Chương 4 (tt)

Biến cuộc dồn dập xảy ra trong khi Ngô Đình Diệm đang ở miền Nam cùng anh hoạt động thành lập lực lượng Thiên Chúa giáo để làm hậu thuẫn chính trị và giao thiệp cùng một số sĩ quan cao cấp Nhật Bản để vận động ra nắm chính quyền.
 
 Tổng Thống Ngô Đình Diệm
Được tin toàn thể nội các Nam triều từ chức, Diệm vội từ giã Vĩnh Long lên Sài Gòn.
Tại đây, cuộc vận động bên cạnh người Nhật để lập tân chánh phủ Việt Nam của Diệm được bổ trợ song song với các cuộc tiếp xúc của tổng đốc Ngô Đình Khôi ở Huế, với đại sứ Yokoyama, chiến dịch tuyên truyền trên mặt báo ở Hà Nội do Ngô Đình Nhu chủ trương ca ngợi thành tích Diệm. Đồng thời người anh Giám mục bắt liên lạc với giới Thiên Chúa giáo Nhật để gây ảnh hưởng cho Diệm lên giữ chức Thủ tướng tương lai.
Tướng Tsushihashi, tư lệnh quân đội Nhật ở Đông Dương, đại sứ Matsumoto ở Sài Gòn, đại sứ Yokoyama tại Huế, thống soái Bá tước Terauchi, Tổng tư lệnh lực lượng Nhật Bản trên các lãnh thổ Nam Á, ở Tân Gia Ba đều tiếp nhận được một chương trình cải cách tỉ mỉ về mọi ngành hoạt động ở Việt Nam do Diệm đề nghị, nếu được Nhật uỷ thác cho cầm quyền.
Đang lúc anh em họ Ngô xúc tiến mọi hình thức vận động cho Diệm ra nắm chính quyền thì nhà học giả Trần Trọng Kim từ Tân Gia Ba theo một nhóm sĩ quan Nhật vượt rừng núi Mã Lai qua Thái Lan và Vọng Các về đến Sài Gòn.
Tướng Tsushihashi đã quen biết trước họ Trần, hay tin ông vừa về tới vội mời ngay nhà học giả và Bộ Tư lệnh để tham khảo ý kiến.
Lúc trở ra, Trần Trọng Kim thấy một người Việt đang ngồi chờ ở phòng khách, đứng lên chào, tự giới thiệu là Ngô Đình Diệm, gợi chuyện:
- Cụ từ Tân Gia Ba mới về?
- Vâng, tôi mới về chiều hôm qua.
Trần Quân nói tiếp:
- Người Nhật vừa cho tôi biết là ông Phạm Quỳnh đã xin từ chức với toàn thể nội các và hình như đức Hoàng đế sắp cho lập tân chính phủ.
Diệm hơi giật mình, hỏi dồn:
- Thế người Nhật có nói ai sẽ được cử không?
- Không.
- Họ có nói chuyện gì với cụ về việc… Huế không.
- Không. Họ chỉ nói họ sẽ đưa tôi qua Huế vì đức Hoàng đế muốn gặp tôi…
Nhận thấy Diệm mắt cứ lén nhìn về phía cửa vào phòng Bộ Tư lệnh Nhật, có vẻ nóng nảy muốn dò hỏi thái độ của mình, họ Trần chậm rãi nói:
- Đức Hoàng đế muốn gặp tôi… nhưng tôi thú thật rằng tôi đã già, lại yếu, hiện tôi bị chứng áp huyết nặng lắm, vào bệ kiến rồi, tôi sẽ ra Hà Nôi ngay.
Sau cuộc gặp gỡ bất ngờ ấy, Trần Quân ra Bắc, ghé lại Huế, vào yết kiến Hoàng đế Bảo Đại, được giao phó cho việc lập tân nội các.
Nhà học giả họ Trần tự xét mình đã nhiều tuổi lại đau yếu, nên từ khước mà thưa rằng:
- Chúng tôi vừa già vừa bệnh tật, sợ không kham nổi trọng trách, dám mong Hoàng đế triệu một nhân sĩ khác.
- Ai?
- Bẩm như ông nguyên Lại bộ Thượng thư Ngô Đình Diệm chẳng hạn. Hiện ông ở Sài Gòn.
Bảo Đại hơi cau mày lại khi nhắc đến tên cựu thần họ Ngô, liền nói:
- Diệm có đôi mắt không được thẳng thắn. Tôi đã từng nói chuyện với Diệm nhiều lần. Diệm không nhìn thẳng bao giờ. Với lại Diệm có vẻ bất nhất, nhiều khi tôi thấy ông ta như cứng rắn, có lúc lại quá rụt rè, nhưng thôi ông đã đề cử, để tôi cho điện vào Sài Gòn triệu ông Diệm ra Huế. Tuy nhiên ông chưa được về Hà Nội vội, ông đau tôi sẽ cho bác sĩ săn sóc. Ông hãy tạm ở đây với tôi vài bữa vì có nhiều chuyện bàn với ông.
Ngay hôm ấy, văn phòng Hoàng đế đánh điện vào Sài Gòn nhờ Bộ Tư lệnh quân đội Nhật Bản liên lạc với Ngô Đình Diệm và giúp đỡ phương tiện cho ông này ra Huế; 24 giờ sau có điện của Bộ Tư lệnh Nhật trả lời:
"Ông Ngô Đình Diệm không có ở Sài Gòn. Đã điện đi tìm khắp cả các nơi đều được đáp: không thấy".
Sự thật, trong lúc ấy, Ngô Đình Diệm ở đâu?
Tướng Tsushihashi khi nhận được bức điện của Bảo Đại, lật xem hồ sơ Ngô Đình Diệm qua báo cáo của hiến binh, nhận thấy Diệm nhờ sự tín nhiệm của thực dân Pháp mới được bổ làm Tuần vũ Ninh Thuận hồi 30 tuổi, đã tỏ ra tận tâm với chính phủ Bảo hộ trong thời kỳ khủng bố, đàn áp các phong trào cách mạng 1930-1931, nên được thăng giừ chức tối cao của quan trường, Thượng thư Bộ lại.
Rồi Diệm phải từ chức vì xung đột với Thượng thư Bộ học Phạm Quỳnh, và không được Bảo Đại ưa.
Viên tư lệnh Nhật nghĩ là Diệm có nhiều mật thiết với chế độ Pháp, và sẵn không có cảm tình với Diệm qua mấy lần hội kiến vừa rồi, nên trả lời không biết Diệm ở đâu.
Tướng Tsushihashi về sau gặp lại học giả họ Trần, có tiết lộ cho hay:
- Lúc nhận được điện văn của Đức Bảo Đại, tôi biết Diệm ở Vĩnh Long với Đức cha Ngô Đình Thục, nhưng tôi không chuyển bức điện đi, vì nhận thấy Diệm không phải là người của tình thế. Diệm lại có cái nhìn không thẳng thắn, nếu không phải là gian dối. Thực sự, Diệm là người của công giáo thân Tây mà khối Đại Đông Á lại bao gồm toàn những quốc gia theo Phật giáo. Hơn nữa, có vài lần Diệm nói chuyện với chúng tôi lộ ý không phục Đức Bảo Đại, sợ có sự lủng củng rồi đi đến phản trắc chăng. Vả lại, chúng tôi được lệnh phải giữ gìn và giúp đỡ Hoàng đế Bảo Đại.
Giữa tình thế đó, Bảo Đại uỷ thác cho nhà học giả Trần Trọng Kim đứng ra triệu tập tân chính phủ.
Một buổi sáng cuối tháng tư dương lịch, trước một đám đông dân chúng tập hợp tại vườn hoa ở bến Thương Bạc, trước cửa Thượng tứ, một cuộc mít tinh diễn ra hoan nghênh quân đội Nhật Bản trao trả độc lập cho Việt Nam. Trước bàn hương án khói trầm nghi ngút, những lá cờ đuôi nheo và cờ mặt trời phất phới sát cạnh nhau, một vị bô lão vận áo rộng xanh, bịt khăn nhiễu tam giang, đại diện cho dân chúng kinh đô Huế, cất tiếng đọc bài văn tế do thi sĩ Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn làm vào dịp này, tri ân nước bạn Nhật Bản đã lật đổ chế độ bảo hộ Pháp, và giúp cho: "Việt Nam độc lập khắp… Trung kỳ".
Trong khi ở miền Bắc, biến cố lịch sử được dân chúng đón tiếp bằng câu ca dao: "Việt Nam độc lập chết co đầy đường".
Về phần Lệ, tuy không vui khi hay tin anh chồng không được cử ra cầm quyền, song nàng cũng hãnh điện thấy ông Trạng sư Trần Văn Chương được mời giữ chức Tổng trưởng Ngoại giao trong chính phủ mới.
Lệ theo cha mẹ vào Huế, để giúp bà Trạng trong các cuộc tiếp tân ngoại giao, đồng thời vận động cho chồng tiến thân.
Quân đội và các nhà ngoại giao Nhật không muốn có những biến đổi xáo trộn nên vẫn nắm giữ mọi quyền hành về chính trị, kinh tế và quân sự. Việt Nam chỉ độc lập ở trên danh từ.
