
- Anh hoãn cuộc họp ở Bộ đến chiều không được sao? Tôi đang đợi anh ở văn phòng đây mà, tôi ít chịu đợi ai hết, kể cả tổng thống.
 
Năm phút sau, chiếc xe đen bóng lộn chở vị Bộ trưởng Ngoại giao vào gặp bà cố vấn. Trước sự hiện diện của bà dì ruột bí thư, Lệ hỏi ngay anh rể:
- Anh lôi thôi thế nào mà chị vào đây khóc lóc than phiền anh dữ vậy?
Nguyễn Hữu Châu cười nhạt đáp:
- Bà ấy lôi thôi thì có, lôi thôi đến độ mà tôi không còn có thể chịu được nữa nên lần này tôi nhất quyết ly dị.
Lệ cau mày, nghiêm lạnh nói:
- Anh không nói đùa đấy chứ?
- Tôi còn bụng dạ nào mà đùa được nữa? Tôi đã nhất quyết lắm rồi! Tôi không thể tiếp tục đóng vai trò người chồng mọc sừng công khai mãi thế này? Tôi muốn dứt khoát cho xong đi!
- Thế anh có nghĩ đến hậu quả xì-căng-đan ly dị đối với địa vị Tổng trưởng ngoại giao của anh không?
Lệ tưởng dùng áp lực chức tước để làm thay đổi ý định của anh rể, song thái độ Nguyễn Hữu Châu có vẻ quyết liệt:
- Địa vị gì cũng không buộc tôi cứ kéo dài cuộc sống hoả ngục với một người vợ như vậy. Tôi không còn chịu đựng được nữa! Anh em bạn bè thiên hạ người ta chửi sau lưng tôi, cười trước mặt tôi, bảo là tôi cứ nhắm mắt làm ngơ cho vợ nó ngang nhiên đi với trai, để cố bám lấy cái ghế Bộ trưởng Ngoại giao nhờ thế lực của bên vợ. Nhục hết sức!
Lệ cười khẩy rồi dịu dàng nói:
- Anh bi thảm sự việc quá đáng. Tôi khuyên anh nghĩ lại, tránh cho khỏi lôi thôi đến chức vị của anh. Anh cũng không lạ gì nữa, ông cụ không bao giờ muốn có một người cộng tác cao cấp có tiếng tăm rắc rối về vợ con… Tôi lấy tình thật thà mà nói với anh như vậy, còn về phần chị, tôi sẽ cố gắng…
Nguyễn Hữu Châu lắc đầu:
- Cám ơn dì, nhưng làm sao mà ai ngăn cản nổi nhà tôi được? Đối với tôi còn có tình nghĩa gì nữa đâu? Chúng tôi đã sống ly thân với nhau rồi, bây giờ ly dị, cũng không có gì là lạ.
- Anh cũng nên nghĩ đến tiếng tăm sẽ đưa đến cho gia đình đôi bên. Dù sao cũng là chị ruột tôi, tôi có bổn phận phải bênh vực, giữ cho thể diện họ Trần.
- Còn thể diện của tôi cứ để bị chà đạp mãi thế này sao?
Vẻ mặt Lệ bỗng trở nên uy nghiêm, nàng nói với giọng kẻ cả:
- Tôi đã lấy tình gia đình mà nói chuyện với anh, nếu anh không nghe, rồi anh sẽ ân hận. Muốn xử lý với nhau, không phải là khó. Tôi không có ý doạ ép anh đâu, nhưng sự thật là vậy, anh nhất định ly dị chị tôi, không phải là dễ dàng, chẳng ích lợi gì cho anh cả, mà trái lại phiền phức nhiều chuyện cho anh nữa. Anh nêu vấn đề thể diện, danh dự, tôi hỏi anh, có phải đây là lần đầu tiên anh khám phá ra vợ ngoại tình không? Anh có phải là người đàn ông, chính khách độc nhất bị mọc sừng không? Anh quan trọng hoá vấn đề một cách lạ lùng quá. Ly dị người vợ ngoại tình, đơn giản lắm, và cứ như anh thì trong xã hội này có hàng vạn vụ vợ chồng đưa nhau ra toà mỗi ngày. Anh là luật sư, anh cũng quan niệm vấn đề một cách lạc hậu như thế sao? Ly dị? Được rồi, nhưng có lấy lại thể diện của người chồng mọc sừng, có giải quyết được vấn đề ngoại tình của người vợ không?
