Chương 20
LÃNH CHÚA MIỀN TRUNG

Tại Hoa Lâu, trên một gò cao Bến Ngự, Ngô Đình Cẩn đang ngồi, bỏm bẻm nhai trầu, ngắm vườn hoa, bên cạnh một thiếu nữ nhan sắc nhưng vẻ mặt u sầu, trái ngược với cảnh màu xanh tươi thắm xung quanh.

 
Cô gái vào độ ngoài hai mươi tuổi, đứng bên cạnh vị Cố vấn chỉ đạo miền Trung, như một người con đứng cạnh cha, song Cẩn nhìn nàng mến say như một người tình.
- Hoàng tươi lên cho ta vui với!
Thiếu nữ tên Hoàng ngượng cười, nói:
- Dạ, thưa cậu, con có buồn chi đâu…
- Đừng xưng con, ta dặn hoài mà không nhớ, Hoàng cứ xưng em kẻo ta giận chừ.
- Dạ, Hoàng xưng em với cậu, người ngoài nghe được người ta cười cho.
- Ai cười thì ta chém đầu?
- Nhưng mà…
Không nhưng mà gì hết. Ta đã thương Hoàng thì phải để cho ta thương, không được trái ý ta nghe không?
- Dạ…
Thanh Hoàng là con gái một vị tôn thất dòng Tuy Lý ở Vỹ Dạ, một nhà đại gia đất cựu đế đô đã bị ép duyên phải lấy người con trai hoang của Ngô Đình Cẩn. Song khi mới về nhà chồng, sắc đẹp của cô nữ sinh Đồng Khánh, Thanh Hoàng lọt vào mắt của Cố vấn chỉ đạo miền Trung, và cậu bắt con dâu trưởng hầu hạ mình thay vì hầu hạ người chồng trẻ tuổi.
Để cho s gần gũi với Thanh Hoàng khỏi bị con trai không chánh thức cản trở, Ngô Đình Cẩn gởi cậu con trai hoang sang sứ quán Việt Nam ở Luân Đôn, yêu cầu người anh sứ quán lưu động giữ lại bên ấy.
 
Cuộc tình duyên loạn luân giữa bố chồng với nàng dâu diễn ra khiến cho Thanh Hoàng xấu hổ, khốn khổ, một lần định đâm đầu xuống sông nơi Bến Ngự. Ngô Đình Cẩn hay được ngăn lại, hăm doạ:
- Nếu Hoàng tự tử thì ta cũng buồn rầu mà chết, nhưng trước khi chết thì ta giết hết cha mẹ anh em Hoàng cái đã.
Cô dâu bất đắc dĩ trở thành người tình của cha chồng đành ngậm đắng nuốt cay, ngày đêm phải hầu hạ bên lãnh chúa miền Trung. Cẩn say mê Thanh Hoàng đến độ không cho nàng rời mình một bước, và có bận người đẹp về nhà thăm cha mẹ, Cẩn không ăn cơm được, bọn thuộc hạ phải đi triệu nàng về ngay.
Cả đời chỉ chung đụng với đy tớ gái, và có được ba người con trai với các người hầu mụ Luyến, nhưng Cẩn không công khai nhìn nhận làm con chính thức, mà chỉ nhận là con nuôi.
Thấy người đẹp thường âu sầu, "cậu" ta ra lệnh cất một dinh nghỉ mát ở cửa biển Thuận An, một dinh ở trên núi Bạch Mã, để đưa Thanh Hoàng đi du ngoạn, hoặc ngồi thuyền lên nguồn câu cá, đến lăng các vua nghỉ trưa. Mỗi lần xê dịch bọn thuộc hạ huy động cả đại đội binh sĩ và công an mật vụ đi mở đường, canh phòng an ninh cho "cậu" cùng cô tình nhân bất đắc dĩ đi chơi.
Hồ Đại lấy ở túi áo tờ giấy rô-nê-ô cầm hai tay dâng lên Ngô Đình Cẩn.
- Báo nói chi, mi đọc cho ta nghe!
- Dạ, bẩm cậu, đây là bài trích trong một tờ báo Anh xuất bản ở Hương Cảng HONG KONG TIGER STANDARD viết như vầy:
"Trong một cuộc hội nghị tôn giáo quốc tế, tổng giám mục họ Ngô đã không ngần ngại đọc diễn văn nói về sự phát triển Thiên Chúa giáo ở Việt Nam đã đến giai đoạn cực thịnh. Ông nhấn mạnh rằng Phật giáo Việt Nam đã tự huỷ diệt lần mòn và cho tới nay không còn dấu hiệu gì chứng tỏ đó là một tôn giáo đang còn sinh hoạt.
Một mục sư Tin Lành đã hoạt động tại Việt Nam trong 12 năm qua cho biết muốn dâng công với Toà thánh Vatican để chiếm chức Hồng Y hay nuôi tham vọng trở thành giáo chủ Việt Nam giáo, tương tự như Anh quốc giáo?
Ngô Đình Cẩn đập tay xuống bàn:
- Tịch thu và cấm tờ báo đó cho tao!
- Bẩm cậu, tờ báo này không có bán ở xứ mình? Đây họ chỉ sao lại rồi in rô-nê-ô theo kiểu truyền đơn. Con còn bắt được bài báo này nữa, của tờ Journal de Genève, mà bọn Phật giáo ở đại học đã dịch lại để phổ biến, xúc phạm Đức Cha.
- Mi dọc cho tao nghe thử!
- Dạ, bài này dài lắm, đoạn nói về Đức Cha như sau: "Giáo hoàng Jean XXIII nhận thấy lối đạo xung phong của gia đình họ Ngô ít có tính chất Thiên Chúa giáo nên đã hai lần từ chối trao mũ Hồng Y cho giám mục họ Ngô, mặc dầu bao nhiêu sự vận động nài ép cạnh Đức Giáo hoàng".
Ngô Đình Cẩn tức tối chửi thề:
- Tổ cha nó nói phạm thượng! Thằng mô viết đó có đây thì tao lấy đầu liền?
Phan Quang Đông thưa:
- Bẩm cậu, bọn sinh viên Phật tử lộng hành với đám thầy chùa ở Từ Đàm còn cung cấp tài liệu cho bọn nhà báo ngoại quốc, nói rằng tại miền Trung đã có mấy ngàn gia đình bị cưỡng bách tôn giáo và ai không chịu theo đạo thì bị tù đày, giết chóc, vu cho là Việt cộng. Rồi nào là công chức, quân nhân theo Công giáo thì được ưu đãi, chánh quyền địa phương công khai xúc phạm Phật giáo. Bẩm cậu, nhân dịp ngày Phật Đản nay mai đây, con xin lệnh cậu để làm cho không thất kinh, hết dám ngo ngoe nữa.
Hồ Đại góp lời:
- Bẩm cậu, theo lời yêu cầu của Đức Cha mà Tổng thống ra lệnh cấm treo cờ Phật giáo trong ngày Phật Đản, thì con cho là bọn Thầy Chùa có mọc một trăm tay cũng không dám chống lại ta.
Đặng Sĩ phụ hoạ:
- Bọn thầy chùa mà xúi bọn Phật tử làm lộn xộn thì đã có súng và lựu đạn nói chuyện với chúng!
Ngô Đình Cẩn tựa vào gối dựa, uể oải nói:
- Thôi được, mấy đứa bay về mà lo liệu rồi có chi thì tâu cho tao biết. Tao ngồi lâu nghe mỏi lưng lắm. Đứa mô ra đấm bóp cho tao đây! Mụ Luyến mô rồi! Thanh Hoàng mô?
Mấy thuộc hạ thân cận ra về trong lúc tên hầu cận cùng mụ Luyến xúm lại đấm bóp, Thanh Hoàng đưa trầu vào tận miệng của lãnh chúa miền Trung.
Giữa lúc ấy tại dinh Gia Long, Ngô Đình Diệm và vợ chồng người em cố vấn cùng Bộ trưởng Công dân vụ Paulus Hiếu đang bàn bạc chung quanh hai bức thư của ông anh tổng giám mục ở Huế yêu cầu Tổng thống ra lệnh hạ cờ Phật giáo.
°°°
 
Lệ nhìn anh chồng ngồi im lặng nặng nề trong khi chồng nàng chắp tay sau lưng đi đi lại lại, nói:
- Bọn Phật giáo muốn lợi dụng ngày Phật Đản để phô trương thanh thế, chứng tỏ là họ chiếm đa số trong dân chúng. Nếu mình cứ để cho họ tự do, họ được thể huy động quần chúng tín đồ làm hậu thuẫn rồi gây áp lực với chánh quyền thì về sau rầy rà lắm. Mới đây, khánh thành một tượng Phật ngoài Cấp, họ đã ùn ùn kéo nhau đi đầy đường tràn ngập cả Vũng Tàu chứng tỏ là một lực lượng đông đảo có tổ chức, có người điều khiển. Về mặt chính trị đó là một điều cần phải ngăn ngửa, về mặt tôn giáo lại càng phải chặn đứng ngay.
