Chương X

Vẫn như mọi ngày Ngọc Cầm buông từng sợi tơ đàn theo tiếng gió… Lá dập dềnh dưới chân thuỷ đình, không thể thoát để lơ lửng ra khơi. Bóng nga chênh chếch sau mái cỏ dẫn lối cho một con thuyền nan nhỏ lướt giữa sóng để rồi khẽ chạm vào gác thuỷ đình.
Thánh thượng vui vẻ bước lên từng bậc tới sát gần nàng nhưng tuyệt nhiên không cất tiếng gọi. Ngũ cung vẫn cứ thay nhau thoát ra một âm điệu trầm, chậm tới run lòng.
- Xin thánh thượng hồi cung!
Ngọc Cầm đột ngột dừng đàn. Thánh thượng không khỏi ngỡ ngàng, ngài lúng túng chưa biết phải hiểu ra sao…
Nàng nhếch mép đứng dậy hất dải lụa vuốt qua bàn tay rồng:
- “Yên khí lăng cung khuyết”! Hay cho câu thơ của thánh thượng!
Thánh thượng vòng tay ngang lưng nàng, nàng bước chân nhanh, nép vào cột đình. Ngài chợt hiểu ra điều giận dỗi của Ngọc Cầm. Thực tình đó chỉ là câu thơ để vịnh cảnh Dương Qúi Phi tự tử ở Mã Ngôi, vậy thì tại sao nàng lại phản ứng thái quá như vậy.
- Ta chỉ vô tình nghĩ rằng Dương Quý Phi là kẻ làm loạn cung Đường thôi… Có gì mà phải giận! Nàng thật dư ý nghĩ…
Ngọc Cầm lơ đãng lướt tay trên những sợi tơ ngân lên sóng vỗ mạn thuyền:
- Thiếp chẳng qua có khác gì thương nữ cần gì biết đến vận nước suy vong, chỉ biết tới khúc “Hậu đình hoa” mà thôi … Thánh thượng là Kiệt Trụ hay Đường Minh Hoàng hay Hồng Đức, thiếp cũng chỉ muốn say theo khúc “Hải du”…
Thánh thượng ôm nàng trong vòng tay, hơi lạnh từ người nàng vẫn toả ra khiến ngài càng xiết chặt hơn.
- Ta hiểu, nhưng chẳng lẽ nàng lại chỉ tầm thường như Bao Tự, Dương Quý Phi ư…
Ngọc Cầm lắc đầu cười. Nàng nghe thấy tiếng những chiếc lá khô vàng đang vươn mình cố bám riết lấy chân thuỷ đình. Nàng nghe thấy cả bóng trăng đang rướn người thoát khỏi mái cỏ, muốn bay vọt lên đỉnh trời cao. Cả kia nữa, tiếng giấc mộng bi thu của chị Ngọc Thư vẫn đang thổn thức trong căn phòng nhỏ trống vắng. Những thứ âm thanh ấy, Bao Tự không nghe được, Dương Qúi Phi không nghe được và… thánh thượng lại càng chẳng bao giờ nghe được.
Thánh thượng kéo tay Ngọc Cầm, nàng thu lại. Đôi mắt nàng vẫn chạy theo ánh vàng dập dềnh trên sóng.
- Thiếp đã từng nói với thánh thượng từ ngày đầu, nếu ngài coi thiếp là một số trong muôn vàn giai nhân được sủng ái thì thiếp…
- Nàng vẫn không hiểu ta sao…- Thánh thượng chợt lớn tiếng- Ta cảm giác mình lãng quên tất cả khi ở bên nàng, tin thắng trận ư, hay tin được mùa làm ta phấn khích! Không! Khi nghe tiếng tì bà của nàng mới là lúc ta có được cái khoái cảm cực độ. Cái kẻ có thể hô phong hoán vũ, có thể thốt nửa lời mà vạn người chết thực ra chẳng bao giờ có thể tiêu diêu, tự tại như mong muốn.
Bóng trăng đè lên ngực thánh thượng tới tức thở. Ngọc Cầm vẫn lạnh như băng. Nàng bắt đầu so dây.
- Nàng đã quên rằng còn có ta ở đây sao?
Điệu nhạc rung rung lung lay bóng nguyệt. Sương mờ kéo từ đâu lại phủ một lớp mỏng lên mặt nước. Bầu trời nén sương xuống mặt nước, mặt nước lại đẩy sương lên. Sương bị mắc giữa một khoảng không gian ngưng đọng. Sương lãng đãng chìm dần trong tiếng nhạc, và những chiếc lá cũng không muốn thoát khỏi chân thuỷ đình để phiêu du trên mặt sóng nữa.
Thánh thượng lặng thinh. Ngài chỉ biết thở dài theo bóng đen của Ngọc Cầm đổ trên sàn gỗ. Đột ngột ngài đứng dậy, bước thật nhanh, toan chạm vào dải yếm đỏ. Nhưng… đôi tay Ngọc Cầm vẫn lướt nhanh trên cung bậc. Ngài đành ngồi xuống bên cạnh và bị mê hoặc bởi năm ngón tay ngà trượt dần theo những sợi tơ…
Tấm yếm đỏ - cổ cao trắng ngần! Khúc thanh tâm – sóng lặng dưói màn sương! Nếu cứ ngồi trong thuỷ đình để nhìn lên trời thì chẳng bao giờ có thể thấy trăng.
Thánh thượng ngoảnh đi chẳng dám nhìn vào dung nhan mơ màng của Ngọc Cầm. Ngài chỉ dám xốn xang theo lớp sóng loang lổ ánh nga. Một bóng ma nào đang múa trước mắt ngài… Bóng ma ẩn hiện trong sương, đong đưa theo nhạc… Nhìn kĩ… nhìn kĩ… hoá ra là Ngọc Cầm.
Ngài choáng váng quay mặt lại. Ngọc Cầm vẫn ngồi đó trong khói sương đọng lại. Vẫn cổ cao trắng ngần, vẫn tấm yếm đỏ, vẫn dải tóc buông xoã như một bóng ma…
 Chú thích: 
7 - Trích bài “Mã Ngôi” của Lê Thánh Tông vịnh Dương Qúi Phi.
8 -  Lấy ý từ câu thơ “Thương nữ bất tri vong quốc hận- Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa” của Đỗ Mục. Có nghĩa là: “Gái làng chơi không biết tới cái hận mất nước- Phía bên sông chỉ biết hát khúc Hậu Đình Hoa.