- 11 -
Người tù vượt ngục
và đứa bé đi lạc trên bờ biển

    
ột hôm nào đó của năm 1974 tôi được tin ông anh vợ là Trần Quốc Thuận vượt ngục trở về rừng. Tôi quyết định vào căn cứ Thành Đoàn ở Long Khánh để thăm anh.
Căn cứ địa ở miền Đông nam bộ không có sông nước, chỉ có vườn cây ăn trái bạt ngàn. Chúng tôi đi dưới bóng cây sầu riêng, chôm chôm, nhãn, mít. Về rừng mà giống như về làng quê.
Tôi ở ngay một căn nhà nhỏ lợp lá trung quân, sát mé rừng.
Thủ trưởng của cái “chốt” này là Nguyễn Đình Mai, anh là người cùng quê với tôi, học đại học khoa học. Sau giải phóng anh làm sĩ quan công an rồi chuyển qua làm sếp một cơ quan gì đó tôi chẳng nhớ tên, nhưng nó lo về kế hoạch đầu tư với nước ngoài. Từ hồi sinh viên anh ta đã ít nói, khắc khổ. Khi làm công an lại càng nghiêm nghị hơn. Tính cách ấy phần nào không hợp với tôi vì tôi càng sống càng thấy đời nhảm nhí, thấy đầy dẫy những trò hề nên hay bông đùa, hay nói tào lao, thấy ai nghiêm túc quá thì mắc cười.
Mai nói:
-Chiều thằng Thuận nó ra.
Chuyện vượt ngục của Thuận tôi có viết thành một loạt phóng sự đăng nhiều kỳ trên báo Tuổi Trẻ hồi năm 77 hay 78 gì đó.
Buổi chiều chúng tôi gặp nhau bên một con suối nhỏ trong rừng. Anh hơi xanh xao, ốm, choàng chiếc khăn rằn quanh cổ. Tôi thông báo với anh những tin tức về gia đình. Anh nói:
-Tự nhiên bây giờ mình muốn có một đứa con lạ lùng.
-Thì anh lập gia đình đi.
Cười. Rồi không nói gì. Trời tối mịt. Chúng tôi trở lại căn nhà nhỏ. Mỗi người một cái võng. Thuận kể lại cuộc vượt ngục của anh. Lợi dụng lúc kẻ địch đưa đi bệnh viện Biên Hòa, anh thay quần áo, leo rào, đi ra phố, nhập vào một toán học sinh mẫu giáo, giả làm phụ huynh đón con, rồi đi thẳng ra cánh đồng, ngược về phía núi Thị Vãi, lạc trên núi mấy ngày mấy đêm đói khát, ăn lá cây để sống. Cuối cùng cũng gặp cách mạng.
Thuận hỏi tôi về em gái của anh. Tôi nói:
-Bà xã đang dạy học ở một xóm chài cách Phan Thiết hai mươi lăm cây số.
Xóm chài ấy có một cái tên rất quê mùa là Mũi Né. Ngày nay đó là một khu du lịch nổi tiếng và rất sang trọng, nhưng thời đó Mũi Né là một xứ lưu đày. Một làng chài xơ xác. Trong làng không có đường mà đi. Chỉ là những lối mòn đầy cát sạn, đi vòng vòng một lúc lại dẫn ra biển.
Bãi cát bẩn thỉu, tanh mùi cá ươn và nước mắm.
Những cơn gió mặn, ẩm, thổi từ ngoài khơi, phần phật trên những mảnh lưới rách, cào xới những mái tranh đen nhẻm, mục nát trước khi lướt qua cồn cát mù mịt biến thành đám sương vàng khè bay phiêu hốt giữa mênh mông cát chập chùng.
Tôi từ chiến khu Long Khánh trở về giữa trưa nắng. Chiếc xe đò lọc cọc từ thị xã Phan Thiết băng qua những gò đống và giốc cao ven biển để xuống ngôi làng chài nhỏ bé.
Tôi theo con đường cát tìm lối vào một căn nhà lụp xụp. Căn nhà trống trơn. Bếp nguội lạnh. Chiếc võng gai rách mắc giữa nhà và trên cái bàn gỗ ở góc tường vẫn còn một ít sách vở và cái đèn dầu nám khói. Giờ này chưa đến giờ học nhưng vợ tôi đi đâu? Và đứa con gái nhỏ của tôi?
