Phần III

Máy bay đáp xuống phi trường San Francisco, tôi là người khách đầu tiên bước ra khỏi cabin. Đầu óc tôi lâng lâng, vì tôi đã từ chối bữa ăn thịnh soạn  với dao nĩa bằng bạc và khăn ăn trắng tinh dành riêng cho khách hàng First Class, nhưng đã vẫy tay cho cô tiếp viên xinh đẹp mang champagne lại cho tôi đến vài lần. 
Hành lý của tôi chỉ là chiếc valise nhỏ xách theo nên tôi đi thẳng ra bến taxi. Người tài xế Ấn Độ đỡ chiếc valise và lễ phép hỏi tôi muốn đi đâu, tôi nói như người ngái ngủ:
Fairmont Hotel, please.
Anh ta gật đầu:
Yes, Mme. 
Tôi ngả người thoải mái, mắt nhắm hờ, mặc người tài xế đưa tôi về thành phố của kỷ niệm, nơi tôi và Thân để lại bao dấu chân. Khi cầm cái check 25 ngàn Mỹ Kim trong tay tôi biết ngay là tôi muốn làm gì với số tiền này. Tôi muốn sống lại những giây phút êm đềm với Thân, nhưng người tôi yêu đã ngoài tầm tay, tôi chỉ còn có thể tìm về San Francisco, về Tahoe của thời mê đắm, đi lại những con đường cũ, và sống với kỷ niệm xưa dù chỉ một ngày.
Đường phố đã lên đèn khi tôi rời khách sạn tìm đến tiệm ăn Ý ở góc đường nơi tôi và Thân thường chia nhau miếng Pizza nóng. Ngồi xuống chiếc bàn nhỏ cũ kỹ trong góc tôi gọi một chiếc Pizza và hai ly bia. Người hầu bàn nhìn tôi ngạc nhiên nhưng thấy vẻ im lặng của tôi nên nhún vai, mang đến cho tôi hai ly bia như tôi muốn. Tôi đẩy một ly bia về phía đối điện như thể là Thân đang ngồi đó, nâng cao ly của tôi, mời người yêu không có mặt nhưng tưởng như đâu đó đang thì thầm với tôi những lời tình tứ bên tai. Ở nơi này chúng tôi đã nhiều lần lặng lẽ ngồi nhìn nhau trước khi đưa nhau về căn phòng nhỏ, quấn vào nhau trong đam mê.
Căn studio nhỏ trên lầu hai của toà nhà cổ đó bây giờ không biết ai đang ở. Tôi đứng dưới vỉa hè nhìn lên mắt dưng dưng. Trời về đêm sương đã xuống, Thân ơi bây giờ anh ở đâu, em thèm một vòng tay, một bờ vai và một nét môi hôn. Nước mắt tôi ứa ra, tôi cúi đầu đếm bước trên con giốc Thân đã dìu tôi bao lần. Ngoài kia là vịnh San Francico, xa xa kia là cây cầu Golden Gate, tất cả hình như còn đây, nhưng anh đâu rồi, để mình em nức nở nhớ thương.
Tôi ghé vào bar dưới lobby, gọi một ly Tequila, nốc một hơi cạn, trước khi về phòng vùi đầu vào gối. Tôi thiếp đi mặc nguyên bộ quần áo khi tôi rời New York. Quá nửa đêm thức dạy nước mắt tôi lại chan hoà, tôi nằm đó nghĩ đến cuộc đời buồn tênh, và tôi hỏi thầm có còn con đường nào cho tôi? Mắt tôi căng cứng, mở thao láo nhìn trần nhà, và đầu đau nhức như búa bổ. Tôi vùng dậy, tìm ống thuốc ngủ, lảo đảo đến gần tủ lạnh mở chai nước suối dốc ngược vào miệng cùng với viên thuốc.
 
