Dịch giả: Lê Lương Giang
Chương 8 (c)

Quay trở lại Tân Trào, Trần Thị Minh Châu "tập trung nhân dân các vùng lại" để cùng nghe Bản Tuyên ngôn Độc lập. Bà nhớ lại sự phấn khích của dân làng khi họ nghe được những bài phát biểu trong ngày Độc Lập qua một chiếc đài do người Mỹ để lại. Có tin đồn là họ ngay lập tức nhận ra giọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặc dù họ chưa từng biết ông với cái tên này.
"Khi lần đầu tiên nghe giọng nói của người qua đài mọi người đã kêu lên "Ôi, đây chính là cụ già ấy?". "Chúng tôi giải thích", Trần Thị Minh Châu nhớ lại, "đây là giọng nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người dân địa phương đáp, "Không, không phải! Đây chắc chắn là giọng nói của ông cụ rồi!".
Những ngày sau đó, thêm nhiều người Việt Nam đọc, hoặc nghe nguyên văn những bài phát biểu và cảm thấy dâng lên niềm tự hào dân tộc. "ngay cả những viên quan lại như Dương Thiệu Chi, người đã có thái độ rất dè đặt về những nền móng chính trị của Việt Minh, cũng tự hào về đồng bào mình.
Trong lịch sử gia đình, Dương Văn Mai Elliott đã viết rằng nhiều thành viên trong gia đình "tư sản" của bà bị cuốn vào niềm phấn khích và triển vọng của Cách Mạng Tháng Tám và bắt đầu làm việc với Việt Minh.
Đối với nhiều người trong đám đông vào ngày mồng 2 tháng 9, sự ủng hộ của Mỹ dường như là hiển nhiên: mặc dù trên khán đài, các nhân viên OSS xuất hiện với vẻ khách sáo, và hai máy bay Lightning P-38 của Mỹ "đã nhào xuống ngay trên dầu đám đông" - một sự kiện mà Marr mô tả là "trực tiếp công khai và được nhân dân tin là tượng trưng cho một kiểu chào mừng của Mỹ đối với Chính phủ Việt Nam mới ra đời. Tuy nhiên, các phi công hẳn không hề biết gì về ngày Độc Lập của Việt Nam và rất có thể đang rèn luyện khả năng quan sát đơn giản.
Khi các nghi lễ kết thúc, Patti và những người đi cùng chậm rãi rẽ đám đông để về sở chỉ huy Mỹ tại toà nhà Gautier. Để tránh bất cứ sự đối đầu nào có thể xảy ra giữa "những người Việt đang phấn khích" với "những người Pháp thất vọng", Patti mời những người Mỹ có mặt tại Hà Nội cùng tham gia với đội OSS tổ chức một "lễ kỷ niệm đơn giản sự kiện 4 tháng 7 của Việt Nam không có pháo hoa". Bữa tiệc tại sở chỉ huy OSS khá đông, vì vào ngày 2 tháng 9 số lượng người Mỹ tại Hà Nội đã tăng lên đáng kể. Một nhóm của AGAS gồm sáu sĩ quan và binh lính đã đến thành phố vài ngày trước. Ngoài ra, đại tá Stephen Nordlinger, chỉ huy nhóm quân sự G-5, lưu tâm đến với nhiệm vụ tạo điều kiện cho các tù binh chiến tranh của Đồng Minh và thu thập thông tin về tội phạm chiến tranh Nhật. Kể cả ba mươi nhân viên OSS của Patti, ở Hà Nội lúc đó có 59 người Mỹ. Những người Mỹ đến sau, đặc biệt là Nordlinger, đã làm cho cuộc sống của Patti trở nên khó khăn hơn. Patti mô tả Nordlinger, người sử dụng thành thạo tiếng Pháp, là một "Francophile(1) thế chiến" có quá ít việc để làm tại Hà Nội và trở thành "một mục tiêu dễ dàng trong áp lực của Pháp nhằm giải thoát cho tù binh Pháp khỏi nhà tù Citadel". Trên thực tế, một phần công việc của Nordlinger là "giải thoát, phục hồi và cuối cùng là hồi hương những tù binh chiến tranh là lính lê dương của Pháp", trong đó có 5000 tù binh bị giam giữ tại Citadel. Vì công tác của Nordlinger liên quan tới người Pháp. và nỗ lực giúp Sainteny nên ông ta trở thành một trong số rất ít người Mỹ tại Việt Nam được Jean Sainteny đầy thất vọng nhận xét tốt. Mặc dù Patti đã tóm tắt lại cho Nordlinger những phức tạp về tình hình, nhưng người Pháp, theo Patti, "đã lợi dụng" sự thông cảm của ông đối với họ. Chẳng mấy chốc Nordlinger có vẻ "đối lập" với phái đoàn của OSS và là một "thành phần thứ ba trong việc gây phiền hà". Hơn nữa, Patti nhớ lại, Nordlinger và nhóm của ông ta "bị mếch lòng vì tôi đã hạn chế những hành động ủng hộ Pháp và chống Việt Minh của họ và trong nhiều tháng sau đó, trong khi tôi phải thực thi nhiệm vụ của OSS thì những chiến thuật thiện chí nhưng hỗn loạn của họ đã trở thành nguồn gốc của rất nhiều cuộc tranh cãi khó chịu giữa Hà Nội và Côn Minh".
HCM14
Những người lính Mỹ biểu diễn kéo cờ trên nhà tù Citadel tại Hà Nội khi một sĩ quan liên lạc Pháp đứng nhìn, tháng Chín năm 1945
 
Trong tháng đó, tướng Pháp E. Galllagher, chỉ huy Đội trợ giúp và Cố vấn quân sự Mỹ (USMAAG) trong khi làm việc trực tiếp với Lư Hán đã đề cập tới lời phàn nàn của Patti.
Viết cho tướng Robert McClure, chỉ huy ban tham mưu mặt trận Trung Quốc, Galllagher cằn nhằn rằng Nordlinger đã "cố gắng hết sức chỉ đơn thuần cho việc giúp tù binh chiến tranh, và ông ta đang dành trọn vẹn tình cảm cho tất cả người Pháp trong khu vực". Tuy nhiên, Nordlinger công khai tuyên bố ông ta vẫn giữ thái độ hoàn toàn trung lập khi ở Việt Nam. Trong lời biện minh cho chính mình, Nordlinger giải thích rằng người Pháp "chắc chắn sẽ không bao giờ tới chỗ Patti của OSS bởi vì Patti rõ ràng chống Pháp về mặt chính trị", do đó, họ đến chỗ Nordlinger bởi ông ta "thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của họ". Rõ ràng Nordlinger và nhóm của ông ta đã giúp đỡ và động viên đáng kể cho những người Pháp ốm đau và bị thương, nhưng việc làm nhân đạo ấy không ngăn ông ta điều tra lập trường chính trị của tù binh. Theo một phần trong báo cáo, Nordlinger đã liệt kê tên và công việc của những người ông ta chăm sóc và cũng phân loại họ - nhóm ủng hộ Đức, "nhóm ủng hộ Đồng Minh", "nhóm người cơ hội", và vân vân - phù hợp với cuộc điều tra về các cộng tác viên của ông ta.