Nguyễn Hữu Châu bỡ ngỡ trước những lý luận của cô em vợ quá quắt và không khỏi thầm nghĩ là Lệ có lý khi nàng nói tiếp:
- Theo ý tôi vấn đề chính là làm sao ông chồng chinh phục lại được bà vợ ngoại tình chớ đòi ly dị chỉ thú nhận sự thất bại hoàn toàn của người đàn ông bất lực mà thôi.
Châu gượng cười, mỉa mai nói:
- Tôi cũng đành thú nhận là hoàn toàn thất bại và không có tài chinh phục lại bà vợ chỉ thích thú đàn ông không phải là chồng mình! Tôi xin chịu tiếng là bất lực trước thứ vợ bất trị này.
Thấy khó lòng lay chuyển được nữa, Lệ bảo anh rể:
- Anh nhất quyết như vậy, tôi e sẽ gây nên hậu quả không hay cho anh.
- Tôi sẵn sàng chờ đợi tất cả, miễn sao ly dị được thì thôi.
Lệ im lặng, cau mày bỏ đi. Châu đứng lên theo. Bà bí thư vẫn ngồi im lặng nghe từ đầu câu chuyện đưa tay lên bảo cháu rể ngồi lại rồi thong thả nói:
- Dì biết là cháu khổ tâm lắm, song dì cũng khuyên cháu nên nghĩ lại đã, chớ việc quan trọng cả một đời chẳng những riêng đến gia đình cháu, mà còn ảnh hưởng đến cả tương lai công việc của cháu nữa. Dì nói thế cháu cũng đủ hiểu rồi. Chị em nó dù sao cũng phải thương yêu đùm bọc nhau.
Châu lắc đầu buồn bã:
- Cháu đã nghĩ kỹ lắm rồi, cháu không thể đóng vai người chồng hờ để nhìn vợ mình ngang nhiên làm những chuyện chướng tai gai mắt với kẻ khác, không kể gì đến cháu. Dì không rõ: nó cặp với một thằng Tây hướng dẫn săn bắn, kéo ngay về nhà ở Đà Lạt sống chung như vợ chồng chính thức, đến khi cháu lên trên ấy, nó cũng mặc, coi cháu như không có, vẫn thản nhiên ngủ với trai: ở địa vị người chồng, dì có chịu mãi được không?
Khuôn mặt của bà goá phụ kỹ sư, bí thư bà cố vấn bỗng nhuốm vẻ hiền từ qua những lời nói dịu dàng của một từ mẫu:
- Dì coi vợ cháu cũng như con, và cháu cũng như rể của dì vậy, thiệt dì cũng không biết nói sao nữa, vì cháu đã nhất quyết như vậy rồi. Chỉ mong việc của hai người thu xếp sao cho êm thấm, dừng gây tai tiếng, không tốt đẹp gì cho bên nào cả. Còn địa vị tương lai, danh giá của cháu… cháu nên thận trọng, dì chỉ biết thương cháu hiền lành mà nói vậy thôi.
