Chương 17 (c)
KINH TÀI NHÀ NGÔ

Sau khi tiếng súng êm, suốt buổi sáng, Đài phát thanh chỉ lặp đi lặp lại vỏn vẹn bản thông báo và nhật lệnh của Hội đồng cách mạng, rồi đến lời tuyên bố của Ngô Đình Diệm bằng lòng giải tán chánh phủ, tiếp đến bản tuyên ngôn của Tổng thống, phải hợp với hội đồng quân nhân cách mạng để thành lập một chánh phủ liên hiệp, dư luận sáng suốt đã bắt đầu ngờ vực.
Người ta không khỏi hoang mang tự hỏi: phải chăng chỉ có một nhóm quân nhân nổi lên đảo chánh, không có các chính khách tham gia, và không có lực lượng tinh thần đầu não để kêu gọi dân chúng hưởng ứng, nên chỉ có vỏn vẹn một tiếng nói lẻ loi, ngắn ngủi của một số binh sĩ? Cuộc đảo chánh đã diễn ra mau lẹ, thắng lợi chắc chắn đã gần tới đích rồi, sao bỗng dưng lại ngừng? Quân đội đã bao vây dinh tổng thống tại sao được lệnh không tiến lên nữa?
Trong dinh Độc Lập, Ngô Đình Nhu liên tiếp nhận được những tin tức bên ngoài qua đường điện thoại ngầm của các thuộc hạ trung thành, bàn tính cùng Diệm:
- Cuộc đảo chánh này chỉ do bọn tá chủ mưu. Theo tin nhận được trong bộ ba đầu não, trung tá Nguyễn Triệu Hồng vừa bị bắn chết trong lúc ngồi xe díp cùng trung tá Vương Văn Đông trước dinh Độc Lập sáng nay. Như vậy chỉ còn lại Vương Văn Đông và đại tá Nguyễn Chánh Thi. Mình phải dùng kế mua chuộc mới xong: Thi nó cứng đầu, nóng tính, khó lay chuyển, còn Đông thì dễ nói chuyện hơn. Mình cứ hứa là sẽ cho nó làm Bộ trưởng quốc phòng, dành vài ghế cho phe đảng của nó, với vài chục triệu là có thể xong được.
Lệ lên tiếng hỏi chồng:
- Phe Đông là bọn nào?
Nhu lật hồ sơ của mấy sĩ quan đảo chánh xem qua, rồi nói:
- Đây là khối dân chủ của luật sư Hoàng Cơ Thuỵ, cậu ruột Vương Văn Đông, tập hợp với Việt Nam Quốc dân Đảng, Duy Dân, Dân xã và Đại Việt lập thành Liên minh dân chủ Đảng. Theo trong hồ sơ thì đòng xuất thân từ hàng ngũ quân đội Pháp, các chị của Đông lấy chồng Pháp, trung tá Hồng là anh vợ của Đông… Đem quyến lợi và địa vị ra để nhử dụ hắn cũng không khó lắm đâu. Mình chỉ cần chúng nó nhận lời điều đình để hoãn binh, không đánh vô dinh là được. Thế rối, anh em Diệm cử đại biểu ra đề nghị thương thuyết với trung tá Vương Văn Đông lúc ấy đang chỉ huy trước dinh Độc Lập.
Giữa lúc binh sĩ mũ đỏ được lệnh ngưng bắn, vào hồi 10 giờ sáng một chiếc xe cắm cờ Hoa Kỳ chở đại sứ Frederic Nolthing và một chiếc xe có bảng đỏ bốn sao cắm cờ Việt Nam chở đại tướng Lê Văn Tỵ vượt qua hàng rào quân đội, tiến vào dinh Độc Lập.
Làn sóng điện từ Đài phát thanh trong dinh vẫn tiếp tục truyền đi lời kêu gọi của Tổng thống ra lệnh cho các đơn vị binh chủng ở ngoại thành thủ đô và đặc biệt là vị tư lệnh vùng 4 chiến thuật đem quân về giải vây.
Nolthing hiện ra như một cứu tinh của anh em Diệm và đệ nhất phu nhân. Những cái bắt tay niềm nở giữa bốn người như đã nói lên các ý nghĩ thầm kín tương đồng. Nhà ngoại giao Mỹ nhận lời đứng ra điều đình và sau một hồi bàn luận quyết định nhờ đại tướng Lê Văn Tỵ chính thức làm trung gian giữa chánh phủ họ Ngô và Hội đồng cách mạng.
Nolthing lãnh nhiệm vụ đi tiếp xúc với Hội đồng cách mạng, bắt tay anh em Diệm nói:
- Hãy trông cậy ở tôi.
Rồi quay về phía Lệ:
- Nay mai chúng ta lại gặp nhau!
Vị đại sứ Mỹ gặp trung tá Vương Văn Đông, tỏ bày thái độ:
- Chúng tôi yêu cầu bảo toàn tánh mạng cho gia đình Tổng thống Ngô Đình Diệm. Hoa Kỳ mong rằng việc đổi thay chính trị ở Việt Nam diễn ra ở trong một sự điều đình êm thắm tránh đổ máu vô ích. Diệm đã bằng lòng phối hợp với Hội đống cách mạng để thành lập một chánh phủ liên hiệp, tôi thấy đó là một giải pháp tốt đẹp để chấm dứt cuộc khủng hoảng lúc này.
Cuộc điều đình tiến hành qua sự trung gian của đại sứ Mỹ, trong lúc phe quân nhân đảo chánh chia làm hai phe:
Phe trung tá Vương Văn Đông thoả thuận phối hợp với anh em Ngô Đình Diệm, quyết liệt từ chối những sự ủng hộ hợp tác của các chánh khách và đoàn thể quốc gia đối lập với chánh phủ họ Ngô.
Phe của đại tá Nguyễn Chánh Thi quyết tâm tấn công vào dinh Độc Lập để diệt anh em Diệm, mời các nhân vật chính trị có khả năng như Phan Quang Đán, Phan Khắc Sửu hợp tác về mặt chính trị giúp đỡ quân đội đảo chánh.
Máu thuẫn sâu sắc giữa hai sĩ quan nhảy dù điều khiển cuộc đảo chánh đã diễn ra trước giờ nổ súng, và cánh tay đắc lực của đại tá Thi - thiếu tá Ngô Xuân Soạn - tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 5 nhảy dù đã bị trung tá Đông giết.
Đại uý H.S., sĩ quan tiểu đoàn này thuật lại cái chết của người anh em thân thiết với đại tá Thi trong đêm đảo chánh:
"Chiều ngày 10-11-1960 trung tá Đông và một số bạn bè kéo nhau lên Thủ Đức tìm thiếu tá Soạn tại nhà riêng để tìm cách thuyết phục.