Ngô Đình Nhu ngừng lại lôi mấy bức thư trong túi ra nói tiếp:
- Đức cha vừa ăn mừng lễ Ngân khánh ngoài Quảng Trị, mà tại La Vang cờ Phật giáo lại treo nhiều hơn cờ Công giáo, như vậy là có phải bọn Phật giáo cố ý nhân ngày lễ Phật giáo thống nhất để gián tiếp khiêu khích không? Bây giờ đang lúc Đức Cha vận động lên chức Hồng Y, phái đoàn Toà thánh sắp qua Huế điều tra, mà họ thấy cờ Phật giáo treo đầy cả thành phố thì có phải tỏ ra lời nói Đức Cha trình với Toà thánh rằng đa số dân chúng Việt Nam theo đạo Công giáo là bịa đặt không? Như vậy, dù muốn dù không mình cũng phải ra lệnh cho tỉnh trưởng Thừa Thiên cấm treo cờ Phật giáo mới được. Huống chi đã có thư của Đức Cha viết cho anh, cho tôi yêu cầu nữa.
Lệ tiếp theo lời chồng:
- Ở đây mình không ra lệnh cấm thì ở Huế chú Cẩn cũng không triệt hạ cờ Phật giáo có phải là mình làm mất lòng Đức Cha không?
Paul Hiếu lên tiếng phụ hoạ:
- Bẩm Tổng thống, thưa ông cố vấn, con thấy là cần phải hạ cờ Phật giáo rồi, nhưng để tránh tiếng là chánh phủ kỳ thi tôn giáo, trong lệnh Tổng thống cứ nói chung là cấm treo giáo kỳ thì người ta sẽ không nói được là chỉ nhắm riêng Phật giáo mà thôi.
°°°
 Hai hôm trước ngày Phật Đản, Phật tử ở Huế đang sửa soạn treo cờ, dựng đài để mừng ngày lễ trọng đại, thì vào lúc quá ngọ chiếc xe chở vị tỉnh trưởng Thừa Thiên kiêm thị trưởng Huế chạy đến ngừng trước chùa Từ Đàm.
Tỉnh trưởng họ Nguyễn là một Phật tử, vào gặp Thượng toạ Thích Trí Quang, ấp úng nói:
- Chúng tôi được lệnh của ông Cố vấn chỉ đạo miền Trung chuyển lời cùng Thượng toạ yêu cầu ban tổ chức lễ Phật Đản kêu gọi Phật tử đừng treo cờ Phật giáo trong dịp lễ này.
Thượng toạ Thích Trí Quang không khỏi ngạc nhiên trước quyết định lạ lùng ấy, đáp:
- Ông tỉnh trưởng có thể cho chúng tôi biết lý do gì mà cấm Phật tử treo giáo kỳ trong ngày Phật Đản không?
Viên tỉnh trưởng lắc đầu ra về. Đến 8 giờ tối ngày hôm ấy Thượng toạ Thích Trí Quang lại nhận được một bức sao công điện của văn phòng Tổng thống phủ gởi cho tỉnh trưởng Thừa Thiên ra lệnh cấm treo giáo kỳ trong tất cả mọi cuộc lễ tôn giáo.
Tin cấm treo cờ Phật giáo loan đi nhanh chóng trong các giới Phật tử Huế. Tại chùa Từ Đàm, đại bản doanh của Phật giáo đồ, các nhà lãnh đạo Phật giáo họp, bàn cách ứng phó. Quần chúng Phật tử bắt đầu xôn xao.
Bức công điện của Tổng thống họ Ngô, mặc dầu lời lẽ có tính cách chung đối với các tôn giáo, nhưng lệnh triệt hạ giáo kỳ hai hôm trước ngày Phật Đản, rõ ràng là nhắm hạ uy thế Phật giáo, không còn ngờ vực gì nữa.
Sáng ngày mồng 7 mấy thượng toạ đi gặp nhà cầm quyền địa phương và đánh điện phản đối quyết định của chánh phủ Sài Gòn.
Viên tỉnh trưởng Phật tử cùng các vị lãnh đạo Phật giáo tìm ra một giải pháp thoả hiệp:
- Cảnh sát sẽ yêu cầu dân chúng đừng treo cờ Phật giáo, nhưng nếu dân chúng không nghe theo thì cũng không sao.
Đến hai giờ chiều, cả thành phố Huế bỗng nhốn nháo lên trong căm phẫn. Từ dinh cậu ở Phú Cam, lệnh truyền ra cho mấy nhân viên công lực đi khắp mọi ngả đường trong thành phố triệt hạ cờ Phật giáo.
 Những lá cờ bảy sắc bị gỡ, xé, chà đạp, và một số Phật tử chống cự lại việc cấm treo cờ bị bắt đến bót cảnh sát.
Không khí sôi động thúc đẩy Phật tử ra đường lũ lượt theo các ngả ra đến chùa Từ Đàm. Quần chúng tín đồ quyết liệt đòi bảo vệ tự do tín ngưỡng. Mấy thượng toạ đến toà tỉnh trưởng để đề đạt nguyện vọng của Phật giáo đồ.
 Viên tỉnh trưởng cho người ra nói đi vắng, song các vị Thượng toạ cứ ở lại chờ, và đám dân chúng mỗi lúc một thêm đông, như những làn sóng cuồn cuộn tràn ngập toà tỉnh trưởng. Một giờ sau viên tỉnh trưởng hiện ra, tỏ thái độ rất hoà nhã giải thích rằng các cấp thừa hành đã lầm cái lệnh của ông, và đảm bảo là việc hiểu lầm đáng tiếc sẽ không còn tái diễn nữa.
Đám đông Phật tử nghe lời khuyên nhủ của các Thượng toạ bình tĩnh ra về trong một không khí nặng nề đầy đe doạ.
Trong khi ấy, tại tư dinh họ Ngô ở Phú Cam, một cuộc họp khẩn được triệu tập, đặt dưới quyền chủ toạ của Ngô Đình Cẩn gồm đám tay chân đắc lực: trùm mật vụ miền Trung Phan Quảng Đông, bí thư Cố vấn chỉ đạo Hồ Đắc Vọng, phó tỉnh trưởng nội an kiêm quân vụ thị trấn và tiểu khu trường Thừa Thiên Đặng Sĩ, giáo sư "thấy xuất" Lê Công liên lạc viên đặc biệt giữa cố vấn miền Trung và người anh đương kim tổng giám mục địa phận Huế.
Cuộc họp mật đã đưa đến kết luận không nhượng bộ trước áp lực của Phật giáo dùng đám đông để uy hiếp chánh quyền.
Thế rồi cố vấn miền Trung mở cuộc tiếp kiến phái đoàn lãnh đạo Phật giáo trước sự hiện diện của Bộ trưởng nội vụ Bùi Văn do Ngô Đình Diệm phái ra để điều tra tình hình tại chỗ, cam kết:
- Với tư cách Cố vấn chỉ đạo miền Trung, tôi xin hứa chắc với quý vị là tôi sẽ ra lệnh thi hành hoãn công lệnh của văn phòng Tổng thống về việc cấm treo cờ Phật giáo trong ngày lễ Phật đản.
 Trong khi đó cảnh sát thành phố Huế được lệnh khẩn cấp đi các nơi buộc phải hạ hết cờ Phật giáo xuống. Trên khắp ngả đường, dân chúng Phật tử treo cờ, đèn lồng, bày hương án, bát vọng và dựng khải hoàn môn đều kinh ngạc xôn xao trước lệnh phải tíiệt hạ gấp rút.
Ban tổ chức lễ Phật Đản vội đến tiếp xúc với ông tỉnh trưởng, được nghe giải thích:
- Cảnh sát viên đã hành động sai với khẩu lệnh của thượng cấp chỉ đi kêu gọi đồng bào hãy vui lòng hạ cờ Phật giáo nhưng nếu không chịu thì thôi.
Viên tỉnh trưởng cho hai xe phóng thanh của Thông tin chạy đi loan báo trong thành phố cờ và đến Phật giáo vẫn được treo.
