Chương 7

Bà Thương đi chợ về, tay xách chiếc giỏ trĩu nặng chứa đầy thức ăn. Ông Lập đã xong bản báo cáo, đang ngồi uống nước trà trong phòng khách. Thấy vợ đi vào, ông vội bước đến đón lấy chiếc giỏ từ tay vợ:
- Mua nhiều thứ thế. – ông Lập nói bông đùa:- Có khi em đã khuân hết chợ rồi còn gì.
- Mệt thật, xách chiếc giỏ nặng đến toát mồ hôi. – bà Thương gieo người ngồi xuống ghế:- Anh lấy cho em cốc nước.
 
Ông Lập bước đến tủ lạnh lấy nước cho vợ. Uống xong cốc nước, bà Thương đặt cốc lên bàn rồi vội vàng xách giỏ đi xuống bếp.
- Em ngồi nghỉ mệt một chút. Còn sớm mà.
- Sớm sủa gì nữa. Toàn là những món mất nhiều thời gian chuẩn bị. Anh muốn đến chiều mới được ăn chắc.
- Em có cần phụ bếp để anh giúp một tay.
- Không cần đâu. Để anh sờ vào có khi lại hỏng việc. Cứ ngồi yên ở đấy.
Ông Lập phì cười:
- Xin tuân lệnh!
 
Bà Thương bày các thứ lên chiếc bàn kê giữa gian bếp. Sau đó, bà đi vào bên trong thay bộ quần áo mặc trong nhà. Bộ quần áo bằng lụa màu sáng trông bà trẻ hơn mấy tuổi.
 
 Thoạt tiên, bà lột tôm,  bóc củ hành, làm sạch hành lá thái nhỏ, cho tất cả vào chiếc máy xay, cho thêm một ít bột năng, muối, tiêu, đường và ấn nút khởi động. Chỉ trong tích tắc các thứ đã được làm nhuyễn trộn lẫn vào nhau. Sau khi xay tôm xong, bà lấy thịt heo thái nhuyễn và tiếp tục cho vào máy xay. Sau đó, đem trộn tất cả vào nhau và cho vào tủ lạnh.
 
Trong thời gian chờ đợi bà tiếp tục bóc vỏ tôm. Bỏ đầu, chừa đuôi và xiên vào que tre có sẵn. Vừa lúc ấy có tiếng gọi cửa. Tiếng của Trọng. Bà Thương nghiêng người nhìn quanh quất tìm chồng:
- Anh Lập đâu rồi, ra mở cửa hộ em. Em đang bận tay.
 
Ông Lập từ nhà vệ sinh đi ra. Trọng bước vào với chai Martin trên tay:
- Em xin góp chai rượu này với mọi người.
 
Trọng đưa chai rượu cho ông Lập rồi cúi xuống cởi giày và để vào một góc. Ông Lập bước đến ngồi vào bộ ghế xa lông:
- Chú bày vẽ làm gì. Trong nhà cũng có sẵn rượu. Số rượu được tặng từ hôm tết uống đến bây giờ vẫn chưa hết.
 
Trọng bước ra phía sau  quan sát bà Thương đang làm bếp. Bà Thương vừa làm vừa trò chuyện:
- Anh đến hơi sớm, tôi chưa làm xong món nào cả.
Trọng cười cười:
- Cũng phải sớm sủa một chút xem có gì phụ chị một tay. Người nhà với nhau, cứ canh đúng giờ đến đánh chén, kỳ lắm. Chị có việc gì cần thợ phụ không?
- Không cần đâu, chú lên phòng khách ngồi nói chuyện với ông ấy. Tôi làm loáng một cái là xong ngay.
Trọng đi trở lên. Vừa lúc, Thảo Vy từ ngoài bước vào:
- Chào chú Trọng. Sáng nay mọi người vừa nhắc đến chú. – Thảo Vy cúi xuống tháo quai guốc rồi bước vào bên trong.
- Thưa ba mẹ con đã về!
