Chương 7
NHƯNG NGÀY TẢN CƯ

Đồng hồ trên tường vừa gõ tám tiếng, Lệ đang khoe với chồng chiếc áo nàng mới lấy về để mặc vào lễ Giáng Sinh tuần tới, bỗng thấy đèn điện vụt tắt. Tiếp theo là tiếng nổ lớn, rồi nhiều tiếng súng nhỏ, liên thanh, lựu đạn vang ầm, chuyển động cả Hà Nội. Nhu bảo vợ:
- Đánh nhau rồi!
Quẹt diêm thắp ngọn nến cắm lên bàn, Nhu thấy Lệ lo ngại hỏi:
- Chúng mình tính sao đây?
Tiếng súng nổ giòn rất gần. Lệ đến cửa sổ nói:
- Nếu đánh nhau kéo dài thì Nô-en này mất vui rồi.
Lệ gấp lại chiếc áo có vẻ tiếc rẻ, thấy Nhu lúi húi xếp mấy cuốn sách ở bàn, liền hỏi:
- Anh định chạy à?
- Nếu đánh nhau kéo dài ở thành phố thì cũng đến lúc phải chạy thôi.
Lệ nói có vẻ trách móc:
- Anh tính chạy sao không liệu trước, có phải em chở đi được nhiều đồ đạc không. Mấy hôm người ta chộn rộn đi tản cư, em có hỏi, anh lại bảo cứ đợi xem sao đã.
- Anh nghĩ là tình hình chỉ găng thế thôi, chớ không đến nỗi xảy ra chiến tranh.
- Thế anh cho là vừa rồi bên nào nổ súng trước?
Nhu chưa kịp trả lời, chợt nghe tiếng loa của tự vệ kêu ở ngoài đường:
"Yêu cầu đồng bào tản cư! Cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu! Yêu cầu đồng bào tản cư ra khỏi thành phố!"
Tiếng loa vang xa dần giữa những tiếng súng mỗi lúc mỗi dồn dập thêm lên trong đêm tối mưa rét.
Lệ tỏ vẻ luống cuống khiến Nhu cũng mất dần bình tĩnh.
- Bây giờ chúng mình có thể đến nhà ba mẹ được không?
- Chỗ ba mẹ ở nằm trong khu vực phố Tây, gần nhà ga, chắc bắn nhau dữ, đến làm sao được? Có đi đâu cũng phải đợi đến sáng ngày, chứ giữa đêm hôm mới bắt đầu đánh nhau, đạn lạc nguy hiểm lắm.
Lệ lăng xăng với mớ quấn áo và đồ trang điểm cho vào va-ly bảo chồng:
- Em định nếu sáng mai không đến nhà ba mẹ được thì vào Hà Đông, ở nhờ nơi trại cụ Thiếu…
- Ừ, hay là chúng ta vào khu Nhà Chung có anh Thượng đang ở đấy Anh cho là đánh nhau không lâu đâu. Việt Minh không đủ sức chống nổi lại Pháp. Mình đi xa Hà Nội, ra ngoại ô, dễ gặp chuyện rầy rà lắm.
Lệ nhớ đến lấn nàng ẩn lánh về quê ngoại ở Huế mà sợ, nên tán thành ngay ý kiến của chồng.
- Anh tính phải, nếu chúng mình không đến ở nhà ba mẹ được thì từ phố Đường Thành này đi vòng ra lối Hàng Bông rồi sẽ đến Nhà Chung.
Tiếng súng ầm ì nghe khắp tứ phía và từng lúc đạn bay véo ngang trên mái nhà khiến Lệ lại ngồi sát bên chồng.
Bóng hai vợ chồng in chập chờn lên vách phố lầu trơ vơ. Nhu hé cửa sổ nhìn ra ngoài trời đêm tối, từng lúc lóe lửa đạn trên nền thành phố.
Giữa lúc Nhu đang ngắm nhìn Hà Nội đắm chìm trong khói lửa thì các đoàn chiến xa Pháp rầm rộ chạy đi trợ chiến các vị trí yếu điểm đang bị tấn công. Hồi 6 giờ chiều, một người Pháp lai, nhân viên của sở Phản gián đặc biệt, Fernand Petit mấy tháng nay trà trộn trong tự vệ thành và quân đội Việt Minh… đã chạy đến Bộ tham mưu Pháp hốt hoảng báo động Việt Minh sẽ tấn công đêm nay. Tự vệ thành và ba sư đoàn đã nhận được lệnh!
Những tin tức cấp báo loại này Bộ tham mưu Pháp đã nhận được từ mấy hôm nay, trong tình thế khẩn trương Pháp - Việt tại Hà Nội, song lần này họ đề phòng cẩn thận, gọi tất cả binh sĩ vào ở trong thành, chuẩn bị chiến đấu. Các đoàn chiến xa đến chiếm dõng các trục giao thông, chờ quân sĩ đối phương.
Trước giờ nổ súng, không khí thủ đô Hà Nội đã sôi sục lên từ hôm quân Pháp gây sự, đánh chiếm Hải Phòng và trọng pháo từ chiến hạm nã lên đất cảng, đốt phá nhà cửa, tàn sát thị dân bất kể già trẻ, trai gái, đánh chìm thành phố lớn miền duyên hải trong biển khói lửa, sặc nồng mùi máu. Dân chúng tản cư chạy trên con đường đi Đồ Sơn và Kiến An bị chiến hạm Suffren nã đại bác giết người như phát cỏ; xác chết của đàn bà, trẻ con, ông già, trai tráng nằm ngổn ngang la liệt phơi thây, máu trộn với bụi đường.
Kế hoạch gây hấn của Cao uỷ Pháp ở Sài Gòn muốn dùng võ lực để tái chiếm lại miền Bắc như đã thí nghiệm có kết quả tại miền Nam đang được xúc tiến gấp rút và không khí căng thẳng của phe chủ chiến Pháp được nhem nhúm lên cực độ. Chiến tranh có thể bùng nổ bất cứ giây phút nào, không ai có thể ngăn ngừa được nữa.
Tại biệt thự ông bà Trạng Trần Văn Chương, hai vợ chồng đang bàn tính ở lại hay tản cư thì thấy cựu Thượng thư Ngô Đình Diệm đến để hỏi tin tức.
Ông Trần nói:
- Tôi hay tin là ông Võ Nguyên Giáp vừa gởi kháng cáo ra lệnh cho binh sĩ, tự vệ thành sửa soạn chiến đấu, và mọi công việc chuẩn bị phải xong trong ngày 12 này. Tổng bộ Việt Minh thì kêu gọi dân chúng sẵn sàng đợi lệnh của chính phủ. Họ còn thúc giục cho dân chúng tản cư, công chức đưa vợ con đi, trong khi những thanh niên ở lại lo đào hầm, đặt chướng ngại vật khắp nơi.
Diệm nói:
- Tôi cũng được tin là Công an Việt Minh đang mở nhiều cuộc lùng bắt những người họ nghi là thân Pháp hay chống lại chính phủ. Nhiều đảng viên Việt Quốc đã bị họ bắt đi, tôi sợ rồi Việt Minh họ cũng không tha, nếu tình thế này kéo đài. Ông tính là có thể tránh khỏi xung đột không?
Ông Trần có vẻ suy nghĩ rồi thong thả đáp:
- Tôi nhận thấy khó khăn lắm. Vì người Pháp ở đây họ chủ trương dùng giải pháp võ lực. Theo chỉ thị của d'Argenlieu, tướng Valluy gởi cho ông Hồ Chí Minh một thông điệp có tính cách như một tối hậu thư, đòi binh sĩ và tự vệ Việt Minh phải rút khỏi Hải Phòng. Như vậy có khác nào buộc đầu hàng đâu, tôi chắc là Việt Minh không đời nào họ chấp nhận. Trong khi đó thì nhiều cuộc xung đột xảy ra ở nhiều nơi: một tiểu đoàn Lê dương tự tiện đổ bộ lên Tourane, tự vệ thành Hà Nội và binh sĩ Pháp bắn nhau, lính nhảy dù SAS lục soát các khu người Việt ở, súng và lựu đạn thi nhau nổ, xô xát cứ thế mà tiếp diễn. Việt Minh họ lo ngại Pháp làm lại cú Hải Phòng, giữa lúc có tin nội các Leon Blum phái Cao uỷ d'Argenlieu trở lại Đông Dương. Sainteny, người Pháp độc nhất có cảm tình với Việt Minh vừa rồi cũng ra lệnh quét sạch một ổ tự vệ thành, đã xô xát với một chiếc xe nhà binh Pháp đi chợ Đồng Xuân; trước tình thế nguy ngập từng giờ từng phút làm sao tránh được chiến tranh?
Một ông bạn nhân viên cao cấp trong chính phủ sáng nay cũng vừa khuyên tôi nên rời khỏi Hà Nội và cho hay là binh lực Việt tập trung tại Thủ đô và chung quanh đã được lệnh sẵn sàng. Chưa biết giờ họ quyết định vào lúc nào, có lẽ đêm nay cũng nên. Một người bạn công sứ cũ cũng nói cho tôi biết là Bộ tham mưu Pháp nhận được tin tức rằng ông Võ Nguyên Giáp đã tập trung chung quanh Hà Nội ba sư đoàn, mỗi sư đoàn gồm 10.000 người, một đóng ở Hà Đông, một ở gần trường đua và một ở cạnh sông Cái và Hồ Tây. Đến giờ nổ súng họ sẽ đánh chiếm thành Tây, còn tự vệ Thành có nhiệm vụ bắt những thường dân Pháp. Ý định của ông Võ Nguyên Giáp là muốn quét sạch người Pháp trong một đêm, như kiểu đảo chính mồng 9 tháng ba của Nhật vậy. Theo đó tôi thấy nguy cơ chiến tranh gần quá. Chúng tôi cũng tính đến phải tản cư, tạm tránh Hà Nội kéo họ đánh nhau, mình ở giữa vùng lửa đạn, nguy hiểm lắm. Còn ông đã định ra sao chưa?
Diệm đáp:
- Tôi tạm trú ở nhà một vị linh mục, nếu có chuyện gì, tôi tránh vào Nhà Chung. Chớ lúc này cũng không muốn đi đâu nữa. Việt Minh họ không ưa gì tôi, nếu tôi ra mặt họ bắt liền. Có lẽ trong lúc này họ còn bận nhiều việc khác hay quên đi, chớ họ cũng biết rõ mình ở đâu, sẵn trong danh sách, muốn bắt mình lúc nào mà không được! Ông cũng nên cẩn thận, phải dời chỗ ở luôn để tránh các sự rủi ro bất ngờ ta không thể lường trước được.
Diệm đứng lên chào ông bà Trạng Trần trở về chỗ trọ, nhưng khi hay tin có một toán tự vệ vừa vào nhà cha Nguyện hỏi mình, liền vội vàng đi ngay. Diệm hú vía vừa thoát khỏi cuộc bắt bớ, tìm đến nhà một người bạn đồng liêu cũ ở phố Hàng Bột để lẩn tránh.
Chiều đông rét mướt, bóng tối sập xuống rất nhanh, trên đường phố Hà Nội. Các vùng kế cận năm cửa ô ngổn ngang những cây cối đốn ngả cản lối đi lại. Mặt đường đứt quãng, nhiều chặng hầm do thanh niên tự vệ khu phố đào lên. Có nhiều dãy phố vách tường bị đục thủng, thông liền nhau. Không khí chuẩn bị chiến tranh sôi động khắp các ngả đường thủ đô.
Một sự bình tĩnh nặng nề bao trùm lên thành phố đang phập phồng chờ đợi. Thỉnh thoảng một chiếc xe nhà binh Pháp chở đầy quân lính chạy vụt qua trên đường vắng mờ mịt mưa phùn.
