Võ hiệp lịch sử tiểu thuyết
Chương 10.

 
10. Ðảng Song Lưu náo loạn trường thi,
An Cực hầu ác ôn đền tội.
Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm đương thời được tiếng là người văn học. Không biết tác phẩm chúa gồm bao nhiêu pho nhưng chắc cũng không có một lý tưởng, một quan niệm nhân sinh mới lạ, ngoài việc khuyên con dân e nép trong khuôn khổ Tống Nho cũ rích, theo lời phê bình của Dương Châu Kinh Luân nữ kiệt, trước khi từ biệt kinh thành về quê chờ ngày « mãn nguyệt khai hoa », đứa con của tình yêu, đứa con đầu lòng …
Chúa Trịnh Sâm đích thân ra đầu bài kỳ thi sắp tới. Lúc này chúa đang say mê ái phi Đặng Thị Huệ. Chúa đã có con trai Trịnh Khải, với Dương phi, nhưng chúa không ưa. Nay ái phi họ Đặng lại sinh con trai đặt tên Trịnh Cán, chúa hết sức vui mừng. Sĩ tử tức thời đoán rằng cái kiêu ngạo của chúa sẽ dẫn chúa đến sự đặt đầu đề liên can đến chuyện sinh cậu quý tử này mà thôi … Ai nấy sửa soạn trong trí óc văn bài, trong Tứ thư Ngũ kinh, tìm tòi những điểm đề cao vị chúa tể của nhân dân.
Bọn Quốc Đức họp nhau bàn định kỳ này sẽ chơi đùa thỏa chí, may ra đánh thức được những người vẫn đang ngủ vùi trong đường ganh đua sĩ hoạn.
Trường thi náo nhiệt từ nửa đêm. Cảnh vệ uy nghi bao vây tứ phía, lều cao chánh chủ khảo cùng giám ban đã đông đủ. Án thư, hương nến sẵn sàng. Năm nay sĩ tử rất đông nên thừa lại bắt đầu gọi tên nhập trường từ giờ Dần. Có thể đến cuối giờ Mão mới gọi xong.
Chen chúc lểu chõng kềnh càng, nhưng hình như phần đông đã quen thuộc trường thi nên cuối giờ Mão thí sinh đã dựng xong dụng cụ … Thừa lại cho loa quay tứ phía hô to nhắc lại luật lệ trường thi, căn dặn thí sinh không được quên danh sách mấy trăm chữ huý kỵ không được dùng trong văn bài … Danh sách này kỳ trước đã dài, nay lại thêm vài chục chữ. Trong số thêm ấy, có tên ông tổ của An Cực Hầu. Người này xuất thân nội thị ở cung Lê, nhưng vì làm gián điệp cho phủ Trĩnh, việc vỡ lở sắp bị trừng phạt thì vội chạy sang Phủ Trịnh, khôn khéo nịnh bợ bên Phủ Trịnh, được phong An Cực Hầu, một chức vụ không rõ rệt. Lại khéo vận động, nên kỳ thi được giữ nhiệm vụ giám quan trật tự trường thi, và lạy lục cho tên ông tổ mình vào danh sách chữ huý.
Quốc Đức và các bạn vào trường thi đều dùng bí danh, Quốc Đức lấy tên Phạm Đình Khinh (nhạo lại tên Phạm Đình Trọng), Phan Hùng Lũy, con trai Phan lão trượng, Nguyễn Vô Thang (để lại tên Nguyễn Hữu Cầu), mà vợ chàng là Vũ Thị Thanh Thủy, một văn tài, nhưng cũng nổi tiếng chua ngoa đanh đá, hóa trang nam tử vào trường, với bí danh Trịnh Lệ Quân (bắt chước Mạnh Lệ Quân). Các bạn khác, tổng cộng hơn chục người, cũng dùng bí danh, sinh trú quán đều tên tưởng tượng. Mọi người có mặt khắp hàng, khắp khu trong trưòng thi.
Theo chương trình bố trí của Quốc Đức, mỗi người nộp quyển có hai phần, nôm và quốc ngữ mẫu tự La tinh. Hẹn nhau giờ nộp quyển, và giờ ra khỏi trường thi.
Đầu giờ Thìn, mũ áo chĩnh tề, quan trường đặt hương án, quỳ đón đầu bài của chúa.
Quả nhiên như tiên đoán, đầu bài của chúa vẻn vẹn tám chữ Hán, nói lên kiêu ngạo đỉnh cao của chúa, nghĩa là: Khí thiêng của núi tụ lại cùng với bể sông chung đúc ra tốt đẹp … Sơn xuyên anh dục, hà hải tú chung.
Cuối Dậu, thí sinh nộp quyển. Đại đa số tán dương chúa như Thái Sơn, ái phi Đặng Thị Huệ như sông cả bể sâu, họp lại sinh ra cậu Cán, xuất chúng siêu nhân, cậu ta sẽ đem nước nhà sang giàu mạnh … còn bọn Quốc Đức thỉ như ước định, người thì châm biếm khôi hài … Riêng quyển Quốc Đức ; bao nhiêu chữ huý chàng đều dùng, kể cả chữ cấm mới của An Cực Hầu.
Không những đã cố tình dùng hết huý lại còn trong phần hai, quốc ngữ mẫu tự Thái Tây, là mắc hai tội phản nghịch. Quốc Đức không muốn quan trường khám phá ngay khi bọn chàng còn hiện diện ở trường thi, nên chàng đã hẹn các bạn nộp quyển cuối cùng. Đồng thời khi Quốc Đức cùng các bạn nộp quyển vừa xong thì tiếng nổ long trời ở góc trường, và hôm sau đó lều chõng không người bốc cháy ngất trời, cuộc nổ cháy, chàng đã tổ chức theo một kỹ thuật mà sau này hiệp khách Song Lưu Giang dùng phá cầu phao của quân Mãn Thanh trên sông Hồng.
