Chương 16
TRIỀU ĐÌNH NHÀ NGÔ

- Bẩm bà cố vấn, chúng tôi đệ trình kế hoạch kinh tài này để gây quỹ riêng cho tổ chức Phụ nữ liên đới, xin thỉnh ý bà cố vấn, kính mong được bà cố vấn phê chuẩn cho, để chúng tôi có cơ hội may mắn chứng tỏ thiện chí nhiệt thành phục vụ cho phong trào do bà cố vấn hướng dẫn.
Lệ đưa mắt liếc qua dự án của viên Bộ trưởng tài chánh đang khúm núm thưa thốt, rồi lạnh lùng nói:
- Ông để tôi xét lại xem sao đã.
- Dạ, bẩm bà cố vấn thực lòng chúng tôi chỉ mong có dịp để được bà cố vấn sai bảo.
Lệ đã quen chứng kiến những cảnh nịnh bợ, khép nép của các Bộ trưởng, giám đốc, nhân vật chánh quyền, và cho những vòng tay, khom lưng, bước thụt lùi, những lời bẩm báo của đám người mệnh danh là thượng lưu trí thức kia những cử chỉ tự nhiên, không thể thiếu sót của chung quanh đối với anh chồng Tổng thống với chồng cố vấn chính trị, với nàng, đệ nhất phu nhân. Không khí quy luỵ, nặng mùi phong kiến không còn làm cho Lệ khó chịu nữa, trong khi những kẻ theo phò chế độ họ Ngô xem đó là hình thức lễ nghi cần thiết, và dinh Độc Lập trở nên một triều đình với những quan lại tân thời vào chầu hoàng đế Tổng thống, hoàng hậu đệ nhất phu nhân. Lệ đọc qua mấy dòng đầu bản dự án kinh tài rồi hất hàm hỏi viên Bộ trưởng:
- Kế hoạch kinh tài của ông có thể đưa lại được chừng bao nhiêu cho quỹ?
- Bẩm bà cố vấn, dạ, không dưới ba chục triệu, mà có thể thâu về phân nửa là ngoại tệ. Chúng tôi cam đoan với bà cố vấn là hình thức kinh tài này, vừa hợp pháp và lại mới mẻ. Chúng tôi đã nghiên cứu cẩn thận, không có chỗ nào sơ hở. Chỉ cần sự đồng ý của bà cố vấn.
- Được tôi đồng ý trên nguyên tắc.
Vị Bộ trưởng không giấu nổi sự hân hoan, đứng lên:
- Dạ, bẩm xin đa tạ bà cố vấn.
Lệ mỉm cười nói:
- Tôi cám ơn sáng kiến của ông gây quỹ cho Phụ nữ liên đới mới phải chớ.
- Bẩm bà cố vấn dạy quá lời. Chính chúng tôi phải đội ơn bà cố vấn đã ban cho chúng tôi cơ hội may mắn được bà cố vấn sai khiến.
Trong khi viên Bộ trưởng đang xun xoe tâu hót, chuông điện thoại ở bàn giấy Lệ reo, nàng nhấc lên hỏi:
- Alô, phải, bà cố vấn đây, Tổng thống muốn nói chuyện với tôi à? Được tôi nghe đây. Dạ, anh biểu chi? Việc cần à, em sang ngay.
- Em đang mắc tiếp chuyện với ông Bộ trưởng tài chánh. Sao? Anh muốn nói với ông ấy hả? Được.
Lệ đưa ống điện thoại cho viên Bộ trưởng:
- Tổng thống muốn hỏi ông chuyện chi đó.
Vị Bộ trưởng tài chánh kính cẩn đưa cả hai tay cầm lấy ống nói rồi tự nhiên quỳ gối xuống một cách kính cẩn khác thường.
- Dạ, dạ, bẩm Tổng thống, dạ, con đang nghe đây. Dạ, bẩm thưa Tổng thống truyền dạy gì con? Dạ, dạ, dạ, dạ… bẩm Tổng thống…
Đằng đầu dây kia, Ngô Tổng thống gắt gỏng:
- Tôi nghe báo cáo là thầy tằng tịu với một cô tài tử xi-nê, làm cho to bụng, rồi gởi qua đẻ bên Pháp. Thầy thu xếp làm sao mà cô ta tuyên bố lung tung ở Ba Lê, rồi báo chí bên ấy đăng tin là vợ ông Bộ trưởng tài chính này nọ… Thầy có lôi thôi với cô ta không?
Viên Bộ trưởng tài chánh quỳ gối, cầm ống điện thoại run sợ thưa:
- Dạ, bẩm Tổng thống, tha tội cho con… quả con có trót dại, vì con sống độc thân, chưa có vợ. Con xin Tổng thống thương tình mà tha tội cho con.: con không dám lầm lỗi nữa.
Diệm quát lên ở đầu dây nói:
- Làm Bộ trưởng cho tôi mà sao thầy lại lôi thôi nữa?
- Bẩm cụ, con không vợ, con trót dại… con lạy cụ, cụ thương mà tha cho… dạ, dạ… con xin muôn vàn đội ơn Tổng thống tha tội cho con…
Nhìn Bộ trưởng tài chánh trong dáng điệu kính cẩn sợ sệt quỳ gối hầu chuyện qua điện thoại với Tổng thống, van lạy xin tha tội ân ái với một cô đào chớp bóng, Lệ không khỏi thương hại, buồn cười cho chức tước, địa vị, anh em chồng bà đã tạo nên những tay sai trung thành tột bực, biến những kẻ học thức thành nô lệ phục vụ chế độ.
Viên Bộ trưởng trịnh trọng để ống điện thoại xuống, thưa với Lệ:
- Bẩm bà cố vấn…
- Ông muốn tôi nói giúp với Tổng thống?
- Dạ, bẩm bà cố vấn, con xin thưa đầu đuôi câu chuyện để bà cố vấn rõ: Con có lỡ dại giao du thân mật với một cô đào chớp bóng, cùng với hai ông Bộ trưởng Ngoại giao và công dân vụ. Đến khi cô ta có chửa, thì lại nhất quyết đổ cho con. Con phải thu xếp cho cô ta đi Pháp để sinh, song bên ấy không rõ do ai xúi giục, cô ta tự xưng là bà Bộ trưởng bộ tài chính và tuyên bố lăng nhăng làm cho báo chí nói tới. Việc này đến tai Tổng thống, cụ là bậc cha mẹ, có thương con thì mới quát mắng, nhưng quả tình là oan ức cho con đã phải đứng ra nhận làm cha đứa trẻ không ai thừa nhận, lại còn mang tiếng lôi thôi nữa. Mà con là người đến sau hai ông Bộ trưởng Ngoại giao và công dân vụ, con mới quen biết cô ta. Bẩm bà cố vấn minh xét cho. Có phải một mình con có ăn thì phải gánh chịu cho cam, nhưng thực sự là con hàm oan. Mong bà cố vấn minh oan giùm cho con với, con sợ không dám gặp Tổng thống để trần tình, trong lúc cụ đang còn giận. Bẩm bà cố vấn cứu giúp con, cũng như là tái sanh cho con một lần nữa, công ơn ấy con nguyện khắc cốt ghi tâm cho đến chết.