Các tiệm rượu, rạp chớp bóng, quán cà phê ồn ào tiếng cười nói của một nghìn hai trăm quân lính Pháp vừa ở Thành ra phố chơi đêm.
Uỷ viên đại diện Pháp, Sainteny lúc này đang ngồi ở phòng giấy, xem lại bức thư của ông Hồ Chí Minh vừa gởi đến lúc chiều.
Sainteny vừa đọc xong, điện thoại reo, tướng Morlière ở đầu dây cho ông hay rằng ông vừa cho gọi tất cả binh sĩ vào trại, và yêu cầu Sainteny loan báo có những thường dân Pháp ở rải rác hãy đi đến các nơi an toàn đã định sẵn, vì tình hình đã trở nên nghiêm trọng.
Sainteny nhìn lên đồng hồ chỉ đúng tám giờ.
Đèn điện bỗng vụt tắt khắp nơi. Sainteny về sau kể lại:
- Từ ban chiều, những tin tức thu thập được mang ra đối chiếu chứng nhận rằng cuộc tổng tấn công xảy ra vào đêm nay. Đây không phải là lần đầu tiên nhận được những tin tức có vẻ đáng tin cậy cho hay là có cuộc tổng tấn công ngay đêm nay. Tôi nhớ lại trong thời kỳ từ tháng tám năm 1945 đến tháng ba 1946, chúng tôi đã nhận được nhiều tin tức loại này, rõ ràng và khẩn cấp. Tin báo động ấy có lẽ là một thứ đột kích phụ trội trong cuộc chiến tranh cân não tàn nhẫn bắt dân chúng phải chịu đựng từ mười bảy tháng nay.
Giờ dự định bao giờ cũng thế hai mươi giờ. Dân chúng Pháp thường lo lắng khi nghe tim đập muốn vỡ, ngừng cả hơi thở. Và rồi tiếp tục sống như thường. Về phần tôi, lo ngại một nỗi là giờ nói kia đã "chính thức hoá" quá đỗi khó mà coi trọng được. Tôi không tin là Việt Minh gây nên sự lầm lẫn theo đúng giờ này.
Tuy vậy, hổi 17 giờ, căn cứ vào những tin tức của các sở quân sự và do thám, binh sĩ lại phải túc trực ở trại và chúng tôi bàn định cùng tướng Morlière rằng có gặp trường hợp cuộc tấn công xảy ra tôi sẽ vào Thành với ông ta để chỉ huy những cuộc hành binh.
Lối 20 giờ, thành phố đắm chìm trong khung cảnh khác thường.
Đồng hồ ở bệnh viện Yersin, kế cận toà uỷ viên Pháp, rò rè chậm chạp đánh tám tiếng. Tôi nói với các cộng sự viên:
- Có lẽ cũng không phải đêm nay đâu. Tôi về qua nhà đây.
Đúng 20 giờ 4 phút, uỷ viên Sainteny vừa bước lên xe hơi thì một tiếng vang ầm dữ dội. Nhà điện trung ương vừa nổ tung. Những tiếng súng đầu tiên xé tan bầu trời đen tối bao trùm thủ đô Hà Nội mở màn cho cuộc chiến tranh thực sự bắt đầu.
Ngồi trên chiếc xe bố trí súng đại liên chạy vào Thành, Sainteny lẩm bẩm:
- 9 tháng ba  1945, 19 tháng chạp 1946, đúng 20 giờ 4 phút, lớp học trò tốt muôn thuở này đã lập lại bài học 21 tháng trước đây của bọn thầy Nhật…
Chiếc xe chạy đến đường Paul Bert, bỗng tung lên vì một quả mìn lớn, rồi đâm đầu húc bật vào gốc cây lớn bên đường. Lựu đạn từ trong bóng tối tung vào chiếc xe bùng cháy như một lò lửa.
Sainteny cùng bốn quân nhân Pháp theo nhau thoát khỏi xe, cả năm người đều bị thương cố bò lê ra bên lề đường tìm chỗ nấp; những mảnh trái phá và những đạn dược trên xe bắt lửa cháy nổ tung ra khắp chung quanh như một trận mưa.
Người ghim đầy mảnh đạn, Sainteny máu me ướt đẫm cùng mình, tay cầm khẩu súng lục, võ khí duy nhất còn lại, nằm dưới trời mưa cùng bốn binh sĩ, kẻ đang hấp hối vì bị thương nặng máu ra nhiều quá, người thì bị cháy trông như bó đuốc sống.
Vị uỷ viên Cộng hoà Pháp cùng binh sĩ tuỳ tùng nằm phập phồng chờ đợi trong vũng máu giữa đêm tối mưa lạnh, dồn dập những tiếng súng nổ không ngừng khắp bốn phía.
Gần hai tiếng đồng hồ sau, một toán tuần tiễu thiết giáp chạy đến cứu đưa họ vào Thành.
Giữa lúc ấy, trên làn sóng điện Đài phát thanh, tiếng nói của tướng Võ Nguyên Giáp sôi nổi kêu gọi tổng tấn công trên khắp các mặt trận. Phủ Lạng Thương, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, những tỉnh có quân đội Pháp trú đóng liên tiếp nổ súng trong vòng đêm ấy.
Trong khi các cuộc giao chiến tiếp diễn ác liệt giữa lòng Hà Nội, Lệ vừa ngủ chợp đi, bỗng choàng dậy vì một tiếng nổ lớn nghe gần.
Nàng tung chăn đến mở hé cửa sổ nhìn xuống đường thấy trời đã mờ mờ sáng.
Trời sáng tỏ, tiếng súng nổ thêm dồn dập. Trên các ngả đường khu vực người Âu, xe bọc sắt, thiết giáp của quân đội Pháp lồng lộn, tuôn ra các phía. Các khẩu đại liên gắn ở đầu chiến xa ằng ặc nhả đạn như mưa về khu vực người Việt.
Lệ giục chồng uống xong cà phê để xuống đường:
- Chúng mình xem đường phố đi lại ra sao, tìm được lối đến nhà ba mẹ thì hay nhất, nếu không cũng phải tính cách nào để thoát ra ngoài, chứ em có cảm tưởng như đang ở trong một thành phố bị bao vây. Mà tình thế này cứ kéo dài thì lương thực đâu để mà sống?
Nhu khoác ba-đờ-xuy đội mũ tùm hụp cùng Lệ trong chiếc áo choàng nhung, cập tay nhau ra đường.
Hà Nội hiện ra trong buổi sáng rét mướt, thê lương qua đêm đầu chiến tranh. Các ngã tư đường vắng lạnh, ngổn ngang những toa tầu điện lật đổ chắn lối. Mặt đường thành phố nhiều quãng bị đào lên, ụ đất, bao cát chất thành chiến luỹ với những bàn ghế, đồ đạc trong nhà quẳng ra làm chướng ngại vật. Cây cối hai bên bị hạ xuống nằm ngang dọc đường, dây điện đứt cuộn vòng mặt đất. Nhà phố cháy vì lửa đạn còn âm ỉ, bốc khói dưới mưa phùn. Đó đây, rải rác những xác chết nằm trơ vơ trên vũng máu bên lề đường.
Đi nấp theo bờ tường dưới mái hiên, Lệ và Nhu lẩn lút, dọc theo tường từ nhà ra tới phố Hàng Bông, nghe tiếng đạn bấn gần quá, vội kéo tay nhau chạy lúp xúp về phía Hàng Gai, trước những căn nhà đóng kín mít cửa.
Mấy lần Lệ suýt ngã vì giày cao gót lướt trên gạch trơn ướt. Thỉnh thoảng có tiếng hét từ trong nhà hé cửa đưa ra.
- Đứng lại?
Rồi thấy một tự vệ Thành chĩa súng về phía hai vợ chồng.
- Ông bà đi đâu lúc này?
Nhu lên tiếng phân trần:
- Hôm qua chúng tôi ngủ nhờ nhà người quen ở phố Đường Thành, đợi bây giờ phải trở về nhà để lấy quần áo di tản cư về Hà Đông.
- Nhà ông bà ở phố nào?
- Ở cuối đường Gambetta, gần ga Hàng Cỏ.
- Khu vực này nguy hiểm lắm, ông bà không biết à? Hiện đang còn bắn nhau dữ dội, ông bà vào đây tức là đi giữa lằn đạn, không được đâu.
Lệ hỏi:
- Thế chúng tôi đi về phố Lamblot, cạnh nhà thờ có được không? Chúng tôi có nhà bà con ở đó.
Người tự vệ thứ hai từ trong bước ra nói:
- Khu vực nhà thờ chỉ yên ở lối sau, chứ phía trước mặt trông ra Bờ Hồ cũng không được an toàn đâu. Đạn vẫn bay vèo qua chung quanh vùng hồ Hoàn Kiếm đấy. Nhưng ông bà không đi khơi khơi ở hè phố thế này được đâu. Nhỡ đạn lạc thì chết? Vào đây này, chúng tôi chỉ cho lối đi ăn thông qua các nhà, ông bà có thể ra đến đường sau lưng nhà thờ.
Người thanh niên nhanh nhẹn trong chiến phục, lưng đeo lựu đạn, tay cầm súng trường chui vào lỗ hổng độc qua các tường ăn thông từ nhà này qua nhà khác, dẫn đường cho vợ chồng Nhu đi theo.
Sau một hồi len lỏi, có quãng phải lòn người chui qua, Nhu và Lệ phải vất vả lắm mới theo kịp người đưa lối.
- Đến nơi rồi, ông bà theo lối này ra sẽ thấy ngay phía sau lưng nhà thờ lớn. Chúc ông bà may mắn.
Người tự vệ tươi cười rồi nhanh nhẹn quay lui, thoáng đã biến mất sau các lỗ hổng trên tường.
Lệ và Nhu vừa ra đến đường, một toán tự vệ từ trước mặt đi tới, bỗng phân tán ra, nhào người nằm rạp xuống, chĩa súng về phía trước. Có thanh niên rút ngay lựu đạn ở lưng ra, lăm lăm cầm sẵn nơi tay. Người chỉ huy quỳ một bên nói lớn:
- Xe quân Pháp đang rẽ đến phía nhà thờ, nếu chúng tiến lại chúng ta, có lệnh tôi, anh em mới được tấn công!
Chiếc xe bọc sắt lù lù tiến tới phía trước nhà thờ rồi quay theo ngã Hàng Trống vòng Bờ Hồ.
Lệ và Nhu thụt lùi núp vào phía trong nhà, ngóng thấy yên bước ra, không còn thấy toán tự vệ tuấn tiễu; họ đã biến đâu mất.
Đường phố trống lạnh dưới mưa phùn. Lệ cùng chồng rảo bước men theo dưới mái hiên đi về phía Nhà Chung.
Nhu vui mừng gặp lại anh đang ở phòng linh mục Nguyện, bàn ngay đến việc hai vợ chồng chàng muốn trú ẩn tại đây, song Lệ tỏ ý không tán thành:
- Em chỉ sợ người ta sẽ đến buộc mình phải tản cư và thường dân không có phận sự đều phải đi khỏi Hà Nội. Chỉ có những người chiến đấu, tự vệ Thành mới ở lại được thôi, người Hoa Kiều ở các phố Hàng Buồm, Hàng Đường không có sao chứ người Việt không có công tác gì dễ bị họ nghi ngờ Việt gian ở lại thông đồng với Pháp. Em lo như vậy nên thà mình đi trước, vào Hà Đông ở tạm ấp cụ Thiếu, đợi tình thế ra sao rồi sẽ liệu.
Nhu chiều theo ý vợ nhưng không muốn xa anh, nên đề nghị:
- Anh đi cùng với chúng em luôn.
