Chương 3
ĐẠI GIA ĐÌNH PHONG KIẾN

 
Huế, mười năm về trước.
Một buổi trưa hè. Dưới gốc hoàng lan, khu vườn rộng xanh um cây lá của tư dinh cụ Thượng Ngô. Ở Phú Cam, trên bờ sông Bến Ngự, một thiếu phụ lối hai mươi tuổi đang nằm trên thảm cỏ, hai mắt lim dim nhìn lên bầu trời xanh thẫm qua những bóng lá chập chờn.
Ấn tượng ghi sâu trong tâm trí Lệ qua bao nhiêu năm tháng không nhoà, đã xúc động mạnh mẽ bản năng tình dục, ấp ủ tận đáy tiềm thức, kích thích nàng sớm nghĩ đến tình ái, ảnh hưởng chi phối cả quan niệm yêu đương của Lệ. Những hình ảnh về mẹ nàng. Những hình ảnh ác liệt bám chặt vào đầu óc còn thơ dại của Lệ, thỉnh thoảng lại hiện ra xoắn cuộn lấy rung cảm nồng nhiệt của người con gái phát tiết trước tuổi dậy thì.
Bấy giờ Lệ chỉ mới mười một tuổi, cha nàng đang ở Sài Gòn mở văn phòng luật sư dưới lầu biệt thự trên đường Mac Mahon. Vào một buổi xế trưa - buổi trưa ám ảnh Lệ từ đấy, biết bao nhiêu biến cố xảy ra trong đời Lệ vào những buổi trưa - một trưa nắng cháy miền Nam, trong khi ông Trần Văn Chương bận cãi ở phiên toà Đại hình, Lệ lúi húi nghịch các thứ ở trên bàn trang điểm trên phòng mẹ. Bà Trạng từ buồng tắm bên cạnh bước vào. Lệ sợ bị mẹ bắt gặp, vội lẩn nấp vào sau tấm màn cửa, thập thò lén nhìn ra.
Bà Trạng khoác chiếc áo tắm sặc sỡ di đến giường nằm ngả ra để lồ lộ cả người trên tấm áo khoác mở toang. Lệ thấy mẹ mệt mỏi nằm thiếp đi trong không khí trưa nồng, dưới mấy cây quạt trần quay tít không xua nổi sức nóng.
Bỗng có tiếng gõ nhẹ ở cửa buồng, rồi một nửa trên người đàn ông ló đầu ra. Lệ nấp trong bóng tối cánh màn nhận ra ngay là ông Le Beau, luật sư Pháp thường vẫn đến nhà, bạn của cha nàng, vừa mới mang một bó hoa lớn tặng mẹ nàng trong lễ sinh nhật hôm kia.
Lệ nhìn ngay về phía giường, thấy mẹ vẫn nằm yên trong dáng điệu loã lồ, có vẻ đang ngủ thiếp. Cả cái đầu luật sư Le Beau lọt vào khoảng cửa buồng hé mở, ngẩn ngơ lặng ngắm người vợ bạn, rồi lặng lẽ đi vào khép kín cửa sau lưng.
Lệ toan kêu lên vì bản năng bảo vệ cho mẹ trước một người đàn ông không phải là cha mình đang tiến lại giường ngủ của mẹ đang nằm, nhưng hồi hộp sợ hãi chặn ngang họng, Lệ cảm thấy nghẹt thở sau tấm màn, và lại sợ bị bắt gặp, nên cứ im thin thít lén nhìn.
Luật sư Le Beau nhè nhẹ bước đến phía dưới chân mẹ Lệ, đôi mắt sáng rực bốc lửa, nhìn như muốn nuốt chửng cả đối tượng trước mặt, chỉ thều thào thốt ra mấy tiếng:
- Chồng toa đang còn bận ở toà?
Lệ không khỏi ngạc nhiên thấy mẹ chẳng có một phản ứng gì chống cự lại, mà ngoan ngoãn đón chờ những vồ vập của người Pháp, bạn chồng bà.
Hoạt cảnh ái ân của bà mẹ ngoại tình với luật sư người Pháp phô diễn bất ngờ trước mắt, in sâu vào ký ức, đảo lộn cả tình cảm thơ dại của Lệ, ngấm ngầm ác liệt như ung nhọt lẩn lút trong tiềm thức cô gái lên mười, nhiễm độc những tế bào rung cảm bén nhạy ở người Lệ. Những hình ảnh trong buổi trưa hè ở biệt thự đường Testard Sài Gòn theo đuổi mãi Lệ cho đến lúc cha nàng chuyển văn phòng trạng sư trở ra Hà Nội, sau khi thất chức Phó chủ tịch Hội đồng kinh tế và Lý tài Đông Dương. Cuộc phiêu lưu tình ái của bà Trạng Trần Văn Chương là một cơ hội cho đối phương tranh cử đem ra xuyên tạc chế giễu người chồng mọc sừng, thêu dệt nên dư luận bôi nhọ ông Chương. Trong xã hội tự cho là trưởng giả thượng lưu của Sài Gòn trước đây 30 năm, không thiếu gì những kẻ hãnh tiến, tủ sắt đầy bạc và đầu óc rỗng, đâm ra ganh tị với vợ chồng ông Trạng Trần; nhất là bà Trạng vừa đẹp vừa trí thức, đúng là mẫu mực của một người đàn bà thời trang. Hơn nữa bà lại thuộc một gia đình vọng tộc đất Thần Kinh.