Nói rồi vị Bộ trưởng thụp xuống quỳ lạy trước sự ngạc nhiên của vị đệ nhất phu nhân và bà dì bí thư. Ngồi ở cuối phòng, Lệ đứng lên khoát tay:
- Ông đừng làm như vậy, tội chết, tôi còn ít tuổi hơn ông Bộ trưởng nhiều. Ông đứng lên đi. Rồi gặp Tổng thống tôi sẽ nói giúp cho.
Ông Bộ trưởng ngừng lại, lồm cồm đứng lên chắp tay vái lia lịa, vừa nói:
- Bẩm con xin đội ơn bà cố vấn…
- Thôi, ông Bộ trưởng cứ yên tâm về đi, tôi sẽ nói với Tổng thống cho, không có sao đâu.
- Bẩm trăm sự con xin trông cậy vào bà cố vấn.
Ông Bộ trưởng mừng rơn vừa vái chào, vừa đi thụt lùi ra khỏi phòng bà cố vấn.
Những tràng pháo tay vang dậy làm thức tỉnh các nghị sĩ đang gật gù phá tan không khí tẻ nhạt bao trùm cả hội trường, khi nữ dân biểu Trần Lệ Xuân đưa ra bản dự án "lành mạnh hoá xã hội" yêu cầu Quốc hội biểu quyết.
Đám dân biểu thi đua nhau lên tiếng tán dương sáng kiến của nữ dân biểu đồng viện, bà Cố vấn chính trị Tổng thống, đặc biệt là cấm hành nghề vũ nữ.
Tài hùng biện của luật sư Lê Trọng Quát, mánh khóe ăn nói của giáo sư Hà Như Chi, ngón ca tụng của chủ báo Huỳnh Thanh Vị, Bùi Quang Ngà và bầy thuộc hạ Cần Lao lần lượt trổ tài ca ngợi đệ nhất phu nhân.
- Thưa các bạn đồng viện, dự án "lành mạnh hoá xã hội" là cả một cuộc cách mạng xã hội, và đề nghị cấm hành nghề vũ nữ, một nghề chà đạp nhân vị, hạ phẩm giá phụ nữ, xúc phạm thuần phong mỹ tục, kích thích thú tính, tổn thương đến truyền thống luân lý, đạo đức của dân tộc, đề nghị ấy của bà cố vấn chính trị, nữ đồng viện khả ái khả kính kính của chúng ta, mở một kỷ nguyên mới cho công cuộc bảo vệ phụ nữ, nâng cao địa vị người đàn bà lên ngang hàng nam giới, xứng đáng là con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu.
Nữ dân biểu phong trào Phụ nữ liên đới đứng lên phụ hoạ theo:
- Cấm hành nghề vũ nữ, tức là đả phá chủ trương ích kỷ của nam giới, xem chị em là một trò vui chơi, trò mua vui hạ thấp nhân vị phẩm giá phụ nữ. Thử hỏi trên đời này, nếu không có đàn bà làm sao có đàn ông? Bao nhiêu anh hùng lỗi lạc, danh nhân thế giới trong lịch sử nhân loại, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, há chẳng phải do người đàn bà sinh ra hay sao? Cho nên cấm hành nghề vũ nữ tức là gạt bỏ một sự bất công của nam giới khinh rẻ nữ giới, coi đàn bà là một phương tiện hưởng lạc, một thứ xa xỉ phẩm để cho đàn ông giải trí. Bởi vậy, tôi nhiệt liệt hoan nghênh dự án cách mạng của bà cố vấn, bênh vực cho quyền lợi của người phụ nữ, xứng đáng tấm gương anh dũng của Hai Bà Trưng.
Nhiều tràng vỗ tay hoan nghênh, sau những lời lẽ nguyên văn như thế do các nghị sĩ tranh nhau tán tụng. Trần Lệ Xuân như một bậc anh thư của dân tộc. Rồi toàn thể Quốc hội biểu quyết tán thành dự án cấm khiêm vũ, cấm mua bán dâm, mệnh danh "lành mạnh hoá xã hội của đệ nhất phu nhân".
Đến lúc bàn về các khoản của ngân sách quốc gia trong niên khoá, nghe ông trưởng khối Cần Lao thuyết trình về sự tiêu phí hàng trăm triệu dành riêng cho sự tiếp tân và ăn uống ở phủ Tổng thống, một nghị sĩ độc lập tỏ vẻ thắc mắc, lên tiếng hỏi:
- Xin thuyết trình viên cho Quốc hội được biết rõ tại sao các khoản chi tiêu về ăn uống và tiếp khách ở trong phủ Tổng thống mỗi năm phải tốn cho ngân sách quốc gia đến cả trăm triệu bạc như vậy?
Không đợi cho thuyết trình viên trả lời, Lệ cười gằn đáp lại ngay:
- Có lẽ ông bạn hùng biện của chúng ta chưa biết thế nào là những sự chi phí của một phủ Tổng thống hay sao chứ?
Những nghị sĩ thuộc hạ đua nhau vỗ tay tán thưởng câu nói của Lệ, trong khi viên chủ tịch Quốc hội đến bên cạnh nghị sĩ độc lập, nói nhỏ vào tai:
- Thôi, anh khôn hồn thì im miệng đi, nếu không muốn rước lấy hoạ vào mình.
Trước vẻ ngơ ngác im lặng của nghị sĩ độc lập duy nhất, toàn thể Quốc hội tiếp tục tán thành những đề nghị, dự án đã được soạn thảo trước tại văn phòng cố vấn Ngô Đình Nhu, và do trưởng khối Cần Lao đứng ra thuyết trình:
- Trong niên khoá năm nay 1960-1961, ngân quỹ về hành chính cảnh sát công an và mật vụ, xin đề nghị tăng lên 6 tỷ, trong số 15 tỷ 280 triệu của ngân sách tổng quát.
- Yêu cầu trích ở ngân sách 110 triệu bạc để xây thêm khám đường, vì số tù nhân mỗi ngày một đông. Mặc dầu hiện nay đã có trên 100 khám đường, 40 trại giam và nhiều trại cải huấn, cũng không đủ chỗ chứa tù nhân.
Lấy ví dụ một phòng giam, như bao nhiêu phòng giam ở khám đường Gia Định: 15 thước bề dài, trên 3 thước 60 bề ngang, diện tích 54 thước vuông, trong đó chứa 150 tù nhân, tức là 3 người ăn nằm, ỉa đái rửa ráy trong 1 thước vuông. Khám đường Quảng Ngãi hết sức nhỏ bé phải chứa đến 2.000 người. Con số tù nhân chỉ có tăng chớ không giảm, chính phủ phải trích trong ngân sách trong năm nay 112 triệu bạc để cất thêm khám đường. Như vậy là chính quyền dưới sự lãnh đạo anh minh của Tổng thống Ngô Đình Diệm săn sóc đến tù nhân theo đường lối tinh thần của chủ nghĩa nhân vị.
Những tràng vỗ tay của dám nghị sĩ bầy tôi họ Ngô vang dậy trong nhà hát lớn Quốc hội, tán thành hết mọi dự án của ông bà Cố vấn chính trị Tổng thống cùng mấy thuộc hạ thân tín.