Tiếng bà Thương từ nhà bếp vọng ra:
- Về rồi thì thay đồ xuống đây phụ mẹ. Công việc nhiều quá.
- Vâng ạ.
Thấy Thảo Vy cầm quyển sách trên tay, Trọng hỏi:
- Cháu mua sách gì thế?
- Tên của hoa hồng. Chú đã đọc tiểu thuyết này chưa? Cháu phải tốn rất nhiều thời gian săn lùng mới có được nó đấy.
- Đưa chú xem nào. – Trọng lật lật vài trang:- Chú xem rồi.
- Hay không, chú?
Trọng khẽ gật đầu:
- Phải nói là rất hay. Đây là tác phẩm viết theo lối hậu hiện đại. Chỉ tính riêng thu nhập quyển tiểu thuyết Danh tính hoa hồng, Umberto Eco đã có thể sống an nhàn đến già. Hàng triệu bản đã được bán ra. Một con số khổng lồ.
- Cháu cũng đang nghiên cứu về văn chương hậu hiện đại. Chú nhận xét như thế nào về trào lưu này?
- Ngày nay trên thế giới, trong giới khoa học nói chung và giới văn học nói riêng, có một khái niệm, tuy chưa có được một nghĩa nhất quán, nhưng vẫn thuộc loại được sử dụng và bàn đến nhiều nhất, đó là khái niệm chủ nghĩa hậu hiện đại. Ở ta, thuật ngữ này được lưu truyền trong các bản dịch, trong các cuộc tọa đàm, chuyện trò, nhưng chưa có một công trình nào bàn về nó một cách triệt để; chưa có một cuộc thảo luận nào đặt ra vấn đề về việc chúng ta có nhu cầu phải áp dụng nó và nếu có thì phải áp dụng như thế nào trong nghiên cứu văn học. Nói tóm lại thuật ngữ Hậu hiện đại chưa thật sự đi vào đời sống nghiên cứu và phê bình văn học của nước ta. Nó còn xa lạ với nhiều người. Nghiên cứu văn chương hậu hiện đại là một công việc khó khăn, phức tạp và tốn rất nhiều thời gian.
Thảo Vy khẽ gật đầu tán đồng:
-  Cháu hiểu. Tất nhiên cháu đọc văn chương hậu hiện đại chỉ vì muốn khám phá thôi. Cháu không đủ trình độ để thẩm định nó.
- Đây là công việc của các nhà khoa học. Tuy nhiên, khi mà cả thế giới đã tiếp cận với Hậu hiện đại cách đây vài chục năm thì bây giờ chúng ta chỉ dừng lại ở mức cưỡi ngựa xem hoa, có lẽ, đã quá muộn.
- Muộn cũng còn hơn không. Có phải vậy không chú?
Trọng gật đầu tán đồng:
- Tất nhiên rồi. Theo chú, cháu nên tìm đọc những tác phẩm của các nhà triết học Hậu hiện đại, mà Loytard mà một trong những nhà hậu hiện đại tiêu biểu. Loytard cho rằng nghệ thuật hiện đại trình bày “ cái sự thật rằng đúng không thể trình bày”. Để làm rõ ra rằng cũng có thứ mà ta có thể suy tưởng, quan niệm được, nhưng lại không thấy được, cũng không làm cho người khác thấy được. Nói tóm lại theo Loytard; những gì ta có thể suy tưởng, quan niệm – chẳng hạn cái lớn lao vô biên – nhưng ta lại không có năng lực biểu đạt thì chính xác là cái siêu việt.
Thảo Vy thốt lên:
- Nói chuyện với chú thật là thích, nó giúp cháu mở mang  đầu óc rất nhiều. Hôm nào rảnh chú cháu mình tiếp tục nói về đề tài này, chú nhé?