Tại Nam Việt, Thống đốc Nhật Minoda thay thế viên Thống đốc Pháp, cũng như ở Bắc Việt, Tsukamoto đến ngồi ở dinh Toàn quyền, và tại Trung Việt, đại sứ Nhật Yokoyama bao gồm mọi công việc của viên Khâm sứ, cạnh Nam triều.
Nội các Trần Trọng Kim phải tranh đấu gắt gao để đòi hỏi quyền hành thực sự và thống nhất xứ sở trước thái độ chủ nhân mới của Nhật Bản, họ đang liên tiếp thất bại trước sự phản công dữ dội của Đồng Minh.
Hoạt động của phi cơ Mỹ cắt Việt Nam thành mấy khúc, lìa hẳn miền Bắc về đường bộ, đường sắt lẫn đường thuỷ.
Dịch đói từ mùa thu 1944 bành trướng sự giết hại ghê gớm khắp miền Bắc. Đã có trên một triệu con người chết đói. Giá thực phẩm càng ngày càng một tăng cao, trong khi quân Nhật vẫn tiếp tục đòi hỏi lương thực, và lúc này toà Khâm sai của Huế vừa nhậm chức, phải lo cung cấp thoả mãn những yêu sách lúa gạo cho binh sĩ Nhật.
Chết chóc và căm thù sôi sục thôn quê. Truyền đơn chống phát xít Nhật tung bay khắp nơi, kêu gọi dân chúng nổi lên "đánh phá những đoàn xe chở lương thực, chiếm đoạt những kho thóc gạo của Nhật. Không một hạt thóc, không một đồng xu thuế, không một người lính, không một người phu cho Nhật".
Việt Minh đã khơi đúng ngọn lửa căm hờn, đấu tranh để giành lại quyền sống của con người, non một thế kỷ bị thực dân Pháp chà đạp rồi bị phát xít Nhật dày xéo. Cán bộ Việt Minh len lỏi đi sâu vào các miền quê đói khổ phẫn uất của những con người không tìm thấy con đường cứu thoát nào khác hơn là nổi lên đánh đuổi những kẻ đang dồn ép họ chết dần chết mòn.
Trước cái đói bi thảm, chầm chậm và ác liệt đang xô đẩy hàng trăm vạn con người vào chỗ chết lặng lẽ mà chắc chắn, người dân quê miền Bắc đang khắc khoải, đau xót tuyệt vọng trong cảnh thiếu ăn, bóc lột đủ mọi bề không còn sự lựa chọn nào khác hơn là phải vùng lên, quật khởi, chống chọi lại để thoát chết.
Bản năng tự vệ, giành giựt lại sự sống còn của bản thân gia đình, của họ hàng, của làng xóm, đã thúc đẩy người dân quê hiền lành, nhẫn nhục qua bao nhiêu đời sau luỹ tre xanh, ào ạt theo nhau, lớp lớp lao mình, xả thân theo tiếng gọi quật cường của Việt Minh.
Phái bộ quân sự Pháp ở Côn Minh thuộc phe De Gaulle có hậu thuẫn của mấy ngàn quân theo tướng Alexandrie vượt qua biên giới Bắc Việt sau hôm Nhật đảo chính, và một đơn vị hải quân dưới quyền đại uý Commentri, ẩn ở vùng đảo Hạ Long, đang hoạt động quấy rối trong vùng vịnh Bắc Việt từ đầu năm 1945, đặt dưới sự chỉ huy phối hợp của đại tá Sainteny, một nhân vật nổi tiếng của kháng chiến Pháp, từ chính quốc sang. Sainteny đã hiểu biết Đông Dương trong ba năm trước chiến tranh, khi trở lại xứ này với nhiệm vụ cầm đầu lực lượng Pháp tự do, tập hợp lại tất cả những đơn vị Pháp rải rác ở vùng biên giới Bắc Việt, từ Miến Điện đến vịnh Hạ Long. Sau khi gởi người tiếp xúc với Việt Minh tháng 7-1945, Sainteny nhân danh đại diện của Chính phủ lâm thời Cộng hoà Pháp quốc hẹn ngày đích thân đáp xuống vùng giải phóng ở Việt Bắc để thương thuyết với Việt Minh, sau khi nhận được một bản thông báo của mặt trận này quy định về tương lai Đông Dương.
Trong khi ấy, quân du kích Việt Minh đã từ rừng núi thượng du kéo về hoạt động ở trung du, vào các làng mạc. Chính quyền địa phương đã gần như tan rã, và quân đội Nhật chỉ còn chiếm giữ thành phố và những trục giao thông.
Ngay tại các thành phố, không khí chính trị cũng đã bắt đầu đổi hướng, trước sự thất bại không tránh khỏi của Nhật Bản, và uy thế mạnh mẽ của Việt Minh. Một số Tổng trưởng của nội các Trần Trọng Kim đã bí mật tiếp xúc với mặt trận Việt Minh, vị Khâm sai Bắc Việt âm thầm che chở cho hoạt động của Việt Minh tại Hà Nội.
Những tin tức chiến thắng dồn dập của Đồng Minh đang xô đẩy Nhật Bản vào tình thế tuyệt vọng khiến cho Việt Minh, nhân danh là đồng minh của Trung Hoa, Anh, Mỹ và Nga Xô, càng được nhiều người ủng hộ, hưởng ứng phe thắng thế.
Viễn ảnh thắng lợi của Đồng Minh đã gần kề, số phận những kẻ hợp tác với đối phương sẽ bị chấm hết, thế thắng ồ ạt của Việt Minh chẳng mấy chốc sẽ chinh phục cả Bắc Việt, tràn vào miền Trung. Tình trạng đầu cơ và hỗn loạn về kinh tế và chính trị giữa cảnh dân chúng lầm than, chết đói đầy rẫy khắp châu thổ sông Hồng Hà càng thúc đẩy phong trào Việt Minh lên cao. Mặc dù hiến binh Nhật vẫn còn tiếp tục đàn áp, ngay đến trong các công sở, cơ quan chính quyền, ảnh hưởng của Việt Minh thâm nhập mạnh mẽ. Thanh niên, sinh viên trí thức cũng như mọi tầng lớp dân chúng từ địa chủ, phú hào, nông dân ở nông thôn đến tư sản, thương gia ở thành phố, tất cả những người có lòng yêu nước, đều mong mỏi, chờ đợi một sự đổi mới về thời thế.
Ngày mồng 6 tháng tám, hai quả bom nguyên tử của Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki buộc Nhật Bản phải xin đầu hàng không điều kiện. Người Nhật giấu kín tin này ở Việt Nam, song không ngăn được những ai nghe tin qua đài ngoại quốc và chỉ hôm sau là các thành phố người ta đã bàn tán đến sự sụp đổ tất yếu của khối Đại Đông Á.
Tại Việt Bắc, một ngày sau khi bom nguyên tử nổ trên đất Nhật, Việt Minh triệu tập hội nghị cử ra Uỷ ban Giải phóng Dân tộc do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, quân du kích lấy tên là Quân đội Giải phóng Việt Nam, và rồi ba hôm sau, lệnh tổng khởi nghĩa ban hành.
Tại Huế, chính phủ Trần Trọng Kim ý thức số phận của một nội các hữu danh vô thực, lệ thuộc Nhật Bản, được tin đầu hàng của Đông Kinh, liền đệ đơn xin từ chức ngay trong ngày hôm sau, mồng 7 tháng tám, song Bảo Đại yêu cầu ở nán lại để tiếp tục những công việc hành chánh.
Người Nhật vẫn không cho phép loan tin đầu hàng, ngày 16-8, Trần Trọng Kim tuyên bố ý định bảo vệ nền độc lập đã thu hồi được hôm mồng 9 tháng ba và kêu gọi toàn thể đoàn kết đấu tranh cho độc lập và hai hôm sau, thành lập một Uỷ ban cứu quốc, tập hợp tất cả các chánh đảng, để hướng dẫn cuộc đấu tranh. Đồng thời Bảo Đại gởi thông điệp liên tiếp cho Tổng thống Truman, Anh hoàng, thống chế Tưởng Giới Thạch, đại tướng De Gaulle, yêu cầu các cường quốc Đồng Minh thừa nhận chủ quyền độc lập của Việt Nam.
Bấy giờ Ngô Đình Diệm đang ở trong Nam, được tin nội các Trần Trọng Kim vừa đệ đơn từ chức, vội vàng lên đường ra Huế.
Diệm đến Bộ Tư lệnh Nhật ở Sài Gòn, bày tỏ ý định muốn ra Kinh gặp Hoàng đế Bảo Đại, để xin lập nội các mới thay thế nội các vừa từ chức. Tướng Terauchi cho mượn một chiếc xe hơi cùng phái hai sĩ quan và bốn người lính Nhật đưa Diệm ra Huế.
Chiều tối 17 đến Nha Trang, Diệm cùng mấy sĩ quan Nhật ngủ lại ở Bộ tham mưu Nhật. Sáng hôm sau, Diệm tìm đến nhà kỹ sư Đặng Phúc Thông, giám đốc sở Hoả xa Trung Việt, ngỏ ý mời họ Đặng tham chính.