Trò Quốc hội với lũ hễ dân biểu là một hình thức để hợp pháp hoá những thủ đoạn độc tôn trong nội bộ của triều đình nhà Ngô.
Hầu hết những kẻ được bầu cử vào toà nhà lập pháp đều do sự chỉ định của anh em họ Ngô, và lối tuyển cử giả tạo sắp đặt trước, đối với dân chúng, chỉ là một cách xác nhận tính cách nô bộc của đám dân biểu đi tìm đủ mọi cách luồn cúi, nịnh bợ từ Ngô Đình Diệm đến vợ chồng Cố vấn chính trị, lãnh chúa miền Trung để được lãnh lương 25.000 đồng mỗi tháng, hoặc mượn lốt dân biểu để chạy áp phe. Phần lớn những dân biểu do đảng Cần Lao, Phong trào Cách mạng quốc gia, Phụ nữ liên đới đưa vào Quốc hội, hàng tháng trích nửa số lương để nộp vào quỹ đoàn thể. Cũng như những Bộ trưởng, đám dân biểu thường tỏ ra bợ đỡ, sợ sệt đối với gia đình họ Ngô, khiến Lệ khinh rẻ họ ra mặt, có lần ví hạng dân biểu kia như thừa phái, lính lệ trong gia đình cụ Thượng Ngô ngày trước.
Tuy vậy, có vài nghị sĩ mặt mũi sạch sẽ, khỏe mạnh, được Lệ để ý nên cho gần gũi để hầu hạ.
Trong chuyến Lệ cầm đầu phái đoàn dân biểu Quốc hội đi dự Hội nghị liên hiệp Nghị sĩ quốc tế tại Ba Tây, Hà Như Chi và Nguyễn Phương Thiệp được tháp tùng theo, nghĩ bụng được bà cố vấn thương đến, tranh nhau xin phục dịch, gây thành ẩu đả tại khách sạn Rio de Janeiro. Nghị sĩ Hà Như Chi lớn người hơn, đánh bại đồng viện mồm mép Nguyễn Phương Thiệp, khiến Lệ phải đứng ra chấm dứt cảnh 2 con gà trống dá nhau vì tranh mái.
Chuyến đi Nam Mỹ bị Lệ biến thành một cuộc du ngoạn hành lạc với mấy dân biểu theo hầu, thi đua nhau trổ tài phục vụ bà cố vấn ở xứ người.
Triều đình nhà Ngô, ngoài những quần thần Bộ trưởng, giám đốc, nghị sĩ, tướng tá… Trong mọi cơ sở trực thuộc sự kiểm soát chặt chẽ của phủ Tổng thống, bên cạnh những toà đại sứ nước ngoài, đặc biệt là ở Ba Lê, Nữu Ước, vợ chồng cố vấn Ngô Đình Nhu đặt thêm phòng tuyên truyền báo chí do người Mỹ và Pháp phụ trách.
Vị đại sứ Việt Nam ở Hoa Kỳ, thân sinh Lệ, đã tổ chức tại Nữu Ước một văn phòng giao dịch với các cộng sự viên Kastor, Hilton, Chesley, Crawford, Atherton để tuyên truyền cho chế độ Ngô Đình Diệm. Những ký giả Mỹ viết bài ca ngợi Diệm đểu nhận tiền từ tay Mr. Ortiz ở tại Nữu Uớc. Mỗi năm anh em họ Ngô xuất trên 100.000 đô la để mua chuộc những bài báo Mỹ tiếp tay củng cố cho gia đình họ Ngô ngự trị.
Tại Pháp, nhân viên cổ động là giáo sư Meillon ở số 265 đường Saint Jacques Paris, mỗi tháng lãnh của họ Ngô một ngàn đô-la.
Ngoài ra, còn có 2 người Pháp hoạt động tuyên truyền cho chế độ họ Ngô là Ahon và Benet hàng tháng được trợ cấp 1.000 mỹ kim, không kể những chi phí khác. Hai người này tự xưng là cộng tác viên của Việt Nam thông tấn xã và giáo sư Meillon thì nhận trách nhiệm giám đốc Viện Pháp - Việt.
Trong chiến dịch vận động cùng các ký giả quốc tế ở Sài Gòn, Lệ đã quyết liệt trục xuất các phần tử bướng bỉnh như Max Clos ở nhật báo Le Monde, Lucien Bodard ở nhựt báo France Soir, các nhà báo Mỹ Inagaki, David Ho tham, Homer Bigart ở nhật báo New York Times, Francois Sully ở tạp chí Newsweek, giáo sư Millet cùng một số giảng viên người Mỹ thuộc đại học đường Michigan đã tỏ thái độ phản đối chế độ họ Ngô cũng bị trục xuất khỏi Việt Nam.
Mặt khác, Lệ mua chuộc được một số ký giả bán rẻ lương tâm nghề nghiệp, trong số đáng kể hơn hết là Joe Alsop, thông tín viên nhật báo "New York Herald Tribune" và bình luận gia tạp chí Times.
Alsop là một ký giả nổi tiếng ở Mỹ, những bài ký tên Alsop có ảnh hưởng lớn trong dư luận Hoa Kỳ, năm 1957 đã từng viết rằng "Ngô Đình Diệm là một người ngốc và bất lực" song từ sau khi gặp Lệ đã thay đổi thái độ một cách bất ngờ, phỏng vấn ca ngợi đệ nhất phu nhân trên tạp chí Times, viết bài đề cao anh em họ Ngô trong "Nữu Ước Diễn đàn".
Cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu phải ngỏ lời phục vợ, cho rằng đây là một thắng lợi lớn lao, vì Lệ đã lôi cuốn được một tên tuổi nổi danh trong đàng ngôn luận Mỹ tuyên truyền cho chế độ:
- Mình có mất bao nhiêu đô-la cũng không tiếc vì lấy tiền Mỹ để thao túng dư luận Mỹ. Viện trợ Mỹ thiếu gì mà lo?
Nhu nhận thấy vẻ mệt nhọc của Lệ sau những cuộc giao thiệp liên miên cùng ký giả ngoại quốc, song khi đạt được kết quả tốt đẹp thì trông Lệ vui tươi, chống lại khuyến khích:
- Công tác báo chí vận của em thành công, nên về mặt đối ngoại với Mỹ mình đỡ một mối lo lớn.
- Em đang tiến hành một công việc còn quan trọng hơn như vậy nhiều. Đố anh đoán được!
Nhu thấy vợ có vẻ bí mật, ngẫm nghĩ rồi nói:
- Chịu, anh không đoán được. Việc gì em thử nói nghe?
- Không, bí mật, tuyệt đối bí mật. Nhưng đang sắp thành công rồi. Chắc chắn là anh và anh Tổng thống sẽ vui lắm. Nhưng rồi phải đền công em thật xứng đáng em mới chịu dô.
Trước vẻ nũng nịu của Lệ, Nhu mỉm cười:
- Em muốn đền công những gì nào? Chú đại sứ ở Luân Đôn vừa mua được 40 triệu quan đồ đạc thời Louis XIV, em có thích chú ấy nhường lại không?
- Em thèm vào 40 triệu quan, bộ anh tưởng là đối với công việc em đang làm đây nó to lắm hay sao? Phải gấp trăm lần như vậy mới xứng!
