Chương XXIV

“Ếch giếng sở dĩ không thể nói cho biết chuyện biển là bởi câu nệ về chỗ, sâu hè sở dĩ không thể nói cho biết chuyện băng là bởi khư khư về mùa. Kẻ hẹp hòi sở dĩ không thể nói cho biết chuyện đạo bởi bó buộc về lối dạy. Nay ngươi ra khỏi bờ bến, nhìn xem biển cả mới biết mình là xấu, vậy sẽ có thể nói chuyện cho ngươi về lẽ cả…”
- Đó chẳng phải là lời của Nhược ở biển Bắc nói với Hà Bá đấy ư?
- Chị không bao giờ mơ tới biển, em nói xem có phải chị là kẻ tầm thường…
Ngọc Cầm vọc tay xuống con sóng to. Nước biển xanh thế mà hoá ra trong lòng bàn tay lại trong suốt như gương. Nàng không để ý tới câu hỏi của Ngọc Thư. Nàng còn mải nghịch nước. Càng nghịch nàng càng lấy làm thú vị vì nước biển trông vậy mà cũng chẳng khác nước trong hồ.
- Chị à… Tại sao nước biển mặn mà nước hồ lại nhạt nhẽo thế?
Ngọc Thư tựa vào mạn thuyền, mắt bị hút về phía mặt trời chói chang:
- Em nói thử xem tại sao các nhà sư lại ăn nhạt… Dục vọng của con người lớn như biển ư?
Ngọc Cầm ngạc nhiên nhìn Ngọc Thư. Nàng cười như muốn tan vào gió:
- Chị vốn dĩ thường ngày vẫn tụng kinh niệm Phật, sao lại hằn học với giới qui của Phật môn thế?
Ngọc Thư bẽn lẽn đỏ mặt. Nàng vuốt vuốt giải tóc:
- Có lẽ vì chị chỉ là một con ếch giếng tình cờ một lần được ra biển.
Chợt, một con rùa biển lớn, vân hoa trên mai như được đục khắc bởi một ông thợ cả trồi lên giữa sóng. Nó vẫy vẫy chân tạt ngang qua thuyền của hai nàng. Ngọc Thư khẽ lướt tay trên mai rùa thấy ráp ráp, sần sần. Đoạn, nàng nhíu mày khẽ nói:
- Một con rùa chết đã ba nghìn năm, được người ta đưa đến miếu đường mà khấn  vái. Nó có sung sướng không nhỉ?
- Thế gian vẫn còn nhiều kẻ trói chân trói tay để làm bộ xương rùa trong miếu đường để được thờ tự… Em thà mãi mãi làm một con rùa con… Nếu một ngày người ta nhận ra rằng bộ xương ấy không mang lại tài lộc cho họ, chẳng phải nó sẽ bị quẳng cho chó gặm ư?
Ngọc Thư nhíu mày, nàng sẵng giọng:
- Sao em lại nặng lời thế? Bộ xương ấy bị chó gặm hay không bị chó gặm thì rốt cuộc con rùa cũng đã chết được ba nghìn năm rồi…
Ngọc Thư và Ngọc Cầm lại cười thật sảng khoái.
- Thực ra chị rất tò mò… Cái thú của một kẻ quay tơ dệt lụa, quanh năm cày cấy cũng đáng để ngưỡng mộ lắm…
- Và tất nhiên…- Ngọc Cầm thả dòng nước trong xuống mặt biển xanh thẳm- Con cá trong ao thì chẳg bao giờ được biết tới sóng biển.
Ngọc Thư lấy trong khoang thuyền một cuốn “Nam Hoa kinh” từ tốn ngâm:
- “ Gíông nấm sớm không biết ba mươi, mồng một, ve sầu không biết mùa Xuân mùa Thu. Đó là hạng tuổi nhỏ. Miền Nam nưứoc Sở có giống rùa minh linh, lấy năm trăm năm làm xuân, năm trăm năm làm thu…”
Ngọc Cầm khẽ ho mấy tiếng gián đoạn sự cao hứng của Ngọc Thư:
- Nhưng nếu lỡ ra…  nếu lỡ ra em chết sớm… thì em không biết đến cái thú của tuổi già ư? Em cũng không có nhu cầu biết đến tuổi bảy mươi…
Ngọc Thư vội giơ tay bịt miệng Ngọc Cầm:
- Em nói linh tinh gì thế… Sao lại nói những điềm gở như vậy…
Ngọc Cầm chỉ lắc đầu, nàng mỉm cười đến thần tiên cũng phải xiêu lòng. Trời xanh kia liệu có phải vô cùng chăng?
- Mà có khi em lại nói đúng…- Ngọc Thư thở dài…- Sống mà làm gì đâu! “Cũng như người ta ai chẳng ăn uống, nhưng ăn uống mà biết mùi vị thật chẳng mấy người”.
Ngọc Cầm phá lên cười:
- Chị bắt đầu làm em khó hiểu rồi đấy… Cầm sách Trang Tử mà lại bàn đến Khổng Tử ư?