Mâu thuẫn ngấm ngầm giữa chánh quyền họ Ngô và Phật giáo tạm ngưng trước ngày rằm Phật Đản. Nhưng vào hồi nửa đêm, Ngô Đình Cẩn sắp sửa lên giường thì thấy trùm mật vụ Phan Quang Đông vào tâu:
- Bẩm cậu, con vừa được nhân viên báo cáo cho hay là ngày mai bọn Phật giáo sẽ biểu tình, trưng nhiều khẩu hiệu khiêu khích, chống chính quyền, xin lệnh cậu để đối phó với chúng nó.
- Chúng nói muốn sinh sự thì cứ liệu đó mà làm. Để tới mai coi đã! Tao mệt rồi, để tao đi nằm. Thôi, cho mi về đi.
Sáng ngày Phật Đản, thành phố Huế tràn đầy thiện nam tín nữ, và con đường từ chùa Diệu Đế qua cầu Tràng Tiền đến chùa Từ Đàm, đoàn người rước Phật đông đảo diễu hành trong trật tự, im lặng với các tấm biểu ngữ bày tỏ nguyện vọng của Phật giáo đồ.
Từng lúc các biểu ngữ biểu lộ sự bất mãn của Phật tử được trưng lên: "Phản đối chánh sách bất công, gian ác", "Phật giáo đồ nhất trí bảo vệ chính pháp dầu phải hy sinh", "Đã đến lúc chúng tôi bắt buộc phải tranh đấu cho chủ trương tôn giáo bình đẳng. Chúng tôi không từ chối mọi hy sinh nào".
Các Thượng toạ ra lệnh hạ các biểu ngữ có tính cách quá khích.
Tầng tầng lớp lớp dân chúng Phật tử như những làn sóng ngầm nối theo nhau tràn về chùa Từ Đàm.
Trong khi đó Đức Cha Ngô Đình Thục ngồi tại toà Tổng giám mục bên bờ sông Hương liên tiếp nhận được những tin tức về các biến chuyển cuộc lễ rước Phật mà Đức Cha với nhận đinh của kẻ cầm đầu tinh thần của gia đình họ Ngô đã tường thuật lại như sau:
"Chính Thượng toạ Thích Trí Quang đã ra lệnh cho các khuôn hội sắm các biểu ngữ nói trên trong cả đêm áp lễ Phật Đản. Ngày Phật Đản trên chùa Từ Đàm, lễ cung nghinh có gì đặc biệt, tôi xin trình bày:
Khi đoàn rước Phật đã vào trong sân chùa, các quan khách mới tiến vào. Làm lễ dâng hương xong, vị hoà thượng chánh lễ yêu cầu Thượng toạ Quang giải thích cho tín đồ biết việc "hạ cờ" Phật giáo hôm qua.
Trước máy vi âm, ông Quang nói: "Hôm nay là ngày lễ cung nghinh rước Đức Phật, nhưng chúng tôi không ngờ lại hoá ra một cuộc biểu tình".
Ông Quang đọc lớn trước máy vi âm cho công chúng cả thành phố Huế nghe vì có loa đặt khắp chùa Từ Đàm, trên cây dương liễu cao vút, mỗi lần đọc tiếng hoan hô la ó và vỗ tay vang dậy, nghe khắp thành phố.
Ông Quang ra lệnh như sau: "Lấy tư cách Hội trưởng hội Phật giáo Trung phần, tôi ra lệnh cho các bạn hữu từ nay về sau cứ treo cờ Phật giáo tại các chùa chiền khuôn hội cũng như tại tư gia đúng theo thông tư của bộ nội vụ. Đó là lệnh của ông Hội trưởng ra lệnh cho con dân Phật tử và tôi xin chịu gánh lấy cả trách nhiệm và hậu quả của việc này trước chánh phủ".
Tối ngày Phật Đản dưới ánh trăng rằm, trên các nẻo đường từ Nam Giao, An Cựu, Vỹ Dạ, Kim Long, Gia Hội… dân chúng Phật tử lũ lượt kéo nhau đổ về phía Đài phát thanh trên hữu ngạn sông Hương. Lớp lớp sóng người tuôn đổ tới đây để nghe buổi phát thanh đặc biệt về Phật giáo theo chương trình đã loan báo, bắt đầu từ 20 giờ.
Số người mỗi lúc một thêm đông tràn ngập cả khoảng rộng trước sân đài, không khí đợi chờ mỗi lúc càng khẩn trương, đám đông bắt đầu sôi động khi đã thấy quá giờ phát thanh dành cho Phật giáo vẫn nghe các điệu nhạc ngoại quốc.
Tại dinh Phú Cam, tin tức, điện thoại tới tấp cấp báo tình hình trước Đài phát thanh. Lãnh chúa miền Trung đang họp mật cùng phó tỉnh trưởng nội an, trưởng ngành mật vụ, bí thư Cố vấn chỉ đạo.
- Bẩm cậu, bọn Phật tử muốn lợi dụng buổi phát thanh này để biểu tình, khiêu khích chính phủ…
- Bẩm cậu, Phật giáo muốn chiếm Đài phát thanh.
- Bẩm cậu, chúng nó muốn làm loạn, phải trị thẳng tay mới được!
Những lời thúc giục vào phút chót và lệnh trên đã dặn dò khiến Ngô Đình Cẩn không chần chừ nữa.
- Bãi bỏ buổi phát thanh đặc biệt của Phật giáo truyền thanh tại buổi lễ sáng nay ở chùa Từ Đàm!
Ban hành lệnh thiết quân luật kể từ 20 giờ.
Giải tán bằng quân lực trong trường hợp Phật tử biểu tình phản kháng.
Thấy vắng mặt viên tỉnh trưởng, Cố vấn chỉ đạo miền Trung nói với thiếu tá Đặng Sĩ, phó tỉnh trưởng nội an:
- Có huy động quân đội thì nên hỏi qua trước ông tỉnh trưởng và thiếu tướng tư lệnh. Mà có đem lính giải tán Phật tử thì làm cho khéo nghe?
Được lệnh của cậu, Đặng Sĩ lập tức đem xe về quân vụ thị trấn, ra lệnh cấm trại binh sĩ một trăm phần trăm, và tập trung tại doanh trại tiểu khu Thừa Thiên một đại đội thuộc trung tâm huấn luyện, một trung đội ứng biến, một chi đội cơ giới, một chi đội cao xạ, một tiểu đội hiến binh và một tiểu đội quân cảnh đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của họ Đặng.
Đặng Sĩ ra lệnh phát cho mỗi quân nhân bốn trái lựu đạn hoá học, đồng thời bắt tất cả sĩ quan và binh lính lột bỏ hết phù hiệu cấp bực chức vụ và binh chủng để đi theo mình. Đặng Sĩ dẫn đầu đoàn quân hùng hổ tiến về phía Đài phát thanh.
Tại đây, đám đông mỗi phút càng thêm đông, hàng vạn người xôn xao như biển động giữa vòng rào cảnh sát giữ trật tự.
Thượng toạ Thích Trí Quang rẽ đám đông Phật tử vào dài nói rõ lý do ngưng buổi phát thanh về Phật giáo ban đầu được nhân viên cho biết là vì máy móc hư hỏng, nhưng rồi nói quanh không xong, viên phụ tá giám đốc đành thú thật: "Có lẽ vì tinh thần buổi lễ sáng nay ở chùa Từ Đàm có những sự đụng chạm đáng tiếc, chánh quyền không cho phát thanh".
- Chánh quyền đây là ai?
Trong đầu óc vị lãnh đạo Phật giáo không nghĩ đến những chiếc bóng đen sau lưng lãnh chúa miền Trung, liền bước ra tuyên bố với đám đông Phật tử đang xôn xao chờ đợi:
- Toàn thể đạo hữu cố chờ, tôi thay mặt toàn thể phật tử để tranh đấu đòi chánh quyền địa phương cho phát thanh chương trình Phật giáo. Cuộc tranh đấu phải diễn ra trong tinh thần kỷ luật, trật tự theo đường lối bất bạo động ngàn xưa của Phật giáo. Chúng ta có chánh nghĩa, phải thắng. Không phát thanh bây giờ thì mười lăm phút, nứa giờ sau, thế nào cũng tranh đấu phát thanh được. Tôi thay mặt toàn thể Phật giáo để tranh đấu cho đến cùng, các đạo hữu hãy giữ bình tĩnh.
Biển người xôn xao bỗng im lặng lắng nghe rồi vang động những tiếng hưởng ứng lời Thượng toạ. Mấy thanh niên Phật tử quá khích trèo lên nóc nhà Đài phát thanh treo cờ Phật giáo, bị Thượng toạ ngăn cản lại.
Giữa không khí nóng sốt cao độ, bỗng có tiếng từ xe phóng thanh oang oang yêu cầu dân chúng ra về vì thiết quân luật đã ban hành.