Chung quanh chỉ còn chĩa những mũi dùi ganh tị vào điểm yếu tình cảm của ông Chương, và những miệng lưỡi độc ác không ngần ngại tiên đoán đến cả việc tan rã của gia đình luật sư, con vị Tổng đốc Bắc Hà với bà vợ ngoại tình, con gái cụ Đông Các nguyên Thượng thư Bộ học chốn đế đô.
Lệ nhớ mang máng rằng cha nàng trở về Hà Nội là để tránh cái không khí lố bịch khó chịu chung quanh do mẹ nàng gây nên.
Lệ lớn lên qua lớp sóng ngầm tình dục khích động thời niên thiếu, kích thích cơ thể sớm phát triển và tâm trí sớm mơ màng yêu đương, bên cạnh bà mẹ đa tình và người chị ruột sôi nổi. Hoàn cảnh đua đòi tự do mới sống cùng bản chất nồng nhiệt yêu chuộng xa hoa, tạo cho Lệ thành một cô gái cực kỳ tân thời, khiêu khích, kiêu kỳ.
Trước khi biết đến tình yêu, Lệ đã biết qua tình dục trong những cuốn sách Pháp dạy vỡ lòng ân ái mà nàng vẫn rút ở đầu giường ra đọc mỗi đêm trước khi đi ngủ. Cũng như chị, học vấn của Lệ chỉ giới hạn trong việc nói và đọc rành tiếng Pháp để giao thiệp như mẹ nàng và ngoài ra học thêm đàn dương cầm, học múa với nữ giáo sư Parmentier theo đúng thời thượng của một tiểu thư con nhà quý phái bấy giờ ở Hà Nội Lệ giao du với các bạn trai không e dè như thói thường các cô gái đương thời, một phần lớn do không khí cởi mở táo bạo ở khách thính của mẹ nàng tổ chức tại nhà. Một số nhân vật thượng lưu Hà Nội trước chiến tranh thứ hai: luật sư, bác sĩ, giáo sư, hoạ sĩ phần đông là bạn của mẹ Lệ. Thường ngày lui tới biệt thự ở đại lộ Carreaux (cạnh phố hàng Bài), cố tạo nên một khung cảnh mô phỏng Khách thính Ba Lê, với sự nồng nhã của nữ chủ nhân đa tình có hai tiểu thư đến tuổi dậy thì.
Vẻ đẹp quý phái, não nùng của người đàn bà ngoài ba mươi tuổi, chín thắm như trái mùa thu, ngọt ngào như mọc, thu hút khách trí thức hơn là hai chị em hơ hớ đào tơ, Châu và Lệ. Lệ đâm ra có mặc cảm bực tức với mẹ, được lắm người say mê, nhất là hoạ sĩ Lê Phổ.
Lệ ghét cả chị, đang dang díu với một sinh viên trường Luật, con nhà đại điền chủ Nam Kỳ, si dại chị nàng ngay từ buổi đặt chân đến khách thính.
Trong khi không một ai luyến ái chìu chuộng và còn xem nàng còn dại, lắm phen Lệ điên cả người, sinh sự luôn cả với chị và mẹ, mải mê trong ma mị ái tình, Lệ không tìm được an ủi ở người cha quá hiền lành, mềm yếu, xa rời vợ con. Em trai Lệ ngày đêm áo quần chải chuốt đi ngoài phố và các rạp chiếu bóng, Lệ chỉ thấy mặt mỗi lần cậu tìm gặp để đòi tiền. Không khí cách biệt, xung khắc trong gia đình khiến Lệ luôn luôn oán cha mẹ và chị em ruột thịt. Có lần Lệ đã kêu lên tâm sự uất hận của mình:
- Tuy sung sướng đầy đủ về vật chất, từ thuở bé tôi chưa biết hạnh phúc là gì. Lúc có thai tôi, mẹ tôi đã có một gái rồi, nên bà cầu Trời, khấn Phật xin cho được một con trai. Vì vậy, lúc tôi ra đời bà chán ghét căm hờn tôi. Tôi lớn lên trong bầu không khí thiếu tình thương này. Mẹ tôi và tôi tính tình xung khắc nhau và thường hay cãi lẩy nhau luôn. Vì vậy tôi tìm cách thoát khỏi gia đình sớm ngày nào hay ngày ấy!
Thoát khỏi gia đình? "Ôi gia đình! Ta ghét mi" là điệp khúc của thế hệ thanh niên thời ấy. Tâm trạng thời đại của Lệ càng bị thôi thúc vì bản năng tình dục đòi hỏi, cơn khủng hoảng của tuổi dậy thì phát động mãnh liệt.
