Dịch giả: Lê Lương Giang
Chương 7 (b)

Dẫu vấn đề của ba "người Pháp" đã được giải quyết nhưng họ sẽ vẫn ở lại Việt Bắc trong hai tuần sau chuyến nhảy dù. Rõ ràng ngay từ đầu Montfort phải ra đi, nhưng tình trạng của Phác và Logos thì mập mờ hơn. Thomas nhớ Hồ Chí Minh đã đề nghị cho phép hai người kia ở lại và gia nhập Việt Minh. Tuy nhiên, ông cũng biểu lộ thái độ nghi ngờ là người Pháp sẽ "giải thoát họ". "Sự thực là", Thomas kết luận, "người Pháp sẽ không làm vậy". Có lẽ thực tế là như thế. Cho rằng hai người lính kia là một phần trong "sứ mạng bí mật" của M.5 nên Montfort có thể miễn cưỡng miễn cho họ khỏi nhiệm vụ. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình, dường như không thể hy vọng rằng một lệnh cấm người Pháp không phải là lý do khiến họ từ chối gia nhập Việt Minh. Montfort là người Pháp duy nhất trong khu vực thuộc quyền kiểm soát của Việt Minh, trong vùng lãnh thổ bị Nhật chiếm đóng, thế mà từ nơi đó anh sắp sửa bị lưu đày không cố ý.
Nếu Phác và Logos chọn gia nhập Việt Minh và ở lại cùng họ, Montfort cũng khó có thể làm gì để ngăn cản được.
Patti báo cáo rằng Phác "đã nói với những cán bộ thẩm vấn người Việt là anh ta đi cùng Montfort với hy vọng Việt Minh sẽ cho anh ta ở lại và chiến đấu chống Nhật. Rõ ràng họ có cách giải thích khác nhau". Patti kết luận. "Và trung sĩ hay trung uý Phác đã bị giám sát chặt chẽ cho tới ngày ra đi". Phác chắc chắn không phải là lính bộ binh thuộc địa bình thường. Theo Sainteny, Phác là một trung uý trong quân đội Pháp đã rời Đông Dương cùng Alessandri sau cuộc đảo chính của Nhật. Sau khi đến Vân Nam, Phác đã liên lạc với vài thành viên của Việt Nam Quốc dân Đảng tại Côn Minh.
Ngay trước khi thực hiện nhiệm vụ cùng với Montfort, Phác đã thăm dò ý kiến Sainteny về ý định gặp Nguyễn Tường Tam, một văn sĩ Việt Nam và là thành viên của Quốc dân Đảng, trước kia đã tham gia giáo phái Cao Đài ngay từ khi mới thành lập năm 1939, nhưng năm 1945 lại là một thành viên quan trọng của Việt Nam Quốc dân Đảng. Mặc dù Sainteny không mấy chú tâm tới việc này nhưng ông ta cũng đồng ý về cuộc gặp và cho phép Phác tự do tiến hành nhưng thoả thuận cần thiết. Xét về quyết tâm giành được sự công nhận đối với VNQDD tại M.5 của Phác, lòng chân thành của anh ta thể hiện trong ước muốn gia nhập lực lượng của Hồ Chí Minh hẳn là phải bị nghi ngờ. Dựa vào nguồn tin của nhiều cán bộ Việt Minh hoạt động tại Côn Minh, Việt Minh có lẽ đã biết rõ thủ đoạn của Phác. Và vì thế họ cũng có thể không muốn có trong hàng ngũ mình một kẻ rõ ràng thân Pháp và thân Tầu như Phác.
Trung sĩ Logos ít bí ẩn hơn. Trong suốt hai tuần ở trong trại chờ ra đi, Logos kết bạn với Henry Prunier, một trong số những người Mỹ đã cùng nhảy dù xuống với anh ta. Sinh năm 1921 trong một gia đình người Mỹ gốc Pháp, Prunier lớn lên tại Massachusetts, trước tiên theo học trung học cơ sở Thiên Chúa giáo và sau đó là trường cao đẳng Thiên Chúa giáo tại Worcester. Mặc dù gia nhập quân đội vào tháng 8 năm 1942 nhưng Prunier vẫn tiếp tục đi học cho tới khi được yêu cầu tại ngũ vào tháng 6 năm 1943. Sau khi đào tạo cơ bản, Prunier được phân công vào Khu vực Hải ngoại (Viễn Đông) và chương trình học tiếng "An Nam" tại Đại học California, Berkeley. Anh tham gia chương trình đào tạo đặc biệt của quân đội từ tháng 12 năm 1943 cho tới tháng 9 năm 1944. Trong khi ở Berkeley, OSS đã tuyển mộ anh. Cuối năm 1944 Prunier được đưa tới Washington để dự kỳ sát hạch đặc biệt và sau đó là chương trình đào tạo thêm của OSS. Tháng 3 năm 1945 Prunier tới Côn Minh và tháng 5 được điều đến Đội Nai.