- Việc gì mà em nói nghe hách quá vậy?
Lệ lấy vẻ nghiêm trọng hỏi chồng:
- Theo ý anh thì trong công việc đối ngoại hiện thời, mình cần nhất là phải có cảm tình đặc biệt với ai?
Nhu trả lời không suy nghĩ:
- Còn ai nữa, nếu không phải là quốc gia viện trợ nhiều nhất cho mình?
- Anh cũng khá thông minh đó. Nhưng em muốn hội trong quốc gia viện trợ nhiều nhất cho mình, thì cần lấy lòng ai hơn cả.
- Tổng thống Mỹ?
- Xa vời quá. Số phận mình gắn liền với viện trợ Mỹ, mà anh không nghĩ ngay đến người đại diện nước Mỹ ở gần gũi mình hay sao? Được lòng đại sứ Mỹ là mình chắc chắn được sự ủng hộ của Hoa Thịnh Đốn, yên trí về mặt đối ngoại rồi. Em tính vậy, nên đã tìm cách liên lạc riêng với ông Nolthing… anh nghĩ sao?
Nhu nghĩ ngợi rồi đáp:
- Liên lạc giao thiệp với ông ấy, được rồi, nhưng em có nghĩ là ngoài toà đại sứ ra, còn có các cơ quan độc lập, trực tiếp với Hoa Thịnh Đốn, và quyền hành rất quan trọng, những báo cáo của họ rất được bên Mỹ nghe theo, là tổ chức quân sự và tình báo CIA.
- Thế thì em nhận công tác đối với ông đại sứ, còn anh lo lôi cuốn các tay đó có được không?
- Anh nghĩ đến việc này lâu và cũng đã tiến hành rồi. Còn riêng đối với ông Nolthing, như em đã liên lạc rồi thì em cứ xúc tiến.
Lệ nhìn chồng và nói:
- Công việc là công việc chung, em thấy có thể thành công với ông đại sứ nên mới nói trước cho anh hay. Anh đã hoạt động về hai mặt kia rồi thì chắc chắn là mình sẽ nắm được trọn vẹn cảm tình ủng hộ triệt để của các ông đại diện trọng yếu của Mỹ, tức là duy trì viện trợ vật chất lẫn tinh thần của nước Mỹ đối với nhà mình.
Lệ ngừng lại một lúc rồi tiếp theo:
- Em nhận xét về người Mỹ thế này, anh coi có đúng không Họ thuộc một dân tộc trẻ thiếu lịch sử, và lại là một đại cường quốc vào loại bậc nhất trên thế giới, nên có lắm thử mặc cảm: bề ngoài thì mặc cảm tự tôn mình là một dân tộc siêu cường quốc, nhưng bề trong thì mặc cảm tự ti vì là dân một quốc gia không có truyền thống, thiếu dĩ vãng. Họ lại có mặc cảm đặc biệt là nể sợ phụ nữ, dù họ không phải là những người sống nhiều về tình cảm. Em thấy đầu óc họ có vẻ ngây thơ, máy mộc, đối với những gì trông hợp lý, có hệ thống, có phương pháp là dễ tin nghe theo. Người ta viết sách về người Mỹ trầm lặng, người Mỹ xấu xí, nếu em có viết thì em sẽ lấy tên cho cuốn sách là người Mỹ non dại hay là người Mỹ hãnh tiến.
Nhu lặng nghe vợ nói, thong thả góp ý kiến:
- Nói chung, em nhận xét cũng đúng, song em chủ quan như vậy là em đã chắc chắn chinh phục được lão Nolthing rồi hẳn?
- Em hẹn với anh trong một tuần nữa. Đối với người đàn ông, em thấy có hai cách chức chắn chinh phục được dễ dàng: tiền hay đàn bà.
Nói xong Lệ dừng lên trở về phòng, để lại một mình Nhu với những ý nghĩ sắc lạnh của kẻ cố vấn chính trị lẫn những mặc cảm ghen tức của một người chồng đồng loã cho vợ làm nhịp cầu vận động ngoại giao.
Thế rồi, hôm sau, Lệ rời dinh Độc Lập đi Long Hải hẹn hò cùng vị chánh khách ngoại giao nước bạn.
Bãi biển vắng vẻ chứng kiến cảnh giao du thân mật giữa đệ nhất phu nhân cùng vị đại diện ngoại giao cường quốc viện trợ, như một đôi lứa đang tuần trăng mật. Chế độ họ Ngô được củng cố và kéo dài nền thống trị, đã chịu ảnh hưởng quan trọng của một mối tình ở cấp bậc ngoại giao của bà Cố vấn chính trị Tổng thống.
Ba hôm liền, Lệ đóng vai cô tình nhân nhỏ bé, dịu dàng nhưng không kém nồng nàn, cháy bỏng trong tay vị chánh khách tóc ánh màu thép bạc như một diễn viên điện ảnh, mà trong lúc thỏ thẻ tình tứ Lệ đã bảo:
- Anh giống hệt tài tử chớp bóng mà em rất mến trong phim Les salaires de la peur, Peter Van Eick.
Lệ đã ghi trong nhật ký của nàng: "Thế là anh chàng Peter đã cắn câu rồi. Mình có thể nói một cách không khiêm tốn rằng vận mệnh cái xứ bé nhỏ này, cũng như chế độ của nhà chồng mình, từ đây sẽ do tay mình định đoạt.
Cả một dân tộc đại cường quốc phải góp tiền để dâng cho ta, gởi con em mang xương máu bảo vệ ngôi báu đệ nhất phu nhân cho ta, vị sứ thần của nước bạn viện trợ phải quỳ dưới chân ta như trước một nữ hoàng… sao ta không thể tự kiêu hãnh rằng mình là một gái anh thư, một nữ anh hùng đã ngự trị trên mảnh giang sơn này?
Để đánh dấu thắng lợi lớn lao này, ta sẽ ra lệnh cho dựng tượng của ta cùng con gái ta để trường tồn mãi với lịch sử, qua hình ảnh hai vị nữ anh hùng dân tộc, Hai Bà Trưng, phản ảnh ta và con ta đúng như lời tâu của một đoàn viên Phụ nữ liên đới: "Không ai xứng đáng hơn bà cố vấn để làm kiểu mẫu cho tượng Bà Trưng, vì không ai xứng đáng là bậc cân quắc anh thư cho bằng bà cố vấn".
Ừ sao ta lại từ chối một vinh dự mà ta xứng đáng nhận lãnh hơn ai hết?
Dưới mắt ta, từ vị nguyên thủ là Tổng thống, cố vấn chính trị là chồng ta, đến vị đại sứ của nước lãnh đạo thế giới tự do, tất cả đều thần phục, còn ai dám chống lại ý muốn của ta?
Ta không muốn chỉ đóng vai Đệ nhất phu nhân của một quốc gia, mà ta muốn trở nên một hình ảnh gương mẫu của người đàn bà, sống mãi mãi với lịch sử, xứ sở phải nghiêng mình dưới chân ta, thế giới phải cảm phục ta!"
Muốn thành công rực rỡ, phải là người đàn bà lỗi lạc, Lệ đã đem trí thông minh sắc sảo và nhan sắc, thân xác của nàng ra để thực hành ý nguyện ấy, và đi từ chinh phục này đến chinh phục khác một cách dễ dàng, nghiễm nhiên trở thành đệ nhất phu nhân, ngự trị trên tất cả.
