Chương XXV

Ngàn vạn sao đuổi nhau nhảy nhót trên sóng biển. Gío đưa hương rượu xa bay lẫn với vị nồng và mặn.
- Hương rượu sen…
- Phải rồi… hương sen thơm ngát của Tây hồ! Giữa biển trời mênh mông này cuối cùng cũng tìm ra… Em chèo hộ chị một quãng, để chị vấn tóc lên…
Ngọc Thư với chiếc lược chải tóc. Nàng vấn cao tóc lên lộ mảng gáy màu bạch của trăng thu. Nàng bắt đầu nhìn thấy nhấp nhô trên biển một mui thuyền và cũng bắt đầu nghe thấy tiếng cười hào sảng của bậc quân tử. Ngọc Thư vén lại tóc mai, nàng đột nhiên cất tiếng hát văng vẳng mà mơ hồ:
“Lửng lơ vầng quế soi thềm
Hương đưa bát ngát càng thêm bận lòng
Dao vàng bỏ đẫy kim nhung
Biết người quân tử có dùng ta chăng…”
Nàng thả tiếng ngân theo ngọn hải phong. Từ con thuyền xa lạ cũng vang lên tiếng hát trầm trầm:
“Đèn tà thấp thoáng bóng trăng
Ai đem người ngọc thung thăng chốn này…”
Ngọc Cầm bắt đầu đặt tay lên phím dây. Đó là khúc hát dân gian mà thánh thượng vẫn thường hát khi tới chỗ nàng. Nhưng nàng biết đó không phải là thánh thượng.
Ngọc Thư ngẩng đầu thấy vòm trời đính sao như muôn ngàn ngọn nến:
- Liệu mấy kẻ trên đời hiểu được cái thú nương theo gió lốc lên tới chín vạn dặm của con chim bằng?
Sóng biển được yên lòng xô nhau trong phút chốc, từ bên thuyền kia lại sang sảng tiếng ngâm:
- “ Thầy Trang nói: Kìa đàn cá lượn lờ bơi chơi, đàn cá mới sướng chứ!- Thầy Huệ hỏi: Bác không phải cá, sao biết cái sướng của cá?- Thày Trang đáp: Bác không phải tôi, sao biết tôi không biết cái sướng của cá- Thày Huệ nói: Tôi không phải bác, không biết bác đã đành. Nhưng bác không phải cá, bác hẳn là không biết cái sướng của cá.”
- Trên đời này chẳng có ai hiểu được ai ư? Muôn sự vật đều chỉ một mình giữa biển trời rộng lớn ư? Âm và Dương chẳng bao giờ giao hoà, sống và chết luôn luôn xa cách ư?
Ngọc Thư bất giác thở dài. Chiếc thuyền mỗi lúc tiến lại gần. Bên kia lại bật lên tiếng cười thoả chí:
- Cho nên:
“Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ
Sinh vô sinh hậu thuyết vô sinh”
(Thoát kiếp rồi bàn câu tịch diệt
Không sinh hãy nói chuyện siêu sinh)
Hai con thuyền đang đi về phía nhau. Ngọc Cầm ngơ ngác nhìn Ngọc Thư vuốt lại xiêm y, đôi mắt sáng bừng màu lửa.
- “Nếu chia ra mà xét cho rõ thì râu và lông mày có tên khác nhau. Nhưng hợp lại mà xét thì đều là lông của thân thể cả. Kẻ hiếu dị không chịu xét về gốc gác, mà ai nấy chỉ nói đến mình mà thôi, chứ không xét đến cái lẽ phải nương cậy lẫn nhau, rồi hoá ra tàn hại lẫn nhau, thù địch lẫn nhau, thế thì khác nào cắt đứt chi thể ra mà không biết đau.”
Hai chiếc thuyền lúc này đã ghé sát nhau. Trên con thuyền xa lạ kia là một bàn rượu. Ngồi thưởng rượu sen giữa biển khơi có một nhà sư và một chàng thư sinh. Khuôn mặt chàng thư sinh thanh tú, trầm ngâm, sâu lắng như biển cả. Chàng dường như không quan tâm tới cuộc đàm đạo vừa rồi mà chỉ rót rượu liên tục. Ngọc Thư mỉm cười trìu mến. Nàng không lấy làm lạ mà cũng chẳng ngạc nhiên vì đã nhận ra nhà sư cùng nàng chôn tranh hôm Tết ngay từ tiếng hát ban đầu.
- Thật là hân hạnh cho bần tăng được gặp hai vị tiểu thư Ngọc Thư và Ngọc Cầm của Cầm Thư quán…
Ngọc Thư e lệ cúi người đáp lễ, cặp má của nàng phơn phớt hồng:
- Thày là bậc thiền sư thoát tục mà cũng biết tới chị em thiếp ư?
- Từ thuở nhỏ bần tăng đã nghe danh Cầm Thư quán. Đồn rằng ông chủ Cầm Thư quán có muôn vàn sách trong thiên hạ và có ngón đàn tuyệt duyệt làm lòng người bay bổng siêu thoát như được cưõi trên cánh chim bằng.
Ngọc Thư cười gượng, nàng tránh ánh mắt của nhà sư:
- Cha của tiện thiếp đã truyền lại khúc “Hải du” cho Ngọc Cầm…
- Phải!- Chàng thư sinh đột nhiên lên tiếng cắt ngang câu nói của Ngọc Thư- Thuở nhỏ ta từng tới Cầm Thư quán nghe trộm tiên sinh chơi khúc “Hải du”. Ngẫm cho cùng khúc “Quảng Lăng tán” của Kê Khang cũng chỉ tới thế là cùng.