Mấy đứa bé thập thò bên cửa sổ:
-Này em. Em có biết cô Khánh không?
-Cô đi nằm nhà thương ở Phan Thiết rồi.
Một ca cấp cứu vì đau ruột thừa trước đó hai ngày. Thế con tôi đâu? Không ai biết. Một ai đó đã đem về nuôi giúp hay nó đã đi lạc?
Lũ trẻ không có câu trả lời.
Tôi chạy đi tìm con giữa những mê lộ đầy cát nóng. Biển chói chang mặt trời mùa Hạ. Trong thứ ánh sáng xốn xang ấy, một đứa bé gái trần truồng, đen đủi, từ gió cát hiện ra. Nó đi lẫm đẫm, xiêu đổ, nhạt nhòa trong nắng lóa. Nó ngơ ngác, hốt hoảng, tìm kiếm vô vọng.
Đó là con tôi.
Tôi chạy ra sân ôm nó vào lòng. Nó bấu lấy tôi. Không khóc, không kêu một tiếng. Nhưng tôi thì khóc, vì tôi vẫn còn nước mắt. Còn con tôi, trong mấy ngày qua, có lẽ đã khóc hết nước mắt rồi. Nó cứ bấu lấy tôi. Im lặng.
Khi tôi đặt nó xuống giường, nó giương mắt nhìn tôi. Một đứa bé 20 tháng tuổi, ngơ ngác không biết tại sao mẹ mình biến mất. Nó trần truồng như một con chó con đơn độc đi tìm mẹ, lẩn quẩn ngoài vòng rào của ngôi trường nhỏ. Rồi lại trở về nhà. Rổi lại lẫm đẫm đi...
-Để ba đi mua bánh cho con.
Tôi chạy ra khỏi nhà, quệt nước mắt bằng ống tay áo. Khi tôi đem ổ bánh mì về thì đứa bé đã ngủ. Nó ngủ ngồi, gục mặt lên cái giỏ xách.
Kỷ niệm đó sẽ theo tôi suốt cuộc đời.
°
Sau giải phóng, bước đường công danh của Trần Quốc Thuận cũng không suôn sẻ lắm. Hình như người ta đã hỏi anh: “Tại sao đồng chí vượt ngục trong khi chờ trao trả tù binh?” Tôi nghĩ rằng người hỏi câu đó chưa từng ở tù nên không biết tâm trạng khát khao tự do của một người bị nhốt giữa bốn bức tường. Còn tôi, tôi hiểu anh, vì tôi đã từng ở tù chế độ cũ đến 3 lần! Ba lần khao khát tự do và cũng là ba lần khẳng định phẩm chất của một trí thức trẻ dám dấn thân vào con đường mình đã chọn, cho dù con đường ấy cuối cùng đã bị xói mòn, lở loét bởi những cơn lũ của lòng tham không đáy.
Có dạo Thuận làm bí thư phường, rồi làm một ông sếp nào đó của tòa án nhân dân thành phố HCM. Và chức vụ cao nhất của anh là Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Lúc ấy vợ anh là Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch.
Vào những năm cuối cùng trước khi về hưu, anh đã có những phát biểu khá táo bạo về mối quan hệ giữa Đảng và quốc hội. Theo anh, vì đảng viên chiếm đa số tuyệt đối trong quốc hội nên kết quả những cuộc bỏ phiếu đều theo ý muốn của Đảng. Hơn nữa, lại có Ban thường vụ Quốc hội là nơi có quyền quyết định mọi thứ, mà cái Ban này lại gồm toàn những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, vì thế có thể nói quốc hội và Đảng là một. Anh chủ trương giải tán Ban thường vụ Quốc hội, tách rời Đảng ra khỏi quốc hội, có như thế thì quốc hội mới có thực quyền.
Anh được nhiều người biết đến và được khen ngợi nhờ những phát biểu đó đã được đăng báo và phát tán rộng rãi trên mạng Internet. Tôi có đọc một số bài của anh. Tôi thấy quan điểm của anh vừa đúng vừa phiến diện.