Khi tôi thức dậy đã gần trưa. Nước nóng từ vòi hoa sen làm tôi tỉnh táo và khoẻ khoắn hơn, nhưng nỗi buồn vì cô đơn thì vẫn như níu kéo. Tôi xuống phòng ăn chọn một thực đơn nhẹ, và nhờ nhân viên khách sạn thuê cho tôi chiếc xe.
Con đường từ San Francisco đi Tahoe là con đường Thân và tôi đã đưa nhau đi lần cuối cùng trước khi chia tay. Tôi đừng lại quán bên đường mà trước đây tôi và Thân đã ngồi với nhau bên bờ suối. Mấy năm rồi nhưng cảnh vẫn như xưa, nuớc mắt tôi lại ứa ra, lặng ngồi bó gối trên tảng đá, nhìn dòng nuớc chảy miên man nghĩ về đời mình. Dòng nước này sẽ ra biển, còn tôi, tôi đi về đâu để thoát được nỗi cô đơn này?
Check in khách sạn, tôi đòi cái phòng mà trước đây Thân và tôi đã ở với nhau một đêm, nhưng phòng đó đã có người. Cô tiếp viên hình như đoán được lý do tình cảm sâu kín của tôi nên lắc đầu ái ngại, hỏi tôi có muốn phòng nhìn xuống hồ. Tôi mỉm cuời thờ ơ nói với cô ta là nếu không có được cái phòng tôi thích thì bất cứ phòng nào khác cũng được, tôi chỉ ở một đêm thôi!
Trời đã tối, nhưng tôi không cảm thấy đói nên cũng chẳng buồn ghé phòng ăn. Dời khách sạn tôi đi thẳng ra bờ hồ, tới chỗ Thân và tôi đứng ôm nhau bên gốc thông ngày xưa. Cuối thu trời chớm lạnh, tôi chéo hai cánh tay ôm vai mình tưởng như Thân đang ôm tôi, an ủi tôi vì nỗi buồn sắp phải xa nhau. Nước mắt tôi lại ứa ra. Hết rồi, tôi không còn gì nữa, không tình yêu, không gia đình, con cái chia lià, cô đơn giữa trời New York lạnh lùng. Tôi khóc nức lên, còn gì cho tôi thiết tha với cuộc sống này không. Tôi lắc đầu, chùi nước mắt, tôi biết tôi phải làm gì với đời mình. Băng sang đường, gần như không để ý tới dòng xe cộ, tôi vào một liquor store mua một chai Tequila, hấp tấp đi về khách sạn, nằm dài trên giuờng, mở chai rượu đưa lên môi. Khi chai rượu đã cạn qua nửa tôi lục ví lôi ra ống thuốc ngủ, đổ hết ra bàn tay. Gần ba mươi viên, tôi bỏ từng viên vào miệng, mỗi viên là một hớp rượu, cho đến viên cuối cùng thì chai rượu cũng gần cạn, rớt xuống sàn nằm chơ vơ.
 
Tôi mê đi, trong cơn mê tôi thấy mình ngột ngạt trong bóng tối nhạt nhoà của căn phòng. Hình bóng của các người thân bỗng nhiên hiện ra rõ ràng, tôi nhìn thấy mẹ, thấy bố, thấy các em và thấy các con tôi. Các con tôi đưa tay ra như muốn ôm lấy tôi, tôi cũng nhấc mình dậy muốn ôm lấy các con nhưng thân xác tôi bất động, tôi hét lên, cố vùng vẫy nhưng chỉ thấy một sức nặng đè trên ngực. Tôi hoảng sợ la hét, gọi tên các con. Trời ơi, tôi thương yêu các con tôi mà, làm sao tôi bỏ chúng cho đành, không tôi không muốn chết nữa, tôi phải sống vì các con tôi, cho các con tôi. Nhưng càng cố gắng nhấc mình dậy bao nhiều tôi càng thấy nặng nề thêm bấy nhiêu, và tôi hầu như tuyệt vọng.
Bỗng dưng tôi nhìn thấy “nó” treo trên tường. Nó là bức tranh ‘Cô Đơn Vy’, nhưng người trong tranh như sống động, đôi mắt long lanh nhìn tôi, hai cánh tay vươn ra, và bước chân lướt trên thảm tiến gần đến đầu giuòng, nắm áo tôi lay mạnh. Tôi ú ớ đưa tay lên, và ‘Cô Đơn Vy’ nắm hai bàn tay tôi kéo mạnh. Tôi bừng tỉnh, ngồi bật dậy, nôn thốc tháo ra giuờng, nhưng cũng đủ thời gian cầm lấy điện thoại bấm số 911, hét vào ống nói “Help me”, trước khi ngã ra bất tỉnh.
 