Vệ đoàn trật tự của An Cực Hầu hoảng hốt ào về nơi lửa cháy. Quốc Đức cùng các bạn ra khỏi trường thi … trong khi loan truyền hàng phố, học trò cả phá trường thi. Người ta đồn đại thủ phạm vụ này là bọn con nhà giàu nhưng dốt nát, không được phép vào trường bằng lối « minh kinh », « thông minh », nghĩa là đóng tiền mua bằng cấp như thời chúa Trịnh Doanh …
Nhưng rồi hàng phố cũng biết thủ phạm là một thí sinh cố tình công kích chúa Trịnh, vua Lê, lại dùng chữ cấm để làm bài.
Thiên hạ lại đồn có nàng thiếu nữ giả trai vào trường, họa thơ của Chúa một cách chua ngoa mạn thượng. Đấy là chuyện thực vì trong quyển của Trịnh Lệ Quân (Vũ Thị Thanh Thủy) có bài thơ đùa nghịch mà thiên hạ chép lại gửi cho nhau như dây chuyền khắp Đàng Ngoài, mọi người vô cùng thích thú.
An Cực Hầu, với tư cách chỉ huy vệ đoàn trật tự an ninh trường thi, tịch thu hết các quyển phạm tội vào để trình chúa. Trước khi vào điện chúa, hắn biết mình dốt nát, đem hết tất cả các quyển đó vấn kế một viên nội thị khác học hỏi hơn mình, cho nên sẵn sàng « giảng » cho chúa nghe những câu văn phạm tội.
Chúa đang nằm võng hồng điều, trên sập son vàng rồng phục, nghe tin An Cực Hầu xin « bệ kiến », Chúa ngồi dậy ra lệnh cho vào.
Chúa khinh An Cực Hầu, không những đã phản vua Lê, lại còn vô liêm sỉ, khóc lóc dưới chân chúa kể công, xin phong quyền tước, lại « dốt đặc cán mai » mà làm ra thông thái ; vì vậy hắn là trò chơi của Chúa …
Chúa thừa biết hắn vào chầu chuyện gì? nhưng chúa ôn tồn hỏi:
- Cậu vào đây có chuyện gì, (thời Lê, nội thị, gọi là cậu)
Tức thì An Cực Hầu phụ phục khóc rống:
kể cả tổ tiên nhà thần, tổ tiên thần không được an nghỉ suối vàng thì dòng dõi thần còn mặt mũi nào …?-
Chúa không thích tiếng khóc … khóc than làm chúa sốt ruột, kể cả Đặng phi khóc than chúa cũng bực mình. Nhưng lúc này chúa cười thầm khi nội thị nói đến dòng dõi. Chúa lại liên tưởng tới dân Kinh Kỳ thường hay nhạo báng, nói ngọng An Cực Hầu, họ gọi là « An Cộc Hầu » … Chúa càng cười thầm khi hắn ta đề nghị:
- Muôn tâu chúa thượng, để thần bắt hết chúng đem xử để làm gương!-
Chúa: - Được rồi, được rồi, cậu nín đi, ta sẽ cho người bảo vệ dòng dõi cậu. Nếu bắt được, không được bạo động, để ta định liệu, nghe chưa?-
- Dạ dạ tuân lệnh! tuân lệnh! – An Cực Hầu dập đầu xuống thềm hoa hai ba lần rồi tiếp:
- Có con xú phụ giả trai đi thi, nhạo bài thơ của chúa-
Chuyện ấy chúa cũng biết rồi, tai mắt của chúa khắp nơi, nhưng chúa chưa đọc bài thơ phạm tội, chúa làm như không biết.
An Cực Hầu:
- Thần sẽ cố sức lùng bắt con tiện tì này cho bốn ngựa phanh thây, để làm gương răn dạy lũ đàn bà …-
Sự thực thì chính chúa cũng chán ghét các bài văn nịnh nọt bợ đỡ. Chúa đang nghĩ đến hứng thú muốn coi bọn phản nghịch viết gì. Thâm tâm chúa cũng kính trọng các anh tài dù là đối nghịch.
Chúa nói:- Cậu để tất cả các quyển ấy để ta coi. Quyển của tiện tì đưa ta coi trước.-
An Cực Hầu: - Thần đã để sẵn đây-, rồI tiếp luôn như nhà thông thái đệ nhất quốc gia:
- Con tiện tì đã làm ô nhuế những lời phun châu nhã ngọc của chúa thượng …-
Với giọng chua ngoa của bọn nội thị, hắn ngâm bài thơ của chúa:
Tây hồ tức cảnh:
Lọ là dồn hỏi chốn Bồng Doanh,
Này thú này âu cũng có tình.
Đôi đóa nhị hồng tin dáng tía,
Một doành nước biếc ánh trời xanh.
