Chương 6
ANH EM HỌ NGÔ

Cẩn tuy tạm yên thân ở nhà vợ chồng nghĩa bộc tại xóm đạo Phường Đúc, song không yên lòng vì xa bà cụ Thượng Ngô, mà sáng chiều Cẩn vẫn quen lệ hầu cơm mẹ.
Cẩn là con thứ tám trong gia đình chín anh chị em. Người chị thứ ba đã qua đời, còn lại bốn anh và hai chị, cùng một người em trai út. Tất cả các anh em đều sống xa, hai chị ở nhà chồng, chỉ còn lại một mình Cẩn sớm hôm hầu mẹ. Học hành dở dang vì ham đá bóng, đánh lộn hơn là chữ nghĩa, Cẩn bỏ ngang ở bậc trung học trường Pellerin, rồi về nhà mải mê câu cá thổi ống đồng, nuôi chim, săn sóc hòn non bộ. Tính tình thô lỗ, quê mùa, chỉ thích ở nhà, Cẩn được các anh giao phó cho công việc trông nom mẹ già lo giỗ tết, coi chừng mồ mả. Tuy đã ngoài ba mươi tuổi nhưng khi nói chuyện lấy vợ, Cẩn đều nhất mực từ chối, dù các anh khuyên bảo cũng vậy. Cậu Út Một viện cớ là còn mẹ già, sợ gặp người vợ trái tính ngang nết, không chiều được ý mẹ thì cậu không làm sao mà ăn ở được. Do đó mà Cẩn vẫn kéo dài cuộc sống độc thân, không ai còn bàn ra tính vào được nữa.
Sự thật, Cẩn có một quan niệm đặc biệt về tình ái. Bản chất khỏe mạnh, phốp pháp, thích uống rượu, ăn ngon, nhưng hầu như không có một đời sống văn hoá thực sự nên Cẩn chỉ yêu chuộng người đàn bà qua khía cạnh vật dục. Cẩn đã có lần bày tỏ sở thích của mình với bạn bè, nhắc lại câu châm ngôn cũ: "Dâm dê không bằng dâm thiếp, dâm thiếp không bằng dâm nô".
Thấy Cẩn không vợ, không tình tự giao tiếp với đàn bà con gái trong thời trai tráng, có người lầm tưởng Cẩn phải chứng ái nam ái nữ hay liệt dương, ép xác như các anh, hoặc mắc bệnh nan du, ghét gần phái nữ. Bên ngoài không ai biết được là Cẩn vẫn thực hành thiếu thô bạo về tình dục đối với những đầy tớ gái vào hầu hạ gia đình cụ Thượng Ngô.
Bốn bức tường thành tư dinh vị đại thần đã che khuất những cuộc cưỡng tình, ức hiếp ái ân của Cẩn với các ả tôi đòi. Cẩn bị ám ảnh bởi không khí hoàn toàn vật dục theo quan niệm "dâm nô" đến độ sinh ra ác cảm với đàn bà con gái chải chuốt; phấn son theo lối tiểu thư đài các; cũng như Cẩn đã quen với rượu trắng, thuốc lá Cẩm Lệ, trầu cau mà không chịu được rượu tây, thuốc lá thơm, kẹo bánh ngoại quốc, những thức ăn mới lạ khác với mắm cà, cá kho khô, nước mắm xé ớt thiệt cay. Nếp sống đặc biệt thuần phác đến mức độ thô kệch, man dại của Cẩn ở trong gia đình được cứu vãn nhờ sự chu đáo hầu hạ mẹ già, trong khi các anh các chị đều vắng mặt.
Công việc trông nom, hỏi han mẹ già sớm hôm đã trở thành thói quen không thể bỏ qua được đối với Cẩn, khiến trong mấy hôm phải bỏ nhà trốn tránh Cẩn bứt rứt, không ăn ngủ yên.
Đến lúc được tin mụ Quyến liên lạc được với bà Thượng Ngô cho hay là Lệ, chị dâu Cẩn đã trốn thoát và xem chừng sự canh phòng của Việt Minh cũng đã buông lơi, Cẩn mới định trở về nhà.
Nghĩ rằng mình cũng chẳng làm gì nên tội, chung quanh ai cũng rõ là Cẩn chỉ biết câu cá, nuôi chim gáy, gà đá, hơn nữa Cẩn ít học, thô lỗ, nên dù là "cậu ấm" cũng chỉ là "ấm sứt vòi", có lẽ rồi Việt Minh cũng không đến nỗi bất tù đâu, Cẩn tính liều quay về với mẹ.
Trước khi đi khỏi Phường Đúc, Cẩn vào nhà thờ hỏi ý kiến Cha Sở linh mục Nguyễn, trước đây vẫn lui tới nhà họ Ngô.
Cha Nguyễn nói:
- Bây giờ Việt Minh cũng đang ngưng bớt bắt bớ rồi. Ông Tổng đốc Khôi với cậu con trai cũng như ông Phạm Quỳnh, nếu không bị giết sau ngày khởi nghĩa, có lẽ lúc này họ cũng phải đưa ra toà xử như ông Nguyễn Tiến Lãng, con rể ông Phạm Quỳnh và con nuôi ông cựu toàn quyền Robin. Tình thế đã biến chuyển, Việt Minh họ không còn làm dữ như lúc đầu nữa. Con trở về nhà, nếu có xảy ra việc gì, cha cũng có thể đến thẳng Uỷ ban Trung bộ kêu xin cho con…
Cẩn xin cha Nguyễn ban phép lành, ra trước bàn thờ Đức Mẹ quì xuống cầu nguyện một lúc, rồi đi thẳng một mạch từ Phường Đúc trở về Phú Cam.