Mặc dù học tiếng Việt chỉ có chín tháng, nhưng đào tạo khá chuyên sâu nên Prunier có thể sử dụng những kỹ năng ngôn ngữ của mình cho những giao tiếp cơ bản với bộ đội Việt Nam. Vì thế, Prunier có hai thuận lợi tại Bắc Kỳ: Anh có thể nói và hiểu được tiếng Việt đơn giản, và vì đã lớn lên trong một gia đình nói tiếng Pháp, Prunier nói tiếng Pháp khá trôi chảy. Sau chuyến nhảy dù xuống Kim Lũng ngày 16 tháng 7, Prunier và Logos trở nên "khá thân thiết". Vốn hiểu biết tiếng Việt và tiếng Pháp của Prunier cho phép hai người có nhiều "cuộc nói chuyện thú vị" về Việt Nam, chiến tranh, và người Mỹ. Logos đã hỏi, Prunier nhớ lại, "tại sao người Mỹ chúng tôi lại dính líu với cái nhóm phiến loạn được gọi là Việt Minh này". Prunier đã quả quyết với Logos rằng sứ mạng của Đội Nai "không phải là chính trị vì chúng tôi chỉ là người lính và mục đích của chúng tôi cũng giống như Việt Minh là đuổi Nhật". Prunier cảm thấy buồn phải chứng kiến Logos ra đi, nhưng anh ít nói về vấn đề này. Hồ Chí Minh đã thể hiện thái độ rõ ràng đối với Montfort. Thomas đã đi đến quyết định rằng nhiệm vụ của anh sẽ được tạo điều kiện thuận lợi bởi sự ra đi của người Pháp, và vài ngày sau, chỉ huy của anh đã đồng tình. Để biểu thị sự hợp pháp và quyền kiểm soát khu vực của nhóm mình, Hồ Chí Minh đã nói với Thomas: "người Pháp nghĩ chúng tôi là kẻ cướp. Nhưng để chứng tỏ với các ngài chúng tôi không phải loại người như vậy, chúng tôi sẽ đưa Montfort và hai người kia quay trở lại biên giới". Ngày 31 tháng 7, Montfort, Phác và Logos ra đi và gia nhập vào một nhóm hai mươi người Pháp tị nạn, "được tập trung lại dưới sự bảo trợ của AGAS" tại Tam Đảo, một khu nghỉ mát cách Thái Nguyên 16 dặm về phía tây nam và cách Hà Nội 28 dặm về phía tây bắc. Những người tị nạn đã chờ đợi AGAS đưa họ sang Trung Quốc kể từ cuộc tấn công của Việt Minh diễn ra ngày 16 tháng 7 năm 1945. Khi đó một nhóm Việt Minh đã tấn công một đồn binh Nhật tại Tam Đảo, một đồn nhỏ nằm trên đồi do 9 lính Nhật canh giữ. Bị áp đảo về quân số, Nhật bị đánh tan tác, bảy tên chết. Nguyễn Hữu Mùi, một thành viên của Việt Minh và cũng làm việc với Đội Nai, có trách nhiệm lớn trong quyết định tấn công Tam Đảo. Gần đây Nhật phát hiện ra hoạt động cách mạng của Nguyễn Hữu Mùi tại Vĩnh Yên nên anh phải chạy trốn về phía đồn binh Nhật, nơi anh tin rằng mình sẽ có "cơ hội đánh Nhật". Một lần, Mùi phát hiện ra rằng nhiều đồng chí mình có thái độ miễn cưỡng chiến đấu bởi vì Nhật "có tất cả các loại vũ khí hiện đại, mà chúng tôi chỉ có súng trường và mỗi khẩu chỉ có mười viên đạn". Nguyễn Hữu Mùi viện lý rằng vì bây giờ anh đã bị lộ và những người khác rồi sẽ cũng như vậy, và "nếu ta không chiến đấu chống lại chúng thì chúng sẽ giết ta". Đội quân nhỏ này đã kêu gọi trung đội Hoàng Văn Thái ở gần đấy hỗ trợ, và lực lượng hỗn hợp này đã tổ chức chiến sĩ của họ, cắt đứt đường dây điện thoại, chặt cây để cản đường, và bao vây đồn địch. Mặc dù chỉ là một đóng góp nhỏ nhoi vào thất bại của Nhật, nhưng cuộc tấn công Tam Đảo chứng minh ý chí sẵn sàng đánh đuổi kẻ thù của Việt Minh khi cuộc chiến dường như có khả năng kết thúc có lợi cho họ - một trong những nguyên lý cơ bản của chiến tranh du kích. Donalđ Lancaster, một ký giả có mặt tại Việt Nam trong thời gian chiến tranh, viết rằng Việt Minh "đã bộc lộ sự miễn cưỡng gánh chịu tổn thất hay gây ra những hành động trả thù bởi tấn công quân Nhật và hạn chế đóng góp của mình vào thắng lợi của cuộc tấn công đồn Nhật ở Tam Đảo". Tuy nhiên, ngay cả Sainteny cũng phải thừa nhận những lợi ích tâm lý của chiến thắng nhỏ này đối với người Việt Nam, còn Nhật hết sức khó chịu, cay cú và chúng đã gửi điện về Tokyo, "những hành động của Việt Minh hiện nay mỗi lúc một trở nên trắng trợn. Chỉ vài ngày trước đã xảy ra một cuộc tẩn công bất ngờ quy mô lớn tại Tam Đảo do một nhóm người liên kết với phong trào này thực hiện".
Cuộc tấn công Tam Đảo cũng cho thấy nhận thức chính trị ngày càng tăng của Việt Minh và thực tế là họ không chống Pháp một cách bừa bãi. Sau khi hạ được đồn binh yếu này, Việt Minh giải phóng "trại tập trung dân sự" của Nhật tại Tam Đảo. Nguyễn Kim Hùng nhớ rằng mục đích tấn công Tam Đảo "chỉ là để đánh Nhật và thu vũ khí", nhưng khi làm như vậy họ cũng giải thoát nhiều tù nhân người Pháp. Việt Minh sẵn sàng giúp đỡ "những người Pháp tiến bộ", những người mà Trần Trọng Trung đề cập đến "đa phần là giáo viên và học sinh của một trường học tại Hà Nội". "Mặc dù điều kiện sống của người dân địa phương rất thấp, và chúng tôi trải qua nhiều vất vả khó khăn", Trần Trọng Trung nhớ lại, "nhưng Hồ Chí Minh đã chỉ đạo cho chúng tôi làm mọi cách có thể để cải thiện điều kiện sống cho những người Pháp này". Maurice và Yvonne Bernard, hai giáo sư người Pháp sống tại Tam Đảo và ở trong số những người được Việt Minh quan tâm, đã đưa ra một bản tường trình rất sống động về cuộc tấn công Tam Đảo và thời gian họ ở cùng Việt Minh. Trong một bức thư ngỏ gửi "những người bạn ở Hà Nội", họ đã cố gắng chữa lại những gì họ đã tin tưởng là những ấn tượng sai lầm nghiêm trọng về Việt Minh. Họ thẳng thắn tuyên bố: "Việt Minh không phải là những tên cướp biển và họ không căm thù người Pháp; họ chỉ căm ghét chủ nghĩa phát xít và mong muốn đưa đất nước họ thoát khỏi ách nô lệ của Nhật".
Căn cứ vào thái độ của Việt Minh đối với người Pháp thì sau thắng lợi đó họ có thể dễ dàng bỏ mặc những kẻ thực dân cho Nhật trả thù. Tuy nhiên, "Việt Minh đã giúp đàn ông, phụ nữ và trẻ em Pháp đến nơi an toàn, chăm sóc họ cho tới khi máy bay Đồng Minh tới đón và đưa họ sang Trung Quốc", nhà sử học nổi tiếng Ellen Hammer kết luận.