Làu làu các nọ phong rèm nguyệt,
Văng vẳng chiền kia dõi tiếng kình
Lầu trải nắng sương đà mấy tá,
Kim ngưu dấu trước hãy rành rành …
Chúa khó chịu về giọng ngâm, nhưng cố trấn tỉnh. Chúa cười thầm vì chính chúa đã nói bài thơ ấy chúa làm khi đi chơi Tây Hồ với Đặng phi chẳng có gì xuất chúng, nhưng chỉ vì chúa làm ra, cho nên mọi người vội vàng cho là phun châu nhã ngọc … Nay chúa thấy khoái trá có người dám họa lại. Chúa nóng ruột muốn đọc bài họa, cầm quyền, đọc phần nôm, nét chữ mềm mại thực dễ thương, chúa đã có cảm tình. Đọc tên: Trịnh Lệ Quân, thứ nam Trịnh gia phú châu xã.. -
Chúa nghĩ: con bé này mà hay, coi mình như Mạnh Lệ Quân … chúa
bỏ phần văn xuôi, đến bài thơ:
Anh dục tú chung hồ.
Chúa nghĩ: con bé dễ thương, lấy đầu bài của ta làm đầu đề,
Chúa đọc tiếp
Ai về xin nhớ nước doành Doanh
Thuyền tục người tiên giỡn sóng tình
Lan bội đôi hàng che cửa tía,
Ba cây núi dựng khóa trời xanh.
Đường in gót chúa đùa phong nguyệt
Lối giữ chân Phi đợi cá kình.
Sóng biếc trâu này con lặn biệt,
Hồ kia cán ngự lũ ranh giành …
Chúa đọc xong, An Cựu Hầu định phê bình, chúa giơ tay ra hiệu im.
Chúa thầm phục bài thơ thanh tục mập mờ của nữ văn tài. Chúa thầm phân tích những chữ dùng trong bài thơ:
Doanh là tên của thân phụ chúa (chúa Trịnh Doanh), mà chính chía cũng tự do dùng, thì tác giả bài học được phép ; Doanh châu là nơi tiên ở còn « Doành », chúa đã dùng, doành hay dòng cũng được, dòng thì hơn, chúa nghĩ.
Lan bội, nói ngược bội lan là tên chữ của hoa Huệ, tên ái phi của chúa.
Trong câu sau: Ba cây là tam mộc, tên của chúa vì chữ « Sâm » là ba chữ mộc …ba cây chụm lại nên hòn núi cao, chúa khen thầm.
Bảo chúa đùa phong nguyệt mà Phi đợi cá kình (cái chầy kình gõ chuông chùa) ý tục nhưng hình thức chúa xin chịu không có cớ trừng phạt … Lấy Trâu đối với Cán, tên con của chúa và Đặng Thị Huệ thì cũng hơi tức, nhưng cán ngự nghĩa là chống đỡ, Chữ giành của tác giả viết khác, nhưng cùng âm là được rồi.. đề phòng chống đỡ lũ trẻ ranh giành giật kim ngưu trong bài xướng của chúa.
Chúa nhẩm đọc lại hai câu:
Lan bội đôi hàng che cửa tía,
Ba cây núi dựng khóa trời xanh …
Chúa lẩm bẩm: cửa tía là cửa chùa …nhưng chúa bỗng đỏ mặt …vì hai câu đó, chúa gọi nội thị ghé tai chuyền lệnh cho mời Đặng Phi đến ngay với chúa. Chúa lại tiếc thầm: Sao Đặng phi lại không có tài như người này? như cô Trịnh Lệ Quân này.Chúa đột nhiên yếu mến cô Trịnh Lệ Quân, nhưng phép nước chúa ra lệnh An Cực Hầu đi bắt cho được cô nàng, nhưng căn dặn nếu làm tổn thương người ấy thì chúa sẽ chém đầu …Chúa định tâm nếu bắt được, chúa sẽ ra oai đùa chơi, thôi rồi mời nàng vào cung lãnh chức nữ học sĩ …
An Cực Hầu nhận lệnh, lùi lùi cáo từ.
An Cực Hầu vừa khỏi chúa gọi Cao Hùng túc trực ở hậu diện. Cần nói chứa ưa nằm võng đọc hồ sơ mà giờ này không phải phiên chầu, nên chính điện vắng vẻ chỉ có một số cảnh vệ riêng ở cuối điện, không thể nghe rõ những truyền phán của chúa. Cao Hùng là một võ quan cảnh vệ thân tín, dưới chỉ huy trực tiếp của chúa,  mà Quận Huy, Quận Việp … cũng không hề giáp mặt.
Từ điện chầu đến hậu điện, văn phòng của Cao Hùng, có bộ phận chuyển âm bí mật, dù giản dị nhưng rất công hiệu. Đó là một ống đồng đặt dưới sàn gỗ … Người tâm phúc Cao Hùng được quyền nghe hết các việc cơ mật, mà chúa có thể gọi ngay nếu xẩy ra nguy biến.
Cao Hùng đến bên chúa, không có thi lễ phiền phức. Chúa và Cao Hùng có nhiều lần cùng nhau vi hành khắp Kẻ Chợ.