Biết thiếu tá Soạn ưa nhậu nên họ chuốc rượu cho thiếu tá ngà ngà say và kéo về Sài Gòn như những chuyến du hí thường lệ. Thiếu tá Soạn di theo họ, không nghi ngờ gì hết. Tới Sài Gòn cả bọn kéo về nhà trung tá Đông, tại đây một âm mưu đã sắp đặt sẵn: vợ trung tá Đông có nhiệm vụ trao cho thiếu tá Soạn ly "cô nhắc" trong có pha sẵn thuốc độc. Nhưng vợ trung tá Đông đã chùn tay, sợ hãi trước khuôn mặt dữ tướng của thiếu tá Soạn. Thế là âm mưu sát hại thiếu tá Soạn bằng thuốc độc không thành, trung tá Đông vô cùng tức giận và đã nặng lời mạt sát vợ ở phòng trong.
Sau đó, trung tá Đông và đồng bọn đã dùng áp lực lôi kéo thiếu tá Soạn về bộ chỉ huy tiểu đoàn 3 nhảy dù, tại đây có hai thiếu tá Phan Trọng Chinh và Trần Văn Đô đợi sẵn.
Một buổi họp được khai diễn. Tất cả chương trình kế hoạch đảo chánh được đưa ra bàn cãi. Sự bất đồng ý kiến giữa trung tá Đông và thiếu tá Soạn đã diễn ra trong cuộc họp này. Mặc dầu đã say, thiếu tá Soạn vẫn còn đủ sáng suốt nói:
- Các anh muốn gì cũng được nhưng phải đợi tôi hỏi ý kiến đại tá Thi đã. Vì lúc nào tôi cũng chỉ biết đại tá Thí là vị chỉ huy duy nhất của tôi mà thôi.
Trung tá Đông gạt di:
- Ồ toa yên trí, tụi moa đã thảo luận đủ kế hoạch với anh Thi rồi. Thời gian chẳng còn là bao, nếu chạy đi chạy lại mãi thì hỏng việc mất.
Nhưng Soạn không chịu nghe, khật khưỡng đứng dậy ra xe để trở về. Trung tá Đông và thiếu tá Lộc vội chạy ra vờ nài nỉ thiếu tá Soạn rồi lôi kéo vô trong nhà.
Trung tá Đông liền ra lệnh cho thiếu tá Lộc phải hành động thẳng tay. Sau khi xin phép mấy sĩ quan ngồi ở phòng hội, trung tá Đông và thiếu tá Lộc dìu thiếu tá Soạn vào phòng tắm phía sau nhà, lấy cớ rửa mặt thiếu tá Soạn cho tỉnh rượu. Vào tới phòng tắm, trung tá Đông đóng kín cửa lại và dằn giọng hỏi thiếu tá Soạn:
- Giờ toa có chịu hợp tác không?
Trong lúc thiếu tá Soạn lưỡng lự chưa kịp trả lời thì trung tá Đông cầm báng súng nện mạnh hai cái liền xuống phía dưới đôi mắt thiếu tá Soạn gần lòi tròng, thiếu tá Soạn loạng choạng suýt ngã nhưng còn sức mạnh níu chặt lấy trung tá Đông khiến thiếu tá Lộc phải ra tay.
Thiếu tá Soạn bị bổ mạnh một búa vào đầu ngã gục xuống rồi bị cứa cổ, bồi thêm ba lát dao nơi ngực phía trái, và hai lát dao nơi mạng mỡ. Ở ngoài phòng họp các sĩ quan nghe thấy tiếng giãy giụa mạnh, chạy vào xem thì mọi việc đã kết thúc rồi. Xác thiếu tá Soạn được bọn họ nhét vào một cái "túi ngủ" và mang ra vườn cao su sau trại của tiểu đoàn 3 nhảy dù chôn".
Cái chết của thiếu tá Soạn theo lời kể của đại uý H.S gây thêm ngăn cách giữa đại tá Thi và trung tá Đông.
Trong lúc các vị chỉ huy đảo chánh chia rẽ trầm trọng thì trước dinh Độc Lập, binh sĩ nhảy dù bao vây vần ôm súng chờ đợi.
Vào lúc bốn giờ chiều một chiếc máy bay xuất hiện, bay sà rất thấp, rất chậm, rồi truyền đơn xuống đám đông binh sĩ và dân chúng.
Truyền đơn không ký tên, kêu gọi quân đội đừng nổ súng vào dinh Độc Lập, di tích lịch sử và văn hoá của quốc gia.
Nhóm tay chân của họ Ngô ở không quân đã lợi dụng tình thế điều đình để gieo hoang mang trong hàng ngũ binh sĩ đảo chánh.
Đến chín giờ tối, Hội đồng "cách mạng" triệu tập cuộc họp báo tại Bộ Tổng tham mưu đặt dưới sự chỉ huy của trung tá Vương Văn Đông, nhân danh chủ tịch Hội đồng cách mạng.
Trước khi trung tá Đông xuất hiện, bác sĩ Phan Quang Đán nhân danh uỷ viên chính trị của Hội đồng cách mạng nói về lý do thúc đẩy cuộc đảo chánh. Đại tá Nguyễn Chánh Thi ngỏ lời vắn tất về cuộc cách mạng đã thắng lợi không đổ máu. Tiếp đến, trung tá Vương Văn Đông cho các ký giả hay:
- Cuộc thương thuyết giữa Hội đồng cách mạng và Ngô Đình Diệm đang tiến hành, song để kết thúc mau chóng, Hội đồng cách mạng đã ra thời hạn cho ông Diệm phải dứt khoát thái độ trước 10 giờ đêm nay.
Các ký giả nhìn lại chiếc đồng hồ tay thấy đã 21 giờ 50. Một đặc phái viên báo Pháp hỏi:
- Chỉ còn 10 phút nữa là hết hạn tối hậu thư, nếu đến 22 giờ mà cuộc thương thuyết không thành, thì quân đội có thái độ nào?
- Chúng tôi buộc phải tổng tấn công!
Câu trả lời dứt khoát của trung tá Vương Văn Đông, đại diện Hội đồng cách mạng khiến các ký giả ngoại quốc và trong nước đứng lên giữa lúc chân dung Ngô Đình Diệm lồng trong khung kính lớn treo trong phòng họp Tổng tham mưu bị sĩ quan kéo xuống, kính vỡ tan, hình ảnh bị xé nát.
Đêm yên tĩnh nặng nể bao trùm thủ đô trong một khòng khí chờ đợi phập phồng. Khắp nơi những máy thu thanh vặn sẵn chờ nghe tin tức cuộc đảo chánh. Đài Sài Gòn lặp lại lời tuyên bố của Hội đồng cách mạng và những bản tuyên ngôn của Ngô Đình Diệm đã phát thanh trong ngày. Bác sĩ Phan Quang Đán, tự giới thiệu là uỷ viên chính trị của Hội đồng cách mạng, lên tiếng kể tội và gắt gao lên án chế độ độc tài gia đình trị của họ Ngô.
Tại dinh Độc Lập, anh em Diệm thấy mỗi giờ phút qua càng vững lòng vì đối tượng đã mắc kế hoãn binh cầu viện, tình thế mỗi lúc thêm bất lợi cho phe đảo chánh.
