Dịch giả: Phạm Bích Liễu, Vũ Thu Hà
Chương 92
Trận đánh Trafalgar

Vào thời điểm ấy, tức là ngày 21 tháng Mười năm 1805, ở Pháp chỉ có một cách đánh nổi tiếng trên biển: xông vào kẻ thù, nếu có thể thì nhờ thế gió thượng phong, theo một hàng ngang duy nhất, tấn công tàu trước mặt, hạ nó hoặc bị nó hạ và nhường cho con tạo sắp đặt lực lượng mạnh yếu mỗi bên.
 
Ngoài ra, còn có các nguyên tắc khác, chủ yếu là mệnh lệnh giúp cho cuộc giao chiến bớt nguy hiểm cho địch hơn là cho ta các chỉ thị chính thức được hải quân đưa ra là không được quên rằng mục tiêu đầu tiên và chủ yếu của một cuộc thủy chiến là bắn bỏ buồm chão và hạ cột buồm đối phương.
 
- Chúng ta thường thấy rằng - Tướng Sir Edward Douglas của Anh nói - trong các lần đụng độ với người Pháp, tàu của chúng ta luôn gặp vấn đề về buồm chão hơn là vấn đề về vỏ tàu.
Điều mấu chốt là hoả lực Anh mạnh hơn Pháp. Đại bác của họ bắn đạn một phút một quả trong khi Pháp chỉ bắn được ba phút một quả.
Chính do sự chênh lệch về hoả tiễn như vậy mà người Anh khiến các boong tàu của Pháp phơi đầy xác thủy thủ trong khi đạn đại bác của Pháp chỉ chạy theo các cột buồm và dây buộc, bắn năm sáu quả cao vống lên chẳng có tác dụng gì. Ngược lại, một tàu Anh cỡ 74 lại phóng vào mạn tàu ta ba nghìn livre sắt với vận tốc 500 mét/ giây.
Khi ba nghìn livre sắt va phải mạn tàu, tức là va phải chướng ngại bị xuyên thủng được khiến nó tan thành những mảnh vỏ nguy hiểm chết người hơn là chính quả đạn. Thay vì lãng phí sức mạnh bất khả kháng, như Pháp vẫn làm, họ bắn vào các mạn tàu rồi hướng cao nòng giết nốt những gì còn lại trước mặt.
"Chính nhờ những loạt đạn ấy mà nước Anh trở thành đế chế tuyệt đối trên biển - Nelson đã viết cho Bộ tư lệnh hải quân Anh - và năm năm trước, nó đã tạo cho ta chiến thắng Aboukir".
 
Về cách đánh dàn hàng ngang, Nelson đã từ bỏ từ lâu và thay vào đó một cách mà chúng ta còn chưa quen. Ông ta cho dàn hàng thành hai cánh chữ V ngược, tức là sẽ rẽ quân Pháp ra làm hai. Tàu của ông ta sẽ đi đầu, nó rẽ tất cả những gì nó đụng phía trước khai hoả từ hai bên mạn, vượt qua hàng rào địch rồi quay lại với đội hình ngược lại tiếp tục như thế.
 
Trong cuộc họp hội đồng hai ngày trước, đô đốc Villeneuve đã nói:
"Tất cả cố gắng của các tàu chiến của chúng ta là trợ cứu các tàu bị tấn công và áp vào tàu đô đốc tiên phong. Người can đảm và yêu vinh quang là một chỉ huy phải biết tham khảo tín hiệu của đô đốc, người cũng tham gia cuộc chiến và chìm trong vòng khói lửa cùng các bạn, như thế công việc sẽ dễ dàng hơn. Mọi chỉ huy không xông vào lửa đạn tức là không ở đúng vị trí của mình và một tín hiệu phải gọi anh ta vào vị trí của mình sẽ là một vết nhơ hổ thẹn với anh ta".
 
Nelson đã nói:
"Sau khi chia hạm đội của tôi thành hai cánh quân, tôi cũng chia ra làm hai loại trận chiến khác nhau: một loại tấn công, tôi dành cho Collingwood, và một loại phòng thủ do chính tôi chỉ huy. Villeneuve có thể sẽ trải ra một không gian rộng 5 đến 6 dặm. Tôi sẽ lao vào ông ta, chia ra làm hai phần. Do đó, tôi sẽ để Collingwood được lợi thế số quân và là người duy nhất chống lực lượng mạnh hơn.
 