- Chú đưa thím đi còn tôi cứ tạm ở lại đây với cha Nguyện, lúc này không ngại họ đến lục soát Nhà Chung đâu. Tôi đã mượn cha Nguyện một cái áo linh mục để nếu cần thì cải trang. Chú thím vào Hà Đông, phải cẩn thận đề phòng bọn cán bộ địa phương, và đi đường sá từ đây nên coi chừng tránh xa những khu bắn nhau mới được.
Tiếng súng lớn, nhỏ không ngớt nổ, vang dội lại bốn bức tường thành Nhà Chung. Nhu thắc mắc hỏi:
- Anh nghĩ về tình hình thế nào?
Diệm đáp:
- Tôi cho là Việt Minh không cầm cự được lâu đâu. Pháp chắc không còn nói chuyện với ông Hồ Chí Minh nữa, sau cuộc tấn công bất ngờ đêm qua. Thế nào họ cũng phải tìm đến các chính khách quốc gia, sau một thời gian dùng đến giải pháp quân sự để đè bẹp Việt Minh. Đô đốc d'Argenlieu, Cao uỷ Pháp hiện thời, xuất thân từ linh mục, hẳn nghĩ đến các nhân vật công giáo Việt Nam trước. Anh hy vọng thời cơ thuận tiện đang đến.
Nhu phân vân nói:
- Trong lúc này, dù sao Việt Minh họ có cải chính nghĩa sẽ lôi cuốn được dân chúng theo để kháng chiến chống Pháp. Ai đi lại với Pháp cũng đều bị chúng tuyên truyền gán cho là Việt gian. Công giáo đã bị mang tiếng hợp tác với Tây thời trước, bây giờ nếu Pháp họ mời anh ra chấp chính, anh cũng cần phải dè dặt lắm.
Nhu ngừng lại, nhìn anh im lặng rồi nói tiếp:
- Pháp chẳng qua chỉ muốn có tay sai để họ chiếm lại xứ này thôi, chứ thực lòng hợp tác với họ thế nào được. Hợp tác với Pháp lúc này chỉ có những kẻ tham tiền, ham danh vọng hay muốn trả thù. Trong Nam, chính phủ Nam Kỳ tự trị cũng chỉ gồm toàn các phần tử đốc phủ sứ, dân Tây, bị dân chúng phỉ nhổ.
Chúng mình đang có mối thù của anh cả, song hiện thời chưa phải lúc để đi đôi với Pháp chơi lại Việt Minh. Dù sao, Việt Minh đã có được chính nghĩa chống Pháp; mình lại hợp tác với Pháp làm sao tránh khỏi tiếng Việt gian, dân chúng không theo lại còn mang tai tiếng về sau. Phải chờ đợi lúc thuận tiện khác đã. Việt Minh đã thành công cướp được chính quyền, do nắm đúng thời cơ. Anh cứ giữ mình, rồi thế nào cũng đến lúc người ta phải cần đến. Làm chính trị, tôi thấy không nên nóng ruột mà lỡ việc lớn.
Diệm gật gù nghe những lời nói rành rẽ của em, vỗ vai Nhu bảo:
- Tôi có chú bên mình thì công việc dễ dàng lắm. Sau này tôi ra chấp chính, chú phải làm cố vấn cho tôi mới được.
Lệ cùng chồng tản cư về Hà Đông ở lại ấp Thái Hà của cụ Thiếu Hoàng Trọng Phu, vào lúc vị cựu đại thần vắng mặt một cách bí mật.
Có người bảo cụ đau nặng, ở gần mặt trận không tiện, phải đi xa chữa thuốc. Có dư luận lại nói rằng cụ bị Việt Minh bắt buộc phải tản cư khỏi Hà Đông, sợ Pháp tìm kiếm đến vị công thần trung thành cũ.
Giữa lúc ấy, cố vấn Vĩnh Thuỵ đã từ Trùng Khánh đi thẳng về Hồng Kông đợi chờ.
Qua những chiến thắng buổi đầu, chiếm lại các thành pho và tiếp tục các cuộc hành quân bành trướng khu vực chiếm đóng, Pháp không ngừng ngại tuyên bố ý định muốn tái lập một chế độ quân chủ cổ truyền.
Cao uỷ d'Argenlieu gởi phái viên đi Hồng Kông gặp cựu hoàng Bảo Đại để dò hỏi ý kiến. Một số chính khách chống đối Việt Minh bấy lâu theo phò cựu hoàng, thúc giục Bảo Đại cấp tốc thành lập một tân chính phủ Việt Nam, có thể vãn hồi trật tự hoà bình trong nước và hợp tác với Pháp trên căn bản "những hiệp ước bình đẳng" đảm bảo cho quyền lợi chính đáng của đôi bên.
Bảo Đại nghi ngờ sự mời mọc của Pháp chỉ là một thủ đoạn để gây sức ép nào đó với Việt Minh, nên tỏ một thái độ hững hờ và tiếp tục những cuộc hoan lạc trên đất Cảng Thơm trong tình thế trông đợi.
Đồng thời với công cuộc tiếp xúc cựu hoàng Bảo Đại, Cao uỷ Pháp nhờ một linh mục Pháp dò hỏi ý kiến Ngô Đình Diệm tại Hà Nội.
Diệm trở lại nhà cha Nguyện trước giờ nổ súng ở Hà Nội, khoác lấy chiếc áo linh mục đổi tên là Phanxicô Văn để tránh mọi sự lôi thôi có thể xảy ra đối với cựu Thượng thư Bộ lại triều Nguyễn và Thủ tướng hụt dưới thời Nhật Bản.
Những tin tức nhận được về tình hình quân sự khiến cho Diệm hy vọng chờ đợi. Quân đội Pháp dần dà làm chủ tình thế ở các tỉnh Hải Phòng, Phủ Lạng Thương, Lạng Sơn. Binh sĩ tiếp viện của Pháp từ Nam Kỳ và Pháp cấp tốc đổ bộ lên đất Bắc. Con đường Hải Phòng - Hà Nội mở lại những ngày đầu chiến cuộc mặc dù ở Thủ đô cuộc giao chiến vẫn tiếp diễn ác liệt. Tự vệ thành, Trung đoàn Thủ đô chiếm đóng khu vực Hoa Việt, kháng chiến mãnh liệt, anh dũng cầm cự từng góc phố, từng quãng đường, từng nhà một. Hà Nội đắm chìm trong lửa đạn giao tranh ba tháng trời.
°°°
Lệ cùng chồng chạy về Hà Đông, ngày đêm quanh quẩn ngay ấp Thái Hà cùng mấy gia đình thương gia Hà Nội tản cư.
Hai hôm sau đêm chiến tranh bùng nổ, Lệ thấy ông bà Trạng Trần đến ấp cụ Thiếu. Bà Trạng đã nhất định đóng kín cửa ở lại biệt thự đường Gambetta với lương thực tích trữ có thể sống được hàng tháng, không muốn chạy đi đâu, vì ngại ngùng sự xê dịch thiếu tiện nghi. Nhưng rồi bị tự vệ thành đến buộc phải tản cư.
Gặp lại con và rể, bà Trạng đưa chân ra than thở bằng tiếng Pháp:
- Mẹ phải đi bộ mười hai cây số, các con thấy có phải cực hình ghê gớm không? Ra khỏi Hà Nội, ba con tìm mãi không thấy một chiếc xe kéo, cũng không có võng cáng gì nên bắt mẹ phải lê chân đi từ sáng đến chiều mới tới đây. Thật là dã man quá!
Lệ nhắc nhở mẹ:
- Mẹ đừng nói tiếng Pháp nữa, chung quanh người ta để ý. Chúng mình đang sống giữa những người ghét Pháp, chống Pháp.
Bà Trạng lắc đầu chán nản, trả lời bằng tiếng Pháp:
- Chống Pháp, đánh Pháp, người ta cứ việc! Nhưng ghét tiếng Pháp một thứ tiếng văn minh là điều không thể tưởng tượng được. Tôi quen miệng nói tiếng Pháp rồi, cấm đoán thì vô lý quá. Tôi phản đối đến cùng!
Nhu lưu ý bà Trạng Trần về mấy người dân quê ăn mặc quần áo nâu đang nhìn chỉ trỏ về phía mình, hạ giọng nói:
- Những người chung quanh chúng ta không ưa gì những ai ăn mặc sang trọng, sống khác họ. Còn dân quân, cán bộ xã thì rất căm thù Việt gian. Con cũng bảo nhà con phải cẩn thận dè dặt…
Ông Trạng tán thành ý kiến con rể:
- Anh Nhu nói phải đấy. Mình phải sống tuỳ theo hoàn cảnh.
Bà Trạng đưa hai tay lên đầu trong một dáng điệu tuyệt vọng kiểu đào màn ảnh, thốt ra vẫn bằng tiếng Pháp:
- Tất cả mọi người đều chống lại tôi! Tôi chỉ còn biết trông cậy ở Thượng đế cho tôi sớm trở lại Hà Nội, chứ làm sao tôi có thể kéo dài đời sống giữa những người nhà quê khốn khổ kia được!
Rồi bà Trạng nhìn đến Lệ, như vừa khám phá ra một điều thích thú:
- Kìa, con gái tôi, quần đen, áo nâu, cải trang y hệt gái quê, con định thành cán bộ phụ nữ cứu quốc hả?
Những lời nói cười tíu tít không ngớt tuôn ra từ cửa miệng bà Trạng Trần đang vịn vào vai Lệ đi vào nhà:
- Phòng tắm đâu, con chỉ cho mẹ để tắm rửa thay quần áo, chứ suốt một ngày vất vả hôm nay mẹ hết chịu nổi được rồi.
- Ở đây không có phòng tắm riêng như ở Hà Nội đâu, mẹ chịu khó ra bờ giếng, chỗ có mấy tấm cót che cạnh lối bếp kia.
Bà Trạng mở lớn đôi mắt kinh ngạc:
- Trời ơi! Thế này sống làm sao được con.
Lệ nói nhỏ:
- Không lâu đâu mẹ ạ. Chúng mình cũng sắp trở về Hà Nội trong nay mai thôi.
Tiếng súng từ phía Hà Nội vọng lại, Lệ ngước mắt nhìn lên nền trời hoàng hôn đỏ rực ánh lửa xa xa bao trùm lên thành phố, bất giác nhớ đến những ngày sống xa hoa nhung lụa mới thuở nào.
Những ngày sống ở ấp Thái Hà chậm chạp trôi qua. Nhu và ông Trạng Trần thu thập những tin tức lẻ tẻ, hiếm hoi nhận được đem ra đối chiếu để nhận định tình thế.
Câu chuyện bàn luận thời cuộc chính trị đã trở thành lối tiêu khiển hàng ngày của ông bà Trạng Trần và vợ chồng Lệ; họ cùng ngong ngóng sớm trở về Hà Nội. Hôm sau đêm tết Tây, ông Trạng Trần đi thăm mấy người bạn tản cư quanh vùng, trở về báo tin: Leon Blum, Thủ tướng Pháp vừa tuyên bố trước Quốc hội Pháp sẵn sàng chấm dứt tình trạng hiện thời, đã phái Marius Moutet, Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại sang Sài Gòn. Blum là một đảng viên xã hội, khuynh hướng mác-xít. Moutet cũng vậy, chắc hẳn họ sẽ thương thuyết trở lại với ông Hồ Chí Minh. Tướng Le Clerc cũng được phái sang Đông Dương để thanh tra về mặt quân sự.
Nhu tỏ vẻ ngờ vực:
- Cao uỷ Pháp ở Sài Gòn vẫn là d'Argenlieu và thế lực của phe hữu ở xứ này, thực dân nhà băng và đồn điền cao su vẫn mạnh lắm, tôi không tin là họ chịu thu xếp với ông Hồ Chí Minh đâu, nhất là hiện thời Pháp đang có ưu thế về mặt quân sự.