Khi tỉnh dậy tôi lờ mờ thấy một người đàn ông cúi xuống nhìn tôi. Tôi tưởng là Thân, định gọi tên anh, nhưng rồi tôi thấy chiếc áo khoác mầu trắng nên biết là tôi đang ở trong bệnh viện và người đứng đó là bác sĩ chăm sóc cho tôi chứ không phải người tôi yêu. Ông ta đặt tay lên trán tôi ân cần:
Ms. Nguyen, how do you feel?
Dù còn rất mệt nhưng tôi cũng cố gắng khẽ trả lời:
I’m OK. Thanks.
Ông ta mỉm cười, gật đầu và chậm rãi bước ra khỏi phòng. Mẹ tôi chạy vào như cơn gió, và gục đầu trên ngực tôi:
Con ơi, sao con dại dột thế, con ơi.
Mẹ tôi nức nở, và tôi cũng không nói được nên lời, chỉ khẽ nắm bàn tay mẹ, nhắm mắt mặc cho dòng nuớc mắt chảy dài trên má xanh xao.  Lâu lắm tôi mới thì thầm:
Mom, I’m so sorry.
 
o0o
 
Tôi sánh vai mẹ xem xét khắp căn nhà nằm bên bờ hồ. Mẹ nhìn tôi:
Con thấy thế nào.
Tôi thật sự hài lòng:
Chỗ này đẹp và yên tĩnh quá. Con rất thích dù hơi xa thành phố nơi con làm.
Mẹ tôi cân nhắc:
Một giờ lái xe, kể ra thì khá xa, nhưng ở tỉnh nhỏ dân chúng hiền hoà, trường học tốt, nơi này rất thích nghi cho các con của con.
Tôi nắm tay mẹ:
Cám ơn mẹ đã bằng lòng cho các cháu lên ở với con.
Mẹ tôi thở dài:
Có lẽ mẹ đã sai lầm khi cố tình giữ các cháu tại Texas. Mẹ nghĩ con không trông nom nổi các con của mình, và mẹ vẫn tin là như vậy, nhưng không ngờ …
Mẹ tôi không nói hết câu, nhưng tôi hiểu:
Con biết lỗi rồi. Từ nay con sẽ cố gắng làm người mẹ tốt, sống cho các con của mình. Mẹ nhìn này.
Tôi dở chiếc nón che đầu, đưa mái tóc cắt lởm chởm bằng cây kéo hôm tôi từ California trở lại New York với mẹ tôi đi theo. Sau lần tự tử hụt tôi như tỉnh cơn mê, tôi nghĩ tới các con, và tôi biết mình sẽ phải hành động ra sao để làm lại cuộc đời. Tôi đập nát tất cả các chai rượu trong nhà, vứt vào thùng rác tất cả những gì liên quan tới nếp sống cũ, và lấy kéo cắt phăng mái tóc óng ả của mình như một lời thề dưới con mắt kinh hoàng của mẹ.
Mẹ tôi cười buồn:
Con không cần làm thế.
Tôi mím môi:
Để mẹ tin con, và để con nhắc nhở chính mình.
Mẹ tôi gật đầu:
Nếu con thích căn nhà này thì ký hợp đồng ngay. Mẹ sẽ về Texas đưa các cháu lên đây, và mẹ sẽ ở lại với con vài tháng, giúp con và các cháu ổn định rồi mẹ sẽ trở về Texas với ba con sau.
Tôi ưá nước mắt:
Con cám ơn mẹ. Mẹ nhớ xin lỗi ba dùm con. Con … con …
Mẹ tôi đưa tay vuốt đầu tóc lởm chởm của tôi:
Ba con hiểu và không còn giận con đâu.
Mẹ tôi đưa mắt nhìn ra xa:
Mẹ chỉ còn một nỗi lo, đó là công việc làm của con. Bàn tay con từ ngày đó vẫn chưa trở lại bình thường, vẫn run rẩy như thế làm sao con cầm cọ như công việc của con đòi hỏi.
Tôi dơ cao bàn tay, cười buồn:
Chắc con chẳng bao giờ cầm cọ lại được, hay có cố gắng lắm thì cũng còn lâu mới có thể …
Tôi thở dài nói tiếp:
Con nói chuyện với boss của con rồi. Bà ta sẽ thuyên chuyển con sang department khác. Con sẽ không làm việc như designer nữa mà sẽ là buyer, chuyên lo việc mua bán vật liệu cho công việc thiết kế nội thất.
Mẹ tôi nhìn xa xôi:
Đó không phải là công việc con thích. Con là nghệ sĩ chứ không phải là người buôn bán. Sợ là con …
Tôi ngắt lời mẹ:
Con biết là con cần thích nghi, cần phải phấn đấu, con sẽ làm hết sức, để không phụ lòng mọi người đã giúp đỡ con. Xin mẹ tin con một lần.
Mẹ tin con, làm gì được cho con mẹ cũng không ngại.
Công việc mới đòi hỏi con thỉnh thoảng phải đi xa. Những lúc đó không có ai trông nom các cháu. Con chưa biết tính sao.
Nếu mẹ không có ở đây thì mẹ sẽ nhờ em Quyên con lên trông cháu khi con đi xa.
Không biết em Quyên còn giận con không, vì Quyên không còn được  giữ bé Jane nữa?
Không đâu con. Em Quyên muốn lên với con ngay hôm con về, mẹ phải nói nó hãy chờ.
 