Trong thèm khát âm thầm dữ dội, cơ thể nóng bỏng của Lệ như một đồi cây lá khô nỏ nắng hạn chờ một mồi lửa châm vào là ào ào bùng cháy.
Sau đôi kính trắng, đôi mắt lờ đờ của hoạ sĩ Lê Phổ như đọc thấu những ý nghĩ thầm kín của Lệ, bộc lộ từ đầu mày đến cuối mắt qua các cử chỉ, thái độ hơi khác thường của Lệ. Hoạ xong chân dung bà Trạng, Lê Phổ đề nghị vẽ tặng Lệ một bức tranh mà nàng làm kiểu mẫu. Những lời ca ngợi thẩm mỹ của hoạ sĩ vuốt ve lòng tự ái, thích phô bày của Lệ và nghĩ đến mối tình thầm trộm giữa mẹ nàng với Lê Phổ, tự nhiên Lệ có ý tưởng tranh giựt nên không ngần ngại nhận lời ngay.
Qua các buổi ngồi làm mẫu, dần dần Lệ có cảm tình với chàng hoạ sĩ tài hoa, duyên dáng. Khi vẽ tại biệt thự của gia đình Lệ, khi ở xưởng hoạ của Lê Phổ, nàng chịu khó ngồi yên cho hoạ sĩ múa bút ghi lại vẻ đẹp của nàng bằng màu sắc.
Lệ hiện dần trong tranh, linh động tươi thắm khiến người xem có cảm tưởng thèm khát như đứng trước trái đào chín cây vừa tầm tay với. Nhịp độ thân mật nhuốm màu sắc quyến rũ nghệ thuật giữa người mẫu và hoạ sĩ thu hẹp cách biệt tuổi tác của đôi bên. Hôm đắp mẫu màu cuối cùng xong bức tranh, trong im vắng của xưởng vẽ oi nồng nắng hạ, Lê Phổ dịu dàng nói với Lệ:
- Tôi đã ghi được cái khía cạnh đẹp của Lệ trong bức tranh kia, tôi bằng lòng lắm, tặng Lệ giữ làm kỷ niệm. Còn tôi, mong Lệ ban cho tôi đặc ân được hoạ một Lệ demi-nu (1).
Không đợi cho Lệ kịp phản ứng, Lê Phổ tấn công liên tiếp bằng những lời ca ngợi cái đẹp thuần tuý, đồng thời khích Lệ khiếu thẩm mỹ, tâm hồn kiêu hãnh của Lệ để trấn áp bản năng e dè, tự vệ của người con gái. Tính chất kiêu đẹp, phô bày táo bạo, giục Lệ đứng lên, cởi áo ngoài ra một cách tự nhiên, và Lệ chỉ buông câu dặn dò:
- Nhưng tôi cấm không được bày bức tranh này ở phòng triển lãm, mà chỉ được treo ở xưởng hoạ thôi nhé!
- Tôi lấy danh dự nghệ sĩ mà xin theo đúng ý muốn của "công chúa".
Dưới mắt hoạ sĩ, ban đầu Lệ chỉ là một người mẫu tượng hình cái đẹp, tươi sáng, dậy thì của một thiếu nữ cũng như mẹ Lệ đã ngồi cho chàng vẽ chân dung của một người đàn bà quý phái. Nhưng Lê Phổ có một thói riêng, đã thành như cố tật: mỗi lần vẽ về một người đẹp thế nào chàng cũng tìm cách chiếm đoạt xác thịt người mẫu.
Trạng thái dị thường ấy, hoạ sĩ đã giải thích qua lời thú nhận tâm sự:
- Tôi thấy cần phải chiếm lấy người đẹp, sau khi hoạ xong, mới giải thoát được sự đam mê đốt cháy trong lòng mình. Nếu không được thoả mãn trọn vẹn như thế, dễ thường tôi đến hoá điên mất…
Cuộc luyến ái diễn ra trong suốt thời gian Lê Phổ vẽ bức tranh. Lệ không yêu, song người bạn tình từng trải đã để lại cho nàng một cảm giác say sưa cuồng nhiệt. Nhiệt tình ấy, Lệ không tìm thấy ở người chồng cưới nàng một tháng sau.
Tiếng sét ái tình đã tạo nên cuộc hôn nhân chính thức giữa Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân.
Cậu ấm - con cụ Thượng xứ Huế, lớn lên suốt ngày chỉ biết vùi đầu trong sách và tối đến đọc kinh trước khi đi ngủ sớm để sáng mai dậy đi lễ năm giờ, chưa dám biết mùi vị đàn bà là gì, vì nhút nhát và sợ phạm đến điều răn thứ sáu - đã gặp Lệ trong buổi khiêu vũ của bà Trạng Trần tổ chức ở biệt thự mỗi tối thứ bảy, và yêu Lệ ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên ấy.