Ông Trạng Trần nói:
- Moutet vừa tuyên bố hôm cuối năm khi đến Phnôm Pênh là ông ta gạt bỏ giải pháp nối lại cuộc thương thuyết với ông Hồ Chí Minh. Đài phát thanh Việt Minh cũng vừa loan một bản thông điệp của ông Hồ Chí Minh gởi cho Thủ tướng Blum ngỏ lời hân hoan về việc ông Moutet sang đây và yêu cầu quân đội Pháp trở lại những vị trí ngày 17 tháng chạp và đề nghị ngừng bắn. Hôm đầu năm, Đài phát thanh lại loan thêm một thông điệp mới của ông Hồ Chí Minh chúc mừng năm mới chính phủ và dân chúng Pháp, cùng tỏ ý muốn gặp Moutet ở Hà Nội. Tôi cũng nghe nói: biết Moutet ra Hà Nội, ông Hồ Chí Minh cũng có gởi một bức thư nhờ Trường ban liên lạc Pháp Việt đại tá Fonde chuyển giao, nhắc lại những đề nghị này:
1) Ngừng chiến lập tức, binh sĩ trở lại những vị trí cũ. Thả hết tù nhân.
2) Ngưng ngay mọi cuộc tiếp viện quân đội Pháp.
3) Gặp gỡ cấp tốc giữa ông Moutet và ông Hồ Chí Minh để thương thuyết trên căn bản hiệp định 6 tháng ba.
Nhu mỉm cười ngờ vực:
- Tôi nghĩ là trong lúc này Pháp họ không chịu điều đình với Việt Minh đâu mà chỉ tính dùng võ lực để thôn tính lại nước mình, rồi đẻ ra một thứ chính quyền bản xứ kiểu Nam Kỳ tự trị.
Sự dự đoán của Nhu mấy hôm sau được chứng minh qua lời tuyên bố của Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại Marius Moutet khi ghé qua Hà Nội:
"Thái độ của tôi bấy giờ rất rõ rệt: Cuộc tấn công hôm mười chín tháng chạp, đối phương đã trù tính trước, bắt buộc chúng ta phải đối phó lại bằng quân sự. Bao giờ quân đội tái lập trật tự xong, bấy giờ mới có thể xem xét đến những vấn đề chính trị…
- Chúng ta không thể tin vào những lời loan báo trên Đài phát thanh Việt Nam".
Những lời lẽ ngờ vực của Moutet thực ra cốt để che đậy việc ông bị phong trào Cộng hoà Bình dân thuộc phái hữu uy hiếp trước ngày ông sang Đông Dương nhận được lệnh không được thương thuyết.
Cao uỷ Đông Dương, Đô đốc d'Argenlieu phụ hoạ theo:
- Kể từ đây chúng ta không thể nào nói chuyện với ông Hồ Chí Minh được. Chúng ta sẽ tìm thấy trong xứ này những nhân vật khác mà chúng ta có thể thương thuyết, những người quốc gia thân Pháp hiện đang bị gạt bỏ.
Thế rồi Cao uỷ Pháp bắt đầu mở cuộc dò hỏi cựu hoàng Bảo Đại đang ở Hương Cảng và cho người tiếp xúc với các nhân vật quốc gia "ôn hoà" có mặt tại Hà Nội như Ngô Đình Diệm, Nguyễn Mạnh Hà, Hoàng Xuân Hãn…
Kỹ sư cầu cống họ Hoàng tuy từng làm Bộ trưởng Giáo dục trong nội các thân Nhật, song uy tín của nhà học giả cương trực miền Nghệ Tĩnh đối với các giới Bắc Hà vẫn còn, song ông nhất quyết trung lập đối với Việt Minh. Nguyễn Mạnh Hà, dù đã giữ chức Bộ trưởng Kinh tế trong chính phủ lâm thời Việt Minh, nhưng có vợ người Pháp và là một nhân vật của thanh niên Công giáo. Hoàng Quân và Nguyễn Quân tuy vậy không được các giới chính trị và mật thám Pháp ở Việt Nam chú trọng bằng Ngô Đình Diệm, nguyên Thượng thư, em của Giám mục hiện ở trong Nam, có một người anh cả và cháu ruột bị Việt Minh giết tại Huế, một người Công giáo cương quyết chống Cộng.
Qua trung gian của một linh mục Pháp, họ Ngô được Đô đốc Thierry d'Argenlieu, Cao uỷ Đông Dương, nguyên là thầy dòng xuất thân vời đến phủ Toàn quyền cũ.
Sau mấy câu xã giao, nụ cười tắt hẳn trên miệng móm mém, d'Argenlieu nhìn vẻ mặt lầm lỳ của Ngô Đình Diệm, nói thẳng vào vấn đề:
- Giữa chúng ta là những người Công giáo, tôi nói thật với ông, mặc dù Việt Minh là đại diện cho một chính phủ có khuynh hướng mác-xít, được Đảng Cộng sản Pháp ủng hộ, với tư cách Cao uỷ Pháp ở Đông Dương, tôi nghĩ rằng cuộc chiến tranh thu hẹp hiện thời giữa Pháp và Việt có một tính chất rộng lớn; quốc tế, đích thực là cuộc xung đột giữa hai phe Cộng sản và chống Cộng. Tôi tin là sự chống đối giữa Hoa Kỳ và Nga Xô sẽ không tránh khỏi biến Đông Dương thành chiến trường cho chiến tranh lạnh hiện nay giữa hai ý thức hệ. Tôi thành thật nói với ông rằng vai trò của tôi và sứ mệnh của nước Pháp trước tiên ở Việt Nam là đẩy lùi sự đe doạ của Cộng sản. Tôi mời đến ông vì nghe tiếng ông là một người quốc gia chống Cộng, để nhờ ông đứng ra cùng chúng tôi mang lại hoà bình cho xứ này và thiết lập một sự hợp tác chân thành giữa hai dân tộc chúng ta trong tự do.
Diệm im lặng ngồi nghe, đốt hết điếu thuốc này sang điếu thuốc khác Cao uỷ Pháp nhấp ly nước suối rồi nói tiếp:
- Lúc này quân đội Pháp đã chiếm lại tất cả các thành phố và Chính phủ Việt Nam coi như chạy đi mất rồi. Tôi có ý định thiết lập lại chính thể quân chủ, mời Hoàng dế Bảo Đại trở về ngôi cũ, và cậy ông làm Thủ tướng đứng ra lập một nội các mới…
Diệm không ngước mắt, cất tiếng hỏi:
- Ông có thể cho tôi biết rõ là trong một chính thể như ông vừa nói, Chính phủ Nam Kỳ tự trị của Lê Văn Hoạch sẽ như thế nào, và vấn đề thống nhất ba kỳ ra sao?
D'Argenlieu thản nhiên đáp:
- Ấy trong lúc chờ đợi Hoàng đế Bảo Đại trở về, chính phủ Sài Gòn có thể đóng vai trung gian liên lạc.
Diệm hỏi lại:
- Liên lạc với ai?
- Liên lạc giữa chúng tôi với các người quốc gia.
- Ông nghĩ là cần thiết hay sao? Các ông vẫn có thể nói thẳng với chúng tôi kia mà.
Cao uỷ Pháp cười gượng, nói:
- Phải nói thật với ông rằng chính phủ Sài Gòn chỉ là một thí nghiệm buổi đầu, thể theo nguyện vọng của người Nam Kỳ.
Diệm lòng mừng hớn hở, nhưng tỏ ra dè dặt, chỉ vắn tắt trước khi từ giã d'Argenlieu:
- Tôi rất hân hạnh trước thịnh tình của ông đã chiếu cố đến tôi. Nhưng tôi chưa có thể trả lời dứt khoát ngay được về lời mời hợp tác của ông. Tôi xin thưa lại với ông sau.
Vị Cao uỷ muốn cho xe đưa Diệm về Nhà Chung, song Diệm đã cẩn thận dặn xe của vị linh mục Pháp đợi, rồi trở ra khoác lấy áo nhà tu mang theo sẵn để tránh mọi sự theo dõi bên ngoài.
Tiếng súng lẻ tẻ ở khu chợ Đồng Xuân vẳng đến tai Diệm từ phủ Toàn quyền chạy thẳng về phía nhà thờ lớn Hà Nội.
°°°
Tại ấp Thái Hà, Lệ cùng chồng đang bối rối ngồi ở hiên nhìn đám hoa cải vàng dưới mưa bụi đầu xuân cuối vườn, bỗng nghe tiếng chó sủa, nhìn ra thấy một người đàn bà áo đen, quần trắng, đi chân không vào sân.
Sau khi chào hỏi Lệ và nhìn mặt Nhu, người đàn bà tự giới thiệu:
- Tôi ở ngoài Nhà Chung Hà Nội, cha Nguyện bảo vào đây. Ông Diệm nhờ tôi đi gặp ông để nhắn việc nhà.
Nhu nhận thấy người đàn bà tu hành có vẻ dè dặt, liền nói:
- Có việc gì bà cứ nói tự nhiên với vợ chồng chúng tôi, đừng e ngại.
Dì Phước kể lại cuộc gặp gỡ giữa Cao uỷ Pháp và Ngô Đình Diệm, cùng những lời nhắn hỏi ý kiến em trai của họ Ngô.
- Dưới lớp áo tu hành, tôi có thể vô ra Nhà Chung tiếp tế lương thực cho mấy bà Phước và các Cha. Ông muốn nhắn bảo gì, tôi sẽ nói lại với ông Diệm.
Nhu lắng nghe người đàn bà liên lạc thuật hết những lời của anh, quay sang bảo Lệ:
- Em sửa soạn mời dì Phước ở lại xơi cơm, anh gặp ba để bàn bạc rồi nhờ dì mang câu trả lời cho anh Thượng.
Dì Phước nói:
- Cám ơn ông bà. Tôi có việc phải ghé qua Nhà thờ Hà Đông, một lát sẽ quay lại đây, rồi trở ra Hà Nội. Ông có nhắn gì thì chốc nữa.
Dì Phước vừa đi, Nhu và Lệ vội mời ông bà Trạng Trần vừa thức dậy họp lại bàn bạc về đề nghị của Pháp mời họ Ngô chấp chính. Bà Trạng rối rít lên trước tin cựu hoàng có thể trở về và họ Ngô ra lập nội các, lên tiếng trước:
- Đấy, tôi nghĩ có sai đâu, trước sau gì rồi hoàng đế Bảo Đại cũng phải về mới xong.
Ông Trần Văn Chương ngắt lời vợ:
- Mình nói khẽ chứ. Phải bình tĩnh mới nhận định được.
Nhu nói:
- Theo những lời của anh Thượng tôi, chính sách của Pháp lúc này không minh bạch, quan điểm của Cao uỷ d'Argenlieu cũng còn mơ hồ, khi họ nói chuyện mời hợp tác mà vẫn khuyến khích Nam Kỳ tự trị. Tôi thấy cần phải dè dặt lắm, vì lực lượng Việt Minh vẫn còn mạnh, danh nghĩa kháng chiến của họ ảnh hưởng mạnh đối với dân chúng. Các đảng phái chống đối Việt Minh ra mặt như Việt Quốc và Đồng Minh cũng không có ý muốn bắt tay Pháp lúc này.
Ông Trần tiếp lời:
- Tôi hay tin là Nguyễn Tường Tam hiện ở Nam Kinh đang chờ Quốc dân Đảng ủng hộ, vừa loan tin sắp thành lập một chính phủ quốc gia để kêu gọi Trung Hoa và Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Lệ ngồi cạnh chồng lắng nghe vừa dứt, hớn hở đứng lên:
- Thế này chắc chắn ông Bảo Đại sắp trở về rồi. Tin của anh Thượng nhắn ra cho mình sắp thành sự thật. Chúng mình phải lo liệu thu xếp vào trong đó sớm mới được.