Những tiếng la ó đả đảo từ đám đông nổi dậy. Phòng điện thoại Đài phát thanh nhắn Thượng toạ Thích Trí Quang vào nói chuyện với ông tỉnh trưởng Thừa Thiên kiêm thị trưởng thành phố Huế. Vị lãnh tụ Phật giáo trở ra, đến máy vi âm, vẻ mặt thất vọng, loan báo với đám đông:
- Ông tỉnh trưởng vừa gọi điện thoại cho hay là không thể thoả mãn nguyện vọng của chúng ta và ông có nhã ý đến đây để gặp tôi và đồng bào. Hy vọng rằng cuộc nói chuyện giữa tôi và ông tỉnh trưởng sẽ đưa đến những kết quả tốt.
Các tăng ni và thanh niên Phật tử nắm tay nhau làm thành một hàng rào danh dự để đón tiếp ông tỉnh trưởng sắp đến. Tỉnh trưởng họ Nguyễn đã lánh mặt từ chiều để khỏi phải dự chứng những cảnh éo le khó xử đối với ông, là một Phật tử, và là một nhân viên của chánh quyền nhà Ngô, tỉnh trưởng theo lối cửa sau Đài phát thanh đi vào phòng vi âm, giữa lúc đám xe vòi rồng bắt đầu xịt nước vào đám đông Phật tử sôi động ở trước Đài phát thanh.
Trước cảnh hỗn loạn kêu la của đám đông chen lấn chạy tán loạn tránh vòi nước xối xả chĩa vào giải tán, Thích Trí Quang lên tiếng:
- Yêu cầu ông tỉnh trưởng nhân danh chánh quyền ra lệnh cho nhân viên công lực ngừng xịt nước để đồng bào thong thả ra về, giải tán trong trật tự.
Tỉnh trưởng họ Nguyễn ngỏ lời kêu gọi trước máy vi âm, song các vòi rồng vẫn tiếp tục xối mạnh nước vào đám đông mỗi lúc càng hỗn loạn. Thanh niên Phật tử phản ứng bằng cách ném đá vào toán quân xịt nước hăng say tấn công dân chúng bằng vòi rồng.
Trong náo loạn sôi nổi hai xe xịt nước vẹt đám đông, mở đường cho một chiến xa tiến vào trước Đài phát thanh. Đặng Sĩ oai vệ đầy sát khí, tay cầm khẩu súng lục đưa cao giữa mấy binh sĩ hợm súng cắm lưỡi lê dẫn đầu đoàn quân cơ giới võ trang.
Từ đám đông những tiếng la hét, hô đả đảo bắt đầu vang động:
- Đả đảo chánh quyền xuyên tạc!
- Đả đào đàn áp Phật giáo!
- Đả đảo chánh sách bất công gian ác?
- Đả đảo độc tài gia đình trị!
Chiếc chiến xa như hiện thân của tử thần lừ lừ tiến vào đám người sôi động đó, đám người không có trên tay một tấc khí giới, và nghiến lên trong những tiếng kêu thét rùng rợn…
°°°
Sau đêm rằm náo động đẫm máu trên bờ sông Hương, kinh thành Huế thức dậy trong một cảnh tượng khẩn trương dầy đe doạ.
 Hồi 7 giờ rưỡi sáng, thiếu tá Đặng Sĩ triệu tập một hội nghị quân sự khẩn cấp tại quân vụ thị trấn, ra lệnh thi hành đàn áp Phật giáo, trong trường hợp có biểu tình phản kháng.
Các lực lượng thiết giáp xa, xe lội nước, nhảy dù, biệt động khu, bảo an tập trung đông đủ trước tiểu khu Thừa Thiên được đặt trong tình trạng báo động, biểu dương lực lượng, sẵn sàng tác chiến. Nhiều toán lính Nùng, Miên súng ngắn lưỡi lê rầm rập đi tuần hành trong thành phố. Cảnh sát võ trang tiểu liên và lựu dạn cay tấn công ở các ngả đường, công an mật vụ phân tán trà trộn vào đám đông dân chúng từ các hướng đổ về Đài phát thanh.
Đám đông Phật tử từng từng lớp lớp cuồn cuộn tràn ngập cả khoảng trống ở dốc cầu Tràng Tiền trước đài, đầy cả khu vườn hoa Bảo Đại ở tả ngạn sông Hương.
Giữa không khí nóng sốt của quần chúng, Phật tử mỗi lúc một thêm đông, âm thầm quyết liệt, mọi người chờ đợi cam kết giải quyết của tỉnh trưởng đại diện chánh quyền đã hứa hẹn sau vụ đàn áp đổ máu.
Trên nền trời trong vắt bỗng xuất hiện từng đoàn máy bay khu trục đeo đầy phi đạn dưới hai cánh, đâm sà xuống trên đầu dân chúng, lướt qua những ngọn cây phượng đã chớm nở hoa màu đỏ máu.
Trong tiếng động cơ vang dội của các phi đoàn bay lượn rất thấp, những đoàn xe thiết giáp, xe mười bánh chở đầy lính võ trang xuất hiện rầm rầm theo tiếng kèn rú chạy qua giữa đám đông.
Những biểu ngữ kẻ vội vã trưng lên trong đám Phật tử từ các khuôn hội kéo về biểu tình ở trung tâm thành phố.
- Hãy giết chúng tôi đi!
- Hãy thường mạng những người đã chết?
- Lấy cái chết để bảo vệ tín ngưỡng!
Những tiếng hô "đả đảo bọn khát máu" vang dậy trên hai bờ sông Hương át cả tiếng máy bay và tiếng thiết giáp đang bao váy đám đông sôi động.
Trước tình thế khẩn trương cực độ giữa đám đông dân chúng Phật tử đòi chết vì đạo và binh sĩ họ Ngô sẵn sàng đàn áp, viên tỉnh trưởng vội lên chùa Từ Đàm gặp Thượng toạ Thích Trí Quang.
- Xin thầy khuyên nhủ cho đồng bào Phật tử giải tán chờ phái đoàn chính phủ Sài Gòn giải quyết.
- Tôi cũng yêu cầu ông tỉnh trưởng can thiệp với thiếu tướng tư lệnh quân khu I ra lệnh cho máy bay, xe tăng, quân lính rút lui đi.
Sự nhân nhượng thoả hiệp giữa đại diện chánh quyền và lãnh tụ Phật giáo tạm thời ngưng lắng cuộc đấu tranh mãnh liệt của Phật tử Huế và quyết tâm đàn áp của anh em họ Ngô ở miền Trung.
 Sáng hôm sau tại chùa Từ Đàm, Thượng toạ Thích Trì Quang chánh thức triệu tập một cuộc họp khoáng đại quần chúng Phật tử.
Khắp các nẻo đường đưa đến đại bản doanh Phật giáo có đến hàng vạn tín đồ tấp nập kéo đến tập trung trước chùa để nghe vị lãnh tụ hướng dẫn cuộc tranh đấu chủ trương bất bạo động nhưng cương quyết thách đố với bạo lực.
 Năm nguyện vọng được nêu ra:
1. Yêu cầu chánh phủ thu hết vĩnh viễn công điện triệt hạ cờ Phật giáo.
2. Phật giáo được hưởng quyền bình đẳng tôn giáo như các Hội truyền giáo Thiên Chúa.
3. Chấm dứt tình trạng khủng bố bắt bớ tín đồ Phật giáo.
4. Phật giáo được tự do truyền đạo và hành đạo.
5. Chánh phủ phải đền bồi xứng đáng cho những người bị chết oan vô tội và kẻ chủ mưu giết hại phải bị trừng trị đúng mức.
 Trong khi đó ở Sài Gòn, tại chùa Xá Lợi, tổng hội Phật giáo mở cuộc họp bất thường. Thượng toạ Thích Tâm Châu nhân danh phó hội chủ lên tiếng hưởng ứng kêu gọi qua một bức tâm thư gởi cho toàn thể Phật giáo đồ.
 "Phật tử chúng ta mấy năm gần đây bị chôn sống, bị vu khống, bị lưu đày, bị thiên cư, bị nhục mạ, ngày nay lại thêm một cái tát đau đớn nữa là lá cờ Phật giáo quốc tế - linh hồn Phật giáo - bị huỷ bỏ ngay ngày kỷ niệm đấng giáo chủ của chúng ta để đến nỗi cuộc hy sinh vì đạo đã phải diễn ra tại Huế, dưới họng súng của viên thiếu tá phó tỉnh trưởng Thừa Thiên, tám Phật tử bị giết, mấy mươi Phật tử bị thương vì bảo vệ lá cờ Phật giáo. Giờ đây, toàn thể Phật giáo đồ, không phân biệt xuất gia, tại gia, người Việt hay ngoại kiều, hễ ai còn nhiệt tâm vì đạo, chúng ta hãy tự bình tĩnh, luôn luôn muôn người như một sẵn sàng bảo vệ đạo, chết vì đạo, chắp tay hướng lên Đức Phật, bước dài trên con đường tử đạo, mà nguyện rằng: "Chúng tôi sẵn sàng bình tĩnh, trật tự, quyết hy sinh cho đạo theo sự hướng dẫn của Tổng hộ; Phật giáo, noi gương các Phật tử tại Huế đã bỏ mình vì lá cờ Phật giáo".