Giọng nói bà dì bỗng nghẹn ngào, đôi mắt rơm rớm gần muốn khóc, khiến Châu cảm động, chân thành thổ lộ:
- Cám ơn dì nhiều lắm. Cháu lấy làm lạ là cùng chị em ruột mà dì lại khác hẳn má vợ cháu. Nếu vợ cháu giống được dì một phần nào thì cũng đã là hạnh phúc cho cháu lắm rồi. Không phải cháu kể xấu, cháu chỉ nói ra những nhận xét thành thật đối với dì thôi, làm sao mà hai chị em con vợ cháu nó lại quái gở như vậy? Người ta bảo "con hư tại mẹ" kể cũng đúng. Cháu mang tiếng là trí thức, luật sư, con nhà điền chủ, lại sinh đẻ ở Nam, tính cháu ngay thật, không thể nào chịu được tiếng nhờ ảnh hưởng của vợ mà leo lên ngồi mãi ở ghế Bộ trưởng Ngoại giao ngày nay. Nói thiệt với dì, cháu không phải là hạng trí thức như ông gì… đó, được má vợ cháu thu xếp cho làm đại sứ ở Ba Lê hiện thời, nhờ chỗ tình xưa, nghĩa cũ với bà. Trước kia, tình thiệt cháu nghĩ là dượng Nhu mời cháu ra hợp tác, không phải chỉ là vì anh em bạn rể với nhau mà thôi. Nhưng gần đây cháu đã hiểu rõ, sở dĩ cháu được giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao chỉ vì vợ cháu là chị vợ Ngô Đình Nhu.
- Ai nói với cháu như vậy?
- Thì chính vợ cháu chớ ai? Dì nghĩ có mỉa mai không" Cháu làm luật sư, gia đình cháu cũng vào bực giàu có lớn ở Nam, có phải cháu thèm muốn danh vọng, ham tiền bạc đâu mà phải đưa đầu chịu nhục cho một người đàn bà nó vừa cắm sừng vừa tuyên bố ban chức tước cho mình?
Trước vẻ sôi nổi của cháu rể, như đang khoác áo luật sư bùng biện trước toà, bà dì bình tĩnh ngắt lời:
- Thôi, cháu giận làm gì nữa, đã tính không ăn đời ở kiếp với nhau thì làm sao thu xếp cho ổn thoả là hơn. Ở Huế người ta hay nói câu này: "Khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét bồ hồn cũng méo", dù có ly dị nhau, cháu vẫn xử sự quân tử, không ai cười được cháu.
Ba hôm sau cuộc hội kiến với bà cố vấn em vợ cùng bà dì bí thư tại phủ Tổng thống, Nguyễn Hữu Châu nghe tin đồn từ văn phòng cố vấn chính trị đưa đến Bộ Ngoại giao là sắp có sự thay đổi người cầm đầu bộ này, vì ông cụ không bằng lòng ông Bộ trưởng đương chức bê bối chuyện gia đình. Đơn xin ly dị vợ vừa gởi đến toà án được hai hôm thì thấy em vợ, Trần Văn Khiêm mang danh luật sư đến tận nhà.
- Tôi nói cho anh biết, nếu anh không rút đơn xin ly dị đi thì chẳng những chức Bộ trưởng Ngoại giao của anh đi đứt mà còn nguy cho anh nữa là khác. Anh tưởng với những bằng chứng, hình ảnh được đưa ra để buộc tội chị tôi về việc ngoại tình quả tang mà toà xử cho anh chàng, dứt bỏ được vợ dễ dàng, tài sản của anh không phải chia xẻ cho chị tôi hả? Anh cho là anh hiểu biết pháp luật, anh tin ở công lý nhất định lẽ phải về anh, chắc chắn thế nào anh cũng được chứ gì? Đàn em xin lỗi anh mà nói là anh hãy còn ngây thơ lắm! Là luật sư là chánh khách ngoại giao, anh còn có thể tin ở pháp luật, công lý lúc này nữa à? Thưa anh, ai cầm quyền hiện giờ? Thế nào là luật lệ của kẻ mạnh? Anh đang yếu thế mà tính đến nói chuyện luật pháp, công bằng. Thật là vô lý hết sức?