Hai mẹ con tôi ra khỏi căn nhà, chậm chãi bước về phía hồ. Hồ nước chạy dài như một dòng sông nhưng nước trong xanh chứ không đục màu phù sa của sông Hậu gần quê nhà tôi ở Việt-Nam.  Tôi chợt nhớ về tuổi thơ êm đềm lúc tôi còn nhỏ dại, lúc tôi chỉ biết vui đùa trong vườn cây ăn trái nhà ngoại, cho đến lúc bố mẹ tôi mang chúng tôi vượt biên,  khi tôi vừa mười lăm tuổi còn thơ ngây, chưa biết yêu, chưa đau khổ vì tình, cho đến khi đặt chân lên xứ sở này.
Nhìn hồ nước mẹ tôi gật gù:
Mai mốt bố con lên đây thăm con, chắc là sẽ rất thích cái hồ này. Bố con mê câu cá nhưng không có cơ hội.
Nghĩ tới mái đầu bạc trắng của bố lòng tôi chùng xuống. Có lẽ nhiều sợi tóc đổi màu là vì lo nghĩ về tôi.  Nước mắt tôi lại muốn ứa ra:
Mẹ về nói với bố cho con xin lỗi, và mong bố lên chơi với chúng con mùa thu tới. Muà thu ở đây đẹp lắm mẹ. Lá vàng rực rỡ khắp mọi nơi, không nơi nào có muà thu đẹp như vùng này.
Mẹ tôi mỉm cười:
Con gái mẹ vẫn còn vẫn còn nhiều mơ mộng.
Tôi cũng mỉm cười:
Nhưng không biết là con có còn lãng mạn nữa hay không.
Cả hai chúng tôi đều im lặng ngắm nhìn hoàng hôn rọi những tia nắng cuối ngày trên mặt hồ. Tôi thở ra nhè nhẹ nhìn bàn tay gầy, ước gì, vâng ước gì tôi cầm lại được cây cọ lúc này …
 