- Tôi ra Huế để lập nội các mới, thay nội các Trần Trọng Kim. Tôi muốn mời ông giữ Bộ Giao thông Công chánh, ông cho biết ý kiến thế nào?
Đặng Quân trả lời không do dự:
- Tôi không có ý kiến. Hiện nay Việt Minh đã cướp chính quyền tại nhiều tỉnh rồi…
Diệm ngắt lời, nói một cách hăm hở:
- Tôi không tin Việt Minh thành công. Ra tới Huế tôi sẽ lật ngược lại tình thế.
Kỹ sư họ Đặng lắng nghe tiếng ồn ào của đám đông đang lũ lượt trên đường trước nhà kéo nhau đi biểu tình hưởng ứng cuộc khởi nghĩa tại thị xã Nha Trang, rồi nhìn họ Ngô ái ngại bảo:
- Tôi chẳng ưa gì Việt Minh, tuy nhiên điều ông vừa nói có vẻ chủ quan tự tin quá.
- Vậy ông không nhận?
Đặng Quân mỉm cười đáp:
- Vâng, đa tạ ông đã nghĩ đến tôi, song lúc này tôi không thể nhận được.
Diệm lộ vẻ không bằng lòng, đứng lên bắt tay từ giã. Kỹ sư Đặng tiễn Diệm ra đến cửa, còn thương hại dặn dò:
- Ông nên thận trọng. Tại đây, dân chúng theo Việt Minh đã đánh mấy binh sĩ Nhật trọng thương và bắt giam nhiều người thân Nhật. Ở Quảng Ngãi, tôi nghe nói phong trào còn ác liệt hơn nữa. Tôi lo cho ông chưa ra tới Huế, đã bị Việt Minh chặn lại ở dọc đường.
Diệm im lặng bắt tay, không nói thêm một lời, bước thẳng ra xe đợi sẵn, cùng mấy quân nhân Nhật, thẳng đường quốc lộ ra Huế. Đang lúc Diệm ngồi trong chiếc xe nhà binh Nhật, lẻ loi chạy trên quốc lộ số 1 vắng vẻ trắng mờ bụi cát, thì tại đế đô, chiếc xe đen bóng của vị Bộ trưởng Ngoại giao cắm cờ quẻ ly phóng mạnh từ hoàng thành ra cửa Thượng tứ, qua cầu Trường Tiền ngược lên phía ga, rẽ vào một biệt dinh rộng lớn bên bờ sông Bến Ngự. Không đợi cho người tài xế vận sắc phục trắng mở cửa xe, ông Trạng sư Trần Văn Chương đã vội bước lên tầng cấp vào nhà. Bà Trạng đang ngồi tiếp chuyện ông Tổng trưởng Giáo dục họ Hoàng, nhìn thấy chồng về với bộ mặt lo âu, vội nhoẻn miệng cười lên tiếng hỏi:
- Thế nào, bữa tiệc của tôi đãi khách hôm nay lại ế nữa phải không?
- Đành phải dẹp thôi, mình ạ. Tình hình nghiêm trọng lắm.
Lệ ở chiếc đi văng gần đấy đứng lên góp chuyện:
- Ba lúc nào cũng thấy tình hình nghiêm trọng làm cho mẹ con mỗi lần mời khách ăn tiệc là y như thế nào cũng xảy ra một việc "nghiêm trọng". Lần trước, thết tiệc mấy cố vấn Nhật, thì ông Bộ trưởng Y tế đi kinh lý bị máy bay bắn chết, vua Bảo Đại cho mời ba vô trong nội bảo phải cáo lỗi vì chính phủ có tang. Lần này, ba bảo cáo lỗi vì tang tóc gì nữa đây?
Ông Trạng không chú ý mấy đến lời con gái trách móc thay cho mẹ, ngồi đối diện Bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn, buồn bã nói:
- Lần này thì tang chung đấy. Tôi vừa gặp ông Ngự tiền văn phòng của Hoàng đế cho hay là ông Khâm sai Phan Kế Toại đã giao Bắc Bộ phủ cho một Uỷ ban Cách mạng lâm thời sáng nay. Đức Bảo Đại mới nhận được một điện văn kiến nghị của Tổng hội sinh viên ở Hà Nội đòi ngài thoái vị, trao quyền lại cho một chính phủ Cộng hoà lâm thời do Việt Minh lãnh đạo.
Bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn ngắt lời:
- Ông cảm thấy nên chăng?
- Tôi nhận thấy trong thái độ của Nhật, khuynh hướng của phe quân nhân đã lấn át: họ chủ trương là Nhật Bản thua trận phải nhường chỗ cho kẻ nổi dậy cướp chính quyền, cho nên sau khi hãng Domei(2) loan tin đầu hàng hôm 16, Nhật mở cửa khám thả tất cả những chính trị phạm, rồi đóng vai "trung lập" đứng ngoài, vì thế nên Việt Minh mới thành công được một cách dễ dàng.
- Ông có nghe Đức Bảo Đại tính ra sao đối với đòi hỏi của Việt Minh buộc ngài phải thoái vị không?
Ông Trạng Trần lắc đầu:
- Hôm nghe rục rịch Việt Minh sắp nổi lên, cố vấn Yokoyama có đưa ý kiến hỏi ngài có cần quân Nhật giúp để bảo vệ chống lại không, ngài đã từ chối, và sau đó tỏ ý muốn giao cho Việt Minh lập chính phủ mới, thay thế nội các cụ Trần từ chức, bây giờ lại được bức điện văn kia, e rồi ngài cũng đến nghe theo lời ông Phạm Khắc Hòe, Ngự tiền văn phòng mà nhượng bộ mất thôi. Ông thấy ngài chỉ muốn yên thân, sợ sinh sự lôi thôi.
Bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn lặng yên nghĩ ngợi rồi ngước lên hỏi:
- Chúng mình kể như không còn dính líu gì đến chính quyền nữa rồi, ông bà định ở lại Huế hay về Hà Nội?
Vợ chồng đưa mắt nhìn hỏi nhau, bà Trạng lên tiếng nói:
- Tình thế đã như vậy, chúng tôi còn ở lại đây làm gì nữa? Có lẽ đi sớm càng hay, phải không ông? Còn ông thế nào?
- Tôi ở lại đây xem tình thế đã.
Nghe Bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn trả lời, không đợi chồng tỏ ý dứt khoát, bà Trạng Trần quay ra bảo con gái:
- Cô về thăm từ giã bên nhà chồng để rồi thu xếp sẵn đợi ba cô định ngày trở ra Bắc.
Ông Trạng Trần tiễn bạn ra cửa, quay vào, thấy vợ đang sai người nhà bưng một cái quả sơn son ra xe rồi tiến lại bảo chồng:
- Tôi vào viếng từ biệt đức Từ Cung, và nhân thể mang biếu bà một cân sâm Cao Ly của bà cố vấn Yokoyama gởi cho tôi hôm nọ.
Lệ theo mẹ đi cùng xe dọc theo bờ sông Bến Ngự ghé lại nhà chồng ở Phú Cam, trong khi chiếc xe chở bà Trạng Trần Văn Chương chạy thẳng vào cung Nội.
Thái hậu Từ Cung tiếp bà Trạng Trần ở điện Thái Hoà, nhận lễ cáo biệt, rồi gọi thể nữ hầu cận lấy năm lạng cao nhung làm quà đặng. Lúc xe vừa vào đến trước thềm điện, bà Trạng Trần thoáng nhìn thấy bóng vua Bảo Đại từ trong nhà Thái hậu đi ra. Một lát sau, bà Trạng đang ngồi hầu chuyện với đức Từ Cung thì có thị vệ vào báo: Đức Hoàng thượng hiện ở Nghênh Phong các nghe tâu là bà cựu Bộ trưởng Ngoại giao sắp về Bắc mời lên hỏi chuyện.
Được vua triệu đến, bà Trạng Trần vội từ tạ đức Từ Cung, theo chân người thị vệ đi dọc theo hành cung quanh co đưa đến Nghênh Phong các, về phía hậu cung. Bà cựu Bộ trưởng không giấu được vẻ hân hoan, bảo người thị vệ đợi bà một lát, dừng lại bên chiếc chậu lớn trồng cây vạn tuế, mở ví soi gương, tô thêm son môi, sửa lại mái tóc.
Vị mệnh phụ phu nhân tươi đẹp đậm đà trong chiếc áo gấm Thượng Hải, run rẩy bước lên lầu trong khi người thị vệ dừng lại bên ngoài để một mình khách vào hầu Hoàng thượng.
Tiếng ngựa hí ở cuối vườn ngự uyển văng vẳng lại gác Nghênh Phong.
Giữa lúc đó, tại tư dinh họ Ngô ở Phú Cam, Lệ nghe ông anh chồng Tổng đốc ngồi trên trường kỷ giữa nhà, dặn dò, nhắn nàng về Hà Nội bảo với Nhu:
- Thím nói với chú là tôi còn đợi chú Thượng ở trong Nam ra, đại cuộc thành thế nào cũng đánh điện ngay cho chú vào. Nhiều hy vọng đảo ngược thế cờ lắm, thím nói dùm với chú như vậy. Có quân đội Nhật ở đây sẵn lòng ủng hộ mình tới cùng.