Nguyễn Hữu Châu cố nhịn ngồi nghe cậu em vợ nổi tiếng lưu manh cậy thế bà chị cố vấn tự khoác cho mình bộ áo luật sư, ngang nhiên múa máy qua mặt hội đồng luật sư và toà án, im lặng bất lực, để làm tiền các giới áp phe, giờ đây giở ngón bắt nạt cả ông anh rể hiền lành. Nhìn bộ râu kiểu tài tử chớp bóng múa nhảy trên lỗ miệng ba hoa một cách đáng ghét, Châu chỉ muốn tát cho nó câm đi, song nhận thấy những lời khinh bạc của Trần Văn Khiêm bộc lộ cả một bộ mặt thật của công lý hiện tại, nên thầm cám ơn kẻ dám nói sự thật với mình.
Thấy anh rể lặng im, có vẻ đã thấu hiểu, Khiêm nói thêm:
- Sao anh lại lẩm cẩm thế? Địa vị Bộ trưởng của anh bao nhiêu kẻ thèm muốn không được, lại còn gia tài của anh nữa, ly dị thì phải chia đôi cho chị tôi, dại gì bỗng chốc vì một chút tự ái hão mà tung nó đi? Mọc sừng, có khác nào như bệnh phong tình, việc gì mà xấu hổ, quan trọng hoá nó ra! Anh thấy có người chồng nào chết vì bị vợ cắm sừng đâu?
Hình ảnh người vợ dâm đãng hiện ra trước mắt Nguyễn Hữu Châu với cảnh Lệ Ngọc công khai ân ái cùng người tình Pháp như muốn biểu diễn trước mặt những dân Thượng ở giữa rừng Đà Lạt, những tiếng kêu rên khoái lạc trong tay tình nhân, thái độ bất chấp của nàng khi Châu bắt được tại trận cảnh đang trần truồng… giờ đây còn làm nóng bừng mặt chàng khiến Châu dằn lòng không được, thốt ra:
- Tôi không phải là đồ vô liêm sỉ!
Trần Văn Khiêm cười nhạt:
- Mọc sừng mà anh cho là vô liêm sỉ thì cũng lạ thật? Giữa đàn ông với nhau, tôi đã nói hơn thiệt sự tình mà anh không nghe, bây giờ xin lấy tính cách đồng nghiệp nói về chuyện này. Trên phương diện luật pháp anh không ly dị được chị tôi đâu! Anh là người Nam lấy vợ Trung ở Bắc, chắc anh không biết câu hát này của xứ Huế, tôi xin nhắc lại để tặng anh:
Ví dầu tình bậu muốn thôi
Bậu gieo tiếng dữ cho rời bậu ra
Bậu ra cho khỏi tay qua
Cái xương bậu nát, cái da bậu mòn.
Lời lẽ tuy quê mùa thật đấy nhưng rất đúng với trường hợp của anh hiện thời. Bậu mà dứt khỏi tay chị tôi được thì bậu cũng ra vậy đấy. Đàn em cho anh hay là sắp sửa có một đạo luật ra đời ngăn cấm việc ly dị, anh còn mong gì thoát ly được nữa!
Trong tuần ấy, sau đơn xin ly dị vợ trước toà án, Nguyễn Hữu Châu bắt buộc phải đệ đơn từ chức Tổng trưởng ngoại giao.
Từ văn phòng bà cố vấn một đạo luật gia đình mới đưa ra.
Luật sư Trương Đình được giao cho soạn thảo ngày đêm không ngừng để kịp thời đưa ra Quốc hội.
Mấy dân biểu Hà Như Chi, Lại Tư, Nguyễn Phương Thiệp… thuộc hạ đắc lực của bà cố vấn, cùng các trưởng khối cộng đồng Nhân vị Liên minh xã hội, lãnh nhiệm vụ sửa soạn toàn thể Quốc hội đón tiếp trọng thể đạo Luật gia đình mà tác giả là bà cố vấn.