Chứng minh thêm cho thái độ trung lập của mình, Nordlinger viện dẫn "tình bạn đặc biệt thân thiết" giữa ông ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là đại diện của G-5 đang làm việc để phục hồi lại sự giám sát y tế tại các bệnh viện của Pháp mà Việt Minh đã chiếm được trong những ngày đầu cách mạng. Quả thực, Hồ Chí Minh cũng cung cấp cho nhóm của Nordlinger thông tin và địa điểm để làm sở chỉ huy, và một dội phục vụ. Nordlinger nhớ có "nhiều cuộc đối thoại thân mật về các vấn đề quân sự và chính trị" giữa ông ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra, "theo yêu cầu của Hồ Chí Minh", Nordlinger "đã tham gia cùng ông trong nhiều sự kiện của thành phố nhằm quan tâm tới những người nghèo và thiếu đói". Ông đã đề nghị và nhận được "những chuyến tầu chở gạo từ Mỹ và một số nơi khác để cứu trợ nhân dân tại những vùng nông thôn".
Đội của Patti cũng bị xúc động bởi thảm cảnh của những người đói lả trên đường phố Hà Nội. "Chúng tôi thấy hàng trăm đứa trẻ như vậy ở mọi lứa tuổi; cảnh tượng này gần giống như chúng tôi đã chứng kiến nạn tàn sát người Do Thái vào thời Hitler", Ray Grelecki nhớ lại. "Vì vậy, dựa vào quyền hạn của chính mình, chúng tôi đã điện về sở chỉ huy, vì chúng tôi có máy bay, có thực phẩm, có các thiết bị y tế. Chúng tôi tổ chức việc đó và đưa lên máy bay không chỉ hàng cứu trợ mà cả những nhân viên y tế". Mặc dù thường xuyên làm việc với mục đích tương tự, cũng giao thiệp và có vẻ giúp đỡ Hồ Chí Minh và Việt Minh, Patti và Nordlinger liên tục đặt câu hỏi và bình luận về thái độ trung lập của mỗi bên. Tuy nhiên, chỉ huy của phái đoàn G-5 gần như không phải là người Mỹ duy nhất tại Hà Nội bình luận về thanh danh của Archimedes Patti. Nhưng người chỉ trích ông gay gắt nhất lại chính là một số lính OSS.
Sĩ quan OSS Lucien Conein và Patti cũng hay buộc tội nhau. Mặc dù lúc đầu Patti nhận thấy Conein "đáng tin cậy và không hoàn toàn phù hợp với các chính sách của Pháp về Đông Dương", nhưng mối quan hệ giữa họ kết thúc do lời nhận xét có phần gay gắt của Conein, "Tôi không thích Patti. ông ta là một Guinea ngạo mạn (một kiểu chê bai đối với những ai có tổ tiên là người Italia). Bạn không bao giờ moi được sự thật từ ông ta".
Vào tháng 9 năm 1945, Conein, giống như Nordlinger, tỏ ra cảm thông với người Pháp và có vẻ như đã tham gia vào các hành động rõ ràng ủng hộ Pháp. Sợ rằng "kiều dân Pháp tại Hà Nội có thể bị Việt Minh tàn sát", Conein "bắt tay vào một cuộc vận động độc lập để giải cứu những sĩ quan cao cấp của Pháp thoát khỏi sự trừng phạt cả từ phía Nhật lẫn Việt Minh". Nordlinger đã can thiệp và thành công trong việc giải thoát cho Sainteny sau khi ông ta "bị đám đông giận dữ bắt giữ vì đã treo quốc kỳ của Pháp phía trước ô tô". Cũng Nordlinger hồi tưởng lại, Conein thường xuyên gặp gỡ các thành viên cấp cao của Chính phủ Việt Minh, với Võ Nguyên Giáp. "Bạn không thực sự nói chuyện với ông Giáp. Ông ấy nói với bạn". Conein nhớ lại. "Ông ấy có đôi mắt sắc và tính khá thẳng thắn; ông ấy tin vào những gì mình nói… Ông ấy thực sự có cá tính và đẹp trai. Tôi thích ông ấy". Mặc dù cách cư xử của Conein chứng tỏ một xu hướng khác nhưng nhìn chung ông ta cũng ở trong vị trí tương tự như Patti. Conein luôn bị các bên tiếp cận, bị hỏi những câu không biết trả lời thế nào. "Tất cả những gì tôi muốn làm là biến ra khỏi chỗ đó. Chiến tranh đã qua. Tôi muốn về nhà. Tuy nhiên Chính phủ Lâm thời đề nghị tôi tới gặp họ. Họ rất quan tâm tới người Mỹ. Người Mỹ suy nghĩ gì và sẽ làm gì cho họ". Nhưng không phải sự phê phán từ đám binh lính OSS trên bộ gây rắc rối nhất cho Patti vào tháng Chín. Cuộc tranh cãi và nỗi thất vọng ngày càng tăng của Sainteny đổi với Patti là nguyên nhân của nhiều bức điện gửi đến Côn Minh, Trùng Khánh, và Calcutta phàn nàn về hành vi của Patti. Trùng Khánh gửi điện cho cấp trên trực tiếp của Patti tại Côn Minh để biết rõ vai trò của OSS tại Hà Nội, với một báo cáo "bao gồm tất cả các nhân viên tại Đông Dương, vị trí của họ, và quá trình di tản họ". Nóng lòng giải quyết những lo lắng tại Trùng Khánh, Heppner chỉ thị cho Patti đánh giá mọi hành động của mình một cách cẩn thận, ông dứt khoát tuyên bố: "Ngài sẽ không lặp lại hành động là một người hoà giải, hãy làm trung gian hoặc sắp xếp những cuộc gặp giữa người Pháp, người An Nam hoặc Trung Quốc. Hãy hạn chế bản thân đối với công tác tù binh chiến tranh và những nhiệm vụ đặc biệt khác được điều khiển bởi CCC hoặc sở chỉ huy này".
Nhưng sứ mạng của Patti bao gồm những nhiệm vụ khả thi được liệt vào "những công tác đặc biệt". Ông vẫn cho rằng nhiệm vụ của mình là thu thập thông tin tình báo đòi hỏi phải có sự tương tác giữa ông với nhiều nhân vật, bao gồm các thành viên của Việt Minh. Đánh giá tình hình của Patti trước và vào ngày Độc Lập chỉ làm những người có khuynh hướng muốn Pháp quay trở lại Đông Dương theo "trật tự" thêm bực mình. Sau khi theo dõi các hoạt động vào ngày Độc Lập và nghe qua radio một bài phát biểu của tướng Jacques Leclerc, ông ta tuyên bố rằng sẽ "không có giai đoạn chuyển tiếp giữa việc Nhật đầu hàng và sự khởi đầu của chính quyền dân sự Pháp", Patti gửi báo cáo tình hình về tổng hành dinh:
Bài phát biểu của tưóng Leclerc qua Đài phát thanh Delhi đã tạo ra một bước nguy hiểm giữa người An Nam và người Pháp. Theo quan điểm của người Pháp, nó cho họ niềm hy vọng và tinh thần mới là quân đội Pháp sẽ sớm tiến vào Đông Dương để trừng phạt "những kẻ nổi loạn". Theo quan điểm của người An Nam, nó gây ra lo sợ và tạo "ra tâm lý chuẩn bị chiến đấu tới cùng đế loại bỏ "ngoại bang". Căng thẳng lại một lần nữa Iên cao và chỉ một dấu hiệu nhỏ nhất về tình trạng tham chiến của Pháp chắc chắn sẽ làm nổ tung thùng thuốc súng hiện nay là Đông Dương.