Chiến hạm Anh bao gồm 40 tàu chiến, chiến hạm liên quân Pháp-Tây Ban Nha có 46. Collingwood, cùng với 16 tàu chiến sẽ tấn công mười hai tàu địch, còn tôi với 24 tàu còn lại tôi sẽ giữ chân 34 tàu khác và không chỉ giữ chân, tôi sẽ lao vào trung tâm có các tàu chiến bao quanh tổng tư lệnh, bằng cách này tôi sẽ cô lập đô đốc Villeneuve khỏi đội quân của ông ta và ngăn ông ta truyền lệnh cho đội tiên phong.
 
Ngay khi tôi ra hiệu cho chỉ huy cánh quân thứ hai, toàn bộ hướng đi và quyền chỉ huy tuyệt đối của cánh quân này thuộc về Collingwood. Chính ông ta là người điều khiển việc tấn công của mình như ông ta muốn và lựa theo lợi thế của mình cho đến khi bắt được hay phá huỷ các tàu xung quanh. Tôi chịu trách nhiệm để các tàu địch khác không can thiệp vào đó. Còn về các thuyền trưởng trong chiến hạm, nếu trong trận chiến họ không nhận ra hay không hiểu hoàn toàn tín hiệu do đô đốc của mình đưa ra, họ cứ yên tâm rằng họ chỉ có nước trả giá ngay khi chạm trán với tàu địch".
 
Với lối trình bày đơn giản về những nguyên tác xúc tích nhất trong chiến thuật hải quân, phòng họp hội đồng trên tàu Victory nơi triệu tập các sĩ quan cấp trưởng, các thuyền trưởng trong chiến hạm vang dậy tiếng hô la nhiệt thành rất lâu.
 
"Có thể nói - Nelson viết cho Bộ tư lệnh hải quân - đây là một cú sốc điện. Vài sĩ quan còn cảm động đến rơi nước mắt. Tất cả mọi người đều nhất trí với kế hoạch tấn công ấy. Họ thấy mới lạ bất ngờ, dễ hiểu và dễ triển khai. Từ các đô đốc đầu tiên đến các thuyền trưởng cuối cùng đều kêu lên "Kẻ địch sẽ thua nếu chúng ta có thể bắt kịp chúng".
 
Hoàn toàn ngược lại với Nelson, kẻ đang cầm chắc phần thắng mười mươi, Villeneuve đang chạy theo cuộc chiến nhưng lại chạy trong trạng thái mất niềm tin. Trong chiến hạm của người anh dũng, vô cùng tận tụy này cũng có bao người có học thức và vui vẻ song ông ta lại cảm thấy một mầm mống huỷ diệt mà không thể cắt nghĩa nó là gì. Ký ức về trận Aboukir còn nằm ở tận cùng mối sợ hãi của ông ta, việc thiếu kinh nghiệm trên biển của các sĩ quan, thiếu kinh nghiệm trận mạc của các thuyền trưởng chỉ huy, sự thiếu lòng tin của các binh sĩ, thiếu sự gắn kết tổng thể là nguyên do buộc ông phải liên tục liên lạc với họ.
 
Gió đưa chiến hạm của Villeneuve và Gravina ra khỏi cảng đột ngột yếu đi. Dù chạy chậm lại do vài tàu chiến Tây Ban Nha thiếu kinh nghiệm khi gặp gió, chiến hạm liên quân vẫn chầm chậm rời bờ biển.
 
Nelson được tàu ba cột buồm của mình báo quân ta đã xuất phát, ông ta căng hết buồm để chặn đánh. Nhưng chẳng mấy chốc gió dịu lại và đêm xuống trước khi hai chiến hạm có thể nhận ra nhau.
 
Ngày hôm sau, khoảng bảy giờ sáng, đô đốc quân Pháp ra hiệu dàn hàng ngang nghênh chiến. Nhận ra động thái đó, Nelson hiểu rằng cuộc chiến mong đợi bấy lâu sẽ diễn ra ngay hôm đó.
 
Chiến hạm liên quân tiến lên theo mệnh lệnh và siết chặt vòng vây rất quyết liệt và nhanh chóng khiến khoảng cách đôi bên giảm dần sau mỗi đợt sóng.
 
Một cơn gió Tây - Tây nam yếu khẽ làm cho các cánh buồm trên chiến thuyền phồng lên qua mỗi xà buồm rồi lại chuyển xuống những đợt sóng dài, triệu chứng một cơn bão không hề bị suy yếu.
 
Chiến hạm Anh tiến lên với vận tốc một dặm một giờ và theo kế hoạch của Nelson nó đã chia ra làm hai cánh.
 