 
Trên một trăm những kẻ tự xưng là trí thức, nhân sĩ, đại diện của các tầng lớp xã hội quốc gia đã nhờ luồn cúi, nịnh bợ, chạy chọt, vận động, tình nguyện làm tay chân cho anh em họ Ngô, được chỉ định ra làm dân biểu, đều nhất loạt hân hoan đứng lên vỗ tay ầm ĩ khi thấy bà cố vấn tuyên bố đưa dự án Luật gia đình cho Quốc hội thảo luận và biểu quyết.
 
Trước đám tôi tớ trung thành thuộc đám thượng lưu trí thức răm rắp cúi đầu, cong lưng tuân dạ, chờ một lời nói một cử chỉ của bà cố vấn để tán thành, hoan hô, Lệ uy nghi lộng lẫy như một nữ hoàng uy quyền trước bầy nô lệ dưới thời phong kiến xa xưa.
Ngồi trên chiếc ngai bọc nhung đỏ riêng biệt giữa hội trường, Lệ cũng chỉ là một dân biểu như mọi người có mặt chung quanh, song những kẻ đồng viện đểu khép nép, kính cẩn, xem nàng như một bậc uy quyền tối thượng.
Tất cả im phăng phắc hướng về phía Lệ, đợi cho nàng dứt lời nói về Luật gia đình mà vỗ tay ủng hộ.
Các dân biểu tranh nhau đứng ra tỏ dạ trung thành bằng những tán dương, nhiệt liệt hoan nghênh tác phẩm "cách mạng" của bà cố vấn. Vị chủ tịch Quốc hội lên tiếng yêu cầu các bạn đồng viện biểu quyết trong khi còn nhiều người hăng say giơ tay xin nói để được bà cố vấn để ý. Dự án Luật gia đình của bà dân biểu cố vấn Ngô Đình Nhu được thân thể dân biểu, đại diện cho thân thể nước Việt Nam biểu quyết chấp thuận với số phiếu tối đa. Những tràng pháo tay không ngớt bày tỏ lòng dạ chí thành của một trăm mấy chục dân biểu.
Lệ rời khỏi quốc hội bước lên xe, vẫn còn nghe thấy tiếng hoan hô vang dậy của đám thuộc hạ dân biểu.
Trên đường về dinh Độc Lập, Lệ tin tưởng chứa chan ở tương lai: Đạo luật gia đình chẳng những nàng đã nghĩ ra để giúp chị buộc anh rể không được ly dị, giữ lại cái gia tài lớn lao của nhà chồng cho chị, mà còn bảo đảm cho Lệ dồn chồng vào thế phải buộc chặt vào đời nàng, không có thể dứt được nàng, dù cho Lệ ngoại tình đến đâu chăng nữa.
Với sự ban hành Luật gia đình ngăn cấm ly dị đã được Quốc hội chấp thuận và Tổng thống chuẩn y, cựu Bộ trưởng Ngoại giao luật sư Nguyễn Hữu Châu đành bất lực chứng kiến cảnh lộng hành của người vợ ngoại tình càng quá quắt hơn nữa.
Về mặt pháp lý, Châu bắt buộc phải cung phụng đầy đủ cho vợ, và Lệ Ngọc ngang nhiên lấy tiền của chồng theo chế độ phu phụ tài sản để bao bọc tình nhân. Ông chồng mọc sừng luật sư cho người theo rình chụp ảnh được cả hàng chục kiểu vợ đang biểu diễn ngoại tình, để có những bằng chứng cụ thể trình bày giữa toà án, nhưng Luật gia đình của bà cố vấn em vợ đã làm cho Châu tuyệt vọng.
Trên mười năm chăn gối vợ chồng, Châu đã hơn một lần bị Lệ Ngọc cắm sừng, song các cuộc yêu đương vụng trộm của nàng thường chỉ thoáng qua, người chồng chưa kịp đặt vấn đề ghen tuông với tình địch thì đã thấy vợ bỏ rơi, chạy theo một hình ảnh khác.