Kết luận của Patti về tình hình cơ bản là chính xác. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, nhiều người tại sở chỉ huy OSS bắt đầu đặt câu hỏi thực sự về thái độ "trung lập" của Patti. Vào ngày 4 tháng 9, ông quay trở lại Côn Minh để "nộp báo cáo cho tổng hành dinh". Patti nhớ lại rằng người Pháp đã rất vui về việc Patti rõ ràng bị triệu hồi, và đại tá Nordlinger tạm thời chỉ huy nhóm OSS tại Hà Nội. Chẳng mấy chốc các nhân viên OSS nhận ra họ đang hành động giống như lính gác có vũ trang cho Nordlinger khi ông ta bắt đầu di chuyển tù binh Pháp từ Citadel tới bệnh viện.
Khi Patti ở Côn Minh, những câu chuyện ngồi lê đôi mách về hành động của ông nhanh chóng trở thành tâm điểm. Đại uý McKay của AGAS đã gặng hỏi đại uý Grelecki, cấp phó của Patti, về nhiệm vụ "thực sự" của OSS, và nói thêm anh ta đã nghe nói Patti "thậm chí có một tiểu đội hành quyết để thi hành án tử hình" những kẻ mà ông cho là tội phạm chiến tranh. Grelecki nhắc lại bản chất chính thức của phái đoàn Patti, nhưng cuối cùng bổ sung thêm "vì những lời ám chỉ nhằm vào đại uý Patti nên không cần nói gì hơn bởi bất cứ hành động nào đại uý Patti thực hiện cũng có thể được che đậy bởi các chỉ thị, và có thể được lý giải và bảo đảm bằng những nguyên nhân mà chính ông ấy biết, ngoài ra đại uý Patti hẳn phải có mặt để làm sáng tỏ mọi hiểu lầm". Ở Côn Minh, Patti đưa ra lời giải thích về các hành động của mình kể từ khi đến Hà tội từ ngày 22 tháng 8 đến ngày 5 tháng 9, ông nói thêm "tôi không hề có ý niệm mơ hồ về bất cứ va chạm nào" giữa nhóm của ông với những người Mỹ khác tại Hà Nội.
Patti không gặp rắc rối nhiều trong bào chữa cho những hành động của mình trước cấp trên hoặc trong việc giải thích cách hiểu của Sainteny. Ông đã được nhắc nhở không phải để trừng phạt mà để làm sáng tỏ hơn nữa các hành động của ông và chính sách của Mỹ đối với Đông Dương. Trên thực tế, khi biết được những chuyện ngồi lê giữa các nhân viên OSS, G-5 và AGAS tại Hà Nội, Helliwell đã gửi một bức điện nói rõ rằng OSS "được cấp thẩm quyền cao hơn giao cho những nhiệm vụ khác và bản thân Nordlinger sẽ tuyệt nhiên không liên quan gì tới những hoạt động này… Đại uý Patti sẽ quay trở lại sớm nhất đồng thời tóm tắt chi tiết những vấn đề trên và sẽ bàn luận với Nordlinger".
Trong quá trình tranh luận tại Côn Minh, Patti nhớ đã đề nghị cho OSS rút khỏi Việt Nam - một đề nghị mà Heppner kịch liệt phản đối. Khi Patti hỏi ý kiến, Heppner tóm tắt vấn đề: "Thế tiến thoái lương nan tại Đông Dương luôn là mâu thuẫn trong tư tưởng của Mỹ trong sự tôn trọng quyền lợi của Pháp và các nguyên tắc dân chủ của Mỹ". Khi mâu thuẫn trong tư tưởng này được kết hợp với vấn đề về nhân cách - khuynh hướng của những người Pháp nóng nảy giành lại vai trò chủ thuộc địa và việc Việt Minh cố tranh thủ nước Mỹ và người Mỹ bằng những lời tán dương liên tục - điều hơi ngạc nhiên là Việt Minh thường tìm ra một khán giả dễ lĩnh hội trong các thành viên của OSS. Khi chuẩn bị rời cuộc họp, Patti, giống như hầu hết những người Mỹ tại Việt Nam, vẫn không có được ý kiến rõ ràng về chính sách của Mỹ. Tuy nhiên, ông biết rõ khả năng trao cho Hồ Chí Minh "sự ủng hộ tinh thần, không chính thức và kín đáo, nhưng không có cái gì cụ thể" của mình. Ngày 9 tháng 9, Patti trở lại Hà Nội và tiếp tục chỉ huy phái đoàn OSS. Vài ngày sau ông đối mặt với một loạt thách thức mới. Vấn đề nghiêm trọng nhất đối với thành phố Hà Nội là việc quân đội Lư Hán đến tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật. Mặc dù nhóm tiên phong đã đến sáu ngày trước nhưng Hà Nội vẫn chưa sẵn sàng đối với "bè lũ" của Lư Hán. Nhiều binh lính, được huấn luyện kém và kỷ luật lỏng lẻo, bất ngờ tràn vào thành phố, tiếp quản nhiều ngôi nhà và cửa hàng, đòi hỏi lương thực và sự ủng hộ của người dân Việt. Dân thành thị Việt Nam, với thái độ căm ghét lịch sử đối với giặc Tầu, đã mất tinh thần khi thấy lính Tưởng đến và cướp bóc. Tuy nhiên, sợ hãi những hậu quả có thể gây ra nên họ không thể làm gì ngoại trừ quan sát.
Chính phủ Lâm thời cũng rất thất vọng. Trong lời yêu cầu khẩn thiết trước kia đối với Đồng Minh nhằm hạn chế quân đội Tưởng, Việt Minh đã nhấn mạnh nạn đói gần đây và sự tàn phá có thể xảy ra đối với nền kinh tế địa phương nếu quân Tưởng phụ thuộc vào người Việt về lương thực. Trong một nỗ lực nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề, Hồ Chí Minh đã cho Patti xem nhiều bức ảnh sống động về những nạn nhân người Việt trong nạn đói và cảnh báo Patti: nạn đói sắp xảy ra và nếu Trung Quốc phụ thuộc vào người Đông Dương vì sự tồn tại của họ trong suốt giai đoạn giải pháp quân đội Nhật thì tất cả bọn họ sẽ chết đói cùng với việc tạo ra tình hình người An Nam sẽ bị ép buộc phải tiến hành chiến tranh chống Trung Quốc để bảo vệ cuộc sống và gia đình mình".
Ngoài phàn nàn ra, Việt Minh không biết làm gì hơn. Trên thực tế, sự sụp đổ nền kinh tế có thể xảy ra là nỗi lo lắng ít nhất của Việt Minh. Có mọi khả năng là quân Tưởng sẽ từ chối bàn bạc với Việt Minh và sẽ trao quyền lực cho những kẻ được bảo trợ của chính họ, Quốc Dân Đảng. Việt Minh có lý do để lo ngại. Trên đường tới Hà Nội, khi đi ngang qua Lạng Sơn, quân Tưởng đã tước vũ khí của công an Việt Minh bằng vũ lực. Hồ Chí Minh cảnh báo những người Mỹ rằng "việc tái diễn những hành động này… sẽ bị hiểu nhầm như những hành động thù địch chống lại chính quyền hiện tại và nhân dân Việt Nam chắc chắn sẽ giáng trả". Khi đang quan sát quân Tưởng, Patti nhận được thông tin đáng ngại về một sĩ quan OSS của chính ông: trung uý Ettinger đã bị Việt Minh bắt.