Tổng đốc Khôi nhìn về phía người sĩ quan Nhật đang chuyện trò tương đắc với con trai lớn của mình ở bộ xa-lông bên cạnh, rồi nói tiếp:
- Thím nói lại với chú là tập đoàn Công giáo làm hậu thuẫn cho mình ở Trung từ Nam Ngãi đến Quảng Bình vững lắm, cháu Huân cũng vừa mới đi La Vang về đó. Còn thím đã nhất định bữa mô đi chưa? Thưa lại, tôi có lời hỏi thăm ông bà Trạng nghe. Chú Thượng với tôi đứng ra lập chính phủ, thế nào cũng nhờ tới ông Trạng, nhờ ông giữ Bộ Ngoại giao đó.
Tiếng cười đắc ý giòn giã của vị tổng đốc họ Ngô bỗng bị phá ngang vì tiếng chó sủa ồn ào phía trước sân. Lệ nhìn ra, thấy có mấy người đàn ông lạ mặt, từ chiếc xe hơi màu xanh đậm ngừng ngang cửa âm thầm bước vào. Theo sau một toán thanh niên mặc đồ đen, võ trang dao găm, mã tấu, súng hai nòng, súng trường ồ ạt kéo qua sân rẽ hai chạy bao quanh khu nhà.
Ngô Đình Khôi vẫn ngồi tựa gối dựa trên trường kỷ, cố giữ vẻ bình tĩnh, nhìn mấy người lạ tiến vào nhà, nghiêm giọng hỏi:
- Các người là ai? Muốn gì?
Người đàn ông ngoài ba mươi tuổi đi giữa hai thanh niên cầm súng lục ở tay hộ vệ, lạnh lùng nói:
- Chúng tôi đại diện cho Mặt trận Việt Minh, được lệnh thượng cấp đến khám nhà này, vì tình nghi có chứa chấp vũ khí và phản động chống lại cách mạng. Yêu cầu ông để chúng tôi làm phận sự.
Rồi, không đợi trả lời, người cán bộ Việt Minh để cho hai thanh niên cầm súng ghìm giữ mấy người trong nhà, quay ra bảo đám võ trang bên ngoài:
- Các đồng chí! Thi hành công tác!
Trong nháy mắt, nhà trên, nhà dưới họ Ngô đều bị lục soát từ trong ra ngoài. Lệ ngồi yên tức tối nhìn mũi súng lục lăm lăm trên tay hai thanh niên thư sinh giữ chừng mọi người trong gia đình bị dồn tất cả vào giữa nhà.
Nàng nhận thấy vắng mặt cậu em áp út: Cẩn có lẽ đã chạy thoát được khi người ta mới đến vây nhà. Ông Khôi đã mất dần bình tĩnh, liên tiếp rít thuốc lào, nhả khói mù mịt làm cho viên sĩ quan Nhật bị ho sặc đến mấy lần. Huân ngồi lặng yên, mím môi tức giận nổi rõ cả đường gân trên trán. Bà Thượng Ngô xúc động, ngoáy ống trầu luôn tay, từng lúc lại hỏi bên tai Lệ:
- Việt Minh là ai mà dữ rứa? Họ không kiêng nể cả Thượng thơ, Tổng đốc nữa à?
Viên sĩ quan Nhật mấy lần sừng sộ đòi đi, bị mũi súng của hai thanh niên cản lại, bực tức đành ngồi xuống ghế.
Lệ lo sợ bị bắt gặp quả tang cất giấu súng ở trong nhà, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn anh chồng rồi nhìn đến võ khí trên tay mấy cán bộ, trong lòng hồi hộp khác thường.
Bỗng có tiếng chân chạy từ nhà dưới lên, một người mặc đồ đen, đội mũ bê rê gắn huy hiệu tròn sao vàng trên nền đỏ, tay cầm mã tấu đứng nghiêm trước mặt cán bộ chỉ huy:
- Báo cáo! Thưa đồng chí, em có tìm thấy một thùng gỗ đựng súng trường chôn giấu dưới đụn rơm ngoài vườn.
Người cán bộ vội vã đi theo kẻ khám phá chỗ chôn súng, trong khi ông Khôi tái mặt nhìn con trai, rồi hướng qua phía mẹ già, đoạn nhìn thẳng như cố dằn nỗi khích động.
Chỉ một lúc, người cán bộ trở lại, đến trước mặt ông Khôi, giọng cương quyết:
- Chúng tôi có tìm thấy võ khí ở nhà này nên bắt buộc phải mời ông cùng cậu con cả ông về Uỷ ban. Chúng tôi thi hành theo lệnh của thượng cấp, ông và cậu hãy đi theo chúng tôi. Còn những người trong nhà này, tôi yêu cầu tạm thời không được liên lạc với bên ngoài, cho đến khi có lệnh mới. Tôi để lại đây hai người để canh gác ngày đêm không cho ai vô ra đây.
- Thế rồi Ngô Đình Khôi và con trai Ngô Đình Huân bị áp giải ra chiếc xe xanh; với hai người võ trang ngồi kèm bên cạnh. Viên sĩ quan Nhật bị mời ra khỏi dinh họ Ngô rồi bỏ mặc cho đi.
Lệ uất ức nhìn theo, trong khi bà Thượng Ngô mếu máo thương xót người con cả, cơ hồ muốn ngất đi.
Cùng lúc ấy, tại biệt thự Hoa Quỳnh bên bờ sông An Cựu, cựu Thượng thư Phạm Quỳnh cũng bị cán bộ và tự vệ Việt Minh đến mời đi.
Tin hai vị quan lại, Tổng đốc họ Ngô và Thượng thư họ Phạm bị Việt Minh bắt mang đi đâu không rõ chẳng mấy chốc đã truyền miệng dân chúng khắp thành phố bé nhỏ đất Thần kinh. Bà Trạng Trần ở nội cung về đến nhà đã xế chiều, hay tin dữ về gia đình họ Ngô và con gái mình bị kẹt lại ở nhà chồng, hốt hoảng giục chồng tìm cách can thiệp.
Ông Trạng đi một hồi lâu, trở về lắc đầu chán nản:
- Tôi đã gặp mấy người Nhật cao cấp, nhờ họ giúp, song tất cả đều lịch sự từ chối, bảo là họ không còn có thể can thiệp được vào việc nội bộ của người mình với nhau. Đến mấy tướng tá có cảm tình ủng hộ họ Ngô cũng vậy, hình như họ đã được lệnh đứng ngoài mọi việc không dính líu gì đến họ nữa.
Bà Trạng sốt ruột vì con, hỏi gạn chồng:
- Thế mình không thể liên lạc với Uỷ ban Mặt trận Việt Minh để xin cho con Lệ nó về với mình sao?
Ông Trạng nhìn vợ, buồn bã nói:
- Người ta đang xem mình là kẻ thù, cho mình là quan lại, phản động, Việt gian nữa, nói chuyện làm sao được lúc này? Tôi nghe nói họ còn tung tin doạ Đức Bảo Đại mà không chịu thoái vị thì cũng sẽ bị chung số phận như hai ông Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi, trước phong trào của dân chúng đang sôi nổi.
Rồi ông Trạng hạ giọng bảo vợ:
- Tin tức nhận được ở đằng trong cho hay rằng tại Quảng Ngãi, Việt Minh đã cướp chính quyền trước Hà Nội và giết chết cả Nhật, những người hợp tác với Nhật, những người làm việc cho Pháp trước đây quan lại, công chức đến cả những người có sách báo Pháp ở trong nhà cũng bị họ gán cho là Việt gian bắt đem đi chém hết. Mả cụ Cần Chánh Đại, Học sĩ Nguyễn Thân ngày trước bị họ đào quật lên đổ xuống sông Trà Khúc, còn con cháu sót lại người nào ở trong tỉnh cũng bị bắt giết cả. Dân họ đang say máu, tôi e rồi ở Quảng Ngãi, Việt Minh còn giết người gấp vạn cuộc Cách mạng Pháp nữa.
Bà Trạng mở lớn đôi mắt, xúc động hỏi chồng:
- Thế Việt Minh họ muốn làm Cách mạng hay là muốn đổ máu, muốn giết người?
- Có lẽ họ nghĩ rằng làm cách mạng thì phải đổ máu nên ở Quảng Ngãi mới lắm người bị giết như thế. Tôi chỉ sợ ở đây, dân Huế tuy hiền, song gần Quảng Ngãi, dễ bị lây phong trào trong đó. Mà dân chúng một khi say máu rồi, dễ gán cho ai cũng là Việt gian, thì nguy hiểm không biết đâu mà lường được.
Bà Trạng càng lo ngại thêm khi nghe chồng nói:
- Có tin là ông Ngô Đình Diệm đi cùng mấy người Nhật từ trong Nam ra, đến Tuy Hoà đã bị Việt Minh bắt giữ lại. Nếu họ dẫn ông ta về giao cho Quảng Ngãi xử thì chết?
- Sao Việt Minh họ ghét anh em họ Ngô thế nhỉ?