°°°
Vào lúc này, Lệ ở tại nhà ông cậu ngoại ở Nguyệt Biều, không hay biết gì về tình hình xảy ra bên ngoài.
Ông bà Hầu, vốn ít giao thiệp với ai, từ ngày đón cô cháu gái đến lánh nạn, lại càng cửa đóng then gài chặt chẽ ngày đêm. Lệ có cảm tưởng như nàng đang sống giữa một nơi biệt lập, tách rời hắn cuộc đời ở bên ngoài. Lệ nhớ lại hôm nào, nàng vượt qua sông Phú Cam rồi thuê đò vào lúc giữa đêm lên Nguyệt Biều. Lệ cẩn thận bảo đò ghé lại bến Lăng rồi men theo đường tắt trong xóm, đến nhà thờ họ Thân. Ông bà Hầu ngạc nhiên thấy cô cháu ngoại hiện ra bất ngờ giữa lúc gà gáy sáng canh hai.
Nghe Lệ kể lại cảnh ngộ hiểm nguy vừa thoát khỏi, ông bà Hầu không khỏi lo ngại, nhưng tình thương cháu khiến ông bà không ngại ngùng liên luỵ, cứu giúp kẻ làm nạn.
Lệ được bà Hầu dọn cho một căn phòng xinh xắn trông ra vườn và ngày ngày xuống dưới gian nhà thuỷ tạ trên bến vắng tránh mọi sự dòm ngó chung quanh.
Toà nhà thờ họ Thân ở cô lập giữa một khu vườn rộng, cây cối sầm uất, sát cạnh bờ sông Hương, thường ít ai lui tới. Ông Hầu giao du rất thận trọng, thường chỉ làm bạn với bồn hoa trước sân vá tập Đường Thi trên án sách, quanh năm sống cách biệt cùng bà vợ công chúa giữa khu làng thơ mộng Nguyệt Biều.
Bất ngờ sống giữa cảnh trí bình lặng, cổ kính, sau những biến động kinh hoàng, Lệ cũng đâm lây không khí trầm tĩnh của đôi vợ chồng già quý phái. Nhưng đến đêm, tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga từ bên kia sông, tiếng hò mái đẩy của đò nguồn về, tiếng nết lanh canh rộn rịp trên sông, làm cho lòng dạ Lệ bồn chồn, buồn nhớ mênh mông. Tâm hồn lãng mạn, bản chất phóng túng thích hoạt động của Lệ trái ngược hẳn với không cảnh nhàn nhã lặng lờ thâm nghiêm nơi đây làm Lệ có cảm tưởng là mình như kẻ bị đi đày, bị giam lỏng, trong khi nhựa sống đang dào dạt trong người. Có khi suốt ngày, Lệ không hề mở miệng nói một câu, không hề tiếp xúc với một ai từ hôm nàng đến, trừ ra hai bữa ăn, chuyện trò qua loa với ông bà Hầu.
Những tin tức rời rạc và thời cuộc từ kinh thành, thỉnh thoảng nghe ông Hầu kể lại, không giúp Lệ biết được rõ tình thế bên ngoài.
Nàng chỉ mơ hồ nhận thấy biến chuyển của phong trào qua những cuộc hội họp, đổi thay ở xã địa phương, những tấp nập của dân làng kéo đi mít-tinh, biểu tình xuống tỉnh, những buổi tập dượt quân sự của thanh niên nam nữ, biến thành tự vệ, dân quân. Và những đoàn thể phụ lão, thanh niên, thanh nữ, thiếu nhi cứu quốc xuất hiện đồng thời với nhiều danh từ mới mẻ.
Bao nhiêu biến đổi ấy, Lệ nghe ông Hầu kể lại, vẳng đến tai nàng như những vang bóng của một cuộc sống đang đảo lộn mà Lệ đã bị gạt qua một bên lề.
Lệ nóng lòng trở về Hà Nội, mong tin tức nhà chồng, song chưa biết cách nào liên lạc được. Một hôm, theo lời yêu cầu của Lệ, ông Hầu nhờ một người trong họ xuống qua nhà cụ Thượng Ngô ở Phú Cam, lúc trở về cho hay là thấy có tự vệ canh gác ở cửa, nên không dám vào.
Lệ muốn viết thư cho chồng và ông bà Trạng Trần Văn Chương ở Hà Nội, song lại sợ thư từ bị kiểm soát, rồi lộ tông tích, nên không dám gởi đi.
Trong cảnh sống cô lập, lo buồn, hồi hộp kéo dài, Lệ đâm ra chán ngán, đôi khi muốn nảy ra ý tưởng cải trang đánh liều ra đi, phó mặc cho may rủi. Ông Hầu phải khuyên can, nói rõ những nguy hại có thể xảy ra mới làm cho Lệ thôi tính chuyện liều lĩnh.
Song những ngày đêm chờ đợi nặng nề, dài dặc đối với Lệ cũng như những tháng năm tù hãm dồn ép khiến nàng chỉ nghĩ đến sự ra đi.
Lệ bày ra bói bài tây, nhờ ông Hầu giải lá số tử vi, xem tướng, đoán coi tương lai vận mạng ra sao rồi nàng ra di có bị trắc trở gì không.