- Chú sẵn sàng. Nhưng chú chỉ e khiến cháu thất vọng mà thôi. Kiến thức của  chú chỉ từng ấy, không có nhiều điều để nói với cháu đâu. Này, chú có quyển Đi tìm sự thật biết cười của Umberto Eco, cháu nên đọc quyển sách ấy sau khi xem xong Tên của hoa hồng, có rất nhiều điều lý thú. Chẳng hạn, chú rất thích một đoạn sau đây trong Danh tính hoa hồng:” Có lẽ sứ mệnh của kẻ yêu nhân loại là làm cho con người cười vào chân lý, làm chân lý cười lên, vì chân lý duy nhất chính là việc học để giải phóng chúng ta khỏi sự đam mê chân lý một cách điên cuồng..”
Bị cuốn hút bởi câu chuyện, Thảo Vy quên cả mọi việc. Đến khi nghe tiếng giục của bà Thương, cô mới sực tỉnh vội vàng đứng dậy:
- Thôi, cháu phải đi giúp mẹ làm bếp đây. Chốc nữa chú cháu ta nói tiếp trong bữa ăn chú nhé?
Ông Lập hết nhìn con rồi quay sang nhìn Trọng:
- Chú đã hớp hồn con bé rồi. Việc công ty của chú như thế nào rồi?
- Cũng vậy thôi, chẳng có gì thay đổi. Thiên hạ thi nhau uống bia và các nhà máy liên tục mọc lên như nấm sau cơn mưa. Tháng tới công ty của em sẽ tuyển thêm nhân viên và mở rộng quy mô sản xuất. Nói chung công việc luôn ngập đầu ngập cổ.
Ông Lập nhìn Trọng một hồi lâu:
- Dạo này chú ăn ngủ chắc thất thường, anh thấy chú gầy đi.
Trọng gật đầu xác nhận:
- Tháng rồi em bị sụt một cân. Tạng người của em là như vây trồi sụt thất thường.
- Chú nên chăm chút nhiều hơn cho bản thân. Một thân một mình rất ngại vào bếp, theo anh, chú nên đặt cơm tháng, mỗi ngày có người mang cơm đến cho chú. Nhà của anh đến chỗ ở của chú cách nhau khá xa, nếu không, anh sẽ mời chú ăn cơm với anh cho tiện.
Trọng nghiêng người nhìn xuống bếp:
- Anh không phải bận tâm nhiều đến chuyện này. Em đã quen cuộc sống như thế này rồi. Chẳng làm sao cả. Anh có đi khám sức khỏe định kỳ không. Ở vào độ tuổi này rất dễ bị những vấn đề về tim mạch, huyết áp và đái tháo đường.
Ông Lập nắm lấy tay Trọng siết chặt:
- Chú không phải lo cho anh. Lo cho bản thân mình trước đi. Vài hôm nữa chúng ta đi xem hòa nhạc nhé. Có dàn nhạc giao hưởng của Nga đến biểu diễn tại nhà hát thành phố. Biết chú mê thể loại nhạc này, anh đã xoay được hai chiếc vé.
Thảo Vy từ trên bước xuống. Ông Lập vội buông tay Trọng ra rối cầm cốc nước đưa lên miệng. Thảo Vy đi thẳng xuống bếp. Bà Thương đang cuốn hoành thánh trong cái đĩa.
- Để con làm món này cho. Mẹ chuẩn bị món cơm bò lúc lắc đi.
- Có làm được không đấy?
- Mẹ không tin tưởng vào tay nghề con gái của mẹ sao. Lần trước con cũng làm đấy thôi.
Bà Thương bỏ dở công việc, lấy đũa bếp đánh tơi cơm trong nồi rồi bắc  chiếc chảo không dính lên bếp. Đợi cho chảo thật nóng, bà cho vào miếng bơ. Bơ tan chảy, bà tắt lửa rồi cho cơm vào chảo..
Thảo Vy đập một quả trứng vào bát, dùng đũa khuấy đều. Sau đó, cô trải  miếng hoành thánh lên đĩa và thấm đều trứng lên bốn góc. Đoạn, cô cho một thìa cà phê tôm thịt xay theo đường chéo miếng hoành thánh, cho con tôm có đuôi lên trên và nhẹ tay cuốn từ góc đầu tôm đến hai bên góc. Cô bật bếp và bắt đầu chiên hoành thánh.