Ông Trạng nghĩ ngợi rồi đáp:
- Anh em họ Ngô là quan lại cao cấp, đang còn hy vọng nhờ thế lực Nhật để ra cầm chính quyền, hẳn Việt Minh họ biết rõ, nên mới tìm cách trừ đi. Tôi cũng lo cho tính mạng của bố con Khôi và Diệm lắm, con gái mình lại chẳng may bị lôi thôi vào đó nữa. Mình cũng thật khó hiểu được là họ muốn gì để đối xử cho thích nghi.
- Nếu mình thấy không còn vướng bận gì công việc nữa thì tôi tưởng nên đi Hà Nội sớm, vì ở ngoài ấy, dù sao cũng gần với những người cầm đầu Việt Minh, mình lại có bạn hữu nhiều, đỡ lo hơn tại đây. Còn con Lệ, tôi nghĩ nó cũng chẳng làm gì mà Việt Minh bắt tội được với lại là đàn bà con gái nữa, rồi người ta cũng phải thả cho nó đi. Để tôi bảo người nhà đến Phú Cam, liên lạc hỏi tin con xem sao.
Bà Trạng Trần vừa cất tiếng gọi chị ở lên dặn thì thấy ông Bộ trưởng Thanh niên họ Phan đến.
- Tôi nghe ông Hoàng nói ông bà sắp về Hà Nội, tôi cũng định ngày mai đi, không biết có được hân hạnh đi nhờ xe của ông bà không?
Bà Trạng nghe nói Phan Anh là vị Bộ trưởng độc nhất trong nội các Trần Trọng Kim được cảm tình và có liên lạc với Việt Minh, nên đon đả đáp:
- Chúng tôi cũng định đến mai thì về Bắc nếu ông cùng đi một chuyến với chúng tôi thì hân hạnh lắm.
Ông Trạng hỏi bạn:
- Ông có được tin gì mới ở Hà Nội không?
- Tôi nghe tin là ở Hà Nội, Việt Minh lên cầm quyền được Đồng Minh ủng hộ và đảm bảo cho nền độc lập của Việt Nam. Mỹ với tổ chức chiến lược O.S.S đã công khai bày tỏ cảm tình với Việt Minh: sĩ quan, ký giả Mỹ có mặt tham dự các buổi biểu tình tại Hà Nội. Tướng Patti, lãnh đạo cơ quan O.S.S có tuyên bố là Mỹ sẵn sàng làm hậu thuẫn cho Việt Nam và còn khuyến khích Mặt trận này đoạn tuyệt với Pháp. Như vậy thì cái thế của Việt Minh đối với quốc tế cũng khá mạnh đấy chứ.
Đầu tóc cắt ngắn của họ Phan gật gù như nhấn mạnh thái độ thiện cảm đối với chính quyền mới. Phan Quân nói tiếp:
- Tôi nghĩ rằng trước cao trào của dân chúng, Đức Bảo Đại cũng không nên đi ngược lại trào lưu lịch sử mà cố giữ ngai vàng. Tôi đã tỏ ý kiến này với ông Phạm Khắc Hòe để tâu lại với Ngài. Ông Hòe vừa cho tôi hay là Đức Bảo Đại hỏi ý Đức Từ Cung trước, bà trả lời bảo để tùy Ngài định liệu lấy, hỏi đến Ngự tiền văn phòng là ông Hòe, thì ông này cũng nói như tôi.
Trong giới thân cận với Ngài, có người chủ trương nhất quyết không nhượng bộ yêu cầu Việt Minh, ngài hỏi lại là không bao giờ ngài muốn nhờ đến thế lực ngoại bang, vậy thì lấy gì mà chống? Chưa ai tìm ra câu trả lời; tôi thấy không có câu trả lời nào khác có thể giữ vững được ngai vàng trong lúc này.
Ông Trạng Trần ngắt lời:
- Tôi thấy có một câu trả lời, giải pháp phối hợp quân chủ và chánh quyền Việt Minh, để sớm được quốc tế thừa nhận nền độc lập của Việt Nam. Quân chủ như chế độ ở Anh cũng là lý tưởng lắm chứ!
Bà Trạng đang mải nghe hai ông bộ trường từ chức đóng vai khách quan bàn về chính cuộc đang biến chuyển, bỗng thấy người ở gái hớt hải chạy vào, vừa thở vừa nói:
- Bẩm bà lớn, con đến nhà cụ Thượng Ngô, vừa vô tới sân thì có một người cầm súng gác chặn lại, không cho con vô gặp cô con, họ còn định bắt giữ luôn con lại nữa? Con phải van xin mãi họ mới cho con ra về, sau khi tra hỏi con đủ thứ: làm tay sai cho ai, định liên lạc với ai, tính nói chuyện gì cùng ai... Con nói là con là người nhà ông bà lớn đi thăm cô nhà con, họ nói con là đồng lõa với bè lũ quan lại phong kiến phản động Việt gian tay sai đế quốc phản động thực dân... Họ còn dọa là sẽ bắt luôn cả ông bà lớn đây nữa... mà con còn làm ở nhà này thì thế nào cũng bị bắt, họ nói là "quảng cáo"(3) cho con biết để mà giác ngộ, thôi đi ở nhà quan... Bẩm bà lớn con... con cũng không biết mô tê chi hết, nhưng họ dọa con như vậy, họ lại có dao, có súng... bà thương con, bà cho con nghỉ việc luôn bữa nay.
°°°
Lệ trằn trọc nằm bên cạnh bà Thượng, sốt ruột nghe tiếng thì thầm đọc kinh cầu nguyện của mẹ chồng trong đêm khuya vắng, từng lúc lại cao giọng lên kêu than não ruột.
Bên ngoài, mấy người ở lại canh gác nhỏ to nói chuyện, thỉnh thoảng lại lách tách tiếng võ khí, hoặc mã tấu dựng vào vách rơi xoảng xuống nền gạch.
- Bọn phản động Việt gian này sao không cắt cổ đi hết cho xong, để chúng lại làm gì phải canh gác lôi thôi.
- Ừ, đem phay đi cả, như ở Quảng Ngãi là yên chuyện!
- Đồng chí nói chí lý, làm cách mạng thì phải đổ máu, thương tiếc chi bọn tay sai thực dân.
Những lời lẽ đầy đe doạ của đám tự vệ không khỏi làm Lệ phập phồng lo ngại. Tuy không có thiện cảm với anh cả của Nhu, nàng cũng đâm ra lo cho số phận người bị bắt lúc chiều. May mà chồng nàng ở lại Hà Nội, nhưng không biết ở ngoài ấy Nhu có khỏi bị lôi thôi không? Còn cậu em chồng, Cẩn chẳng biết lúc này ẩn trốn ở đâu, liệu rồi có thoát khỏi tay Việt Minh, ở Huế, có lệnh bắt anh em họ Ngô? Với lại người anh cựu Thượng thư ở trong Nam, lúc này ra sao?
Tiếng chim mồ côi kêu khắc khoải sau vườn vẳng đến tai Lệ mà nàng nghe như những tiếng gọi: père, mère, frère, soeus, enfant (cha, mẹ, anh, chị, con) càng khiến Lệ thêm bồn chồn trong dạ. Lệ nằm thấp thỏm mãi không ngủ được, đồng hồ vừa buông 12 tiếng, bỗng giật mình nghe tiếng quát trước sân:
- Ai? Đứng lại!
Tiếng chân rầm rập, tiếng võ khí va chạm, tiếng rì rầm của toán dân canh đổi phiên gác giữa đêm vắng tạo nên một âm thanh rờn rợn, xa lạ đối với Lệ. Bà cụ Thượng lại run người lên, buột miệng kêu "Giêsu! Maria" rồi không ngớt cầu kinh.
Lệ mệt mỏi chợp đi trong tiếng gà gáy sáng canh hai.
Những vụ bắt bớ, mời hỏi và dẫn đi liên tiếp xảy ra cả đêm lẫn ngày. Không khí khủng bố đe doạ trùm lên các giới quan lại thân Pháp, thân Nhật và cả các đảng viên quốc gia. Số phận những nạn nhân sau ngày khởi nghĩa ở Huế đang ở trong tình trạng lo sợ chờ đợi bấp bênh như vận mệnh của vị hoàng đế cuối cùng nhà Nguyễn, trước áp lực của Việt Minh, bỗng trưa ngày 23 tháng tám, một tin làm chấn động cả dư luận đế đô: Phạm Quỳnh, nguyên Thượng thư Bộ lại kiêm Ngự tiền văn phòng Hoàng đế và Ngô Đình Khôi, đương kim Tổng đốc Quảng Nam, cùng con trai là Ngô Đình Huân, quản thủ thư viện Bảo Đại vừa bị xử tử sáng sớm nay tại Hiền Sĩ, một làng ở về phía Bắc kinh thành Huế hơn mười cây số.
Uỷ ban Nhân dân đã họp phiên toà Cách mạng tại địa điểm này, kể tội và tuyên án tử hình ba tên Việt gian tay sai phát xít Nhật và thực dân Pháp rồi đem hành quyết ngay tại trận trước sự chứng kiến của dân chúng, trong tiếng hoan hô "xử tử Việt gian".