o0o
 
Một năm sau …
 
Xe ngừng trước cửa nhà nhưng tôi vẫn ngồi yên. Paul mỉm cười, mở cửa xe, đi vòng qua đầu xe, lịch sự mở cửa xe mời tôi ra. Tôi cũng lịch sự mỉm cười và nói lời cám ơn nho nhỏ. Paul theo tôi đến tận cửa, ngần ngừ vòng tay định ôm hôn tôi nhưng tôi nghiêng mình né tránh:
Please, don’t.
Thấy Paul lúng túng đến tội nghiệp tôi chìa tay bắt tay Paul:
Thanks for a nice evening. Good night, Paul.
Paul nhẹ nhàng nắm bàn tay tôi, nghiêng đầu cúi chào, chúc tôi ngủ ngon rồi mới chậm rãi trở ra xe. Tôi đứng đó, đưa tay vẫy chào cho đến khi xe Paul khuất bóng mới mở cửa vào nhà.
Mới hơn 9 giờ tối thứ Bảy cuối tuần, các con tôi đều còn thức coi T.V. trong phòng khách.Tôi ngồi xuống sofa, ôm Jane vào lòng:
Các con chưa ngủ sao?
Jane nghiêng đầu nhìn tôi thủ thì:
I’m waiting for you, Mom. May I stay up a little bit longer.
Tôi xoa đầu con:
OK. Con ngồi với mẹ chút nữa rồi đi ngũ. Đừng thức khua quá.
Yes. Thank you, Mommy.
Tôi cúi xuống hôn lên trán con:
Con ngoan lắm. Mẹ thương.
Jason từ nãy tới giờ vẫn ngồi yên nhìn tôi và Jane chuyện trò, bỗng lên tiếng:
Con đã được vào ‘Honor Roll’, mai đi lễ xong mẹ cho con sang nhà Jimmy chơi games một lát như mẹ hứa nhé.
Tôi nhìn đứa con trai teenager mỉm cười, gật đầu:
Mẹ bằng lòng. Con cũng ngoan lắm, Jason.
Từ ngày các con lên ở với tôi, điều tôi lo lắng nhất là việc học của các con bị xáo trộn. Tôi càng lo hơn khi thấy Jason ít nói hơn xưa, và bài làm được grade C nhiều hơn là A hoặc B. Trước đây khi còn ở với mẹ tôi, Jason và Jane luôn luôn là straight A students, là niềm hãnh diện của tôi. Jane chưa đến 10 tuổi nên mau chóng hội nhập, nhưng Jason hình như nhớ bạn cũ, học hành không được như xưa làm tôi lo ngại, bỏ nhiều thì giờ kèm các con học, và khuyến khích các con bằng những hứa hẹn. Ngày Jason mang bằng khen về nhà tôi đã mừng đến phát khóc, ôm con vỗ về:
Con mẹ giỏi lắm. Christmas này mẹ gửi các con về chơi với ngoại, và con sẽ gặp lại các bạn cũ của con.
Jason đã trả lời như người lớn:
It’s OK, Mom. We chat very often. We don’t want to leave you alone.
Tôi đã quyết tâm làm lại cuộc đời chỉ vì các con tôi, và tôi biết tôi sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng thấy gia đình sum họp, và các con tôi sinh hoạt bình thường là điều tôi vui mừng hơn cả.
Jason bỗng dưng nhìn tôi:
Mom, is Paul your boy friend?
Tôi mỉm cười lắc đầu:
No, ông ta chỉ là bạn.
Jason đăm chiêu:
It’s Ok if you have a boy friend. You are so lonely.
Không mẹ không cô đơn, mẹ có các con. Khi nào các con lớn, vào đại học rồi mẹ sẽ nghĩ tới chuyện của mẹ sau.
Mẹ …
Tôi xua tay, mỉm cười:
Con trai mẹ sao hôm nay ‘người lớn’ vậy.  Mẹ đi ngủ trước đây. Các con cũng đừng thức khua nghe.
Tôi buông Jane đứng lên. Jane cũng đứng lên, cúi nhặt và  đưa cho tôi một phong bì lớn căng phồng:
Here is your stuff.
Tôi mỉm cười đón lấy:
Oh! Sách báo tiếng Việt bà ngoại gửi lên cho mẹ đây mà. Để mẹ mang lên lầu đọc. Good night các con nghe.
 