Mặc dù chắc chắn là không hài lòng, Patti cũng không hoàn toàn ngạc nhiên khi nghe nói Ettinger đang lâm vào rắc rối nào đó. Đầu tháng Bảy Patti đã nhận được lời cảnh báo về tình cảm ủng hộ Pháp của Ettinger. Tại căn cứ điện đài Bắc Hải của OSS, viên sĩ quan chỉ huy, trung uý James Jordan, đã báo cho Patti rằng thành tích của Ettinger không "thoả đáng", lẽ ra Patti nên lựa chọn một "người điềm đạm và biết cân nhắc hơn" cho nhiệm vụ này. Anh ta nói thêm rằng Ettinger liên tục chê bai trang thiết bị của Mỹ kém cỏi so với của Pháp. Trong suốt tháng sáu và bảy, Ettinger đã cùng các đội tuần tra hải quân Pháp bắt giữ "những chiếc thuyền ba lá chất đầy hàng hoá buôn bán với Nhật từ FIC" và "điều tra việc buôn bán bất hợp pháp" trong khu vực đó. Tất cả mọi việc dường như thuận lợi cho tới đầu tháng Tám, khi Jordon nghiêm khắc phê bình Ettinger. Ngày 9 tháng 8, Ettinger không tuân theo mệnh lệnh trực tiếp là phải ở lại căn cứ OSS tại Bắc Hải và không được "để lộ bản thân" là một sĩ quan Mỹ, anh ta đã lên tàu cùng một đại uý Pháp và đoàn thuỷ thủ trên con tàu lớn của Pháp treo cờ Pháp và cờ Mỹ.
Tuy nhiên, tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi anh ta bị giam giữ ở nước ngoài trên tàu tuần tra Crayssac của Pháp vào ngày 4 tháng 9.
Tàu Crayssac không xa lạ gì với những nguy hiểm tiềm tàng trong việc đi lại trên vùng biển gần Hải Phòng. Vào tháng năm, tàu Crayssac và tàu Frezouls đã bị Nhật bắt giữ. Cuối cùng chúng được tha và từ ngày 16 đến ngày 21 tháng 8 cả hai con tàu lại tiến hành tuần tra thường lệ vùng biển quanh Hải Phòng. Sự hiện diện của chúng, đến quá sớm sát với thời điểm đầu hàng của Nhật, gây ra sự giận dữ điên cuồng trong thành phố. Việc phô bày đầy vẻ tự hào lá cờ Pháp đã khuyến khích dân thường Pháp đổ xô tới "bến tàu để chào đón thuỷ thủ đoàn". Trước cảnh tượng này, theo cách nhìn của cả người Pháp lẫn người Việt, David Marr viết:
"Khi người Pháp nhìn ra biển mong đợi sự cứu giúp thì người Việt nhận thấy một mối de doạ nghiêm trọng từ biển". Cảm thấy khả năng xảy ra một cuộc xung đột giữa người Pháp và người Việt và căn cứ vào chỉ thị duy trì trật tự, Nhật đã buộc hai con tàu của Pháp phải di chuyển tới một "nơi thả neo hẻo lánh". Ngày 19 tháng 8 tàu Crayssac sau khi mệt mỏi vì chờ đợi tại chỗ neo tàu đã "quyết định đi qua kênh đào Bamboo theo hướng về Hà Nội" nhưng lại phải quay trở lại vì vụ nhóm Việt Minh địa phương nổ súng. Nhật ngay lập tức bắt giữ con tàu lần thứ hai trong vòng bốn tháng, và binh lính có vũ trang áp giải đoàn thuỷ thủ về Hà Nội.
Khi tàu Crayssac lại bắt đầu lên đường, lần này có cả Ettinger, anh ta báo cáo mình đang đi cùng con tàu trong một "cuộc hành trình được phê chuẩn tới Bãi Cháy và Hòn Gai". Ở đó vào ngày 24 và 25 tháng 8, họ đã gặp gỡ những người có thẩm quyền địa phương của Nhật và Việt Minh. "Từ ngày 21 tháng 8", David Marr viết, "các quan chức địa phương này đã làm việc công khai tại Hải Phòng, bố trí nơi làm việc, sắp đặt việc sản xuất cờ, và tiếp xúc với Bảo an binh, cảnh sát và các nhóm thanh niên do Nhật lập ra". Khi đơn vị Pháp và Ettinger đến, họ được cung cấp thức ăn tươi, nước và đạt được sự chấp thuận từ phía Việt Minh trong việc đưa "nhân viên bị ốm và bị thương tới bệnh viện dân sự của Pháp tại Hòn Gai để điều trị". Việc này là cần thiết, theo lời Ettinger, vì vào ngày 3 tháng 9, các ngư dân địa phương đề nghị hai tàu của Pháp giúp truy đuổi bọn hải tặc đang cướp phá một ngôi làng. Trong khi đánh nhau với cướp biển, phía Pháp bị thương một người. Dựa vào thoả thuận trước đó, những con tàu tuần tra chạy thẳng ra Hòn Gai.
Đã đi suốt đêm, tàu Crayssac cập bến vào lúc 6 giờ 55 phút sáng 4 tháng 9 tại cầu tàu gần bệnh viện nhất. Ettinger và chỉ huy người Pháp của tàu Crayssac, trung uý Vilar, đi tới đồn công an Hòn Gai, và khoảng 8 giờ sáng họ đã gặp gỡ và nhận được sự chấp thuận của đại diện Việt Minh địa phương đưa người Pháp bị thương tới bệnh viện. Vào 9 giờ, Ettinger và Vilar, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nói lời chào tạm biệt với đại diện của Việt Minh và lên tàu để tiếp tục khởi hành. Khi họ rời cảng, tàu Tigre, một tàu kéo lớn do người Việt điều khiển, ra hiệu cho tàu của Pháp dừng lại, tàu Crayssac "ngoan ngoãn dừng lại". Ettinger và Vilar được yêu cầu lên bờ để gặp vị đại diện lần nữa nhưng "nghi ngờ về một cái bẫy" nên họ từ chối. Hai bên tranh cãi vài tiếng đồng hồ.
Trong suốt thời gian này, Ettinger tường thuật lại, ba tàu kéo tiến tới gần tàu Crayssac và binh lính Việt Minh có vũ trang trèo lên tàu. Họ khám xét mọi người, cả Ettinger, và "bắt đi" nhưng thuỷ thủ người Việt cùng tất cả vũ khí, đạn được trên tàu hành động mà anh ta xem đại khái là "cướp bóc". Mặc dù Ettinger và Vilar cố ở lại trên tàu, nhưng khoảng 2 giờ 15 chiều "những đe doạ trực tiếp đối với mạng sống của chúng tôi khiến họ phải đầu hàng và bị tống giam tại khách sạn des Mine. Mặc dù Ettinger khẳng định "đang thực hiện nhiệm vụ cho Đồng Minh", nhưng cả anh ta và Vilar đều không "có giấy tờ hoặc quân lệnh để chứng minh". Việt Minh báo cho hai người rằng họ hiện là tù binh chiến tranh.