Mộng nữ hoàng của Lệ đã thành sự thật. Tâm tánh của nàng đã biến đổi theo với uy quyền lớn lao, giàu sang tột bậc dưới tay. Con người Lệ trở nên ác liệt, trong khi nàng muốn đóng giữ vai trò người đàn bà phi thường của lịch sử.
"Muốn thành người phi thường phải làm những việc khác thường". - Lệ thường tự nhắc nhở như thế và áp dụng vào trong cuộc sống.
Với chiến thuật muôn thuở của người đàn bà ý thức mãnh lực vô song của xác thịt, phối hợp với một tâm hồn sắc sảo, đa tình, Lệ đã chinh phục được tất cả những kẻ cầm đầu vận mệnh của xứ sở trong các địa hạt chính trị, quân sự, viện trợ…
Lệ khôn khéo ràng buộc từ Tổng thống, cố vấn chính trị, tướng lãnh, đại sứ nước viện trợ… để củng cố cho địa vị đệ nhất phu nhân của nàng.
Chế độ độc tài, thống trị bằng mật vụ và súng đạn, khủng bố của họ Ngô được xây dựng mỗi ngày thêm vững vàng, và chiến thắng của Lệ lôi cuốn được sự đồng tình ủng hộ của vị chánh khách ngoại giao nước viện trợ, từ đây liên kết với gia đình nàng, bảo đảm cho sự trường tồn của triều đại nhà Ngô.
Hình ảnh của Lệ nổi bật trên nền trời miền Nam, thể hiện trong pho tượng đồng Hai Bà Trưng dựng cao ở bến Bạch Đằng, nhìn ra phía chân trời.
Nhà điêu khắc tuân lệnh bà cố vấn phỏng theo đúng hình ảnh Lệ và con gái để nặn tượng hai chị em nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc, Trưng Nhị thành hai mẹ con đệ nhất phu nhân triều Ngô, sừng sững đứng trên bờ sông Sài Gòn bao trùm thủ đô dưới chân.
Trong khi Lệ cùng chồng xây đắp triều đại ở miền Nam, thì tại miền Trung, Ngô Đình Cẩn trị vì như một lãnh chúa.
Ngôi nhà cũ của gia đình họ Ngô tại Phú Cam trên bờ công Bến Ngự đã biến thành một dinh thự nguy nga vương giả. Với công phụng dưỡng mẹ già, người em thứ tám, áp út, được các anh cắt chia cho phần giang sơn miền Trung.
Mặc dầu thiếu học, thô lỗ, thiển cẩn "cậu Cẩn" đã được đám bầy tôi ở triều đình Huế phong tước là tối cao cố vấn lãnh đạo chính trị hải ngoại và miền Trung.
Cố vấn thứ hai của nhà Ngô thiết lập riêng các tổ chức về quân đội, công an, mật vụ, để củng cố tư thế. Một lực lượng đặc biệt miền Trung được phái vào Sài Gòn để hoạt động, chịu quyền chỉ huy trực tiếp từ Huế. Một ban kinh tài hoạt động từ Trung vào Nam gây quỹ riêng cho "Ông cậu", mặc dầu những nhân viên làm việc ở triều đình miền Trung đều do công quỹ quốc gia đài thọ.
Vì sự hiềm khích giữa Ngô Đình Cẩn và chị dâu, đệ nhất phu nhân, Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu phải chịu lòng cậu em ở Huế, phân định những quyền hãnh và quyền lợi dành riêng cho triều đình miền Trung. Hơn nữa, chánh sách chia để trị nằm ở trong sách lược chung của Ngô Đình Nhu, linh hồn của chế độ.
Trong lãnh vực ngầm qui định với các anh, Ngô Đình Cẩn tạo lập nên một vương quốc riêng biệt.
Thủa thiếu thời, trong lúc học ở trường nhà dòng Pellerin, Cẩn thường vứt sách vào bụi để đi đá banh, đánh lộn, thổi ống đồng, câu cá rồi lớn lên, quanh quẩn chỉ ở nhà, lấy cớ gần gũi mẹ già, Cẩn không học tập gì thêm, mà chỉ tiếp tục đóng vai "Cậu ấm" sống nhờ đám ruộng hương hoả và trợ cấp của các anh tổng đốc, giám mục.
Tánh tình vốn đần độn, chất phác, nhưng nóng nảy, Cẩn tự cho mình là có công nhất trong gia đình, vì đã từ nhỏ đến lớn luôn luôn hôm sớm cạnh mẹ già. Anh em họ Ngô đều một lòng kính mến mẹ, đành phái chiều theo ý muốn của cậu em thất học, để khỏi làm buồn lòng bà cụ Thượng thương yêu đứa con vụng dại nhất ở gần.
Ngô Đình Cẩn nguyện đến bao giờ bà mẹ khuất núi rồi mới tính chuyện lấy vợ, nên tuy đã lớn tuổi vẫn ở một mình. Cho đến khi lên ngôi tối cao cố vấn lãnh đạo miền Trung, như một lãnh chúa phong kiến, Cẩn vẫn gạt việc lấy vợ ra một bên.
Sự thực, Cẩn không phải bất lực như các anh có mặc cảm bệnh hoạn đối với đàn bà, mà trái lại, Cẩn là một người ham hố vật dục.
Từ tuổi phát động sinh lý, Cẩn thường tỏ bày quan niệm của mình đối với phái nữ trong câu: "dâm thê không bằng dâm thiếp, dâm thiếp không bằng dâm nô".
Quan niệm ấy đã trở thành ám ảnh bệnh tật đối với con người thô lỗ của Cẩn. Bao nhiêu đầy tớ gái hầu hạ trong gia đình cụ Thượng Ngô đều lần lượt qua tay cậu ấm chỉ thích ăn trầu, hút thuốc cẩm lệ, uống rượu trắng.
Chinh phục người đàn bà, tình yêu, đối với đầu óc thô sơ của Cẩn là chiếm đoạt, hãm hiếp, Cẩn đã tự miệng thốt ra:
- Tui ghét nước bông, phấn son mắc tiền chỉ làm nhức đầu, mà tui ưa mùi dầu dừa, bồ kết.
Mặc dù sinh trưởng ở một gia đình quan cách nhưng khác hẳn với anh em trong nhà, bản tính chắn chất, quê kệch của cậu ấm áp út nhà họ Ngô, với kiến thức hẹp hòi, đầu óc hủ lậu, đến khi nương theo thế lực của các anh mà trèo lên ghế lãnh đạo miền Trung, Cẩn khoác lấy tác phong đầu mục của một bộ lạc.
Rồi do những sự nịnh hót, bày vẽ của đám tay chân hầu cận, lũ lính lệ, tôi đòi trong gia đình cụ Thượng Khả từ thuở cậu ấm Cẩn còn bé lãnh chúa miền Trung đã biến vùng cố đô thành một cõi triều đình riêng mà toà dinh thự cạnh nhà thờ Phú Cam được xây cất, trần thiết lại theo lối vương giả.