Sự kiện Việt Minh "giải phóng" cho những dân thường Pháp thoát khỏi quân Nhật và giao họ cho người Mỹ chứng tỏ rằng vào đầu tháng 7 năm 1945, Việt Minh đã cố chứng minh rằng họ không đơn phương chống Pháp và nhận ra con đường đạt được sự chấp thuận của Mỹ là phải chiến đấu chống lại kẻ thù duy nhất của họ là Nhật trong khi đó phải đối xử nhân đạo với người Pháp. Mặc dù chính phủ Mỹ không hề biết gì về chiến thắng Tam Đảo, nhưng nó rất có ý nghĩa đối với những người lính trên bộ vào thời điểm đó, đặc biệt là Frank Tan, Dan Phelan và Allison Thomas. Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng với chiến thắng này Việt Minh cũng thành công trong việc đưa được nhiều hơn người Pháp ra khỏi Việt Nam. Mặc dù AGAS đã bố trí máy bay đưa phụ nữ và trẻ em Pháp đi tản, nhưng Trung uý Montfort được Phác và Logos hộ tống, đã dẫn những nhóm tị nạn còn lại từ Tam Đảo đến biên giới và vào Trung Quốc. Ngày họ xuất phát, Thomas ghi trong nhật ký: "Quá tệ là họ buộc phải rời đi nhưng những người này không thích Pháp cũng gần bằng không thích Nhật". Như chính Thomas thừa nhận, khi tới Kim Lũng anh biết rất ít về cả Đông Dương thuộc Pháp lẫn Việt Minh: Tuy nhiên, thật hiển nhiên, anh nhanh chóng phát hiện ra thái độ của họ đối với người Pháp. Lòng hiếu khách của Việt Minh và những cuộc nói chuyện với Tan và Phelan thuyết phục Thomas hơn nữa về khả năng tồn tại của các hoạt động liên minh giữa OSS và Việt Minh mà không có người Pháp. Trong suốt thời gian ở với Việt Minh, Thomas và Hồ Chí Minh thường xuyên nói chuyện với nhau - về chính trị, về sứ mạng quân sự của họ, và về "mối bất bình" của người Việt Nam đối với người Pháp. Hồ Chí Minh giải thích cho Thomas rằng ông "với tư cách cá nhân yêu mến nhiều người Pháp", nhưng "phần lớn những người lính của ông (nguyên văn) thì lại không". Cũng như với Shaw, Fenn, Tan và Phelan, Hồ Chí Minh mô tả cho Thomas những hành vi tồi tệ nhất của người Pháp. Người Pháp giữ độc quyền về muối và rượu. Họ "bắt người dân phải mua thuốc phiện" và phải đóng các loại thuế cao; họ đã "bắn giết và xông hơi ngạt nhiều tù chính trị"; họ đã xây dựng nhiều "nhà tù hơn là trường học"; và họ đã tước đi của nhân dân Việt Nam những quyền tự do được xem là cơ bản trong đời sống của người Mỹ: quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp. Tuy nhiên, thậm chí rất lâu sau chiến tranh, Thomas cương quyết khẳng định rằng lúc đó anh không hề biết Hồ Chí Minh là cộng sản:
Rõ rành ông là người. rất hiểu biết và rất có giáo dục. Nhưng tôi nhớ tôi không hề biết ông là Cộng sản. Tôi không biết ông nói được tiếng Nga, tôi cũng không biết ông đã từng đến nước Nga… Tôi cảm thấy ông rất chân thành… ông dường như là một người quả quyết… Tôi còn nhớ rằng lúc đó tôi có mặt trong một sứ mạng chính. Đó là một sú mạng quân sự thuần tuý. Tôi chỉ hơi nghi ngờ ông vì binh sĩ của ông sử dụng kiểu chào bắt tay. Nhưng khi tôi nói chuyện đó với Dan Phelan và Frankie Tan thì cả hai đều cảm thấy rõ ràng rằng Hồ Chí Minh không phải là một người Cộng sản giáo điều, rằng ông là một người yêu nước chân chính.
Dù mối quan hệ giữa OSS và GBT đã căng thẳng tới đỉnh điểm nhưng tại Việt Nam, Tan và Phelan, cũng như những người khác, vẫn ăn ý với nhau. Chỉ vài ngày sau khi Thomas đến, Tan đã gửi cho Fenn lúc đó đang ở Côn Minh một bức điện: "Thomas là một anh chàng tuyệt vời, rất có cảm tình với Việt Minh và đã gửi điện cho OSS đề nghị họ nên làm việc với Hồ Chí Minh chứ không phải với người Pháp". Trên thực tế, điều này là sự thật. Ngay sau khi có mặt, Thomas đã hỏi thẳng Hồ Chí Minh về định hướng chính trị của Việt Minh và ông đã quả quyết rằng thành phần của Việt Minh gồm rất nhiều các đảng phái chính trị khác nhau và Việt Minh "đang chiến đấu giành tự do và độc lập hoàn toàn cho Đông Dương từ tay tất cả các thế lực nước ngoài". Thomas nhớ lại, và "sau khi đã giành được tự do họ mới lo đến vấn đề chính trị".
Hồ Chí Minh đề cập một cách thận trọng đến vấn đề này: không phải là nói dối nhưng cũng không đưa ra toàn bộ sự thật. Trong báo cáo chính thức đầu tiên của Đội Nai gửi về Côn Minh, được viết chỉ một ngày sau khi có mặt, Thomas tuyên bố dứt khoát: "Hãy quên đi bóng ma Cộng sản. Việt Minh không phải là Cộng sản. Họ ủng hộ tự do và những cải cách thoát khỏi ách thống trị sự hà khắc của Pháp".
Tin rằng Hồ Chí Minh và Việt Minh chắc chắn thân Mỹ - Hồ Chí Minh nói với Thomas ông sẽ "vui lòng chào đón 10 triệu người Mỹ" - Thomas chuẩn bị một loạt phương án hành động cho sứ mạng của Đội Nai. Anh báo cáo rằng Hồ Chí Minh được cho là có "ít nhất 3.000 người được vũ trang tại Bắc Kỳ", và rằng ông có thể cung cấp cho Thomas bao nhiêu trong số đó cũng được nếu anh cần. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh đề nghị Thomas nên sử dụng "không quá 100 người". Ông nói thêm "nhiều người đã được huấn luyện đặc biệt dưới sự chỉ huy của một vị lãnh đạo từng được Hải quân huấn luyện đánh du kích tại Trung Quốc".
Thomas cũng gửi đi phương án của Hồ Chí Minh chuyển mục tiêu hoạt động của Đội Nai tới tuyến đường bộ Thái Nguyên - Cao Bằng và liệt kê những lý do thay đổi dưới đây:
- Không quân đã cắt đứt giao thông trên tuyến đường bộ Hà Nội - Lạng Sơn.
- Tuyến đường này đã mất tầm quan trọng kể từ khi Nam Ninh bị chiếm. quân Nhật có lực lưọng mạnh hơn nhiều tại khu vực đó.
- Việt Minh chưa mạnh và chưa được vũ trang tại khu vực đó
- Quân Nhật liên tục sử dụng tuyến đường bộ Thái Nguyên - Bắc Cạn. Nhiều hơn so với tuyên Hà Nội - Lạng Sơn.
- Đây là khu vực tốt hơn cho công tác huấn luyện.
- Khu vực hiện nay hoàn toàn do Việt Minh kiểm soát. Không có sự xâm nhập của quân Nhật.
Khu vực này đang trở nên yên tĩnh và từ đây chúng ta có thể chuyển quân được huấn luyện về phía nam để hoạt động trên tuyến đường đi Lào Cai và cuối cùng là trên tuyến đường Hà Nội - Sài Gòn có ý nghĩa sống còn và quan trọng hơn nhiều, hoặc nếu cần thì đưa quân được huấn luyện của chúng ta hoạt động trên tuyến đường Hà Nội - Lạng Sơn.
