Chương 5

Trọng giật mình tỉnh giấc bởi những tia nắng buổi sáng xuyên qua lớp cửa kính chiếu thẳng vào mắt. Lúc này là tám giờ, hai mươi lăm phút. Kế hoạch ngủ đến chín giờ của anh bị phá sản bởi những tấm rèm cửa không nằm đúng vị trí để nắng len vào. Mặc dù đã tỉnh ngủ nhưng Trọng không muốn rời khỏi giường trong lúc này. Anh đổi tư thế nằm xoay người vào vách, lắng nghe những tiếng động từ bên ngoài. Tiếng trò chuyện hòa lẫn cùng tiếng bước chân người mỗi lúc xa dần. Lát sau, anh choàng dậy vặn nhạc. Bản giao hưởng số 6 của Beethoven trỗi lên, giai điệu như bài ca tươi vui không dứt, đầy thi vị của sự yên tĩnh, khoáng đãng, bát ngát chốn đồng quê làm anh xao xuyến. Anh nhắm mắt lại và cảm thấy mình đang trôi trên tấm thảm dệt bằng âm thanh. Bản giao hưởng số 6 có năm chương. Chương một gọi là Sự bừng tỉnh vui tươi trong lòng thiên nhiên. Chương hai, miêu tả Cảnh bên suối. Con người đắm mình trong chiêm ngưỡng giữa trưa oi bức, tiếng suối reo đều đặn làm mệt mỏi một cách dễ chịu, gợi lên cảm giác tĩnh mịch, thanh bình. Những chi tiết tạo hình, như tiếng suối, tiếng chim hót làm nổi bật tính chất xác thực của bức tranh giao hưởng. Chương ba; cuộc họp mặt vui vẻ của nông dân – cảnh phong tục đặc sắc, sôi nổi, sinh động. Người nghệ sỹ đã tạo cho âm nhạc của khúc Scherzo yêu đời  những nét dân gian thật sự, làm phong phú thêm bằng những nhịp điệu của những vũ khúc nông dân thô kệch, lóe lên những nét khôi hài lành mạnh. Chương bốn; Giông tố, bão táp – miêu tả cơn giông mùa hè gây ấn tượng mạnh mẽ. Mô tả những cơn gió dữ dội, tiếng ào ào ngày càng tăng của cơn mưa rào, thể hiện sức mạnh hùng hậu của thiên nhiên. Chương cuối có hai nhan đề; Bài ca người mục đồngNiềm vui sau cơn bão. Yên tĩnh trùm lên vạn vật. Nghe thấy tiếng kèn mục đồng gọi nhau. Bè violin hát lên giai điệu tươi mát một cách quyến rũ, như lá cây được tắm sạch sau cơn mưa. Một giai điệu khác nối tiếp theo. Và một lần nữa, như lúc ban đầu, giọng hát trôi xuôi. Bản giao hưởng kết thúc bằng một bài ca êm ái, ca ngợi thiên nhiên…
 
Nghe xong bản giao hưởng số 6, anh tiếp tục nghe thêm hai bản sonata dành cho violin của Mozart. Anh định nghe thêm bản giao hưởng số 9 của Mahler, nhưng lại đổi ý, bản giao hưởng quá dài, anh không có đủ thời gian để thưởng thức. Anh tắt máy rồi bước đến bên cửa sổ mở toang các cánh cửa đón nắng vào. Anh  hít vài hơi thật sâu vào buồng phổi rồi từ từ thở ra. Và bắt đầu với hai bài tập thể dục buổi sáng. Tập thể dục xong, Trọng mang quần áo đi tắm. Anh đứng rất lâu dưới vòi sen. Những tia nước mát lạnh gây cho anh cảm giác sảng khoái. Mười phút sau, anh quay trở ra, thì thấy điện thoại di động có cuộc gọi nhỡ. Kiểm tra mới biết đó là số máy của ông Lập.
- A lô! Anh Lập vừa gọi cho em phải không?
- Ừ, tôi vừa gọi chú đấy. Chú làm gì mà không nhận cuộc gọi?
- Lúc ấy em đang trong nhà vệ sinh. Có chuyện gì không, anh?
- Phải có chuyện gì mới gọi điện cho chú hay sao. – giọng ông Lập khôi hài:- Đêm qua chú ngủ có ngon không.
- Rất ngon! Em mới vừa thức dậy. Lâu rồi mới có một giấc ngủ ngon lành như thế.  Hôm nay anh có đi đâu không?
- Không, anh chẳng đi đâu cả. Còn bản báo cáo phải hoàn tất. Số liệu cứ rối tung cả lên. Có lẽ mình đã già thật rồi.
Trọng phì cười:
- Năm mươi tuổi chưa thể gọi là già. Vả lại, trông anh còn rất trẻ so với tuổi của mình. Nói thật với anh, em cũng ngại tiếp xúc với những con số, chỉ nhìn một chút là hoa cả mắt.
- Chốc nữa chú ghé nhà dùng cơm với anh chị và các cháu  nhé. Đừng đến muộn quá. Anh muốn nhờ chú xem giúp bản báo cáo.
- Tất nhiên rồi. Em sẽ đến ngay.
 
