Chương 17

Hôm sau, do cô giáo dạy văn bị viêm ruột thừa nên lớp tôi được nghỉ hai tiết cuối. Cả lớp đến bệnh viện thăm cô nhưng không gặp do cô còn đang nằm trong phòng hồi sức. Tôi gọi điện thoại về nhà để mẹ đến đón nhưng do  ống nghe bị chênh nên không liên lạc được, cuối cùng, tôi đành vẫy xe ôm về nhà. Nhìn cánh cửa không khóa tôi biết mẹ đang ở trong nhà. Tôi rón rén bước vào định làm cho mẹ bất ngờ. Không thấy mẹ trong phòng khách, tôi bèn xuống thẳng nhà bếp. Và cảnh tượng đập vào mắt khiến tôi sửng sốt. Mẹ đang ngồi gục đầu xuống bàn, mái tóc rối bù phủ xuống tung tóe. Nhìn đôi vai mẹ run lên bần bật, tôi đoán, là mẹ đang khóc. Trên bàn là chai rượu đang uống dở. Điếu thuốc ngún khói đặt trên chiếc gạt tàn thuốc lá. Tôi ngơ ngác tự nhủ, chuyện gì đã xảy ra. Tại sao mẹ lại uống rượu và hút thuốc lá? Mẹ nghiện những thứ ấy từ bao giờ? Và tại sao mẹ lại khóc.
Tôi nép vào bức vách để quan sát. Mẹ khóc một lúc lâu bỗng ngẩng lên, tôi thấy gương mặt mẹ đầm đìa nước mắt, rồi mẹ vơ lấy chai rượu tu ừng ực như người sắp chết khát. Mẹ có vẻ đã say, gương mặt đờ đẫn mất hết sinh khí:
- Trời ơi, tại sao ông nỡ đày đọa chúng tôi như vậy? Chúng tôi nào có lỗi lầm gì mà phải hứng chịu sự trừng phạt khủng khiếp như thế? Ông có mắt mà cũng như mù! Mù! Thượng đế mù! Thượng đế tật nguyền sinh ra những đứa con tật nguyền! Ha! Ha!
Mẹ cười rũ rượi như người tâm thần. Rồi mẹ cầm lấy điếu thuốc đưa lên miệng bập bập mấy cái. Những làn khói trắng đục từ miệng mẹ bay ra lởn vởn khắp phòng. Mẹ lại khóc. Lần này tiếng khóc bật lên thành tiếng. Tiếng khóc nghe như tiếng sói tru trăng. Tôi thấy thương mẹ quá. Mẹ ơi, mẹ có nỗi khổ tâm gì không thể giãi bày?
Tôi chạy vội về phòng mình khóc nức nở. Tôi không muốn xuất hiện trước mặt mẹ, tôi không muốn mẹ phải khó xử và nhìn thấy mẹ trong bộ dạng thê thảm như thế.
Buổi tối, cả nhà quây quần bên mâm cơm. Ba mẹ tôi tiếp tục vai diễn hạnh phúc của mình để đánh lừa con cái. Mẹ liên tục gắp thức ăn cho mọi người, vừa nói chuyện vui vẻ. Tôi không thấy bóng dáng của người đàn bà đau khổ lúc chiều. Ba cũng thế, ông vừa và cơm vừa kể vài mẫu chuyện vui trong cơ quan. Không khí bữa ăn tối ấm cúng một cách giả tạo. Tự nhiên tôi thấy đắng nghét trong cổ họng. Tôi thấy thương cho bản thân và anh Khương. Hai anh em chúng tôi  bỗng trở thành những khán giả bất đắc dĩ buộc phải xem màn kịch vụng về.
- Chủ nhật tuần này cả nhà ta sẽ đi chơi thảo cầm viên nhé? – ba nói:- Nghe bảo trong ấy có thêm nhiều giống lan mới rất đẹp.
Mẹ lập tức gật đầu tán đồng:
- Phải đấy, cả nhà ta lâu rồi chưa đi dã ngoại. Ở nhà mãi cũng tù túng. – mẹ đưa mắt nhìn tôi:- Mẹ sẽ chuẩn bị sẵn đồ ăn thức uống, chúng ta sẽ chơi đến chiều. Các con có đồng ý không?