 Trước khí thế tranh đấu của Phật giáo từ Huế lan tràn vào đến thủ đô Cố vấn chính trị Tổng thống triệu tập cuộc họp tìm cách đối phó. Chầu quanh Ngô Đình Diệm có Ngô giám mục từ Huế bay vào, vợ chồng Ngô Đình Nhu các Bộ trưởng nội vụ…
Nhu nói:
- Bọn thầy chùa muốn lợi dụng việc ở Huế để gây áp lực với chánh phủ, nếu chúng ta nhân nhượng thì chúng nó làm tới. Tôi chủ trương phải thẳng tay đối phó. Phật giáo tuy đông nhưng thiếu tổ chức, thiếu cán bộ, ta cứ đập tan mấy tên lãnh đạo đầu não thì phong trào xẹp ngay.
Lệ tiếp theo lời người chồng cố vấn:
- Với bọn Bình Xuyên mình còn đánh cho tan, huống chi với bọn đầu trọc tay không này, mình sợ chi mà anh Tổng thống còn do dự cứ muốn thu xếp tử tế với họ. Em thấy đúng như lời Đức Cha nhận định là mình không nhân cơ hội này mà dẹp thì phong trào Phật giáo sẽ phát triển lớn mạnh, lấn lướt cả bên mình.
Paulo Hiếu, Bộ trưởng Công dân vụ, lên tiếng:
- Bầm Đức Cha bẩm tổng thống, bẩm ông bà cố vấn, con thấy là bọn Phật giáo áp dụng sách lược tranh đấu theo lối Cộng sản, mình cũng phải dùng thủ đoạn mà đối phó mới được. Về phương diện chánh thức, Tổng thống cứ trì hoãn kéo dài không giải quyết những yêu sách nguyện vọng của họ, còn một mặt thì thi hành chánh sách khủng bố, cô lập bịt miệng họ lại. Họ đã nói là mình "khủng bố tín đồ Phật giáo" thì cần phải cho họ biết tay…
Thấy anh ngồi im lặng, Ngô Đình Nhu nói:
- Đức Cha với anh Tổng thống để tôi tính kế hoạch chơi lại chúng nó cho.
Ngô giám mục lạnh lùng nói:
- Chúng ta không thể lùi bước được nữa. Bọn Thích Trí Quang loan truyền ở Huế là chính tôi đã ngầm ra lệnh cho xe tăng mở cuộc đàn áp Phật tử trước Đài phát thanh. Tôi sẽ đăng đàn diễn thuyết để đánh tan những lời buộc tội đó và sẽ vạch rõ bộ mặt bạo động khiêu khích của Thích Trí Quang.
Paulo Hiếu phụ hoạ:
- Bẩm Đức Cha dạy rất phải. Bọn Phật giáo là kẻ thù của chúng ta, cần phải tiêu diệt!
Bộ trưởng nội vụ Bùi Văn lên tiếng:
- Bẩm Đức Cha, bẩm Tổng thống, bẩm ông bà cố vấn, con đã từ bỏ đạo Phật và mới rửa tội xong, con xin có ý kiến về việc đối phó với Phật giáo phản động như vầy: cho huy động cảnh sát đã chiến, công an mật vụ, công an xung phong, Thanh niên cộng hoà, lực lượng đặc biệt võ trang, mang máy truyền tin để canh gác ngăn chặn Phật tử lui tới các chùa, khám xét sư ni đi ngoài đường, mặt khác cho theo dõi để khủng bố hoặc bắt cóc các sư cầm đầu: bỏ tài liệu Việt cộng vào các chùa để mở cuộc điều tra bắt giam…
Paulo Hiếu nói tranh theo:
- Bộ Công dân vụ xin phối hợp để tổ chức các đoán sứ giả và tín đồ biểu tình dâng kiến nghị ủng hộ Tổng thống, chia rẽ hàng ngũ Phật giáo.
°°°
Hàng ngàn người tập trung tại chùa Ấn Quang để rước bài vị những Phật tử nạn nhân đêm tàn sát ở Huế về chùa Xá Lợi làm lễ cầu siêu.
Trong khi đó tại Huế các gia đình nạn nhân được lệnh ngầm của Cố vấn chỉ đạo miền Trung buộc họ phải rút bài vị ra khỏi chùa và phải viết đăng báo từ chối việc phong thánh tử vì đạo của Tổng hội Phật giáo.
Tổng giám mục Ngô đăng đàn diễn thuyết, trình bày lại đêm bi thảm theo nhận định riêng, và xác nhận rằng tám thiếu niên thiệt mạng vì một chất nổ mạnh theo điều tra của chánh quyền là do plastic Việt cộng. Ngô Đình Thục nhận các nạn nhân không phải là Phật tử.
 "Về tám nạn nhân ấy tôi xin nhắc rằng: có hai người đang học đạo Công giáo, bốn người không thuộc giáo nào - sáu người là hiếu kỳ đi xem cuộc vui mà thôi".
 Kết luận, tổng giám mục Ngô gián tiếp tố cáo Thượng toạ Thích Trí Quang là người đã khiêu khích chống chánh phủ phải chịu trách nhiệm. Cuộc xung đột không tuyên chiến giữa tổng giám mục họ Ngô và vị lãnh đạo Phật giáo Thích Trí Quang bắt đầu bước vào giai đoạn công khai.
Sau đêm thiết quân luật, sinh viên học sinh, thanh niên Phật tử lũ lượt kéo về các ngả đường chùa Từ Đàm đang bị bao vây sau những rào dây thép gai, gặp những mũi nhọn lưỡi lê và xe thiết giáp ngăn lại họ ngồi xuống đường, hướng về chùa chắp tay đọc kinh cầu nguyện.
 Các toán lính đeo mặt nạ xông tới, tung lựu đạn cay, lựu đạn có chất độc vào đám đông thanh niên Phật tử, đoàn chó bẹc-giê hung dữ được thả xua vào cắn xé dân chúng. Những tiếng kêu gào thảm thiết nổi lên giữa những lời "mô Phật" nức nở trong không khí mù mịt khói lựu đạn bao phủ.
 Các cuộc đàn áp bằng lựu đạn cay, lựu đạn át xít đốt cháy da thịt Phật tử và chó bẹc-giê cắn xé dân chúng Huế diễn ra liên tiếp trông suốt hai ngày, ngăn chặn đám đông Phật tử đổ đến chùa Từ Đàm, Bảo Quốc, Linh Quang hoàn toàn bị cô lập giữa vòng vây dây thép gai, xe thiết giáp Ngô Đình Cẩn, và quân lực hùng hậu của lãnh chúa miền Trung.
 Trong cảnh kinh hoàng của những Phật tử bị những mảnh đạn bay xé mặt, bị chất độc đốt cháy thân mình, mù cả hai mắt, thổ huyết vì hơi nồng lựu đạn cay, bị chó xé rách nát thịt, hàng trăm người ngã xuống mê man trên mặt đường.
 
Đại đức Thích Quảng Đức
 
Đại đức Thích Quảng Đức tự thiêu ở Huế (Nguồn: Mõ Hà Nội)
 
Đại Đức Thích Quảng Đức tự thiêu (Nguồn: Mõ Hà Nội)
 
Cuộc đấu tranh của Phật tử đã đưa đến sự tự thiêu của hoà thượng Thích Quảng Đức để phản đối quyết liệt chế độ Ngô triều.
Nghe tin ấy, gia đình họ Ngô hội họp lại để bàn cách đối phó.
Nhu nói:
- Làm gì có chuyện tự thiêu. Đây là một trò cưỡng bách giết người để vu cáo chế độ chúng ta!
Lệ tiếp lời chồng:
- Chắc là chúng nó đánh thuốc mê cho lão sư rồi mới đem nướng đó? Quân dã man mọi rợ thiệt?
Diệm lạnh lùng trầm ngâm:
- Đây là một vụ án mạng. Mặc kệ nó!
- Phải tìm cách trị bọn chúng nó về tội công khai giết người để tuyên truyền kích động dân chúng.