Tàu Victory có Nelson ở trên, dẫn đầu chiến hạm. San nó có hai tàu loại 98 là tàu TéméraireNeptune bọc đồng dùng để khoét lỗ thủng đầu tiên trong hàng ngũ tàu địch. Tàu ConquérautLéviathan cỡ bảy mươi tư đi sau Neptune và đi trước Britannia, tàu có một trăm khẩu đại bác mang cỡ hiệu của chuẩn đô đốc như Northerk.
 
Cách tốp đầu một đoạn khá xa là tàu Agamemnon, một trong những tàu chiến đầu tiên Nelson từng chỉ huy trước đây, nó dẫn theo tàu Britannia và bốn tàu bảy mươi tư đại bác khác là Ajax, Orion Monitor và Spartiate.
 
Các chiến thuyền đã vào tầm đại bác. Villeneuve theo chiến thuật quen thuộc trên biển là chờ tàu thật sự vào gần mới bắn, nhưng lần này ông ta đã không may. Hai cánh quân Anh đang tập hợp lượng tàu lớn nên nếu có bắn từ xa thế nào cũng trúng vì tàu địch không có khoảng trống là bao nhiêu.
 
Đến giữa trưa, cánh quân phía nam do đô đốc Collingwood chỉ huy xuất phát, trước mười lăm phút so với cánh quân phía bắc do Nelson chỉ huy, đã tiến đến giữa hàng quân của ta đường đầu với tàu Santa Anna. Tàu Belle-IsleMars theo sau nó, tàu TonnantBellérophon đứng hai bên Mars. Tàu Colossus, AchillePolyphème gần Bellérophon, chếch sang bên phải là Revenge dẫn theo nó có Swiftsure, ThunderRéfence. Hai tàu DreadnoughtPrince, cả hai đều có buồm không tốt và thuộc phạm vi của cánh quân Collingwood.
 
Chiến hạm Anh có 2.148 đại bác, chiến hạm Pháp có 1.356, chiến hạm Tây Ban Nha có 1.270 khẩu.
 
Cờ hiệu đô đốc Villeneuve ở trên tàu Bucenlaure còn cờ hiệu đô đốc Gravina phấp phới trên tàu Prince des Astuties, một tàu chiến có 112 đại bác. Chuẩn đô đốc Dumanoir ở trên tàu Formidable, (chuẩn đô đốc Magon trên tàu Algésiras: hai chiếc ba boong tuyệt vời của Tây Ban Nha. Tàu Santissima Trinidad, 130 đại bác, và Santa Anna, 112 đại bác, mang cờ lần lượt của chuẩn đô đốc Cisneros và chuẩn đô đốc Alava.
 
Mười tàu khác do gió lặng và sóng nhẹ vẫn chưa vào vị trí chiến đấu, tạo thành hàng thứ hai sau chiến tuyến thứ nhất. Đó là các tàu Neptune, Seipion, Intrépide, Ray, Fomlidable, Duguay-Trouin, Mont-Blanc, San Francesco di Assisi.
 
Ba tàu chiến hàng đầu của hạm đội tập trung quanh tàu Bucenlaure. Trước đô đốc là tàu Santissima Trinidad, tàu Redoutable ở đường chạy riêng và cuối cùng Neptune ở giữa BucenlaureRedoutable.
 
Thuyền trưởng Lucas trong lúc nhận ra điểm hai cánh quân Anh phải tụ lại, một do tàu Victory dẫn đầu và cánh quân kia do tàu Royal Souverain đã điều khiển tiến lên khi có ngăn cách giữa BucentallreSanta Anna. Ông cho gọi một số sĩ quan trẻ còn xa lạ với mọi người đến bên cạnh mình trên boong thượng. Người đó không ai khác chính là René.
René mang theo thanh kiếm và một khẩu cạc bin.
 
Người ta có thể thấy Nelson đứng trên boong thượng của ông ta cùng Blackwood, thuyền trưởng tàu Euryale, người cùng với Hardy là thuyền trưởng cờ hiệu luôn chiếm được lòng tin và tình cảm của Nelson. Khi ấy ông ta gọi một trong những sĩ quan tuỳ viên bộ tham mưu của mình lại bảo:
- Ngài Pasco, hãy truyền khẩu hiệu sau đến toàn quân:
"England expects every man will do his duty!" (Nước Anh trông mong mỗi người sẽ làm nhiệm vụ của mình).
 