Ông Hấu biết Lệ tin lý số và không muốn cháu mình dấn thân phiêu lưu nên sau khi nhận xét tử vi, bảo nàng:
- Chảu đang gặp vận hạn, có qua khỏi cũng mất vài ba tháng nữa. Trong lúc này, cháu đang bị các sao xấu chiếu mệnh, nên tránh chuyện đi đường sá không hay. Số nói như vậy, cháu không nên cưỡng lại. Hơn nữa, tình hình đang lôi thôi chưa ra sao cả, cháu đừng nóng lòng ra đi, không được đâu. Cháu ở lại đây một ít lâu, đợi coi thời cuộc ngã ngũ thế nào dã, rồi hãy liệu.
Lệ vâng dạ, nhưng đêm đến nằm một mình trong cô đơn, buồn tẻ xa vắng, nàng lại bị ám ảnh bởi những ý nghĩ muốn đi. Tiếng ễnh ương ngoài đồng kêu lên buồn bã sau buổi chiều mưa giông đến tai Lệ như những tiếng thúc giục lòng dạ nàng đang như nung, như đốt. Lệ nghĩ phải sống chịu đựng những ngày tháng u buồn ngấm đến da thịt như thế này thì nàng đến cũng hóa dại. Tiếng chuông tối chùa Thiên Mụ trầm buồn tha thiết vào tận đáy lòng khiến Lệ muốn gào thét, phá phách để sống. Mới hai mươi tuổi, Lệ đang dào dạt sinh lực, nàng có thể nào kéo dài thêm nếp sống lẻ loi, lạnh lẽo, bị đẩy ra bên lề cuộc đời?
Nàng đã làm gì nên tội đến đỗi phải chịu đày ải vào cảnh trơ vơ cô độc như thế này! Những ý nghĩ phẫn uất nung nấu khơi dậy nỗi niềm ấp ủ trong lòng nàng bấy lâu: ra đi! Mong muốn ra đi bám chặt lấy đầu óc Lệ, thôi thúc nàng mau từ giã chốn bình lặng triền miên mà đời sống như lún ngập đến độ không thể chịu đựng được nữa.
Lệ nhất quyết sáng ngày sẽ ra đi sau hai mươi hôm lẩn tránh: suy nghĩ hằn học cho đến gà gáy mới chợp mắt.
Mai lại, đang lúc ông bà Hầu ngồi uống trà Tàu ướp hoa mộc ở nhà thì thấy một cô gái quê từ trong nhà đi ra, nhìn kỹ lại mới nhận ra Lệ. Nàng đã mượn chiếc áo trắng dài, nối một nửa tay của người tớ gái, mặc quần vâi đen và đội chiếc nón lá cũ, cắp một cái rổ bên hông, đi chân đất, trông bề ngoài y hệt một cô gái quê xứ Huế đi chợ.
- Thưa ôn, mệ, cháu đã nhất quyết rồi. Cháu nhớ ơn ôn, mệ mãi mãi, thương cháu mà cho cháu ở lại đây bấy lâu nay. Bây giờ ôn, mệ cho phép cháu được ra đi, để về Hà Nội với ba má cháu. Cháu nhớ nhà quá!
Lệ xúc động, nghẹn lời nói, trong lúc bà Hầu rơm rớm nước mắt, ông Hầu im lặng bước lên nhà trên, rồi trở xuống, đưa cho Lệ một ít giấy bạc.
- Cháu đã nhất quyết, ôn, mệ cũng đã nói hết lời để giữ cháu lại mà không được. Cháu cầm lấy một ít tiền của ôn, mệ cho để đi đường. Biết cháu cũng không thiếu mô, cháu nhận đi cho ôn, mệ vui.
Lệ cảm động, rưng rưng nước mắt, chắp tay vái ông, bà Hầu để ra đi. Ông Hầu tiễn cháu ra tới cửa, trìu mến nhìn Lệ nói:
- Coi cháu ăn mặc như rứa, ai cũng phải lầm là gái làng Nguyệt Biều xuống phố đi chợ Đông Ba. Nhưng cháu đi chân đất không quen, xuống tới mô có xe tay thì kêu mà đi kẻo đường đất xa, phỏng chân nghe không cháu.
Lệ tính bụng không đi thẳng đường bên này sông xuống ngay Phú Cam, vì sợ ban ngày có người ở các chặn canh gác quen mặt nhận ra nàng chăng, nên ra quá Sở vôi Long Thọ, nàng xuống đò ngang qua phía Kim Long? Lần đầu tiên phải đi chân đất, Lệ không khỏi từng lúc thấy nhói ở lòng bàn chân và giẫm phải đá nhọn hay sỏi trên đường. Nàng bước đi thong thả, mỗi lúc thấy có người thì lấy dáng gái quê, đánh tay đằng xa. Qua khỏi trạm canh ở bến đò đặt chân lên đất Kim Long, Lệ thấy mạnh dạn thêm, rảo bước đi, mặc dầu thấy đau ở cả hai bàn chân vì quãng đường tráng dầu đã bị mưa nắng xói mòn nhiều đoạn lởm chởm đá nhỏ như đâm vào da thịt. Lệ tìm lối mòn sát cỏ bên vệ dường cho dễ đi mau. Quá chợ Kim Long, đến đầu quãng gần nhà thờ, Lệ nghiêng nón che nắng dọi một phía bên mặt, đi chậm lại vì đã vượt hơn bốn cây số, bắt đầu thấy mỏi chân. Lệ đang nhìn xuống mặt đường để tránh sỏi đá, bỗng nghe tiếng gọi từ bên lề vọng ra.