Những mối ngoại tình của Lệ Ngọc mang một tính cách thời trang đặc biệt, chịu ảnh hưởng các phong trào vui vẻ, trẻ trung, ăn chơi, thể thao, văn nghệ… và cứ mỗi mốt thịnh hành ngoài đời là nàng có một tình nhân mới từ nhạc sĩ, vũ sư đến lực sĩ, võ sư… đủ các mặt, như các kiểu áo dài treo đầy tủ của nàng mặc đổi thay theo mốt rồi bỏ đi.
 
Trong cuộc sống trưởng giả, thừa sẵn tiền bạc của người chồng luật sư con nhà đại điền chủ Nam kỳ, Lệ Ngọc tha hồ phè phỡn, tự do buông lơi theo lôi cuốn thoả thích vật chất trước người bạn gối chăn mềm yếu, quá chiều nể vợ. Nguyễn Hữu Châu nhẫn nhục chịu đựng trong tâm trạng thụ động, khốn khế nhận thấy từ vợ đến em gái vợ, mẹ vợ, có một nếp sống đa tình, lãng mạn khác thường. Lệ Ngọc lại thuộc vào loại phụ nữ loạn tình, thích sự phô diễn, trái hẳn với bản chất bình thường của đàn bà là kín đáo, âm thầm trong đời sống tình đục.
Từ ngày gặp người tình ngoại kiều ở Đà Lạt, một gã hướng dẫn săn bắn, nàng như người đàn bà hồi xuân mới bắt đầu nếm vị tình yêu say mê, cuồng loạn, không còn gìn giữ gì nữa đối với chồng.
Nguyễn Hữu Châu bị em vợ dồn tới chỗ phải từ chức Bộ trưởng Ngoại giao, trở về với văn phòng luật sư. Trong lúc buồn chán, Châu làm quen với một thiếu nữ, định làm lại cuộc đời với cô bạn gái mới, thì bị vợ chàng khám phá, nhờ tay chân của bà cố vấn bắt cóc đi, nhốt một nơi, rồi đe doạ:
- Muốn cho mèo của anh khỏi bị thủ tiêu, anh phải bỏ ý định ly thân, ly dị tôi, và không được lui tới với cô ả nữa.
Bị bên vợ đầy quyền thế tấn công mọi mặt, gây phiền nhiễu cho đời sống cá nhân, Châu tính chỉ còn cách bỏ xứ mà đi.
Sẵn quen với Quốc trưởng nước láng giềng Cambodge là chỗ bạn học cũ, Châu lén sang xứ Nam Vang, rồi từ đó đáp máy bay đi Ba Lê.
Việc luật sư Nguyễn Hữu Châu, cựu Bộ trưởng Ngoại giao, anh em rể ông cố vấn chính trị phải lánh nạn sang Pháp, đã gây nên một dư luận bàn tán trong các giới thượng lưu và trí thức ở Sài Gòn.
Người ta xầm xì rằng Luật gia đình của bà cố vấn đưa ra chỉ có mục đích bảo vệ cho người vợ ngoại tình bị chồng đòi ly dị, đồng thời ngăn ngừa luôn cho bản thân đệ nhất phu nhân về sau.
Lệ được báo cáo của thuộc hạ, liền chỉ thị cho Bộ Thông tin viết bài gởi đăng các báo, ca ngợi đạo luật của bà cố vấn "mở đầu một kỷ nguyên mới cho xã hội Việt Nam, bênh vực quyền lợi cho chị em con cháu Hai Bà Trưng".
 
Ngô Đình Diệm đã nhắm mắt chuẩn y tác phẩm của cô em dâu tự tay đưa trình, choáng người lên khi đọc thấy bài báo đăng trong tờ Le Monde, xuất bản ở Ba Lê.