Lệ đứng ngồi không yên, lăng xăng chạy từ hầm lên lầu, mang thêm thức ăn uống cho các binh sĩ phòng vệ, cười nói khích lệ các sĩ quan có mặt trong dinh. Các con nàng đã cho vào ở một phòng riêng với mấy ả xẩm hầu hạ.
Nhu đi đi lại lại, luôn miệng hút hết điếu này đến điếu khác thuốc lá "con mèo" tẩm á phiện, khói thơm mờ mịt cả văn phòng.
Tấm bản đồ lớn châu thành Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định gắn vào vách tường với những dòng đô bút chì khoanh tròn các vị trí bị quần đảo chánh chiếm đóng, những mũi tên bút chì xanh chĩa vào thành phố với các con số la mã là dấu hiệu các đơn vị cứu Viện từ miền Đông, miền Tây Nam phần sẽ kéo về giải vây.
Diệm ngồi lầm lì, tay cầm tách nước trà thỉnh thoảng ngước nhìn lên cây thánh giá như cầu xin rồi nhìn lại đồng hồ tay.
- Họ ra thời hạn đến mười giờ này không thì tấn công vô dinh, chú tính sao?
- Còn phải tính chi nữa? Mình đã trả lời là bằng lòng giải tán chánh phủ, giao lại quyền hành cho họ để thành lập một chánh phủ liên hiệp rồi. Anh chánh thức từ chức, công việc bàn giao thì để đến sáng mai, từ đây tới đó đủ thì giờ cho mình đảo ngược lại thế cờ, anh còn lo chi. Vương Văn Đông đã trúng kế mình rồi, chỉ doạ bằng lỗ miệng chớ muốn gì thì mình bằng lòng cho nấy, còn tấn công vô dinh làm chi?
Lệ góp lời:
- Ông Nolthing đã thuyết phục trung tá Đông không nổ súng nữa, và chịu thu xếp êm rồi mà. Sợ Mỹ phản đối và cúp viện trợ nên họ phải ngừng lại để điều đình, bây giờ còn tính chuyện tấn công gì nữa? Em nghĩ là nghe mình hứa cho làm Bộ trưởng quốc phòng dành cho một số ghế trong chánh phủ, với một số tiền lớn biếu riêng nữa thì làm gì mà một sĩ quan trung cấp không sướng mê đi! Ví dụ có thắng được mình nữa, rồi cũng chỉ hưởng thế là cùng, chớ cái thứ ấy làm Tổng thống sao được? Em nghĩ là lúc này dù cho họ có đòi gì gì đi nữa, anh Tổng thống cũng vờ nhận lời tất cả, bảo đến mai thi hành. Đến mai thì quân các nơi đã về đến tiếp cứu, tình thế đã ngược lại, còn lo gì mà không quét sạch chúng nó.
Diệm mỉm cười nói:
- Thím nói cũng phải. Mưu kế chú chắc chắn là thành rồi. Chỉ cần kéo dài thêm đêm nay nữa thôi. Phải, họ muốn tôi từ bỏ chức Tổng thống tôi cũng nhận mà để đến mai. Ừ, đến mai…
Diệm cười đắc ý rung rinh cả những thớ thịt trên mặt, khiến cả viên sĩ quan cao cấp từ ngoài vào không khỏi ngạc nhiên thấy tổng thống bỗng nhiên vui vẻ một cách bất ngờ.
Tối hậu thư của Hội đồng "cách mạng" buộc Ngô Đình Diệm phải dứt khoát thái độ trước 10 giờ đêm 11-11 đã quá hạn định rồi, song quân nhảy dù bao vây dinh Độc Lập vẫn án binh bất động.
Trung tá Vương Văn Đông, nhân vật quyết định cuộc đảo chánh tin tưởng vào những lời hứa hẹn của anh em họ Ngô, nhận lời thoả hiệp thành lập chánh phủ liên hiệp. Thái độ của đại sứ Nolthing đã khiến vị sĩ quan lãnh đạo cuộc binh biến thêm mềm yếu trước những quyền lợi do đối phương đề nghị:
- Người Mỹ không muốn anh em họ Ngô bị quân đảo chánh sát hại. Nên thu xếp điều đình cho tổng thống Ngô Đình Diệm giải tán chánh phủ thôi.
Trong khi sự canh phòng vô ra dinh Độc Lập buông lơi, bọn thuộc hạ họ Ngô đã liên lạc tập họp lại sau những giờ phút kinh hoảng lúc đầu, chờ đợi viện binh từ các nơi đang kéo về giải vây. Đài phát thanh riêng của họ Ngô không ngừng truyền đi kêu gọi cáclực lượng trung thành bên ngoài thủ đô.
Trên những ngả đường đưa về Sài Gòn, từ miền Tây, miền Đông các lực lượng hưởng ứng chống đảo chánh lũ lượt kéo đi trong đêm tối. Tờ mờ sáng, những cửa ngoại ô Phú Lâm, Gia Định đã rầm rập các đoàn quân tiếp viện tràn ngập vào châu thành, rồi tản mát bao vây các vị trí đã bị quân đảo chánh chiếm đóng.
Trên đài Sài Gòn đã bắt đầu buổi phát thanh sáng ngày 12-11 bằng lời kêu gọi dân chúng thủ đô xuống đường dự cuộc biểu tình trước dinh Độc Lập để hoan hô tân chánh phủ, trong khi có những loạt súng nổ ở nhiều nơi giữa thành phố, lúc quá 6 giờ sáng.
Qua làn sóng điện người ta nghe lặp lại tiếng nói của Ngô Đình Diệm tuyên bố giải tán chánh phủ hiện thời và triệu tập các tướng linh quân đội Việt Nam cộng hoà thành lập một chánh phủ lâm thời.
Trên các đường đưa tới dinh Độc Lập, đông đảo sinh viên, học sinh thanh niên thuộc các tầng lớp dân chúng sôi nổi kéo nhau đến đại lộ Thống Nhất. Tại ngã tư đại lộ Pasteur, đại tá Nguyễn Chánh thi, tư lệnh binh chủng nhảy dù, một nhân vật trọng yếu của Hội đồng cách măng được anh em sinh viên học sinh kiệu lên giữa những tiếng hoan hô nồng nhiệt đổ về trước dinh Độc Lập đang còn ở trong vòng vây của quân mũ đỏ.
Vào khoảng tám giờ, có những tiếng súng từ phía trong dinh Độc Lập bắn ra đám người biểu tình. Máu chảy, bị thương, dân chúng dạt lui về phía sau nhà thờ Đức Bà.
Đám đông sôi động trước tin binh sĩ phòng vệ phủ Tổng thống nổ súng về phía đảo chánh và dân chúng.
Trên các ngả đường, các cuộc chạm súng tiếp diễn giữa quân đội chống đảo chánh và lực lượng đảo chánh. Binh sĩ bao vây dinh Tổng thống mỗi lúc càng bị quân cứu viện siết chặt vòng vây.