Hôm ấy, Nelson mặc một bộ quần áo màu thiên thanh. Ông ta đeo trên ngực đủ loại huân chương. Thuyền trưởng Hardy lại gần ông ta nói:
- Thưa chỉ huy, vì Chúa, ngài hãy thay đồ đi, những trang sức loè loẹt trên ngực của ngài sẽ là điểm ngắm cho mọi tay súng.
- Muộn quá rồi - Nelson nói - mọi người đã thấy tôi trong trang phục này, tôi không thể mặc khác được.
 
Thế là người ta xin ông ta nghĩ đến vị trí tổng chỉ huy chứ đừng xông ra như một tàu tiên phong trước vòng vây sát sao của chiến hạm liên quân.
- Hãy để mặc. - Hardy nói - Hãy để mặc tàu Léviathan đang theo sau ngài vượt qua và để quân Pháp khai hoả.
- Tôi muốn - Nelson nói và cười - tàu Léviathan vượt qua trước tôi lắm, nếu nó có thể - Rồi ông quay lại phía Hardy: Trong khi chờ đợi hãy tăng tốc lên.
 
Bấy giờ các thuyền trưởng mới rời boong tàu Victory để ai nấy quay về tàu của mình. Khi chia tay từ đầu cầu thang trên mạn tàu Nelson thân ái bắt tay thuyền trưởng Blackwood, người này nồng nhiệt chúc ông chiến thắng.
- Bao nhiêu tàu chiến địch đầu hàng hay chìm mới đủ cho một cuộc đại thắng? - Ông ta cười hỏi Blackwood.
- Thì mười hai hoặc mười lăm,- Blackwood đáp.
- Thế vẫn chưa đủ. - Nelson nói - Tôi sẽ không hài lòng dưới hai mươi tàu, rồi trán ông sầm lại - Tạm biệt Blackwood. Cầu chúc ban phước cho anh, tôi sẽ không gặp lại anh nữa.
 
Tuy nhiên, Nelson không dành cho mình cái vinh dự là người khai hoả đầu tiên. Dẫn đầu cánh quân, đô đốc Collingwood đã sáp mạn theo hướng chếch với đường đi của cánh quân do Nelson chỉ huy. Chính Collingwood là người xé toạc chiến thuyền quân Tây Ban Nha và Pháp. Con tàu Royal Souverain có Collingwood bên trong đã lao vào con tàu ba boong Tây Ban Nha Sanh Anna quay mạn trái vào nhau rồi trùm lên nó bằng trận mưa đạn và khói.
 
- Collingwood thật can đảm! - Nelson kêu lên và chỉ vào lỗ hổng giữa quân địch vừa được tạo ra - Hãy nhìn kìa Hardy, hãy xem ông ấy như đang lao tàu của mình vào lửa mà không cần nhìn đằng trước; đằng sau và bên cạnh. Đường thông rồi, hãy lấy hết gió nào.
 
Trong lúc Nelson kêu lên như vậy trên đuôi khoang thượng thì Collingwood cũng kêu lên với thuyền trưởng cờ liệu giữa lòng sấm sét ấy.
- Ha ha! Nelson cũng sẽ sung sướng nếu ông ấy ở đây!
Nelson sẽ đến đó không chậm trễ. Bắt đầu những đạn pháo từ bảy tàu chiến của hạm đội liên quân bay ràn rạt qua đầu xé toạc các cánh buồm và cày lên bong tàu của ông ta.
Người đầu tiên rơi từ tàu Victory là một thanh niên tên là Scott thư ký của Nelson. Trong lúc đang nói chuyện với đô đốc và Hardy, anh ta bị một quả đạn cắt làm đôi.
 
Vì Nelson rất yêu mến chàng trai trẻ này nên Hardy nhanh chóng cho mang cái xác đi để đô đốc khỏi đau lòng khi nhìn thấy.
Vừa khi ấy hai quả đạn khác khiến tám người nữa bị cắt giữa thân mình đổ vật xuống boong.
- Ồ! Nelson nói - Đây là một hoả lực mạnh nên sẽ kéo dài đấy.
Đúng lúc đó, sức gió từ một quả đạn bay ngay trước mặt Nelson khiến ông ta tức thở và suýt bị ngạt. Nelson vịn tay vào một sĩ quan lảo đảo và thấy tức ngực, khi tỉnh lại ông ta nói:
- Không sao, không sao.
 
