Chương 20

Ba tôi xin nghỉ phép để đưa mẹ tôi đi Đà Lạt đổi gió. Mẹ tôi nhờ bà ngoại đến trông nhà và chăm sóc chúng tôi những ngày vắng nhà. Bà ngoại, tôi đã gần bảy mươi, tóc bạc trắng nhưng vẫn còn minh mẫn khỏe mạnh. Bà có thói quen so sánh mọi việc ngày nay với ngày xưa bằng giọng rất buồn cười. Và tất cả những gì ngày xưa của bà bao giờ cũng là hay nhất, đẹp nhất. Ngoại  có vẻ bảo thủ, không thích những thay đổi. Ngoại thích xem cải lương và nhai trầu suốt ngày. Tôi không thể hình dung ngoại sẽ sống ra sao nếu không có trầu. Quê ngoại tôi cũng ở Long An, cùng quê nội của tôi. Vì thế, mỗi lần về quê nội tôi đều ghé thăm ngoại. Ngoại thường nấu canh cua đồng cho tôi ăn. Mẹ tôi cũng biết nấu canh cua đồng rất ngon nhưng không thể sánh với ngoại. Ngoại ăn rất ít, mỗi bữa chỉ ăn lưng bát. Ở dưới quê, mỗi buổi tối, ngoại thường ra nằm trên chiếc chõng tre kê trước hiên nhà rồi nghêu ngao mấy câu giọng cổ trong những tuồng tích cũ. Ngoại hát không hay, giọng khàn khàn hụt hơi nhưng tôi vẫn thích nghe.
- Ngoại ơi, ngoại hát bài Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà cho cháu nghe đi ngoại.
Ngoại bảo tôi nằm xuống bên cạnh rồi nhắm nghiền đôi mắt và bắt đầu hát
"Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi/ Đường dài mịt mù anh không tới nơi…”.
Ngoại hát bằng tất cả sự say mê, dường như quên cả thế giới xung quanh.
 
Gặp ngoại, tôi vui lắm. Buổi chiều hai bà cháu ra công viên gần nhà hóng mát. Ngoại xoa đầu tôi khen tôi chóng lớn. Rồi ngoại hỏi tôi về anh Khương, về ba mẹ. Tôi tình thật kể lại tất cả, nghe xong ngoại chỉ im lặng thở dài. Và suốt từ lúc ấy ngoại không nhắc đến chuyện ấy nữa.
 
Buổi sáng, ngoại dậy sớm chuẩn bị điểm tâm cho anh em tôi. Ngoại thường nấu món mỳ nước và cơm tấm. Trong lúc chúng tôi ăn cơm, ngoại ngồi bên cạnh gắp thức ăn cho chúng tôi.
- Sao ngoại không ăn? – anh Khương nói.
- Ngoại không quen ăn sáng. Ăn vào là no luôn đến chiều. Chiều nay, hai cháu ăn những món gì, để ngoại còn chuẩn bị đi chợ, nấu nướng.
Tôi đáp liền:
- Tất nhiên là canh cua đồng rồi.
- Được rồi, ngoại sẽ nấu canh cua cho hai cháu, với điều kiện hai đứa phải mang điểm mười về cho ngoại nhé.
 
Buổi chiều sau khi tan học trở về, mâm cơm được dọn ra, không thấy canh cua đâu cả. Tôi thắc mắc thì ngoại bảo ở chợ hôm nay chỉ bán cua giã sẵn, nên không mua.
- Ồ, sao lại thế, ngoại  – Tôi tỏ vẻ ngạc nhiên:- Mua cua giã sẵn, ngoại càng đỡ mất công tốn thời gian giã chứ sao.
- Ngoại lo, người ta cho lẫn cua chết vào. Thôi, hai cháu ăn tạm món canh ngót vây nhé.
 