Tại Bộ trưởng tham mưu, trung tá Vương Văn Đông vẫn nhân danh chủ tịch Hội đồng cách mạng gấp rút triệu tập một cuộc họp báo, tuyên bố:
- Tôi tin tưởng vào sự thoả hiệp lập chánh phủ quốc gia liên hiệp. Công việc này đang tiến hành.
Có ký giả hỏi:
- Tại sao sáng sớm nay lại có những loạt súng nổ ở Sài Gòn?
Trung tá Đông ngập ngừng đáp:
- Đây chẳng qua là vài đơn vị phản bội lời cam kết.
Một ký giả hỏi:
- Trong việc thành lập chánh phủ liên hiệp, địa vị của ông Ngô Đình Diệm như thế nào?
- Ông Ngô Đình Diệm côn giữ chức Tổng thống một thời gian cho đến lúc thực hiện xong các cuộc cải cách.
Không thấy ai hỏi gì nữa, Vương Văn Đông nói tiếp với giọng phàn nàn:
- Tôi lấy làm ngạc nhiên thấy tại sao bác sĩ Phan Quang Đán lại tự xưng là uỷ viên chính trị của "Hội đồng cách mạng".
Cuộc họp báo chỉ diễn ra trong vòng có 5 phút, giữa một bầu không khí gượng gạo. Một số ký giả tham dự nhìn đồng hố thấy 9 giờ 50, vội ra xe đổ về dinh Độc Lập.
Tại đây, cuộc biểu tình của dân chúng và sinh viên "đả đảo Ngô Đình Diệm" vẫn kéo dài, mỗi giờ phút thêm một đông. Đồng hồ nhà thờ Đức Bà ngân nga vừa buông mười tiếng, nhiều loạt súng từ trong dinh Độc Lập dồn dập bắn. ra. Có người bị trúng đạn ngã xuống, có kẻ bị thương, máu đổ kêu la, đám đông vội vàng tản mác trước cảnh chết chóc hỗn loạn.
Trên đường Tự Do, từ toà nhà Quốc hội tiếng súng bắn ra.
Nhiều xe thiết giáp và binh sĩ xuất hiện trên các ngả đường thành phố. Dân chúng tán loạn hoang mang không biết đâu là lực lượng của phe đảo chánh, đâu là quân đội chống đối, giữa những tiếng súng nổi lên ở nhiều nơi.
Gần 11 giờ qua máy thu thanh dân chúng nghe tin quân chánh phủ đã chiếm lại Đài phát thanh, và giọng xướng ngôn viên thông báo cuộc phản công thắng lợi của quân đội chống đảo chánh, sư đoàn 21, sư đoàn 7 Biên Hoà, sư đoàn 5, biệt động quân đã về giải vây thủ đô đang lần lượt chiếm lại những cơ sở, vị trí bị quân phiến loạn chiếm đóng. Hai đoàn thiết giáp gồm 24 chiếc từ Gò Vấp đã kéo về bố trí chung quanh dinh Độc Lập, bao vây quân đảo chánh, và quân đoàn thiết giáp hùng hậu ở Mỹ Tho đang rầm rộ tiến về thủ đô, trực chỉ dinh Độc Lập, tăng cường lực lượng chống phiến loạn.
Rồi liên tiếp những tin tức xen lẫn giữa những bản nhạc quân hành truyền đi thắng lợi của các đơn vị trung thành kéo về giải vây cho anh em Ngô Đình Diệm.
Trong khi ấy, tại phi trường Tân Sơn Nhất đại tá Nguyễn Chánh Thi không biết là quân đảo chánh đang bị vây khốn ở khắp nơi, ra lệnh cho ba chiếc máy bay chở đầy bom xăng đặc (napalm) để thả xuống dinh Độc Lập, và truyền cho pháo binh sẵn sàng 2.000 quả đại bác nã vào phủ Tổng thống.
Giữa lúc các sĩ quan phụ trách đang lo gắn bom vào phi cơ để cất cánh đi oanh tạc và những khẩu đại bác 105 ly chuẩn bị nhả đạn vào dinh Độc Lập thì một đoàn 10 chiếc díp tiến về phi trường chở trung tá Vương Văn Đông cùng trung tướng Thái Quang Hoàng, và các thiếu tá Liễu, Lợi… cùng nhiều bao tải đầy rơm mà anh em họ Ngô sau này đã bảo là vơ ở ngân khố Trung ương 980 triệu bạc Việt Nam và ngoại tệ, trước khi tẩu thoát.
Trung tá Đông vội nhảy xuống xe, mặt mày tái nhợt, chạy đến đại tá Thi, ghé vào tai nói nhỏ:
- Hỏng rồi? Chúng nó kéo về giải vây đông lắm, đang phản công dừ dội, mình thua mất rồi! Tôi có bắt kêm tướng Thái Quang Hoàng theo đây làm con tin, mình phải lên máy bay đi ngay không thì nguy đến nơi!
Đại tá Thi nghe xong sầm ngay mặt lại, quay~về phía các sĩ quan, buồn bã nói:
- Chúng ta thất bại rồi, tôi xin lỗi các anh em ở lại, tôi phải đi, không thì chủng nó cắt đầu tôi.
Dứt lời, vị tư lệnh nhảy dù tiến lại, ôm hôn mọi người và hỏi:
- Có ai đi theo tôi không?
Các sĩ quan có mặt đều im lặng, mọi người rời khỏi hàng ngũ những kẻ ở lại, bước ra nói:
- Tôi tình nguyện theo đại tá.
Trong không khí nặng nề trên sân bay ngập nắng, đám sĩ quan trung cấp và hạ sĩ quan đảo chánh theo nhau bước ra chiếc Dakota đang chờ cất cánh.
Đúng 13 giờ 45, mười mấy quân nhân lãnh đạo cuộc đảo chánh đêm 11-11-1960, sau 35 tiếng đồng hồ làm chủ tình hình ở Sài Gòn, cười đau khóc hận lên đường lưu vong sang Cambodge.
Cũng vào lúc này, các toán quân nhảy dù đã bao vây Tổng thống phủ từ hồi 8 giờ rưỡi sáng đang bị các đoàn thiết giáp và binh sĩ các lực lượng cứu viện bao vây chặt chẽ.
Đài phát thanh Sài Gòn nheo nhéo:
"Quân ta đang tiếp tục đánh đuổi bê lũ phiến loạn. Trụ sở cảnh sát trung ương Đô thành và Sở chữa lửa đã trở về tay chánh phủ, đơn vị giải cứu từ Nha Trang vô hồi sáng nay để chiếm lại dinh Gia Long và luôn cả Nha tổng giám đốc cảnh sát công an".
Tiếp đến là điệp khúc "Ngô Tổng thống muôn năm".
Trước tình thế đảo ngược, nhóm lãnh đạo đảo chánh đã chiếm máy bay tẩu thoát, các đơn vị binh sĩ còn lại lần lượt tan rã, bị vây bắt hay đầu hàng. Bọn thủ hạ họ Ngô đã trốn biệt trong suốt đêm ngày vừa qua lục tục ra mặt, tụ họp lại thành lập Uỷ ban chống đảo chánh để dâng kiến nghị ủng hộ Ngô Đình Diệm, làm bản thống kê điểm chỉ bắt những nhân vật theo phe đảo chánh.