Việc điều khiển chính quyền nằm trọn trong tay Cẩn, hướng theo những lời bẩm báo của bọn người nhà, cùng mưu mô của mấy tên mưu sĩ tâm phúc, họp thành một ban lãnh đạo tối cao.
Dưới mắt Cẩn, vị đại biểu chính phủ miền Trung, cũng như các viên tỉnh trưởng, chỉ là những kẻ thừa hành, tuỳ phái của "cậu".
Muốn được "cậu" tiếp kiến, vị đại biểu phải hỏi qua mấy tên quạt hầu, đổ ống nhổ bã trầu, đấm bóp của "cậu" và cần được sự động ý của "mụ Luyến", người đàn bà chị em với bà cụ Thượng, vừa là kẻ hầu hạ trong gia đình từ lâu năm, đã được "cậu" sủng ái giao phó cho quán xuyến mọi việc nhà.
Trong khi lũ tớ trai đóng vai trò hoạn quan thì mụ Luyến giữ địa vị cung phi nịnh ái của lãnh chúa miền Trung, dưới sự đồng loã của đám quần thần lơ láo, đại biểu, tỉnh trưởng chỉ mong "cậu" không quở mắng để cuối tháng lãnh lương, và tạo cơ hội làm tiền dân chúng.
Các nhân viên cao cấp của chánh quyền họ Ngô, từ hàng Bộ trưởng đến giám đốc, mỗi lần có công vụ ghé đến Miền Trung, đều phải trình diện "chầu cậu". Kẻ nào sơ sót bỏ qua thông lệ bắt buộc này, tất nhiên không tránh khỏi hậu quả tày đình của tội "phạm thượng", "khi quân" một khi lũ thuộc hạ tâu lên "ngài Cố vấn chỉ đạo"
Một tên lính lệ gia đình cụ Thượng Khâu ngày trước, "được cậu thương" cho giữ việc bưng trầu và đổ ống nhổ đã nói thẳng vào mặt viên Tỉnh trưởng trong khi muốn xin vào yết kiến:
- Ông làm tỉnh trưởng hay Bộ trưởng chi chi cũng mặc, tới đây phải theo phép tắc nơi đây thì mới được.
Viên tỉnh trưởng trẻ tuổi ngơ ngác hỏi lại:
- Tôi đã đưa giấy nhờ bác trình lại với cậu để xin vào chào cậu, và tôi chầu chực luôn mấy bữa nay, cũng chưa thấy cậu báo sao cả. Bác biểu tôi bây giờ nên làm thế nào?
Tên cựu lính lệ cười gằn đáp:
- Bộ ông tưởng cứ đưa giấy là được vô ra mắt cậu à? Nói nghe dễ rứa! Ông có chầu chực cả tháng ở ngoài vườn cũng chưa chắc được cậu cho gặp.
- Tại sao vậy?
- Còn tại sao nữa? Ông làm đến tỉnh trưởng bổng lộc biết là bao nhiêu, mà lại đi tay không để xin gặp cậu, bọn tôi hầu hạ bên cậu ông coi cũng như không, ông làm như rứa mà coi được à?
Lời lẽ trắng trợn của kẻ hầu cận làm cho viên tỉnh trưởng hiểu ngay tại sao ba hôm nay mình cứ phải đứng ngoài vườn chim yến của cậu chờ chực hết sáng đến chiều, mà không được ai để ý tới. Chỉ vì viên tỉnh trưởng đã không mang lễ vật ra mắt cậu, quên nộp tiền cho bọn hầu cận, quên "vi thiềng" mụ Luyến.
Làm đầy đủ các khoản ấy, viên tỉnh trưởng cũng như bao nhiêu nhân vật chánh quyền khác, lập tức được đưa vào gặp cố vấn lãnh đạo miền Trung.
Ngô Đình Cẩn ngồi trên sập gụ tựa gối dựa bọc gấm, mồm bỏm bẻm nhai trầu, lơ đãng nhìn viên tỉnh trưởng khăn đóng áo đoạn xanh đang cong lưng vái dài, rồi đứng vòng tay cúi đầu chờ lệnh cậu.
Mụ Luyến nâng điếu thuốc lá Cẩm Lệ quấn hình sâu kền đã đất sẵn đưa lên miệng cậu, rót đầy ly rượu lễ, rồi bưng lễ vật ra mắt của khách đưa vào phòng bên.
- Từ lúc mi lên làm tỉnh trưởng tới chừ, bữa ni tao mới thấy mặt mi, phải không?
- Dạ, bẩm thưa ngài Cố vấn chỉ đạo…
- Tao cho phép mi "bẩm cậu" đó…
- Dạ, dạ, bẩm cậu, thiệt con quả có tội, từ ngày nhậm chức đến nay mới đến ra mắt cậu vì công việc bề bộn quá sức, dạ, cậu thương tình mà tha tội cho con.
- Tội của mi đáng chém, mi có biết tội chi không?
Viên tỉnh trưởng hoảng sợ trước lời đe doạ bất ngờ của lãnh chúa miền Trung, ấp úng thưa:
- Dạ… dạ… bẩm cậu, quả thiệt tình con không biết đã dại dột gây nên tội gì, trăm sự con cũng trông nhờ ở đại lượng của cậu…
Cẩn đập mạnh tay xuống gối dựa, nói lớn:
- Mi đã có tội mà lại không biết đã làm nên tội, thì còn ngồi ghế tỉnh trưởng làm gì?
Viên tỉnh trưởng càng run sợ, quì gối vập đầu lạy, không dám ngẩng đầu lên, chờ dịu cơn sấm sét của lãnh chúa. Cẩn tợp một hơi cạn ly rượu trắng, thong thả hạch tội:
- Tao nghe nói là chuyến cam nhông chở cà phê và thuốc phiện cho tao ở Lào về, gần tới Đông Hà thì bị công an của tỉnh mi chặn xét. Mi muốn chết hay răng mà dám cho người khám xe tao? Mi tưởng quyền tỉnh trưởng của mi to à?
- Dạ, bẩm cậu, con đâu có đám nghĩ như vậy. Bọn công an tỉnh con lầm tưởng là xe thương gia thường, người lái xe lại không nói cho biết nên mới có sự xét hỏi.
Cẩn ngắt lời:
- Rứa mi không biết chi cả hay răng mà để xảy ra xét hỏi lôi thôi, không lẽ người chở hàng cho tao mà ai hỏi tới cũng nói là xe chở đồ của ông Cố vấn chỉ đạo? Phận sự của mi làm tỉnh trưởng thì phải biết mà ra lệnh cho bên dưới chớ? Tội mi bất lực rành rành ra đó mà còn tính chối cãi nữa à?
Viên tỉnh trưởng toát mồ hôi, sợ cuống lên, chỉ biết vái lạy, và không ngớt mồm kêu xin:
- Dạ, bẩm cậu, con biết con có tội lớn, con xin trăm lạy nhờ đức khoan dung trời biển của cậu thương tình mà đại xá cho con, con nguyện xin lập công chuộc tội…
Cẩn làm thinh để mặc viên tỉnh trưởng van lạy hồi lâu, rồi buông thõng một câu:
- Thôi, cho mi ra ngoài… để tao xét lại coi đã.