Sáng hôm sau, Ettinger và Vilar yêu cầu được gặp đoàn thuỷ thủ và quay trở lại tàu, nhưng không thành công. Vào 2 giờ chiều, Ettinger nhớ lại, anh ta đã trình thẻ căn cước và những lá cờ của AGAS cho người chỉ huy Việt Minh tên là Bình. "Bình", Ettinger nói thêm, "nhận ra tôi là một sĩ quan Mỹ và đồng ý với tôi là các nhà chức trách ở Hà Nội nên giải quyết vấn đề này". Mọi thoả thuận được thực hiện giữa Bình và Ettinger để đi tới Hà Nội, nhưng họ tiếp tục bất đồng ý kiến về chuyện chỗ ở của đoàn thuỷ thủ và tất cả các thiết bị trên tàu. Và Ettinger lại bị đưa trở lại "nhà tù". Ngày hôm sau, 6 tháng 9, một "phái đoàn" của quân Tưởng đến khách sạn, Ettinger thuyết phục họ rằng anh ta là người Mỹ và đưa lén thư cho một người lính nhờ chuyển tới các nhà chức trách Mỹ "bằng cách trao đổi sáu gói thuốc lá". Mặc dù lá thư này cuối cùng cũng giải thoát cho anh ta nhưng Ettinger đã bị Việt Minh nhốt bảy ngày. Có thể hiểu được Ettinger đã rất giận dữ vì bị tống giam và cho rằng Việt Minh còn tồi hơn những tên cướp Anh ta hoàn toàn coi thường lý lẽ của cán bộ Bình rằng "tàu Crayssacvà tàu Frezouls định tấn công Hòn Gai, vì người Pháp muốn lấy lại FIC thông qua bạo lực". Mặc dù Việt Minh có thể không sợ những tàu lớn của Pháp đã liều lĩnh cập cảng nhưng lo ngại sự trở lại của quân đội Pháp là điều chắc chắn dễ nhận thấy.
Sĩ quan AGAS, trung uý Burley Fuselier, nhận được lá thư đưa lén của Ettinger, và ngày 10 tháng 9 anh tới đến khách sạn des Mine mang theo lá thư của Weđemeyer chỉ định Fuselier là người Mỹ chịu trách nhiệm về vấn đề tù binh chiến tranh. Khi đến nơi, Fuselier chính thức khẳng định Ettinger là một tù binh chiến tranh và chấp nhận báo cáo của Việt Minh theo lối giải thích của họ về các sự kiện. Việt Minh cho rằng họ đã nhầm Ettinger là "người Pháp" vì anh ta đang đi trên tàu của Pháp, đang tham gia cùng đoàn thuỷ thủ Pháp, và không mang theo giấy tờ hay quân lệnh gì. Họ viện dẫn bằng chứng là bảy cuốn nhật ký hàng hải của tàu Crayssac và những hồ sơ hàng hải xác nhận con tàu "luôn do người Pháp sử dụng" và dường như để phản đối lời khẳng định của Vilar rằng con tàu thuộc quyền sử dụng của Đồng Minh. Hơn nữa, người chỉ huy Việt Minh nói thêm, con tàu treo cờ tam tài của Pháp, nó đã không treo cờ trắng như "được yêu cầu theo luật lệ" vì mục đích nhân đạo, dù lá cờ trên ăng ten radio "gần giống với cờ Mỹ nhưng không có các ngôi sao trong ô vuông màu xanh". Ngoài ra, khi khám xét con tàu, Việt Minh đã tìm thấy một lá cờ Nhật và họ tuyên bố đây chính là minh chứng rằng người Pháp trên con tàu này đã sử dụng bất hợp pháp cờ của các quốc gia khác nhằm đạt được những mục đích xấu xa dễ dàng hơn".
Trong nhiều tuần lễ sau khi Chính phủ Lâm thời nắm quyền, các uỷ ban độc lập của Việt Minh vẫn chưa đặt dưới quyền kiểm soát của Hà Nội. Mặc dù ở Hà Nội, Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đã cố hết sức tạo ấn tượng tốt đẹp cho người Mỹ, nhưng họ "cũng chẳng khác gì tù nhân của hàng ngàn uỷ ban cách mạng đang nổi lên trên khắp đất nước với tư cách là cơ quan lãnh đạo", Marr viết. Vì vậy, sự thiếu kiểm soát hoàn toàn tại Hà Nội kết hợp với trạng thái phấn khích về quyền tự do, thái độ thù địch bị kiềm nén lâu dài đối với Pháp, và có thể, những mối nghi ngờ thực sự về quốc tịch của Ettinger, tất cả góp phần vào vụ bắt giữ này. Trong báo cáo nói về việc phóng thích Ettinger, Fuselier nói thêm rằng Việt Minh "dường như rất bối rối với sự thực là họ đã bắt giam một sĩ quan Mỹ và nhiều lần cố gắng giải thích là rõ ràng viên sĩ quan này đã đi cùng với các nhân viên hải quân của Pháp, rằng anh ta đã bị nhầm là người Pháp". "Người Pháp", Ettinger nói rõ, "đã đặc biệt đề nghị anh ta đi cùng với mục đích "sự hiện diện của anh ta sẽ ngăn chặn nhiều rắc rối".
Ettinger thú nhận rằng cờ Mỹ "đã được sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp" và nó được treo trên "ăng ten radio" để "biểu hiện sự hiện diện của nhân viên Mỹ trên tàu".
Ettinger tuyên bố dứt khoát là anh ta luôn mặc quân phục Mỹ và luôn khẳng định mình là sĩ quan Mỹ và anh ta "chưa bao giờ tuyên bố, nói bóng gió, hay cư xử theo cách có thể làm cho thực tế có vẻ khác đi". Quân Việt Minh ngay lập tức giải phóng cho Ettinger và bàn giao cho Fuselier, và vào tối thứ Ba, ngày 11 tháng 9, họ đến Hà Nội.
Tin tức về vụ bắt giữ Ettinger đã gây xôn xao giữa các nhân viên OSS. Mặc dù biết về vụ bắt giữ nhưng sở chỉ huy OSS ban đầu không biết tình hình chính xác. Một vài báo cáo nói nhầm rằng "người Mỹ trên tàu" đã được "tha cùng với vũ khí của anh ta" và chỉ có người Pháp là đang bị giam giữ. Tuy nhiên, vào ngày 10 tháng 9, Patti nhận được tin từ Côn Minh là "Ettinger không tuân theo mệnh lệnh, đã đi tới Hòn Gai cùng người Pháp và cả nhóm bị bắt". Để giải thoát cho anh ta, Jordan đã cử một đặc vụ mang theo một lượng lớn tiền Trung Quốc để "mua Ettinger". Trong khi đó, trung tá Carleton Swift, người đã gia nhập đội của Patti tại Côn Minh vào tháng 5, đã điện cho Patti rằng ông nên "tóm lấy Ettinger thông qua Việt Minh và đưa anh ta trở lại Côn Minh qua Hà Nội, Mặc dù Ettinger cảm thấy bị hiểu lầm nhưng sở chỉ huy OSS đã báo cho biết "những chỉ thị trước kia của họ đối với anh ta là rõ ràng và hoàn toàn dễ hiểu. Nhiệm vụ của Ettinger là gửi và nhận điện và tránh xa rắc rối".