Đúng, là vì anh dám nói quốc hội chỉ là bù nhìn.
Phiến diện, là vì anh chủ trương tách rời Đảng ra khỏi quốc hội.
Thực ra, trên khắp thế giới người ta lập đảng chính là để vào quốc hội. Ví dụ như ở Mỹ có đảng Dân Chủ, đảng Cộng Hòa, ở Anh có đảng Bảo Thủ, đảng Xã Hội v.v…Các đảng này từ hàng trăm năm nay tranh nhau để vào quốc hội, để chiếm được đa số trong quốc hội. Vậy thì việc đảng Cộng sản VN vào quốc hội là chuyện đương nhiên, chuyện bình thường.
Nhưng điều không bình thường đó là QUỐC HỘI VIỆT NAM CHỈ CÓ MỘT ĐẢNG DUY NHẤT. Vì thế quốc hội biến thành “tài sản” của Đảng, quốc hội biến thành một cơ quan của Đảng cũng giống như tỉnh ủy, thành ủy. Và như thế quốc hội không còn là quốc hội nữa.
Và chúng ta có thể nói rằng nước Việt Nam không có quốc hội, không có ngành lập pháp và trên thực tế cũng không có ngành tư pháp.
Một quốc gia không có ngành lập pháp và tư pháp mà nói đến nhân quyền thì chỉ là lừa bịp. Cũng giống như Mỹ, một quốc gia luôn đi gây chiến tranh để bán vũ khí giết người, để cướp tài nguyên của nước khác, mà nói đến nhân quyền thì chẳng khác nào coi nhân loại là một lũ ngu dốt.
Xem ra, từ một nước cộng sản nghèo nàn lạc hậu đến một nước tư bản cực kỳ văn minh giàu có đều xỏ lá như nhau!
Năm 1980 tôi có dịp ra Hà Nội, nhìn thấy trong khách sạn một cái ly thủy tinh quái đản. Bởi nó đầy bọt khí. Cũng trong những năm ấy, ngành xuất bản của tôi chỉ cho ra đời những cuốn sách giấy đen như cứt chó, nham nhở như giẻ rách. Tuy nhiên những cái ly ấy, những cuốn sách ấy vẫn có người mua vì không còn loại ly nào khác, loại sách nào khác.
Sau thời kỳ đổi mới, đi theo kinh tế cạnh tranh thị trường, cái ly trong khách sạn Hà Nội không còn bọt khí, cuốn sách của các nhà xuất bản được in trên giấy trắng, bìa couchée bốn màu.
Thành quả ấy là nhờ có cạnh tranh thị trường. Muốn tồn tại anh phải có sản phẩm tốt, bằng không, khách hàng sẽ mua sản phẩm của người khác. Tôi nghĩ rằng trong chính trị cũng vậy. Phải có cạnh tranh chính trị thì mới có những sản phẩm chính trị tốt, nếu không, chúng ta chỉ tạo ra được những thứ tương tự như cái ly thủy tinh đầy bọt và những trang sách đen như cứt chó mà thôi!
Đã lâu lắm rồi, tôi có đọc một bài trả lời phỏng vấn của giáo sư tiến sĩ Phan Đình Diệu (nghe đâu là cháu nội cụ Phan Đình Phùng) đăng trên tờ Diễn Đàn Paris số 28 năm 1994. Trong bài báo ấy có lẽ giáo sư sợ bị chụp mũ là “đa đảng, đa nguyên” nên ông đã nói đại khái: nếu ở VN có 2 đảng Cộng sản thì ông sẽ vô đảng thứ hai. Điều đó chứng tỏ ông cũng căm ghét sự độc tài. Bởi vì độc tài còn là cha đẻ của tham nhũng.
Tổ chức Minh Bạch Quốc tế và các tổ chức kinh tế thế giới đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có nạn tham nhũng trầm trọng nhất trên thế giới..
Các lãnh đạo đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam cũng thừa nhận rằng tham nhũng đang là một “quốc nạn”.
Giáo sư Yoshiharu Tsuboi, Đại học Waseda, cho rằng tham nhũng ở Việt Nam không đơn thuần là vấn đề đạo đức, mà là vấn đề cơ cấu trong tổ chức, và để loại bỏ tham nhũng, phải cần sự cải thiện lớn trong cơ cấu tổ chức và tài chính.
