- 17 -
Những
cộng tác viên của tôi

    
ó một dạo tôi làm trưởng ban Văn xã của báo Tuổi Trẻ. Đó là nơi tôi đã đăng những sáng tác đầu tiên của hầu hết những nhà văn, nhà thơ quen thuộc ngày nay như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Đông Thức, Đoàn Thạch Biền, Lê Thị Kim, Đoàn Vị Thượng…và cả những tác phẩm của các cây bút miền Bắc như Trúc Chi, Bùi Việt Phong, Lệ Bình, Hoàng Đình Quan…
Nhiều người trong số tác giả này cho đến giờ vẫn là bạn thân của tôi, nhưng cũng có những mối quan hệ mờ nhạt dần sau “vụ Nổi Loạn.”
Có kẻ sợ liên lụy. Có người quay mặt đi. Tôi thương hại họ, vì họ cứ tưởng xử sự như vậy là họ được lợi, thực sự họ đang sống và viết như những thằng bồi bút hạng bét với mớ chữ nghĩa vụn vặt, mớ kiến thức lem nhem và với tầm nhìn của một con ếch ngồi đáy giếng.
Dẫu sao tôi cũng cám ơn báo Tuổi Trẻ trong những ngày đầu giải phóng đã “tạo điều kiện” cho tôi lặn lội vào các nông trường, xông pha vào những nơi rừng sâu nước độc cùng với các bạn thanh niên xung phong TPHCM và đi cùng với Mặt trận 479 sang tận Campuchia trong chiến dịch truy quét bọn Pôl Pốt.
Tôi đã trải qua những đêm đốt lửa bên dòng kinh, đã thao thức với bầy sóc bay tuyệt đẹp những đêm trăng huyền thoại trong rừng Đắc Nông, đã hát trên lưng đàn voi băng qua các buôn làng heo hút…đó là những vốn sống quý báu mà tôi vẫn thường dùng trong các tác phẩm của mình.
Tôi đã sống nhiều chế độ, nhiều cảnh đời, đã sống hết những gì mình có thể sống được, đã làm Việt cộng, làm “lính ngụy”, làm tù nhân…đã lặn lội nơi rừng sâu nước độc, bưng biền, đồng khô cỏ cháy, đã lang thang trên mọi nẻo hành tinh …tôi cần gì những bon chen vụn vặt bần tiện của cái xứ sở mà bồi bút nhiều như sâu bọ.
Nhìn lại quá khứ, thấm thía câu nói của Phạm Lãi khi từ bỏ Câu Tiễn đi ở ẩn:
-Khi người ta chung một mối lo thì người ta thương nhau. Khi người ta chung một mối lợi thì người ta hại nhau.
Sau giải phóng, những “mối lợi” ấy nhiều quá nên người ta hại nhau là chuyện thường. Người hại tôi nhiều nhất là ông nhà văn Vô Hạnh mà tôi đã nói trong chương “Trí Thức nằm Vùng” ở phần đầu sách này. Ông là người đâm nhát dao đầu tiên vào cuốn Nổi Loạn, sau đó là gạch đá, cùi chỏ, nắm đấm… Ông ký nhiều bút hiệu khác nhau để la hét, chửi bới, nhảy cỡn lên, đỏ mặt tía tai, sùi bọt mép…Về sau ông làm lành với tôi, một lần gặp tôi ở nhà xuất bản Văn Nghệ, ông chạy đến tay bắt mặt mừng. Tôi tha thứ cho ông. Nhưng tôi nản quá. Cảm giác sau cái bắt tay là sự chán chường, nó giống như mình vừa gặp một điều nhảm nhí, vớ vẩn. Nó giống như tro tàn. Mối quan hệ giữa người và người mà đến như thế thì tội nghiệp cho phẩm giá con người quá.