Đám dân biểu cũng tranh đua với các đoàn thể bày tỏ lòng trung thành với họ Ngô, triệu tập Quốc hội họp phiên đặc biệt vào lúc 20 giờ tối ngày 12, sau khi tiếng súng đã im, quân đảo chánh đã hoàn toàn thất bại, dân chúng thủ đô ngao ngán, buồn tiếc.
Qua chương trình nghị sự đặc biệt, các đại biểu Quốc hội giành nhau lên tiếng "kết án những kẻ phản nghịch gây đảo chánh và đồng loã" quyết nghị ghi công tướng tá trung thành với chánh thể dẹp phiến loạn.
Chủ tịch Trương Vĩnh Lễ, trưởng khối Nhân vị, Lại Tư, trưởng khối liên minh Lê Trọng Quát, kêu gọi "cương quyết dẹp loài phản loạn và bày tỏ lòng tín nhiệm tuyệt đối với vị lãnh tụ tối cao Ngô Tổng thống".
Dân biểu Nguyễn Văn Liên tiếp lời ca ngợi "ơn trên đã phò hộ Tổng thống".
- Chúng tôi có cảm tưởng là chỉ có một phép lạ mới cứu vãn tình thế của chúng ta, và thượng đế đã ban một phép lạ cho quốc gia chúng ta. Phép lạ lâm thất bại âm mưu đảo chánh, làm thất bại bọn đầu cơ chính trị… trong phiên họp đặc biệt này chúng ta tri ân Thượng đế, thành kính mừng Tổng thống đã vẻ vang thắng phiến loạn và yêu cầu nhà chức trách trừng trị nghiêm khắc và mau lẹ bọn phiến loạn bằng cách áp dụng luật số 10/59 tức là xử tử đối với dân biểu a tòng với phiến loạn không được đặc miễn và hưởng quyền bất khả xâm phạm.
Bùi Quang Nga tiếp theo:
- Cúi xin hương hồn các tiền liệt cách mạng quốc gia hãy ứng vào miệng lưỡi của tôi hôm nay trước diễn đàn Quốc hội này. "Quốc loạn tri lương tướng, gia bần tri hiền thê, tri hiếu tử" nghĩa là khi nước loạn mới biết tôi trung, bạn đồng viện của chúng ta Phan Khắc Sửu tại sao vắng mặt trong buổi họp hôm nay?
Trong Đài phát thanh hôm qua văng vẳng các quí bạn chắc cũng đã nghe một tên phản quốc, một tên đáng chém, tên ấy là Phan Quang Đán nhân danh Uỷ ban chính trị Hội đồng cách mạng chó chết đã tuyên bố ở Đài phát thanh là xé chân dung của chí sĩ Ngô Đình Diệm thân yêu của chúng ta và dứt bỏ các bân ghi ơn Ngô Tổng thống. Cho nó dứt đi, nhưng nó có biết đâu rằng bản ghi ơn Ngô Tổng thống đã khắc sâu trong tâm hồn của hết thảy mọi người chúng ta.
Chúng tôi nói ra đây không phải để khoe, chúng tôi trên 20 năm nay, trong bóng tối cũng như công khai, chúng tôi biết Người lắm: con người mà suốt đời hy sinh cho dân cho nước, đã hy sinh cả hạnh phúc gia đình, độc thân mà thôi, con người ấy hiện thời bây giờ chúng ta thương mến Người bao nhiêu! Quí vị cũng thấy, các cử tri của quí vị cũng thấy, chớ không phải lời của tôi ở đây là lời nói để nịnh đâu.
Chúng tôi chỉ nói sự thật, chúng tôi không biết nịnh ai bao giờ!
Quí đồng viện cũng thấy rõ ràng trước những biến cố như vậy mới biết lòng anh em dân biểu chúng ta đối với chí sĩ Ngô Đình Diệm. Tôi xin thành khẩn yêu cầu quý bạn giúp tôi trong khi bồng bột với bầu không khí nhiệt huyết sùng sục sôi ghi ơn sâu xa Ngô Tổng thống.
Nguyễn Công V. lên tiếng phụ hoạ "đề nghị Quốc hội yêu cầu lên tiếng tử hình tiêu diệt bọn phản loạn ngày 11 và 12" và trừng trị "những tờ báo đã phổ biến những bài xuyên tạc chính thể Cộng hoà bằng cách trưng những đầu đề lớn và có những thái độ mạt sát Tổng thống bằng những danh từ bất xứng".
Huỳnh Thành Vị xắn tay áo đứng lên, lớn tiếng đòi Quốc hội "cụ thể ý kiến tin tưởng và ngợi khen Tổng thống Ngô Đình Diệm" bằng quyết nghị "triệt để trung thành với chế độ Cộng hoà nhân vị cho đến hơi thở cuối cùng và hoàn toàn tín nhiệm suy tôn một nhà lãnh đạo duy nhất là Ngô Tổng thống anh minh".
Sợ dân biểu Huỳnh Thành Vị to tiếng tranh hết công lao, Đỗ Cao Minh chân tay lại:
- Buổi tối hôm nay đây, bạn Huỳnh Thành Vị trên diễn đàn Quốc hội đã giận dữ mạnh mẽ tuyên bố ủng hộ và triệt để tín nhiệm Tổng thống Ngô Đình Diệm, vậy chớ trong những giờ phút đen tối ngày hôm qua, chúng tôi muốn hỏi rằng bạn Vị có ra đứng trước mặt bọn phiến loạn để tỏ những cử chỉ giận dỗi, có những hình thức xăn tay áo lên, giận dữ trước bọn phiến loạn đó không? Chúng tôi muốn đặt câu hỏi: bạn Vị đã có những cử chỉ đó không?
Những dân biểu đã lẩn trốn trong hai hôm đảo chánh nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng những lời tố cáo để tranh công.
Bùi Quang Nga không bỏ qua dịp tốt để tấn công bạn đồng viện đã tỏ ra sốt sắng trung thành hơn mình:
- Tôi thiết tưởng những sự giận dữ, phẫn nộ của bạn Huỳnh Thành Vị nên dành lại để đối phó với những tên như Phan Quang Đán và Phan Khắc Sửu.
Huỳnh Thành Vị đỏ bừng mặt, lôn tiếng hỏi vặn lại các dân biểu tấn công mình:
- Các bạn có biết rằng từ hồi 3 giờ sáng ngày 11-11-1960 cho tới ngày hôm nay tôi đã làm những gì không?