Trong một nghiên cứu độc lập khác, giáo sư Carlyle Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, nhận định chống tham nhũng đòi hỏi nhiều cải cách, nhưng đảng Cộng sản Việt Nam sẽ khó lòng thực hiện, vì những cải tổ này lại dính tới vấn đề giảm bớt độc quyền chính trị của Đảng.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương và cũng là một viên chức cấp cao cố vấn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, cho rằng chỉ có 5% của tảng băng tham nhũng lộ ra mà thôi; còn đến 95% vẫn còn chìm khuất.
Đầu năm 2007 Trần Quốc Thuận nói với tôi rằng anh sẽ ra ứng cử đại biểu quốc hội nhiệm kỳ tới. Anh nghĩ rằng với những ấn tượng tốt mà anh đã ghi được trong lòng quần chúng qua những bài phát biểu trên báo, anh sẽ có thể đắc cử. Tuy nhiên người ta đã gạt đơn ứng cử của anh ngay từ trong trứng nước.
°
Trong những ngày đầu giải phóng, người ta chia cách mạng ra thành nhiều loại: Cán bộ A là người ở miền Bắc vô, cán bộ B là người ở rừng về và cán bộ tại chỗ là những người hoạt động nội thành.
Còn tôi, Đào Hiếu, binh nhì quân dịch, số quân: 67/409.806, nhóm máu B, thuộc Đại đội 22 Trinh sát, sư đoàn 22 Bộ binh, quân lực Việt Nam Cộng Hòa…thì là cán bộ gì? Làm sao người ta có thể công nhận tư cách đảng viên của tôi?
Tôi sẽ lướt qua giai đoạn này bởi vì đó là một thời kỳ mà tôi bị mắc kẹt trong cái mớ công việc lỉnh kỉnh, vụn vặt như phong trào kế hoạch nhỏ, phong trào “một cây, một con” phong trào làm sạch đường phố.
Đến gần cuối năm 1976 tôi mới thoát ra khỏi cái mớ bòng bong ấy và cùng với một số anh chị em khác như anh Võ Ngọc An, Nguyễn Minh Lộc, Hoàng Thoại Châu…nâng cấp bản tin Tuổi Trẻ thành một tờ tuần báo. Anh Võ Ngọc An làm tổng biên tập đầu tiên.
Ngay trong những ngày đầu giải phóng tôi đã hiểu ra một sự thật mà trước đây tôi không bao giờ nghĩ tới. Đó là: làm cách mạng cũng là một cái nghề, muốn thành công trong nghề (có nghĩa là sau này làm quan lớn) thì phải có tham vọng chính trị. Muốn thực hiện tham vọng ấy thì phải nổi tiếng. Muốn nổi tiếng thì phải có “thương hiệu”. Trong các phong trào quần chúng đô thị Miền Nam thời đó thì thương hiệu chính là các chức danh “chủ tịch” “tổng thư ký” “nhạc sĩ”…và phải làm cho nổi đình nổi đám được lãnh đạo biết tới thì sau này mới chắc ăn.
Còn những anh bộ đội, những chị du kích, giao liên, những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những kẻ mơ mộng, lãng mạn, triết lý… dở hơi như tôi, như Tám Nhân, như Lữ Phương, như Trần Quang Long… thì cũng chỉ là những chiến sĩ vô danh mà thôi.
Khi đã ngộ ra điều đó tôi thấy lòng thanh thản.
Là một nhà báo tôi đi rất nhiều. Những ngày đầu giải phóng tôi lặn lội vào các bưng biền, vào đồng hoang cỏ cháy, vào rừng sâu nước độc…cùng với anh em thanh niên xung phong… và tôi đã viết cả trăm bài báo. Cũng có lúc tôi đi “vô sản hóa” tại nhà máy Sinco, làm thợ máy (khà! khà! Giống hệt đồng chí Nguyễn Văn Cừ đi vô sản hóa ở mỏ than Quảng Ninh!) Anh em công nhân ở đó dạy cho tôi đứng máy tiện.
Năm 1979 tôi theo đoàn quân giải phóng sang Campuchia.