Như đã trở thành phong cách của mình, trong một cơ sở hợp lý Hồ Chí Minh đã kết hợp chặt chẽ mọi yếu tố xác thực (Việt Minh hiển nhiên mạnh nhất trong căn cứ địa), những mối quan tâm đối với người Mỹ (khả năng phá vỡ tuyến đường sắt then chốt Hà Nội - Sài Gòn tại Việt Nam), và những chi tiết lợi ích đặc biệt đối với ông (triển vọng về việc huấn luyện kỹ lưỡng và trang bị cho các chiến sĩ của ông tại Việt Bắc). Cách phân tích của Hồ Chí Minh có ý nghĩa đối với Thomas, người đã đề xuất với Bách Sắc và Côn Minh rằng việc thay đổi nhiệm vụ của Đội Nai phải được thực hiện, rằng một "căn cứ tương đối ổn định" dành cho huấn luyện sẽ đặt tại Kim Lũng, và mục tiêu ban đầu bị hoãn lại cho tới khi Đội Nai hoàn thành công tác huấn luyện. Tonnesson bình luận: "Đáng ngạc nhiên hơn, Thomas đã đồng ý - với sự chấp thuận của cấp trên - hoạt động tạm thời trên tuyến liên lạc ít quan trọng về mặt chiến lược được Hồ Chí Minh ủng hộ. Do đó Thomas đã trì hoãn nhiệm vụ được chỉ thị thi hành, nhiệm vụ này là một phần quan trọng trong CARBONADO".
Thomas có thể đã bị ảnh hưởng trong việc ra quyết định bởi một báo cáo tình báo đề ngày 8 tháng 7 về sức mạnh của quân Nhật. Báo cáo này đã đánh giá 700 lính tại Thái Nguyên và 2.000 tại Cao Bằng, thêm vào đó là 2.500 lính tại ngôi làng ở Bắc Cạn - những con số đầy ý nghĩa đối với những người đang hy vọng được đánh Nhật. Ngoài ra, Thomas yêu cầu những phần còn lại của Đội Nai và Đội Mèo, gồm nhân viên y tế, vũ khí và trang thiết bị, phải được thả dù càng sớm càng tốt. Thậm chí anh còn gửi một tấm bản đồ vẽ tay mô tả lộ trình chuyến bay tốt nhất và điểm thả dù để tránh "những khu vực do Nhật kiểm soát".
Thomas cũng đề nghị được cung cấp một số lượng lớn trang thiết bị hỗn hợp, gồm 10 khẩu M-3 có bộ giảm thanh ("tốt khi chiến đấu với lính gác và quân tiên phong Nhật"); 100 màn chống muỗi; 100 "bộ quần áo đã chiến xanh lá cây cỡ nhỏ, hay quần áo nguỵ trang trong rừng và mũ" (không có quần áo ka ki); 5 bộ bản đồ toàn thể Đông Dương, được xem là "yếu tố cần thiết" đối với các nhóm tuần tra và là "món quà cho các lãnh đạo đảng và quân sự rất cần đến bản đồ"; "nhiều tạp chí ảnh (Tạp chí Life), sách báo"; muối ("những người dân địa phương rất thiếu muối"); và 10 chiếc đồng hồ "để làm quà cho các lãnh đạo đảng và quân đội". Thomas đề nghị lấy những trang thiết bị cần thiết đó từ người Pháp.
Anh đề xuất, "Lấy lại trang thiết bị đã phát cho người Pháp, vì chúng tôi cần tất cả những thứ đó (cả khẩu M-45 của tôi đã đưa cho Langlois)".
Tuy nhiên Thomas không biết rằng các trang thiết bị của Mỹ phát cho người Pháp ngày 11 tháng 6 dự kiến cho Đội Nai sử dụng đã bị thu hồi. Trung uý Défourneaux không may lại là người chuyển tin này chỉ vài ngày trước khi Thomas đưa ra đề xuất. Không may cho Défourneaux, anh đã tạo ra nhiều kẻ thù trong những người Pháp ở miền nam Trung Quốc. Trong khi làm việc và trò chuyện với binh lính Pháp, anh phát hiện ra họ "đã có kế hoạch quay lại thuộc địa, không cần phải đánh nhau nhiều với Nhật mà vẫn tái lập quyền kiểm soát trên một thế giới mà họ xem là của họ".
Cho rằng đây là nhiệm vụ của mình, Défourneaux đã báo cáo lên cấp trên. Anh tin rằng thông tin sẽ dừng lại ở đó. Tuy nhiên, không lâu sau anh được lệnh hướng dẫn cho người Pháp để lấy lại trang thiết bị Mỹ đã phát cho họ.
Défourneaux nhớ lại tình huống hết sức khó chịu này:
Khi một nhóm sĩ quan quân đội Pháp từ từ vây quanh và đẩy tôi vào tương, tôi biết mình đang ở trong tình thế rất mong manh. Tôi cố nói với họ rằng tôi không liên quan gì tới quyết định này, nhưng họ khó chịu bởi thực tế là trước đó tôi đã bội ước đối với họ. Họ thực sự tin rằng chỉ có tôi mới có thể báo cho Biệt đội Mỹ rằng mục đích chủ yếu của họ là giành lại thuộc địa… Thực tế là tôi là một sĩ quan Mỹ bình thường, nhưng với họ, tôi lại là người Pháp và là một kẻ phản bội.
Mặc dù quan hệ giữa Défourneaux với người Pháp rất căng thẳng, nhưng anh vẫn thất vọng khi nhận được tin của Thomas, theo đó người Pháp phải bị loại khỏi sứ mạng của Đội Nai. Mặc dù nghi ngờ động cơ của Pháp, anh vẫn cảm thấy động cơ của Việt Minh cũng không tốt gì hơn. Trên thực tế Défourneaux tin rằng không bên nào thực sự muốn dành Nhật. Qua những cuộc trò chuyện với người Pháp, và thậm chí với vài người Trung Quốc trong vùng, anh đã hình thành một ý kiến tiêu cực về Việt Minh và cảm thấy rằng làm việc với họ sẽ là một sai lầm. Tuy nhiên, là một sĩ quan cấp dưới nên anh quyết định giữ ý kiến đó cho riêng mình.
Défourneaux nhớ lại:
Tôi cảm thấy chúng tôi đang mắc phải một sai lầm lớn như sai lầm của người Pháp… Tôi có cảm giác rằng không có ai có thể giao thiệp thành công với Việt Minh. Họ sẽ không giữ lời hứa vì mục đích chính của họ không phải là đánh đuổi Nhật ra khỏi FIC, mà là đòi hỏi nhiều vũ khí trong khả năng của họ và cố gắng kiểm soát Bắc Kỳ. Họ biết rằng không sớm thì muộn Nhật sẽ rời khỏi Đông Dương, vậy thì tại sao họ phải mạo hiểm cuộc sống vì một kết quả nhãn tiền?