Tác giả là luật sư Nguyễn Hữu Châu, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao đã trình bày các sự thật không đẹp đẽ của chế độ gia đình trị, và Luật gia đình của bà cố vấn, em dâu Tổng thống, vị đệ nhất phu nhân, con người thật sự cầm đầu chế độ họ Ngô, đã khiến cho anh rể, một kẻ trí thức tự trọng phải từ bỏ chánh quyền, rời bỏ gia đình chọn lấy con đường lưu vong.
Diệm giận dữ cho gọi Lệ đến, đưa tờ báo ra trước mặt nàng, lớn tiếng hỏi:
- Thím làm cách răng ra cớ sự để người ta công kích như rứa?
Lệ liếc qua bài báo, tên tác giả, rồi cười nhạt nói:
- Anh tin lời lẽ của kẻ bất mãn trong chánh phủ, bất lực trong gia đình? Bị thôi chức, bị vợ chê, lẽ tất nhiên là người ta kiếm chuyện này nọ, hơi đâu mà để ý đến cho mệt.
- Nhưng tờ báo này xuất bản ở Pháp, có tiếng đứng đắn, sẽ có ảnh hưởng đến dư luận ngoại quốc. Trong Luật gia đình của thím có những chi mà người ta chỉ trích như vậy?
- Anh đã chuẩn y ban hành rồi mà không biết trong đó có gì à?
- Thì giấy tờ thím đưa ra tôi cứ việc ký tên, tin ở thím, chớ có đọc qua đâu!
Khuôn mặt tròn bầu, phinh phính đầy thịt của Diệm đang ửng hồng bỗng tái đi vì tức giận.
- Tôi tin ở chú thím, hoàn toàn để cho chú thím quyết định mọi việc thím không khéo thu xếp để cho chính người trong nhà, anh rể thím gây nên tai tiếng như vầy, chừ thím tính sao?
Lệ cãi:
- Luật gia đình của em đưa ra, nhà em đã đồng ý, anh cũng bằng lòng, rồi tới Quốc hội tán thành, chừ anh lại đổ lỗi tại em thì thiệt là vô lý. Ông Nguyễn Hữu Châu là anh rể em, nhưng cũng là Bộ trưởng Ngoại giao của anh…
Diệm bực tức ngắt lời:
- Tại chú thím biểu, tôi mới cho ông ấy nghỉ chứ.
Lệ giận dỗi nói:
- Tại em, cái chi không hay chừ cũng đổ tại em hết, như em là cái kẻ phá hại nhà này không bằng!
Thấy em dâu vùng vằng bỏ đi, Diệm ngồi thừ người rồi ngước mắt lên nhìn cây thánh giá lớn bằng gỗ trên tường, như muốn tìm nơi trông cậy giúp đỡ ông đang lúc khó khăn.
 
Mỗi lần gặp một vấn đề gay go, theo lệ thường, Diệm đầu ngước lên thánh giá treo trên hình ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, rồi quyết định.
Đối với việc rầy rà do cô em dâu gây nên, Diệm đã mấy lần nhìn thánh giá mà cũng vẫn phân vân, không biết nên giải quyết dứt khoát cách nào.
Trong cuộc sống độc thân của người đàn ông đã luống tuổi, đều đặn hàng ngày, Diệm thức dậy lúc sáu giờ sáng, đọc kinh và cầu nguyện gần một tiếng đồng hồ, hoặc rước lễ ngay tại dinh Độc Lập, do một linh mục vào đấy làm lễ, rồi mải mê làm việc trung bình 12 giờ mỗi ngày, và đọc kinh tối, chăm chỉ như thuở nào ở tại nhà Gióng. Cô đơn như kẻ tu hành, Diệm tự cho là "có một sứ mạng thiêng liêng" và tâm sự không giấu diếm ý tưởng này cùng báo chí ngoại quốc đến phỏng vấn, tuyên bố rằng ông được thụ hưởng cả gia tài tinh thần của phái tu sĩ Dòng Tên (Jésuite) Tây Ban Nha, lẫn truyền thống Khổng giáo.