Bà Thương cho vào cơm một muỗng bột cà chua và trộn đều. Sau đó bà vặn bếp và bỏ vào tí muối, đường, bột ngọt rồi trộn đều.
Thảo Vy cho hoành thánh vào chảo dầu. Nhìn sang bếp bên cảnh, bà Thương đã chiên cơm gần xong:
- Mẹ làm nhanh thật. Mẹ làm giúp con nước sốt mật nhé. Con làm không ngon như mẹ. Chà, thơm quá, bụng con sôi lên rồi đây.
Bà Thương nhắc chảo xuống bếp và xới cơm ra đĩa.
- Mẹ chưa xong đâu còn phải làm hoàn thành công đoạn cuôi cùng mới xong món cơm bò lúc lắc.
Đoạn bà Thương bắc chảo lên bếp, vặn lửa thật to, cho vào một muỗng bơ, cho thêm một thìa rượu, hành, ớt xanh, ớt đỏ xào thật đều.
 Xong việc, bà Thương quay sang làm nước xốt. Ban đầu bà cho sáu muỗng canh mật, ba muỗng canh đường, sáu muỗng nước mắm loại ngon, thêm nửa muỗng canh nước chín và một muỗng cà phê bột năng cho vào chiếc nồi nhỏ. Vặn lửa liu riu kết hợp quậy đều tay đến khi nước xốt sệt lại thì tắt bếp.
- Mẹ có thấy gì không? – Thảo Vy gắp cuốn hoành thánh chín cho vào đĩa.
- Thấy gì? – bà Phụng
-  Ba với chú Trọng trông tình tứ lắm, cứ như hai người đồng tính ấy!
Bà Thương lừ mắt nhìn con:
- Con gái lớn rồi, lại là luật sư tương lai phải biết ý tứ trong phát ngôn của mình. Mẹ không thích con nói đùa như thế.
Ông Lập từ phòng khách nói vọng vào:
- Hai mẹ con chuẩn bị xong chưa? Anh em tôi đói lắm rồi đây.
Thức ăn nhanh chóng được dọn ra bàn. Trọng đưa mắt nhìn mọi người một lượt rồi thốt lên:
- Còn Khương sao không thấy.
Thảo Vy so đũa cho bằng rồi đặt phía trước mặt mỗi người một đôi:
- Anh Hai có việc với người bạn tới giờ này vẫn chưa thấy về.
Ông Lập khẽ lằm bằm vài tiếng tỏ vẻ không vừa ý:
- Con gọi điện thoại hỏi nó có về không thì bảo. Đói mềm ruột ra phải chờ nó.
Thảo Vy bấm điện thoại gọi vào số di động của Khương:
- A lô! Anh Hai đó hả. Anh có về không? Mọi người đang chờ cơm. Ba đang nổi  giận kia kìa.
Khương bảo bận không về kịp. Thảo Vy tắt máy rồi day mặt về phía mọi người:
- Ảnh không về. Mẹ cứ dành phần cho ảnh.
Ông Lập gắt:
- Con cái thời nay hỏng hết! Nó đi đâu, nếu không tính chuyện đảo chính thì cũng cướp ngân hàng. Khỏi phải chừa chiếc gì cả. Cho nó đói.
Không khí bữa ăn vì thế kém vui. Trọng khui chai rượu rót đều ra bốn chiếc cốc rồi nâng ly mời mọi người:
- Xin cám ơn vì bữa cơm thịnh soạn này. Chúc sức khỏe!
Mọi người cùng chạm cốc và uống một ngụm nhỏ. Riêng ông Lập ực một cái hết sạch. Trọng rót thêm rượu vào cốc. Ông Lập gắp con tôm hấp bia cho vào bát Trọng:
- Chú ăn đi. Món này vừa ngon vừa bổ. Chú lúc này gầy lắm rồi đấy, ăn uống kiểu gì mà để ốm thế kia.