Chúa ghé tai Cao Hùng:
- Tướng quân lập tức cho người theo sau An Cực Hầu bí mật can thiệp, nếu hắn lạm dụng quyền hành. Ta lưu dụng hắn vì tài « đánh hơi » của hắn. Nhung tâm địa phản phúc ấy  chúng ta phải nhất mực đề phòng. Chắc tướng quân cũng đồng ý hắn ta xuất thân nội thị cho nên về tâm lý, về phản ứng không bình thường, vì tiếc hận chuyện đời, dễ thành ác độc …-
Cao Hùng:
- Chúa thượng nói đúng. Chúng ta cần hết sức đề phòng bọn nội giám - Cao Hùng vẫn quen nói chuyện rất tự nhiên với chúa - Hồi nẫy, nghe lời gièm pha của  An Cực Hầu , tôi lại nghĩ tới chuyện Thái tổ nhà Minh, Chu Nguyên Chương, bị nội thị mê hoặc, giết hại công thần chỉ vì, nội thị vu khống « phản nghĩa » những danh từ, những câu văn trong biểu chương …nhưng Cao Hùng này rất mực tin tưởng chúa thượng. Chu Nguyên Chương và chúa thượng khác nhau: Chu Nguyên Chương xuất thân nghèo chữ nghĩa, còn ngài bác học uyên thâm …-
Chúa:
- Thì Đức Thế Tổ nhà Lê của chúng ta cũng thế thôi, người anh hùng áo vải, đuổi được quân Minh ra khỏi bờ cõi … công ơn như núi Thái Sơn ấy, rồi sau cũng tội lỗi đối với công thần Nguyễn Trãi … Nhưng để ngày khác chúng ta đàm luận. Còn hôm nay gấp rút. Đây là ý muốn của tôi: Bọn thanh niên nộp quyển phản đối tiêu cực, trêu chọc châm biếm, đều là anh hùng tài ba, nếu chúng ta thâu dụng được thì tương lai nhiều hy vọng. Kể cả con bé giả trai, mà tôi chắc là một thiếu phụ, không còn thiếu nữ vì lời lẽ bạo dạn, từng trải … Tướng công hãy tổ chức bí mật bảo vệ họ, và đề phòng An Cực Hầu ác độc, tướng quân cứ tự tiện xử trí về An Cực Hầu …-
Cao Hùng đi ra, chúa đọc lại bài thơ « phạm thượng » thì Đặng phi cùng hai thể nữ bước vào.Vừa trông thấy chúa, Đặng Thị Huệ khóc lóc bù lu bù loa:
- Muôn tâu chúa thượng, chúa hãy trừng phạt con tiện tì cả gan mạ nhục « thế tử », lại đe dọa tư thông với giặc Tây Sơn chế ngự « thế tử », Thị Huệ dùng chữ « thế tử », tuy lúc ấy, công khai, thế tử là Trịnh Khải, con chúa sinh với Dương phi Ngọc Hoan …-
Chúa bực tức cau mày, không phải vì tiếng khóc của Đặng phi chúa đã quen tai, mà chỉ vì An Cực Hầu cho Đặng phi biết chuyện …
Hồi nẫy đọc câu thơ: « lan bội đôi hàng che cửa tía » chúa lẩm bẩm chữa: tại sao con bé lại không viết thẳng: Huệ trắng đôi hàng che cửa tía? Cảm văn, hứng tình đột khởi, chúa mới cho gọi Đặng phi … Nhưng bây giờ bực tức, chúa mất hứng, chúa phán:
- Được rồi, được rồi, tôi biết.. Nàng cứ về cung an nghỉ, tôi đã sai đi bắt nó rồi …-
Dứt lời, chúa bỏ võng, xuống sập, chắp tay sau lưng, đi ra hành lang, nhìn vườn Thượng Uyển …Chúa biết trước là bọn nịnh hót sẽ dùng câu thơ cuối của bài để buộc tội
Hồ kia cán ngự lũ ranh giành…
Bọn ấy sẽ nói, Hồ đây không phải là Tây Hồ, mà là họ Hồ, họ cũ của ba anh em tây Sơn … Rồi thì bọn nhà nho hủ học sắp sửa tán rộng, cho là điềm xấu, Tây Sơn sẽ diệt Trịnh sau này …Chúa mỉm cười tự nhủ nếu như vậy thì nhà Trịnh đã mất lòng người từ lâu …
Chúa không nghĩ đến chính trị nữa, chúa nhìn phong cảnh bỗng thấy êm dịu hẳn đi, rồi chúa hình dung tác giả bài thơ trên phong cảnh hữu tình trước mắt …
Đêm ấy, chúa ngồi trước an thư viết rất nhiều, không sang cung Đặng phi như đêm trước. Riêng mình chiếc bóng, chúa đọc hết các quyển  thi tịch thu.
Mà cũng đêm ấy, dân chúng Kinh kỳ sống một đêm kinh hoàng, dưới đe dọa khủng bố của thủ hạ An Cực Hầu. Hắn ta bắt chước tổ chức an ninh chính trị của Hắc Y đạo, vào khoảng ba bốn giờ sáng tung thủ hạ đi các tư gia bắt bớ … Hắn được Hắc Y đạo huấn luyện chăng? điều ấy chưa biết. Nhưng chắc chắn hắn cũng rành khoa tâm lý, hiểu là vào giờ đó, là giấc ngủ an lành nhất của con người, sự áp dụng khủng bố thực là vô cùng hiệu quả: Chống trả rất ít..nạn nhân ít khi có điều kiện tinh thần mưu mô chống đối, mà hàng xóm cũng không kịp bước vào hành động đoàn kết bênh vực.
Cái ác nghiệt chọn giờ ấy bắt bớ, cách đây hai chục năm, Lý Thiết Lực, sau khi được Lâm Nguyệt Ánh cải hóa, đã hủy bỏ, như ngày nay, ở các nước văn minh dân chủ, chính quyền không được đến tư gia bắt bớ tội phạm trước sáu bảy giờ sáng. Thế mà An Cực Hần, bị ảnh hưởng Hắc Y Đạo, lại đem áp dụng, cho nên dân chúng vô cùng lo sợ.
