- 19 -
Lời thú tội của một sát thủ

    
hi còn là sinh viên, tôi đã có dịp tiếp xúc với những tài liệu về nền công nghiệp chế tạo vũ khí của Mỹ, nhưng gần bốn mươi năm sau, khi xem cuốn phim Farhenheit 9.11 của Michael Moore tôi mới thực sự nhìn thấy hiểm họa ghê gớm từ một nền công nghiệp như vậy.
Nền công nghiệp ấy đã từ lâu quyết định chính sách đối ngoại của chính phủ Hoa Kỳ. Đó là một chính sách đạo tặc, ngạo mạn và man rợ. Đường lối đối ngoại của chính phủ Hoa Kỳ mang nhãn hiệu của bọn linh cẩu, bọn báo đốm, sư tử và chó sói.
Chính sách ấy bốc mùi tanh máu cả hành tinh, làm ngầu bọt đỏ những dòng sông, bê bết óc tủy người trên những bức tường đổ, vung vãi thi thể, tứ chi, ruột gan phèo phổi trên đường phố đổ nát, thiêu cháy trẻ thơ trong những làng mạc.
Chính sách ấy làm tanh tưởi những ngọn gió, biến những đồng ruộng thành tro than, làm bốc cháy sa mạc.
Đó là chưa kể những chiến lược lừa đảo kinh tế quy mô toàn cầu được ngụy trang dưới danh nghĩa rất cao đẹp như: viện trợ, đầu tư, phát triển…Có lẽ chúng ta đã quen với những cái tên “đáng kính” như: Cơ quan phát triển quốc tế của Mỹ (USAID), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)…
Trong cuốn LỜI THÚ TỘI CỦA MỘT SÁT THỦ KINH TẾ (Confessions of an Economic Hit Man – tác giả John Perkins, bản dịch tiếng Việt-nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin 2006) chúng ta đọc được ở ngay trong Lời Tựa cuốn sách:
Những sát thủ kinh tế là những chuyên gia được trả lương hậu hĩnh để đi lừa các nước trên thế giới lấy hàng nghìn tỉ đô la.
Họ đổ tiền từ Ngân Hàng Thế Giới, từ Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ, và từ các tổ chức “viện trợ” khác… vào két sắt của các Tập Đoàn khổng lồ và vào túi của những người đang nắm quyền kiểm soát các tài nguyên thiên nhiên của hành tinh này.
Công cụ của họ là các báo cáo tài chính ngụy tạo, những cuộc bầu cử gian lận, các khoản hối lộ, tống tiền, tình dục và giết người.
Họ cũng diễn cái trò cũ của chủ nghĩa đế quốc song đã biến đổi theo những chiều hướng mới, đáng ghê sợ hơn trong thời đại toàn cầu hóa.
Tôi biết những điều này vì tôi đã từng là một EHM (Economic Hit Man – Sát Thủ Kinh Tế.)
Thực tế này một lần nữa lại được John Perkins chứng minh trong tác phẩm của mình bằng bi kịch của nước Êcuađo như sau:
Từ năm 1968 đất nước nhỏ bé này đã dần trở thành nạn nhân điển hình của chế độ Tập Đoàn Trị. Những người cùng thời với tôi và những người đang theo bước chúng tôi, thật sự đã đẩy nó đến bờ vực phá sản. Chúng tôi cho đất nước này vay hàng tỉ đô la để nó có thể thuê các công ty của chúng tôi dựng nên những công trình phục vụ tầng lớp giàu nhất đất nước này. Kết quả là trong vòng ba thập niên, tỉ lệ nghèo đói chính thức tăng từ 50% lên 70%, thất nghiệp tăng từ 15% đến 70%, công nợ tăng từ 240 triệu USD lên 16 tỉ USD và ngân sách dành cho những ngưòi nghèo nhất giảm từ 20% xuống còn 6%. Ngày nay Êcuađo phải dành gần 50% tổng ngân sách quốc gia để trả nợ.(trích Chương 34, trang 285-286)
Mỉa mai thay, cái “tầng lớp giàu nhất đất nước” ấy chẳng những đã không bị coi là kẻ đồng lõa với ngoại bang mà còn được ghi công như những anh hùng vì đã xây dựng nên những công trình to tác, những khu đô thị mới, những khu công nghiệp…
Về các khu công nghiệp, John Perkins đã viết: “Chúng đến…với một mục đích rõ ràng là bóc lột những người dân khốn khổ, những người mà con cái họ bị suy dinh dưỡng trầm trọng, thậm chí đang chết đói, những người đang sống trong những khu nhà ổ chuột và đã mất hết hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ngày nay, bọn chúng không cần phải vào rừng rậm châu Phi để tìm nô lệ mà chỉ cần thuê cái đám dân nghèo đói kia, về làm việc cho các nhà máy sản xuất áo khoác, quần jeans, giày thể thao, phụ tùng ô-tô, linh kiện máy tính và hàng ngàn những thứ khác. Thậm chí chúng chẳng cần làm chủ nhà máy, thay vào đó, chúng thuê một doanh nhân bản địa để làm những công việc bẩn thỉu cho chúng.” (Trích trang 253-254)
Những “công việc bẩn thỉu” ấy chính là sự vắt kiệt sức lao động của công nhân với đồng lương rẻ mạt trong các khu chế xuất hiện nay trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ở trang 24 John Perkins lại viết:
Claudine và tôi ngồi trên ghế sofa cạnh cửa sổ ngắm tuyết rơi trên phố Beacon. Cô ta nói: “Phần lớn công việc của anh là khuyến khích lãnh đạo các nước trên thế giới tham gia vào một mạng lưới vô cùng rộng lớn nhằm phục vụ cho lợi ích thương mại của nước Mỹ. Kết cục là các nhà lãnh đạo này sẽ bị sa lầy vào một mớ nợ nần. Gánh nặng nợ này bảo đảm rằng họ sẽ phải trung thành với nước Mỹ. Chúng ta có thể bòn rút của họ bất cứ khi nào chúng ta muốn, để thỏa mãn những nhu cầu kinh tế, chính trị hoặc quân sự của chúng ta.”