Trọng đưa mắt nhìn hai người phụ nữ và có vẻ ngượng. Anh bèn gắp món hoành thánh cuốn tôm chiên cho vào bát bà Thương và Thảo Vy:
- Đây là phần thưởng công lao vất vả của đầu bếp. – Đoạn Trọng cho con tôm vào miệng rồi gật đầu:- Ngon lắm. Chị Thương làm rất vừa ăn, tôi đã ăn món này ở nhiều nơi nhưng không ai làm ngon như chị.
Ông Lập bèn gấp thêm cho vào bát Trọng:
- Ngon thì chú phải ăn nhiều vào. Món này cả nhà ăn mãi cũng chán.
Bà Thương thoáng buồn nhưng rất nhanh bà chuyển sang vui:
- Đúng đấy, chú Trọng cứ tự nhiên. Thỉnh thoảng, tôi vẫn làm món tôm hấp bia xốt cà chua cho cả nhà thưởng thức. Cháu Khương cũng rất thích.
Trọng bèn cầm đĩa tôm xốt cà trút một nửa vào cái bát trống:
- Đây là phần của cháu Khương.
Ông Lập bèn giằng lấy và trút vào chỗ cũ:
- Đã bảo không phải phần cho nó. Chú phải thanh toán hết chỗ này nhá.
Mọi người vừa ăn uống vừa chuyện trò vui vẻ. Thảo Vy múc ít cơm cho vào bát:
- Chú Trọng nói tiếp chuyện hậu hiện đại đi. Cháu còn muốn nghe. Nghe mãi không chán. Chú đọc ở đâu mà biết nhiều đến thế?
Trọng cười cười:
- Chú không uyên bác như cháu nghĩ đâu. Thật tình  chú đã hết vốn, cháu phải cho chú ít thời gian để bổ sung kiến thức. Có người cho rằng chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn chương chỉ là những khái niệm chồng chéo mà thôi.
- Chú có nghĩ như vậy không?
- Nhận xét trên cũng có cái đúng. Chúng ta cũng phải thừa nhận một điều, sự tùy tiện và dễ dãi trong việc sử dụng thuật ngữ hậu hiện đại trong đời sống xã hội đã lây lan sang cả khu lĩnh vực nghệ thuật. Thậm chí có nhiều người chỉ đơn giản gắn cái mác “ hậu hiện đại “ cho tất cả những sáng tác phi hiện thực theo lối truyền thống ở nửa thế kỷ XX, bởi vì theo họ những sáng tác đó ứng với một thời đại mà họ mặc nhiên gọi là “ kỷ nguyên hậu hiện đại “. Như vậy Hậu hiện đại có thể có rất nhiều nghĩa, nhưng chính vì thế cũng có nghĩa là nó chẳng có nghĩa gì cả[1].
Bà Thương nói:
- Thôi, đừng nói chuyện ấy nữa. Khô như ngói!
Ông Lập tiếp lời:
- Hoàn toàn nhất trí với ý kiến bà xã. Hôm nào hai chú cháu bỏ ra một ngày nói đến chán thì thôi. Đây là bữa tiệc, mọi người cùng nói chuyện cho vui.
Trọng nhìn Thảo Vy cười cười:
- Chú cháu ta bị bắt việt vị rồi đấy nhé. Thôi, chúng ta chuyển sang chủ đề khác. – Trọng đưa bát cho Thảo Vy:- Lấy cho chú một ít cơm.
Thảo Vy múc cho hai thìa cơm vào bát của Trọng. Bà Thương ngừng nhai, mắt quan sát phản ứng trên gương mặt khách. Trọng ăn và thêm mấy và nữa rồi gật đầu:
- Ngon tuyệt. Chưa bao giờ tôi ăn ngon miệng như thế.
- Vậy thì mỗi tuần chú ghé đây ăn cơm với anh chị. Có chú bữa cơm thêm vui. – Đoạn ông Lập hướng ánh mắt về phía vợ:- Em có đồng ý với anh không?