Rồi dân biểu Vị nhắc nhở công trạng của mình đã chỉ chỗ cho bác sĩ Tuyến trốn ở một gác xép nhà riêng khi tiếng súng đảo chánh bắt đầu nổ và kể lể:
- Trong khi phủ Tổng thống bị vây, tất cả anh em dân biểu chúng tôi không được liên lạc hết nhưng cũng được một số ít. Nằm ở trong vòng vây của quân phiến loạn, chúng tôi đã liên lạc được với Nha Trang, Đà Lạt. Từ tổ đó chúng tôi đã liên lạc được cả sư đoàn 7, và ông tỉnh trưởng Định Tường. Cho tới khi quân đội đã về tập trung chung quanh thủ dô, cũng từ tổ đó chúng tôi đã tiếp tục hoạt động cho đến khi quân phiến loạn đầu hàng: Cũng từ tổ đó chúng tôi đã tìm được nhiều tài liệu của phiến loạn: nào là cờ của chánh phủ lâm thời, nào là danh sách của chánh phủ lâm thời, nào là những dự thảo tuyên cáo của Hội đồng cách mạng, v.v…
Bác sĩ Trần Văn Thọ hoạ theo:
- Chúng tôi xác nhận rằng bạn Huỳnh Thành Vị cũng như chúng tôi đã đóng góp rất nhiều trong hai ngày biến cố.
Mấy bà dân biểu phong trào liên đới nhao nhao lên góp tiếng nói của phụ nữ, đế nghị lập một trụ tháp để ghi ơn những chiến sĩ chống đảo chánh.
Trong lúc đám dân biểu tranh nhau lên tiếng ghi công trung thành với họ Ngô, tại dinh Độc Lập sau những giờ phút khích động, căng thẳng đến cực độ, Lệ bỏ mặc anh em chồng với chiến thắng, trở về phòng tắm, trang điểm thay quần áo rồi ra đi.
Trong bộ sắc phục của phụ nữ bán quân sự, đầu đội ca-lô che khuất mái tóc uốn, súng lục đeo ở một bên lưng, Lệ ngồi bên cạnh người tài xế cận vệ, bảo cho xe đi phía cửa sau góc dinh Độc Lập, ra đường Nguyễn Du, Huyền Trân.
Qua bóng tối lính gác không nhận ra "bà cố vấn" đi giữa đêm hôm vừa im tiếng súng đảo chánh. Xe chạy vòng quanh chợ Bến Thành, hướng về phía sông Sài Gòn. Lệ bảo dừng lại cuối đại lộ Hàm Nghi:
- Cho anh đi dạo chơi đến lối 22 giờ thì trở lại đây chờ tôi.
Nàng cầm tay bánh, nhấn mạnh ga quay lại phía trung tâm thành phố, đi về lối vườn Tao Đàn phóng lên trên bờ đường trước một sứ quán. Lệ cẩn thận khoá xe lại rồi băng qua phía bên kia đường, đẩy cổng sắt vào một biệt thự giữa khu vườn rộng, sát bên sân Tao Đàn.
Đây là nhà hoà nhạc Philharmonique của người Pháp để lại.
Lệ tìm đến người tình nhạc sĩ ở một bên khu nhà này, sau khi đã từ đinh Tổng thống kêu điện thoại báo tin trước. Nhạc sĩ Hoàng không khỏi bất ngờ hay tin đệ nhất phu nhân muốn gặp mình vào lúc này, trong khi binh sĩ chống đảo chánh vẫn còn bao vây khu vực chàng ở chỉ cách dinh Độc Lập một con đường.
Từ sau ngày gặp gỡ ở lầu Lâm Ngọc trên Đà Lạt đã gần một năm nay, Hoàng không hay tiếp xúc Lệ như sau thời kỳ đại nhạc hội Mozart.
Dư luận từ phòng báo chí phủ Tổng thống đưa ra nhiều điều bàn tán về bà cố vấn và nhạc sĩ Hoàng, đã trở thành giám đốc nhạc viện quốc gia. Trong một cuộc săn bắn ở rừng Cao nguyên giữa lúc cùng một người Thượng hướng dẫn đi theo dấu vết tìm con mồi, Hoàng tình cờ gặp người chồng cố vấn chính trị cũng đang đi săn. Qua cái cười chào khó hiểu của Ngô Đình Nhu, Hoàng cảm nghĩ ngay người chồng đã hay biết là chàng dan díu với Lệ.
Sau đó, Hoàng cũng cho Lệ biết cuộc gặp gỡ này và nói cảm tưởng của mình về người chồng cố vấn, Lệ đã cười bảo chàng:
- Anh sợ chồng tôi thủ tiêu hay bắt cóc chớ gì? Khỏi lo, trừ trường hợp anh bỏ tôi đi lấy vợ.
- Thế tôi cứ phải sống độc thân mãi, không được lấy vợ ư?
- Bao giờ tôi cho phép, anh mới được lấy vợ, nghe không? Trong lúc này, anh phải thuộc về tôi.
Những lời lẽ nửa dùa nửa thật của Lệ khiến nhạc sĩ Hoàng cũng không khỏi thắc mắc, vì chàng đã hiểu rõ tính nết đặc biệt của người đàn bà này, nhất là đang có quyền hành vô hạn ở trong tay. Nhưng Hoàng vốn là người bướng bình, ngay thẳng, chàng đã bất chấp lời đe doạ của Lệ:
- Nếu tôi muốn và gặp người vừa ý, tôi sẽ lấy vợ, không ai cản được tôi!
- Tôi bằng lòng cho anh lấy vợ, nhưng với điều kiện là mỗi khi tôi muốn gặp anh không được tránh mặt.
Hoàng đã nhận lời. Hôm nay, Lệ tìm đến người tình cũ, sau nhiều ngày tháng xa cách, giữa một không khí còn nồng mùi thuốc súng. Hoàng nghe tiếng bấm chuông, mở cửa ra ngạc nhiên thấy Lệ trang vận như một chiến sĩ hành quân.
Sau cái bắt tay thân mật, giữa phòng khách chỉ có xác hai con cọp lớn và đầu con trâu rừng, Lệ ngồi lên đi văng chăm chú nhìn tình nhân với đôi mắt đắm đuối thì thầm nói:
- Cuộc đảo chánh đã chấm dứt. Người đầu tiên tôi nghĩ đến là anh nên tôi đến đây.
Bao nhiêu kích động trong 24 tiếng đồng hồ trong vòng lửa đạn hiểm nghèo đã làm cho người đàn bà đầy nhiệt tình như một sợi dây đàn căng thẳng, rung lên cực độ.
Mấy con ác thú, chiến lợi phẩm săn bắn của nhạc sĩ Hoàng, với những con mắt giả như ngơ ngác nhìn cảnh lạ lùng với con người muốn thoả mãn thú tính.
Sau hai tiếng đồng hồ đắm say, Lệ trở lại với sự yên tĩnh của cơ thể ôm hôn từ giã tình nhân, ra xe đi gặp lại người tài xế cận vệ đang đợi ở bờ sông rồi trở về dinh Độc Lập. Dinh Độc Lập nằm im trong đêm yên tĩnh sau cơn lửa đạn, như lòng Lệ trở lại yên ả sau những giờ phút sôi động nhiệt tình. Nàng lặng lẽ về phòng cởi sắc phục xanh, vào buồng tắm rồi trữ ra với bộ quần áo ngủ mỏng manh, bước qua phòng chống.