o0o
 
Nước nóng từ vòi hoa sen làm tôi thoải mái. Thay bộ quần áo mỏng, leo lên giường mở TV nhưng tôi không thể chú tâm theo dõi những hình ảnh nhẩy múa trên màn hình. Tôi đang nghĩ tới Paul, và nhẹ thở dài. Hãng tôi làm việc và hãng của Paul chung một toà nhà cao từng. Ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau trong thang máy lên xuống, và dần dần trở nên quen biết. Paul là Marketing Director nên lúc nào quần áo cũng tươm tất, veston, cà vạt, giầy bóng loáng, sẵn sàng thuyết trình về sản phẩm của công ty cho khách hàng tới thăm. Cao ráo, dắn giỏi, mắt xanh, tóc bồng bềnh, Paul là mẫu người trẻ tuổi đẹp trai, và là đối tượng của  nhiều cô gái làm việc chung nhưng anh vẫn còn độc thân. Khi quen biết khá thân có lần gập nhau trong thang máy tôi hỏi đùa:
Paul, anh có … đồng tính không?
Paul cười, đỏ mặt:
Không. Tại sao cô hỏi vậy?
Tại thấy anh độc thân, và không có bạn gái.
Paul có vẻ ngượng ngùng, đưa tay vuốt mái tóc:
Tôi không thích con gái da trắng, mà chỉ thích người Á Châu, đẹp như cô vậy.
Đến lượt tôi đỏ mặt ngượng ngùng:
Tôi không đẹp,và anh biết là tôi đã có hai con lớn tuổi rồi không.
Tôi biết, và tôi cũng biết là cô đã ly dị.
Tôi nhìn Paul ngạc nhiên:
Sao anh biết?
Paul lúng túng:
Xin lỗi cô vì tôi đã tò mò. Tôi đi ăn trưa với ông Smith, xếp lớn của cô, và đã hỏi ông ta về cô.
Tôi mỉm cười lảng tránh:
À ra thế. Thế ông Smith có nói xấu gì về tôi không?
Oh, không. Ông ấy khen cô chăm chỉ và rất …
Và sao?
Rất dễ thương!
Tôi chỉ mỉm cười im lặng. Cái anh Paul này cũng đâu có hiền, may mà thang máy ngừng cho tôi vào phòng làm việc, sau khi vẫy tay chào Paul. Chúng tôi trở thành bạn và đã đi ăn trưa với nhau nhiều lần. Paul càng ngày càng tỏ ra quyến luyến tôi, và tôi thành thật kể cho Paul nghe quá khứ đau thương của mình. Paul đã nắm tay dịu dàng, và tôi đã để yên:
Oh, Vy. Cô thật là đáng thương. Nhưng cô còn trẻ, và rất đẹp. Cô có thể lập gia đinh với bất cứ người đàn ông nào cô muốn.
Tôi cười buồn:
Không dể dàng như anh tưởng. Tôi có hai đứa con, không ai muốn mang gánh nặng đó.
Paul xua tay phản đối:
Tôi không nghĩ vậy. Có nhiều người, như …
Tôi biết Paul định nói gì nên mỉm cười vỗ nhẹ lên bàn tay anh:
Cám ơn anh đã quan tâm. Nhưng tôi cũng chưa sẵn sàng, và chưa quên được quá khứ của mình.
Thực ra thì tôi cũng đã bắt đâu quên. Tôi không còn nghĩ đến Thân nhiều như xưa. Thỉnh thoảng thôi, nhưng cũng chỉ thoáng qua chứ không còn thiết tha và xót xa như trước đây. Hôm nay là lần đầu tiên tôi bằng lòng đi ăn tối với Paul, và đã cố gắng lảng tránh đôi mắt si tình của anh trong suốt bữa ăn. Tôi biết nếu tôi lập gia đình thì anh có lẽ là người đàn ông đầy đủ điều kiện vì anh trẻ tuổi, đẹp trai, có địa vị và hình như anh yêu tôi thật tình, muốn bao bọc tôi và các con tôi. Tôi chỉ ước gì anh là người Viêt-Nam, để nghe anh gọi tôi là ‘cưng’, là ‘em yêu’ thay vì là ‘dear’, là ‘honey’ vì dù sao tôi vẫn chưa quên được những tiếng nói ngọt ngào của những người đàn ông đã đi qua đời. Tôi lắc đầu, xua đuổi những ý nghĩ về anh, với tay lấy một tờ báo mẹ tôi vừa gửi lên, lơ đãng lật từng tờ.
Tôi giật mình nhìn thấy hình chú Quang. Chú đã già hơn, nhưng ánh mắt và nụ cười ấy vẫn như xưa. Tôi hồi hộp đọc vội bài viết liên quan tới tấm hình. Thì ra chú đang thuyết trình về đề tài “Nền văn học Viêt-Nam tại hải-ngoại” tại hội trường của báo Người Việt tại vùng Orange County, thủ đô của người Viêt tỵ-nạn. Chỉ là bản tin vắn tắt nhưng phóng viên ghi cả địa chỉ email của chú để độc giả có thể liên lạc, tìm hiểu thêm về đề tài.
Tôi thấy tim mình đập nhẹ nhớ lại khoảng thời gian êm đềm của chú và tôi.  Lúc đó tôi vừa 16 tuổi, chú ở gần nhà và là bạn của bố tôi. Chú đã tốt nghiệp đại học nên thường lui tới nhà giúp đỡ tôi bài vở những ngày tôi mới qua Mỹ vì sinh ngữ còn quá kém. Nhưng cái làm tôi quyến luyến chú nhất là chú có một tủ sách Việt-nam khá phong phú mà chú đã thu thập được vì chú qua Mỹ vài năm trước khi chiến tranh chấm rứt. Những cuốn tiều thuyết của Duyên Anh, của Dung Sài Gòn, của Nguyễn Thị Hoàng, của Lệ Hằng …  chất đầy phòng khách nhà chú cho tôi mê man tìm đọc, và say sưa nghe chú phân tích bình luận. Chú còn làm thơ nữa, bài thơ cho tôi cúi mặt nhận môi hôn đầu đời:
 