Không chú ý tới những cảm giác cá nhân, Défourneaux và các đồng dội quay trở lại Bách Sắc theo mệnh lệnh. Davis thông báo rằng Défourneaux cùng những người còn lại của Đội Nai, cũng như Đội Mèo, sẽ nhảy dù xuống Kim Lũng vào ngày 29 tháng 7. Davis đề nghị rằng căn cứ vào thái độ của Việt Minh đối với người Pháp, như được chứng minh bởi việc triệu hồi Montfort, anh nên cân nhắc đến một cái tên giả và nói rõ, với cái tên Pháp "Défourneaux" anh có thể vấp phải những khó khăn tương tự. Thế là Défourneaux trở thành Raymond Douglass. Đội dành cả ngày hôm sau để chuẩn bị những đồ dùng sẽ được thả dù cùng với họ. Sau những khó khăn trong việc tìm khu vực nhảy dù, Đội Nai và Đội Mèo nhảy xuống một nơi với họ là những khu rừng rậm xa lạ ở Bắc Việt Nam.
Hồ Chí Minh bị ốm nên không thể có mặt tại khu vực nhảy dù để chào đón họ, tuy nhiên ông vẫn cố gắng tranh thủ sự kiện họ đến nơi. Nằm trên giường bệnh, ông đề nghị nhân dân địa phương đến khoảng rừng thưa và chờ đợi những người Mỹ "rơi từ trên trời xuống". "Chúng tôi rất hồ nghi", một người dân địa phương nhớ lại, "nhưng vì rất tin tưởng vào Bác Hồ, vì thế chúng tôi đi. Chúng tôi chờ đợi gần hết ngày và không có chuyện gì xảy ra. Nhưng sau đó chúng tôi nhìn lên bầu trời và trên đó xuất hiện một chiếc máy bay, và rồi từ chiếc máy bay họ nhảy xuống. Mọi người phải nói rằng Bác Hồ quả là một bậc kỳ tài. Làm sao Bác có thể biết một việc như vậy sẽ xảy ra?". Dĩ nhiên Hồ Chí Minh biết rõ kế hoạch nhảy dù này. Thomas đã cho ông biết kế hoạch đồ bộ, và các cán bộ Việt Minh đã giúp bố trí khu vực nhảy dù với một dấu hiệu quan sát (hình chữ T màu trắng trên mặt đất) để hướng dẫn phi công. Tuy nhiên, sự sáng suốt là tất cả mọi thứ, và lại một lần nữa Hồ Chí Minh đã chứng minh ông làm chủ tình thế.
Khi các thành viên Đội Nai tiếp đất an toàn, họ được Tan, Phelan, Zielski và "Mr. Văn", bí danh của Võ Nguyên Giáp, chào đón. Không một ai bị thương, và những người Mỹ một lần nữa lại được hộ tống đi trên lối đi dưới mái vòm tre có khẩu hiệu "Chào đón những người bạn Mỹ của chúng ta". Cả đội không được gặp Thomas và Prunier cho tới đêm hôm sau; hai người Mỹ này lúc đó đi trinh sát vị trí phòng thủ của Nhật tại Chợ Chu, nơi Thomas muốn lập kế hoạch tẩn công nhưng chiến tranh đã kết thúc trước khi anh có cơ hội làm điều đó. Mặc dù lấy làm lạ về sự vắng mặt của chỉ huy, cả đội cũng thấy nhẹ nhõm là cuối cùng họ đã đổ bộ đúng địa điểm, và họ nghỉ ngơi qua đêm. Bây giờ thì Đội Nai "đã đến nơi theo kế hoạch, sẵn sàng và háo hức thực hiện nhiệm vụ". Défourneaux nhận thấy mình đang nghĩ về "những nỗ lực lãng phí của chúng ta, chúng ta thiếu chỉ thị và lãnh đạo.
Mặc dù Défourneaux và những thành viên khác trong đội đội che giấu nỗi oán giận về cái họ cho là thiếu sự lãnh đạo, nhưng Thomas vẫn khá dửng dưng trước mối bất động nội bộ này. Vài ngày sau họ chuẩn bị bắt đầu nhiệm vụ huấn luyện của mình, xếp gọn đồ quân nhu, chọn địa điểm huấn luyện, nơi ăn ở, và thăm chớp nhoáng những bản làng xung quanh, ở đó họ luôn được tiếp đón nồng hậu. Khi Đội Nai ổn định tại khu vực này thì một số người khác lại ra đi. Đội Mèo của đại uý Holland khởi hành vào ngày 31 tháng 7 để thiết lập căn cứ tại khu vực khác. Và Tan rời khỏi Đông Dương trên một chiếc L-5 được gửi tới để đón ông.
Lungco1
Lungcosanbay1
(Ảnh tư liệu của Nguyễn Học chụp lại từ bản gốc)
Tan đã trì hoãn ngày ra đi trong chừng mực có thể, phớt lờ vô số lệnh triệu tập về Côn Minh của Gordon. Tuy nhiên, khi Đội Nai đã đến, Đội Mèo bắt đầu nhiệm vụ của mình, và Phelan vẫn làm việc cho AGAS, Tan không còn lý do gì để ở lại Đông Dương. Ngoài ra, Tan và Hồ Chí Minh đã "thiết lập được một mạng lưới tình báo gồm các điệp viên người địa phương thay thế hoàn toàn mạng lưới của Pháp đã không còn tồn tại sau cuộc đảo chính của Nhật". Tan cũng cảm thấy buồn khi phải rời xa những con người mà ông đã coi như bạn bè tại Bắc Kỳ, đặc biệt là Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh cũng lấy làm tiếc vì sự ra đi của Tan. Tan nhớ lại câu nói cuối cùng của Hồ Chí Minh dành cho ông: "Ngài sẽ luôn có cơ hội để đến với thế giới và người Pháp cũng vậy. Nhưng bây giờ sự phối hợp của chúng ta đã kết thúc, tôi sẽ không có cơ hội đó". Tuy nhiên, lúc đó Tan đã không đánh giá hết những khó khăn mà Hồ Chí Minh sẽ sớm phải đối mặt. Mặc dù rất có thiện cảm với Hồ Chí Minh và Việt Minh, những người ông đã cùng làm việc, nhưng Tan cũng rất vui mừng khi được gặp lại bạn bè tại tổng hành dinh GBT.
Vui mừng vì không biết gì về căng thẳng giữa Gordon và Fenn, bất bình của Gordon với những cuộc gặp gỡ Việt Minh của mình, ngay lập tức Tan bắt đầu ca ngợi Hồ Chí Minh và Việt Minh. Gordon không có mặt tại trụ sở GBT khi Tan đến và Fenn cảnh báo anh "đừng khen ngợi (đối với Hồ Chí Mình) khi gặp nhau". Fenn mô tả thiện cảm của Tan đối với Hồ Chí Minh là "không thể kìm nén được", và Tan không hề có ý định ngăn những cảm xúc của mình chỉ vì Gordon. "Laurie sẽ phải đối mặt với sự thật", Tan tuyên bố. "Người Pháp tại Đông Dương coi như đã kết thúc. Khi chiến tranh chấm dứt Việt Minh chắc chắn sẽ nắm được chính quyền. Và lúc đó Hồ Chí Minh có thể làm được nhiều việc để giúp chúng ta!". Nhiều tháng sau, Tan vẫn thường xuyên nói về Hồ Chí Minh cùng nỗi khát khao giành độc lập của người Việt Nam, và có lẽ đó chính xác là những gì Hồ Chí Minh mong đợi. Trong một bức thư gửi Fenn, được viết trước chuyến trở về Côn Minh của Tan, Hồ Chí Minh giải thích: "Tôi muốn viết cho ngài một lá thư dài, thật dài để cảm ơn tình bạn của ngài. Không may tôi không thể viết được nhiều vì ngay lúc này tôi không được khỏe (không ốm nặng đâu, ngài đừng lo?). Nhưng gì tôi muốn nói thì ngài Tan sẽ nói giúp tôi".