Chuyện lùng bắt đầu tiên xẩy ra ở phường tả Nhất. An Cực Hầu đích thân chỉ huy thủ hạ, xông đến nhà Trần Đức Tuệ, một danh sĩ đương thời, tuy văn chương lỗi lạc, nhưng không hề lều chõng đua tranh, dù tổ tiên nhiều lần khoa bảng. Trần tiên sinh nổi tiếng ở Kinh Kỳ về tài chơi chữ. Có người cho chính Trần tiên sinh là « tác giả » các bài nhạo báng « An Cộc Hầu », cho nên hắn nhân dịp trả thù. Cũng đúng, nhưng đó không phải là cớ chính. Mục đích của hắn là khám phá tịch thu tập thơ châm biếm chính quyền của Trần tiên sinh.
Trần tiên sinh có năm con, ba trai hai gái. Tất cả đều văn chương lỗi lạc. Hai con trai lớn đã lập gia đình, nhưng đều ở xa: một ở Cửa Hàn, một ở Quảng Nam, mỗi người làm một chủ hãng chuyên buôn các thứ quạt do Phường Tả Nhất sản xuất ;
Chính Trần tiên sinh cũng sản xuất quạt, những thứ quạt mỹ thuật cao, đắt tiền, như quạt lụa đề thơ, quạt lụa minh họa, nhất là hai bộ quạt, nổi tiếng, quạt Đường Thi và quạt thơ Việt.
Quạt lụa minh họa của hai cô con gái được vô cùng thưởng thức từ Đàng Ngoài đến Đàng Trong. Hai cô lại sáng tác thứ quạt tử vi, mỗi quạt vẽ một con vật của tuổi, nên rất đắt hàng. Hai cô con Trần gia sinh đôi, năm nay 18 tuổi, Trần Trang Hồng Ngọc và Trần Trang Bích Ngọc, còn cậu út, Trần Trang Dũng. Trang là họ của Trần Phu nhân.
Hồng Ngọc và Bích Ngọc không quốc sắc nhưng mặn mà duyên dáng cử chỉ, lời ăn tiếng nói, nụ cười khoé mắt. Đáng lẽ phải đặt tên là Hồng Duyên, Bích Duyên mới phải. Mà hai cô giống nhau, có khi bố mẹ cũng nhầm. Cô chị thường buộc tóc dải lụa hồng, cô em, lụa xanh để phân biệt. Hai chị em nổi tiếng trong vùng. Người ta thường gọi là Trần gia nhị Ngọc. Có thể nói văn võ toàn tài. Đã theo học Trấn Bắc Trường, đồ đệ của sư mẫu Đào Ngọc Thanh về kiếm thuật. Sở trường song kiếm nhưng lại thêm biệt tài dùng quạt phóng trâm. Chính hai chị em, Trần gia nhị Ngọc đã truyền lại tài này cho Lương Thúy Quyên. Đó là một điều dễ hiểu: quạt phóng trâm chế tạo tại xưởng của Trần tiên sinh theo thiết kế đồ của hiệp sĩ Giang Thiên Cước, bạn thân của sư mẫu Đào Ngọc Thanh mà bạn đọc có thể gặp sau này trong một hồi khác. Còn hiện nay, chúng ta nên chú ý quạt phóng trâm vô cùng lợi hại. Mỗi quạt có thể phóng năm ngọn trâm cùng một lúc hay theo thứ tự. Trâm thứ nhất bay ra, phần nhiều làm địch thủ phản ứng chống đỡ, chưa kịp giải quyết thì trâm thứ hai bay theo, thường trúng đích, nhưng chỉ làm địch thủ bị thương mà thôi. Trâm thứ ba và thứ tư theo nhau, nhưng đó là thứ trâm mình rỗng, dựng một thứ thuốc mê cực mạnh. Địch thủ trúng trâm này chỉ ngã lăn bất tỉnh, không nguy hiểm tính mạng ; còn ngọn trâm thứ năm đựng một thứ thuốc độc rất mạnh, không đau dớn, có khi cũng không biết mình trúng trâm, nếu không có thuốc giải độc ngay, thì sau mươi phút hết phương cứu chữa. Cho nên mỗi quạt còn mũi trâm thứ sáu. Mũi này không phóng ra, nhưng dùng để cứu địch thủ nếu cần, vì trâm này đựng thuốc giải độc.
Trần gia nhị Ngọc lại có biệt tài cung tên. Khi còn ở trường, tuy mười hai hay mười ba tuổi mà trăm bước, 10 mũi tên trúng hồng tâm cả mười, đoạt giải « cung thần thiếu nhi ». Đó là nói về cung tên cổ điển. Nhưng về sau, trở về Kinh Kỳ giúp việc xưởng nhà, nhờ có thợ bạn đại tài, Trần gia nhị Ngọc, dựa vào thiết đồ quạt phóng trâm, chế ra một thứ quạt nỏ cực kỳ lợi hại. Quạt phóng trâm thì gấp được, còn quạt nỏ, là thứ quạt không gấp, cán dài. Cánh quạt hình lá sen, nhưng nếu nhìn kỹ và có óc quan sát mới biết đó là chiếc nỏ đôi, dùng cả hai mặt. Trong cán quạt có hai mũi tên, tự động lên rãnh nỏ mỗi khi có tác động căng dây. Hai mũi tên bay đi có thể thay ngay mũi khác trong một giây …Mũi tên dùng trong quạt nỏ này cũng đặc biệt: đáng lẽ, cánh tên ghép thẳng, thì lại ghép chéo, cho nên khi tên bay ra khỏi nỏ thì quay tròn trong khi tiếp tục xạ đạo, mũi tên kim khí, nên sức xuyên nhập tăng gấp bội.Bản đồ « thần nỏ » này chưa đặt tên, còn giữ bí mât, cũng có thể đó là một cớ để An Cực Hầu tấn công Trần gia trước tiên, tuy Trần gia không có dự vào cuộc thi cử cố tình phạm húy.