Đêm đêm mang nỗi nhớ
Thơ ngây đôi mắt huyền
Tóc thơm mùi hoa xứ
Nét môi hồng trinh nguyên
Đó là mối tình đầu trong sáng, dù tuổi chú gần gấp đôi tuổi tôi, nhưng tôi không chỉ yêu chú, tôi yêu cả thơ văn, yêu cả sách vở, yêu ánh mắt nụ cười, và những lời êm dịu dỗ dành lúc tôi buồn vu vơ. Chú cho tôi tâm hồn lãng mạn, và tôi đã nhất định theo chú đến tận cuối cuộc đời năm tôi vừa mười tám tuổi. Nhưng bố mẹ tôi không bằng lòng, nhất là mẹ tôi, bà khóc đòi tự tử nếu tôi nhất định lấy chú. Chú Quang buồn bỏ Texas về California, còn tôi khóc sưng mắt nhưng cũng đành nghe lời bố mẹ, dọn vào nội trú một trường đại học xa nhà. Từ đó tôi thỉnh thoảng có nhớ đến chú, đến mối tình đầu thơ mộng, nhưng không bao giờ gặp lại chú lần nào.
Tôi đưa cao tờ báo để nhìn chú rõ hơn. Gần hai mươi năm rồi còn gì. Tóc chú đã pha mầu và trán đã có những nếp nhăn nhưng chú Quang vẫn còn nguyên dáng vẻ năm nào khi chú và tôi dìu nhau đi trên những con đường vắng gần trường. Ước gì có chú cho tôi dựa đầu, cho tôi mè nheo, hỏi chú những câu vu vơ như thuở nào. Liệng tờ báo, tôi ngồi vào bàn viết, cảm thấy lòng lâng lâng với những kỷ niệm êm đềm, và tôi viết cho chú, người một thời tôi đã yêu thương.
 