Những phát đạn đại bác ấy đến từ tàu Redoutable.
Như chúng ta đã biết vào thời điểm ấy người Pháp có thói quen bắn vào cột buồm và dây néo nhưng với tàu của Lucas lại không thế.
- Hỡi anh em - ông nói với những pháo thủ trước khi họ bắt đầu khai hoả - Hãy bắn thấp xuống! Bọn Anh không thích bị giết đâu.
Và thế là họ bắn thấp.
Tàu Victory vẫn chưa bắn trả.
 
- Chúng ta có ba tàu trước mặt, ta sẽ tấn công cái nào trước? - Hardy hỏi Nelson.
- Cái gần nhất- Nelson trả lời - Mà tuỳ ông chọn.
Đó chính là tàu Redoutable cho đến lúc ấy khiến Victory tổn hại nhiều nhất. Hardy ra lệnh cho các thủy thủ đài chỉ huy tiến về phía tàu Redoutable và sáp lại.
- Tôi nghĩ - René bảo Lucas - đã đến lúc tôi về vị trí của mình trên cánh buồm rồi.
Và anh lao lên xà cột buồm lái.
 
Trong khi René đang trèo lên, hai chiến thuyền cho hai mạn húc vào nhau. Cú đâm mạnh tạo thành cơn chấn động dữ dội đến mức người ta tưởng một trong hai tàu đã đâm thủng tàu kia. Lẽ ra đã như vậy nếu sức gió không giảm trên khối cánh buồm làm tàu Redoutable lui lại, trong động tác lùi ấy đã kéo theo tàu Victory với nó.
 
Những tàu chiến đi theo Nelson vượt qua lỗ hổng trong chiến tuyến tàu liên quân rồi chia ra hai bên tả hữu lao vào đoạn bị chặn của liên quân.
 
Đến mười hai giờ trưa thì cuộc chiến thật sự bắt đầu. Quân Anh giương lá cờ thánh Geoges lên, bên dưới có chiếc thuyền Yacht đuôi trắng. Quân Tây Ban Nha cũng giương cờ Castille, treo bên dưới một cây thập tự bằng gỗ dài đồng thời bảy lần tung hô "Hoàng đế vạn tuế". Còn người Pháp, trên các mũi tàu đều giương lá cờ ba màu.
 
Xong xuôi, sáu bảy tàu chiến quanh đô đốc Villeneuve đồng loạt khạc đạn vào tàu Victory. Tàu Redoutable chắn ngay lối đi của nó, có hai trăm cái miệng lửa nhằm vào nó mà không thể chặn nó được. Nó tiến đến phía sau tàu Bucenlaure chỉ cách một tầm súng lục. Một khẩu đại bác cỡ 68 đặt dưới boong mũi trước của nó nhả đạn tròn qua cửa sổ đuôi tàu Pháp kèm theo năm trăm phát súng trường.
 
Tàu Victory chầm chậm đi qua chiến tuyến mà đám cháy lớn trên tàu Redoutable vừa tắt. Bị níu sát vào nhau, hai con tàu ấy tiếp tục chuyển hướng khỏi chiến tuyến. Từ trên xà buồm và giàn súng của Le Redoutable, người ta đáp lại hoả lực của Victory và trong trận đấu bằng loạt súng hơn là loạt pháo, các thủy thủ của Pháp là người chiếm ưu thế. Chỉ trong một thời gian ngắn, trên cầu tàu và khoang thượng tàu Victory, các xác chết nằm la liệt.
 
Hơn một trăm mười tên của tàu này trước khi kịp ra tay đã chỉ còn hai mươi tên có thể chiến đấu tiếp. Gian boong đầy ắp thương binh, những người chết bị đưa đi liên tục. Nhìn thấy những thân thể bị thương, những cái chân dập nát, những cánh tay lìa khỏi thân, các bác sĩ cũng phải nhìn nhau sững sờ. Cha xứ trên tàu Victory cũng phải kinh hãi mụ mị người và muốn chạy khỏi cái lò mổ khủng khiếp ấy, như cách ông ta gọi nó mười năm sau.
 
Ông ta lao lên boong. Giữa đám lộn xộn, qua làn khói, ông ta nhận ra Nelson và thuyền trưởng Hardy đang đứng ở khoang sau.
Đột nhiên Nelson đổ vật xuống boong như bị sét đánh.
Lúc đó là đúng một giờ mười lăm phút.
 
Một viên đạn từ xa cột buồm lái trên tàu Redoutable đã bắn trúng ông ta theo hướng từ trên xuống, dọc theo vai trái nhưng không bị cầu vai cản lại tiếp tục xuyên vào cột sống.
 