An Cực Hầu luôn hành  ác, không do dự. Châm ngôn là kết quả mong muốn, bất kể giá nào cho nên, nhắc lại, hắn đã phản bội cung Lê để sang phủ chúa.
Cũng như đã nói, hắn vốn dòng nội thị nên có thể vì đó mà uất hận, thù hằn cả nhân loại. Chẳng may hắn có biệt tài tổ chức công an, nên chúa miễn cưỡng thu dùng. Nhưng chính chúa cũng muốn nếu có dịp là chúa ra lệnh trừ bỏ con người có tài nguy hiểm ấy. Đó là một hành động chính trị  của chúa, như ngày nay chúng ta thường nói … cho nên chúa cử Cao Hùng đi giám sát mật những hành động của An Cực Hầu.
Trong vụ này, tài bố trí của Bố Y Quái khách, Quốc Đức của chúng ta, có phần sơ hở. Sơ hở vì tuổi trẻ chưa kinh nghiệm về lòng người đã không đề phòng phản trắc từ nội bộ. Con người phản trắc An Cực Hầu đã dùng người phản trắc trong bọn Quốc Đức, cho nên An Cực Hầu mới có danh sách chính danh toàn bọn. Cũng may, Quốc Đức đã ra lệnh cho nội bọn đổi thay địa chỉ ngay khi rời trường thi, mà địa chỉ ngưòi nào chỉ riêng người đó biết, cho nên dù có sự phản trắc, tổ chức của chàng cũng không đến nỗi nguy cơ.
Vì chuyện trường thi, An Cực Hầu đã gây đêm kinh hoàng ở  Kẻ Chợ..
Có thể khi ấy vừa hết mùa nước lên. Mực nước sông Hồng không còn đe doạ kinh thành, nhưng viêm nhiệt chưa tan. Dân chúng vì nóng nực, nên cho tới khỏi nửa đêm, trời lên cơn gió mát, mọi ngưòi mới thiu thiu chợp mắt.
Nhưng đột nhiên, cuối Sửu sang Dần, đuốc lửa rực trời, tiếng hò reo đinh tai nhức óc  lẫn tiếng khóc than thảm khốc. Thì ra An Cực Hầu án binh cảnh vệ khắp các phường quan trọng, ra pháo lệnh tấn công. Vì « trận địa » quá rộng, nên hắn ta phải ủy quyền cho bộ hạ các nơi khác, còn chính hắn ta chỉ huy tấn công Trần gia ở phường Tả Nhất như trên đã nói.
Lẽ dĩ nhiên, dù hắn không chắc đã dung túng, nhưng thủ hạ mượn cớ trả thù riêng cho nên lương dân bị vạ lây, sinh mạng bị thiệt hại khá nhiều, không kể cướp bóc của cải, đốt cháy cửa nhà đến nỗi có ngưòi tưởng lầm quân đội Mãn Thanh đã đột nhập kinh thành.
Chính Cao Hùng cũng bất ngờ, không đủ người tin cậy để giám sát tất cả mọi nơi, vả lại còn phải đích thân bí mật ở bên An Cực Hầu.
Thảo vội tờ trình về phủ chúa (Chúa cho phép Cao Hùng giờ nào cũng có thể đánh thức). Lệnh hỏa tốc của chúa tới Cao Hùng tường trình tạm thời thiệt hại trong dân chúng … Đọc xong tờ trình này, chúa biên vội mật lệnh: Cao hiền đệ (nhiều khi chúa gọi Cao Hùng là hiền đệ) cứ việc thay ta, thuận « mệnh trời », thi hành công lý, áp dụng biện pháp đối với Chỉ huy cảnh vệ An Cực Hầu, biện pháp nhổ nọc độc, như đã định ; ký tên Tĩnh Đô Vương Trịnh Chúa.
Vào cuối Sửu, An Cực Hầu cùng gần trăm cảnh vệ tới phường tả Nhất. Họ không đi đường chính. An Cực Hầu cho gần năm chục người lặng lẽ vây mặt sau nhà Trần Đức Tuệ, nơi có nhiều chuôm ao, không dễ vượt qua. Nhưng đội quân tinh nhuệ do Trương Ngọc Tản chỉ huy, dùng làm mộc, vừa có thể làm thuyền, cho nên họ đã yên lặng chờ đợi hiệu lệnh mặt sau tường.
An Cực Hầu đích thân cùng hai cảnh vệ đến gõ cỗng Trần tiên sinh. Hai gia nhân Trần gia, nhìn qua lỗ cửa, chỉ thấy ba người, không hề lo ngại, nên không báo động. Tuy nhiên họ không mở cửa. An Cực Hầu, đưa qua lỗ cửa, một cánh thiếp đã viết sẵn, nói phụng lệnh chúa, đến hỏi Trần tiên sinh việc cơ mật.
Gia nhân lễ phép nhận thiếp, nói xin chờ, họ mang thiếp vào cho chủ nhân.
Nhận được thiếp, Trần tiên sinh mặc áo quần ra đón « tân khách » … khi Trần tiên sinh cùng gia nhân cầm đèn ra mỏ cổng thì mặt sau, Trương đội trưởng, cùng năm sáu cảnh vệ thân tín đã đột nhập phòng của họ Trần. Theo như kế hoạch đã định, họ bắt luôn Trần phu nhân, trói trật cánh khỉ, mang ra hàng hiên, kề gươm vào cổ phu nhân hét lớn:
- Chúng ta mệnh chúa đến bắt phản tặc, nếu gia nhân, hay Trần tặc khinh động, thì lưỡi gươm này sẽ đưa phu nhân về nơi cực lạc …-
Trần Đức Tuệ quay lại thì đã quá muộn, đành thúc thủ, để cho An Cực Hầu trói tay, mang vào sảnh đường.
