Dịch giả: Phạm Bích Liễu, Vũ Thu Hà
Chương 87
Chuyện xảy ra ở châu Âu

Bây giờ, có lẽ đã đến lúc độc giả hướng về những chuyện xảy ra ở Châu Âu, điều mà ngài đảo trưởng không thể kể cho René có lẽ cũng do khoảng cách xa xôi mà chính ông cũng không được hay biết.
 
Chúng ta nhớ lại thời điểm chúng ta chia tay Napoléon. Sau chiến thắng Pyramides khiến Ai Cập choáng ngợp, chiến thắng Marengo buộc nước Ý khuất phục, nước Đức kinh ngạc Tây Ban Nha may một bộ hoàng bào và lồng Hà Lan vào đế chế Pháp, ngài Napoléon mang giấc mơ đế chế toàn cầu các mỏm đá thành Douvres mà không nghĩ đến người từng giáng sấm sét xuống chiến hạm Aboukir của ông, sẽ còn gây bối rối nữa trên eo Manche như đã từng gây khó khăn trên bờ biển Syrie. Người đàn ông ấy là Nelson!
 
Tôi xin chuyển tới độc giả, theo quan điểm đích thực, số mệnh được ưu ái đặc biệt đến kỳ lạ của nhân vật mà những chiến thắng của con người này đã nâng ông ta trong một chốc lát lên ngang tầm với con người thiên tài đối đầu với ông ta.
Quả thật con người này phải sống đúng thời điểm lịch sử mới hoàn thành sứ mệnh cứu nước Anh khỏi một trong những cơn nguy khốn nhất từng có kể từ thời hoàng đế Guillaume Người chinh phục.
 
Tôi sẽ nói Nelson là ai và qua những sự kiện định mệnh ở thời điểm hiện tại, trong một lúc nào đó, ông ta được coi có thể thay chỗ của Pompée chống lại César thời trước.
 
Nelson sinh ngày 20 tháng Chín năm 1758. Do đó, vào thời điểm đang nói đến, ông ta 47 tuổi.
Con người này được sinh ra tại Burnham-Thorpe, một làng nhỏ thuộc quận Norfolk. Cha ông ta là một mục sư ở đó, mẹ chết trẻ để lại mười một người con. Một người bác làm trong ngành hàng hải, người bà con với Walpole, đã đưa ông ta làm chuẩn uý trên chiến hạm sáu mươi tư khẩu đại bác, tàu Redoutable. Có một điều kỳ lạ trong số vô vàn điều kỳ lạ của cuộc đời con người này đó là ông ta bị một viên đạn bắn vào từ tàu chiến Pháp mang cùng tên với con tàu đầu tiên ông ta đi biển và cũng có sáu tư khẩu đại bác.
 
Ông ta khởi nghiệp bằng chuyến lên cực bắc và tàu bị mắc băng trong suốt sáu tháng. Trong một lần thăm dò khu vực xung quanh tàu, ông ta đụng độ với một con gấu trắng và đã đánh giáp lá cà với nó. Con quái vật đang siết ông nghẹt thở trong các chi của nó thì một người bạn thấy cuộc chiến bất cân bằng liền với khẩu súng gí vào tai con vật siết cò bắn vỡ đầu nó.
 
Ông ta từng xuống xích đạo, bị lạc trong một cánh rừng ở Pérou, ngủ dưới gốc cây to, bị một con rắn độc cắn suýt chết và phải mang những vết thương giống như vết trên người con rắn suốt đời.
Canada, ông ta có mối tình đầu và định làm trò dại dột nhất đời. Vì không thể xa người vợ yêu, ông ta muốn từ chức thuyền trưởng tàu chiến. Thế là các sĩ quan của ông ta lừa thời cơ trói ông ta lại như một kẻ bất lương hay như một tên khùng, chất lên ngựa cho lên tàu và chỉ cởi trói cho ông khi đã ở giữa dại dương:
 
Giả dụ Nelson đã từ chức và lời từ chức được chấp thuận, Bonaparte đã chiếm được Saint-Jean - d'Acre, đã không có Aboukir, Trafalgar nữa, hải quân của Pháp sẽ bị hải quân Anh ức hiếp. Nước Pháp đã vững bước chinh phục thế giới nếu không có bàn tay của người đàn ông này.
 
Khi trở về London, ông ta cưới một goá phụ trẻ tuổi là phu nhân Nisbelt. Ông yêu bà ta bằng thứ đam mê bốc cháy dễ dàng và cũng nhanh chóng ăn vào tâm hồn. Khi trở lại hải quân ông ta mang theo cậu con trai riêng của vợ tên là Josuah.
Lúc Toulon bị trao cho quân Anh, Horatio Nelson đang làm thuyền trưởng trên tàu Agmemnon. Ông ta được cử đến Naples để báo cho đức vua Ferdinand và hoàng hậu Caroline việc chiếm cảng quân sự đầu tiên của Pháp.
 