Không đầy một tuần lễ, sau ngày khởi nghĩa, vụ xử bắn cấp tốc hai vị quan lại cao cấp cùng một thanh niên thân Nhật, được cán bộ tuyên truyền giải thích như là bước đầu loại trừ những phần tử chống Cách mạng, và Huế có thể theo gương đẫm máu của Quảng Ngãi.
Một đơn vị du kích Ba Tơ, chiếm kỷ lục chém giết Việt gian, được đưa từ Quảng Ngãi ra đến Huế vào ngày hôm ấy, vận toàn đồ đen, võ trang súng trường và mã tấu, đi biểu diễn từ bờ sông Hương vào trong hoàng thành, tăng cường thêm áp lực của Việt Minh, trước thái độ chần chừ của vua chưa chịu thoái vị.
Hành động táo bạo và tuyên truyền mạnh mẽ của Việt Minh có hiệu quả mau lẹ, áp đảo tinh thần giới thân cận hoàng đế và ngay trong ngày hôm sau, 24 giờ sau khi xác hai vị đại thần bị xô vùi xuống hố đất hoang, ngoại kinh thành, Bảo Đại ký tên vào quyết định gởi bằng điện văn ra Hà Nội, đề nghị Việt Minh phái ngay đại diện vào Huế để chứng kiến và dự lễ thoái vị của hoàng đế nhà Nguyễn, trao ấn kiếm lại cho chính quyền mới.
Thế rồi, vào lúc bốn giờ chiều ngày 25 tháng tám 1945, một nghi lễ đơn giản cử hành tại Kiến Trung, chấm dứt một triều đại, đồng thời cáo chung chế độ quân chủ ngàn năm trị vì ở Việt Nam.
Vị hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn đầu đội khăn vàng, vận quốc phục, áo dài vàng, quần lụa trắng, đi hài vàng, từ nội điện đi ra, nhìn thẳng về phía trước. Theo sau, một thị vệ mang hộp ấn ngọc tỉ và cây kiếm vàng trong bao son đi bên trái, còn bên phải là vị Ngự tiền văn phòng, tay cầm bản diễn từ.
Trên sân điện đã bày sẵn một chiếc bàn với lư trầm ngào ngạt khói hương, trông ra cột cờ Phú Văn Lâu. Hai đại diện chính quyền Hà Nội, Bộ trưởng tuyên truyền Trần Huy Liệu và Bộ trưởng Canh nông Cù Huy Cận, cùng kỳ uỷ Việt Minh Trung Bộ, thi sĩ Tố Hữu, đứng đợi dự lễ. Một quan khách độc nhất có mặt ở sân điện chứng kiến gần buổi lễ, nhà văn họ Hoàng.
Bảo Đại lộ vẻ xúc động, nhìn xuống đám dân chúng tập hợp phía dưới điện, tay hơi run, cầm lấy bài diễn từ của Ngự tiền Phạm Khắc Hòe trao, thong thả đọc. Hai mắt chớp chớp, giọng Bảo Đại trở nên nghẹn ngào khi đến đoạn tuyên bố cuối cùng:
"Hơn hai mươi năm ngai vàng bệ ngọc, Trẫm đã xiết bao ngậm đắng nuốt cay. Từ nay trẫm vui lòng làm một công dân tự do trong một quốc gia độc lập".
Những lời lẽ tình cảm tế nhị bất ngờ, thốt ra từ cửa miệng một ông vua bấy lâu chỉ nổi tiếng ăn chơi và bị xem là hoàng đế bù nhìn, do thực dân giựt dây, trong không khí bừng sôi hưởng ứng cách mạng, được dân chúng im phăng phắc lắng nghe. Trong đám đông bên dưới, có những người đưa tay lên gạt nước mắt cảm động.
Ở phía cuối điện, giữa đám hoàng thân quốc thích khăn đen áo dài, có tiếng khóc thiết tha nổi lên.
Trước máy phóng thanh, tiếng hô của ông vua trẻ tuổi từ bỏ ngai vàng được dân chúng hưởng ứng vang dậy cả khu hoàng thành rêu phủ:
"Việt Nam độc lập muôn năm!"
" Cộng hoà Dân chủ muôn năm!".
Rồi trong lúc lá cờ đỏ sao vàng từ từ kéo lên cột cờ Phú Văn Lâu, giữa tiếng reo hò dân chúng, mấy phát thần công châm ngòi nổ lớn, loan báo cho cả kinh thành đều hay: Hoàng đế Bảo Đại trao ngọc ấn và gươm vàng cho chính quyền dân chủ, sau khi ký tên vào bản tuyên cáo thoái vị.
Bảo Đại ngước nhìn màu cờ mới tung bay trước gió, đưa mắt ngắm lại một lần cuối cùng cảnh hoàng thành, giang sơn ngự trị mấy trăm năm của nhà Nguyễn, từ màu gạch nâu rêu phủ ngã sang màu sẫm trong hoàng hôn đang xuống rồi lặng lẽ lui về từ biệt cung điện, sau lưng còn văng vẳng những tiếng: "Hoan hô công dân Vĩnh Thuỵ!"
Ngay trong hôm Bảo Đại từ bỏ ngai vàng, chính thức trao lại cho Việt Minh, ở Sài Gòn, một cuộc biểu tình tuần hành vĩ đại của mọi tầng lớp dân chúng từ 9 giờ sáng đến chiều tối hợp thức hoá cuộc cách mạng, đưa Uỷ ban hành chánh lâm thời Nam bộ vào dinh Thống đốc Nam Kỳ.
Mười ngày sau khi Nhật Bản đầu hàng, hôm 25 tháng tám 1945, cờ Việt Minh phất phới từ Bắc đến Nam, trên khắp lãnh thổ Việt Nam.
Một tuần lễ sau, ngày 2 tháng 9, một chính phủ lâm thời do cụ Hồ Chí Minh lãnh đạo ra mắt tại thủ đô Hà Nội, long trọng tuyên cáo chủ quyền độc lập của Việt Nam và chế độ Cộng hoà Dân chủ.
Cựu hoàng Bảo Đại đã trở thành công dân Vĩnh Thuỵ, được mời làm cố vấn tối cao của chính phủ.
Lời mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập lặp lại một câu trong Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ và nhắc đến bản Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1791 của Pháp.
Đang lúc phong trào dân chúng sôi sục nổi lên khắp nơi đòi hỏi Cách mạng, cựu Thượng thư Ngô Đình Diệm vẫn ôm ấp hoài bão phong kiến, tin tưởng ở lực lượng của bại quân Nhật Bản ủng hộ cho chế độ quân chủ để xoay ngược lại tình thế. Trên đường ra Huế, tay ôm chiếc cặp da chứa đựng chương trình xây dựng một chính thể quân chủ lập hiến phỏng theo Anh quốc, Ngô Đình Diệm ngồi bên cạnh thiếu tá Nhật Sato, lầm rầm cầu xin ơn trên phù hộ.
Viên thông ngôn người Bắc Nguyễn Hòe, qua vài lần chuyện trò với mấy quân nhân Nhật ở trên xe, nói lại cho Diệm biết là họ đều lo ngại, sợ có sự bất trắc dọc đường.
Tại Bộ tham mưu Nhật ở Nha Trang, trong đêm ngủ lại hôm qua, họ có nghe đến không khí ác liệt ở Quảng Ngãi, có mấy quân nhân Nhật bị dân chúng chận bắt giết dọc đường. Người lính lái xe đầu tiên tỏ ý muốn quay trở lại Sài Gòn:.
- Nhật thôi đánh nhau rồi, chúng tôi đã thoát chết và sắp được hồi hương mà bây giờ nhỡ ra gặp phải chuyện lôi thôi bỏ mạng thì rõ thật là ngốc!
- Phận sự của Bộ Tư lệnh giao phó cho chúng ta là phải đưa ông này về đến Huế. Tôi chỉ huy thi hành nhiệm vụ này, không một ai được bàn ra tán vào. Lệnh của tôi là tiến lên! Phải ra đến Huế!
Viên sĩ quan trẻ tuổi vẫn ngấm ngầm chống lại việc đầu hàng và bộc lộ sự cảm phục đối với các vị tướng mổ bụng để khỏi nhìn thấy sự nhục nhã trước kẻ chiến thắng, tỏ ý muốn ở lại Việt Nam, và tình nguyện giúp Diệm, đã giận dữ lớn tiếng, khiến người binh nhì tài xế im lìm, nhấn mạnh ga cho xe vượt qua đèo Cù Mông.
Chiếc xe lao xuống khỏi chân đèo một khoảng thì bị mấy tảng đá án ngữ giữa đường ngăn lại. Bốn thanh niên mặc quần áo đen, cầm lao mã tấu và lựu đạn đeo ở lưng, từ một lùm cây bên quốc lộ hiện ra, vây quanh đầu xe hỏi giấy.
Thấy có mấy quân nhân Nhật mang súng và gươm, gã trẻ tuổi vội chạy đến gốc cây lớn bên đường, lấy chiếc mõ tre dựng sẵn dó đánh lên một hồi từng ba tiếng một.
Những người ở trên chiếc xe nhà binh đều bị mời cả xuống: bốn người Nhật, viên thông ngôn Việt và Ngô Đình Diệm.