Đình Nhu ngồi ở góc phòng, trước một ly nước ngọt, cảm thấy tất cả sự thua kém hào hoa của mình với chung quanh. Không biết nhảy, trong khi khiêu vũ là phong trào của giới thượng lưu, không biết tán tỉnh, nịnh đầm, không có bận gái và lại lù đù như một thầy xuất; mặc dù mình là con nhà vọng tộc, các anh đều quan to, danh giá, và chính mình đã học ở Pháp về với mảnh bằng cao, hiện giữ một địa vị ở Thư viện Đông Dương. Nhu đang khốn khổ vì những mặc cảm của một thanh niên đã ngoài ba mươi mà vẫn tự thấy sống xa thời thượng, thì Lệ hiện ra, kiêu sa trong lộng lẫy khêu gợi, như thôi miên cả tâm trí ngây dại của cậu ấm.
Chung quanh vồn vã, săn đón Lệ càng khiến cho Đình Nhu nôn nao, bị thu hút bởi cô gái mới, mà chàng thấy như thần tượng. Qua những lời bàn bạc về chị em Lệ bấy lâu trong giới trí thức Hà thành, giờ đây nhìn thấy con người bằng xương bằng thịt chàng xem như là những áng hào quang phủ quanh người đẹp. Chị Lệ, một sinh viên Luật khoa vừa tốt nghiệp, đã lấy một người chồng thuộc một gia đình giàu có trong Nam. Còn Lệ, mặc dù còn trẻ, hẳn có lắm đám đang ngấm nghé. Ý tưởng chiếm đoạt Lệ trọn vẹn cho mình nảy sinh ra từ giây phút đó, Đình Nhu đã từ một cậu ấm nhu mì ngoan đạo của một gia đình đầy lễ nghi phong kiến đông phương nhảy sang cực đoan muốn làm chủ một cô gái hoàn toàn.
Tiếng sét ái tình quyết định số mệnh của Đình Nhu trong buổi dạ vũ hôm ấy. Và từ đó, Nhu là người luôn luôn có mặt ở khách thính đại lộ Carreaux, để không đầy nửa tháng sau, gia đình Nhu mang đồ sính lễ từ đất Thần kinh ra Hà Nội xin dạm hỏi cô tiểu thư thứ hai nhà họ Trần cho cậu ấm thứ tư nhà họ Ngô.
Ông Trạng Trần thông gia với cụ Thượng Ngô, bề ngoài thật là môn đăng hộ đối, hơn nữa chú rể lại có bằng cấp cao, cô dâu tân thời đúng mực, ai cũng nhìn nhận là xứng đôi vừa lứa. Tuy vậy, bà Trạng vốn tin ở bói toán, thấy cần phải đi hỏi thầy tướng số để xem tuổi cho đôi lứa có hợp nhau không, mới an lòng.
Bà đưa Lệ đi lễ đền Ngọc Sơn trước khi dứt khoát nhận lời nhà trai, dù người mai mối họ Ngô là một vị quan lại quen biết nhiều với họ Trần. Qua cầu Thê Húc, Lệ theo chân mẹ, bắt chước đốt hương, van vái trước bàn thờ thần Bạch Hổ trông ra hồ Hoàn Kiếm, rồi hai tay cầm ống quẻ lắc mạnh để xin xăm. Lời thánh dạy trong quẻ xăm được một ông thầy đọc quẻ ngồi sẵn trước sân thờ giải nghĩa và tán rộng; bà Trần cầm quẻ xăm ra nhờ thầy xem, và đặt trước trên tráp mấy tờ giấy con công.
Năm đồng bạc, theo giá trị thị trường năm 1948, là một số tiền khá bất ngờ đối với ông thầy thường chỉ thu được nhiều nhất là đồng hào, số tiền quá lớn của một vị mệnh phụ phu nhân đi cùng tiểu thư, ông thầy đền Ngọc Sơn đọc qua quẻ xăm, rồi kể lể dài dòng bằng cách tán rộng "lời Thánh dạy" qua hai câu thơ chữ Hán, ông thầy cao hứng đề nghị xem tướng số và bói Dịch để "tạ ơn bà lớn và tiểu thư ; rồi không đợi khách trả lời, ông hỏi qua ngày sinh tháng đẻ của bà Trạng và Lệ, để lấy tử vi.
Lão thầy tướng số nhấc kính trắng lên nhìn thẳng vào mặt Lệ ngắm nghía một hồi rồi bảo nàng đưa bàn tay mặt ra để xem. Đoạn lão lật tráp lấy tập sách chữ Hán ra, đọc nhẩm, tính đốt ngón tay rồi đằng hắng giọng kể lể:
- Bẩm bà lớn, cô nhà ta cao số lắm đấy ạ. Bà lớn xem đôi lưỡng quyền nổi bật cũng đủ thấy phải là người đàn ông nào bản lĩnh lắm mới có thể ăn đời ở kiếp được. Nhìn vào bàn tay đầy đặn đỏ son thế kia, trông rõ số về sau sống trong nhung lụa, lên xe xuống ngựa, đường đường mệnh phụ phu nhân. Chỉ phải cái gia đạo không yên vui mấy, vì những nét phá ngang. Tính theo tuổi, trong tử vi thì "sát phá liêm tham, đào hoa chiếu mệnh", số của cô không phải mười hai bến nước chỉ cặp có một bến, lại thêm Hồng điểm đóng tại Thân, sao Hàm Trì lục hợp với cung Mệnh nữa, đường tình duyên cô có nhiều éo le, song nhờ "tử phù vũ tướng" và "tả phù hữu bật" bên mình, đời cô dù có lao đao về chồng con, rốt cuộc cô vẫn sung sướng thanh nhàn, giàu sang quý phái hơn thiên hạ.