Ngài William Hamilton, đại sứ tại Ý, gặp ông ta ở chỗ nhà vua, dẫn về nhà mời ông ta ở phòng khách rồi qua phòng ngủ của vợ nói:
- Tôi dẫn về cho phu nhân một con người bé nhỏ, tuy không đẹp nhưng một ngày ông ta sẽ là vinh quang của nước Anh và là nỗi kinh hoàng của kẻ thù.
- Sao ngài dự đoán như thế? - Phu nhân Hamilton hỏi.
- Qua vài lần ít ỏi chúng tôi nói với nhau ông ta đang ở phòng khách, hãy đến chào mừng ông ta đi em yêu. Tôi chưa từng đón một sĩ quan Anh nào đến nhà song tôi không muốn người này ở trọ chỗ nào khác ngoài lâu đài của ta.
Thế là Nelson ở lại đại sứ quán Anh nằm giữa góc sông và phố Chiaia.
 
Đó là vào năm 1793. Khi đó Nelson là một anh chàng ba mươi nhăm tuổi, vóc dáng khiêm tốn như ngài William nói, khuôn mặt mai mái với cặp mắt xanh, cái mũi khoằm phân biệt con người tham chiến với người biến César và Condé thành những con chim mồi, cái cằm nhô ra mạnh cho thấy tính quả quyết đến cứng đầu. Râu tóc của ông có màu vàng nhạt, thưa và mọc lung tung.
 
Qua cái nhìn đầu tiên, Emma Lyonna đánh giá về diện mạo của ông ta không khác gì chồng mình. Nhưng vẻ đẹp lộng lẫy của bà đại sứ này đã để lại ấn tượng mạnh cho ông. Nelson rời Naples mang theo sự trợ giúp mà ông ta đến xin triều đình Hai đảo Sicile(1) và tình yêu điên cuồng với phu nhân Hamilton. Tình yêu này đã khiến Nelson phải chịu xấu hổ.
 
Còn về Emma Lyonna, thời điểm ấy, bà ta đã hết sạch cả hổ thẹn rồi.
Không biết có phải để chữa tình yêu ấy hay vì tham vọng, vì đeo đuổi khát khao vinh quang mà Nelson muốn hy sinh trong cuộc chiến Calvi nơi ông ta mất một mắt và cuộc chinh phạt Ténériffe nơi ông ta mất một cánh tay chăng? Chẳng ai biết rõ, nhưng trong hai cơ hội ấy, ông ta đã mạo hiểm mạng sống của mình mà vẫn tỏ ra dửng dưng không bận tâm.
 
Ngày 16 tháng Sáu năm 1798, ông ta trở lại Naples lần thứ hai và lần này lại có sự xuất hiện của phu nhân Hamilton.
 
Lần ấy Nelson lẽ ra đã bị chỉ trích. Chịu trách nhiệm chặn chiến hạm Pháp ở cảng Toulon và hạ nó nếu nó ra khỏi cảng, ông ta lại để chiến hạm ấy tuột khỏi tay và nó đã chiếm Malte khi đi ngang qua đó rồi có thể đổ bộ 30 nghìn quân lên Alexandrie.
Thế vẫn chưa hết: bị một cơn bão quần tơi tả, thiếu nước và thực phẩm do chuẩn bị ít, không thể tiếp tục truy đuổi, Nelson buộc phải quay lại sửa sang ở Gibraltar.
Ông ta đã thất bại: Người ta có thể buộc tội phản bội cho ông.
 
Suốt một tháng ròng mà không tìm ra chiến hạm mười ba tàu chiến hạng nặng và tám mươi bảy tàu chuyên chở, không những không đuổi kịp mà còn không phát hiện ra dấu vết nào của nó ở Địa Trung Hải. Mặt khác, lẽ ra ông ta nhận được sự trợ giúp từ triều đình Hai đảo Sicile vào lấy lương thực trong cảng Messine và Syracuse, vào Calabre để lấy gỗ sửa cột buồm, xà buồm bị gãy.
 
Nhưng triều đình Hai đảo Sicile đã ký hoà ước với nước Pháp. Hiệp ước này yêu cầu triều đình giữ thế trung lập tuyệt đối, nếu cho Nelson những thứ ông ta cần tức là vi phạm thoả ước.
 