Dứt lời, chàng lại cạn sạch chén rượu. Ngọc Cầm bấy giờ mới so dây. Nàng nhìn thẳng vào những chén rượu cứ liên tục, liên tục được chàng thư sinh uống cạn.
- Kẻ tài tử không uống rượu thô tục. Huống hồ hương sen thanh nhã chẳng thể hít một hơi thật mạnh để mà ngấm say. Điệu đàn hay sao có thể gẩy tai trâu và bắt nó mê đắm được!
Chàng thư sinh dừng chén nhếch mép:
- Chỉ e cô còn nhỏ tuổi, chẳng tấu được hết sự vi diệu trong khúc “Hải du”.
Ngọc Cầm xiết chặt mép áo:
- Dám mong được biết trong hai vị, chẳng hay ai là người vẽ những bức tranh vừa rồi!
Chàng thư sinh nâng chén trước tầm mắt, xoay xoay chiếc chén, không thèm nhìn Ngọc Cầm lấy một cái:
- Phải rồi! Phải rồi! Trang Chu hoá hồ điệp hay hồ điệp hoá Trang Chu, có trời mà biết! Chỉ biết có hồ điệp, có Trang Chu, có trời, có biển, có tranh… Ai vẽ mà chẳng thế…
Ngọc Cầm bấm chặt dây đàn cố kìm cơn giận.
- Xin lỗi hai vị tiểu thư…- Nhà sư khoát tay- Hiền đệ của bần tăng bản tính vốn kiêu bạc, lại đã quá chén, thật là thất lễ!
Ngọc Cầm không đáp. Nàng búng dây đàn nhẹ tênh. Chàng thư sinh đưa mắt nhìn nàng. Chập chờn mờ mờ nhân ảnh của những ảo giác!
Nhà sư nâng chén, tiếp lời:
- Những bức tranh ấy chỉ lộ được thần của sự vật mà không thoát ra được cái thần ấy để đạt tới cực lạc. Chỉ có bức tranh hoạ tiểu thư Ngọc Cầm là tuyệt mĩ.
- Không!- Chàng thư sinh ngắt lời- Bức tranh ấy lại thiếu sự lắng đọng của một giọt lệ thương xuân…
Ngọc Cầm càng bội phần bối rối không thể phân biệt được ai là người vẽ bao bức tranh kỳ mĩ kia… Ngọc Thư gượng cười. Nhà sư chắp tay cúi mình trước thuyền của hai nàng:
- Mọi sự gặp gỡ đều là duyên nghiệp… Biển cả mênh mông tới vậy mà thí chủ và bần tăng còn có duyên hội ngộ thì thật hoang đường nếu chúng ta không cùng thưởng rượu đàm luận về chữ đạo ở đời… Nếu hai tiểu thư không chê, mời tiểu thư sang thuyền chúng tôi…
Ngọc Thư quay lại nhìn Ngọc Cầm. Ngọc Cầm vẫn không rời mắt khỏi những dây đàn đang ánh lên bóng sáng của ngọn đèn.
- Chị vẫn muốn tìm người thông hiểu Phật pháp để cao đàm pháp luận… Chị hãy sang đó đi… Em muốn một mình…
Ngọc Thư thở khẽ, nàng đưa mắt về phía nhà sư. Nàng nhìn thấy những đường gân xanh nổi rõ trên thái dương của nhà sư. Những đường gân xanh ấy giật giật như nhịp đập của trái tim nàng. Nàng gật đầu rồi bước chân sang thuyền.
- Hết rượu rồi!- Chàng thư sinh thốt lên nuối tiếc- Có lẽ phải quay lại đảo lấy rượu.
- Không sao đâu…- Ngọc Thư mỉm cười- Cảnh trời biển đẹp vậy, không rượu cũng đã đủ say…
- Đệ không thích Phật, đệ chỉ thích rượu thôi… Không có rượu thì cảnh đẹp mấy cũng chỉ là một mặt hồ không sóng…
Ngọc Thư nhíu mày, đăm chiêu giây lát:
- Công tử có thể dùng thuyền của chúng tôi để về đảo lấy rượu cũng không muộn…
Chàng thư sinh nhún vai uể oải đứng dậy, chẳng nói chẳng rằng cứ thế xăm xăm bước qua thuyền. Ngọc Cầm vẫn không thèm để ý tới. Nàng mân mê những sợi đàn.
- Nếu nàng không sang thuyền bên, ta buộc phải đưa nàng về đảo đấy!
Ngọc Cầm vuốt lọn tóc rủ xuống:
- Có hề gì… Nếu công tử thật sự say, biết đâu ta lại chẳng biết được ai là người vẽ bức tranh kia?
Chàng đẩy mái chèo. Con thuyền này bắt đầu rời khỏi con thuyền kia. Nhà sư vẫn cứ nhìn theo con thuyền mất hút dần sau nhiều đợt sóng.
- Biển cả bao la phải chăng là cõi mơ còn bờ kia là cõi thực, chỉ có bãi cát chạy dài là ranh giới giữa thực và mơ…
Chú thích:
  15- Trích “Thu thuỷ”- “Nam Hoa Kinh”- Trang Tử
  16 -Thơ của Quảng Nghiêm Thiền Sư
  17 -Lời của Nguyễn Tịch