Trần tiên sinh ra lệnh cho gia nhân không được khinh động. Trần Trang Dũng, con trai út, đang ngủ say cũng bị bắt, trói bên bố mẹ. Cảnh vệ vào đầy sân. Nhiều gia nhân, kể cả thợ làm quạt đều võ nghệ, nhưng nghe lệnh chủ nhân, đều đứng xa chờ đợI.
Họ đi lùng kiếm hai chị em Hồng Ngọc, Bích Ngọc, nhưng không thấy đâu. Biết hai người võ nghệ xuất chúng, nhưng bố mẹ và em trai ở trong tay mình, chắc hẳn cũng không dám bạo động. An Cực Hầu nghĩ vậy, cho nên hắn bình tĩnh « đăng đường » hỏi cung ba người. Tuy nhiên, không dám vô lễ hay tàn bạo:
- Thiểm chức xin lỗi tiên sinh đã vì việc nước nên bạo động, biết rằng tiên sinh lỗi lạc tài ba, vang danh kinh đô, nhưng tại sao tiên sinh không ra cộng tác, mà lại dung túng con em cố tính phạm húy ở truờng thi?-
- Quan lớn lầm rồi, các con tôi, và những người trong Trần gia này không có ai dự thi – tiên sinh  trả lời.-
Tức thì An Cực Hầu nổi cơn thịnh nộ, đập bàn quát:
- Trần tặc, không được chối cãi, hai con gái ngươi đã giả trai vào trường thi.
Trần phu nhân:
- Quí chức không nên kết tội hàm hồ, hai con gái chúng tôi đi vắng đã hơn tháng nay, đi thăm anh chúng nó ở Hàn Môn …-
Chưa dứt lời, đội trường giỡ vũ phu, tát Trần phu nhân. Phu nhân cười, ngửa mặt nhìn Trương đội trưởng:
- Ta đây không phải là phường tham sinh úy tử, chỉ tiếc nếu chết vì bọn sài lang nhà ngươi mà thôi …Cũng nói cho ngươi biết họ Trần ta có mấy người làm việc trong phủ chúa. Họ sẽ minh oan cho ta, việc gì phải xin van thứ ngươi …-
Không ngờ lời ngạo nghễ của Trần phu nhân cũng hơi hiệu quả. An Cực Hầu ra lệnh cho Trương đội trưởng ra ngoài, rồi hắn cho tùy viên lục khám khắp nhà, chủ tâm kiếm tập thơ phạm thượng và thiết đồ chê tạo « nỏ thần ».
Lục soát hồi lâu vô hiệu quả, họ không thấy quạt phóng trâm và quạt nỏ thần (những thứ này chế tạo còn ít, đều được cất giữ kín đáo, một nơi bí mật), họ tịch thu những quạt Đường Thi và chia nhau quạt tử vi.
An Cực Hầu ra lệnh lui quân, giao ba « tội nhân » cho Trương Ngọc Tản giải đi đồng thời ghé tai hắn dặn dò kế hoạch.
Quý vị độc giả chắc hẳn đặt câu hỏi về Trần gia nhị Ngọc. Hai người này đang ở đâu? trong khi gia đình lâm nguy?
Vì chuyện này chẳng ngờ nên không ai đề phòng cẩn thận. Tuy nhiên, hai chị em đã thoát ra vườn, mang theo võ khí phi thân lên mái nhà, và từ đó chuyển qua cành cao, nhìn thẳng xuống sảnh đường. Lá cây um tùm, nên nấp vô cùng kín đáo. Khi Trương Ngọc Tản tát phu nhân, hai chị em đã định ra tay, dùng quạt nỏ sát hại Ngọc Tản, thì nghe nói nhỏ đằng sau:
- Nguy hiểm, nguy hiểm cho song đường và bào đệ, xin đừng bạo động, xin nói ngay, tôi sẽ giúp nhị vị cô nương giải quyết việc này.-
Nhị Ngọc quay lại. Người ấy, võ phục toàn đen, nghiêng mình cúi chào, để ngón tay lên môi, ra hiệu nói khẽ:
- Tôi không thể nói tính danh, nhưng xin nhị vị cô nương hãy tin tôi mới có thể cứu được quý song đường và quý bào đệ. lát nữa, nhị vị cô nương phải theo sát tên đội trưởng có nhiệm vụ giải tù nhân. Theo tôi phỏng đoán, chỉ huy Cảnh vệ An Cực Hầu là người ác nghiệt. Hắn sẽ ra lệnh thủ tiêu tù nhân trong khi đi đường, và hắn sẽ cho lệnh đốt nhà …!-
- Về việc đốt nhà, không quan trọng, theo tôi quan sát gia nhân Trần gia đủ sức chống đối. Hai cô nương cần từ giờ phút này theo sát song đường, bào đệ và tên đội trưởng, còn tôi có cách xử trí về An Cực Hầu …-
Quả nhiên, An Cực Hầu dẫn phần chính quân binh đi trước. Trương Ngọc Tản cùng ông bà họ Trần cùng con trai bị hai tiểu đội vây bọc, đi sau.