Mặc dù Tan đã nói nhiều, nhưng vào tháng 8 năm 1945 vẫn còn có đôi điều để nghe.
Khi tháng cuối cùng của chiến tranh bắt đầu, những người Mỹ ở Việt Nam không hề biết rằng Nhật sắp thất bại, đã ổn định cuộc sống cùng Việt Minh. Ngày 1 tháng 8, họ chứng kiến lễ khai trương "hội trường" mới được xây dựng của Việt Minh, với các bài phát biểu và kịch ngắn trào phúng chính trị, gồm một vở mô tả "Quân Nhật đang tàn phá đất nước họ" ra sao và một vở khác khắc hoạ việc giải cứu thành công một phi công Mỹ. Trong những ngày đầu ở doanh trại, các thành viên của Đội Nai đã gặp gỡ nhiều Việt Minh và một vài người dân ở khu vực xung quanh. Tuy nhiên, một người đáng quan tâm lại vắng mặt: Hồ Chí Minh. Hôm cả đội đổ bộ, Võ Nguyên Giáp đã xin lỗi vì sự vắng mặt của Hồ Chí Minh, ông nói với những người Mỹ mới đến là "chỉ huy" của họ bị ốm. Đến ngày 3 tháng 8, Hồ Chí Minh vẫn không xuất hiện. Một vài thành viên trong đội, gồm Défourneaux và Paul Hoagland, quyết định đi vào ngôi làng gần đó để gặp Hồ Chí Minh và xem ông có cần giúp đỡ gì không. Đã được người Pháp cảnh báo về người đàn ông "tàn nhẫn" và "nguy hiểm" này, Défourneaux rất ngạc nhiên về diện mạo của ông. Thay vì một con người gớm guốc, Défourneaux chỉ thầy dường như đây là một người ốm yếu đang lơ lửng gần cái chết:
Nằm trong góc tối của căn phòng là một bộ xương được bao phủ bởi làn da vàng khô. Một đôi mắt đờ đẫn nhìn chúng tôi chằm chằm. Người đó đang run nên giống như chiếc lá và rõ ràng đang bị sốt cao. Khi mắt đã bắt đầu quen với bóng tối tối nhận ra chòm râu dài lởm chởm đang xoã xuồng từ một cái cằm nhọn… Hoagland nhìn qua nhanh và nói. "Người này không còn sống được bao lâu nữa".
Nhưng Hoagland đã sẵn sàng ứng phó.
Hoagland, sinh ra tại Romulus, New York, đã được đào tạo y sĩ tại Bệnh viện Willard trước Chiến tranh thế giới 2.
Anh cũng có vài năm kinh nghiệm làm lính cứu thương trên con tàu Thuỵ Điển Gripsholm. Hoagland được tuyển vào OSS năm 1942 và đến nhận công tác tại Đội Nai vào tháng 5 năm 1944. Sau khi khám qua cho bệnh nhân, Hoagland cho rằng ông đang bị bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, bệnh lỵ hay kết hợp của cả ba loại bệnh trên. Anh đưa cho ông thuốc ký ninh, sulfa và "những thuốc khác". Vài ngày sau Hoagland "điều trị cho ông theo định kỳ". Allison Thomas sau đó nhận xét rằng mặc dù trông Hồ Chí Minh "rất ốm yếu" nhưng anh vẫn không tin ông sẽ chết. Trong vòng mười ngày, ông đã hồi phục được ít nhiều, đã có thể đứng lên và đi lại. Ngoài chăm sóc cho Hồ Chí Minh, Hoagland, người nói tiếng Pháp trôi chảy, còn huấn luyện cho Triệu Đức Quang thành một lính cứu thương. Không những trở thành "đội cứu thương cho nhóm binh sĩ Việt - Mỹ", Quang và Hoagland còn trở thành những người bạn tốt. Theo đề nghị của Hoagland về việc thử nấu vài món địa phương mà Hồ Chí Minh đã từng đề xuất với Thomas không nên cho những người Mỹ ăn, hai anh lính cứu thương "lén đi tới một ngôi làng dưới chân đồi để nấu nướng". "Lần đầu tiên chúng tôi trốn đi không có vấn đề gì Quang nhớ lại, "nhưng lần thứ hai vì quá vội và cơm nấu chưa được chín nên chúng tôi bị bệnh tiêu chảy".
Tình bạn nảy nở giữa Quang và Hoagland không phải là duy nhất. Trần Trọng Trung, 22 tuổi, và Henry (Hank) Prunier, Zi tuổi, cũng xây dựng được một tình bạn. Họ nói với nhau bằng tiếng Pháp và vốn tiếng Việt sơ đẳng của Prunier. Trung có rất nhiều câu hỏi cho Prunier, ví như Roosevelt là ai, và hai người đã dành nhiều thời gian để trò chuyện. Trung dạy cho Prunier "hát một khúc ballad quân hành", bài hát này sau đó trở thành quốc ca Việt Nam. Điều đó rõ ràng làm cho chàng trai Mỹ được nhiều người Việt Nam trong doanh trại quý trọng.