Ngô Đình Nhu nói rồi gọi điện thoại cho Bộ trưởng Ngoại giao, thạc sĩ luật khoa Vũ Văn Mẫu:
- Ông cố vấn đây, ông Vũ đó phải không? Tôi vừa nghe tin có một vụ tự sát có tổ chức của Phật giáo. Ông thạo về luật hãy cho tôi biết là trong luật có khoản nào bắt tội mấy thượng toạ và tăng ni dự kiến cuộc tự thiêu không?
Vị Bộ trưởng luật khoa đại học ở đầu dây trả lời:
- Trong luật pháp thế giới từ xưa đến nay không có nước nào bắt tội người chết bằng lối tự tử cả. Vì chết là hết. Và người dự kiến cũng không thể quy trách nhiệm cho họ được.
- Không có luật ấy thì mình phải làm ra luật chớ. Nhờ ông soạn cho tôi luật ấy rồi đưa Quốc hội thông qua, để tôi đem áp dụng. Việc cần lắm, ông làm gấp cho tôi!
Ngô Đình Nhu chắp tay sau lưng đi đi lại lại, bực tức. Điện thoại reo, Lệ cầm lên nghe:
- Phải, bà cố vấn đây. Hãng vô tuyến truyền hình CBS muốn phỏng vấn tôi? Về vụ tự thiêu của nhà sư vừa rồi! Được, tôi sẵn lòng. Chiều hôm nay cũng được, lối 19 giờ tại dinh Gia Long.
Vào khoảng 3 giờ chiều hôm ấy, vị Bộ trưởng Ngoại giao giáo sư Vũ Văn Mẫu gọi điện thoại cho Bộ trưởng phủ Tổng thống Nguyễn Đình.
- Ông thưa lại cho Tổng thống hay là bên ngoài dân chúng hết sức xao động về việc tự thiêu hồi trưa của vị hoà thượng. Dư luận các toà đại sứ các nước ở Sài Gòn cũng tỏ ra đặc biệt chú ý đến vụ này. Giới ký giả thông tin viên quốc tế xôn xao lắm: ông cần trình bày cho Tổng thống rõ để tìm cách trấn an nhân tâm chí. Sao? Ông không dám tâu lại, sợ Tổng thống quở, sợ ông bà cố vấn rầy rà? Ông muốn nhờ tôi đi với ông vô dinh để gặp cụ? Được, ông đến Bộ Ngoại giao rồi chúng ta cùng đi.
Ngô Đình Diệm nghe hai vị Bộ trưởng phủ Tổng thống và ngoại giao tường trình về dư luận sôi nổi bên ngoài, lắc đầu nói:
- Cho chúng nó cứ việc tự thiêu, để lộ bộ mặt khiêu khích, phản loạn của Phật giáo, chính phủ càng có cớ để trị.
Ngoại trưởng Mẫu nói:
- Thưa Tổng thống, nếu vấn đề không sớm được giải quyết, tôi e tình hình sẽ thành quan trọng, bất lợi cho chánh phủ.
- Nếu bọn lãnh đạo Phật giáo xúi giục làm cho tình hình nghiêm trọng thì đã có biện pháp võ lực đối với họ.
- Thưa Tổng thống, Phật giáo họ vẫn chủ trương bất bạo động, biện pháp võ lực không giải quyết được gì. Lúc này Tổng thống đứng ra ngỏ vài lời là có thể trấn an được nhân tâm.
- Tôi cũng nể lời của ông ngoại trưởng chớ tôi đã nói với ông cố vấn là không có giải quyết vấn đề gì cả.
Tối hôm ấy, hàng vạn Phật tử khắp thủ đô lần lượt về chùa Xá Lợi để chiêm bái giác linh cố Hoà thượng Thích Quảng Đức, Đài phát thanh Sài Gòn truyền đi lời hiệu triệu của Tổng thống Ngô Đình Diệm phủ dụ bằng những lời lẽ ngọt ngào:
"Tôi long trọng nhắc nhở ràng, Phật giáo Việt Nam được hiến pháp quốc gia bảo vệ, mà tôi là người đứng ra đảm nhiệm".
Đồng thời tại dinh Gia Long, đệ nhất phu nhân trang phục lộng lẫy, ngồi dưới ánh sáng rực rỡ của giàn đèn quay phim trước ống kính máy vô tuyến truyền hình, tuyên bố với phóng viên hãng CBS:
- Vụ tự thiêu của vị sư hôm nay rõ ràng là một vụ ám sát có tổ chức của bọn người cuồng tín, phản loạn khoác áo cà sa. Phật tử đã nướng thịt sư của họ, sau khi đã đánh thuốc mê nạn nhân. Nướng thịt người như vậy mà cũng không có nhiên liệu tự túc, chúng phải dung đến xăng viện trợ!
Lệ cười thích thú sau câu nói chưa cay rồi tiếp tục:
- Tôi không ngần ngại tố giác khi thấy các phần tử phản loạn không ngại đầu độc và giết người một cách hoàn toàn vô tội vạ rồi lại "phong thánh" họ lên để xúi dân thờ. Vụ ám sát Thích Quảng Đức sau khi đầu độc ông sư này được bịa đặt một cách trắng trợn là phải bảo vệ tín ngưỡng lâm nguy, khi thật sự không có vấn đề ấy, là một vụ lừa bịp xúc phạm thần thánh vì đã lợi dụng tín ngưỡng đề đem lại một án mạng ghê rợn. Thế mà làm sao có thể kêu được là một việc "cao cả"? Đề cao một vụ lừa bịp đầu độc dân lành thì nhất định phải là một trọng tội.
Lệ hoa tay, nhíu mày mím môi, vừa nói vừa lấy điệu bộ như một diễn viên màn ảnh, kết luận:
- Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thế giới mới xảy ra những mưu đồ đen tối, man rợ và độc ác đến thế. Không bao giờ tôi chịu nhận sự giết hại sư Thích Quảng Đức hay xúi ni khác tự tử là một vụ Phật giáo được.
Hôm sau, Ngô Đình Nhu cho gọi cấp Paulus Hiếu đến dinh.
- Việc tổ chức bọn thầy chùa toa xúc tiến đến đâu rồi?
Paulus Hiếu cười hềnh hệch nói:
- Dạ, thưa cố vấn, tôi đã huy động được cả hàng trăm ông thầy chùa Lục hoà tăng và cho một số cán bộ công dân vụ cạo đầu làm sư để phối hợp với họ cấp thời tổ chức tổng hội Phật giáo Cổ Sơn Môn. Tính thêm với số người theo đạo ông, bà thì Cổ Sơn Môn có tới hàng triệu tín đồ, mình có thể dùng họ làm lợi khí tuyên truyền chống lại Tổng hội Phật giáo. Ngoài ra, tôi có tuyền một trăm thanh niên cao bồi cho cạo đầu mặc áo cà sa tung vào trong dân chúng làm bậy đè gây mâu thuẫn bôi nhọ sư sãi. Dạ, mấy triệu bạc của ông cố vấn giao cho, tôi đã dùng cả vào trong công việc này.
- Được như có cần thêm tiền thì toa gặp ông Võ Văn Hải(1) mà lấy. Hai triệu đủ không?
Trong khi Paulus Hiếu cầm mảnh giấy viết tay của cố vấn chính trị để đi gặp thủ quỹ phủ Tổng thống thì viên trường phòng báo chí Tổng thống bước vào ôm một hồ sơ dày trên tay, báo cáo:
- Bẩm cố vấn, theo những điện tín của hãng thông tín ngoại quốc và phúc trình điện khẩn của các sứ quán mình kèm theo các bài báo thì ở Tích Lan, Vọng Các, Nam Vang, Đông Kinh, Calcutta có các cuộc biểu tình ủng hộ Phật giáo Việt Nam. Bà Thủ tướng Tích Lan kêu gọi các nước theo Phật giáo tại Á châu ủng hộ việc Tích Lan vận động với ông Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc can thiệp vào vấn đề Phật giáo tại Việt Nam. Thủ tướng Tích Lan lại gởi thông điệp riêng cho tổng thống Kennedy yêu cầu giải quyết vấn đề. Thái tử Sihanouk phụ hoạ nói Cambodge sẽ góp sức với Tích Lan và các nước theo Phật giáo khác để đưa vấn đề ra trước Liên Hiệp quốc.
Về báo chí hầu hết các báo ở Mã Lai, Tân Gia Ba, Tích Lan, Miến Điện, Ấn Độ, Thái Lan, Cam Bốt, Ai Lao, Đài Loan, Hồng Kông, Đại Hàn, Nhật Bản, Nam Dương, Úc, Phi, đều in hình ảnh và tường thuật về vụ tự thiêu ở trang nhất. Phía Tây phương thì các báo Pháp và Mỹ nói đến nhiều nhất theo một luận điệu bất lợi cho chánh phủ ta.