Nhiều tiếng mõ nổi lên đáp lại báo hiệu của toán tự vệ gác ở dốc đèo, liên tiếp lan rộng cả một vùng. Chỉ trong chốc lát, từ các đường xóm, lố nhố những dân làng võ trang dao, gậy, với một người đi đầu vác súng trường, súng sính trong bộ quần áo lính tây cũ.
Ngô Đình Diệm tự giới thiệu mình được điện của Hoàng đế Bảo Đại đánh vô Sài Gòn, triệu về Huế có việc khẩn cấp, yêu cầu để cho được đi ngay kẻo chậm trễ công vụ. Mấy quân nhân Nhật theo ông là nhân viên của Bộ Tư lệnh Nhật có phận sự hô tống ông ra đến kinh đô.
Người tự vệ xem qua giấy tờ của Diệm đưa, lật ngược quay xuôi, rồi nhìn lại mấy quân nhân Nhật, lắc đầu nói:
- Mời ông với mấy người Nhật kia đến trụ sở; có Uỷ ban quyết định chớ chúng tôi không để cho các ông đi liền được.
Viên sĩ quan Nhật nghe thông ngôn nói lại, thấy đám đông võ trang đang vây quanh, không giấu được vẻ lo ngại, đưa mắt nhìn Diệm. Diệm đâm bối rối, song cố giữ giọng cương nghị:
- Công việc của tôi là việc quan khẩn cấp, không thể trì hoãn được.
Nghe nhắc đến tiếng "quan", nhiều lời phản đối nổi lên chung quanh:
- Quan lại phong kiến à? Bắt đi luôn chớ còn lôi thôi gì nữa!
- Quan trường phản động đi đôi với phát xít đế quốc, tóm cố cả lũ!
- Việt gian đích thị rồi!
Giữa cảnh nhốn nháo, bất ngờ một tiếng quát vang lên:
- Giơ tay lên! Tước khí giới đi các đồng chí!
Trong nháy mắt, mũi súng trường của người cầm đầu tự vệ chĩa về phía sĩ quan Sato cùng ba quân nhân Nhật, đồng thời mấy ngọn lao dí thẳng vào sát lưng họ, hai chiếc mã tấu sáng lòe trước ngực Diệm và viên thông ngôn. Chưa kịp phản ứng, mấy người Nhật đã bị tước mất súng, gươm. Thất thế trước đám đông khí thế dữ dội, họ đành chịu khuất phục.
- Các đồng chí! Trói chúng nó lại!
Sau tiếng hô, sáu người đều bị trói cặp hai tay lại phía lưng và bị giải vào trong làng.
Trẻ con, dân các xóm kéo đi xem mặt "Việt gian và phát xít Nhật vừa bắt được".
Tại đình làng đã biến thành trụ sở của Uỷ ban Cách mạng Việt Minh, tiếng trống nổi lên triệu tập nhóm họp. Ngô Đình Diệm cùng năm người đi với ông bị đẩy ngồi xuống ở thềm đình trước những con mắt tò mò của dân xã tề tựu đông đảo như mỗi lần có hát tuồng.
Từ đám đông vây quanh trước đình, một người đàn ông trạc tuổi bốn mươi, áo cộc, quần xắn quá gối, vác cây cuốc chim, chân không lấm đất, bước thẳng tới trỏ tay vào mặt Diệm, lớn tiếng nói:
- Đồng bào ở đây có biết mặt thằng cha này không? Hắn ta là quan lại phong kiến chánh cống đó. Tôi biết rõ hắn hồi tôi đi làm mướn ở trong Bình Thuận, bị thực dân bắt cầm tù vì không đóng thuế thân. Hắn tên là Ngô Đình Diệm, khi đó đang làm Tri phủ Hoà Đa, nổi tiếng là tay sai hết sức đắc lực của thực dân Pháp. Mấy nhà cách mạng bị hắn bắt là hắn tra tấn khủng khiếp lắm. Hắn muốn tâng công với thằng công sứ Pháp để được thăng quan tiến chức mà!
Người đàn ông quay lại nhìn dân chúng, cốt để cho người ta chú ý đến, rồi nói tiếp:
- Đồng bào có biết lối tra tấn của hắn ra sao không? Hắn trói thiệt chặt người làm quốc sự hoặc bị tình nghi làm cách mạng, rồi buộc vô một cái ghế có khoét một lỗ bằng bàn tay ở chỗ ngồi, ghế thì cột bốn chân vào bốn cái cột. Người bị bắt phải ngồi lên trên cái ghế có thủng lỗ đó, phía dưới đặt một cây đèn sáp lớn đốt cháy to ngọn.
Lúc mới đầu thì chưa thấy nóng mấy, nhưng một lát là đáy quần bị ngọn đèn bốc lửa lên, khét lẹt mùi vải, cháy thành than, rồi cháy đến da thịt bàn toạ, cháy cả đít. Người bị tra khảo kiểu đốt bằng đèn này ban đầu còn giãy giụa kêu la, rồi vãi cả cứt đãi, ngất lịm đi. Hắn ta biểu lính tát nước vô mặt cho tỉnh, rồi lại cho đốt đèn lên để tiếp tục nung đít người hắn muốn lấy cung. Ai gan mấy cũng không chịu nổi, rồi thì có cũng phải khai, mà không cũng phải khai theo ý muốn của hắn.
Diệm tái mặt, toát mồi hôi trước những lời tố cáo nhắc nhở đến quá khứ ác liệt của mình, đâm run sợ khi nhận thấy những cái nhìn dữ dội của chung quanh.
Bỗng một ông già râu tóc bạc phơ rẽ hàng rào người tiến tới, lặng ngắm Diệm đang cúi gầm mặt, đoạn thong thả nói:
- Tên Ngô Đình Diệm này là anh em với Ngô Đình Khôi, Tổng đốc Quảng Nam, người đã hại thằng cháu nội tôi năm 1942, thời kỳ đàn áp cách mạng ở Nam Ngãi đó. Chúng cháu tôi bị lão Khôi bắt quỳ lên mảnh chai để hỏi cung, hắn bị toét cả hai đầu gối song cũng không chịu khai, lão ta mới sai lính buộc hai tay nó vào nửa thân cây nứa chẻ đôi, rồi bắt đứng lên một cái ghế để ở giữa, bảo, nếu không khai thì cho đạp cái ghế đổ xuống, hai bàn tay sẽ bị nứa cắt tét ra.
Ông thầy đồ ngừng lại, rồi hạ thấp giọng:
- Thằng cháu nội tôi, cũng như mấy người làm cách mạng bị lọt vào tay lão Khôi mà cứng đầu cứng cổ không chịu khai, cả hai bàn tay bị nứa cắt đứt tét cả gân, có người bị đạp ghế tuột xuống mạnh quá đứt lìa cả ngón tay cái.
Nghẹn ngào trong đau xót gợi lại việc đã qua, ông thầy đồ Cù Mông vẫy tay gọi đứa cháu đứng ngoài vào, chứng minh cho những lời vừa thốt ra:
- Cháu đưa hai bàn tay ra cho bà con nhìn thấy, kẻo lại nói là lão đồ gàn này nói không đúng.
Người thanh niên có vẻ bối rối trước đám đông, ngập ngừng ngửa đôi bàn tay với vết sẹo chạy dài, mất hẳn cả một ngón tay cái bên mặt.
Giữa những tiếng chặc lưỡi xót xa, những tiếng gằn uất hận, Diệm liếc trộm nhìn hai bàn tay rồi gục mặt xuống.
Từ đám tự vệ đứng sắp hàng sau lưng Diệm và mấy quân nhân Nhật, có tiếng thét lên:
- Đả đảo quan lại! Xét tử Việt gian!
Nhiều lời hưởng ứng sôi sục như một điệp khúc khích động đám đông nhao nhao lên đòi hành động quyết liệt:
- Giết Việt gian! Giết phát xít! Giết đi!
Không khí sôi động bùng lên như ngọn lửa bắt cháy bừng bừng lan rộng cả đám đông dân chúng đang hăng say dưới chân đêo Cù Mông giữa trưa nắng rát, gió nồng từ phía Trường Sơn thổi thốc xuống.
Diệm nhắm cả hai mắt lại, miệng mấp máy như đang cầu nguyện. Mấy quân nhân Nhật sợ hãi nhìn nhau, phập phồng trong chờ đợi. Một chiếc mã tấu rơi đánh xoảng ở góc đình khiến người thanh niên thông ngôn giật mình hốt hoảng, tường chừng như sắp bị lôi đi chém, liền đứng lên kêu ca:
- Thưa đồng bào, tôi chỉ vì miếng ăn mà đi làm thông ngôn cho Nhật, xin Uỷ ban xét rõ mà tha cho tôi.
- Làm thông ngôn cho Nhật, tay sai của phát xít mà không phải Việt gian à! Đả đảo!
- Đả đảo! Xử tử Việt gian! Xử tử phát xít!
Những lời hô hào của đám đông cuồng nhiệt như sóng cuộn vây phủ đám nạn nhân đang chờ rủi may quyết định số phận.
Năm người ngồi quanh chiếc bàn của Uỷ ban bàn tán sôi nổi. Họ là những người đầu tiên ra tay cướp chính quyền địa phương và đương nhiên cầm đầu Mặt trận Việt Minh, điều khiển mọi công việc trong xã. Trước sự việc bất ngờ, phải xét xử một viên quan lại, bốn sĩ quan Nhật và một thông ngôn, họ đâm ra luống cuống.