Trong sáu ngày đầu tháng 8, người Việt Nam và người Mỹ cùng nhau dựng trại huấn luyện. Trong khi người Việt tập trung dựng "những toà nhà" - thường không nhiều hơn bốn bức tường, một mái tranh và một cái nền - thì người Mỹ tập trung vào nội thất của ngôi nhà mới. Họ làm vội những chiếc giường ngủ, bàn ghế và vách ngăn. Trong vòng một tuần, trại huấn luyện gồm 3 doanh trại dành cho binh lính người Việt, một doanh trại dành cho lính OSS, một phòng họp, một nhà bếp, một kho hàng, một trạm xá và "trụ sở" liên lạc, một trường bắn rộng 150 thước Anh(1), và một khu vực huấn luyện ngoài trời. Cuối bãi huấn luyện có một cây cao được dùng làm cột treo cờ Việt Minh: một ngôi sao vàng ở giữa nền đỏ. Những tân binh trẻ người Việt tham gia huấn luyện quân sự (do người Mỹ huấn luyện) và huấn luyện chính trị (do Việt Minh huấn luyện) vui sướng được ở đó. Défourneaux nhớ rằng dường như các tân binh có vẻ rất vui đơn giản là "được ở cùng nhau mà không bị gò bó, được đàm đạo và học hỏi lẫn nhau". Từ nhóm 110 tân binh, chỉ huy của họ Đàm Quang Trung và Đội Nai chọn ra 40 người lính trẻ "nhiều triển vọng nhất" để bắt đầu huấn luyện ngay. Những tân binh, háo hức được làm việc cùng Đội Nai, đã được Hồ Chí Minh đặt tên chính thức là "Bộ đội Việt - Mỹ". loại trừ William Zielski luôn bận liên lạc điện đài với Bách Sắc và Côn Minh, tất cả các thành viên của Đội Nai đều tham gia huấn luyện cho người Việt. Thomas đã mang theo những cuốn giáo trình huấn luyện của quân đội Mỹ hướng dẫn luyện tập và cách sử dụng vũ khí Mỹ và đợt huấn luyện bắt đầu ngày 9 tháng 8 - ba ngày sau vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima. Không hề biết gì về những sự kiện đang gây chấn động địch cầu, Đội Nai tiếp tục huấn luyện nhóm tân binh được lựa chọn của Việt Minh để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh du kích chống Nhật. Những tân binh trẻ được huấn luyện cách sử dụng súng cacbin M-1, súng tiểu liên Thompson, súng trường, bazoca, súng máy hạng nhẹ và Bren. Chương trình huấn luyện gồm phép đạc tam giác, tập bắn và lau chùi vũ khí. Họ còn được hướng dẫn cách sử dụng súng cối và lựu đạn. Việc tập luyện tương đối căng thẳng từ ngày 9 cho đến 15 tháng 8, từ 5 giờ 30 sáng đến 5 giờ chiều. Ngày 10 tháng 8 họ nhận được một đợt thả đồ tiếp tế bổ sung vũ khí và đạn được để tiếp tục công tác huấn luyện tân binh. Chắc chắn Võ Nguyên Giáp rất vui mừng với những khí tài bổ sung này.
Trang thiết bị được thả dù xuống Việt Bắc vào ba vị trí thả đồ tiếp tế của Đội Nai, kết hợp với "những loại vũ khí nhẹ do Việt Minh chế tạo tại những nhà máy quân khí đơn sơ của họ trong rừng" đã tạo thành một đội quân "được trang bị vũ khí đầy đủ gây ấn tượng cho những người dân nông thôn". Võ Nguyên Giáp nhớ lại: nhìn thấy nhóm quân mới đứng trong hàng ngũ chỉnh tề và được trang bị súng trường mới cùng lưới lê sáng loáng khiển chúng tôi phấn khởi và tin tưởng". Người viết tiểu sử của Võ Nguyên Giáp, Cecil Currey, nói thêm: "Ông Giáp đã kiểm tra cho chắc rằng những đơn vị trang bị mới của ông được càng nhiều người trông thấy càng tốt". cả Thomas và Défourneaux cũng bị ấn tượng với những đơn vị mới này. Cả hai đã ghi lại trong trong nhật ký của mình tinh thần hăng hái và khả nãng tiếp thu nhanh chóng hầu hết các kỹ nãng quân sự của những người lính trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, cả hai đều không nhìn thấy tận mẳt toàn bộ giá trị của nhiệm vụ này. Trong khi Thomas đề nghị huấn luyện binh lính tại khu căn cứ và sau đó, "khi họ đã thành thạo" thì tấn công Nhật tại những khu vực nguy hiểm hơn gần Thái Nguyên và Lạng Sơn, thì trung uý Défourneaux không đồng ý với bản chất của cả huấn luyện lẫn giả thuyết huấn luyện Việt Minh tổng thể. Về bản chất huấn luyện anh viết:
Chúng tôi đang huấn luyện tân binh cho cuộc chiến tranh thông thường trong khi dự tính các hoạt động du kích. Nhân tố quan trọng nhất đối với một hoạt động du kích thành công là sự hiểu biết địa hình. Điều này chắc chắn không có trong phạm vi chuyên môn của chúng tôi. Những người mà chúng tôi đang huấn luyện có thể hoạt động khắp Đông Dương mà không sơ bị phát hiện như những người không phải là dân bản xứ. Là người phương Tây, chúng tôi không có cách nào thuyết phục người dân địa phương cầm lấy vũ khí và chống lại thế lực xâm lược… Tất cả những gì cần từ chúng ta là vũ khí, và huấn luyện cách sử dụng những loại vũ khí này.
Défourneaux thậm chí còn chỉ trích gay gắt hơn ý tưởng huấn luyện Việt Minh, những người anh tin là cộng sản khi so sánh cách chào kiểu nắm tay, bài hát ca ngợi và cách cư xử của họ với những gì tương tự của những người cộng sản Pháp mà anh đã thấy khi còn là một thanh niên lớn lên tại miền Đông nước Pháp:
Thật khó cho tôi khi làm theo ý tưỏng huấn luyện quân sự cơ bản cho một nhóm người bản xứ, những người nhờ mưu mẹo đã thoát khỏi sự chú ý của những chủ thuộc địa người Nhật và sống sót được… Nếu những người này được tổ chức thành những trung đội, đại đội chính qui và nhưng đon vi cỡ tiểu đoàn thì dù có thể, chúng tôi cũng không "việc gì phải dính vào việc xây dựng một lực lượng vũ trang cho mục đích chiến đấu chống Nhật".
Mặc dù nghi ngờ động cơ của họ, nhưng Défourneaux vẫn thú nhận rằng Việt Minh là những học viên quân sự giỏi và thậm chí chính Hồ Chí Minh cũng là một "người tài ăn nói, có phạm vi hiểu biết rộng". Với hầu hết những người khách Mỹ Hồ Chí Minh chí ít cũng dành một phần thời gian để bàn luận về sự vượt quá giới hạn của Pháp tại Việt Nam và khát vọng giành tự do của người Việt. Ông nói với Défourneaux, cũng như với Thomas và Phelan, rằng thậm chí ông sẽ chấp nhận một "thời kỳ quá độ, trong đó Pháp sẽ hướng dẫn và cuối cùng sẽ chuyển giao trách nhiệm điều hành cho những người Đông Dương được lựa chọn".
