Thầy tôi

Tôi mồ côi cả cha lẫn mẹ, từ nhỏ đã sống lây lất với bà ngoại già nua. Rồi ngoại cũng qua đời, tôi bơ vơ côi cút từ đó.
Để có miếng ăn, tôi đã làm đủ mọi nghề: lượm phế liệu, bán vé số, kể cả… ăn xin, móc túi. Năm mười bốn tuổi, anh hàng xóm thương tình dẫn tôi theo làm phụ hồ. Giã từ những ngày tháng lang thang đầu đường xó chợ, tôi gắn cuộc đời với cát, đá, xi măng. Mới đầu tôi chỉ làm được lặt vặt: Bẻ sắt, xách hồ, chuyền gạch… chủ yếu để có cơm ăn và cuối tuần cũng còn một số tiền nho nhỏ đủ hút thuốc, ăn quà. Tôi khéo tay và chịu khó, đó là nhận xét của mấy anh thợ cả, nên chẳng bao lâu, từ một thằng cu – ly tôi đã được đứng vào dàn thợ chính. Tôi theo hết công trình nọ tới công trình kia, ông thầu này rảnh việc thì chạy sang làm cho ông thầu khác. Nhà cửa bây giờ xưa cũ cũng nhiều, đời sống lại đang lên nên người ta đua nhau xây dựng, cái sau to đẹp hơn cái trước. Từ những đống gạch vụn, trường học, bệnh viện, chợ búa, cơ quan, xí nghiệp ào ào mọc lên. Thợ hồ chúng tôi chẳng mấy khi thiếu việc.
Tôi cùng một vài người độc thân hoặc nhà xa ăn ngủ tại công trình. Ban ngày thì bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, đêm đến thì lai rai nhậu nhẹt, đánh bài, chửi thề nói tục như điên. Tuổi trẻ của tôi ngày từng ngày trôi qua như thế! Nhiều lúc thấy mấy đứa bằng tuổi tôi, gọn gàng trong bộ đồng phục quần xanh áo trắng, tôi cũng chạnh buồn. Hồi ngoại còn sống, dù nghèo khổ nhưng ngoại cũng cho tôi đến lớp. Ngoại bảo, ráng mà học để mai sao thoát khỏi kiếp nghèo. Giờ thì ngoại không còn, ước mơ vươn lên bằng con đường học vấn cũng tiêu tan. Tôi tủi thân và rồi tôi cam phận.
Ngày ngày cực nhọc dưới nắng mưa, tối tối lai rai sát phạt cùng anh em bạn. Một thằng tứ cố vô thân như tôi còn đòi hỏi gì hơn. Thật ra, tôi cũng còn một vài người bà con xa lắc, đôi lúc thèm không khí gia đình tôi có đến thăm, nhưng họ nhìn tôi xét nét quá, cảnh giác quá, tôi buồn và tịt luôn không tới nữa.
Chỗ ở của tôi là những tấm thiếc, tấm tôn dựng tạm ở một góc nào đó giữa công trình ngổn ngang cát đá. Bạn bè hỏi, ê mày, tới lúc không còn sức lao động nữa mày sống ở đâu? Ôi dào, tụi bây khéo lo! Năm nay tao mới mười chín tuổi, từ đây tới già còn khối thời gian. Tao sẽ để dành tiền, với lại biết đâu mai mốt lỡ có “ tiểu thư” con chủ nhà nào đó “ khoái” tao, cưới tao làm chồng… Ha ha, đám bạn cười, tôi cũng cười nhưng mãi mà tiền không dành dụm được một xu. Có khi thua cháy túi, chưa hết tuần đã phải ứng trước lương.
Ông thầu của tôi lại thắng trong cuộc đấu thầu xây dựng trường học. Chúng tôi khăn gói lên đường, hành lý gọn nhẹ trên vai, sức trẻ căng tràn lồng ngực.
Ngôi trường cũ chỉ có hai dãy phòng  mười lớp, nhưng nghe đâu thầy trò giỏi giang lắm, đạt nhiều thành tích, được mấy ông “sếp” tuốt ngoài Hà Nội khen thưởng, nên Tỉnh rót kinh phí xây thêm hai dãy phòng nữa để mở rộng quy mô. Là tôi nghe anh em họ kháo nhau như vậy, chứ tôi chẳng mấy quan tâm.
Làm hoài cũng mệt, lâu lâu chúng tôi được nghỉ một ngày, thường thì tôi theo đứa bạn nào đó về nhà chơi, nhưng hôm nay lại không muốn đi. Tôi nằm lơ mơ nghe chim hót. Tiếng hót sao mà buồn, sao mà đơn độc lạ. Chim gì vậy cà? Trưa rồi sao mày không ngủ, hay mày cũng buồn vì cô độc như tao? Tôi rón rén bước ra sân, ngẩng lên mấy tán cây tìm bóng dáng chú chim vừa buông ra những tiếng kêu khắc khoải…
Bông phượng đỏ rực làm tôi nhức mắt. Tôi nhớ, có một ngày rất xa, khi còn là một thằng bé chân đất đầu trần, quần sờn áo vá, chỉ vì muốn bẻ một cành bông phượng cho đứa con gái tóc hoe vàng nhà bên cạnh mà tôi ngã đến bong gân bàn chân, mấy tuần liền phải đi cà nhắc.