Thấy vợ tươi cười, sung sướng, Nhu dụi tàn thuốc lá, thong thả noi:
- Tình thế thuận lợi nhất đấy, song mình cũng cần nên dè dặt vì có thể có những sự bất ngờ trong chính trị, nhất là với Pháp, họ nhiều mưu toan lắm. Hồi chiều ba có đưa cho anh tờ Climats, mình xem đây thì rõ, bài có gạch bút chì đỏ đấy.
Lệ cầm tờ báo, đọc qua bài "Trò ngựa về ngược" ký tên Jean Rohoir, chú ý đến những dòng sau đây:
"Giữa giải pháp dân chủ của những người này chủ trương và giải pháp mác-xít của những người kia ủng hộ, có một "con đường trung dung" không? Những thành phần ưu tú "Cộng hoà" của Việt Nam, lực lượng thứ ba sẽ có đủ khả năng ủng hộ cho một nền Cộng hoà Việt Nam xã hội, tiến bộ, phù hợp lý tưởng của một nền Cộng hoà Pháp quốc liên kết mác-xít không? Có một số người có uy quyền ở Paris và Sài Gòn đã nghĩ đến.
Bà Trần phụ hoạ theo lời con gái:
- Tôi thấy ông Ngô nên nhận lời, giúp công Bảo Đại trở về ngôi hoàng đế, từ chối thì Pháp họ cũng sẽ mời đến người khác, bỏ lỡ cơ hội tốt quá!
Nhu có vẻ suy nghĩ, thong thả nói:
- Công việc chưa có thể gấp được đâu. Nếu anh Thượng nhận lời mà không có sự liên kết ủng hộ của các đảng phái quốc gia khác, khó thành công được, nhất là Pháp họ không thực bụng. Tôi thấy cần phải đòi Pháp nhìn nhận độc lập chủ quyền quốc gia và đôi bên hợp tác bình đẳng với nhau thì mới nói chuyện được. Không thì dễ bị rơi vào trường hợp như Laval đã hợp tác với Đức quốc xã, hậu quả tai hại lắm.
Mọi người lặng im nghĩ ngợi sau câu nói của Nhu. Giọng trầm trầm của Nhu bỗng trở nên cương quyết:
- Vội thì hỏng việc. Phải đợi xem tình thế rõ rệt thêm đã. Tôi sẽ nhắn bảo anh Thượng tôi cứ trả lời nước đôi với d'Argenlieu trong khi chờ thời cơ thuận tiện.
Bà Trạng có vẻ thất vọng, buồn bã nói bằng tiếng Pháp:
- Chúng mình phải sống kéo dài khốn khổ thế này đến bao lâu nữa? Tôi cũng đến hoá điên mất thôi!
Rồi bà quay sang bảo Lệ:
- Thật tôi không hiểu nổi làm sao thiên hạ có thể sống một cuộc đời thiếu nước hoa, thiếu hoa, thiếu xa hoa được? Thượng đế xin đoái thương đến tôi!
Ông Trần ái ngại nhìn vợ, rồi nói với Lệ:
- Ba có đặt mua hoa cho mẹ, sáng nay người ta đã mang đến chưa?
- Dạ có? Hai chục hoa lay-ơn nửa trắng, nửa đỏ, đẹp lắm, con đã cắm ở bình hoa nơi bàn kia kìa.
Lệ đưa bà Trạng đến ngắm hoa trong khi ông Trần và Nhu tiếp tục bàn bạc.
- Dường như Pháp cũng có tiếp xúc với Nguyễn Mạnh Hà và Hoàng Xuân Hãn đang có mặt ở Hà Nội nhưng hai ông này từ chối.
Bà Trạng nghe nói thế, quay lại hỏi chồng:
- Ông Hãn cũng như mình, người Pháp không thể có thành kiến cho là mình thân Nhật, chống họ. Nếu mình có mặt ở Hà Nội, Pháp cũng tìm đến, như các chính khách quốc gia ôn hoà, phải không?
Trước sự tiếc rẻ của vợ, ông Trần ậm ừ đáp:
- Có lẽ.
Tham vọng làm chính khách phu nhân của bà Trạng lây sang con gái, từ độ bà Trạng đóng vai bà ngoại trưởng ở Huế và trong lúc tản cư này càng ám ảnh tâm trí háo hức của người đàn bà đang bị ép uổng sống những ngày thiếu xa hoa, tiếp tân, tiệc tùng. Giữa cảnh quê mùa ở ấp Thái Hà, mỗi buổi sáng, ngồi trước chiếc gương tạm kê làm bàn trang điểm, bà Trạng cùng Lệ đánh phấn, kẻ lông mày, không ngớt than phiền cho nếp sống tản cư mà cả hai mẹ con đều xem như bị đày ải:
- Bao giờ mới về Hà Nội được?
Câu hỏi này đã thành một điệp khúc không một ngày nào bà Trạng không nhắc nhở với chồng. Ông Trạng cũng như Nhu đều cưng chiều vợ đến mức độ ngoan ngoãn, thụ động trước những mong muốn của hai mẹ con bỗng đâm ra khó tính, khó nết từ ngày bó chân quanh quẩn ở góc trại ngoại ô Hà Nội.
Cuộc sống xa hoa ở thành phố như một thiên đàng đã mất đối với bà Trạng; bà luôn mồm kêu chán ngấy cảnh "ao tù nước đọng" nhà quê. Lệ thì than tiếc những chiều lượn phố, đi dạo quanh bờ hồ thanh lịch.
Một u già và hai chị ở theo bà Trạng từ Hà Nội, suốt ngày không ngừng tay phục dịch hai mẹ con tắm rửa, chải chuốt, ăn uống.
Ông Trạng và Nhu không khỏi sốt ruột trước bà vợ đua đòi ăn diện trái ngược với cảnh ly loạn tơi bời, khói lửa tàn phá chung quanh.
Sống trong cảnh biệt lập, gia đình ông Trần và Nhu chỉ mong sớm im tiếng súng ở Hà Nội để trở về thành phố, nhất là ngày đêm bà Trạng và Lệ luôn luôn bàn tính việc trở về.
Chiến cuộc diễn ra gần một tháng, một hôm Nhu đang ngồi đọc sách ở hiên, bỗng nghe tiếng loa kêu gọi bên ngoài:
- Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Lệnh tiêu thổ kháng chiến bắt đầu thi hành từ ngày mai ở thị xã chúng ta. Đồng bào hãy xung phong phá nhà để cứu nước. Đốt sạch, phá sạch, triệt để áp dụng chính sách vườn không nhà trống chống lại âm mưu của thực dân Pháp muốn đánh chiếm lại đất nước chúng ta. Giờ nghiêm trọng đã đến. Toàn thể đồng bào hãy đứng lên, trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi!
Lời hô hào văng vẳng xa dần. Nhu gấp sách định đứng lên, thấy Lệ bước đến phía chàng, vẻ mặt lo âu:
- Anh có nghe họ vừa gọi loa không? Tiêu thổ kháng chiến, đốt sạch, phá sạch, cả trại mình đang ở đây cũng bị san phẳng như mấy nơi khác sao?
- Anh nghĩ có lẽ người ta chỉ phá hoại ở thị xã thôi chứ.
- Họ bảo là triệt để "vườn không, nhà trống" kia mà!
- Đợi cán bộ đến giải thích xem sao.
Lệ bảo chồng:
- Em chỉ sợ họ lại bắt mình phải tản cư đi xa nữa thì phiền lắm. Em tính nếu phải thế, mình tìm lối trở về sớm là hơn. Có người ở Hà Nội mới vừa chạy ra bảo là hiện thời chỉ còn đánh nhau ở gần chợ Đồng Xuân thôi, quân Pháp đã kiểm soát phấn lớn cả thành phố rồi.
Thấy Nhu im lặng nghĩ ngợi, Lệ nói tiếp:
- Giấy tờ của em là dân Pháp, vào đến Hà Nội khỏi lo gì.
- Anh không lo về phía người Pháp, song đường từ đây vào Hà Nội, còn Việt Minh ẩn núp ở lại trong đó nữa. Nhỡ gặp họ xét hỏi, cho mình là Việt gian lúc này nguy hiểm lắm.
- Anh lo xa như vậy cũng phải, nhưng mà ở lại đây họ bắt tản cư đi nữa thì em cũng chịu thôi. Hay là em với má vào Hà Nội trước xem sao rồi anh với ba đi sau. Em sẽ đến Nhà Chung gặp anh Thượng, rồi nhờ dì Phước hôm nọ liên lạc cho anh hay.
Không đợi Nhu trả lời dứt khoát, Lệ đem ý kiến trở về Hà Nội nói với mẹ. Bà Trạng tươi sáng hẳn lên, tán thành ngay, bàn luôn đến cách thức hai mẹ con đi lối nào cho yên ổn.
Đường đi nước bước vô ra Hà Nội gần đây họ đã dò hỏi những người đi lại trên quãng này, biết rõ mấy chặng xét hỏi giấy tờ và nhất là đàn bà, không đến nỗi quá khó khăn mấy. Bà Trạng và Lệ có thể viện cớ, trở lại nhà ở khu phố không có đánh nhau để lấy quần áo tiền bạc mà hôm tác chiến đã vì chạy gấp không kịp mang theo.
Vấn đề được đưa ra bàn tính, mổ xẻ cẩn thận giữa ông Trần cùng Nhu và hai bà vợ nóng lòng muốn trở về Thành. Rốt cuộc bà Trạng và Lệ quyết định hôm sau lên đường, sau khi xin một giấy chứng chỉ của hành khách địa phương để phòng ngừa sự lôi thôi khó khăn của Việt Minh ở dọc đường.
Ông Trần và Nhu lấy làm ngại ngùng lo lắng, song đành chiều theo ý vợ, vì biết cũng không ngăn cản được.
Sáng ngày bà Trạng và Lệ dậy sớm, ăn vận sơ sài theo kiểu tiểu thương, đi ngược đường Hà Đông - Hà Nội. Hai mẹ con như một đôi chim vừa thoát khỏi lồng tù túng tản cư, tung tăng trở về Thành.
Con đường đất lầy lội vì mưa phùn và những đoạn đường đào chữ chi, trơn ướt đất bùn không làm cho bà Trạng than thở như lúc cùng chồng đi tản cư. Bà cùng con gái như muốn thi đua nhau đi mau. U già đi theo hầu bà Trạng không khỏi ngạc nhiên khi thấy bà chủ mình bước thoăn thoắt, không kêu đau mỏi chân, dừng nghỉ từng độ đường như lần rời bỏ Hà Nội. Đến quá trưa, ba người đã đi tới xóm Khâm Thiên, đầu cửa ô vào thành phố. Nỗi phập phồng của bà Trạng và Lệ tan biến ngay khi thấy người tự vệ trong gác chỉ hỏi qua loa.
Đặt chân lên đường Hàng Cỏ, thấy nóc nhà ga Hà Nội, bà Trạng trở lại với tiếng Pháp, bảo Lệ:
- Chúng ta sống lại rồi!
Lệ vui mừng trở về thành phố cũ, song cũng không khỏi ngạc nhiên thấy mẹ bỗng nhiên tíu tít, cuống cuồng như muốn ôm choàng lấy nàng mà đi bước luân vũ giữa đường nhựa.
Tiếng súng rời rạc văng vẳng đâu đây, với quang cảnh tàn phá ngổn ngang trước ga Hàng Cỏ làm cho bà Trạng đang múa may sung sướng bị cụt hứng.
- Chiến tranh bẩn thỉu! Chiến tranh bẩn thỉu!