Canh ngót, ngoại nấu bằng cá khoai. Có một điều tôi lấy làm lạ, cá không bị rã ra như những lần mẹ nấu. Tôi thắc mắc, ngoại giải thích:
- Đợi canh sôi, nêm nếm cho vừa ăn sau đó mới cho cá vào và nhắc xuống ngay lập tức, làm như thế cá sẽ không bị rã ra và thịt còn ngọt.
Anh Khương thốt lên:
- Ngoại quả là một nhà bếp đại tài. Giá như ngày nào cháu cũng được ngoại nấu cho ăn thì sướng biết mấy.
Ngoại cười hiền từ:
- Ngoại bận nhiều việc không thể ở bên các cháu mãi. Khi nào nghỉ hè, về quê, ngoại nấu cho các cháu ăn đến chán thì thôi.
- Cháu chỉ có thể ăn no chứ không chán được, nhất là món bánh xèo của ngoại.
- Làm bánh xèo rất công phu và tốn rất nhiều thời gian, tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là chén nước chấm. Nước chấm mà không đạt yêu cầu thì cho dù bánh có ngon đến mấy cũng vất.
Cả bữa ăn ngoại giảng giải về cách làm nước chấm như thế nào vừa ngon vừa bắt mắt. Ngoại nói rất nhiều nhưng tôi chẳng hiểu được bao nhiêu.
- Con gái mỗi ngày càng lớn phải rành rẽ chuyện bếp núc. Sau này lập gia đình đỡ vất vả tấm thân. Học hành thành đạt là điều cần thiết nhưng  không vì thế mà lơ là chuyện nội trợ.
 
Ăn xong, hai anh em tôi giành phần rửa bát. Anh Khương rửa xà bông, tôi tráng lại bằng nước sạch. Chúng tôi vừa làm việc vừa chuyện trò vui vẻ. Ngoại âm thầm quan sát, mắt ngời lên xúc động:
- Anh em biết yêu thương, nhường nhịn như vậy là tốt. Nhìn thấy hai đứa mà ngoại thầm lo cho ba mẹ các cháu.
Bà đột ngột im lặng, mắt rươm rướm nước. Cả tôi và mẹ đều giống ngoại là mau nước mắt.
 
Xong việc, anh Khương chở tôi đi mướn đĩa phim cải lương cho ngoại xem. Anh Khương lúng túng không biết chọn phim nào. Tôi suy nghĩ một lúc bèn chọn hai tuồng cải lương Bên cầu dệt lụaNửa đời hương phấn, ngoại rất mê nữ nghệ sỹ Thanh Nga.
 
Đêm, ngoại ngủ với tôi. Căn phòng của tôi hơi chật dành cho hai người. Tôi thu gọn các thứ để có thêm chỗ trống. Ngoại không quen nằm nệm, tôi vào phòng ba mẹ lấy chiếu trải cho ngoại nằm.
- Mọi ngày cháu ngủ vào lúc mấy giờ?
- Mười giờ.
Hai bà cháu nói chuyện một lúc thì chuông điện thoại reo lên, ngoại ngồi dậy nhấc máy, vừa nói lằm bằm, chắc là ba mẹ cháu từ Đà Lạt gọi về.
 
Mỗi tối ba mẹ tôi đều gọi điện về hỏi thăm chuyện nhà. Bao giờ mẹ cũng là người gọi trước, sau đó, mẹ nhường máy cho ba. Ngoại tôi vốn tính hà tiện nên chỉ trả lời qua loa rồi cúp máy.
- Ba mẹ cháu có vẻ như rất vui vẻ. Ngoại cũng mừng.
Mẹ cháu có nói khi nào sẽ về không, ngoại?
- Tuần sau, ba mẹ cháu sẽ về. Ngoại cũng sốt ruột quá, ở quê không có người chăm sóc nhà cửa.
- Còn cậu Út với dì Tư nữa chi, ngoại khéo lo xa quá. Cháu muốn ngoại ở luôn trên thành phố với chúng cháu.
- Ngoại phải về, cháu à. Thôi, muộn rồi cháu ngủ đi. Trẻ con không được thức khuya.
- Cháu lớn rồi. Ngoại lúc nào cũng xem cháu là trẻ con!
- Ừ, thì người lớn. Người lớn ngủ đi, mai còn đến lớp.
- Cháu phải ôm ngoại mới ngủ được.
 
Ngoại nằm xuống cho tôi ôm. Bây giờ đã gần mười giờ đêm.