Nếu có nhà lãnh đạo nào không bị mua chuộc để đưa đất nước mình sa lầy vào mạng lưới nợ nần của các sát thủ kinh tế, như tổng thống Roldós của Êcuađo, tổng thống Torrijos của Panama thì lập tức họ bị CIA ám sát. Hai vị tổng thống này bị giết cách nhau chỉ hơn 2 tháng. Máy bay trực thăng của tổng thống Roldós bị nổ tung ngày 24 tháng 5 năm 1981. Ngày 31 tháng 7 cùng năm ấy đến lượt máy bay của tổng thống Panama bị đặt bom. Không một ai sống sót.
Tác giả John Perkins thú nhận: Chúng tôi đã không thể mua chuộc được Roldós và Torrijos, chính vì thế mà một loại sát thủ khác – những tên giết người chuyên nghiệp của CIA, những kẻ luôn đi sau chúng tôi – đã vào cuộc.
Sau vụ thảm sát, John Perkins viết: “Trong mười năm qua, tôi là con cháu của những tên buôn nô lệ đã từng lũ lượt kéo vào rừng sâu châu Phi lùa đàn ông, đàn bà ra những con tàu đang chờ sẵn. Chỉ khác là theo một phương thức hiện đại hơn, tinh vi hơn – bởi tôi chưa từng phải trông thấy xác chết, ngửi thấy mùi thịt thối rữa hay nghe những tiếng kêu ai oán. Nhưng những gì tôi đã làm thì độc ác chẳng kém. Và vì cá nhân tôi không phải trực tiếp dính líu đến những xác chết, mùi thịt người và những tiếng kêu bi thương, nên suy cho cùng, tôi lại chính là kẻ tội đồ xấu xa nhất.” (Trích trang 210)
Cái chết của hai vị Tổng thống kia đã làm lộ ra hai vấn đề lớn:
Thứ nhất: thế lực của các tập đoàn kinh tế, các tổ chức tài chánh quốc tế mạnh đến nỗi chúng có thể giết bất cứ nhà lãnh đạo nào không vâng lời chúng.
Thứ hai: chúng không ưa những chính quyền trong sạch vì thực tế chúng là bọn ruồi nhặng, chúng chỉ có thể sinh sôi nảy nở trong những môi trường bẩn thỉu, tham nhũng, chúng chỉ có thể tung hoành ngang dọc khi có sự đồng lõa của các lãnh đạo bản xứ chịu ngửa tay nhận tiền của chúng.
Ở Việt Nam, khi vụ PMU 18 đổ bể, người ta đọc thấy trên các phương tiện truyền thông: nào là quốc hội Nhật Bản nhóm họp để xem xét việc sử dụng nguồn vốn ODA của Việt Nam, nào là Ngân hàng Thế giới sẽ điều tra về vụPMU 18… trên thực tế đó chỉ là những động tác giả!
Chính bọn họ đang tiếp tay cho tham nhũng trên toàn thế giới!
Trong bối cảnh “toàn cầu hóa” hiện nay, thân phận của các nước nghèo chẳng khác nào một cô gái điếm: vì nghèo, vì không có trình độ nên muốn tồn tại chỉ còn cách bán đi cái “vốn tự có” của mình. Đó là dầu thô, là cao su và những tài nguyên thiên nhiên khác. Chua chát thay nhân dân chỉ được hưởng một phần nhỏ lợi tức do “vốn tự có” mang lại. Phần lợi lớn đều chảy vào túi những mụ tú bà là các tập đoàn kinh tế Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Nhật… và những tên ma cô dắt mối là chính quyền bản xứ.
°
Vậy mà, tôi đã nhiều lần đến nước Mỹ, đã nhìn thấy nó xinh đẹp, lộng lẫy, giàu sang và nhân hậu!
Một con cá voi bị thương, người Mỹ bỏ ra cả triệu đô la đem về chữa trị rồi trả nó về với biển cả. Một con nai mồ côi được đem về nuôi cho lớn khôn rồi thả về rừng.
Nhưng cũng chính người Mỹ đã ném liên tiếp hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản, giết ngay tức khắc hơn 200.000 người. Đó là chưa kể hàng trăm ngàn người khác đã chết sau đó do nhiễm phóng xạ. Số thường dân bị bom đạn Mỹ giết chết trong chiến tranh Việt Nam và Iraq cũng không kể xiết.
Họ xây dựng nhiều thành phố mới đẹp như thiên đường ở Boston, California, Seattle…nhưng họ cũng cày nát Baghdad để chiếm những mỏ dầu, đốt cháy Kabul để làm chủ các đường ống dẫn khí đốt và ném bom trải thảm Việt Nam để tranh giành ảnh hưởng với Trung cộng tại Đông Nam Á.
Họ treo giải thưởng 50 triệu đôla cho cái đầu của Bin Laden, tống vào ngục những phần tử Al-Qaeda, tử hình những kẻ khủng bố, treo cổ Sadam Hussein… nhưng họ lại cộng tác làm ăn hàng trăm tỷ đô la với gia đình Bin Laden. Và huấn luyện, cung cấp tiền bạc vũ khí cho đám khủng bố của trùm Basayev ở Chechnya.
Vậy thì sự thật về nước Mỹ là gì?