Ngô Đình Nhu chắp tay đi lại nghe viên trưởng phòng báo chí phủ Tổng thống phúc trình, cau mày nghĩ ngợi, rồi nói:
- Có mấy ký giả ngoại quốc xin phỏng vấn bà cố vấn, bà đã trả lời tiếp ai chưa?
- Bẩm cố vấn, bà chỉ mới tiếp phóng viên hãng vô tuyến truyền hình CBS chiều hôm qua, còn các đặc phái viên New York Herald Tribune, Time, Le Figaro chưa thấy bà cố vấn nhận lời tiếp.
Nhu nhấc ống điện thoại lên nói chuyện với vợ:
- Em này, em nhận lời tiếp các ký giả ngoại quốc liền đi, sớm ngày nào hay ngày ấy đề phản tuyên truyền Phật giáo đối với dư luận quốc tế đang bất lợi cho chúng ta. Anh sẽ bàn với em thêm về những lời tuyên bố đá lại bọn sư. Em đã ra lệnh cho Gregory viết bài trong "Times of Vietnam" rồi hả? Tốt.
°°°
 
- Bẩm bà cố vấn, chúng tôi đã sẵn sàng, xin bà cố vấn bắt đầu cho.
Đáp lời nhân viên kỹ thuật đài Sài Gòn đến tại văn phòng bà cố vấn để thu thanh những lời tuyên bố của đệ nhất phu nhân sẽ truyền đi trên làn sóng điện, Lệ ngồi ngay người lại nói:
- Với tư cách Chủ tịch sáng lập phong trào Phụ nữ liên đới Việt Nam, tôi tố giác Tổng hội Phật giáo đã để cho những phần tử không xứng đáng gây một tình trạng rối rắm không dựa trên một lý do nào chánh đáng và vững chắc, trong khi đất nước sau hơn 20 năm tranh đấu khốc liệt đã gần nắm chiến thắng. Chúng tôi phản đối tư cách "lãnh đạo của đa số khổng lồ" mà Tổng hội Phật giáo đã tự đặt cho mình. Chúng tôi không thể nào chấp nhận cho sự dung túng những thủ đoạn xảo quyệt coi thường lý trí và thể diện của nhân dân mà Tổng hội cứ tiếp tục dung túng cho các phần tử không xứng dáng.
Thật vậy, không gì ngao ngán bằng khi thấy các phần tử ấy kiếm đủ cách sinh sự, không bằng lời nói thì bằng hành động, từ chùa này chạy qua chùa kia, không ngoài mục đích ngăn cản sự lưu thông để gây rối loạn. Trong vụ mệnh danh là "Phật giáo", chỉ có đàn bà, con nít, bô lão bị mê hoặc và làm hậu thuẫn cho các phần tử phản loạn trá hình tu hành.
Tất cả những hành động của những người lãnh đạo Phật giáo chung qui vào việc đem nướng sống một nhà sư mà họ đã đầu độc và lợi dụng lòng tín ngưỡng. Việc làm đó thật là một việc làm thoái hoá đến tối tăm man rợ của thời kỳ tiền sử.
 
Trong lúc Lệ thích thú đả kích việc "nướng sư" của các tăng ni thì tại Hội trường quốc gia hành chánh tổng giám mục Ngô đăng đàn diễn thuyết tố cáo các nhà lãnh đạo Phật giáo đấu tranh là do Việt cộng tổ chức và giựt dây.
Từ dinh Gia Long, đốc phủ Quách Tòng Đức, chánh văn phòng của Tổng thống gởi mật điện cho phó Tổng thống, các Bộ trưởng, giám đốc các cơ quan, đại biểu chánh phủ các miền, tỉnh trưởng, truyền lệnh của Ngô Đình Diệm:
"Hãy tạm thời hoà hoãn trong mọi trường hợp trước khí thế đang lên của Phật giáo, để chờ một phương sách tấn công hữu hiệu mới, sẽ được Tổng thống ban chỉ thị sau".
°°°
 
Một buổi sáng, Paulo Hiếu và giám đốc thông tin vào dinh yết kiến Ngô Đình Nhu:
- Bẩm cố vấn, tôi thấy không nên để bọn sư biến chùa Xá Lợi thành một nơi tuyên truyền chống chánh phủ mỗi ngày. Chúng bảo là nhà chùa liệng vỏ chuối cho chánh phủ dẫm lên mà ngã trượt, rồi giải thích cùng Phật tử là thế nào chánh phủ cũng đổ vì vụ Phật giáo.
Bộ trưởng Công dân vụ Paulo Ngô Trọng Hiếu rút khăn lau mồ hôi trên mặt béo phị, tức tối tiếp:
- Chúng nó lại huyễn hoặc dân chúng với trái tim của lão hoà thượng tự thiêu, bày cục thịt nướng lên bàn thờ cho Phật tử đến lạy, cúng tiền. Không thể để cho bọn đầu độc tiếp tục mê hoặc thiên hạ để làm loạn…
Ngô Đình Nhu trầm giọng lạnh lùng nói:
- Cần khuyến khích cho chúng nó làm tới nữa, chớ sao lại tính chuyện ngăn chặn? Toa coi kế hoạch ba điểm thì rõ.
Paulo Hiếu cầm lấy cuốn sổ tay của Ngô Đình Nhu đọc:
- Giai đoạn thứ nhất: gây phẫn uất căm hờn. Giai đoạn thứ hai, giả nhượng bộ trong khi vẫn khiêu khích khiến Phật tử uất hận đến cực độ gây nên bạo động. Giai đoạn thứ ba: nhân cơ hội đó mở cuộc đại tấn công chùa chiền, càn quét tăng ni Phật tử.
Paulo Hiếu ngạc nhiên thích thú kêu lên:
- Kế hoạch của ông cố vấn tuyệt quá! Thế này thì mới dẹp yên được bọn đầu trọc!
- Toa chớ có chủ quan. Lãnh đạo bọn sư là một tay ghê gớm lắm, mình mà không khéo thì nguy với nó.
Paulo Hiếu nhìn Ngô Đình Nhu một cách có ý nghĩa rồi nói:
- Bẩm cố vấn, hai vạn bức chân dung của ông cố vấn biểu in, tôi đã đốc thúc cho máy ốp-xét chạy ngay đêm xong rồi. Xin ông cố vấn ban chỉ thị để tôi thi hành.
Nhu im lặng đứng lên, chắp tay đi lại trong căn phòng, thấp giọng hỏi Paulo Hiếu:
- Các tấm hình Tổng thống ở mấy nơi công cộng, toa với thằng Cao Xuân Vỹ đã cho hạ xuống chưa?
- Bẩm cố vấn, việc này Cao Xuân Vỹ nói đã biểu Thanh niên cộng hoà lãnh để thi hành.
- Chiều nay đúng 4 giờ, toa với Cao Xuân Vỹ phải có mặt tại đây để nhận chỉ thị mới.
Ngô Đình Nhu quay về Tổng giám đốc Thông tin Phan Văn Tạo ngồi im lìm suốt buổi. Viên cựu tri huyện lên tiếng:
- Bẩm cố vấn, những lời biểu thị quý giá vừa rồi của cố vấn, em sẽ cho thông tin viết thành bài gởi đăng khắp các báo và phát thanh để phản công Phật giáo. Em có ý kiến bảo các nhật báo bán chạy ở đây mở mục "Diễn đàn dân chúng" để đăng những bức thư buộc tội Phật giáo, ký tên Phật tử, chơi lại nhà chùa, cố vấn dạy ra sao?
- Được, cần có một chiến dịch phản tuyên truyền Phật giáo thật rầm rộ, đại qui mô bằng đủ mọi cách để đánh lạc dư luận trong và ngoại quốc, hạ uy thế Phật giáo xuống. Phải chơi cả hai mặt chính trị và võ lực để sửa soạn cho biện pháp cuối cùng giải quyết Phật giáo chỉ trong 5 phút.
 
°°°
Trong chiếc áo hở cổ the hồng ôm sát người nổi bật bộ ngực hở và các đường cong uốn lượn trên người, Lệ xăng xái đi vào văn phòng Tổng thống, lúc 7 giờ sáng. Ngô Đình Diệm đang ngồi ký tập hồ sơ dày, ngẩng lên nhìn thấy cô em dâu lộng lẫy, ngào ngạt, nước hoa nồng nàn tiến lại, vẻ mặt không vui.
- Thím? Có việc chi mà thím bữa ni dậy sớm rứa?
- Anh coi, có tức không? Người cầm đầu Công giáo lại đi bênh Phật giáo mà chống mình, thiệt lạ quá?