- Con không thích đi đâu cả. Con chỉ thích ở nhà.
- Tại sao vậy,  con gái? – ba nhìn tôi trìu mến:- Con không muốn trở thành đồ cổ đấy chứ. Sau những ngày học hành vất vả cũng cần đi đây đó thư giãn, thay đổi không khí nữa chứ.
Tôi lắc đầu một cách cương quyết:
- Nhưng con không thích. Mọi người cứ đi, còn con ở nhà!
Anh Khương nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Sao hôm nay trông em lạ thế? Có chuyện gì à? Nếu không có chuyện gì tại sao em không đi cùng mọi người?
Tôi lắc đầu:
- Em phải ở nhà để học bài. Anh biết rồi đó, học sinh lớp tuyển nên giáo viên chủ nhiệm cho rất nhiều bài tập.
- Anh còn bận hơn em nữa là. Thôi, đừng có làm nũng nữa. Không có em buồn lắm, anh chẳng muốn đi nữa.
Mẹ nhìn tôi bằng ánh mắt khó chịu:
- Con gái càng lớn càng khó dạy. Tính khí cứ thay đỗi thất thường như thời tiết chẳng biết đâu mà lần. Thôi, chuyện đi chơi khi khác hãy bàn đến. Ăn cơm đi.
Buổi tối, anh Khương gõ cửa phòng tôi, trong lúc tôi học bài:
- Anh vào được không?
Tôi cất vở vào cặp. Vừa bước vào anh nói liền:
- Hôm nay em có chuyện gì không vui phải không?
- Sao anh lại hỏi vậy?
- Nhìn là biết thôi mà. Em không che giấu được cảm xúc của mình, vui hay buồn đều thể hiện qua cử chỉ,  nét mặt.
Tôi kể cho anh nghe những việc nghe thấy lúc chiều. Nghe xong, anh ngồi trầm ngâm một lúc lâu:
- Tại sao mẹ lại như thế nhỉ? Chưa bao giờ anh thấy mẹ uống rượu cả. Rõ ràng chuyện của ba mẹ ngày càng phức tạp.
Anh định giải quyết như thế nào? Em nghĩ, đây không phải là lần đầu tiên mẹ uống rượu, có lẽ, mẹ đã uống nhiều lần trước đó. Em thấy lo cho mẹ quá.
- Anh cũng thế. Hiện tại anh chưa biết phải làm sao. – Suy nghĩ một lúc anh Khương nói:- Theo anh, chúng ta nên cho ba biết chuyện này.
- Liệu có ổn không, anh Hai? Anh có chắc là ba mẹ sẽ không cãi vã to tiếng vì chuyện này chứ?
Anh Khương lắc đầu:
- Làm sao anh biết được. Nhưng chúng ta không thể im lặng như thế. Cần phải nói cho ba biết, nhóc ạ.
- Ai sẽ làm việc này? Anh hay em?
- Em là người chứng kiến, vì thế, em nói sẽ tốt hơn anh. Với lại có vẻ ba thương em hơn anh.
Suy nghĩ một lúc, tôi gật đầu đồng ý:
- Được rồi, em sẽ nói. Anh thấy khi nào là tiện nhất?
- Chuyện này không thể để kéo dài, em nên nói càng sớm càng tốt. Chuyện gì đã xảy ra với nhà mình, em nhỉ? Chán quá.
- Sáng nay, em sẽ nói lúc ba đưa em đi học, được không, anh Hai?
- Được. Thôi, anh về phòng mình đây. Em có xem ti vi không? Tối nay có phim Trung Quốc rất hay. Bộ phim này anh không xem từ đầu nhưng thấy tình tiết cũng rất hấp dẫn.
Tôi lắc đầu:
- Em chẳng còn hứng thú để giải trí nữa. Có lẽ, em sẽ ngủ sớm.
Anh Hai đi khỏi, tôi liền tắt đèn đi nằm. Tôi tưởng tượng đến gương mặt kinh ngạc của ba khi nghe tôi kể chuyện của mẹ. Thượng đế tật nguyền sinh ra những đứa con tật nguyền, câu nói của mẹ cứ ám ảnh tôi.