Ngọc Thư trầm ngâm:
- Ở đời ai cũng khuyên nhau diệt dục để đạt tới sự tự do… Ham muốn tự do cũng là dục vọng. Vậy chẳng phải họ đi từ cái chuồng này để vào một cái chuồng khác sao? Chuồng sắt càng rộng, chúng ta càng xa chấn song…
- Chị có thấy rằng càng giải thích thì càng đặt ra cho mình những câu hỏi khác không… Xin chị đừng lí giải điều gì và đừng đặt ra điều gì nữa… Trời đất vô biên, sao ta không quên ta còn có ở trên đời đi…
Ngọc Thư buông xoã tóc xuống lòng và bắt đầu chải. Cây lược gỗ màu đen xẻ dải tóc của nàng thành những khoảng sáng ma quái.
- Chị em ta là hai người con gái đẹp nhất thế gian… vì thế chúng ta không có cái phúc được hưởng tuổi già và cũng không có hứng thú với cái phúc ấy!
Ngọc Thư ngừng lược sững sờ nhìn em gái. Đôi mắt của Ngọc Cầm lại trôi dạt một phương xa bất tận nào. Đôi mắt ấy không làm người đời thấy sợ hãi mà chỉ thấy âu lo về một dự cảm bất thường.
Một sợi tóc của Ngọc Thư rụng xuống tà áo trắng tinh. Ngọc Thư giật mình. Hai má nàng đỏ bừng.
- Chị đang có gì lo nghĩ à?
Ngọc Thư bối rối. Nàng cúi đầu nhìn từng cơn sóng dập dềnh:
“Nhị bát giai nhân thích tú trì
Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly
Khả liên vô hạn thương xuân ý
Tận tại đình châm bất ngữ thì”
(Cô gái đẹp tuổi đôi tám chầm chậm thêu
Dưới bóng hoa tử kinh, chim hoàng ly nhảy nhót
Đáng yêu là cái ý thương xuân vô hạn
Đọng lại tất cả ở lúc dừng kim không nói năng)
- Thiền sư Huyền Quang còn biết thương xuân vô hạn, em có dám nói rằng thiền sư chưa đắc đạo chăng?
Ngọc Thư ngẩng đầu lên vẫn không thấy Ngọc Cầm bàn thêm câu nào nữa. Đôi mắt mơ màng của nàng sáng bừng lên. Ngọc Thư nhìn về phía Ngọc Cầm đang chăm chú theo dõi.
Một dải những trang giấy dập dềnh trên nước. Ngọc Cầm chèo thuyền vội vàng… Gío thổi mỗi lúc một lớn. Con thuyền gặp gió cản nhưng vẫn rẽ sóng lướt tới.
Ngọc Cầm tự dưng bất động. Nàng như một kẻ bị thu mất hồn. Nàng không để ý tới Ngọc Thư cũng đang thốt lên kinh ngạc:
- Quả là tuyệt tác… Em xem này…Con chim phượng uốn lượn trong trăng như mang theo cả dải ngân hà xuống nhân gian… Giọt sương sớm đọng trên mạn thuyền tựa muốn rơi xuống mà lại muốn níu lại… Cánh hoa đào phủ đầy bức tượng Quan Âm…
Ngọc Cầm bị thoát mất hồn thật rồi! Giờ đây nàng không nghe thấy tiếng sóng biển hay bất kỳ một âm thanh nào nữa. Nàng chỉ nghe thấy tiếng chuông chùa trầm đục chậm rãi trong một đêm mưa xuân… cả tiếng mèo gào thê thiết! Nàng mơ hồ cảm nhận thấy một ngòi bút lông đang mơn man sau gáy, sổ một nét dài lên tấm lưng rồi điểm mấy nét chấm thuỷ đè nặng trên ngực nàng.
Ngọc Thư tiếp tục chèo thuyền chạy dọc theo dấu tranh. Mỗi bức tranh như một bước chân đọng lại trên mặt sóng. Nét vẽ siêu thoát ấy giữa chốn trần gian này chỉ có được khi bám theo gót hài của Ngọc Cầm trong buổi xuân sang. Nàng mặc cho gió thổi tung bay làn tóc mỏng và nhẹ. Bất giác quanh nàng phảng phất mùi tro giấy lẫn vào mùi đất ẩm ướt trong vườn nhà. Vì quá mải mê chèo thuyền, tràng hạt nhỏ đeo ở tay nàng vuột đứt. Hạt gỗ nảy tung trên sàn thuyền, hỗn loạn theo nhịp sóng.
Xa xa giữa ngàn khơi đâu đó có tiếng tụng kinh đều đều, lặng lặng…
Chú thích:
  12 - Trích chương “Thu thuỷ”- “Nam Hoa Kinh” của Trang Tử
  13 - Trích chương “Tiêu dao du”- “Nam Hoa Kinh” của Trang Tử
  14 - Trích sách “Trung dung”