Thomas cũng nhớ là Hồ Chí Minh đã đề cập tới một thời kỳ quá độ từ năm tới mười năm dưới sự hướng dẫn của Pháp. Thậm chí nhiều năm sau khi rời Việt Nam, Thomas vẫn nhớ lại sự quan tâm đặc biệt đối với những bức điện mà anh đã thay mặt ông gửi cho người Pháp gần như ngay sau khi anh đặt chân tới Kim Lũng. Ngày 17 tháng 7, Hồ Chí Minh đề nghị Thomas báo cho người Mỹ tại Côn Minh biết rằng ông sẵn sàng nói chuyện với một sĩ quan cấp cao của Pháp, ví dụ như tướng Sabattier. Patti mô tả nỗ lực này là khả năng nắm bắt "thời điểm thích hợp" của Hồ Chí Minh với hy vọng người Pháp sẽ thực sự bị ấn tượng bởi sự hiện diện của người Mỹ tại căn cứ của ông, qua đó phải có thái độ tôn trọng ông. Bản kiến nghị gồm năm điểm của Việt Minh yêu cầu người Pháp "tôn trọng tương lai chính trị của Đông Dương thuộc Pháp" với các điều khoản sau:
Một quốc hội sẽ được lựa chọn bằng phổ thông đầu phiếu. Đó sẽ là cơ quan lập pháp của đất nước. Một thống đốc người Pháp sẽ thực hiện trách nhiệm của tổng thống cho tới khi nền độc lập của chúng tôi được bảo đảm. Vị tổng thống này này sẽ lựa chọn nội các hoặc một nhóm cố vấn được quốc hội chấp thuận. Quyền lực rõ ràng của tất cả những cơ quan này có thể được định rõ trong tương lai.
Độc lập sẽ được trao cho đất nước này trong thời gian tối thiểu là 5 năm và tối đa là 10 năm. Những nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước sẽ được trả lại cho nhân dân sau khi bồi thường sòng phẳng cho những người hiện đang sở hữu chúng. Nưóc Pháp sẽ có lợí từ đặc quyền kinh tế.
Tất cả những quyền do Liên Hợp Quốc đã công bố sẽ được bảo đảm tại Đông Dương.
Cấm buôn bán thuốc phiện.
Trong chừng mực những gì Patti có thể xác định được lúc đó, thông điệp của Hồ Chí Minh không được người Pháp đáp lại. David Marr viết: "Người Pháp đã chuẩn bị trả lời hoà giải, dù là lấp lửng, nhưng lại không chuyển nó qua các kênh của OSS rõ ràng là để Sainteny đích thân trao cho Hồ Chí Minh. Nhưng thời gian dành cho hoà giải thời chiến đang nhanh chóng kết thúc. Ngày 6 tháng 8, những suy đoán trên cơ sở đó các nguyên tắc của chúng ta đang phát huy tác dụng đã bị đổ vỡ bởi trái bom nguyên tử tàn phá Hiroshima".
Tại doanh trại Đội Nai, tin tức về khả năng đầu hàng được gửi đến qua Dan Phelan. Phản ứng trong binh lính khá mâu thuẫn. Mặc dù rất phấn khích trước viễn cảnh được trở về nhà, nhưng họ cũng thất vọng vì chiến tranh có thể kết thúc trước khi họ có cơ hội được đánh nhau trực tiếp với Nhật. Ngày 11 tháng 8, trung uý Défourneaux đã viết vào nhật ký: "Chúng tôi vẫn mong có trận đánh nào đó trước khi chiến tranh kết thúc?"
Défourneaux báo cáo rằng tất cả thành viên Đội Nai "đang làm việc khá tốt" trong mọi hoàn cảnh, ngoại trừ trung sĩ Vogt. Vogt không vui với nhiệm vụ huấn luyện của mình và nói rõ với viên trung uý rằng anh ta "đã tình nguyện đi giết lính Nhật chứ không phải làm một trung sĩ huấn luyện". Tuy nhiên, Thomas lại rất vui khi nhận tin này. Trong nhật ký ngày 15 tháng 8 anh viết: "Hôm nay là một ngày vui. 9 giờ sáng nghe qua radio rằng những cuộc đàm phán về đầu hàng cuối cùng đã gần kết thúc". Niềm vui của viên thiếu tá dường như càng làm tăng thêm nỗi thất vọng của cả đội. "Ba tháng trước", Défourneaux nói, "tất cả đều muốn được chiến đấu với quân Nhật, nhưng bây giờ họ cảm thấy rằng vị thiếu tá đã sai lầm vì không cho họ cơ hội". Khi tình cờ nghe được sự hoan hỷ của Thomas, binh lính "phẫn nộ về thái độ của anh khi những cơ hội chiến đấu của họ bị co lại". Khát vọng đánh nhau với Nhật này là một trong những đặc tính người Việt Nam ngưỡng mộ. David Marr kết luận: Người Việt Nam bị mê hoặc bởi những con người xa lạ này, những người rơi từ trên trời xuống với hàng tấn trang thiết bị của phương Tây, những người giữ được liên lạc đường dài với các nguồn quyền lực to lớn ở thế giới bên ngoài, thường khăng khăng đòi được cởi trần (hoàn toàn không giống thực dân Pháp có ý thức về ăn mặc) khi đi lại và cho thấy mọi biểu hiện về mong muốn được giết Nhật ngay khi chương trình huấn luyện vừa kết thúc". Mặc dù sự đầu hàng của Nhật dường như đã diễn ra vào ngày 10 tháng 8, nhưng cả người Mỹ lẫn người Việt tại Việt Bắc đều không thể chắc chắn là chiến tranh thực sự kết thúc, vì vậy công tác huấn luyện vẫn tiếp tục hơn bốn ngày sau. Nhưng ngay khi người Mỹ đang kết thúc cuộc chiến của họ, thì Việt Minh lại đang sắp đặt những kế hoạch mới. Từ ngày 13 tới ngày 15 tháng 8, ICP, đảng lãnh đạo chính trị của Việt Minh, tổ chức một "hội nghị chiến lược" tại một ngôi làng gần Tân Trào. Niềm phấn khởi lan truyền khắp nơi khi các phái đoàn từ xa như miền Nam, miền Trung, Lào và Thái Lan trên đường về Tân Trào, khi những cán bộ đã nhiều năm không gặp nhau tìm hiểu lại về nhau và khi tự do dường như sắp đến gần. Như một hoạt động bên lề hội nghị, các đại biểu được đưa tới những trại huấn luyện để chứng kiến công tác huấn luyện của Lực lượng Việt - Mỹ. Đối với hầu hết các đại biểu, các thành viên Đội Nai là những người Mỹ đầu tiên họ đã từng gặp. Mặc dù không xuất hiện vào lúc khai mạc hội nghị vì bị ốm, nhưng lại một lần nữa Hồ Chí Minh lặng lẽ thể hiện quyền lực và những mối quan hệ của ông với người Mỹ. Nhà sử học Stein Tonnesson đã nhắc nhở về sự nhấn mạnh thái quá ảnh hưởng của sự hiện diện của Đội Nai tại Tân Trào và chỉ ra các nhân tố đưa Hồ Chí Minh đến với quyền lực tại Việt Nam - gồm danh tiếng đáng kể của ông trong một số đại biểu với tư cách là nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc có nhiều tác phẩm, và cơ sở cách mạng - cái đã được Đảng gây dựng trong cả nước. Theo quan điểm của Tonnesson, sự hiện diện của người Mỹ chỉ có vai trò "làm tăng nhuệ khí" hơn là những thứ khác. Tuy nhiên, với tất cả các nhân tố hợp lại, và khi bế mạc hội nghị, ưu tiên của Hồ Chí Minh phát động "tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc" đã chiếm ưu thế.