Trọng tắt máy rồi bước xuống bếp tìm thứ gì có thể cho vào bụng. Buổi chiều hôm qua anh chỉ ăn lưng bát cơm, bây giờ thấy đói cồn cào. Sau một hồi sục sạo, rốt cuộc, anh cũng tìm được một ổ bánh mỳ khô queo lẩn cùng đống vỏ gói mỳ tôm trong thùng các ton. Mấy ổ bánh, anh mua từ tuần trước. Ăn không hết, vất vào thùng mỳ rồi quên bẵng lúc nào không hay. May là lũ chuột chưa tìm thấy. Trọng cầm ổ bánh đập đập lên cạnh bàn vài cái cho sạch bụi  rồi bẻ từng mẫu nhỏ cho vào mồm. Vừa ăn, anh vừa lướt mắt qua mấy trang báo cũ. Giải quyết xong ổ bánh đã lưng lửng dạ. Trọng bước đến tủ lạnh lấy nước uống. Anh cầm ca nước rót vào chiếc cốc thủy tinh. Chưa kịp uống thì chuông điện thoại để bàn đổ liên hồi, Trọng đặt cốc nước vào chỗ cũ rồi bước đến bên chiếc bàn kê bên cạnh cửa sổ, nơi đặt chiếc điện thoại cố định, và nhấc ống nghe:
- A lô! Tôi nghe đây.
Giọng nữ  khàn khàn phát ra từ ống nghe:
- Xin lỗi, đây có phải là nhà của anh Trọng không?
- Vâng, Trọng là tôi. Tìm tôi có việc gì không?
- Tôi là chủ hiệu giặt ủi Lan Anh. Mấy hôm rồi tôi không thể nào liên lạc được với anh. Chuông điện thoại đổ dồn nhưng không có người nhấc máy.
- Tôi đi vắng cả ngày. Có việc gì không?
- Còn việc gì nữa. Anh gửi mấy bộ quần áo ở hiệu chúng tôi cả tháng rồi chưa đến  nhận.
- Chết thật, tôi quên khuấy đi mất. Thảo nào, tôi chẳng thể tìm thấy mấy bộ đồ để thay. Thành thật cáo lỗi. Không hiểu sao dạo này tôi bị chứng hay quên.
- Chẳng lỗi phải gì cả. Anh đến nhận ngay đi. Cửa hàng chúng tôi chẳng còn nơi để chứa. Đến ngay nhé. – Bà chủ tiệm giặt ủi dọa:- Hôm nay anh không đến nhận tôi sẽ thanh lý đấy.
- Vâng, tôi sẽ đến ngay.
 