Nhu nằm cạnh bàn đến á phiện nghe mấy thủ hạ tâm phúc ngồi phía dưới báo cáo về những sự việc trong hai hôm vừa qua.
Cao Xuân Vỹ, thủ lãnh Thanh niên Cộng hoà kể lể:
- Ông cố vấn biểu lập danh sách khen thưởng những người có công trạng chống đảo chánh, làm bản thống kê những kẻ theo quân phiến loạn để trị tội, còn đối với những tên lừng chừng thì ông cố vấn tính xử sao?
Ngô Đình Nhu hỏi lại, giọng trầm khàn:
- Chú muốn nói lừng chừng là sao?
- Dạ, đó là những kẻ bấy lâu đã hưởng ân huệ lút mày lút mắt mà khi biết có đảo chánh, lớp thì trên lủi đi đâu mất, lớp thì đua nhau xúm xít ở mấy tiệm kim hoàn, bỏ tiền tranh nhau mua kim cương để chạy của. Như vậy có khác nào gián tiếp nhìn nhận chánh phủ đã thua rồi, trong lúc tình hình chưa đâu vào đâu, những bộ mặt đó lại là những kẻ mới hôm trước còn tuyên bố hăng hái hơn ai hết "Ngô Tổng thống muôn năm!", rồi chỉ nghe mấy tiếng súng nổ là đã vội cho vợ con chạy mua vàng hột xoàn, đổi đô-la để phòng thân. Thử hỏi tiền bạc đó ở đâu mà có, nếu không phải là họ đã nhờ ơn mưa móc của cụ Ngô, của ông bà cố vấn. Chưa chi họ đã tỏ ra vô ơn bạc nghĩa, trong khi đáng lý phải nghĩ cách cứu khấn phò nguy tổng thống đang mắc nạn…
Cao Xuân Vỹ càng nói càng hăng say tố cáo các bầy tôi lương đống của họ Ngô đã lo chạy của thoát thân trong hai hôm đảo chánh.
Thấy Lệ bước vào, có lẽ chú ý đến những lời cáo trạng của mình, Cao Xuân Vỹ nói tiếp:
- Bẩm bà cố vấn, em cũng có nghe là có mấy bà trong Phụ nữ liên đới chưa chi đã lây tinh thần chủ bại. Thiệt khổ cho em hết sức, vừa nghe tiếng súng nổ đã chạy đôn, chạy đáo hết hơi hết sức để liên lạc mà hôi đến mười người thì đã tới chín người mất mặt, trốn tránh đi mô hết. May là có những người quyết sống chết với Tổng thống và ông bà cố vấn, mới có Uỷ ban chống đảo chánh để thay đổi tình thế.
Bác sĩ Trần Văn Thọ ngồi ở ghế cạnh sập bàn đèn, lên tiếng kể công.
- Thưa cố vấn, em phải liều đi liên lạc với đại tá Trần Thiện Khiêm, giấu giấy của Tổng thống ở trong cà vạt mới qua mắt được đối phương. Đại tá Khiêm đã đem sư đoàn 21 bộ binh về tới ngoài Phú Lâm, song chưa dám ra tay vì sợ con đã bị thiếu tá phản loạn Nguyễn Huy Lợi bắt giữ làm con tin, nhưng rồi được tin của em đưa đến liền quyết định mở cuộc tấn công quân đảo chánh để giải vây cho Tổng thống.
Ngô Đình Nhu vẫn nằm dùng bút chì xanh đỏ ghi một số tên vào cuốn sổ tay rồi hướng về phía bác sĩ Tuyến hỏi:
- Nhân viên của "toa" làm ăn ra sao mà việc tày đình như vậy không hề hay biết gì cả? Rồi tới lúc quân đảo chánh nổ súng thì trốn chui trốn nhủi như chuột, không thấy một mặt nào. Bao nhiêu quỹ đen nuôi chúng nó, không được việc gì hết, "toa" lẩn đi đâu đến bảy giờ mới chường mặt ra?
Lệ sẵn không ưa gì vợ chồng bác sĩ mật vụ, tiếp luôn lời chồng:
- Chắc bác sĩ còn nghiên cứu kế hoạch chưa xong chớ gì?
Sắc mặt bác sĩ mật vụ thường ngày đã tái càng nhợt nhạt thêm trước những lời nhiếc móc của ông bà cố vấn chính trị, bác sĩ nhỏ nhẹ nói:
- Thưa ông cố vấn, tôi nhận lỗi là nhân viên mật vụ không hay biết được cuộc đảo chánh bất ngờ, nhưng ngay sau khi súng nổ, tôi đã cùng với mấy anh em như bác sĩ Trần Văn Thọ, dân biểu Huỳnh Thành Vị lập ngay một tổ chức chống đảo chánh, nằm ở trong vòng vây quân phiến loạn và liên lạc được với các đơn vị quân đội ở bên ngoài, Mỹ Tho, Thủ Đức, Nha Trang, Đà Lạt… sư đoàn 7, kêu gọi được các tướng tá mang quân về để giải vây. Tôi cũng đã hết sức hoạt động, trong khi Tổng thống và ông cố vấn điều đình hoãn binh. Bao nhiêu sĩ quan dân biểu, cán bộ tham gia ngay từ phút đầu để chống đảo chánh, có thể làm chứng cho tôi vẫn một lòng một dạ trưởng thành tận tâm với cụ và ông bà cố vấn. Từ 3 giờ rưỡi đêm 11 cho đến giờ phút này, tôi chưa hề được chợp mắt… Không nghỉ ngơi một phút nào trong khi chưa dẹp xong quân phiến loạn.
Bác sĩ Tuyến rút ở trong túi áo ra mấy tờ giấy đầy chữ và con số:
- Tôi đã cho kê khai đầy đủ danh sách những nhân vật chủ yếu trong quân đội chính giới, dân sự liên hệ trực tiếp và gián tiếp đến cuộc đảo chánh này. Xin trình để ông cố vấn định đoạt.
Ngô Đình Nhu đã loại bỏ bác sĩ mật vụ khỏi trọng trách cũ và không muốn cho kẻ cộng tác lợi hại phản lại mình, nên ôn tồn nói:
- Thôi được, "moa" nói như vậy là để nhắc "toa" kiểm soát lại nhân viên và hệ thống mật vụ. Còn công việc của "toa" làm mấy hôm nay "moa" cũng đã biết. Công của "toa" trong việc chống đảo chánh không phải nhỏ, "moa" đã nói với ông cụ biết rồi. "Toa" mất ngủ mấy hôm nay, cho "toa" về nghỉ sớm di.
Mỗi lời nói của Ngô Đình Nhu như mỗi mũi kim chích vào lòng tự ái của bác sĩ mật vụ:
- "Toa" có danh sách bọn đối lập chính trị trong nước, nhưng toa đã biết nhân vật nào của Mỹ ủng hộ cho cuộc đảo chánh này không?