Cũng trong ý niệm này, Ngô Đình Diệm vẫn tự nghĩ mình là kẻ nối liền giữa dân tộc và Đấng Tối cao, như ngày trước bậc thiên tử thay mặt Trời để trị dân.
 
Được đám bầy tôi chung quanh suy tôn, thần thánh hoá, Diệm càng bị mê hoặc với "thiên mạng" cứu tinh dân tộc, lãnh tụ anh minh.
 
Đời sống tình cảm của Diệm thu hẹp lại trong gia đình người em làm cố vấn chính trị, những giờ phút gần gũi các cháu, kề cận cô em dâu lửng lơ.
Với những kinh nghiệm từng trải bên đàn ông, Lệ đã thấy rõ người anh chồng độc thân có những nhược điểm thông thường của giống đực, hơn nữa là một kẻ bị dồn ép, có nhiều mặc cảm đối với nữ giới.
 
Nàng nhận thấy những cử chỉ đỏ mặt luống cuống mất hẳn bình tĩnh của Diệm trong những lúc nàng một mình đến gần hoặc thử thách anh chồng bằng cách đứng sau lưng, ngực nàng chạm vào vai, hơi thở sát một bên má khi đưa giấy tờ cho Diệm ký. Trước lối trang phục mỏng manh, phô bày lồ lộ thân hình của Lệ, Diệm không dám nhìn thẳng mà chỉ liếc trộm, ngáy ngất trong mùi phấn, nước hoa kích thích, xúc động bối rối hiện ra mặt. Đôi khi Lệ tinh nghịch trêu ngươi Diệm, để xem phản ứng buồn cười của anh chồng, rồi kể lại cùng bà dì ruột bí thư:
- Có lẽ tôi phải cưới vợ cho Tổng thống mới được, không thì ổng cụ bị dồn ép mà hoá điên mất.
Tìm hiểu quãng đời trước của Diệm, Lệ được người ta kể lại rằng trong thời trai trẻ, Diệm có yêu một thiếu nữ cùng đạo, nhưng rồi bị Phan Văn Giáo, một dược sĩ ăn chơi phỗng mất người đẹp, khiến Diệm tuyệt vọng tính chuyện đi tu. Có lẽ đó là hình ảnh đàn bà duy nhất thoáng qua trong đời Diệm và ngày nay chỉ có mỗi một mình Lệ là người nữ bằng xương bằng thịt sống gần Diệm.
 
Dưới mắt Lệ, Diệm chỉ là người đàn ông thụ động, dễ dàng bị áp lực sắc sảo của nàng áp dào và vì vậy Lệ có thể giựt dây như một con rối. Lệ tin ở ảnh hưởng mạnh mẽ của mình có thể hướng người anh chồng yếu mềm nhút nhát mà nàng đã nắm giữ được những nhược điểm. Có lần Lệ đã thốt ra với bà dì:
- Tổng thống chẳng khác nào vua Louis thập lục.
- Sao bà cố vấn lại ví ông cụ với vị hoàng đế nước Pháp bị dân chúng Ba Lê nổi dậy phá ngục Bastille đưa lên máy chém?
- Không, tôi muốn nói Tổng thống giống vua Louis thập lục ở chỗ khác. Ở chỗ là vua Louis là người chồng bất lực đối với hoàng hậu Marie Antoinette, và trạng thái sinh lý bệnh tật của vua Louis thập lục là một trong những nguyên nhân xoay hướng lịch sử, làm cho cuộc cách mạng 14 tháng 7 năm 1878 sớm thành công. Tôi nghĩ rằng đời sống tâm tình của các nhà lãnh đạo có nhiều khi ảnh hưởng đến cả bước tiến triển của lịch sử.
 
Chú thích:
(1) Anh em nhà Karamazov.