Lệ không hiểu hết những lời dài dòng của lão thầy tướng số, song nghe mình số cao, trắc trở tình duyên hơn người, nàng thấy đúng với lòng tự ái và kiêu hãnh, không khỏi mỉm cười thích thú: Bà Trạng có vẻ nghĩ ngợi, đưa tuổi của chàng rể tương lai ra hỏi.
Sau một hồi tính nhẩm, lật sách ra cứu xét, thầy tướng gật gù nói:
- Số người đàn ông này cũng cao lắm. Có thể sánh được với cô nhà ta đấy. Cung quan lộc của ông này về sau vượng lắm, sao Phá Quân thủ mệnh lại gặp thêm sao Thiên Hình và sao Hoá Lộc thì danh tiếng lẫy lừng. Nhờ đó mà đi đôi với số cao của cô, nên dù đôi tuổi tuy chênh lệch, cách nhau trên 16 tuổi, song có thể phối hợp được thành chồng thành vợ. Trong tử vi người đàn ông có bị phá cánh về sau, có các sao Thất Sát, Đà La, Thiên Hình Lục Hợp với Hoá Ky, song có thể cúng sao giải hạn được.
Lệ không chú ý đến lời bàn về số mệnh người chồng tương lai, nhìn mặt nước hồ Gươm dưới nắng chiều, trong lòng lâng lâng nghĩ đến ngày sắp rời bỏ gia đình không luyến tiếc. Một con chuồn chuồn đỏ bay từ chiếc bèo này sang chiếc bèo kia dập dờn ven hồ, khiến Lệ bỗng ước ao thân mình được thảnh thơi như đôi cánh nhẹ nhàng kia và nàng nhớ đến lời đồng giao của người vú quê mẹ đã hát ru đưa nàng trên võng thời thơ ấu:
Thân em như thể chuồn chuồn
Khi vui nó đậu, khi buồn nó bay.
Ý nghĩ thoát ly gia đình đã trở thành một ám ảnh. Không khí xung khắc giữa Lệ và mẹ nàng lại thường xảy ra luôn, và qua những câu cãi lẫy bóng gió, Lệ tinh ý nhận ra mẹ nàng đã biết sự dan díu giữa con gái với hoạ sĩ Lê Phổ, và bà không giấu nổi lòng ghen tuông.
Lệ đã bướng bỉnh đương đầu với mẹ, tỏ ý trêu ngươi. Tình trạng này đưa đẩy Lệ trở thành đối thủ với mẹ; bà Trạng Trần tự tin ở sức quyến rũ sắc đẹp chín thắm của người đàn bà từng trải, Lệ thì cậy vào tuổi trẻ và nhan sắc đang độ của mình.
Lê Phổ khéo léo chối cãi mối tình dan díu với con khi bà mẹ gạn hỏi, song bà Trạng Trần nhất quyết không để kéo dài tình thế bất lợi, nhất là sợ tiếng tăm đồn ra, do thái độ ương ngạnh, bất chấp của Lệ.
Một buổi trưa, vào lúc một giờ, bà Trạng Trần thấy vắng bóng con gái ở nhà, tự tay lái xe hơi đến thẳng xưởng hoạ Lê Phổ. Bà đậu xe phía ngoài, lặng lẽ vào nhà lấy chìa khoá riêng mở phòng tình nhân ra, bắt gặp Lệ trên giường với hoạ sĩ. Bà đi ngang đến tát mạnh hai cái vào mặt Lệ và thốt ra mấy câu đe doạ Lê Phổ:
- Tôi sẽ đưa anh ra toà án về tội dụ dỗ con gái còn tuổi vị thành niên.
°°°
Buổi đầu Lệ dửng dưng đối với Nhu, gần lớp tuổi mẹ nàng, trông đạo mạo như một thầy dòng, song Lệ đang cần có một người chồng để thoát khỏi gia đình, và khi biết được Nhu đã cầu hôn với cô con gái thứ cụ án Long, em vị Ngự tiền văn phòng Hoàng đế, nàng liền đổi chiến thuật, lôi cuốn Nhu thuộc về nàng.
Cậu cử con cụ Thượng Ngô, tuy đã ngoài 30, song vẫn dại gái, nên ngày càng mê mệt Lệ, bị Lệ dẫn dắt đi đến chỗ phải đích thân đến nhà cụ án, để bãi hôn, và nhắn người nhà từ Huế mang sính lễ ra xin thông gia vôi ông bà Trạng Trần.