Cuộc gặp giữa Ettinger với Patti là cuộc tranh cãi bất phân thắng bại. Ettinger vẫn cho rằng anh ta không phải là không tuân theo mệnh lệnh và đã giữ thái độ trung lập. Patti, người thường xuyên bị buộc tội vi phạm thái độ trung lập với thành kiến chống lại người Pháp, cho rằng Ettinger đã vi phạm cả thái độ trung lập của Mỹ lẫn những mệnh lệnh trực tiếp. Patti tống Ettinger vào một căn phòng có canh gác và ra lệnh cho anh ta tránh giao tiếp với "người Pháp, thậm chí cả các nhân viên Mỹ" cho tới sau khi Patti gặp đại tá Helliwell. Trong khi chờ được đưa về Côn Minh, Ettinger đã gửi một bức điện trực tiếp tới Côn Minh: "Tôi sẽ trở về trên chuyến bay đầu tiên để báo cáo. Không phải tôi không tuân theo mệnh lệnh. Đã hành động một cách tốt nhất và sẽ chứng minh điều đó". Ettinger được sắp xếp bay vào ngày 16 tháng 9; cho tới thời điểm đó, Patti đã đặt Ettinger dưới sự giám sát của các sĩ quan vừa mới đến thuộc Đội Nai, thiếu tá Thomas và trung uý Défourneaux.
Các thành viên của Đội Nai rất phấn khởi khi cuối cùng đã tới được Hà Nội vào ngày 9 tháng 9. Thomas, vui sướng hơn tất cả những người khác, thực sự thấy tiếc là đã bị ở lại Thái Nguyên và bỏ lỡ mất những lễ hội vào ngày Độc Lập của Việt Nam. Anh vẫn giữ liên lạc với Võ Nguyên Giáp. Vào cuối tháng 8, ông đã viết một lá thư ngắn, tràn đầy hy vọng gửi Thomas kể rằng Lực lượng Việt - Mỹ đã đến Hà Nội. Ông cũng gửi cho Thomas "hai chai Champagne và một chai Scotch-Haigs" để mời cùng dự "lễ kỷ niệm" độc lập tại Thái Nguyên. Khi đến Hà Nội, Thomas sớm gặp lại ông và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thomas rất ấn tượng với cái nhìn thoáng qua đầu tiên về thành phố này. Quan sát những lá cờ "đang bay trên nóc hầu hết các ngôi nhà" và các biểu ngữ được viết bằng nhiều thứ tiếng, Thomas tuyên bố: "Đây là một thành phố náo nhiệt dành cho tất cả mọi người trừ người Pháp".
Đội Nai ở trong một ngôi nhà do Việt Minh "sắp xếp" cho họ và "có thể đi thăm Hà Nội như những vị khách du lịch".
"Chúng tôi được đối xử rất tốt", Henry Prunier nhớ lại khoảng thời gian ở Hà Nội. Một vài thành viên của Đội Nai làm việc với những binh sĩ họ đã huấn luyện tại Tân Trào. Paul Hoagland đi cùng Triệu Đức Quang tới "một vài bệnh viện chính tại Hà Nội như bệnh viện Bạch Mai, St. Paul để kiểm tra kho thuốc và việc phân phát cho các đơn vị khác". Đối với họ, thời gian trôi qua khá nhanh. Ngày 15 tháng 9, đêm trước khi khởi hành trở về Côn Minh, Thomas được mời tới ăn tối riêng cùng Hồ Chủ tịch và Võ Nguyên Giáp. Nhiều năm sau Thomas thú nhận là anh nhớ được rất ít về buổi tối hôm đó.
Tuy nhiên, một điều rõ ràng dọng lại trong tâm trí anh. "Tôi hỏi thẳng Hồ Chí Minh ông có phải là Đảng viên Cộng sản hay không. Ông nói "Vâng. Nhưng chúng ta vẫn có thể là bạn, đúng không nào?". Mối tương tác giữa Thomas với các nhà lãnh đạo Việt Minh tại Hà Nội phản ánh một sự thay đổi theo cách nhìn của Đại uý Patti. Thomas đã bị buộc tội không tuân theo mệnh lệnh vì đã đi, mà không được phép, cùng Việt Minh tới Thái Nguyên. Và vào cuối tháng 8, Patti đã ra lệnh cho Thomas ở lại Thái Nguyên vì ông nghĩ Thomas "không trung lập" hoặc ít nhất sẽ không bị nhận thấy là không trung lập vì mối quan hệ gũi với Việt Minh. Phản ánh lại tình huống này, nhiều năm sau Thomas đã thừa nhận, "Dĩ nhiên chúng tôi cho rằng mình là trung lập vào thời điểm đó, nhưng tôi nghĩ là mình không được trung lập lắm". Dẫu vậy, vào giữa tháng 9 năm 1945, Thomas được phép ăn tối và gặp gỡ tự do với cả Hồ Chủ tịch và Võ Nguyên Giáp trong khi Ettinger, đang chịu nhiều lời buộc tội, thì ngồi trong nhà giam. Rõ ràng, những lời buộc tội là quá thân Việt Minh hoặc quá thân Pháp đều có ý nghĩa quan trọng đối với Patti. Ngay sau khi Thomas ra đi, những thành viên còn lại của Đội Nai cũng rời Việt Nam.
Khi Đội Nai rời thành phố, một người Mỹ khác xuất hiện. Vào ngày 16 tháng 9, tướng Philip Galllagher đến Hà Nội. Galllagher, chỉ huy USMAAG, là cố vấn Mỹ được biệt phái tới đội quân của Lư Hán. Được giao nhiệm vụ giúp giải giáp và hồi hương quân Nhật tại miền Bắc Đông Dương, vai trò của Galllagher chẳng mấy chốc được bàn cãi nhiều giống như vai trò của đại uý Patti. Được Patti cảnh báo nên "cảnh giác với những âm mưu của người Pháp", Galllagher lần lữa gặp người Pháp, ông muốn nói chuyện trực tiếp với tướng Alessandri hơn là tiếp xúc với Sainteny, người mà Patti đã lưu ý là vẫn "không có hồ sơ về bất cứ một chỉ thị chính trị cơ bản nào từ Paris". Thay vào đó, ngày 22 tháng 9 Galllagher được Patti hộ tống đã đến gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Patti nhớ lại là Hồ Chủ tịch muốn "lời khuyên" của người Mỹ trước đề nghị của Pháp về một cuộc gặp giữa ông và "một đại diện của Pháp tại Đông Dương". Hồ Chủ tịch đã hỏi ý kiến Lư Hán về vấn đề này vì Trung Quốc là bên duy nhất ở trong một vị trí có thể điều máy bay đưa ông tới Ấn Độ. Mặc dù không hứa hẹn gì ngay nhưng Lư Hán tỏ ra rằng ông ta có thể thu xếp cái gì đó trong hai tuần tới. Mối quan hệ giữa Lư Hán với Chính phủ Lâm thời Việt Minh đang tỏ ra thân thiện hơn. Mặc dù Lư Hán, người đến Hà Nội ngày 14 tháng 9 và sau đó hai ngày đã tiếp kiến Hồ Chủ tịch lần đầu tiên, đã đưa ra nhiều đòi hỏi về kinh tế đối với một nước Việt Nam còn trong trứng nước, nhưng nhưng yêu cầu đó không phải là một cố gắng khiến Chính phủ Lâm thời sụp đổ. Nhà sử học Peter Worthing kết luận rằng "xa hơn việc tìm kiếm lợi nhuận, đội quân với danh nghĩa giải pháp quân đội Nhật tại miền Bắc đang cố tài trợ cho nhiệm vụ của mình, duy trì trật tự, tránh bạo lực và đổ máu như đã từng xảy ra tại miền Nam". Có lẽ thậm chí quan trọng hơn, trong bàn luận trực tiếp với Hồ Chủ tịch, Lư Hán đã công nhận nhóm mà Trùng Khánh ra lệnh cho ông ta "không được chú ý tới". Hơn nữa, Lư Hán còn bán một kho dự trữ vũ khí quan trọng - của Mỹ, Pháp và Nhật - cho Việt Minh.