- Ai cầm đầu Công giáo chống mình?
- Anh đọc bức thư luân lưu này thì rõ. Đức tổng giám mục Sài Gòn kêu gọi chúng mình tôn trọng tự do tín ngưỡng đó!
Giọng nói của Lệ mỉa mai kéo dài tiếp theo trong khi Diệm cau mày đọc bức thư của nàng trao tay:
- Hôm nọ, cha Lê Quang Oanh đã viết thư cho Tổng hội Phật giáo lên án chánh phủ là tàn bạo dã man, phản đạo đức, làm nhục quốc thể, nay lại Đức Cha Bình ra mặt phản đối, anh làm sao đó thì làm, chớ Đức Cha đã muốn bênh Phật giáo thì cho ra khỏi địa phận Sài Gòn mà hô hào!
Ngô Đình Diệm lắc đầu, thở dài:
- Thím nói như rứa không được. Đức Cha thuộc về giáo quyền, chớ chánh quyền đâu có đổi thay người cầm đầu các địa phận được!
- Tổng thống cầm đầu mà chịu thua các cha cầm đầu địa phận, vô lý! Mình có quyền can thiệp yêu cầu bên giáo hội là mình không bằng lòng cho người đứng đầu địa phận Sài Gòn chống lại chánh phủ?
- Trong thư luân lưu kêu gọi con chiên đoàn kết, tôn trọng tự do tín ngưỡng…
- Như vậy có khác nào chửi vô mặt chánh phủ, nói là mình chia rẽ, đàn áp tôn giáo? Anh mà sợ không dám đối phó thì người ta sẽ cậy thế làm tới nữa? Em được tin là có một số Cha người Âu ở Trung tâm Truyền giáo gởi thư sang Toà thánh yêu cầu Giáo hoàng can thiệp… Nếu anh không cương quyết thì rồi đây chính mình lại bị Vatican phản đối cho mà coi?
Diệm ngồi thừ người trước những lời thúc giục của em dâu, gượng nói:
- Thím biểu tôi cương quyết ra làm sao?
- Thì anh đừng có mềm yếu, cừ nhừ…
- Tôi đã nghe lời thím trục xuất một lúc 17 bác sĩ, giáo sư ngoại quốc họ về nước làm ồn lên, kể là họ đã mục kích tàn sát, khủng bố Phật giáo, nay thím lại đòi trục xuất cả Đức Cha khỏi địa phận Sài Gòn, ngoài quyền hạn của tôi, làm sao làm được mà thím cứ nói là tôi cừ nhừ?
Lệ bực tức, bất chấp cả sự có mặt của đốc phủ chánh văn phòng ngồi ở cuối phòng, giận lẫy nói:
- Anh nói anh không cừ nhừ, thì cứ cương quyết như Đức Cha ở Huế đi coi, dám nói dám làm? Tôi quyết không lùi bước đối với bọn cuồng tín áo cà sa lẫn bọn phản động đội lớp áo dòng.
°°°
Dưới nắng trưa gay gắt mang theo gió cát từ phía biển thổi vào, trên con đường vắng từ chùa Tỉnh hội Phật giáo Bình Thuận đến thị xã Phan Thiết, một thanh niên khoác áo cà sa trạc hai mươi tuổi vừa đi vừa lâm râm niệm kinh…
Quãng đường thường ngày đã vầng vẻ càng thêm vắng vẻ dưới nắng mặt trời chang chang vào giờ ngọ. Nhà sư trẻ tuổi khoan thai bước lên đài chiến sĩ trước toà tỉnh trưởng, lặng lẽ ngồi xuống nền đá trắng, lấy thùng xăng mang giấu trong bọc áo ra, khoác áo vàng, ngồi kết già rồi tự tay tẩm xăng lên người.
Mặt trời trưa đứng sững trên đầu. Gió mang mùi muối mặn như ngừng thổi.
Quãng trời xanh ngắt bao la cao vút thêm lên, trong nắng chói chang, sáng rực của giờ hoàng đạo. Tiếng sóng biển ì ầm vọng lại.
Nhà sư trẻ tuổi ngồi ngay như một pho tượng vàng. Một cây diêm lóe lên, một khối lửa cháy bừng bừng bao trùm lấy thanh niên trẻ tuổi trong dáng toạ thiền, tay quyết ấn.
Trong ngọn lửa tàn, xác người nằm xuống, các binh sĩ đóng cạnh toà tỉnh trưởng chạy đến mang liền vào nhà xác bệnh viện.
Phật tử, tăng ni được tin đổ xô đến viếng nhục thân nhà sư tự thiêu. Một hàng rào cảnh sát, quân đội ngăn chặn lại càng trăm tăng ni tín đồ ngồi xuống trên mặt đường trước bệnh viện để cầu kinh đòi rước thi hài về chùa.
Xe phóng thanh của chánh quyền tỉnh được lệnh của chánh phủ Sài Gòn chạy khắp châu thành Phan Thiết loan truyền:
- Kẻ tự thiêu là một thanh niên thất tình chán đời nên tự tử tại đài chiến sĩ. Yêu cầu đồng bào hãy đề cao cảnh giác, bình tĩnh, đừng nghe theo những lời xuyên tạc.
Phật tử càng lúc càng đông kéo đến bao quanh bệnh viện:
- Yêu cầu chánh quyền cho tăng ni rước xác thầy về chùa?
Tiếng loa phóng thanh của xe thông tin át hẳn những lời tụng niệm của đám đông giáo đồ. 200 cảnh sát, công an mật vụ, bảo an, dân vệ võ trang được huy động đến, bắt các tâng ni vào các phòng giam người điên rồi khoá cửa sắt lại. Một vòng rào lưỡi lê vây chặt lấy quần chúng Phật tử dồn lại ở trước sân.
Tại nhà xác, nhân viên công lực ùa vào bẻ gãy tay chân thi hài nhà sư còn ở trong dáng điệu ngồi kiết già, tay bắt ấn, để nhét vào hòm rồi chở ra xe.
Một số tăng ni Phật tử đau lòng gào thét, khóc than, liều mạng đòi nhảy lên xe cố đòi lại xác thầy, bị đạp xuống đành xót xa nhìn theo chiếc xe chở người tử vì đạo mang đi chôn giấu.
Hôm sau, một nhà sư cải trang làm thường dân để đi qua mắt nhà chức trách khỏi ngăn chặn được, từ Phan Thiết vào Sài Gòn, đến chùa Xá Lợi với bức thư trần tình của người tự thiêu, Thích Nguyên Hương, trao tận tay hoà thượng Hội Chủ Phật giáo.
"Tôi, một chú tiểu quét lá đa nhà chùa, không thể ngồi yên nhìn cảnh đau thương của bao nhiêu Phật giáo đồ đang quằn quại dưới sự đàn áp dã man của những người tàn bạo. Thế nên tôi đã tự phát nguyện đem tấm thân hèn này dâng mười phương chư.Phật để yêu cầu chánh phủ thực thi đúng đắn bản thông cáo chung".
°°°
 Tại dinh Gia Long, đặc phái viên tạp chí Time yêu cầu gặp bà cố vấn để phỏng vấn.
- Bà nghĩ thế nào về sự tự thiêu của một tu sĩ 20 tuổi mới rồi ở cuối miền Trung?
Lệ mở rộng đôi mắt, vỗ tay cười thích thú trả lời:
- Họ càng nướng thịt sư chừng nào tôi càng vỗ tay chừng ấy. Nếu họ nướng thêm 30 sư nữa, chánh phủ không chịu trách nhiệm về sự điên rồ của họ.
Trước vẻ kinh ngạc của ký giả Mỹ, Lệ bỗng nghiêm lạnh nói:
- Các ông, những ký giả ngoại quốc, nhất là báo chí Mỹ phải chịu trách nhiệm về một phần lớn các vụ "nướng sư" kia, vì các ông đã làm quảng cáo cho họ, chẳng khác nào khuyến khích họ làm tới thêm nữa, xúi giục những kẻ ngu xuẩn bị người ta đánh lừa đi tìm vinh quang giả hiệu trong cái chết.
Lệ ngừng lại, đến bàn lấy một bức thư trao cho ký giả Mỹ:
- Ông có thể thấy rõ thái độ của tôi đã được xác nhận trong bức thư ngỏ tôi vừa trả lời cho báo New York Time đã công kích một cách vô ý thức những lời tuyên bố của tôi. Tôi xác nhận: "Chỉ còn nước vỗ tay cổ võ khi coi trò nướng thầy tu". Thật vậy, làm sao mà chịu trách nhiệm về sự điên rồ của kẻ khác được?
 
Chú thích:
(1) Bí thư của Tổng thống Diệm.