Bà Trạng thốt ra lẩm bẩm như một điệp khúc trong khi cùng Lệ và U già rẽ về phía đại lộ Gambetta, hướng về biệt thự của mình.
Đường sá vắng ngắt không một bóng người.
Từng lúc, mấy chiếc xe nhà binh gắn súng liên thanh tuần tiễu qua đại lộ. Trong cái hoang lạnh của thành phố, thỉnh thoảng tiếng nổ ầm của lựu đạn, tiếng liên thanh văng vẳng lại như nhắc nhở Lệ đang ở giữa lòng Hà Nội có chiến tranh.
Nàng cùng bà Trạng bước vào nhà ở đại lộ Gambetta, ngỡ ngàng như đến một biệt thự nào xa lạ. Các ống khoá bị phá tung, có vết đạn bắn. Đồ đạc trong nhà ngổn ngang, mất mát, chứng tỏ đã có sự lục soát hôi của trong lúc chủ nhà đi vắng. Đệm giường quẳng cả xuống nền, chiếc gương bầu dục lớn ở bàn trang điểm của bà Trạng bị đập vỡ những mảnh thuỷ tinh tung tóe khắp phòng. Các bức tranh trên tường bị gỡ lấy đi. Những tủ đựng quần áo và tủ rượu đều bị mở toang, vơ vét sạch.
Bà Trạng ngao ngán trước những sự đổ vỡ. Bật đèn điện, không thấy cháy, bà xuống phòng chồng cầm đống điện thoại lên, không gọi được nữa. Máy nước cũng ngưng chảy. Không khí ly loạn hoang phế tràn ngập cả biệt thự rộng lớn giữa khu phố Tây.
Đôi chim bồ câu trắng ở chiếc chuồng cao trên sân thượng là hình ảnh linh động độc nhất còn lại trong hình ảnh tang thương này.
Bà Trần cùng Lệ thay đổi quần áo trong mớ y phục còn sót, trang điểm lại để ra ngoài. Hai mẹ con lần theo ven đường đi ra phía bờ Hồ qua những ngôi nhà đóng kín cửa.
Hồ Hoàn Kiếm với Tháp Rùa trở về dưới mưa phùn vắng lạnh ghê hồn trên những lối đi không một bóng người.
Hai người đàn bà tường chừng như đang lạc vào giữa một khung cảnh chết, thỉnh thoảng giật mình vì tiếng xe chạy vút qua như một con thú dừ đầm sầm trên đường nhựa.
Đến Nhà thờ lớn đóng cửa, Lệ cùng mẹ rẽ tới ngõ Huyện, đi về phía Nhà Chung. Lệ đang hỏi một bõ già đi ra gác chuông, một người vận áo linh mục từ dãy nhà trong bước ra.
- Thím!
Nghe tiếng gọi, Lệ nhìn kỹ vị linh mục béo lùn, nhận ra ngay anh chồng. Diệm mừng rỡ đón rước Lệ và bà Trạng đến phòng riêng để trò chuyện. Qua những câu hỏi han dồn dập, Lệ được anh chồng cho hay:
- Tôi tính nhờ dì Phước hôm nọ vô Hà Đông gặp chú để cho chú thím hay tin trong nhà: chú Cẩn đã đưa mẹ trở về nhà ở Phú Cam sau khi phải tản cư lên nhà họ Phường Đúc. Pháp đã chiếm lại thành phố Huế rồi. Cha xứ Phú Cam nhắn ra đây cho cha Nguyện hay như vậy. Còn anh Giám mục, vẫn thường ở Vĩnh Long. Chú Luyện hiện đang ở Sài Gờn. Tôi cũng tính vô trong đó cho rộng đường hoạt động hơn.
Bà Trạng hỏi:
- Ông có được tin gì về cựu hoàng Bảo Đại không?
- Ông Bảo Đại vẫn ở Hồng Kông. Người Pháp có ý định mời cựu hoàng về nước chấp chính, song ngài chưa quyết định.
Diệm ngừng một lúc rồi nói:
- Hôm nọ Cao uỷ Pháp d'Argenlieu có gặp tôi mời tôi ra hợp tác mới đây lại nhờ người giục tôi nữa, song tôi cũng còn đợi cho tình thế rõ ràng hơn. Ông d'Argenlieu là người của phong trào Cộng hoà Bình dân, trước cũng có ở dòng tu, có quen với anh Giám mục tôi và có gặp nhau ở Sài Gòn nên muốn cho tôi ra lập nội các lắm.
- Vậy sao anh không nhận? - Lệ hỏi.
- Tôi cũng muốn lắm song chưa gấp được. Tôi định vô Nam xem xét ra sao đã rồi đi Hồng Kông gặp ông Bảo Đại, sau đó mới có thể dứt khoát nhận lời hay không.
Diệm nhìn bà Trạng nói tiếp:
- Tôi định nếu tham chính, thế nào cũng mời ông nhà ta giữ một ghế Bộ trưởng.
Bà Trạng tươi hẳn lên khi nghe địa vị tương lai của chồng mình.
- Ông liệu xem rồi Pháp có điều đình với Việt Minh không?
- Không? Tôi tin là không đâu!
Rồi Diệm giải thích:
- Tôi được tin rằng ông Bộ trưởng chiến tranh Pháp hiện thời là Coste Floret, thuộc phe hữu phong trào Cộng hoà Bình dân sắp qua viếng Việt Nam, chủ trương chống lại mọi cuộc điều đình với ông Hồ Chí Minh. Tuy ngoài mặt, Pháp nói dùng đến giải pháp chính trị để giải quyết vấn đề Việt Nam, song họ muốn dùng quân sự để chiếm lấy ưu thế chớ không nói chuyện riêng với Việt Minh đâu. Đức Bảo Đại được Pháp coi như tiêu biểu cho phe quốc gia và tôi được tin cậy. Cựu hoàng tuy chính thức vẫn là cố vấn tối cao của chính phủ Hồ Chí Minh, nhưng ngài vừa tuyên bố với hãng thông tấn Mỹ United Press: không bao giờ ngài đứng ra thương thuyết cho chính phủ Việt Minh đâu.
Diệm ngừng để suy nghĩ, rồi nói tiếp:
- Hiện giờ tôi chỉ ngại phía trong Nam thôi. Phe thực dân và đốc phủ sứ ở Nam Kỳ muốn lập một xứ Nam Kỳ tự trị. Phó Thủ tướng chính phủ này, ông toà Trần Văn Tỷ đã công khai tuyên bố trong một cuộc họp báo, nói rằng: "Nếu có toàn quyền, tôi sẽ xây một bức Vạn lý Trường thành thứ hai ở giữa Nam Kỳ và Bắc Kỳ". Ông ta còn bảo là "Nếu ngày mai Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam, tôi sẽ từ chối!". Ông Tỷ hiện được các giới người Pháp có thế lực ủng hộ và sắp sang Pháp để vận động cho Mặt trận Nam Kỳ quốc. Tuy vậy cái chính phủ Nam Kỳ tự trị của bọn Nguyễn Văn Thinh Trần Văn Tỷ, Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Tấn Cường coi bộ lung lay, khó đứng vững được trước mặt trận quốc gia gồm các giáo phái Cao Đài, Hoà Hảo, Dân Xã ủng hộ đức Bảo Đại. Ở Huế, có ông Trần Văn Lý đứng ra lập một Uỷ ban Hành chính lâm thời. Tại Hà Nội này có ông Trương Đình Tri, cựu Bộ trưởng Y tế của Việt Minh cũng đang rục rịch như vậy.
Bà Trạng Trần không khỏi sốt ruột nghe nhắc đến các tên quen biết đua nhau ra tham chính mà vắng mặt chồng bà, song thấy yên lòng khi nghe Diệm nói:
- Tôi coi hình như Pháp đang cần người có uy tín hơn.
Lệ lên tiếng:
- Anh tính ngày nào vô Nam?
- Tôi cũng còn đợi coi thuận tiện đã.
- Anh đi bằng máy bay chứ?
- Phải. Đi nhờ máy bay Pháp vô Sài Gòn, chớ lúc này còn đường nào nữa? Đi tàu thuỷ thì phải xuống Hải Phòng, mà từ đây xuống đó đường sá bất trắc lắm. Ngay tại Hà Nội bây giờ, có đi ra ngoài thím cũng nên cẩn thận. Bọn lính tráng, nhất là Lê dương, chúng nó hỗn lắm.
Rồi Diệm kể:
- Ngay ở đường Gambetta, ngay sau hôm đánh nhau, cả gia đình bác sĩ Luyện và mấy người con trai bị bọn lính mũ đỏ vào bắn chết và đập phá cả bệnh viện vì chúng cho là tiếng súng từ bên nhà này bắn ra.
Thấy bà Trạng và Lệ có vẻ lo ngại, Diệm khuyên:
- Hay là bà với thím đến ở tạm cùng các bà Phước, tôi nói cha Nguyện thưa lại với Bà Bề trên cho.
Bà Trạng không muốn giam mình giữa chốn tu hành nên trả lời:
- Cám ơn ông. Chúng tôi ở khu phố Tây cũng yên.
Từ giã anh chồng, Lệ cùng mẹ đến nhà Mai Lý, bạn cũ của bà Trạng đã từng giữ chức chánh mật thám thời Pháp ở biệt thự đường Carreaux.
Bà Trạng kinh hoàng nghe người nhà họ Mai kể lại cái chết thảm khốc của người bạn đã có thời đeo đuổi bà, từ một năm nay không gặp: họ Mai đã chết một cách bí mật. Người nhà vẫn không rõ họ Mai đã bị ai ám sát, chỉ biết trong những ngày cuối cùng Mai Lý sống trong sự lo âu đe doạ của những kẻ thù mà trước kia Mai Lý đã bắt bớ tra tấn, tù đày, giết hại. Mai Lý hết sức đề phòng, ngày đêm không bước ra khỏi nhà.
Nhưng rồi một buổi sáng, người nhà thấy Mai Lý nằm chết gục bên cửa sổ với một lưỡi dao cắm phập sau lưng, đâm suốt thấu tim, máu chảy thành vũng đã khô đặc dưới chân. Con chó bẹc-giê to lớn không bao giờ rời xa chủ cũng nằm chết bên cạnh họ Mai, xác bị thuốc độc tím thâm cả lại.
Bà Trạng ra khỏi nhà họ Mai, thờ thẫn như người không hồn, bước đi nặng nề bên cạnh Lệ.
Chiều xuống mau bên những ngọn cây trơ trụi đã chớm đâm lộc non mùa xuân.
Hai người đàn bà lẻ loi trên đường vắng lạnh như hai cái bóng vật vờ trôi giạt trong khung cảnh thê lương của thành phố chiến tranh.
Lệ bỗng nhắc nhở mẹ:
- Mẹ có nhớ ông Jacquet nhà ở phố nào không?
Tâm tạng đang rối bời của bà Trạng đột nhiên bừng lên khi nghe con gái nhắc đến người tình cũ, vội rảo bước tới khu biệt thự Hale hy vọng tìm gặp lại Jacquet giữa giờ phút buồn nản, chơ vơ.
Jacquet, trước đây là chủ tỉnh Bạc Liêu, hồi ông Trần Văn Chương có văn phòng luật sư tại đây. Thuở ấy, bà Trạng mới về nhà chồng, đang sống hờ hững bên cạnh người bạn trăm năm của một cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối, gặp viên chủ tỉnh đẹp trai người Pháp ở giữa tỉnh nhỏ đồng chua nước mặn cuối miền Nam.
Trong khung cảnh buồn tẻ của xứ "dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu" người thiếu phụ đài các lãng mạn đất Thần kinh gặp chàng thanh niên Ba Lê đa tình trong buổi đại tiệc khiêu vũ ở dinh chủ tỉnh.