Tiền bạc dành cho vụ mua bán này một phần thu được trong "Tuần lễ Vàng" bắt đầu vào 16 tháng 9. Trong bài diễn văn trước công chúng nhân dịp "Tuần Lễ Vàng", Hồ Chí Minh đã nhắc người dân thành thị rằng Chính phủ mới đang "rất cần những tặng vật của nhân dân, chủ yếu là của nhưng gia đình giàu có" để "cống hiến cho nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng nhất của chúng ta hiện nay, đó là bảo vệ đất nước".
"Mỗi người dân yêu nước Việt Nam đều muốn làm hoặc trao tặng cái gì đó", Vũ Đình Huỳnh kiêu hãnh nói. "Thật khó nói là ai đã trao tặng nhiều nhất". Nhà sử học Bernard Fall suy luận:
Quân đội Tưởng, vì tính hám danh lợi và tầm nhìn ngắn, đã lo liệu để Cộng sản nắm chính quyền càng thuận lợi và hoàn hảo càng tốt. Số tiền Việt Minh thu được trong Tuần lễ vàng ở miền Bắc Việt Nam được dùng để mua bán vũ khí với quân Tưởng. Việc đó hoàn toàn thành công và cung cấp cho quân đội Nhân dân Việt lam (VPA) non trẻ 3.000 súng trường, 50 súng trường tự động, 600 tiểu liên, và 100 súng cối do Mỹ sản xuất - cộng thêm nguồn cung cấp đáng kể của Pháp và Nhật (31.000 súng trưòng, 700 vũ khí tự động, 36 khẩu pháo và 18 xe tăng)
Như một "hành động cuối cùng làm bẽ mặt" người Pháp, quân Tưởng "treo cờ Việt Minh cùng với cờ Trung Quốc và thậm chí còn diễu binh dọc theo đường phố cùng quân du kích của Võ Nguyên Giáp". Trong một giác thư gửi tổng thống Mỹ, tướng Donovan nhận xét chính sách lá mặt lá trái của Lư Hán và sự ủng hộ công khai của ông ta đối với vấn đề kết thúc ách cai trị thực dân. Lư Hán "bất đồng với Quốc Dân Đảng" và do vậy "cảm thấy hài lòng khi ủng hộ Việt Minh", Donovan viết và bổ sung thêm viên tướng Tầu vừa mới "công bố rộng rãi một thông tư tuyên bố rằng các cường quốc Đồng Minh không có tham vọng về lãnh thổ và ủng hộ nền độc lập cuối cùng cho tất cả các dân tộc theo Tuyên bố Đại Tây Dương". Là người Mỹ được biệt phái vào quân đội của Lư Hán, Galllagher cũng góp phần công nhận ngầm Chính phủ Lâm thời là Chính phủ hợp pháp của Việt Nam.
Từ khi bước lên máy bay ở Côn Minh, Galllagher đã nhận được nhiều thông tin trái ngược về Việt Minh. Trong khi Patti cảnh báo phải thận trọng với người Pháp thì đại tá Nordlinger cho rằng Việt Minh rồi sẽ chẳng mấy chốc bị tước vũ khí vì vậy họ có thể không còn "đe doạ" được cư dân Pháp. Trung tá John C. Bane, một sĩ quan tình báo của Nordlinger, còn nói vắn tắt hơn rằng Việt Minh không chỉ là cộng sản mà còn được Nhật bảo trợ. Hơn nữa, Bane cảnh báo Galllagher, Việt Minh có một "quan điểm uy hiếp" và tạo thành "một mối de đoạ nếu họ được trang bị vũ khí". Có lẽ hy vọng thuyết phục được Galllagher - người có thể quay trở lại thuyết phục Lư Hán vốn đã phủ quyết đề xuất tước bỏ vũ khí của quân đội Chính phủ - trong bản phân tích của mình, Bane còn thể hiện niềm tin rằng Việt Minh "sẽ không chứng minh được là một tổ chức đáng gờm nếu họ bị tước vũ khí và người Mỹ, người Trung Quốc sẽ không hài lòng về nền tảng cộng sản của họ". Nếu làm được điều đó thì một tổ chức dân chủ hơn sẽ có thể phát triển dưới sự lãnh đạo mới và phần kế tiếp tương tự. Bane thừa nhận là Việt Minh đã "rất thân thiện và có ích đối với người Mỹ".
Trong thư gửi tướng Robert McClure được viết ngay sau khi đến Hà Nội, Galllagher đã nhắc lại vài bức điện lẫn lộn mà ông nhận được. Trong khi thừa nhận Hồ Chí Minh là một "nhà cách mạng lão luyện và là một tù nhân chính trị nhiều lần, một người cộng sản", ông kết thúc bức thư ngắn gửi McClure "Nói thật, tôi mong những người An Nam có thể được trao cho độc lập, nhưng dĩ nhiên, chúng ta không có tiếng nói gì trong chuyện này".
Luồn lách giữa vô số những ý kiến, Galllagher bắt đầu thấy nản lòng với Patti cũng như với Nordlinger. Trong thư gửi McClure ông cằn nhằn:
Patti nói quá nhiều, và anh ta đang lấy lòng người An Nam, người Pháp và cả người Nhật. Patti giải thích anh ta làm việc đó để lấy tất cả thông tin như mong muốn. Anh ta có nhiều thông tin và biết nhiều về những sự kiện đang xảy ra… Patti thích tỏ vẻ bí hiểm, và là một người hay gieo hoang mang sợ hãi. Anh ta luôn đâẩ tôi vào góc phòng và thì thầm vào tai tôi. Khi bước vào phòng, tôi mong đợi được nhìn thấy anh ta lộ ra từ dưới một tấm thảm trải sàn… Cá nhân tôi, tôi không nghĩ nhiều về anh ta, tin rằng anh ta đang cố gắng xây dựng nên một đế chế và tỏ vẻ quan trọng.
Mặc dù Galllagher không phát ngôn cho Chính phủ Mỹ nhưng hiện ông là quan chức quân sự cấp cao nhất của Mỹ tại Hà Nội nên mọi hành động và lời nói của ông thu hút sự chú ý của rất nhiều phe phái. Giống như Patti, Galllagher dường như tin rằng mình đang làm theo chỉ thị của cựu Tổng thống Franklin Roosevelt. Theo những tài liệu cá nhân của Galllagher, "sự chỉ đạo dựa trên chính sách của Mỹ sẵn có" đổi với ông vào thời điểm đó "rõ ràng dựa trên quan điểm là Đông Dương cuối cùng sẽ được xếp vào mục tiêu uỷ trị của Mỹ, Galllagher, một lần nữa giống như Patti, trước sau như một cho rằng ông hoàn toàn trung lập trong cách cư xử với tất cả các đảng phái. Bất chấp những gì Galllagher tin tưởng, hành động của ông càng khiến người Pháp xa lánh hơn. Nhà sử học người Pháp Bernard Fall phê phán Galllagher, khẳng định rằng mặc dù Galllagher và nhóm của ông "hành động như thể người Pháp không hề tồn tại", nhưng cách cư xử của họ đối với Sainteny "có thể được giải thích dựa trên cơ sở những mệnh lệnh từ Washington". Tuy nhiên, Fall kết luận, "quan điểm nhẫn tâm của cá nhân họ đối với người Pháp… càng làm tăng thêm một cách vô ích những vấn đề rắc rối".