Đặt ống nghe xuống, Trọng bước đến tủ quần áo. Anh chọn chiếc áo sơ mi màu xanh ngắn tay, chiếc quần kaki màu lông chuột. Chiếc áo hơi nhăn, anh cắm dây bàn ủi vào ổ điện không hiểu sao lại rút ra. Nhăn một chút cũng không sao. Tất cả đàn ông sống độc thân đều luộm thuộm như nhau cả. Mặc quần áo xong, anh đi giày. Giày da  phải mất công đánh xi, anh chọn đôi giày thể thao. Xong xuôi, anh kiểm tra lại số tiền trong ví rồi bước ra ngoài và khóa cửa cẩn thận. Đi được vài bước, anh sực nhớ là đã quên không mang theo điện thoại. Lại phải quay trở vào.
 
Trọng xuống tầng trệt lấy xe ( ngôi nhà cũ của anh đã bị giải tỏa và anh được mua trả góp căn hộ chung cư ) . Giữ xe là ông Thời, một thương binh hai  trên bốn trong chiến dịch Xuân Lộc. Ông Thời đang ngồi nhai bánh mỳ bên chiếc bàn nhỏ.
- Chào anh Thời. Sao ăn sáng muộn thế?
- Chú lấy xe đó à. Đi chơi ngày nghỉ phải không?
 
Chiếc xe của Trọng nằm ở trong góc, anh phải đẩy mấy chiếc xe khác sang một bên mới có lối đi vào:
- Tiền gửi xe tháng này tôi đã gửi cho anh chưa nhỉ?
 
Ông Thời ăn nốt miếng bánh cuối cùng, đoạn đưa hai tay đập vào nhau để bụi bánh rơi xuống đất:
- Trả rồi, hôm thứ Năm. Chú quên rồi sao?
 
Trọng lên xe. Nhìn kim xăng đã qua vạch đỏ, anh cho xe quay ngược hướng tiệm giặt ủi Lan Anh, tiến về phía cây xăng cách nơi ở chừng năm trăm mét. Trạm xăng đông người, anh phải chờ mất vài phút.
- Bao nhiêu? – Nhân viên trạm xăng đút ống vòi vào bình xăng.
- Đổ đầy cho tôi.
 
Thanh toán tiền xăng, anh khởi động xe và đi ngược hướng vừa đi. Tiệm giặt ủi cách chỗ ở chừng tám trăm mét. Lúc này cửa hiệu đang vắng khách. Một nhân viên nam đang ngồi đọc báo bên chiếc bàn gỗ kê ngay giữa lối ra vào. Anh dựng xe ở phía ngoài rồi thong thả bước đến bên người thanh niên:
- Cho tôi lấy mấy bộ quần áo.
Người thanh niên rời mắt khỏi trang thể thao, nhìn anh nói:
- Anh cho tôi xin giấy biên nhận.
Trọng tìm mãi không thấy:
- Chết thật, tôi đã đánh rơi mất rồi. Tôi gửi giặt ủi hai bộ đồ và hai đôi tất. Tôi có thể nhận ra những thứ của mình.
- Không có biên nhận làm sao tôi dám đưa cho anh. Chẳng có gì bảo đảm anh đã gửi đồ ở đây cả. Anh về nhà tìm lại cái biên nhận đi nhé.
- Thật sự là tôi đã đánh mất rồi làm sao có thể tìm lại được. Bà chủ hiệu lúc nảy có gọi điện thoại cho tôi. Cho tôi gặp bà ấy.
- Bà chủ đã đi vắng. Lúc khác anh hãy đến.
- Tôi rất bận, mong anh hiểu cho.
- Rất tiếc là tôi không thể nào làm khác được. Thông cảm cho anh rồi ai thông cảm cho tôi? Anh xích qua một bên để tôi tiếp khách.
 
Một vài người từ ngoài bước vào. Một người lấy quần áo, người kia gửi quần áo bẩn. Trọng quay người bước ra ngoài thì cũng vừa lúc bà Lan Anh từ ngoài đi vào.
- May quá, gặp chị đúng lúc. Tôi đã đánh mất biên nhận rồi.
 
Bà Lan Anh ra lệnh cho người làm mang quần áo cho khách. Tất cả các thứ được cho vào chiếc túi xốp bên ngoài có in tên cửa hiệu, địa chỉ và số điện thoại.
Trọng cảm ơn rồi cho xe vút đi. Trên đường đến nhà ông Lập, Trọng tự nhủ phải mua một chai rượu.