Hơi rượu sâm banh và âm nhạc dịu ngọt cùng những lời mơn trớn của Jacquet đã làm cho bà Trạng ngây ngất say sưa quên cả chồng đang ngồi trò chuyện với một người Pháp già phó tham biện và kiêu hãnh nhìn vợ mình nổi bật giữa các phu nhân tỉnh nhỏ, được ông chủ tỉnh chú ý mời nhảy liên tiếp hết bản này đến bản nọ.
Trong cuộc dạ hội hôm ấy, bà Trạng được chấm làm hoa khôi, hơn cả mấy bà đầm và các bà đốc phủ sứ, bác sĩ, đại điền chủ tỉnh Bạc Liêu, nổi tiếng giàu có nhất Nam Kỳ.
Ông chủ tỉnh Jacquet đã tặng bà Trạng một chiếc mề đay vàng làm kỷ niệm, tự tay đeo vào cổ người đẹp và hôn tay.
Mối tình nảy nở nhanh chóng giữa người trai Pháp quyền thế và bà Trạng đa tình. Chẳng mấy chốc đồn khắp cả tỉnh. Ông Trần cũng như tất cả những người chồng có vợ ngoại tình trên đời, lẽ tất nhiên bao giờ cũng là người biết đến cuối cùng.
Mỗi chiều thứ bảy bà vợ một mình lên Sài Gòn đến thứ hai mới trở về nhà và trong khoảng thời gian đó, viên chủ tỉnh chưa vợ cũng vắng mặt tại Bạc Liêu. Có khi, Jacquet chở cả bà Trạng đi cùng xe lên Sài Gòn và ông Trần còn lấy làm hân hạnh cho rằng ông chủ tỉnh lịch sự biệt đãi mình có một bà vợ tân tiến, đúng thời trang văn minh Tây phương.
Các nhà hàng sang trọng, nhà khiêu vũ, khách sạn lớn ở Sài Gòn độ ấy, cứ vào cuối tuần lại được dịp đón tiếp đôi trai gái Pháp - Việt sánh vai nhau như vợ chồng trong tuần trăng mật.
Tính dan díu không còn che đậy, những cuộc ái ân không còn giấu diếm đã diễn ra một cách hết sức đều đặn giữa đôi lứa "già nhân ngãi, non vợ chồng" này, không làm ngạc nhiên ai nữa, ngoài người chồng hiền lành đến nhu nhược, bất lực. Ông Trần là người ngạc nhiên sau cùng, song bà vợ còn dành riêng cho ông chồng mọc sừng một sự ngạc nhiên quá trí óc tưởng tượng của nhà luật sư.
Chẳng những người vợ ngoại tình không chối cãi, van lơn chồng tha thứ, trái lại còn ngang nhiên đòi ly dị.
Người vợ đa tình đã thẳng thắn bộc lộ tất cả lòng mình, khi biết chồng mình bắt đầu nghi ngờ lòng chung thuỷ của mình.
- Phải, tôi có tư tình với Jacquet. Hơn thế nữa, tôi cũng muốn chung sống với anh ấy nữa, vì tôi đã yêu và chúng tôi đã yêu nhau. Tại sao chúng ta lại không nói thật tất cả với nhau? Tôi không cần phải giấu diếm gì hết, vì tôi thấy nói dối không có lợi trong lúc này, nhất là sự dối trá đó không mang lại hạnh phúc đến cho tôi. Chúng ta lấy nhau không phải vì tình, mà chỉ là cuộc hôn nhân của lý trí… Như vậy không có lý gì bắt buộc chúng ta phải ăn đời ở kiếp với nhau cả. Tôi không sợ dư luận đàm tiếu vì dư luận không làm cho tôi sung sướng. Hơn nữa, nếu sợ dư luận, tôi đã không làm những việc mà tôi đã làm, và tiếp tục làm. Dư luận là gì mới được chứ? Tôi bất chấp. Tôi thành thật, tôi muốn sống theo tình cảm của tôi. Vì thế, mặc dù mình đối với tôi hết sức tử tế, lịch sự, tôi không oán ghét gì mình cả, song tôi muốn xin ly dị. Tôi không muốn cho mình bị tổn thương đến danh dự vì có một người vợ ngoại tình. Tôi cũng không muốn kéo dài cuộc sống bên cạnh một người chồng mà tôi không yêu.
Những lời lẽ bất ngờ của vợ dồn dập thốt ra làm cho ông Trần choáng váng, không kịp nhận định để phản ứng nên chỉ ngồi yên, sững sờ lặng nghe. Bà Trạng như cởi mở được bao nhiêu nỗi chất chứa bấy lâu, nhìn bình hoa hồng trên bàn thao thác bất tuyệt:
- Tôi mong mình hiểu: chúng ta không chung sống với nhau được nữa thì chia tay như bạn bè. Trong khi chờ ly dị, chúng ta hãy sống ly thân, mỗi người một cuộc đời từ hôm nay.
Ông Trần nghẹn ngào lên tiếng hỏi:
- Mình đi đâu?
- Tôi sẽ bắt đầu sống một cuộc đời mới.
- Sống với Jacquet?
- Phải, chúng tôi sẽ thành hôn sau khi ly dị xong.
Ông Trần nghĩ đến tiếng tăm sẽ gây nên khi vụ ly dị đưa ra toà, những hậu quả đối với đại gia đình họ Trần, những dị nghị ảnh hưởng đến nghề nghiệp luật sư ở trong xã hội mà dư luận còn khắt khe. Nhìn thấy vợ vẫn tươi sáng, thản nhiên, ngang ngạnh, ông Trần nói:
- Để tôi suy nghĩ lại đã.
Trong khi ông Trần kéo dài thì ông bà Tổng đốc thân sinh luật sư Trần Văn Chương ở Hà Nội nhận được một bức thư của người con dâu trưởng trình bày mọi lẽ để xin ly dị.
Ông Trần vô cùng khốn khổ khi tiếp được thư của bà mẹ hỏi về những sự bất hoà ở gia đình và khuyên nhủ con khôn khéo đối xứ với người vợ có thể làm hại đến thanh danh, tiếng tăm họ Trần.
Sự đau khổ, tức giận của người chồng bị vợ ngang nhiên ngoại tình và công khai tuyên bố với nhà chồng để xin ly dị khiến ông Trần trở nên bình tĩnh, chịu đựng khác thường. Với vợ, ông chỉ vắn tắt bảo:
- Tôi không muốn ly dị.
Hôm sau, ông Trần đặt một bữa tiệc lớn tại nhà, mời những nhân vật tai mắt ở Bạc Liêu cùng viên chủ tỉnh tình địch đến dự.
Ông Trần sắp vợ ngồi giữa mình và viên chủ tỉnh, rồi đến tuần sâm banh, ông nâng ly lên tuyên bố:
- Chúng tôi thành thật cám ơn ông chủ tỉnh cùng quý vị đáp lời của vợ chồng chúng tôi đến dự buổi tiệc hôm nay, để chứng kiến cho rành, trái với những dư luận đồn đại, xuyên tạc bên ngoài, gia đình chúng tôi vẫn hạnh phúc đằm thắm, vợ chồng chúng tôi vẫn chung sống vui vẻ bên nhau. Vậy, xin mời ông chủ tỉnh cùng các bạn nâng ly uống mừng cho vợ chồng chúng tôi.
Những người có mặt, nhất là bà Trạng và viên chủ tỉnh Bạc Liêu đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ông Trần cụng ly với vợ và quan khách xong, uống cạn chén rượu, gọi người hầu bàn rót thêm một tuần sâm banh nữa, rồi trịnh trọng đứng lên nói:
- Lý do thứ hai của bữa tiệc hôm nay là vợ chồng chúng tôi được gặp mặt đông đủ quý vị để ngỏ lời từ biệt. Văn phòng luật sư của chúng tôi dời về Sài Gòn, vợ chồng chúng tôi bắt buộc phải xa nơi này, xa các bạn đã có lòng thương mến chúng tôi trong suốt thời gian ở tại đây. Nhất là ông chủ tỉnh thân mến của chúng ta đã dành cho gia đình chúng tôi một cảm giác đặc biệt.
Thái độ của ông Trần không ngờ đã chiếm được thiện cảm của mọi người, viên chủ tỉnh Jacquet đâm ra ân hận trước tư cách mã thượng của người chồng mọc sừng, bà vợ ngoại tình cũng đành gượng cười gượng nói, đóng vai người vợ có diễm phúc, giữa chồng và tình nhân.
Bà Trạng thôi nói đến việc ly dị và cuộc dan díu với viên chủ tỉnh Bạc Liêu cũng mờ nhạt dần từ sau khi ông Trần dời văn phòng luật sư lên Sài Gòn.
Chuyện tình mười năm cũ như một cuốn phim quay lại cả quãng đời dĩ vãng, làm sống lại không khí nhiệt tình, yêu đương trong lòng người thiếu phụ bốn mươi đang đi trên đường vắng Hà Nội chiến tranh.
Bà Trạng nhìn kỹ tên ở tấm bảng đóng ngoài cửa rồi đưa tay lên bấm chuông. Không nghe chuông rung. Lệ cất tiếng gọi, thấy một con chó Tây lớn sồ ra sủa. Rồi một người Pháp ló đầu qua cửa sổ, nói vọng ra:
- Ai đấy? Muốn gì?
- Tôi muốn hỏi ông Jacquet.
- Ai muốn hỏi?
- Một người bạn gái. Bà Trần Văn Chương.
Bà Trạng trả lời rồi bảo Lệ:
- Đúng là giọng nói của Jacquet rồi. Một người Pháp cao lớn, râu quai nón, trạc ngoài bốn mươi từ từ đi ra, nhìn thấy bà Trạng bỗng tươi cười bước mau về phía cửa:
- Bất ngờ thật! Cơn gió nào đưa bà đến đây. Tôi không ngờ có sự ngạc nhiên thú vị thế này!
Bà Trạng đưa tay ra bắt, giới thiệu Lệ. Jacquet nhìn từ mẹ đến con gái rồi nói:
- Bà có cô con gái lớn đến thế này rồi. Cô ta giống bà lắm, và cũng đẹp như bà. Tôi tưởng là hai chị em mới phải. Xin mời vào nhà.
- Tôi rất hân hạnh được đón tiếp hai người đẹp trong một hoàn cảnh như vầy. Chiến tranh! Thật là một điều ghê tởm!
Jacquet nheo lại một bên mắt, cười hỏi bà Trạng:
- Xứ sở bà đang có chiến tranh chống nước Pháp. Nhưng bà không chống tôi chứ?
- Chống anh? Để tôi còn xem đã.
- Tôi bao giờ cũng sợ các bà thù nghịch, nhất là đối với những người đẹp và thông minh như người bạn cũ của tôi đây. Nào, các bà dùng gì? May ra tôi còn giữ một ít rượu để đãi khách. Ấy, tôi mừng gặp lại bạn cũ mà suýt quên là đang còn một chai sâm banh cất kỹ. Tôi phải mở ra để khao cho cuộc tái ngộ bất ngờ này.
Không đợi ý kiến khách, Jacquet vui vẻ đi vào trong, rồi trở ra với một chai rượu sâm banh lớn cùng ba cái ly pha lê. Chủ nhân trịnh trọng mở rượu rót mời, ba người cùng chạm cốc.
Jacquet nói qua về mình, bị Nhật bắt hôm đảo chánh đang lúc làm công sứ ở Bắc Ninh, được thả về sau ngày Đồng Minh thắng trận, và hiện chưa làm gì, còn đợi tình thế yên đã. Y nhìn bà Trạng, rót rượu châm vào ly khách, hạ giọng:
- Tôi vẫn luôn luôn một mình. Từ độ quen biết bà ở Bạc Liêu cho đến nay.