°
Cũng may tôi đã gặp Kim Lê. Cô sớm nổi tiếng với những bài thơ tình xuất thần, nhất là những bài cô viết về cỏ, về chim sẻ…
Tôi mang ơn cô rất nhiều về những gì mà cô đã dành cho tôi trong những ngày đầu giải phóng. Lúc ấy cả nước không có gạo ăn. Mọi người đều phải ăn bo bo hoặc bột mì. Những chiều cuối tuần Kim Lê thường rủ tôi đi thăm nội. Bà sống một mình trong cái nhà nhỏ ngoại ô thành phố. Bà thường dọn sẵn bữa chiều đợi chúng tôi bên ngọn đèn dầu. Ba người quây quần quanh mâm cơm. Tôi mở nắp vung và ngạc nhiên khi nhìn thấy cơm trắng trong nồi. Đã hơn một năm rồi tôi không nhìn thấy cơm. Và gần như trong đầu tôi đã mất ý niệm về hạt cơm. Nhưng bây giờ, nó chợt hiện ra như trong cổ tích. Nó đẹp như một vòng nguyệt quế trắng tinh và thơm ngát. Tôi cầm chén cơm mà những ngón tay run lên vì tôi đang phải kìm chế sự thèm khát.
-Em không phải ăn bột mì?
-Gia đình em buôn bán nên vẫn thường có gạo.
Một con thằn lằn nhỏ từ trong kẹt cửa bò ra, mon men đến gần bàn chân nhăn nheo của nội. Bà cụ nói:
-Những lúc các con không về, nội chơi với con thằn lằn này. Tôi nghiệp, nó chỉ xin một hạt cơm thôi.
Buổi tối Kim Lê ngủ lại với bà. Tôi đạp xe lóc cóc trở về. Hôm sau Kim Lê hẹn tôi ở Viện Khoa Học nơi cô làm việc. Lê từ trong thang máy bước ra, ôm chiếc cặp da trước ngực.
-Nhắm mắt! Đưa tay ra!
Tôi làm theo. Và Lê đặt trên tay tôi hai gói giấy khá nặng.
-Gì vậy? Tôi hỏi.
Lê cười khúc khích và bỏ chạy. Mất hút trong thang máy. Đó là hai gói quà quý giá nhất thời đó. Gói lớn là gạo, gói nhỏ là đường. Đường! Bạn biết không? Thiếu nó bạn sẽ hóa điên. Vì tôi đã một lần hóa điên như thế. Cơn thèm mọc ra trăm cái mỏ. Mổ trong não. Rỉa lá gan.Tay chân rã rời. Choáng váng. Trong nhà này, cái gì có thể có đường? Không kẹo, không sữa, không trái cây. Thử tìm một chút mật trong hoa?
Tôi chạy ra ban công, ở đó có mấy cái hoa dâm bụt. Mở tung cái hoa ra. Mút cái nhụy. Đắng nghét. Lũ ong đã nhanh chân hơn mình rồi. Suy nghĩ xem còn cái gì nữa? Đúng rồi. Thuốc tây! Có thể mình vẫn còn những viên thuốc bọc đường. Lục tung ngăn tủ. May quá, còn được 5 viên thuốc gì màu đỏ. Bỏ vô miệng. Ngậm. Đắng nghét. Nhổ ra không kịp.
Có những buổi chiều sau giờ làm việc, chúng tôi ngồi bên bờ sông Sài Gòn. Lê đọc những bài thơ mới làm cho tôi nghe. Đó là những tác phẩm xuất thần, tác phẩm để đời của Lê, là những bông hoa đẹp trong văn học Việt Nam.
Chim sẻ như lá cây
Rụng mà không rớt
Bầu trời trước nhà tôi bé đủ nhìn
Cớ gì mà chim kêu rối rít
Cho lòng tôi cũng rối như chim?
(trích HÒA ÂM CHIM SẺ)
Khi mái tóc tôi lần đầu biết bay
Mọi loài cỏ đều biến thành con gái
Trong mối tình tôi lần đầu vụng dại
Có hương vị cỏ gừng
Lần đầu xoe đôi mắt
Gặp cỏ gà rưng rưng
(trích TÔI VÀ CỎ)
Tiếc cho Lê đã bỏ con đường hồn nhiên của mình để dẫn thơ vào một lối khác. Những tập thơ sau này của cô không làm tôi rung động.
Lúc chia tay, tôi ôm Lê dưới một vòm hoa giấy đỏ rực. Lê rúc vào người tôi. Và kêu lên. Em sẽ nhớ anh lắm.
Bây giờ thì những chuyện ấy đã xa vời.
Chúng mình đều đã già rồi phải không Lê?