Trọng liếc mắt nhìn bà Phụng. Bà Thương khẽ gật đầu. Miệng cười mà mắt tối sầm lại:
- Tôi cũng có cùng suy nghĩ với anh Lập. Anh Trọng cứ đến đây dùng cơm với chúng tôi và hai cháu. Ăn ở ngoài thức ăn không ngon và làm sao có được không khí chan hòa ấm cúng gia đình.
Trọng thoáng lưỡng lự. Ông Lập cất giọng khôi hài:
- Khỏi phải suy nghĩ gì thêm nữa. Nhất trí thế nhé. Như vậy, mỗi tuần chú Trọng sẽ dùng cơm với nhà ta vào mỗi trưa Chủ nhật. Thảo Vy có ý kiến gì không? Riêng thằng Khương vắng mặt nên bị tước quyền biểu quyết.
Thảo Vy cười cười:
- Có thêm chú Trọng càng vui chứ sao! Tất nhiên, con đồng ý cả hai tay!
- Vậy thì, nghị quyết đã được thông qua và sẽ chính thức có hiệu lực từ tuần sau. Nào hãy nâng cốc chúc mừng thành viên mới!
Mọi người cùng chạm ly. Bà Thương chỉ ăn qua loa, thỉnh thoảng lại ngẩng mặt lên cười một cách máy móc. Thảo Vy bỗng buông đũa xuống, nói:
- Con phản đối ba thiên vị.
- Chuyện gì
- Cả buổi con thấy ba chỉ gắp thức ăn cho chú Trọng. Còn con và mẹ là những người phải vất vả bếp núc thì bị ba “ quăng cục lơ “. Phản đối! Phản đối!.
Mọi người cùng cười vang. Thảo Vy bỗng day mặt về phía Trọng:
- Chú với ba cháu quen nhau từ bao giờ vậy? Thật ra con biết chuyện này nhưng con muốn được nghe từ chính miệng chú nói thôi.
Trọng hớp một ngụm rượu rồi đặt cốc xuống bàn:
- Chú quen ba cháu khi còn là sinh viên đại học.
Thảo Vy tiếp lời:
- Lúc ấy, ba cháu là sinh viên năm thứ ba còn chú là lính mới tò te, đúng không. Điều cháu thắc mắc là hai người quen nhau trong trường hợp nào, ba cháu chẳng bao giờ tiết lộ cả, chú bật mí cho cháu nghe với.
- Chẳng trường hợp nào cả – Trọng vừa nói khôi hài vừa ánh mắt hướng về phía ông Lập:- Lần đầu tiên gặp nhau, cả hai lập tức bị “ tiếng sét ái tình “ đánh trúng. Thế là cả hai phải lòng như Romeo gặp Julette và từ đó gắn chặt với nhau như đôi sam. – Trọng cố tình uốn éo âm điệu  câu “ tiếng sét ái tình “.
Thảo Vy bỗng cười ré lên:
- Đích thị hai người là…
Chưa nói hết câu bắt gặp ánh mắt nghiêm khắc của bà Thương, Thảo Vy đành kéo dài những dấu chấm lửng và chữa cháy bằng cách lái sang chuyện khác:
- Chú Trọng ơi, sao chú không chịu lấy vợ? Ba cháu đã phụ chú để lấy mẹ cháu, sao chú vẫn chung tình đến thế?
Trọng cười cười, mắt hấp háy một cách tinh nghịch:
- Chú đã tự hứa với lòng mình, “ không lấy được ba cháu “ chú sẽ ở vậy suốt đời. Giải thích như thế cháu đã vừa ý chưa?
Ông Lập cũng cười. Nụ cười gượng gạo không được tự nhiên:
- Con nhỏ này bữa nay ăn phải thứ gì mà nói năng lung tung vậy cà.
Thảo Vy không để ý đến thái độ khó chịu của ông Lập vẫn tiếp tục huyên thuyên:
- Nếu đặt vào hoàn cảnh của chú, cháu sẽ làm khác đi.
- Cháu sẽ làm gì nào?
Thảo Vy nói:
- Cháu sẽ tìm một người khác thay thế. Đấy là cách trả thù ngọt ngào nhất.
