Chương 11

Nhà hàng Mây Ngàn Phương  được thiết kế  như tòa lâu đài cổ bên châu Âu. Đặc sản của nhà hàng là bò cạp chiên giòn và dế rang bơ. Bò cạp thì có người ở Tây Ninh, cứ cách nhật thì mang đến một lần. Còn dế thì mỗi ngày có người ở Hốc Môn đem tới. So với bò cạp thì dế tiêu thụ mạnh hơn. Mỗi ngày nhà hàng có thể bán được dăm ký dế. Trước đây Mây Ngàn Phương kinh doanh ế ẩm, có lúc, chủ nhà hàng đã nghĩ đến chuyện đóng cửa, tìm công việc khác. Nhờ hai món đắc địa mà phất lên như diều gặp gió. Thường thì, Mây Ngàn Phương chỉ thật sự đông khách là vào buổi chiều, sau giờ làm việc cán bộ công chức kéo đến đây nhậu nhẹt, còn những lúc khác chỉ lèo tèo vài móng. Chủ nhà hàng bèn xoay qua bán cơm phần để kiếm thêm thu nhập. Mỗi suất cơm kể cả món tráng miệng là ba chục ngàn. Giá cả như thế là hơi đắt, nhưng bù lại khách được phục vụ chu đáo, tiện nghi và được đắm mình trong phong cảnh nên thơ hữu tình. Nói tóm lại tiền nào của ấy.
 
Thực đơn hôm này có món canh chua cá lóc, thịt kho tàu, lòng gà xào giá. Còn món tráng miệng là nho ướp lạnh.
 
Ông Lập và Trọng ngồi trên tầng ba nhà hàng bên cạnh cửa sổ. Gã nhân viên phục vụ mang ra hai suất cơm trưa và đặt các thứ lên bàn:
- Quý khách còn gọi thêm món gì nữa không?
Ông Lập nhìn Trọng đề nghị:
- Mỗi người uống một chai bia nhé. Một chai thôi gọi là giải khát. Buổi chiều còn làm việc, anh cũng không muốn uống nhiều.
Trọng gật đầu. Nhân viên mang bia cùng hai chiếc cốc. Hai người đàn ông vừa ăn cơm vừa trò chuyện.
- Chuyện buổi hòa nhạc đấy, chú có đi với anh không?
Trọng gật đầu:
- Có chứ, em chỉ ngạc nhiên là anh bắt đầu quan tâm đến nhạc giao hưởng từ lúc nào vậy.
Ông Lập gật đầu thú nhận:
- Thật lòng, anh chẳng ưa gì loại nhạc như đấm vào tai đó, nhưng thấy chú say mê quá nên mới tập tành nghe thử. Nghe nhạc giao hưởng có khó không?
Trọng nhấp một ngụm bia:
- Thật ra nhạc cổ điển không phải là cái gì quá cao siêu xa vời. Nếu anh đã  quen dần với thể loại âm nhạc  này anh sẽ thấy những tác phẩm của Mozart tràn đầy sức sống tuổi trẻ, Liszt phóng túng cuồng nhiệt, Chopin mơ mộng lãng mạn và Beethoven rực lửa, lạc quan..hóa ra đều rất gần gũi và bắt nguồn từ cuộc sống, từ những cảm xúc chân thành nhất của con người. Em không đồng ý gọi đây là âm nhạc bác học vì tất cả mọi người đều có thể nghe được, hiểu được nếu muốn.  Tuy nhiên trước hết anh cũng nên biết qua lịch sử phát triển của dòng nhạc cổ điển.
Ông Lập gật đầu:
- Chú nói đúng. Anh thì hoàn toàn mù tịt chẳng biết tí gì cả. Chắc chú cũng biết được ít nhiều về lịch sử phát triển dòng nhạc này chứ?
Trọng gật đầu:
- Tất nhiên rồi. Em cũng biết được đôi nét. Tóm lại lịch sử phát triển dòng nhạc cổ điển trải qua bảy bước. Gồm; thời kỳ trung cổ,  thời kỳ phục hưng, thời kỳ baroque, thời kỳ cổ điển, thời kỳ lãng mạn, thời kỳ hiện đại và thời kỳ đương đại. Âm nhạc thời kỳ trung cổ, hầu hết các nhạc sỹ chuyên nghiệp đều được nhà thời cơ đốc giáo tuyển dụng. Vì nhà thờ đối lập với ngoại giáo liên quan đến Hi Lạp và La Mã cổ đại nên nó không khuyến khích việc biểu diễn âm nhạc Hi Lạp và La Mã. Hậu quả là loại âm nhạc này bị tàn lụi.
Ông Lập thốt lên:
- Có chuyện đó nữa à?
Trọng gật đầu:
- Đúng vậy. Người ta biết rất ít về thể loại thánh ca không nhạc đệm được sử dụng trong những nghi lễ nhà thờ thời kỳ đầu. Tuy nhiên thể loại thánh ca Cơ đốc giáo xuất hiện được bắt nguồn từ âm nhạc lễ nghi của đạo Do Thái và những giai điệu thế tục thời đó. Những giai điệu thánh ca phát triển ở Roma được sáng tác và ấn định cho những trình tự cụ thể trong những nghi lễ nhà thờ trong thời kỳ từ thế kỷ thứ 5 đến thứ 7. Thánh ca La Mã được biết tới như thánh ca Gregorian theo tên của giáo hoàng Gregory, giáo hoàng vĩ đại, người có thể sáng tác một số giai điệu và là người tích cực khuyến khích các nhà thờ sử dụng âm nhạc được lễ nghi hóa một cách thứ tự. Vì Gregory và các giáo hoàng về sau ưa thích thánh ca Gregorian hoen những thể loại khác đả phát triển ở châu Âu, thánh ca Gregorian cuối cùng đã thế chỗ hầu hết những thể loại khác. Phong cách thánh ca Gregorian và các thể loại thánh ca khác được giữ gìn trong nhiều bản thảo viết tay. Các ký hiệu âm nhạc được sử dụng trong những bản thảo này thuộc hệ thống ký hiệu neumes, cội rễ sớm nhất của hệ thống ký hiệu âm nhạc hiện đại. Và ít nhất cũng phải đến thế kỷ thứ 9 nhiều nhạc sỹ mới cảm thấy sự cần thiết phải có một thứ âm nhạc phức tạp hơn kiểu giai điệu không nhạc đệm. Họ bắt đầu thêm vào bè giọng hát được hát đồng thời với những đoạn của thánh ca. kết quả là sự ra đời của phong cách âm nhạc gọi là organium, một hình thức âm nhạc phức điệu sớm nhất. Trong phong cách organium thời kỳ đầu, bè giọng hát được thêm vào chạy song song một cách đơn giản với gai điệu thánh ca nhưng được hát trên đó một quãng tư hay quãng năm. Về sau bè thêm trở thành một giai điệu đối âm độc lập. Organium có vị trí quan trọng trong lịch sử âm nhạc vì đó là bước đầu tiên hướng tới sự phát triển của kết cấu âm nhạc được biết đến là phức điệu, việc sử dụng nó ở phạm vi rộng rãi là đặc trưng nổi bật của âm nhạc phương Tây.
 
Ăn xong, ông Lập lấy thuốc lá ra hút rồi đưa bao thuốc lá cho Trọng. Trọng cũng nhón một điếu. Ông Lập xem đồng hồ, nói bâng quơ:
- Còn sớm. Chúng ta sẽ đi đâu nhỉ?