- Đứng lại! Cho coi giấy!
Lệ giật mình nhìn lên, thấy mấy thanh niên cầm giáo mã tấu đứng trước điếm gác bên đường, vẫy gọi nàng.
Lệ cố làm vẻ thản nhiên, bước về phía điếm canh. Trong thoáng qua, nàng nghĩ rằng nếu mình đưa thẻ căn cước với hình ảnh và tên thật có thể bị lộ dạng trá hình gái quê, nên tươi cười nói với thanh niên cầm chiếc gậy vót nhọn đang chăm chú nhìn mình:
- Tôi đi chợ Đông Ba mà, giấy tờ chi?
- Đi đâu lúc ni cũng phải có giấy má cả. Đồng chí ở mô mà không xin giấy của chủ tịch xã?
Lệ hơi chột dạ, song cố bình tĩnh đáp:
- Tôi ở Nguyệt Biều, có giấy, nhưng sáng nay thay áo vội đi chợ nên quên mang theo.
Một tự vệ ngồi ở trong điếm đưa mắt ngắm nhìn Lệ, nói vọng:
- Lần này thì cho đồng chí đi, chớ lần sau không được mô!
Lệ tươi cười:
- Cám ơn đồng chí!
Rồi rảo bước đi mau. Song nàng vừa quay lưng ra thì thanh niên hỏi giấy gọi giật lại:
- Này, mang đồ chi ở trong mủng, đưa coi!
Lệ bắt buộc phải đứng lại, mở ra cho thấy gói quần áo. Gã tự vệ sục sạo thấy áo dài tân thời, quần lụa trắng liền hỏi:
- Đồ này của chị hay của ai đây?
Lệ lanh trí trả lời:
- Quần áo của cô tôi bảo đưa xuống phố chợ cho thợ may làm mau.
Chiếc khăn tay buộc giấy bạc và thẻ căn cước của Lệ bị mở tung, gã tự vệ lật đật ra xem, trông thấy ảnh dán ở căn cước, rồi nhìn lại mặt Lệ, tỏ vẻ ngờ vực:
- Có phải bóng của chị đây không?
Lệ chưa kịp đáp thì thấy gã vào điếm, cầm tờ căn cước để nhờ xem.
Lệ chưa kịp đáp thì thấy gã vào điếm, cầm tờ căn cước để nhờ xem.
- Đồng chí coi giấy tờ ni ra răng đây?
Thanh niên chăm chú nhìn ảnh, đọc một hồi lâu, đoạn bước ra nghiêm giọng hỏi Lệ:
- Căn cước của chị đây phải không?
Lệ ấp úng nói:
- Phải.
Giữa lúc ấy, từ con đường nhỏ phía bên kia điếm canh, một người đàn ông đi ra, gã tự vệ đứng nghiêm chào rồi nói:
- Thưa đồng chí, em vừa xét hỏi chị này thấy có vẻ khả nghi lắm, trình đồng chí giải quyết.
Gã đàn ông xem giấy căn cước Lệ, nhìn nàng im lặng, rồi lạnh lùng nói:
- Mời cô về Uỷ ban.
Lệ bắt đầu lo sợ, nhưng cố thản nhiên nói:
- Tôi có việc cần xuống phố, các ông cho tôi đi kẻo trễ.
Gã đàn ông lầm lỳ ngắt lời:
- Không được, tôi được lệnh đề phòng Việt gian, mà coi giấy tờ cô có điểm khả nghi, mời cô về Uỷ ban cho hỏi đã.
Lệ đành phải theo gã đàn ông và người tự vệ cầm gậy gộc đi sau nàng, theo con đường nhỏ đưa vào làng.
Đến một ngôi đình, gã đàn ông bảo Lệ đứng đợi, trước những cặp mắt tò mò của mấy người đang ngồi ở bàn giấy Uỷ ban.
Gã đàn ông mở một cặp giấy ra, lục lạo một hồi, rút ra một công văn rồi lấy giấy căn cước của Lệ đối chiếu, đoạn vẫy nàng đến gần hỏi:
- Cô tên là Trần Thị Lệ Xuân?
- Vâng.
- Vậy có phải cô là dâu của nhà họ Ngô không?
Biết khó thể chối cãi được, Lệ gật đầu.
- Cô ăn mặc quần áo như kia để trá hình phải không?
Trước sự im lặng của Lệ, gã đàn ông lạnh lùng nói:
- Chúng tôi có giấy tập nã cô, phải giữ cô lại đây để đưa lên tỉnh.
°°°
Trong giờ phút Lệ bị giữ lại Kim Long, ở Hải Phòng, hạm đội Pháp do tướng Valluy đứng đầu chiến hạm Triomphant đang tiến vào Cửa Cấm.
Dân thành phố Hải Phòng vừa trông thấy đoàn tàu chở quân đội Pháp ló dạng, tướng Mã Châu Vương Hổ Hán chỉ huy quân đội tiếp thu Trung Hoa tại hải cảng, ra lệnh cho trọng pháo đặt trên bờ nhả đạn.
Một trận mưa đại bác tuôn xuống các chiến hạm Pháp, chiếc Triomphant dẫn đầu cũng bị trúng đạn bốc cháy.