“Chú ơi,
Vy nè, chú còn nhớ Vy không? Gần hai mươi năm rồi đó chú. Thỉnh thoảng Vy vẫn nhớ đến chú và ước gì chúng mình đã không chia tay để cho Vy đừng luống tiếc, và ân hận để mất mối tình trong sáng nhưng thiết tha đầu đời. Mong là chú đã tha thứ cho bố mẹ Vy, và đừng oán trách Vy đã quá yếu mềm, không giữ lời hứa ‘theo chú dù cho có phải đi đến góc biển chân trời’. Vy đã khóc nhiều ngày đó. Chú đừng giận Vy nữa nghe.
Chú ơi, không biết từ ngày đó chú đi những đâu, sống như thế nào, đã yêu ai và lập gia đình chưa nhưng Vy thì đúng là bảy nổi ba chìm với vài ba mối tình, và bao nhiêu là chua xót đớn đau. Vy chẳng muốn kể cho chú làm gì. Sợ chú lại viết thành truyện làm người ta chê cười Vy, chỉ muốn cho chú biết là Vy bây giờ ‘tu’ rồi. Vy ‘ở vậy’ nuôi con, ngày ngày chăm chỉ đi làm, không còn có những mơ uớc thần tiên như những ngày bên chú, và cũng không còn  mong mỏi một một người đàn ông âu yếm vuốt tóc Vy, gọi Vy là ‘cưng’, hỏi han Vy những lúc Vy buồn phiền hay đau ốm, lâu lâu đưa Vy đi đến những nơi đầm ấm, uống với Vy một ly vang, ôm Vy nhảy một bản Boston dịu dàng. Những ước mơ ngày cũ không còn, bây giờ Vy chỉ còn các con, và chú biết không, các con Vy rất ngoan, học hành giỏi giang, và rất yêu mẹ. Nếu Vy có bước thêm bước nữa thì người chồng tương lai của Vy sẻ là một anh da trắng mắt xanh, chứ chẳng có người Việt Nam nào muốn đèo bòng một bà sắp già với hai đứa con teenagers đâu. Buồn quá chú nhỉ.
Bố mẹ Vy vẫn ở Texas, còn Vy lưu lạc lên tuốt New York với mùa đông giá buốt làm Vy co quắp sợ hãi, nhưng ở đây cũng có mùa thu rất đẹp, có lá vàng đỏ không gian, có  gió mùa se lạnh như những mùa thu trong những cuốn sách mà chú cho Vy mượn đọc ngày xưa. Dạo này chú còn viết văn và làm thơ không? Từ ngày lên đây Vy ít có sách báo Việt, lâu lâu mẹ và em gửi cho vài cuốn, nên cũng không theo dõi được những sinh hoạt văn hoá và văn nghệ của người Việt mình. Tình cờ thấy hình chú trong tờ báo Người Việt, Vy mừng quá nên viết cho chú vài hàng, chú có ngạc nhiên không hay là đang tự hỏi Vy nào thế nhỉ? Nếu chú không còn nhớ và không trả lời thư này là Vy buồn lắm đó nghe.
Chẳng biết nói gì hơn, Vy mong chú có những ngày vui, thành công trong công việc chú đang làm, và đầy đủ sức khoẻ. Cho Vy gửi lời thăm toàn thể gia đình chú nữa nhé.
 
Vy của một thời xa xưa.”
 
Tôi ấn nút ‘Send’ gửi là thư, tắt máy PC và chậm rãi bước xuống lầu. Các con tôi đã ngủ yên, tôi nhè nhè mở cửa phòng Jane, ngắm nhìn con bé đang ngủ say sưa, nét mặt bình yên và trên môi hình như thoáng một nụ cười. Tôi cúi xuống hôn nhẹ lên trán con, trước khi trở lại phòng. Chiếc cell phone trên bàn rung nhẹ. Tôi cầm lên và biết là có một message vừa gửi cho tôi. Message của Paul với hàng chữ ngắn ngủi “Thinking of you”. Tôi mỉm cuời, ấn nút ‘reply’ và chậm trải đánh vần “Me too”. Message gửi đi rồi, tôi mỉm cười lên giuờng kéo chăn ngang ngực. Tôi biết đêm nay tôi sẽ ngủ ngon, không có gì lo buồn, và chắc là Paul cũng vậy.
 
Trần Quang Thiệu
January 2008

Xem Tiếp: ----