Lấy chồng, đối với Lệ lúc ấy, chỉ là cơ hội để rời bỏ không khí nặng nề, xung khắc trong gia đình, và bề ngoài Nhu có thể xứng vai chàng rể đối với nhà nàng là được rồi. Còn vấn đề yêu thương, Lệ đã tâm sự cùng một cô bạn gái, nói rõ lòng mình:
- Tình yêu sẽ đến với hôn nhân, nếu không phải lấy nhau vì tình thì lấy nhau vì lý cũng vậy. Đối với tôi, việc đáng kể là lấy chồng rồi về sau ra. Sao sẽ hay…
Nhu hơn Lệ mười sáu tuổi, song nàng không quan tâm đến tuổi tác chênh lệch, nghĩ rằng một người chồng nhiều tuổi hơn, hẳn chiều chuộng vợ trẻ và có thể làm vừa lòng nàng chắc chắn hơn là thanh niên chưa từng trải. Lệ liên tưởng đến Lê Phổ, người tình của mẹ, lớn tuổi hơn cả Nhu. Huống chi Nhu vừa đậu cử nhân, có địa vị trong xã hội đương thời, thuộc một gia đình quan lại danh giá, và anh chàng luống tuổi này lại tỏ ra si mê Lệ đặc biệt.
- Nhu là chồng con cũng được chứ sao?
Lệ trả lời dứt khoát cùng mẹ trên đường về nhà, sau buổi xin xăm và xem tướng số ở đền Ngọc Sơn. Lệ cũng kể luôn mối tình say đắm của Nhu đã ngỏ với nàng, để xác định hẳn cuộc hôn nhân giữa hai người. Bà Trạng không còn lý do gì để có thể làm trở ngại, nhất là từ đây Lệ sẽ chấm dứt việc dan díu với hoạ sĩ Lê Phổ.
Lệ nóng lòng sớm bước qua cuộc đời khác, nên không thắc mắc vấn vương gì khi phải từ bỏ đạo Phật của cha mẹ để rửa tội theo Thiên Chúa giáo, theo lời yêu cầu của gia đình nhà chồng đạo giòng.
Lệ không tin tưởng ở tôn giáo, nên chỉ xem đấy là hình thức lễ nghi không quan hệ gì đến đời sống tâm tình của nàng.
Hôn lễ của Trần Lệ Xuân và Ngô Đình Nhu cử hành nửa tháng sau ngày dạm hỏi, tại nhà thờ lớn Hà Nội. Phía họ nhà trai nổi bật màu đen áo thâm chùng của nhiều linh mục đến dự, bên nhà gái thì đủ mặt xã hội thượng lưu Hà thành, Việt, Pháp, Nhật, quan khách, bạn hữu của ông bà Trạng Trần. Trong tiếng chuông đổ hồi náo nức, Lệ kiêu hãnh cầm tay chồng từ trong nhà thờ đi ra, toan bước lên xe hoa, bỗng nghe còi rú báo động trỗi lên tứ phía. Cả đoàn người dự lễ cưới đang xôn xao chưa kịp chạy thì đã nghe tiếng ầm của phi cơ Đồng Minh oanh tạc bay trên bầu trời.
Những phát đạn của phòng không Nhật Bản từ phía Gia Lâm bắn lên nổ trắng trên trời Hà Nội, rồi vang ầm những tiếng nổ dữ dội của bom nặng ném xuống rung chuyển cả thành phố. Cuộc oanh tạc đầu tiên của máy bay Mỹ nhằm trung tâm Hà Nội do quân Nhật chiếm đóng đánh dấu ngày Lệ lấy chồng.
Xác pháo nhuộm đỏ một góc đại lộ Carreaux trước biệt thự họ Trần, tiễn đưa cô dâu lấy chồng xứ Huế.
Đối với Lệ, tuần trăng mật trong cảnh thơ mộng miền núi Ngự, sông Hương trôi qua hững hờ, ngao ngán như dòng nước lững lờ, không buồn chảy.
Trong khung cảnh đại gia đình phong kiến của nhà chồng, những nỗi uẩn ức của Lệ bị đè nén vào tận tiềm thức. Không khí sùng đạo, lễ giáo hình thức, thái độ xa cách lạnh lẽo của mọi người và của người chồng đầy mặc cảm dồn Lệ vào cảnh lặng lẽ nặng nề, khiến lắm lúc nàng chỉ muốn gào thét lên cho hả dạ.
Ý nghĩ nổi loạn bừng bừng dấy lên trong lòng Lệ. Tất cả những lớp sơn son thếp vàng, lính hầu con đòi, hình thức lễ nghi quan cách đối với Lệ có ý nghĩa gì đâu? Nàng tự giam hãm mình trong bốn bức thành rêu phủ tư dinh nhà chồng, hy sinh cả cuộc sống đang độ nồng nhiệt cho Nhu để làm gì? Quan niệm của nhà chồng cưới nàng về để làm thêm dài gióng lớn họ, song liệu Nhu có đủ điều kiện để làm nàng sinh con nối dõi được không?
Quãng đời niên thiếu bị tiêm nhiễm lề lối giáo dục tu hành và sự nhút nhát về luyến ái đưa đến hậu quả biến Nhu gần như một kẻ bất lực. Một tâm trí kiêu hãnh lạnh lùng trong một thể xác thiếu nhiệt tình, sống cô lập, mải miết đuổi theo viễn cảnh trìu tượng.