Bị tấn công bất ngờ, hải quân Pháp vừa lái cho tàu nấp vừa bắn trả lại. Kho súng đạn ở bến tàu, chiến lợi phẩm của tướng họ Vương sắp trở về Mãn Châu bị nổ tung, bốc cháy vang dội cả hải cảng.
Đến gần 11 giờ, tiếng đại bác đôi bên ngừng nổ, sau cuộc tiếp xúc điều đình.
Hà Nội được tin xung đột dữ dội ở Hải Phòng, Nhu đến nhà bố mẹ vợ nghe ngóng tin tức.
Ông bà Trạng Trần chạy đi gần suốt buổi chiều, đến lúc năm giờ trở về nhà, gặp Nhu và Diệm đang ngồi đợi ở phòng khách.
Ông Trần lộ vẻ thất vọng, mệt mỏi ngồi phịch xuống ghế.
- Họ ký kết với nhau rồi.
Bà Trần tiếp lời:
- Ông cố vấn Vĩnh Thuỵ cho hay rằng hồi 4 giờ, trước sự có mặt của các quan sát viên Anh, Mỹ và Trung Hoa, Sainteny đại diện cho Pháp, ông Hồ Chí Minh và ông Vũ Hồng Khanh đại diện cho Việt Nam đã ký kết một hiệp định sơ bộ.
Diệm hỏi:
- Như vậy là Việt Minh bắt tay với Pháp và lôi cuốn cả Việt Nam Quốc dân Đảng theo nữa?
Ông Trần đáp:
- Nguyễn Tường Tam lánh mặt để khỏi ký kết vào hiệp định 6 tháng ba này, và nghe đâu Việt Quốc đưa ra đề nghị gởi một phái đoàn thân hữu đi Trùng Khánh: Có lẽ cố vấn Vĩnh Thuỵ sẽ cầm đầu đi gặp Tưởng Giới Thạch và tướng Mac Arthur tại đây để yêu cầu Tàu và Mỹ ủ ủng hộ.
Nhu chua chát nói:
- Ủng hộ Việt Minh hay Việt Quốc? Việt Minh mà đi đôi với Pháp để củng cố vững rồi thì chúng sẽ quay lại "thịt" những ai chống đối cộng sản cho mà coi!
Diệm gật gù tán thành ý kiến của em:
- Chú Nhu nhận xét đúng: nếu tình thế này còn kéo dài, chúng ta sẽ khó sống với họ lắm.
Nhu lên tiếng:
- Tình thế này tôi nghĩ không thể kéo dài được, vì không có ai thực lòng cả. Pháp vẫn tiếp tục đánh chiếm lại gần hết trong Nam, và đang dự định lập một chính phủ Nam Kỳ tự trị. Phe quốc gia cũng không thú gì cái hiệp định này đâu. Trước sau họ cũng phải phá cái thế Việt Minh đi đôi với Pháp, không thì nguy về sau, sẽ bị Việt Minh loại trừ dần. Trong lúc này Việt Quốc và Cách mạng Đồng Minh còn có thể nhờ cậy được vào quân đội Trung Hoa, nếu họ không sớm ra tay phá cái thế giữa Việt Minh với Pháp để giành ảnh hưởng thì ngồi khoanh tay chờ tiêu diệt à?
Ông Trần lắc đầu:
- Tôi sợ là Việt Minh họ khôn khéo quá, Pháp thì lo thoả hiệp để tống quân đội Trung Hoa đi, mấy ông tướng Tàu xem chừng dễ bị mua chuộc lắm, nếu các Đảng Việt Quốc và Đồng Minh lừng chừng không chịu sớm ra tay thì khó tránh khỏi các hoạ anh vừa nói đó. Rồi lây đến cả chúng mình nữa. Ông Diệm đây thì bị tiếng là quan lại, tôi thì họ cho là đã hợp tác với Nhật…
- Các ông lo như thế, nhưng đã liệu được lối thoát cách nào chưa?
Anh em họ Ngô và ông Trạng Trần Văn Chương nhìn nhau im lặng.
°°°
Lệ ngồi im đợi từ sáng đến trưa ở đình Kim Long, không thấy ai hỏi han gì đến, trong khi các nhân viên Uỷ ban xã lui tới, các tự vệ vô ra như đã quên sự có mặt của nàng. Gã đàn ông giữ giấy căn cước và bảo Lệ ở lại đi đâu mất. Lệ bồn chồn lo ngại, mấy lần hỏi đến một thanh niên có lẽ là thư ký hành chánh thì chỉ thấy y trả lời:
- Tôi không rõ việc này. Cô đợi một chút rồi có người giải quyết.
Lệ đợi quá trưa, mọi người đã lần lượt ra về, chỉ còn lại hai tự vệ giữ trật tự ở lại canh chừng nàng. Tiếng súng nổ mười hai giờ ở dưới thành vẳng lên, tiếng chuông nhà thờ gần đó đổ được một lúc, Lệ thấy gã đàn ông đến, bảo một người tự vệ đưa nàng đi theo.
Quanh co theo trong đường xồm, Lệ đi vào một ngôi nhà gạch nhỏ lợp tranh, giữa khu vườn rộng. Gã đàn ông lạnh lùng bảo nàng:
- Cô tạm ở đây, có người mang cơm đến cho ăn, trong khi chờ nhân viên đưa cô xuống tỉnh.
- Tôi có tội gì mới được chớ?