Nỗi thất vọng của người Pháp với tình hình càng tăng lên khi ngày tổ chức nghi lễ đầu hàng chính thức của Nhật đến gần. Ngày 28 tháng 9, cờ của các quốc gia Đồng Minh - Mỹ, Trung Quốc, Anh và Liên Xô - được kéo lên trong Phủ Toàn Quyền. Tướng Tshuchihashi ký văn kiện đầu hàng chính thức trước sự chứng kiến của các sĩ quan quân sự Mỹ, các sĩ quan và thường dân Trung Quốc, cùng một vài nhân chứng người Việt. Rõ ràng vắng mặt tại buổi lễ này là cờ và các đại diện của Pháp và Chính phủ Lâm thời Việt Nam, vì cả hai đều không được tướng Lư Hán công nhận là thành viên tham dự chính thức trong chiến tranh. Mặc dù Lư Hán đã mời Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên trong nội các của ông nhưng Việt Nam vẫn chưa được công nhận là một quốc gia độc lập, và Hồ Chí Minh chưa có địa vị chính thức, vì vậy ông quyết định không tham gia "vì lý do sức khỏe". Mặc dù tướng Alessandri được mời đến nhưng ông ta cũng tránh buổi lễ này vì Lư Hán từ chối treo cờ Pháp và xếp chỗ cho Alessandri vào vị trí chính thức.
HCM15
Archimedes Patti, ngồi giữa, với Võ Nguyên Giáp ngồi bên phải, rõ ràng rất thích thú với địa vị nổi tiếng của mình tại Hà Nội. Tướng Phillip F- Gallagher sợ rằng Palti "đang cố xây dựng nên một vương quốc và tỏ vẻ quan trọng" (thư của Gallagher lại Hà Nội gửi McClure tại Côn Minh ngày 20 tháng Chín năm 1945).
Dần dần, Galllagher cũng được coi là người chống Pháp và ủng hộ Việt Nam. Sainteny buộc tội Galllagher là đã "công khai căm ghét" người Pháp và cản trở việc lập lại hoà bình đối với khu vực. Ông ta thấy Galllagher là đại diện của một nhóm người Mỹ tin tưởng rằng họ đang nổi lên chống quá khứ thuộc địa của Pháp với cái tên "chống chủ nghĩa thực dân ấu trĩ làm đui mù họ". Nhiều người Pháp tại Hà Nội đã rất vui mừng khi đại uý Patti nhận lệnh quay về Côn Minh ngày 29 tháng Chín, ngay sau lễ đầu hàng. Mặc dù người Pháp có thể đã vui mừng nhưng Việt Minh thì không. Sự có mặt của Patti tại Hà Nội hoàn toàn dễ chịu. Người Việt Nam trong thành phố luôn chào đón ông với những vòng tay mở rộng. Bùi Diễm nhớ lại:
"Trong một thành phố dán đầy khẩu hiệu và biểu ngữ lên án chủ nghĩa đế quốc thì chiếc xe Jeep của Patti cắm cờ Mỹ trên mui liên tục bị nhiều người tấn công đơn giản chỉ vì họ muốn nhìn thấy và sờ vào vị đại diện của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ". Patti cũng trở thành vị khách thường xuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và hai người gặp nhau vào tối cuối cùng tại Hà Nội.
Lúc đầu Võ Nguyên Giáp cũng tham gia như để nhấn mạnh "sự đánh giá cao cá nhân" của ông đối với những người Mỹ, đối với người ông đã cùng làm việc và chúc Patti thượng lộ bình an. Patti nhớ lại ông đã cảm động khi tướng Giáp "cho phép mình để lộ tình cảm nội tâm". Thời gian còn lại Patti trò chuyện với Hồ Chí Minh, người lúc này coi ông "là một người bạn đặc biệt mà chủ tịch có thể tâm sự". Patti viết về cuộc gặp cuối cùng này:
Lần thứ hai trong buổi tối hôm đó tôi đã cảm động bởi sự quan tâm riêng tư dành cho mình. Cả Hồ Chủ tịch và ông Giáp đều biết rằng may mắn lắm họ chỉ có thể trông đợí ở tôi là sự thấu hiểu và cảm thông. Cùng lúc tôi biết họ tận dụng đêm cuối cùng này để đặt chính họ và sự nghiệp của họ với ánh sáng khả dĩ tốt nhất. Họ vẫn bị cô lập trong thế gióỉ cộng sản, họ bị bao vây bởi các cường quốc có tính tư lợí, và rất ít người Mỹ, trong quan điểm của họ, là những người duy nhất họ có mối quan hệ tốt. Người Mỹ là những người hiểu được khó khăn trong việc đạt được và gìn giữ nền độc lập. Người Pháp tại Đông Dương rất ghét mối quan hệ này, coi thường và chống lại bằng mọi cách có thể.
Từ đầu tháng Patti đã cảnh báo tổng hành dinh rằng "vấn đề rắc rối dường như đang ấp ủ, và có thể bất thình lình xảy ra sau thoả thuận đình chiến được ký tại Đông Dương". Ngày 30 tháng 9 khi trung tá Carleton Swift thừa nhận vai trò của Patti là chỉ huy căn cứ Hà Nội thì tất cả đều im lặng. Ngày 1 tháng 10 Archimades Patti rời Hà Nội, và OSS được "giao cho Bộ Chiến tranh".
Kinh nghiệm của người Mỹ tại Hà Nội trong suốt những ngày độc lập đầy gian khó của Việt Nam khác xa với kinh nghiệm của họ tại Sài Gòn. Niềm vui bao trùm thành phố miền Nam với thông tin về sự đầu hàng của Nhật đã phát triển thành tâm trạng phấn khích khi khát vọng được trở thành một quốc gia độc lập lan truyền khắp nơi. Cũng như ở Hà Nội, Sài Gòn tổ chức lễ kỷ niệm. Nhưng không giống như ở Hà Nội, bầu không khí hân hoan tưng bừng tại Sài Gòn chẳng mấy chốc trở nên chết chóc. Tuy nhiên, cả cảnh đổ máu tại Sài Gòn lẫn tình trạng tương đối thoải mái mà với nó Việt Minh đã nắm được quyền kiểm soát Hà Nội đều không thể tránh được. Chỉ có một nhóm có khả năng ngăn chặn cả cuộc đấu tranh giành chính quyền tại Hà Nội và cuộc bạo động tại Sài Gòn là quân Nhật.
Chú thích:
(1) Safe House trong nguyên bản: nhà an toàn. Nơi bảo đảm bí mật.
(2) Francophile: người thân Pháp, ngưỡng mộ văn hoá Pháp.