- Chú không đủ can đảm để làm điều đó. – Trọng tiếp tục bông lơn:- Lấy người mà mình không yêu cũng là tội ác.
Bà Thương đưa mắt nhìn hai người đàn ông rồi day sang nhìn Thảo Vy, nét mặt mang nhiều cảm xúc. Đoạn bà đứng dậy, lúng túng đánh rơi chiếc đũa xuống đất. Trọng cuối xuống nhặt lên.
- Để tôi đi lấy thêm thức ăn – giọng bà Thương rè rè. Đoạn bà hướng ánh mắt về phía Thảo Vy:- Con xuống giúp mẹ một tay.
Thảo Vy đẩy ghế đứng dậy và theo chân bà Phụng. Ra đến nhà bếp Thảo Vy nhìn mẹ ngơ ngác:
- Mẹ cần con giúp gì nhỉ? Tất cả đã chuẩn bị sẵn rồi.
Bà Thương nhìn con bằng ánh mắt trách móc. Đoạn kéo Thảo Vy sát về phía mình:
- Con không được nói đùa như vậy. Ba con không thích, mẹ không thích và cả chú Trọng cũng thế.
- Con thấy chú ấy cũng vui vẻ đấy thôi. Có lẽ, do mẹ cả nghĩ. Chỉ là chuyện đùa vui trong bữa cơm thôi mà.
Bà Thương nghiêm khắc:
- Mẹ không đồng ý kiểu đùa như thế. Con gái  lớn rồi phải giữ ý giữ tứ không thể đọng đâu cũng đùa được. Nghe rõ chưa?
Đoạn bà Thương đưa đĩa thức ăn cho Thảo Vy:
- Con mang thứ này lên trên ấy. Nhớ lời mẹ dặn không được nói năng theo kiểu ấy nữa.
Thảo Vy tiu nghỉu bưng đĩa thức ăn bước lên. Hai người đàn ông đang rù rì với nhau điều gì đó, thấy Thảo Vy lập tức im lặng, cử chỉ lúng túng.
Cạn hết chai rượu, hai người đàn ông đã thấm say. Ông Lập ư ử hát bài kẻ cô đơn trong thế giới cô đơn, Trọng cầm đũa gõ vào miệng bát phụ họa hát theo. Nhìn cử chỉ và giọng kéo nhựa của hai người đàn ông Thảo Vy bật cười khanh khách:
- Ba với chú Trọng đừng hát nữa kẻo con lộn ruột mất. Ôi, buồn cười quá!
Bà Thương gọt táo bày ra đĩa rồi đứng dậy:
- Mọi người cứ tự nhiên, tôi đi nghỉ trước đây. – bà Thương đưa tay che miệng ngáp vặt mấy cái:- Tôi phải chợp mắt một chút. Thảo Vy chốc nữa dọn dẹp hộ mẹ nhé. Nếu con bận thì để chốc nữa mẹ rửa cũng được.
Bà Thương đi thẳng vào phòng ngủ. Thảo Vy nhìn theo bà Phụng, khẽ làu bàu một mình:
- Mẹ làm sao thế nhỉ?
Ông Lập nhìn con gái, nói:
- Hãy để mẹ con yên. Thỉnh thoảng mẹ con lại như vậy. Con không cần phải bận tâm.
Thảo Vy thu dọn bát đĩa xuống nhà bếp. Hai người đàn ông bước ra phòng khách uống nước trà. Ông Lập rót tráng cốc rồi rót đầy cốc đưa cho Trọng:
- Trà thiết quan âm, loại chú thích uống đấy. Cả nhà chỉ có mỗi mình anh nghiện thứ này.
Trọng cầm cốc đưa lên miệng nhấp một ngụm nhỏ  rồi gật đầu:
- Ngon, ngon lắm.
Ông Lập nói:
- Trong nhà còn nhiều, chốc nữa chú mang về một ít để uống dần.
- Thôi, anh ạ. Em lười vào bếp lắm.