- Có tội hay không, hồ sơ của cô đang được xét đến. Tôi sẽ cho cô biết.
Lệ không kịp hỏi thêm thì gã đàn ông lầm lỳ bước ra ngoài, dặn dò thanh niên tự vệ đeo mã tấu và lựu đạn giắt ở thắt lưng, rồi bỏ đi.
Giữa một căn nhà vắng, với người canh giữ thấp thoáng bên ngoài. Lệ trơ vơ cảm thấy mình bị giam lỏng, không biết rồi sẽ ra sao.
Tiếng hát ru con và tiếng võng kẽo kẹt trong trưa vắng ở nhà vườn gần đó đưa đến tai Lệ, buồn bã, mênh mông như số phận nàng. Lệ bỗng dưng thấy mệt mỏi lạ thường, nằm vật xuống tấm phản giữa nhà. Một thanh niên bưng đến một mâm gỗ cơm gạo đỏ và một đĩa cá khô. Tuy đói nhưng Lệ không ăn được vì lo lắng, uất ức. Nàng nằm nhìn ra vườn vắng vẻ, lan man nghĩ ngợi, trong khi nắng chiếu ngả dài trên nền nhà. Tiếng nghêu ngao một bài hát mới của thanh niên ngồi ở trước cửa lôi kéo Lệ trở về thực tại. Lệ đứng lên mon men đến gần hỏi chuyện.
Qua câu trả lời của người dân quê trẻ tuổi, Lệ mới hay rằng người ta nhìn nàng là một tay lợi hại, thuộc gia đình Việt gian, đã bị lên án xử tử.
"Xử tử! Việt gian!".
Những tiếng mới mẻ rùng rợn nhắc đến tai Lệ khiến cho nàng đâm hoảng sợ. Người thanh niên tự vệ có vẻ bí mật tiết lộ cho Lệ biết:
- Nay mai Tây sắp trở lại Huế, cho nên chúng tôi được lệnh bắt giữ hết thảy Việt gian với những kẻ bị tình nghi.
Thấy Lệ có vẻ thích nghe chuyện, gã tự vệ kể lể:
- Ở Huế như ri là hiền lắm, chớ trong Quảng Ngãi, hễ Việt gian là bị đem ra "phay" liền.
- "Phay" là làm gì?
Người thanh niên cười ngất trước câu hỏi có vẻ bất ngờ của Lệ:
- Cô không biết "phay" là gì à?
Rồi đưa tay cầm chiếc mã tấu để lên cổ:
- Chém! "Phay" là chém bay đầu! Ở đây gần trường chém ngày xưa là An Hoà, mà chưa có phay cái đầu nào là hiền quá.
Người thanh niên nhìn Lệ rồi nói một cách hồn nhiên:
- Người đẹp như cô mà bị "phay" là uổng lắm. Có giao cho tôi, tôi cũng không nỡ.
Tự dưng Lệ thảy nổi rợn người, lạnh cả gáy, cho là một câu nói gở đối với mình, liền quay vào. Nàng thấy hối hận đã không nghe lời căn dặn của ông, bà Hầu để đi liều lĩnh mới ra nông nỗi này. Lệ nghĩ rằng mình không thể chết oan uổng được, song nhớ đến việc ông anh chồng cùng con trai đã bị xử tử, nàng đâm hoang mang, tính đến cách chạy trốn. Sự canh giữ không gắt gao, đối với nàng lúc này, nếu đến đêm mà vẫn thế, Lệ sẽ gạt gẫm anh chàng này, rồi lẻn đi. Tối lại, Lệ vẫn không thấy có ai hỏi han gì và một người khác đã đến thay phiên canh chừng nàng.
Sau bữa ăn, người ta thắp một đĩa dầu lạc đặt ở chiếc bàn con giữa nhà. Trong ánh sáng lung lay, chập chờn của ngọn bấc, Lệ còn lại một mình, sau khi cánh cửa chống hạ xuống. Bên ngoài hè nhà hình như có thêm người gác, theo những tiếng nói chuyện vẳng đến tai Lệ.
Nàng nằm nhìn ngọn đèn, trong lòng rối loạn, trằn trọc không ngủ được. Gần khuya, Lệ bỗng nghe có tiếng chân đi đến, tiếng quát hỏi của ai đó rồi tiếng nói xì xào, tiếng chân mạnh bước xa dần.
Cánh cửa sập hé mở ra, một gã thanh niên lách mình vào. Lệ ngồi phắt lên!
- Tôi đến cho cô hay là nay mai phải giải cô về Huế. Tội trạng của cô, cũng như một số người bị tình nghi Việt gian phải đưa vào Quảng Ngãi.
Lệ hoảng hết nghe nói đến Quảng Ngãi, vội hỏi:
- Sao lại đưa tôi vào Quảng Ngãi?
Gã hạ giọng:
- Sắp có quân đội Pháp đến Huế, nên có biện pháp đề phòng phải đưa tất cả những kẻ phản động chính trị vô Quảng Ngãi. Cô cũng có tên trong danh sách đó.
Lệ lặng người đi, tưởng chừng như nghe lời tuyên án tử hình.
Gã thanh niên đoán hiểu tinh thần bấn loạn, kinh hoàng của Lệ, lên tiếng khuyên nhủ:
- Cô là đàn bà, nhưng vô đến Quảng Ngãi gặp trường hợp người ta đòi xử, cô có thể yêu cầu trì hoãn bằng cách khai là cô đang có thai. Người ta không giết cả mẹ lẫn con còn trong bụng mẹ đâu. Đã có tội nhân có chửa được kéo dài ngày tử hình cho đến lúc sanh đẻ và rồi được cứu xét tha về. Trường hợp của cô cũng có thể giảm khinh bằng cách tôi vừa bày vẽ cho cô. Cần làm sao cô phải có chửa mới được.