Nelson đang đứng ở chỗ thư ký của mình bị trúng đạn, ngã xuống gục mặt vào vết máu của anh ta. Ông ta định quỳ một gối đứng dậy với sự giúp đỡ của cánh tay duy nhất còn lại. Hardy đứng cách đó hai bước nghe tiếng ngã quay lại, vội vã chạy đến cùng hai thủy thủ và Secker giúp ông ta đứng lên:
- Mong là đức ông không bị thương nặng. - Hardy nói.
Nhưng Nelson trả lời:
- Hardy ạ, lần này chúng đã kết thúc với Nelson rồi.
- Ô! Tôi mong không phải thế? - Viên thuyền trưởng hét lên.
- Thật đấy! - Nelson nói - tôi thấy toàn thân rung động như bị dập cột sống.
Hardy lập tức ra lệnh mang đô đốc đến trạm cứu thương.
 
Trong lúc các thủy thủ khiêng đi, Nelson nhận ra các dây chão dùng để giữ bánh lái đã bị đạn bắn đứt. Ông ta chỉ cho Hardy và ra lệnh cho một chuẩn uý thay dây mới.
 
Sau đó, ông ta rút khăn mùi xoa trong túi đậy lên mặt và huân chương để các thủy thủ không nhận ra và không biết ông ta bị thương. Khi xuống đến gian boong, ông bác sĩ Beatty chạy lại sơ cứu.
- Ồ, Beatty thân mến của tôi. - Nelson nói - Dù anh có giỏi đến đâu cũng không thể làm gì cho tôi. Tôi bị vỡ cột sống rồi.
- Tôi hy vọng vết thương không nặng như đức ông nghĩ - Bác sĩ nói.
Khi ấy, vị mục sư trên tàu Victory lại gần Nelson. Nelson nhận ra ông liền kêu lên bằng giọng tắc nghẹn do đau nhưng còn âm vang:
- Thưa cha, hãy nhắc con đến phu nhân Hamilton, đến Horalia, đến tất cả các bạn của con. Hãy nói với họ là con đã viết di chúc và giao phu nhân Hamilton và con gái Horalia của mình cho đất nước… Hãy nhớ rõ điều con nói vào lúc này và đừng bao giờ quên!
 
Nelson được khiêng lên giường. Khó khăn lắm người ta mới cởi được quần áo của ông ta và quấn lên người tấm vải ga.
Trong lúc người ta làm nhưng công việc trên, ông ta bảo bác sĩ.
- Bác sĩ, tôi thua rồi! Bác sĩ, tôi chết mất!
 
Ông Beatty xem xét cẩn thận vết thương. Ông ta trấn an Nelson rằng mình có thể thông vết thương mà không gây đau đớn lắm. Quả thật khi thăm xong, bác sĩ nhận ra viên đạn đã xuyên vào ngực và dừng lại ở sống lưng.
- Tôi chắc chắn ráng - Nelson nói trong lúc người ta xem vết thương tôi bị xuyên từ bên này sang bên kia.
Ông bác sĩ xem lưng nhưng nó không bị làm sao.
- Ngài lầm rồi thưa đức ông. Những hãy cố nói xem ngài cảm thấy thế nào.
- Tôi cảm thấy như có những đợt máu trào lên mỗi lần tôi thở. Nửa thân dưới như đã chết… Tôi thấy khó thở và dù ông có nói ngược lại tôi vẫn chắc chắn sống lưng đã bị vỡ.
 
Những triệu chứng nói trên cho bác sĩ thấy mười mươi không còn hy vọng nào nữa. Chỉ có điều không ai trên tàu được biết Nelson bị thương nặng trừ bác sĩ, thuyền trưởng Hardy, vị mục sư và hai phụ mổ.
 
Nhưng, mặc mọi dự phòng của Nelson để mọi người không nhận ra thảm hoạ vừa xảy ra, thảm hoạ ấy vẫn được cả tàu Redoutable biết đến.
 
Khi Nelson ngã xuống boong, một giọng mạnh mẽ vang lên từ xà của cột buồm lái và toàn bộ thủy thủ đoàn đều nghe thấy:
- Thuyền trưởng Lucas ơi, tấn công bên mạn thôi! Nelson bị giết rồi.
 

Truyện Hiệp Sĩ Sainte Hermine Giới thiệu Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 Chương 118 Phần II - Claude Schopp Chương 119 Chương 1 Chương 2 Chương Kết