Ông Lập trách:
- Chú tệ thật, chỉ mỗi việc nấu nước pha trà cũng không làm được. Chẳng lẽ tôi phải đích thân đến nhà nấu nước sôi cho chú?
Trọng bất cười sang sảng. Thảo Vy từ nhà bếp bước lên, ngồi vào chiếc ghế trống:
- Chú Trọng cho cháu cốc nước.
Trọng rót trà đưa cho Thảo Vy. Sực nhớ một chuyện Thảo Vy nói:
- Sáng Chủ nhật tuần tới chú có rảnh không?
Trọng suy nghĩ một chút rồi gật đầu:
- Hiện tại chú chưa có chương trình  gì vào Chủ nhật tới cả, không biết từ bây giờ đến lúc ấy có kế hoạch đột xuất nào không. Cháu có chuyện cần chú à?
Thảo Vy uống một ngụm trà rồi đặt cốc xuống chiếc đĩa nhỏ:
- Dạ phải, cháu muốn rủ chú cùng đi nghe buổi giới thiệu sách của một nhà văn khá nổi tiếng ở cung văn hóa Lao Động. Chú đi với cháu nhé.
- Chú cũng thích đến những chỗ ấy. Được rồi, chú sẽ đi với cháu.
Đoạn Trọng day mặt về phía ông Lập:
- Anh có tham gia với chú cháu tôi không?
Ông Lập lắc đầu, xua tay lia lịa:
- Thôi, cho tôi xin. Có tuổi rồi rất ngại đi ra đường, chỉ thích ngồi một chỗ. Hai chú cháu đi đâu thì đi nhưng nhớ về đúng bữa, đừng để mọi người phải chờ đấy nhé.
Hút xong điếu thuốc, Trọng đứng dậy xin phép ra về.
- Để tôi tiễn chú một đoạn.
- Không cần phải thủ tục rườm rà như thế đâu. Người nhà với nhau cả.
 
Hai người đàn ông bước ra phía ngoài. Thảo Vy dọn ly tách trên bàn. Cô đứng bên cửa sổ nhìn ra phía ngoài. Hai người đàn ông trò chuyện phía dưới đường. Ông Lập đưa tay bẻ lại cổ áo của Trọng. Rồi cả người đưa hai tay nắm chặt vào nhau cười nói vui vẻ. Mục kích cảnh đó, bất giác Thảo Vy mỉm cười một mình.
 
Dọn dẹp xong các thứ trên bàn, Thảo Vy đi lên phòng, định bụng ngả lưng một chút. Khi đi ngang qua phòng bà Phụng, sực nhớ đến thái độ khác lạ của mẹ, Thảo Vy bèn đẩy cửa bước vào. Bà Thương đang đứng bên cửa sổ nhìn xuống đường. Thảo Vy tiến đến đứng bên cạnh. Cả hai âm thầm theo dõi cử chỉ của hai người đàn ông đến khi Trọng cho xe lao đi. Thảo Vy nói với mẹ:
- Trông hai người “ tình tứ “ quá mẹ nhỉ.  Hôm nay mẹ có chuyện không vui à? con thấy mẹ khác hơn mọi khi.
Bà Thương day mặt sang hướng khác lẩn tránh cái nhìn xuyên thấu tâm can của con:
- Có gì đâu, mẹ vẫn thế. Con chỉ khéo tưởng tượng.
- Không, con thấy mẹ khang khác. Có chuyện gì xảy ra với mẹ?
- Mẹ buồn ngủ rồi. Con về phòng để mẹ nằm nghỉ một chút.
Thảo Vy cười cười:
- Mẹ đuổi thì con đi! Mẹ ơi, nếu có tâm sự gì mẹ hãy nói ra chứ mang nặng mãi trong lòng không phải là cách hay đâu mẹ ạ. Không hiểu sao đôi lúc con cảm thấy mẹ rất khó hiểu.
 
Thảo Vy bước ra ngoài và không quên đóng cửa lại.
 
 Chú thích:
[1] Trích Chủ nghĩa Hậu hiện đại hay là hiện tượng chồng chéo khái niệm của Nguyễn Văn Dân