Bác sĩ thoáng nghĩ đến vụ phục kích viên đại tá tình báo Mỹ ở Long Hải do Ngô Đình Nhu đã giao cho tổ chức phối hợp với trung tá chỉ huy lực lượng đặc biệt Lê Quang Tung ám sát chuyên viên đảo chánh dưới nhãn hiệu du kích Việt cộng. Tên mấy sĩ quan bạn của nạn nhân hiện ở trong cơ quan CIA và hàng ngũ quân sự hiện qua ký ức bác sĩ Trần.
- Ông cố vấn muốn nói là tướng Mạc Quân chủ xướng xúi giục bọn Thi - Đông phải không?
Nhu phì khói thuốc thong thả nói:
- Các âm mưu đảo chánh của chúng nó đáng lẽ "toa" phải đánh hơi biết trước để đề phòng bất ngờ hôm qua.
Bác sĩ Tuyến cười gượng chào ra, trong khi Lệ lớn tiếng nói:
- Intelligence service(3) như vậy thì đổi tên là Mediocrité service đúng hơn. Anh không khéo đưa kế hoãn binh bằng cách giả bộ điều đình để kéo dài thời giờ, và nếu bọn đảo chánh không ngu xuẩn nghe theo, thì mình cũng đi đời nhà ma rồi.
Ngô Đình Nhu giọng trầm trầm thốt ra:
- Mọi việc xảy ra như vậy cũng là hay cho mình, có gian nguy mới biết ai thiệt ai không, ai hết lòng ai ngoài mặt với mình.
Dương Văn Hiếu nãy giờ ngồi khép nép lắng nghe, lên tiếng để được chú ý đến:
- Ông cố vấn dạy rất phải. Mình nhân dịp tốt này mà thẳng tay trị những kẻ đối lập, diệt cho hết để trừ mọi hậu hoạn.
Nhu cười nham hiểm:
- Giao cho "toa" phụ trách công việc ấy, có làm được không?
Họ Dương không giấu được mừng rỡ:
- Dạ bẩm ông cố vấn thương mà sai biểu thì dù có khó khăn cách mấy đi nữa em cũng cố làm cho được chớ.
Nhu lạnh lùng dứt khoát:
- Bắt đầu từ bữa nay, giao cho toa trực tiếp chỉ huy bọn mật vụ, ráng lên nghe!
- Dạ, dạ em xin đội ơn ông cố vấn, em nguyện hết lòng với công việc để khỏi phụ lòng tin cậy của ông cố vấn.
- "Toa" xét lại mấy danh sách của bọn đối lập coi còn thiếu sót ai không, rồi làm bảng sắp hạng, nghĩ cách giải quyết từng người, tuỳ theo trường hợp lợi hại nhiều hay ít, trình bày cho tôi hay trước khi hành động. Phải thẳng tay với bọn đối lập chính trị. Thà là mình phụ người chớ đừng để cho người phụ mình, "toa" có hiểu không?
Dương Văn Hiếu đứng lên chấp hai tay vái chào trong khi Huỳnh Hữu Nghĩa phụ trách tiêm thuốc phiện ngừng lại nhỏ nhẹ nói:
- Thưa ông cố vấn: Nước loạn mới biết tôi trung như trong hàng ngũ Bộ trưởng, những người bấy lâu được cụ thương như tháu, được ông bà cố vấn tin cậy, được nở mày nở mặt với thiên hạ, vậy mà trong cơn nguy khốn vừa qua, em thấy có người sao mà kỳ quá!
- Kỳ quá là sao?
- Dạ, thưa ông cố vấn, cái thói "phản Trụ đầu Châu" không phải là kỳ cục hay sao?
- Chú muốn nói ai mà cứ vòng vo tam quốc như vậy?
- Dạ, em nói ra thì cũng kỳ, mang tiếng là moi móc anh em… Không cần vạch mặt chỉ tên, ông cố vấn cũng dư biết rồi.
Huỳnh Hữu Nghĩa ngưng nói cầm tiêm lên tiếp tục tiêm nướng thuốc Lệ hỏi chen vào:
- Chú Nghĩa sao đang nói lại thôi?
Ngô Đình Nhu cười nhạt trao cho vợ một tờ giấy ghi tên mấy nhân viên cao cấp chánh phủ bị tình nghi là không được trung thành triệt để ủng hộ Ngô Tổng thống trong khi xảy ra đảo chánh đã có những lời lẽ giao động, những cử chỉ muốn tráo trở.
Lệ đọc đến danh sách thứ hai, dài mấy trang đánh máy, bên trên ghi "tối mật" kê khai những quân nhân trực tiếp hoặc gián tiếp ủng hộ phe đảo chánh, các tướng tá có thái độ lừng khừng, trung lập.
Nàng lại nghe chồng nói:
- Phen này mình phải quét sạch từ trong ra ngoài chính phủ, quân đội, đoàn thể… loại bỏ những phần tử không dứt khoát.
Lệ tiếp lời:
- Em cũng phải xét lại phong trào Phụ nữ liên đới, lọc những kẻ thiếu trung kiên mới được.
Lệ có vẻ suy nghĩ rồi nói cùng chồng:
- Anh định dùng Dương Văn Hiếu(4) để coi về mật vụ, nhưng hắn vốn là người của chú Cẩn, chừ mình giao phó công việc tin cậy cho liệu hắn có bằng được bác sĩ Tuyến không" Hay chỉ là thứ thiên lôi hữu dũng vô mưu?
Nhu đáp:
- Hắn tuy không có học thức mấy nhưng là đứa trung thành, hăng say công việc lại có tính hiếu sát mà lúc này mình đang cần những kẻ thừa hành đắc lực, làm theo đúng kế hoạch của mình, thì dùng hắn là được việc, đúng chỗ rồi.
Trong lúc vui vẻ, viên cố vấn chính trị bộc lộ chủ trương thầm kín của mình:
- Nghệ thuật dùng người là tuỳ theo từng cá nhân, từng giai đoạn cũng như trồng cây phải chọn đất lựa mùa. Chính sách "vắt chanh bỏ vỏ" là một nguyên tắc bất di bất dịch về lối dùng người trong chính trị. Không nên tuyệt đối tin dùng một ai cả, vì con người cũng theo hoàn cảnh mà thay đổi: Trước và sau cuộc đảo chánh, em có thấy cần phải xét lại những người xung quanh mình không?
 
Chú thích:
(1) Tên của quần đảo Hoàng Sa lúc đó (B.B.T)
(2) Quỷ sứ điều khiển cuộc nhảy
(3) Intelligence service: tên gọi cơ quan tinh báo Anh, có tiếng intelligence là thông minh, còn médiocrité là xoàng, tệ
(4) Dương Văn Hiếu, cầm đầu đám mật vụ của Cẩn, nổi tiếng là hung thần ác sát ở miền Trung. Thuộc hạ của hắn hoạt động ngay cả ở Sài Gòn, và nếu cần có thể bắt luôn kẻ tinh nghi để đưa ra Huế. Hắn là người đã phát giác ra vụ "gián điệp miền Trung"