Những khát vọng không được thoả mãn, dồn dập triền miên trong cõi tiềm thức dần dà biến đổi tâm trạng Lệ từ bản chất vui vẻ trẻ trung đâm ra bực tức, phát cáu đối với chồng. Nàng ghen tức với cả những cuốn sách, những câu chuyện đàm luận triết lý, thời cuộc của chồng với bạn hữu, phần lớn là tu hành hay thầy xuất dở dang.
Tự bản năng Lệ thấy ghét những người đàn ông kia, cũng như màu đen áo thâm chùng khoác trên mình họ, lớp người không quan tâm đến đàn bà, không biết đến giá trị của phần xác.
Trong không khí u ẩn như tiếng cầu kinh sớm tối, bên cạnh người chồng lạnh lẽo, trí thức khô khan, giữa dinh thự nghiêm vắng, cách biệt đời sống bên ngoài, Lệ sống với nỗi niềm uất ức chỉ còn biết giải toả sự tù hãm bằng các cuộc phiêu lưu tưởng tượng qua các thiên tình sử, tiểu thuyết diễm tình, và đời sống các nữ nhân vật đa tình trong lịch sử.
Nỗi lòng của Lệ gần như không được chồng tìm hiểu, biết đến để xoa dịu, và nàng phải sống hững hờ, âm thầm giữa khung cảnh khô lạnh của đại gia đình Nhu. Do buông trôi theo thói quen sống chung đôi lứa nhưng lòng tự ái và kiêu hãnh ở Lệ vẫn ấp ủ những mầm mống biệt lập với chung quanh. Lệ không chấp nhận cho nhà chồng xem nàng chỉ là phương tiện để truyền giống như bao nhiêu bạn gái cam chịu số phận hẩm hiu chung của người đàn bà Á Đông.
Lễ giáo phong kiến ràng buộc nặng nề của gia đình nhà chồng không thể giam hãm được bản chất độc lập của Lệ. Nàng ngoan cường đương đầu lại những toan tính khuất phục nàng trong cảnh làm dâu.
Một tối, trong cuộc mạn đàm giữa Nhu với một linh mục đứng tuổi thông Hán học, thường nghiên cứu về Khổng giáo, cha Nguyễn Khắc Từ và giáo sư Cao Văn Luận người ngoại đạo, say mê học thuyết Lão Trang, Lệ ngừng tiếng dương cầm lắng nghe ba người đề cập đến vấn đề luyến ái, nhân vừa nói đến trường hợp một bà cựu thượng thơ đẹp sắc sảo, ham mê lên đồng và nổi tiếng ngoại tình đất Thần kinh.
Cha Nguyễn Khắc Từ nhắc đến quan niệm luyến ái về tình đôi lứa trong tích Sáng Thế và Thánh Ca, nói tới ý nghĩa việc Chúa tạo ra người đàn ông và người đàn bà.
- Chúa đã lấy đất để tạo nên người đàn ông và hà hơi sự sống vào lỗ mũi, rồi thấy người đàn ông sống một mình không phải là một điều tốt, bèn lấy một chiếc sườn của người đàn ông để tạo nên đàn bà, làm thành một đôi lứa. Do đó mà về sau người đàn bà lìa bỏ cha mẹ để theo người đàn ông, bởi cả hai chỉ là một cốt nhục.
Lệ lên tiếng hỏi:
- Thưa Cha, con mới theo đạo từ khi lấy chồng, không thấu lý lẽ của đạo, con thắc mắc tự hỏi tại sao Chúa lại lấy một khúc xương sườn trong cơ thể người đàn ông để tạo nên người đàn bà, mà không phải là một chỗ khác?
Cha Nguyễn Khắc Từ đáp:
- Tại sao Chúa chọn lấy như vậy, thánh François de Sales giải thích là vì Chúa muốn dạy người đàn bà một bài học khiêm nhường: "Người đàn bà thứ nhứt đã được lấy ra ở dưới nách người đàn ông như thế, cốt để người đàn bà hiểu rằng lúc nào cũng phải ở dưới tay người chồng". Chính Chúa đã dạy trong kinh Sáng Thế, bảo Eva rằng "Chồng ngươi sẽ ngự trị ngươi", Thánh Paul còn nói thêm là: "Chúa đã tạo người đàn bà ra ở chiếc xương sườn người đàn ông như thế để chứng tỏ người đàn ông không phải để phục vụ người đàn bà mà người đàn bà được tạo nên do người đàn ông".
Lệ hỏi vặn lại:
- Như vậy vấn đề nam nữ bình quyền, cha nghĩ thế nào? Trước mặt Chúa, không phải tất cả đều ngang nhau hay sao?
- Tôi nói về sự tích Chúa tạo ra con người, còn vấn đề nam nữ bình quyền là thuộc về phần đời.
Lệ thắc mắc:
- Thế đạo với đời không thể đi đôi với nhau được hay sao? Người Công giáo phải yêu thương đúng theo kinh sách của Chúa dạy ư?