Viên tỉnh trưởng lạy tạ rồi đi thụt lùi trở ra, phập phồng lo sợ cho địa vị lung lay, vì một chút sơ hở của nhân viên.
Tên hầu cận chuyên về ống nhổ của Ngô Đình Cẩn, nghe lỏm được công chuyện viên tỉnh trưởng, liền theo ra đến tận cửa, nói nhỏ một bên tai:
- Ông có muốn cho cậu khỏi giận không?
- Bác biểu làm cách nào bây giờ? Bác giúp tôi được thì tôi xin đền ơn bác xứng đáng.
- Xứng đáng là bao nhiêu.
- Được việc thì tôi không dám quên ơn bác đâu mà!
- Cho tôi 10 vạn, tôi vẽ cho ông lấy lại được lòng cậu.
Viên tỉnh trưởng đáp:
- Được tôi bằng lòng đền ơn bác theo số đó.
Tên hầu cận đưa viên tỉnh trưởng vào gặp mụ Luyến để nhờ xin giùm với cậu.
Người đàn bà gọi là "mụ Luyến" đã luống tuổi, vẻ cục mịch, đôi lưỡng quyền nhô cao, hai mắt sắc, sực nức mùi dầu dừa và bông lài, ngày đêm bên cạnh lãnh chúa miền Trung, trông nom trầu rượu, ăn uống cho cậu.
Vơi tính cách bà con bên ngoại, mụ Luyến sống ở gia đình cụ Thượng Ngô từ khi Cẩn còn nhỏ, được Cậu tín nhiệm, nể nang.
Muốn được lòng cậu, người ta phải mua lòng mụ Luyến vốn có ảnh hưởng đối với vị Cố vấn chỉ đạo miền Trung không khác nào Đệ nhất phu nhân bên Tổng thống.
Viên tỉnh trưởng bị cậu quở trách đã giữ vững được địa vị sau khi được mụ Luyến nhận lời giúp với điều kiện đền ơn một trăm ngàn.
Ngoài bọn gia nhân, một thứ hàng rào cuối cùng trong dinh lãnh chúa miền Trung, còn đám mưu sĩ khoác lốt dân sự, võ phục, tu hành, họp thành đám quần thần của triều đình Phú Cam.
Nền tảng của chế độ Cố vấn chỉ đạo miền Trung cũng như của Cố vấn chính trị Tổng thống là những ban kinh tài và mật vụ.
Viện lý do gây quỹ để hoạt động, bọn thủ hạ thuộc Phong trào Cách mạng quốc gia và Cần Lao ở dưới trướng Ngô Đình Cẩn, tổ chức một lực lượng đặc biệt mệnh danh là Đoàn Công tác miền Trung, để khủng bố làm tiền, gây cơ sở kinh doanh, chạy áp phe…
Thanh thế của Lực lượng đặc biệt miền Trung, cũng như mật vụ Tổng thống phủ, bao trùm dân chúng ở khắp nơi trong một không khí đe doạ. Hai ban mật vụ của hai anh em họ Ngô, cố vấn Tổng thống và cố vấn miền Trung, chi phối cả ngành công an, tình báo, quân báo của quốc gia.
Hệ thống ngự trị của triều đình Huế mô phỏng theo hệ thống ở Sài Gòn, Cẩn leo lên ngồi chót vót ở chiếc ghế Tối cao Cố vấn chỉ đạo miền Trung, được lũ nịnh thần ton hót thêm, thêu dệt chung quanh con người mà dân Huế gọi là "Cụ cố trầu" một vòng hào quang lãnh tụ cách mạng, nối nghiệp chí sĩ Phan Bội Châu, với một lưỡi kiếm treo lủng lẳng cạnh ngài lãnh chúa.
- Cây gươm này của cụ Phan cho tao, tao là đồng chí của cụ, tụi bây biết không?
Cẩn tự đắc khoe với chung quanh sự nghiệp cách mạng của mình như vậy, và mỗi khi nổi giận ai thường doạ lấy gươm kia chém đầu.
Con người đần độn của Cẩn được thủ hạ đề cao, thổi phồng thành một thần tượng lãnh tụ, không vượt khỏi được tính chất thô bạo. Quanh năm trong bộ quần lụa tứ thâm theo kiểu xưa, Cẩn giữ những thói quen từ lối trang phục đến cách thức ăn uống. Suốt đời món ăn chỉ loanh quanh từ cá bống kho khô với ớt bột, cá dĩa kho xơ mít, đến mắm cá, dưa món, và không uống gì ngoài rượu trắng cất theo lối rượu lễ. Cẩn không bao giờ muốn rời khỏi nhà, rất ngại đi xa, và mỗi lần phải vào Sài Gòn là Cẩn tỏ ra hết sức miễn cưỡng. Thỉnh thoảng Cẩn có xê dịch cũng chỉ quanh quẩn ở Huế, theo sở thích đi câu cá.
Không biết đến sách báo là gì, cũng không để ý đến những tiến bộ của thời đại mới, Cẩn ôm ấp các ý tưởng, thành kiến cổ hủ của một con người quê kệch, tầm mắt không vượt khỏi địa phương. Đầu óc đặc biệt ấy với thị hiếu thô sơ, bảo thủ khiến Cẩn đâm ra ghét những gì tượng hình cho mới lạ, Văn minh. Ác cảm đối với người chị dâu Đệ nhất phu nhân đã trở thành định kiến, Cẩn ghét lây cả lớp phụ nữ ăn vận tân thời, son phấn nước hoa Tây phương. Do đó mà đàn bà, con gái gần gũi đều biết ý cậu, cố tránh từ sắc phục đến mùi hương mới lạ.
Trạng thái sinh lý của Cẩn đã bị chi phối bởi ám ảnh thời trẻ tuổi chiếm đoạt lũ đầy tớ gái, nên từ khi nắm giữ uy quyền lớn lao thét ra lửa ở miền Trung, vị lãnh chúa vần tiếp tục con đường cũ. Lớp cung nữ hầu hạ Cẩn là đám tớ gái hoặc con cháu đám thủ hạ muốn được thân cận với cậu, nhởn nhơ quanh quẩn, chờ vị tối cao Cố vấn chỉ đạo miền Trung nổi hứng "dâm ô". Thị hiếu đã trở thành một ý kiến chủ định của Cẩn.
Quan niệm tình ái dị thường chỉ làm thoả mãn được Cẩn bằng các cuộc hãm hiếp, đã biến Cẩn thành một bạo chúa hiếu dâm và hiếu sát.
Bên cạnh vị lãnh chúa miền Trung, triều đình Huế còn nữ chúa goá chồng, chị ruột Cẩn: bà Cả Lễ. Mọi công việc đấu thầu, kinh doanh ở miền Trung đều nạp tóm thâu vào tay bà cựu thầu khoán chị Tổng thống. Tỉnh trưởng, giám đốc khắp các tỉnh miền Trung đều phải làm tay sai chạy việc cho bà ta, mà cô con gái độc nhất đã gả cho vị Bộ trưởng quốc phòng họ Trần.
Sản nghiệp của bà Cả Lễ, chỉ trong vòng mấy năm họ Ngô cầm quyền, đã lên hàng mấy trăm triệu, và ngày bà bị bạo bệnh chết, số bạc mặt trao cho con gái bên giường hấp hối đếm tới 130 triệu, không kể bao nhiêu nhà cửa, đất đai và tiền gởi ngân hàng.