Lệ thực tình hỏi:
- Thế độn giả to bụng có được không.
- Độn giả to bụng, chỉ có thể đánh lừa người ta trong một thời gian thôi, chớ kéo dài sao được, mà để lộ ra thì nguy lắm. Cô nên nghĩ lại mà tính cho kỹ mới được. Đây là việc quyết định cả tính mạng của cô.
Thái độ tử tế bất ngờ của gã thanh niên tự vệ khiến Lệ đâm ra nghĩ ngợi. Hắn đã giữ nàng lại, để cho nàng sắp phải giải đi Quảng Ngãi, rồi bây giờ lại tính kế muốn giúp cho Lệ trì hoãn khỏi mất đầu trong trường hợp bị đưa ra hành quyết. Như vậy là hắn hối hận hay có dụng ý gì khác, khi đưa ra sáng kiến khuyên nàng có thai, trước nguy cơ đe đoạ ở ngày mai.
Lệ để ý đến cái nhìn khó hiểu của gã thanh niên đang chú trọng đến mình và nghe hắn đề nghị:
- Tôi có thể cứu cô ra khỏi cơn nguy nan này, cứu được cả tính mạng của cô nữa…
Đợi cho Lệ bị thu hút bởi cáu nói cứu nguy bất ngờ, gã tiếp tục:
- Chẳng những cô không thiệt gì, mà còn có dịp để khỏi chết nữa, miễn là cô chịu nghe theo tôi.
Lệ vẫn còn phân vân. chưa hiểu ý định của hắn muốn gì, nhưng rồi nàng thấy rõ lòng dạ của gã khi gã cầm lấy tay mình. Phản ứng đột ngột, tức giận mà Lệ cũng không ngờ ở nàng trong giây phút ấy là rút ngay tay ra và tát mạnh luôn một cái vào bộ mặt trơ tráo đang cúi xuống đính hôn Lệ.
Đôi mắt lươn lờ đờ của hắn bỗng tóe lửa lên. Hắn cười nhạt, chụp lấy tay Lệ, rồi như một con thú dữ vồ mồi, vật ngã ngửa người Lệ xuống trên mặt ván, không nói một lời. Lệ vùng vẫy kháng cự được một lúc rồi yếu dần, bải hoải cả tay chân, mặc tình cho gã thanh niên chiếm đoạt…
Gã ngồi dậy, phát vào mông nàng mà nói:
- Hết vùng chưa! Sau này có gì thì phải nhớ là tôi có tài đúc con, tốt giống lắm, nghe không?
Lệ nghe sự phô phang tự đắc của hắn mà điên tiết lên, muốn túm lấy mặt hắn cào xé cho đã nư, song nhìn lại thấy mình còn trần truồng, vội vớ lấy quần áo che thân.
Gã thanh niên bỗng đổi giọng, nói dịu dàng:
- Cô cũng không mất mát chi hết, mà còn thú vị nữa là khác. Để đáp lại tôi giúp cho cô được ra về nữa, có bằng lòng không?
Nghe nói được ra về, Lệ khấp khởi mừng rỡ, song cố giữ bình tĩnh hỏi lại:
- Sao ông cứ đùa giỡn với người đang khốn khổ lắm chi vậy? Không, tôi nói thiệt đó. Miễn là cô vui lòng ngủ với tôi đêm ni.
Lệ nghĩ thầm là hắn lại muốn lừa gạt nàng để thoả mãn dục tính, nên vừa tức vừa ngại ngùng, vụt đứng lên, túm lấy ngực áo hắn nói:
- Ông vừa vừa với chớ, ông mới ức hiếp tôi, rồi lại định lừa dối tôi như con nít, tôi la lên cho mọi người biết thì ông tính sao?
Thái độ, lời lẽ dữ dội của Lệ khiến cho gã thanh niên có vẻ hoảng, song hắn vẫn ôn tồn nói:
- Tôi nói láo với cô làm chi. Nếu không đúng sự thật, cô muốn làm chi tôi cũng chịu hết.
Lệ thoáng nghi ngại, cho là hắn giữ nàng lại, rồi doạ dẫm giải về Công an tỉnh và đưa đi Quảng Ngãi cốt để uy hiếp tinh thần nàng hòng dễ bề lợi dụng. Nhưng Lệ nghĩ lại rằng biết đâu người ta vẫn tầm nã nàng và hắn có thể để cho nàng trốn thoát được? Trong hư thực phân vân, Lệ còn đang lưỡng lự chưa biết nói sao thì gã thanh niên vẫn chòng chọc nhìn nàng, chồm lại, không nói không rằng, ghì riết lấy người Lệ. Hắn làm hỗn Lệ lần thứ hai, rồi đứng lên lấy chiếc áo dài che phủ lên thân hình nàng đờ đẫn nằm trơ vơ, đoạn nhấc cánh cửa không đi ra ngoài.
Một lát sau, hắn quay trở lại, bảo Lệ:
- Dậy, đi theo đây, tôi đưa cho ra đường cái mà về nhà, hay ngủ lại, đợi đến sáng mai?