Tuy nhiên, vua Ferdinand và hoàng hậu Caroline rất ghét người Pháp nên những thứ Nelson cần đều được ngang nhiên đáp ứng. Còn Nelson, ông ta hiểu chỉ chiến thắng vang dội mới có thể tự cứu mình nên rời Naples với tâm trạng điên cuồng, yêu mãnh liệt và kỳ cục hơn bao giờ hết, thề phải chiến thắng hoặc mất mạng ngay từ cơ hội đầu tiên.
Ông ta đã thắng và suýt mất mạng.
 
Chưa bao giờ kể từ khi phát minh ra thuốc súng và cách sử dụng đạn đại bác lại có trận thủy chiến kinh thiên động hải đến thế. Trong số mười ba chiến thuyền của hạm đội nói trên chỉ hai chiếc thoát khỏi tầm đạn và không rơi vào tay kẻ thù.
 
Một tàu bị nát là L'Orient, một tàu chiến và một tàu ba cột buồm khác bị chìm, chín tàu bị chiếm. Nelson đã tỏ ra như một vị anh hùng. Trong suốt thời gian diễn ra trận chiến, ông ta sẵn sàng xả thân nhưng tử thần không muốn ông ta. Tuy thế, ông ta vẫn bị một vết thương nặng: một quả đạn của tàu Guillaume Tell đã bắn nát xà buồm tàu Vanguard có ông ta trên boong. Nó rơi vào trán khi ông ta ngẩng lên xem vết gãy răng rắc làm toạc một mảng da đầu với con mắt duy nhất còn lại. Giống như cả một con bò mộng đè vào người, ông ta đổ vật ra boong đầm đìa máu. Nelson tưởng vết thương ấy sẽ khiến ông ta mất mạng nên cho gọi linh mục lên rửa tội và nhận lời trăng trối của ông chuyển về gia đình. Nhưng đi cùng cha xứ còn có một bác sĩ. Người này xem xét hộp sọ, nó không sao cả, lớp da được níu lại vào trán bằng lớp băng đen.
 
Nelson lại vớ lấy chiếc loa vừa rời khỏi tay và tiếp tục công cuộc phá huỷ bằng cách thét lên: "Bắn!".
Chắc phải có hơi thở của một thần tiên trong lòng hận thù chống lại nước Pháp của con người này.
Ngày 2 tháng Tám, khoảng tám giờ tối, chiến hạm Pháp chỉ còn hai tàu chiến thoát được chạy trốn sang đảo Malte.
 
Một chiếc tàu hạng nhẹ mang tin chiến thắng của Nelson và chiến hạm của ta bị huỷ diệt về bộ tư lệnh hải quân Anh và triều đình Hai đảo Sicile.
Lập tức toàn châu Âu reo hò sung sướng tột độ lan sang cả châu Á, người Pháp lo ngại bao nhiêu thì cách mạng Pháp ghê tởm sự kiện này bấy nhiêu.
Còn triều đình Naples, sau cơn sung sướng tột độ, trở nên hạnh phúc điên cuồng. Hiển nhiên phu nhân Hamilton là người đầu nhận được lá thư báo tiệp của Nelson. Chiến thắng ấy khép lại vĩnh viễn chuyện 30 nghìn lính Pháp sang Ai Cập gặp Bonaparte.
 
Bonaparte, con người làm nên trận Toulon, cuộc đảo chính 13 Vendénnaire, trận Montenotte, Dego, Arcole và Rivoli, người chiến thắng Beaulieu, Wurmser, Alvinzi và hoàng tử Charles, người trong vòng hai năm đã thắng lớn, bắt được 150 nghìn tù binh, chinh phục 170 quốc kỳ, chiếm 150 pháo đại bác hạng nặng, 600 làng, năm đội cầu, con người tham vọng đã tuyên bố châu Âu chỉ là cái hang chuột và chỉ Đông Phương mới có các đại đế chế cũng như các đại cách mạng mà thôi, một đại uý ưa phiêu lưu ở tuổi hai mươi chín đã vượt cả Annibal và còn muốn chinh phục Ai Cập để cũng vĩ đại như Alexandre và César, con người đã tịch biên, loại khỏi danh sách nhiều chiến binh; với trò chơi chiến tranh vĩ đại này, cuối cùng con người ấy cũng tìm được đấu thủ may mắn và khéo léo hơn mình. Trên bàn cờ khổng lồ của dòng sông Nil ấy nơi mà quân tốt là những cột tháp, quân mã là các nhân sư, quân pháo là những kim tự tháp, quân sĩ có tên là Cambyse, vua Sésostris, hoàng hậu Cléopâtre, ông đã từng bị thất bại và xa xẩm mặt mày.
 
