- 9 -
Mẹ tôi

    
rước Tết Tân Hợi (1971) chừng một tháng, tôi xin được một cái phép ba ngày về thăm mẹ.
Căn nhà của tôi bây giờ chỉ là một nơi hoang tàn, lạnh lẽo. Tôi đi từ nhà trước ra nhà sau, không một bóng người.
Khi tôi đẩy cửa bước vô căn buồng nhỏ nơi mẹ tôi thường nằm thì nghe có mùi gì rất lạ. Căn buồng tối quá, tôi phải mở cánh cửa nhỏ mới nhìn thấy được mọi thứ trong đó. Chiếc giường nhỏ kê sát vách không có ai nằm. Một chiếc gối nhỏ và chiếc mền cũ màu xám tro. Tôi đến bên giường, vừa đặt tay lên gối thì một đám bụi bốc lên. Trên chiếu lờ mờ hiện lên những vật gì màu nâu. Tôi cúi xuống. Các bạn có biết đó là cái gì không? Đó là phân người. Chúng đã khô quắt lại.
Từ ngày tôi bị bắt lính, mẹ tôi đã sống thui thủi một mình trong cái buồng nhỏ này với ngọn đèn dầu hiu hắt từng đêm.
Những người hàng xóm kể lại rằng khi bà đi xuống bếp lục cơm nguội ra ăn, với tay lấy chai nước mắm chan vô chén cơm, hóa ra đó là chai dầu lửa. Bà nhai miếng cơm trộn trạo trong miệng một lúc mới nghe được mùi hôi và ói ra đầy giường.
Xế chiều buồn quá bà ngồi dậy quơ lấy cây gậy tre, từng bước chống đi, dò dẫm đến những nhà quen ở đầu chợ.
Tôi liền chạy ra đầu chợ, thấy mẹ ngồi đó, nhưng bà cũng không nhận ra tôi nữa. Lúc tôi chạy đến ôm bà, bà mới nhận ra hơi hướng của tôi. Bà sờ lên đầu lên mặt tôi và hỏi:
-Con đấy hả?
Thế là bà khóc. Tôi cũng khóc. Buổi chiều đó tôi cõng mẹ từ ngoài chợ về nhà. Những người trong làng đổ xô ra xem, xem anh lính binh nhì cắp cây gậy tre trong nách cõng mẹ đi qua thị trấn.
Hàng xóm chạy đến giúp tôi dọn dẹp nhà cửa.
Lúc đó cha tôi đang ở một nơi khác. Với một gia đình khác. Có lẽ ông không hề biết mẹ tôi đã suy sụp đến như thế. Còn tôi, bây giờ tôi phải làm gì trong tình cảnh này? Ở lại với mẹ cũng không được vì đơn vị sẽ báo cáo đào ngũ, sẽ phát lệnh truy nã. Trở về làm lính cũng không xong vì mẹ tôi sẽ chết. Cõng mẹ vô rừng theo kháng chiến thì đúng là chuyện hoang đường.
Tôi cần một ít thời gian để suy nghĩ.
Buổi chiều hai mẹ con ngồi bên thềm giếng ăn cơm với nhau. Mẹ tôi hỏi:
-Con về ở luôn với mẹ chớ?
-Không mẹ à, ngày mốt con đã phải đi rồi.
-Sao con đi sớm vậy? Con đi đâu?
-Con vào trại lính.
-Người ta nói con đi lính khố đỏ phải không? Tại sao con là ông cử nhơn mà phải đi lính khố đỏ?
-Tại vì nước mình đang chiến tranh, ai cũng phải đi lính cả, mẹ ạ. Người ta bắt buộc như thế.
-Gần Tết rồi, con có về nữa không?
-Về. Con sẽ về ăn Tết với mẹ.
°
Nhưng Tết đó tôi không về được. Chiều ngày hai mươi chín Tết, bọn lính trong đại đội trốn hết, chỉ còn lại mình tôi với ông trung sĩ già. Ông ta chửi thề tùm lum rồi cùng với tôi chia nhau trực gác đêm giao thừa.
Một mình tôi gác năm vọng. Đứng ở vọng này một lúc lại chuyển sang vọng khác. Súng đạn đầy mình.
Ông trung sĩ già thì gác cổng chính, văn phòng và kho đạn.
Gần giao thừa ông thảy cho tôi ít đồ hộp và mấy trái sáng để bắn “mừng xuân mới.”
Nhưng lúc ấy tôi biết mẹ tôi đang thức một mình với ngọn đèn dầu leo lét đợi tôi.
Tôi thảy những lon đồ hộp và trái sáng xuống bờ cỏ ướt, ngóng nhìn lên bầu trời đen sâu thẳm.
Giao thừa đến với hàng ngàn thứ tiếng động ồn ào. Tôi gác khẩu M16 trên lô cốt và ngồi xuống bờ cỏ.
Khi mọi tiếng động đã tắt, khi trời đất yên tĩnh trở lại, tôi nằm ngửa trên cỏ ướt. Những băng đạn dày cộm đè trên ngực tôi. Tôi thấy mình đang mục nát.
Sáng hôm sau, một người bạn cưỡi một chiếc Honda, vượt qua cái giốc đất đỏ, đến chỗ đóng quân của tôi, dừng lại bên rào kẽm gai. Anh ngoắc tôi ra và bảo:
-Ba già mất rồi!
Tôi được cấp cho bảy ngày phép. Bảy ngày đó đủ để tôi về quê chôn cất mẹ tôi, giao nhà lại cho mấy người bà con rồi đi Qui Nhơn. Tôi nhờ người thân phía bên vợ dùng giấy tờ giả để mua vé máy bay vào Sài Gòn.