Bà Trạng hỏi:
- Sao anh không lấy vợ? Anh còn trẻ kia mà?
- Chính tôi cũng vẫn tự hỏi: sao mình không lấy vợ? Và có lẽ vì cứ hỏi như thế mà mãi không có vợ, nên đành mang tiếng là vieux garçon(1). Thú thật là tôi vẫn chưa quên sự thất bại độ nào, định lập gia đình mà không xong.
Nghe nhắc lại chuyện cũ, bà Trạng nhìn Jacquet buồn bã nói:
- Anh nhiều tình cảm quá và hay mơ mộng… thói cũ vẫn không chừa!
- Bà bảo không mơ mộng trong lúc này thì cũng đến điên đầu trước thực tế đang diễn ra chung quanh. Tôi rất yêu xứ này, trong khi tôi là người Pháp… tôi không chịu được việc đôi bên bắn giết nhau… thật là điên!
Lệ mỉm cười ngắt lời:
- Ông thuộc phái chủ trương hoà bình?
- Không, tôi không ưa chính trị, không ở trong đảng phái nào cả. Tôi ghét chiến tranh… con người sinh ra có phải để oán thù, giết nhau đâu! Không! Muốn bảo tôi thế nào cũng được, tôi chỉ muốn thái bình, yêu thương. Nhược điểm của tôi là vậy, bà bạn cũ của tôi có công nhận là đúng không?
Bà Trạng thấy Jacquet xoay câu chuyện chung quanh tình cảm trước mặt con gái mình, đâm ra hơi ngượng.
Tiếng trọng pháo nổ dồn dập theo những tràng đại liên vẳng dội đến lôi cuốn cả ba người trở về thực tại. Jacquet lên tiếng phá tan im lặng nặng nề:
- Xin lỗi, tôi mải vui mừng gặp lại bạn cũ mà quên hỏi thăm tin tức ông nhà hiện giờ ra sao?
Bà Trạng đáp:
- Nhà tôi hiện còn tản cư ở Hà Đông.
- Thế bà và cô đây về từ bao giờ?
- Vừa mới hôm nay.
Jacquet có vẻ ân hận thật tình:
- Rõ tôi thật là ngốc? Thế mà nãy giờ tôi cứ nói những câu chuyện đâu đâu. Một ngàn lần xin lỗi bà và cô. Tôi đi xa rời thực tế quá. Tôi xin sẵn sàng hết lòng, bà và cô cần điều gì cứ bảo.
Bà Trạng nói:
- Chúng tôi mới tản cư về, thấy nhà cửa bị cướp phá, ở giữa một dãy biệt thự vắng vẻ đường Gambetta, trong khu vực Tây, liệu có được an ninh không?
- Nhà bà ở trong khu vực Táy như thế tương đối là yên ổn đấy. Nhưng để tôi nói nhờ quân cảnh bảo vệ cho bà mới được. Còn vấn đề ăn uống ra sao?
- Tôi có tích trữ một số lương thực trước hôm chạy đi, song cũng bị lấy mất gần hết. Kể cũng hơi phiền.
- Không sao cả. Tôi xoay xở cho. Nhà bà có mấy người tất cả?
- Tôi, con gái tôi và một U già.
- Được rồi. Tôi có một người bạn ở sở tiếp tế, sẽ cho xe chở lương thực đầy đủ đến nhà. Cho tôi địa chỉ số nhà đi. Bà và cô có thể yên trí. Còn cần gì nữa, cứ cho tôi được biết. Đây là bổn phận của tôi, bà đừng ngại gì cả.
Sự sốt sắng của Jacquet đối với bà Trạng và Lệ trong mấy ngày đầu trở về Hà Nội đã mở đường cho sự thân tình giữa đôi bạn cũ.
Sống bên lửa đạn những ngày cuối chiến tranh ở Thủ đô, bà Trạng đã trải qua nhiều giờ phút ngất ngây, bốc lửa với người tình cũ Lệ đâm ra khao khát cuộc sống nồng nàn, đắm đuối của mẹ, và tâm hồn cùng xác thịt nóng bỏng của nàng mơ ước gặp lại các bạn trai ngày xưa.
Trong khi bà Trạng nhờ sự giới thiệu của viên cựu công sứ để giao thiệp các nhân vật thuộc phủ uỷ viên Cộng hoà Pháp, chiều chiều Lệ một mình phất phơ bên bờ hồ Hoàn Kiếm, phía hồ Tây yên ổn.
Tiếng súng còn nổ lẻ tẻ khu vực phố khách và chợ Đồng Xuân vẳng lại mặt hồ bình lặng làm rung rinh bóng Tháp Rùa in xuống Hồ Gươm.
Một hôm, đến Nhà Chung thăm Diệm ra về đến đầu phố ngõ Huyện, Lệ gặp hoạ sĩ Phạm, bạn học cũ, đã từng hoá trang cho Lệ thời kỳ nàng múa ở Nhà hát lớn Hà Nội. Qua những lời hỏi han, hoạ sĩ Phạm mời nàng đến chơi ở xưởng hoạ giữa phố Hàng Gai ngoài vòng tàn phá của lửa đạn. Lệ vui vẻ nhận lời ngay.
Nghe Lệ mới trở về Thành và đang rảnh rang, muốn làm việc để khỏi buồn chán vẩn vơ, hoạ sĩ Phạm nói:
- Tôi dành cho Lệ một sự bất ngờ lý thú, hợp với bản tính ưa hoạt động của Lệ.
Lệ tò mò hỏi, Phạm cười không trả lời, đưa nàng đi qua mấy ngả đường vắng tanh. Đến trước một phố nhỏ bên gốc cây bồ đề, ngày trước là ngôi am thờ cúng, Phạm lặng lẽ dắt Lệ đi vào tuốt trong sâu, chui qua lỗ hổng đục ở vách tường, qua một nhà nữa, rồi ngừng lại:
- Đến nơi rồi!
Phạm bật diêm đốt một ngọn nến cắm lên miệng chai rượu đặt trên bàn. Trong ánh sáng chập chờn, Lệ nhìn thấy các bức tranh sơn màu treo, dựng kín chung quanh, rồi nhìn đến nét mặt Phạm bỗng nhiên trở nên rắn rỏi lạ thường. Lệ chưa kịp ngạc nhiên thì nghe bạn nói:
- Tôi nhờ Lệ đến đây để nhờ Lệ một việc hệ trọng. Tôi nghĩ rằng Lệ là bạn cũ, Lệ là người có nhiều tình cảm không thể nào làm ngơ trước những sự đau khổ của kẻ khác, nên đã không ngại ngùng đưa Lệ vào nơi bí mật này. Lệ theo tôi qua đây sẽ rõ.
Phạm cầm cổ chai cắm nến lên, một tay nhấc bức tranh vải chắn ngang mở ra một lối chui vào căn phố bên cạnh. Lệ ngạc nhiên, rờn rợn ngoan ngoãn đi theo. Phạm đưa nàng đến một gian phòng rộng, có ánh sáng lờ mờ qua mấy lỗ nhỏ trên vách.
Trên nền nhà, hình dáng những người đang nằm im như xác chết. Tiếng thở mệt nhọc, tiếng rên rỉ nho nhỏ đưa đến tai Lệ, và mắt nàng đã quen với bóng tối, nhận ra những con người bị thương, băng bó sơ sài. Tiếng nói của Phạm nổi lên trong khung cảnh dị thường mà Lệ không hề ngờ đến:
- Các anh, các chị nằm đây, trong số này cũng có bạn của Lệ như tôi. Tất cả đều chiến đấu mà bị thương. Chúng tôi thiếu thuốc men, băng bó. Có một số đã chết. Chúng tôi phải cực nhọc mới đưa họ luồn qua các phố đến đây. Lệ giúp cho một tay để săn sóc, cứu chữa anh, chị em.
Lòng thương người của Lệ xúc động mạnh, song nàng thấy mình bất lực trước cảnh đau thương ghê gớm kia nên chỉ biết lắc đầu:
- Tôi có quen công việc cứu thương đâu!
Phạm van nài:
- Lệ có thể về xoay cho chúng tôi ít thuốc men cần thiết, loại trụ sinh, có thể cứu được những vết thương chưa đến nỗi tuyệt vọng.
Thấy Lệ im lặng, Phạm nói luôn:
- Tôi không tin rằng Lệ có thể làm ngơ trước những anh, chị em đang như thế kia. Tôi là hoạ sĩ mà lúc này cũng phải vứt bút vẽ đi để săn sóc cho họ.
Phạm cúi xuống hỏi han, rót nước cho vài người rồi cầm đèn đưa Lệ trở về phòng vẽ. Chàng rót một ly rượu mời, Lệ không uống.
Chàng đưa lên nốc một hơi rồi nói:
- Có mấy két Rhum đưa đến đây, tôi vừa dùng để rửa vết thương cho anh em, vừa lấy uống cho ấm bụng.
Đoạn Phạm kể cho Lệ hay rằng những người bị thương kia là anh, chị em ở các phố Hà Nội ở lại chiến đấu từ đêm nổ súng. Họ thay phiên nhau cầm cự, luồn qua các phố đục thủng vách tường, và mặc dầu thiếu võ khí, yếu thế, không một ai muốn rời bỏ thành phố thân yêu, để cho lọt vào tay quân địch.
Lệ thắc mắc hỏi:
- Các anh tin tưởng những gì mà chiến đấu trong tuyệt vọng như thế Định chết cho ai?
- Chúng tôi không tính toán, chỉ biết rằng mình là trai Hà Nội, yêu thương Hà Nội, phải giữ Hà Nội đến cùng, thế thôi! Còn định chết cho ai, như Lệ vừa nói, thật ra tôi cũng như những anh, chị em đang chiến đấu, thật tình cũng không nghĩ đến. Chúng tôi không muốn mất Hà Nội vào tay người khác. Đó không phải là một sự tự vệ chính đáng sao?
Lệ suy nghĩ rồi thong thả nói:
- Anh lý tưởng quá, mơ mộng quá.
Phạm mỉm cười:
- Ít ra con người còn có một lý tưởng để sống, để mơ mộng còn hơn sống mà không biết mình ra sao nữa, phải không Lệ?
Câu nói của người bạn cũ hoạ sĩ lởn vởn trong đầu óc Lệ trên đường về nhà. Những lời dặn dò thuốc men của Phạm biến mất khi nàng thấy một chiếc xe chở lính mũ đỏ mang súng chạy vụt ngang đại lộ trước nhà.
Nàng sực nghĩ đến các cuộc hãm hiếp của lính Tây do U già nghe ngóng kể lại từ sau khi quân Pháp phá vỡ vòng vây, tràn vào các khu người Việt, bắn giết, đốt nhà, cưỡng bức đàn bà, con gái mà chúng vồ bắt được.
Hình ảnh người lính Lê dương mình đầy lông lá, chỉ mặc mỗi một chiếc xì líp, tay cầm súng tiểu liên như những con thú dữ sổng chuồng hơi thở sặc nồng mùi rượu, lăn xả vào các khu phố có người Việt đi lùng đàn bà, con gái… Lệ rùng mình. Tiếp đến là hình ảnh của các nam, nữ thanh niên bị thương nằm rên rỉ trong căn phố tối tăm dưới ánh nến chập chờn ở trong tay người bạn hoạ sĩ. Lệ nằm trằn trọc, bị những hình bóng tối đen ám ảnh, ngồi lên đốt ngọn nến đầu giường, viết vào tập nhật ký mới bắt đầu từ hôm trở về Thành.
Bất giác nàng nhớ đến những lời của bà Trạng thốt ra khi đặt chân trở lại Hà Nội.
- Chiến tranh bẩn thỉu!
 
Chú thích:
(1) Vieux gaçon =  trai già ( Tiếng Pháp)