Vị Bộ trưởng quốc phòng họ Trần chống gậy để thọ hưởng gia tài khổng lồ của bà mẹ vợ họ Ngô. Số tiền bạc quá lớn lao của bà Cả Lễ để lại, lãnh chúa miền Trung và đệ nhất phu nhân không khỏi choá mắt, chẳng lẽ để cho chàng rể họ Trần số đỏ một mình hưởng hết tất cả hay sao?
Cuộc tranh giành gia tài của bà Cả Lễ bỗng chia ra ba phe đối địch quyết liệt: chàng rể họ Trần tuy ở chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và được "danh chính ngôn thuận" thừa hưởng, song làm sao đương đầu lại nổi với một phía là Cố vấn chỉ đạo miền Trung, và một phía nữa là đệ nhất phu nhân dinh Tổng thống?
Lệ nói riêng với chồng:
- Gia tài của chị Cả để lại không phải là nhỏ, mà chị ấy chỉ có mỗi một đứa con gái đã đi lấy chồng, không lẽ để cho chàng rể người ngoài hưởng hết? Sự nghiệp hàng trăm triệu của chị Cả gầy dựng lên được trong mấy năm nay cũng là nhờ thế lực nhà mình, anh nghĩ sao?
Nhu ấm ức đáp:
- Tiền của chị Cả, nếu không cho con gái chị ấy hưởng hết thì anh nghĩ nên để cho chú Cẩn trông nom, vì khi sống chị ở gần mạ với chú Cẩn, mãn phần cũng là chú Cẩn lo việc tống táng.
- Chú ấy lo gì? Bà con họ hàng người ta lo liệu hết cả. Chú Cẩn không vợ con chi mà chú cũng đã thừa thãi quá rồi, chở củi về rừng thêm vô ích!
- Vợ chồng mình có thiếu thốn gì đâu mà nhận lấy phần gia tài của chị Cả cho mang tiếng.
- Vẫn biết vậy, nhưng mình có con cái, với lại cần xử sự ra sao cho người ta khỏi cười mình dại thì anh làm.
Trong lúc vợ chồng Nhu bàn tính về cái gia tài đồ sộ của bà chị, thì Cẩn đã cho chở hết số bạc mặt trên một trăm triệu từ nhà bà Cả Lễ về tư dinh để cất giùm kẻo nhà đang có việc ma chay, người vô ra đông đảo không tiện… Cô con gái độc nhất của bà Cô đành bóp bụng nghe theo lời cậu, và chàng rể Bộ trưởng hí hửng phen này "chuột sa chĩnh nếp" được hưởng một gia tài khổng lồ, lặng điếng người không biết đối phó cách nào.
Binh thơ, chiến lược mà bấy lâu họ Trần đã nghiên cứu trong lúc ngồi ghế Bộ trưởng quốc phòng, không thấy có trận đồ nào gay cấn bằng một cuộc tranh chấp khó khăn này. Ở cương vị thứ yếu trong gia tộc, cũng như trong chính quyền, người cháu rể Bộ trưởng Trần Trung Dung vận đại tang đau khổ đi sau quan tài bà mẹ vợ, cơ hồ muốn ngất đi mỗi lần nghĩ đến số tiền một trăm mấy chục triệu bạc đáng lý phải về tay mình. Một người đau khổ không kém Trần Trung Dung, có mặt ở hàng quyến thuộc đi theo linh cữu là nhà đại kinh doanh Nguyễn Văn Bửu, vừa là cháu rể, vừa là em chồng kiêm tình nhân của người quá cố.
Nguyễn Văn Bửu được phong chức là tay kinh tài số một của lãnh chúa miền Trung, giữ độc quyền khai thác và xuất cảng quế, giám đốc công ty hàng hải thương thuyền độc chiếm ngành chuyên chở mặt biển, sáng lập nhà máy gỗ ở Biên Hoà, một sở nuôi tôm ở Vũng Tàu, một nhà máy ướp lạnh tôm cá, cùng nhiều cơ sở kinh doanh ở các ngành. Ngoài công cuộc kinh tài hàng chục tỷ bạc, đi đôi với cố vấn chỉ đạo miền Trung, Nguyễn Văn Bửu còn tổ chức một quân đội riêng, trang bị tối tân, trấn giữ căn cứ cũ của Bình Xuyên ở vùng Cấp, mệnh danh là lực lượng công nhân chiến đấu.
Nguyễn Văn Bửu nguyên là em chú bác ruột với chồng bà Cả Lễ, rồi thành cháu rể của họ Ngô, và đến khi ông Cả Lễ chết, thì Bửu thay thế địa vị người chồng.
Vốn là một kẻ lịch duyệt, Bửu đã làm thoả mãn người đàn bà goá đa tình, và bà Cả Lễ - Ngô Thị Hoàng - giao phó thân xác cùng mọi việc kinh doanh cho người tình đại diện. Nguyễn Văn Bửu là người sống với phương châm "tiền trên hết", thường nói với bạn bè "đối với tôi chỉ có tiền là đáng kể", cho tiền là cứu cánh của cuộc đời.
Bửu đã tận dụng khai thác sự liên hệ bà con với họ Ngô, và mối tình không chính thức với người em gái Tổng thống, chị Hai ông cố vấn, để chiếm một tư thế vững chắc hoạt động kinh doanh đại qui mô.
Trong sự hồi xuân muộn màng của người quả phụ khát tình, Bửu đã được bà Cả luyến ái say mê, bất chấp mọi dư luận đàm tiếu cô tư thông cùng cháu rể. Bửu cũng bất chấp tai tiếng loạn luân với người đàn bà luống tuổi, mà chỉ nghĩ đến quyền lợi lớn lao đưa lại cho mình trong khi chiếm được lòng bà chị lãnh chúa miền Trung để tiến lên địa hàng đầu hoạt động kinh tài cho họ Ngô.
Sự nghiệp to tát của bà Cã cũng nhờ có bàn tay bồi đắp của Bửu, chỉ trong vòng mấy năm đấu thầu, độc chiếm thị trường miền Trung, đã thu hoạch hàng mấy trăm triệu. Bửu nuôi hy vọng sẽ được hưởng của cải của người tình già nhân nghĩa non vợ chồng, nhưng cái chết bất ngờ, không di chúc của bà Cả Lễ đã gạt hẳn Bửu ra ngoài lề.
- Anh chàng tình nhân hờ họ Nguyễn chỉ còn là một cháu rể xa xôi, không được can dự gì vào tài sản của người quá cố họ Ngô, còn xót xa hơn chàng rể họ Trần.
Đám tang bà Cả Lễ được thủ hạ họ Ngô cử hành y như là quốc táng, với sự để tang của toàn thể Ngô triều, từ Tổng thống đến các Bộ trưởng, tỉnh trưởng, quận trưởng, nghị sĩ, tướng tá… Đại diện mọi cơ quan, đoàn thể trong nước đổ xô về Phú Cam với lễ vật phúng điếu, vòng cườm, tràng hoa đặt dài hẫng cây số, từ bờ sông Bến Ngự đến ngôi mộ phía trên đừng Nam Giao.