Viên chủ tịch lên tiếng:
- Thưa các đồng chí, chúng ta phải hành động cho đúng với đường lối cách mạng.
- Cách mạng là phải đổ máu! Các đồng chí không thấy tinh thần đồng bào Quảng Ngãi lên cao là vì đã thẳng tay tiêu diệt bè lũ phản động, phong kiến, thực dân phát xít. Địa phương chúng ta cần phải noi theo gương đấu tranh quyết liệt của Quảng Ngãi. Không nương tay với những kẻ thù của cách mạng!
Những lời lẽ bốc lửa của uỷ viên chính trị máy móc được sự tán đồng của đa số trong Mặt trận và người ta quyết định xử chém các nạn nhân ngay tại trận. Người cố vấn của Uỷ ban nguyên là thừa phái tỉnh, thấy tình trạng sắp trở nên ác liệt, vội nêu ra tai hại của việc địa phương tự động xử tử nạn nhân, chưa được báo cáo với cấp trên.
- Người mà các đồng chí định đưa ra chém là nguyên Lại bộ Thượng thơ Ngô Đình Diệm, cần phải báo cáo Kỳ bộ và Trung ương định đoạt chớ đừng làm ẩu.
Lời can thiệp bất ngờ này đã cứu Ngô Đình Diệm khỏi mất đầu.
Một tuần sau, Mặt trận Việt Minh ở Tuy Hoà nhận được điện từ Hà Nội đánh vào bảo giải Diệm ra cho Tổng Bộ định liệu.
Lệ bị giam lỏng tại nhà họ Ngô trong năm hôm, thì được tin Ngô Đình Khôi và con trai bị giết. Một gã tự vệ, có họ xa với nhà chồng nàng cũng là người Công giáo, đã nhận một phiên gác, báo tin này cho Lệ hay. Lệ sửng sốt lặng người đi, giấu nhẹm tin anh chồng và cháu bị hại không cho bà cụ Thượng hay.
Qua giây phút bàng hoàng, Lệ đâm ra lo sợ cho số phận của mình. Các câu chuyện khủng khiếp đã xảy ra ở Quảng Ngãi mà Lệ nghe kể lại càng khiến cho nàng thêm kinh hoảng.
Không khí khủng bố, chết chóc từ trong ấy đã lan ra đến gia đình Lệ. Càng suy nghĩ, Lệ càng kinh hãi chẳng biết rồi nàng có thoát khỏi được không Cái chết đe doạ lởn vởn trong đầu khiến Lệ nghĩ đến cách thoát ly. Hàng rào canh gác của toán tự vệ túc trực ngày đêm chung quanh và trong nhà, Lệ khó thể thoát ra được ngoài đường. Họ đã doạ:
- Ai trong nhà này trốn đi nếu bị bắt gặp sẽ bị bắn liền tại chỗ và tất cả nhà bị bắt nhất vào đề lao.
Lệ tính lại người nhà lúc này chỉ còn toàn đàn bà! Bà cụ Thượng, bà Cả Lễ, chị chồng Lệ, một vú già và hai người đầy tớ gái.
Dù sao Lệ cũng phải tìm cách thoát thân, để tự cứu lấy mình trước đã. Nàng là dâu họ Ngô, biết đâu rồi cũng phải chịu chung số phận như anh cả nhà chồng? Nhưng thoát bằng cách nào đây?
Từ lúc nghe tin anh chồng và con trai bị giết, Lệ chỉ quanh quẩn nghĩ tìm cách trốn. Mỗi lần nghe tiếng ồn bên ngoài của toán tự vệ đến đổi phiên gác, Lệ lại giật mình sợ người ta đến bắt mình đi, như ở Quảng Ngãi. Nàng đưa tay sờ lên gáy mà thấy ớn lạnh cả người.
Những cảm tưởng hùng hãi này, Lệ định tâm về sau, nếu còn sống, sẽ ghi lại trong hồi ký để nhớ đến những giờ phút ghê rợn đã trải qua. Lệ nhận thấy thì giờ nặng nề trôi qua, nóng lòng mong trời chóng tối, để nhờ bóng đêm nàng có thể thực hiện được ý định trốn thoát đêm nay. Khi nghe tiếng chuông nhà thờ Phú Cam ở gần đó đổ chiều tối, Lệ khấp khởi mừng thầm, chạy đến quỳ trước bàn thờ, bên cạnh mẹ chồng để cầu kinh. Lệ không đọc kinh một cách thuộc lòng máy móc như thường lệ, mà suy ngẫm từng lời và ngước nhìn ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp mà cầu nguyện xin cho nàng trốn thoát được đêm nay.
Đọc kinh tối xong, Lệ vào phòng riêng lấy hai bộ quần áo và tiền bạc nữ trang buộc chặt lại thành một bọc trong chiếc khăn quàng, gói lớp giấy dầu mỏng bên ngoài. Nàng tắt đèn vờ đi ngủ sớm, mặc thêm một bộ đồ tắm vào trong, rồi lên giường nằm lắng đợi.
Lệ định vào lối khuya, sẽ lẻn ra vườn sau, men xuống bến phà, bơi qua bên kia sông, ghé chỗ bờ tối mà lên, lấy quần áo khô mang theo mặc vào, rồi tìm đến nhà quen ở tạm một đêm, đợi sáng ngày ra đi.
Lệ ban đầu định nói nhỏ cho mẹ chồng hay song lại sợ bà thấy con dâu quá mạo hiểm mà ngăn trở, nên đành im.
Lệ nằm nghe tiếng nói chuyện thưa dần của toán người canh gác bên ngoài đã bắt đầu ngáp ngủ, mới nhè nhẹ đứng lên, ôm bọc quần áo sát vào người, rón rén hé cửa phòng bước ra lối xuống bếp.
Nàng vừa đẩy nhẹ cửa thông với nhà cầu xuống bếp, nhìn ra ngoài xem xét cho mắt quen với bóng đêm và toan bước đi, bỗng nghe tiếng quát:
- Ai? Đứng lại!
Lệ điếng cả người, tựa sát vào sau cánh cửa, không nhúc nhích, nghĩ là mình đã bị lộ.
Nhiều tiếng chân đi rầm rập từ cửa ngõ vào đến sân, tiếp theo tiếng trả lời:
- Đổi gác!
Lệ thoáng nhận thấy đây là dịp tốt nhất để cho nàng len lỏi xuống phía bên, giữa lúc hai toán tự vệ thay đổi phiên gác. Lệ nhẹ nhàng nương theo bóng tối, qua khỏi nhà cầu, vòng ra phía sau bếp, lại len vào giữa vườn cây, dè dặt bước đi. Một tiếng soạt mạnh giữa vườn làm cho Lệ hoảng hồn ngồi thụp ngay xuống, rồi mới nhận ra là chiếc mo cau khô rơi từ trên cây. Mắt đã quen với đêm tối, Lệ nghe ngóng, nhìn quanh quất lần ra phía bến.
Đến cửa tam quan, đóng kín, Lệ loay hoay một lúc mới tháo được then cài chặt, rồi đẩy nhẹ cánh cửa hé ra cho khỏi kèn kẹt lớn. Gió từ mặt sông thổi lên mát rượi cả người Lệ đẫm ướt mồ hôi. Xuống đến cấp đá trên bến, Lệ đứng lại nhìn trên sông vắng bóng đò qua, rồi cởi quần áo ngoài ra, cuộn làm dây khoác chiếc bọc qua vai, đoạn bước xuống nước. Mặt sông rộng trên ba trăm thước, Lệ đã có lần bơi qua lại độ nào, song đêm nay, nàng thấy như xa vời thêm ra trong bóng tối. Lệ từ từ bơi để khỏi gây tiếng động, nương theo dòng nước chảy nhẹ, đâm xuyên qua bờ bên kia. Vừa bơi, Lệ vừa nhìn sợ có đò chèo ngang qua trông thấy và người đi lại trên bờ để ý đến. Quãng sông Phú Cam vắng vẻ, Lệ bơi vào đến bờ đối diện không một ai trông thấy.
Mỗi vòng bơi gạt nước ra đưa Lệ gần thêm tới đích; nàng chỉ thoáng nghĩ đến chồng. Nước sông chảy lững lờ song Lệ thấy thấm lạnh vì ngâm mình bất ngờ trong đêm tối. Lội sát vào bờ, Lệ trượt chân vì bùn trơn không trườn lên được, phải bơi qua xuống một quãng, gặp cái bến đá xây cấp mới ra khỏi nước. Gió đêm thu lạnh, trong bóng tối, Lệ mở bọc quần áo khô ra, cởi thay bộ đỗ tắm quẳng theo dòng nước, vuốt lại mái tóc ướt đẫm sau gáy, rồi dò từng bước lên mặt đường.
 
Chú thích:
(1) Demi-nu: trần truồng một nửa.
(2) Hãng thông tấn của Nhật, phiên âm ra tiếng Hán Việt: Đồng minh.
(3) Danh từ "cảnh cáo" bị nói trại đi.