Chương 25
TIỀN BẠC VÀ THÙ HẬN.

Cựu chủ nhân The Times of Vietnam, Anne Gregory, người đàn bà Mỹ chung thuỷ với Đệ nhất phu nhân được Lệ mời hợp tác để biên soạn tập hồi ký.
 
Từ Ba Lê, Lệ theo dõi những diễn biến chung quanh việc người em chồng cố vấn chỉ đạo miền Trung đã được đưa vào Toà lãnh sự Mỹ ở Huế lánh nạn, sau khi cuộc đảo chánh của quân đội ở Sài Gòn đã nắm chắc thành công.
 
Nhưng rồi trước phản ứng sôi nổi của đa số dân chúng bị đè nén suốt 9 năm trời dưới ách phong kiến của lãnh chúa miền Trung càng phẫn nộ khi khám phá ra những hầm giam người, những vụ thủ tiêu và những tội ác ghê rợn của bè đảng họ Ngô ở Huế, đòi giao trả Ngô Đình Cẩn cho chánh quyền mới, sứ quán Mỹ đành phải nghe theo.
 
Khi Cẩn rời khỏi dinh Phú Cam, người nhà thấy chở theo hai va-ly chất đầy giấy bạc và một chiếc cặp da lớn chất đầy kim cương và ngoại tệ nhưng lúc chiếc xe đen chở "Cậu" vào sứ quán chỉ còn thấy mang theo một va-li và một cặp. Đến ngày "Cậu" bị giao trả lại cho chánh quyền mới để đưa vào Sài Gòn, giải từ sứ quán Mỹ xuống phi trường Phú Bài thì còn mang theo một va-li và chiếc cặp, nhưng khi cậu xuống xe chỉ còn ôm chiếc cặp theo, và lúc bước lên máy bay thì đi hai tay không.
 
Lúc nhà chức trách vào khám dinh cậu chỉ thấy tài sản của Cố vấn chỉ đạo miền Trung còn vỏn vẹn mười bốn đồng bảy cắc dưới gối nằm của bà cụ Ngô Đình Khả. Viên cựu Bộ trưởng phủ Tổng thống cùng gia đình trốn thoát khỏi Sài Gòn bay sang Pháp, kể lại cho Lệ hay về trường hợp mấy va-li và hai chiếc cặp chất đầy giấy bạc ngoại tệ và kim cương của hai anh em Ngô Đình Diệm đem theo, khi rời dinh Gia Long, cũng đã biến mất một cách khác thường. Đám thuộc hạ thân tín họ Ngô bị giam cầm biết rõ những ai chiếm đoạt số tài sản khổng lồ ấy nhưng không hề được nhắc nhở về sau.
 
