Chương 19

Sáng Chủ nhật chúng tôi không đi ăn ngoài quán như mọi khi mà điểm tâm tại nhà. Tối hôm trước, mẹ đã mua giò heo về hầm kỹ, sáng ra chỉ việc cho hoành thánh vào, nêm thêm chút mắm muối, gia vị  là có cái ăn. Mẹ múc cho mỗi người một bát. Tôi không ăn được hành lá và tiêu cay:
- Chốc nữa con với anh Hai sẽ đi nhà sách.
Mẹ gật đầu:
- Đi đâu thì đi nhưng nhớ phải về trước bữa ăn. Hai đứa định mua sách gì?
Anh Khương nhanh nhẩu đáp:
- Con cần tìm vài quyển  luyện thi đại học.
Tôi tiếp lời:
- Con vào đấy cốt chỉ xem truyện tranh thôi.
Ba ngước mắt nhìn chúng tôi:
- Hai đứa có tiền chưa? Có cần ba cho thêm một ít để tiêu vặt không?
Anh Khương đáp:
- Con còn tiền.  – Đoạn anh nhìn tôi và giục:- Bé Vy ăn nhanh lên. Anh ăn gần xong rồi đây.
Mẹ dặn:
- Hai anh em đi đường cẩn thận kẻo bị tai nạn đấy nhé. Nếu để xảy ra chuyện gì mẹ sẽ tịch xe chiếc xe đấy. Mẹ nói thật chứ không phải mẹ dọa suông đâu nhé.
Tôi thay đồ mới rồi chào ba mẹ. Anh Khương mặc chiếc áo thun chui cổ bó sát thân hình, nom anh gầy hơn mọi ngày.
- Anh còn nhớ đường đến nhà chú Trọng không?
- Trời ạ, đã đến nhà chú ấy không biết bao nhiêu lần, làm sao anh có thể quên cho được. Anh thậm chí có thể nhắm mắt đi thẳng một mạch đến đấy nữa là..
Tôi băn khoăn:
- Không biết chú ấy có ở nhà không nhỉ? Em lo chú đi vắng.
- Bây giờ hãy còn sớm, chắc chú ấy chưa ra ngoài đâu. Chú Trọng thường đậy rất muộn vào những ngày nghỉ, em không nhớ sao.
- Nhớ, nhưng em vẫn cứ lo không gặp được chú. Mình có cần mua quà cho chú ấy không, anh Hai?
Anh Khương lách xe tránh chiếc ô tô đi ngược chiều rồi cặp sát bên lề:
- Quà cáp gì. Anh em ta đâu có xa lạ gì với chú. Vả lại, mình đâu biết chú ấy thích những thứ gì mà mua?
- Ừ, nếu chú Trọng giữ anh em mình ở lại ăn cơm, anh nghĩ sao?
- Tất nhiên chúng ta phải từ chối. Em không muốn ba mẹ biết chuyện lén lút của hai anh em của mình chứ.
- Anh nói cũng phải. Mẹ biết thế nào cũng mắng một trận nên thân, thậm chí còn có thể bị phạt đòn nữa là.
- Em đã kể chuyện mẹ với ba chưa?
- Rồi, ba chỉ im lặng và thở dài. Khó hiểu quá.
Sắp đến nơi, tim tôi bỗng đập lên thình thịch. Tôi đoán, có lẽ, giờ nay chú còn đang ngủ. Chú có vui khi gặp được anh em tôi?
Thật thất vọng, khi tôi nhìn thấy ổ khóa to bằng nắm đấm treo mình trên cánh cửa. Không như tôi nghĩ, chú đi vắng.
- Mình về hay ở lại chờ chú ấy? – anh Khương nói.
- Em phải chờ để gặp chú ấy thì thôi. Đã đến đây rồi mà, anh Hai.
Anh Khương dựng xe trước sân. Chúng tôi ngồi phệch trước hiên nhà. Vài người trong xóm đi qua, họ nhìn chúng tôi bằng ánh mắt hiếu kỳ.
Thời gian trôi đi một cách nặng nề và lâu lắc. Đã gần một giờ trôi qua mà bóng dáng chú vẫn bặt tăm. Anh Khương tỏ vẻ sốt ruột, chốc chốc lại xem giờ.
- Hay là mình về, hôm khác lại đến?
Tôi lắc đầu cương quyết:
- Em phải gặp được chú ấy. Có lẽ, chú ấy sắp về rồi. Chờ thêm một chút đi, anh Hai.
Mười giờ, rồi mười một giờ, lòng kiên nhẫn của tôi bắt đầu cạn dần. Nắng chang chang như đổ lửa. Đã sắp đến giờ cơm trưa.
Mười một giờ, mười phút, một người đàn ông dáng vẻ khắc khổ từ ngoài bước vào. Tôi  và anh Khương cùng nép người sang một bên nhường lối. Người đàn ông bước đến bên cửa và thò tay vào túi áo tìm xâu chìa khóa:
- Hai cháu tìm ai?
Tôi nhanh miệng đáp:
- Chúng cháu tìm chú Trọng, chủ ngôi nhà này.
Người đàn ông nhìn chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Cậu Trọng đã  dọn đi chỗ khác, hai cháu không biết sao?
Tôi rùng mình như bị điện giật. Mắt tròn xoe vì kinh ngạc:
- Ồ, chú ấy đi rồi à? Tại sao chú ấy lại đi.
Người đàn ông khẽ lắc đầu:
- Điều này, bác không biết. Cậu Trọng có vẻ rất vội. Bác thuê lại ngôi nhà này.  Hai cháu là gì với cậu ấy?
Anh Khương không trả lời câu hỏi của người đàn ông mà hỏi lại:
- Bác có biết chú ấy đi đâu không?