Con bé đó giờ ở đâu ta? Nếu tình cờ gặp lại chắc tôi cũng không nhận ra được, trong ký ức tôi chỉ có mái tóc vàng hoe là rõ rệt. Bất chợt tôi thèm được hái bông cho một người nào đó, nhưng có ai đâu. Nghỉ hè rồi, trường vắng ngắt. Thôi kệ, mình hái cho mình vậy! Tôi trèo lên cây, ngắt một cánh hoa có lốm đốm trắng bỏ vô miệng nhai. Cái hương vị chua chua, ngọt ngọt của thời thơ bé khiến lòng tôi nao nao, thổn thức. Tôi với tay chọn một cành có rất nhiều hoa…
Này chú em, đừng bẻ cây của trường chứ!
Chết cha, này giờ không để ý đến ông thầy giáo già, xui thiệt! Chân vừa chạm đất, chưa biết nói gì thì ông thầy vỗ vai tôi  cười khà khà: “thanh niên trai tráng mà cũng thích hoa lá dữ ha, bữa nay thợ nghỉ sao em không về nhà?”. “ Dạ, nhà con bên kia!” Tôi chỉ tay về phía căn nhà “dã chiến”, chẳng biết thầy hiểu thế nào mà khẽ “ à” một tiếng rồi kéo tay tôi. “Vào đây, em vào đây uống nước với thầy. Nắng nôi vầy đứng ngoài sân dễ bị cảm lắm”. Tôi cười, “nhằm nhò gì, thầy!”.
Tôi ngại ngần bước vào căn phòng nhỏ, nhà ở của gia đình thầy. Lâu lắm rồi, có lẽ đây là lần đầu tiên tôi được làm “ khách”, trừ những lần đi đám tiệc. Tôi bỡ ngỡ ngồi xuống ghế, bỡ ngỡ đưa mắt nhìn quanh. Cái gì cũng lạ lẫm với tôi. “ Quê em ở đâu? Trời, vậy là đồng hương rồi đó nghe! Em biết nhà ông Bảy Cần Câu, ông Tư Be, bà Ba Tiệm…?”. Những câu chuyện của thầy dẫn dắt tôi về cái xóm nhỏ hắt hiu, nơi mà tôi được ấp ủ bởi bao tình thương của ngoại. Sao hôm nay tôi dễ mủi lòng đến vậy, một thằng con trai sức dài vai rộng lại rưng rưng nước mắt thì thật khó coi!. “ Hồi ấy, nhà con ở gần lò rèn ông Chín đó, thầy biết không? Hồi ấy…” Tự dưng tôi kể thầy nghe về ngày ngoại mất; về trận đòn nhừ tử mà tôi nhận được khi móc túi  gã đàn ông râu rìa bán tạp hóa trên chợ xã; về những cơn say bí tỉ ói tới mật xanh; về những lần đau ốm thèm một người ân cần chăm sóc… “ Đừng buồn em, con người ta có mấy ai tránh khỏi bất hạnh, không dạng này thì cũng ở dạng khác. Chủ yếu là bản thân mình có đứng vững trên bất hạnh để bước tới hạnh phúc hay không. À, em học lớp mấy rồi?. “Dạ, lớp năm”. “Sao không học tiế, học bổ túc ban đêm ấy?”. “Công việc đâu ổn định một nơi, nay chỗ này mai chỗ khác, sao mà học, thầy!”. “ Thôi từ nay rảnh sang đây thầy chỉ bảo thêm cho, đừng sa đà vô cờ bạc, rượu chè, phải biết tự lo cho tương lai mình!”. “Tương lai gì đâu gì đâu thầy ơi, nhà cửa không có, thân thích cũng không!”. “Không có thì mình tạo dựng cho có.”
Thầy nói nhiều lắm, cô châm đến mấy bình trà, tôi ngồi nghe không chán.
Khi công trình xây dựng sắp hoàn thành thì tình cảm giữa tôi và gia đình thầy đã trở nên vô cùng khắn khít. Những buổi tôi cùng thầy đánh cờ, đọc báo, những chiếc áo đứt nút sờn vai cô vá lại cho tôi, những bữa cơm gia đình đơn sơ mà đầm ấm. Tôi như cánh chim non lạc lõng giờ tìm được tổ ấm của mình. Không một nghi thức nhìn nhận nào, nhưng tự ở lòng mình tôi yêu quý thầy cô như cha mẹ. Những điều thầy cô dạy bảo tôi có lẽ không nằm trong giáo án, nhưng đó là những bài học thiết thực nhất giúp tôi định hướng được đời mình.
Ngày tôi rời trường để đến với công trình mới, cô đổ bánh xèo làm tiệc chia tay. “ Em cứ xem đây như nhà mình, nhớ thường về chơi, em nhé!”.
Vâng, từ đó tôi đã có một mái nhà để đi về như chúng bạn.
Mấy năm sau, khi đứa con gái đầu lòng của tôi biết bi bô cười nói, mỗi chiều thứ bảy hàng tuần nó thường đòi: “ Ba, cho con về thăm nội!” 
Tôi vẫn tự hỏi mình, nếu không có tiếng chim hót buồn buổi trưa hôm ấy, để tôi được gặp thầy, liệu bây giờ tôi có được hạnh phúc thế này chăng?