Cha Nguyễn Khắc Từ mỉm cười đáp:
- Có những sự khó khăn về thể chất và tinh thần mà người có đạo phải vượt qua. Tôi nhắc lại câu nói sau đây của thánh François de Sales để trả lời chị: "Ngọn núi Calvaire là ngọn núi của những kẻ tình nhân. Song những mối tình nào không lấy cội nguồn ở sự đam mê đấng Cứu Thế thì mối tình đó chỉ là phù phiếm và nguy hiểm".
Lệ nhìn chồng vẫn im lặng hút thuốc lá, ngập ngừng hỏi:
- Lời của cha, chỉ có lẽ thích hợp với các người tu hành, không nhiễm phải tội gốc. Con nhờ cha cắt nghĩa giùm cho một quan niệm về hôn nhân mà con vừa đọc được trong một cuốn sách của nhà văn Anh Lawrence, viết rằng: "Việc hôn nhân chỉ là ảo tưởng nếu hôn nhân không nắm vững được lâu bền tính chất phù hợp sinh lý, nghĩa là hôn nhân phải hoà hợp với nhịp điệu của trời đất trăng sao, năm tháng, bốn mùa. Hôn nhân sẽ thành vô nghĩa nếu không có căn cứ vào sự hoà hợp của giòng máu, vì máu là tinh tuý của tâm hồn".
Câu hỏi của Lệ không làm cho cha Từ hay giáo sư Luận ngạc nhiên bằng Nhu, chàng cho là nó vượt ngoài lề lối yêu đương của người có đạo. Cha Từ im lặng không rõ vì nhận thấy vấn đề ở ngoài thẩm quyền của mình, hay là tránh bày tỏ ý kiến vào một quan điểm tế nhị.
Giáo sư Cao Văn Luận góp lời:
- Nếu tôi không lầm thì vấn đề chị vừa đặt ra là một quan niệm về luyến ái căn cứ vào sự hoà hợp của âm dương, đặt cả đôi lứa ở trong một chân lý chung, tức là sự sống, có thể đạt đến cực độ hoang lạc có tính chất vũ trụ, đưa con người đến gần lẽ Đạo, theo thuyết âm dương là thuần nhất.
Giọng nói của Nhu trầm trầm cất lên:
- Quan niệm về hôn nhân, luyến ái đó của nhà văn Anh muốn lý tưởng hoá tình dục, theo nếp sống vật chất của người Tây phương, tôi cho là trái ngược với tính chất cổ truyền Á Đông, mà tiêu biểu nhất là Khổng giáo, trong đó việc hôn nhân luyến ái chỉ được thể hiện trong nhiệm vụ truyền kế giống nòi ở trong phạm vi lễ giáo mà thôi.
Rồi Nhu quay sang hỏi cha Từ:
- Thưa cha, có phải giáo lý của Khổng Tử về luyến ái, hôn nhân gần gũi với quan niệm về tình đôi lứa của đạo Cơ đốc không?
Cha Từ thong thả nói:
- Cứu cánh của sự luyến ái trong đạo Cơ đốc là hướng thượng, tiến tới tình yêu Chúa, thăng hoa tình yêu đôi lứa thành tình yêu Chúa.
Lệ lại lên tiếng hỏi:
- Sự thăng hoa của tình yêu đôi lứa mà đạt tới được mức cao xa như cha vừa nói thì tình yêu đôi lứa có còn là thứ tình người nữa không, hay đó chỉ là trạng thái xuất thần quá cao siêu của các nhà tu hành?
Câu hỏi của Lệ không được trả lời, và câu chuyện hướng sang một vấn đề khác.
Lệ nhận thấy chồng, cũng như các bạn không muốn đi sâu vào con người và nàng như bị chấp nhận cuộc sống lửng lơ, mờ nhạt.
Không khí tỉnh nhỏ, bình lặng của xứ Huế càng khiến Lệ thêm chán ngán. Song nàng còn phải ở lại gia đình nhà chồng, cho hết vụ nghỉ hè của Nhu theo ý muốn của bà Thượng Ngô, để dạy dỗ nàng dâu vào khuôn phép.
Sau bốn bức tường tư dinh họ Ngô, Lệ nhận thấy gần đây có mấy sĩ quan Nhật thường đi lại và thỉnh thoảng có cuộc hội họp bí mật tại nhà. Người anh cả Nhu là Tổng đốc ở Quảng Nam độ rày hay ra Huế. Người anh cựu thượng thư dự định vào Nam để gặp ông anh thứ hai, tu hành, đang cai quản một địa phận ở lục tỉnh có uy tín trong giới công giáo. Chồng Lệ thì ngày đêm vùi đầu đọc sách chính trị. Hai người em trai sau cũng có vẻ âm thầm hoạt động.
Anh em Nhu đều tỏ ra tin cậy sự giúp đỡ của Nhật để mưu đồ đại sự nay mai. Mộng quyền bính ám ảnh Nhu, không khí gia đình nhiễm thêm mùi chính trị rộn ràng, Lệ cảm thấy mình cũng bị ảnh hưởng của chồng, lôi cuốn nàng theo viễn ảnh một tương lai hứa hẹn với dòng dõi họ Ngô.