Người đàn ông lắc đầu:
- Không biết. Bác không quan tâm nhiều đến chuyện đó. Có lẽ, cậu ta đi đến một nơi rất xa.
Tôi nói:
 - Cháu không nghĩ vậy, chú ấy còn công việc của mình...
- Vậy à? – người đàn ông tỏ vẻ quan tâm:- Nếu biết chỗ làm của cậu ấy thì hai cháu nên đến đấy mà hỏi. Nhưng hôm nay là Chủ nhật chẳng cơ quan nào làm việc. Các cháu phải đợi đến mai.
Chúng tôi cám ơn người đàn ông và ra về. Tại sao chú Trọng dọn đến chỗ khác mà không cho chúng tôi biết. Chuyện gì đã xảy đến với chú?
- Thật sự anh cũng bị bất ngờ như em. Tại sao chú ấy lại làm như vậy nhỉ?
- Anh Hai có nghĩ ba mẹ biết chuyện này không?
Anh Khương suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Anh đoán, ba mẹ đã biết chuyện này. Chắc chắn có điều gì khuất tất ở bên trong mà chúng ta chưa rõ. Chúng ta sẽ hỏi ba mẹ.
Chúng tôi trở về nhà lúc gần giữa trưa. Ba mẹ tôi ngồi trong nhà ăn và tỏ vẻ sốt ruột. Vừa trông thấy hai anh em chúng tôi, mẹ gắt:
- Mẹ đã bảo đi đâu cũng phải tranh thủ về trước giờ cơm. Để ba mẹ phải đợi cơm như thế, các con không thấy có lỗi sao?
Chúng tôi im lặng ăn cơm. Ba hết nhìn anh Khương rồi day sang nhìn tôi:
- Hai đứa có chuyện gì không vui à? Từ lúc về nhà đến giờ không mở miệng nói lời nào. Cứ như thế này, ba mẹ sẽ không cho các con đi chơi nữa.
Mẹ nói:
- Con cái mỗi lúc càng khó dạy. Hai đứa đi đâu từ sáng đến giờ nói thật đi. Mẹ chẳng thấy sách vở đâu cả. Mới tí tuổi đầu đã tập đòi nói dối.
Anh Khương giẫm nhẹ lên chân tôi ngầm ra hiệu tôi đừng nói thật nhưng tôi không làm như thế:
- Chúng con đến nhà chú Trọng. – tôi nói rành rọt từng tiếng.
Mẹ đưa mắt nhìn ba. Cả hai cùng im lặng, cử chỉ có vẻ lúng túng.
- Chú Trọng chuyển đến nơi khác, sao ba mẹ không nói cho con biết? – tôi chực khóc.
Ba và nốt phần cơm trong bát rồi vơ lấy cây tăm đưa lên miệng. Ba nói chuyện mà không nhìn chúng tôi:
- Chú ấy đã chuyển công tác khác. Ba mẹ chưa kịp nói với các con.
Thế là hết, tôi không còn hy vọng gặp được chú nữa. Tôi bỗng khóc một cách ngon lành như đứa trẻ bị đòn oan ức:
- Tại sao chú ấy ra đi một cách âm thầm như thế? Tại sao ba mẹ lại cố tình giấu con? Con ghét ba mẹ!
Mẹ tôi gõ mạnh đũa xuống mâm:
- Con học cách nói năng hỗn xược với ba mẹ như thế từ bao giờ vậy, hả? Không phải cứ có việc gì ba mẹ phải có trách nhiệm thông báo cho con cái. Ba mẹ biết việc nào có lợi và việc nào không có lợi.
- Nhưng, chẳng lẽ con biết chuyện ra đi của chú là có hại hay sao? Chú ấy bao giờ cũng tốt với con. Con không thấy có hại ở chỗ nào cả.
Cha đưa mắt nhìn mẹ. Mẹ có vẻ lúng túng vì đã lỡ lời.
- Ăn cơm đi! Không nói đến chuyện này nữa. Từ nay các con đừng nghĩ đến chú Trọng nữa. Mẹ không muốn các con bận tâm nhiều đến con người đó.
Anh Khương xen vào:
- Con không hiểu chuyện gì cả. Nhưng, rõ ràng chú ấy rất thân thiết với gia đình ta. Con không thể đối xử với chú ấy như người lạ. Con muốn biết về chú…
- Đã bảo không nhắc đến chuyện này nữa, con có nghe không! Ăn nhanh còn đi học bài. Sáng mai vào lớp làm bài không được thì đừng trách mẹ.
Anh Khương im lặng, và cơm lia lịa. Tôi đưa mắt nhìn ba như thầm hỏi. Ba nghiêng người nhìn chiếc quạt bàn đang xoay tít rồi nói bâng quơ:
- Chiếc quạt này khô dầu rồi. Hôm nào phải tháo ra lau chùi và tra dầu vào. Hàng Việt Nam chất lượng cao mà luôn xảy ra trục trặc.
Rồi ba đứng dậy bước lên phòng riêng của mình. Kể từ lúc đó mọi người chỉ cắm cúi ăn,  không ai nói với ai câu nào.
Tôi ăn một bát thì ngừng, không muốn ăn nữa. Mẹ nhìn tôi ra lệnh:
- Đưa bát cho mẹ! Ăn thêm bát nữa, đấy là lệnh!
Tôi không hiểu tại sao mẹ tôi nói đến chú Trọng bằng thái độ giận dữ như vậy. Tôi đem thắc mắc ấy hỏi ba, ba khuyên tôi nên tập trung vào việc học, chuyện của người lớn không nên biết làm gì. Tôi không bằng lòng câu trả lời của ba chút nào, bởi vì, tất những đều có quan hệ gắn bó với tôi. Và tôi cần phải biết.