Lệ như một cái máy, lồm cồm ngồi dậy, với lấy quần áo, rồi lặng lẽ theo bước gã thanh niên tự vệ.
Hắn đưa nàng đi quanh quất theo các đường xóm tối, rồi ra gần tới con đường lớn, hắn dừng lại đưa giấy tờ cho nàng thân mật vỗ vai noi:
- Thôi, đằng nớ tự do đi về nghe!
Rồi hắn vội vã quay vào biến mất trong ngõ tối. Lệ vừa mừng vừa sợ, hối hả bước ra đường cái đưa về thành phố, rảo đi mau. Được một quãng, gặp xe kéo, Lệ bảo chở xuống phố. Ngồi trên xe, gió đêm từ sông thổi lên mát rượi, Lệ tỉnh táo nghĩ đến những việc đã qua nhanh chóng, nhất là sự chung đụng xác thịt với ngã thanh niên mà đâm ra uất hận. Lệ cho là nàng đã bị hắn dối gạt để cưỡng bức, trong lúc nàng hoảng sợ, chớ thực sự Lệ không bị lùng bắt ghê gớm như đã tưởng. Lệ bỗng thấy nơi lòng mình tràn lên nỗi căm tức, uất hận kẻ dung tục đã lạm dụng xác thân nàng trong bước khốn cùng.
Chiếc xe chạy đến cửa Thượng Tứ, người phu chậm bước lại, quay hỏi nàng đi về đâu, Lệ bảo kéo vào trong thành, đến đường bộ Tham.
Tại đây, có nhà người bạn quen với chồng Lệ, đã từng liên lạc với Nhu và người anh cựu Thượng thư. Lệ trả tiền xe, mở cổng vào trước sự ngạc nhiên của ông bà Tham Hoàng Xuân Thông. Qua sự vồ vập mừng rỡ của vợ chồng bạn, Lệ kể lại các nỗi gian truân của mình. Hoàng Quân cho nàng hay vừa nhận được thư của Nhu từ Hà Nội nhờ dò hỏi tin tức Lệ cùng gia đình. Lệ được biết thêm là anh chồng nàng hiện cũng ở Hà Nội, sau khi được trả tự do và được mời tham gia chính phủ.
Hoàng Quân nghe Lệ kể lại những việc hỏi giấy tờ, giữ nàng lại ở Kim Long, doạ giải về Công an tỉnh để đưa đi Quảng Ngãi, cho rằng đó chỉ là sự bắt nạt của nhân viên Uỷ ban xã.
Hoàng Quân có nhờ một người bà con làm việc tại văn phòng công an Trung bộ dò hỏi về Lệ, cho hay rằng không có hồ sơ tầm nã Lệ, sau khi trốn khỏi nhà chồng. Việc canh giữ nhà họ Ngô ở Phú Cam cũng đã chấm dứt.
Lệ nghe bạn chồng nói mà đâm ra tức giận, hổ thẹn vì đã mắc bởi gã thanh niên tự vệ khéo bịa chuyện để hăm doạ, cưỡng bức nàng.
Nhớ lại sự tình ấy, Lệ uất ức, nghẹn ngào tức tưởi kể cho bà Hoàng nghe, mong tìm cách trả hận kẻ đã bắt nàng trải qua những giờ phút hoảng sợ, nhục nhã.
Bà Hoàng chỉ biết vỗ về Lệ:
- Thôi, chị đừng nghĩ đến việc đó nữa. Chẳng qua chỉ là sự rủi ro trong thời loạn. Tôi chắc cái thằng gạt cô cũng là những loại lưu manh cơ hội lợi dụng tình thế rối ren để mà kiếm chác này nọ. Lần sau thì phải tỉnh táo mới được.
Sáng hôm sau, Lệ thuê xe về Phú Cam, gặp lại bà mẹ chồng đã trở nên ngớ ngẩn kể từ ngày hay tin người con cả cùng cháu nội đích tôn bị Việt Minh giết. Bà cụ Thượng Ngô cười một cách khờ dại, không biết là con đâu mình vừa trải qua nguy khốn, nói những câu lững lờ không đâu. Luôn mồm bà hỏi:
- Tháng Tổng đốc sao ở Quảng lâu không thấy ra? Thằng Thượng đi đâu không về thăm tao? Thằng Nhu, thằng Luyện, con út của mạ làm việc đâu mà không thấy về qua nhà? Còn thằng Thục hắn làm giám mục rồi quên mạ nó hay răng mà biệt vô tăm tín rứa?
Lệ không khỏi nhói đau lòng trước cảnh bà mẹ già trông đợi các con trai. Cẩn cho nàng hay là vừa được tin Nhu cùng Diệm ở Hà Nội.
Cậu em út là Luyện đã bỏ sở Đặc điền ở Quảng Nam đi vào Nam, sau khi hay tin ông anh cả bị xử tử. Giám mục Thục người anh thứ hai vẫn cai quản một địa phận ở Vĩnh Long, không có tin tức gì.
Hai bà chị chồng hay tin Lệ trở về vội đến thăm, tỏ ra quên những tị hiềm cũ đối với em dâu vừa trải qua cơn khốn khó.
Hôm sau Lệ trở ra Hà Nội.
Nàng về đến nhà cha mẹ vào lúc bà Trạng đi Gia Lâm tiễn đưa cố vấn Vĩnh Thuỵ ở trong phái đoàn thân hữu đáp máy bay Mỹ sang Trùng Khánh.