Thật ngạc nhiên khi đong đo nỗi sợ hãi của các vị quốc vương ở châu Âu khi nghe hai cái tên nước Pháp và Bonaparte cộng lại qua những món quà họ tặng cho Nelson, họ trở nên mừng vui khôn xiết khi thấy nước Pháp bị hạ gục và tin là Bonaparte sẽ thất bại.
 
Phần liệt kê những quà mừng ấy không khó, chúng tôi xin chép lại từ chính bản viết tay của Nelson.
Vua Geoges Đệ tam, trao tặng phẩm hàm danh dự Anh Quốc và một mề đay vàng.
Công viện dành cho người thừa kế gần nhất và cho ông ta tước hiệu Nam tước Nil và Burnham-Thorpe cùng một khoản tô tức hai nghìn livre sterling bắt đầu lĩnh từ mồng 1 tháng Tám năm 1798, tức ngày diễn ra trận đánh.
Viện công khanh cũng dành một khoản tương tự, trong điều kiện tương tự.
Nghị viện Ai xơ len tặng một khoản trợ cấp một nghìn livre sterling.
Liên đoàn người Án Đông phương tặng mười nghìn livre trả một lần.
Quốc vương Thổ Nhĩ Kỳ(2) tặng một vòng kim cương đính cây bút chiến thắng trị giá 2000 livre sterling, một chiếc áo lông sang trọng trị giá một nghìn livre sterling. Thái hậu Thổ Nhĩ Kỳ cũng tặng một hộp kim cương trị giá 1200 livre.
 
Vua Sardaigne(3) tặng một gạt tàn nạm kim cương trị giá 1200 livre.
Đảo Zante tặng một thanh gươm có nắm tay bằng vàng, một trái táo vàng.
Thành Palerme tặng một gạt tàu và một dây chuyền vàng trên một đĩa bạc.
 
Cuối cùng là người bạn Benjamin Hallowell, thuyền trưởng tàu Swiftsure, tặng một món quà đặc Anh mà sẽ là rất thiếu nếu không liệt kê. Như tôi đã nói, con tàu L'Orient của Pháp đã bị nát tan tành, Hallowell vớt được cột buồm lớn của nó. Ông ta cho thợ trên tàu đóng một cỗ quan tài có trang trí một tấm biển ghi lời chứng thực sau:
"Tôi chứng nhận cỗ quan tài này đóng hoàn toàn bằng gỗ và sắt từ chiến thuyền L'Orient mà tàu của nhà vua, theo lệnh tôi, đã vớt được trong vịnh Aboukir.
BEN HALLOWELL"
 
Kèm theo cỗ quan tài có xác nhận như thế là một lá thư.
 
"Gửi tới ngài Nelson C. B đáng kính, đức ông của tôi,
Tôi gửi cho ngài cỗ quan tài đóng tứ chính cây cội buồm của tàu chiến L'Orient của Pháp để ngài dùng khi từ bỏ cõi đời này đi an nghỉ chốn của riêng mình. Hy vọng ngày ấy là ý muốn chân thành của kẻ phục tùng và thân ái này.
BEN HALLOWELL"
 
Trong số tất cả những món quà nhận được, đây là thứ khiến Nelson cảm động nhất. Ông ta nhận nó bằng vẻ mãn nguyện ra mặt. Ông ta cho đặt nó vào ca bin của mình sát tường ngay sau chiếc ghế nơi ông ta ngồi ăn. Một nô bộc già thấy đồ vật này buồn quá nên theo lệnh của đô đốc đã chuyển nó lên boong phụ.
 
Khi Nelson rời tàu Vanguard sang Fulminan, cỗ quan tài ấy chưa tìm được vị trí thích hợp nên ở khoang trước trong vài tháng. Một hôm, các sĩ quan tàu Fulminan khen ngợi món quà của thuyền trưởng Hallowell, Nelson hét lên với họ từ ca bin:
- Cứ ngắm thoả thích chừng nào các quý ông muốn, nhưng nó không phải làm để cho các vị đâu.
Cuối cùng, ngay khi có dịp, Nelson cho bọc nó trong một tấm thảm và quấn vải nhung để, với nghề của mình, ông ta muốn có nó sẵn sàng khi cần.
Khỏi phải nói, bảy năm sau, khi bị chết ở Trafalgar, Nelson đã được khâm liệm trong cỗ quan tài ấy.
 
Chú thích:
(1) Triều đình cũ của nước Italie gồm Triều đình Sicile (đảo) và Triều đình Naples (bán đảo Sicile)
(2) Tức Sélim Đệ Tam
(3) Charles-Emmanuel Đệ Tứ
 

Truyện Hiệp Sĩ Sainte Hermine Giới thiệu Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 Chương 118 Phần II - Claude Schopp Chương 119 Chương 1 Chương 2 Chương Kết