Nàng lại bỗng nhận được thư của cháu gái nhà Ngô báo tin bà mẹ chồng chết. "Bà đã tắt thở sau khi chịu đủ các phép bí tích. Từ ngày ở Huế vô Sài Gòn, bà thường ngày nhắc tên con cháu, hỏi tới các con trai luôn, bà chưa biết tin các cậu đã bị hại, và cả nhà ai cũng giấu những việc không hay xảy ra trong gia đình. Điều lạ là độ sau này bà không còn lú lẫn như trước nữa, thỉnh thoảng hỏi nhiều câu có vẻ tỉnh táo. Khổ cho cháu, cứ phải nói dối quanh về sự vắng mặt của mấy cậu, mà bà thì cứ nhắc nhở luôn.
"Con cháu đầy đàn như thế mà đến khi mất, bà chỉ có mình đứa cháu ngoại bên mình! Sự đời sao lại oái oăm như vậy, hở mợ?"
Lệ không đọc hết bức thư, trao cho con gái, lặng người đi. Con người cương nghị của Lệ bị tràn ngập những ý nghĩ trái ngược. Nàng cảm thấy rung động trước định mệnh khắt khe.
- Tại sao anh em họ Ngô lại đều bị giết một cách thảm thương, dị thường như vậy?
- Tại sao bà cụ Thượng Ngô ngoài chín mươi tuổi, đã lú lẫn, đợi đến lúc các con trai bị giết hết lại bỗng dưng hồi tỉnh, thấu rõ tất cả đau thương tan nát của gia đình họ Ngô rồi chết trong cô đơn.
Tại sao… Bao nhiêu câu hỏi quay cuồng trong đầu óc của Lệ.
Nàng không khỏi nghĩ đến anh chồng giám mục, đang sống ở La Mã phải khốn khổ nhận thấy tất cả những kết quả bi thảm của gia đình để ngày đêm nghĩ ngợi…
Nhìn mặt mình trong gương, Lệ nhận thấy những nét nhăn hằn sâu ở cuối đôi mắt thâm quầng vì thao thức. Nàng bỗng nhận thấy vẻ mệt mỏi hiện trên khuôn mặt mà dầu hoá trang tinh vi thế nào vẫn không che lấp được.
Ôm ấp một khối căm hờn, ngày đêm ray rứt với những nỗi niềm uất ức nung nấu, Lệ như sống với một hoả ngục trong lòng. Có lúc nàng như cuồng lên, đang đêm tuôn ra đường, đi thất thểu như một bóng ma trên đường khuya vắng.
Đầu óc không ngừng mơ tưởng đến uy quyền, Lệ sẵn sàng đánh đổi tài sản khổng lồ của nàng để lấy lại địa vị Đệ nhất phu nhân.
Trong các câu chuyện với bạn hữu ngoại quốc hay Việt Nam, Lệ vẫn nhắc nhở đến một triệu đoàn viên phong trào Phụ nữ liên đới do nàng lãnh đạo, đoàn nữ binh phụ nữ bán quân sự 200.000 người dưới quyền nàng chỉ huy…
- Nhờ nhà tôi với tôi ủng hộ, tổng thống Diệm mới đứng vững được không có chúng tôi thì làm gì xong.
 
Lệ không giấu diếm những ý định của nàng trong giai đoạn cuối cùng của nhà Ngô:
- Nhà tôi mà chịu nghe theo lời tôi, lên làm Tổng thống thay ông Diệm trước thì sự tình đâu đã xảy ra như vậy. Trong nước Việt Nam không ai có sáng kiến gì ngoài chồng tôi ra.
Sau những ngày hãm mình ở nhà để ghi chép, kể lại những sự việc cũ cho Anne Gregory viết tập hồi ký hộ nàng, Lệ lại ra ngoài, đắm mình vào các hộp đêm, khiêu vũ như điên, uống rượu say sưa đến trời gần sáng mới về.
 
Khi đọc báo hay tin cựu hoàng hậu Nam Phương từ trần, Lệ liền đánh điện chia buồn cùng cựu hoàng Bảo Đại. Nửa tháng sau, Lệ tìm đến lâu đài Thorence, thăm vị cựu hoàng đã bị anh em chồng nàng truất phế. Không rõ đã xảy ra những gì qua cuộc gặp gỡ giữa cựu đệ nhất phu nhân họ Ngô và cựu hoàng đế Việt Nam, nhưng khi Lệ trở về Ba Lê, nàng tỏ một thái độ khác thường, không muốn ai nhắc đến tên con người mà hồi còn cầm quyn ở Sài Gòn, Lệ đã tuyên bố.
- Tôi vẫn có thiện cảm đối với ông Bảo Đại, một người dễ mến.
Theo các miệng lưỡi thóc mách ở gần Lệ thì trong khi vào biệt điện Thorence gặp cựu hoàng. Lệ không được người tình cũ đón tiếp mặn nồng như trước. Hình như Lệ muốn nói lại thời kỳ luyến ái của những ngày Đà Lạt, thuở nàng đóng vai cô giáo dạy dương cầm cho công chúa Phương Liên, nhưng hoa xưa ong cũ không còn hoà hợp.
 
Người ta nói rằng Lệ có ý định muốn đem tài sản lớn lao của mình với chút nhan sắc còn lại của đệ nhất phu nhân nhà Ngô để bước lên địa vị hoàng hậu không ngai của cựu hoàng đế lưu vong vừa mất vợ.
 
Nhưng nàng phi Mộng Điệp, người đàn bà được cựu hoàng sủng ái, đã từng bị Lệ tịch thu tài sản sau ngày truất phế Bảo Đại, hiện sống ở Pháp, đứng ra ngăn chặn, đẩy lui tình địch.