Khi bọn này đến một ngã tư vắng vẻ, hắn ra lệnh trói ba người vào hàng rào xương rồng. Hắn nói chờ bọn cảnh vệ, một mình ở đây, còn bao nhiêu cảnh vệ đều phải trở lại Trần gia đốt phá.Chờ bọn quân binh đi khỏi, Trương Ngọc Tản rút gươm …Gươm vừa ra khỏi võ thì hai mũi trâm, một trúng cổ, một trúng gần tim, Ngọc Tản ngã gục xuống đường. Hai mũi trâm ấy đều đứng hàng thứ năm trong quạt phóng trâm của Trần gia nhị Ngọc. Hai chị em nhảy xuống đường cởi trói cho bố mẹ và em trai. Còn vài phút, có thể dùng trâm giải độc cứu Ngọc tản. Chưa kịp tiến tới Ngọc Tản thì có tiếng reo hò chạy đuổi ầm ĩ bên đường. Thì ra gia nhân họ Trần đang đẩy lùi cảnh vệ ác ôn. Nhị Ngọc đành bỏ mặc Ngọc Tản, dẫn song đường và bào đệ đến nơi an toàn. Vì vậy, Ngọc Tản không bao giờ tỉnh lại nữa.. thôi thì đó cũng là trời định, dĩ oán báo oán …
Trở lại việc Cao Hùng bí mật đuổi theo An Cực Hầu, vì Cao Hùng biết rằng cần phải theo dõi hắn cho tới khi gặp người phản trắc, chưa biết là ai, thì có thể lấy được danh sách chính thực của bọn đả phá trường thi …
Từ lúc bỏ phường tả Nhất, An Cực Hầu va binh đoàn cảnh vệ, vòng qua phía đông hồ Thủy Quân, rồi thẳng tiến phía Bắc.Khi tới đầu phường hàng Giấy thì có mật hiệu, rồi đích thân, một mình đến tận nơi có đèn. Một người trong bóng tối bước ra cúi chào và dưa cho hắn một tờ giấy.
Thì ra bây giờ mới hiểu quỷ kế: An Cực Hầu tung thủ hạ khắp nơi, nhân tiện trả thù ân oán, cướp bóc, chỉ là kế tranh đông kích tây. Từ giờ phút này trở đi mới là cuộc lùng bắt những thí sinh phạm tội!
An Cực Hầu thuộc bọn văn chương « có hạn », nên tức ghét kẻ học hỏi nhiều. Hắn định tâm nếu bắt được những người có tên trong danh sách sẽ đem thủ tiêu ngay, để trừ hậu họa « phiến loạn » sau này. Sẽ chỉ giữ toàn vẹn Vũ Thị Thanh Thủy-Trịnh Lệ Quân, vì đó là lệnh của chúa. Mà lệnh của chúa không thấy nói đến các người khác, như vậy hắn toàn quyền định đoạt ….
Cao Hùng biết vậy, đang trù tính ra tay, thì bỗng hiện ra một tốp ky binh khoảng ba chục có dẫn theo năm sáu ngựa yên cương sẵn sàng, chờ lệnh trước An Cực Hầu. Hắn cùng thủ hạ lên mình ngựa, rồi cả bọn hướng bắc, thẳng phi. Chuyện bất ngờ ấy làm Cao Hùng lúng túng. Chàng mật hiệu cho bốn võ sĩ theo sau đàng xa. Cao Hùng biết rằng dùng thuật phi hành cũng không kịp ngựa, cho nên chàng và một tuỳ tùng cũng lên ngựa rượt theo. Ba võ sĩ còn lại tại chỗ, được lệnh đi giám sát mật bọn cảnh vệ bộ binh đi lùng bắt mấy người không quan trọng.
Vì mất nhiều thì giờ, nên bọn Cao Hùng khi đến nơi thì đã quá muộn. Một dinh cơ ở Ngọc Hà đang bốc cháy ngất trời, dân chúng không ai dám đến cứu hỏa. Giữa sân hai phụ nữ bị giết. Bọn ky binh đã cùng An Cực Hầu đi nơi khác.
Thì ra An Cực Hầu, không đến Chiêu Vân Các vì thanh thế Đặng gia, mà đến thẳng tư gia vợ chồng Phan Hùng Lũy mà hắn cho là quan trọng không kém Quốc Đức.
Tới nơi, hai vợ chồng Phan Hùng Lũy đi vắng. An Cực Hầu tức giận trút lên đầu gia nhân. Không bắt được Vũ Thị Thanh Thủy thì biết làm sao trở về Trịnh Phủ? Hắn trói hai nam gia nhân vào cột nhà tra tấn. Hai người này khai không biết vợ chồng chủ nhân đi đâu, hắn càng tức giận. Cũng may, con gái của Hùng Lũy, Thanh thủy được người vú em giấu ở phòng bí mật, góc vườn rất xa nhà. Khi vú em và một thị nữ cố tình hy sinh, dùng kế dụ hổ xa chuồng dê, lúc chạy qua sân thì bị giết chết.
Cao Hùng đến muộn, nhìn thấy tội ác của An Cực Hầu, nhất định từ giờ phút này phải ra tay.
Quốc Đức ở Chiêu Vân Các được tin biến vào khoảng giờ Dần. Chàng lên ngựa cùng năm gia nhân tinh nhuệ, sau khi treo cao lên cổng tấm bảng do chính tay chúa viết và đóng dấu, cấm không ai được đột nhập Chiêu Vân Các, vì chúa và Đặng Thị Huệ thường mượn nơi này mỗi khi vui chơi Tây Hồ, nên mới cấp tấm bảng ấy.Quốc Đức cùng gia nhân phi ngựa tới Ngọc Hà thì bi thảm hiện ra trước mắt. Gia cư Hùng Lũy còn đang cháy ngất trời. Cột nhà thành than, kể cả hai xác gia nhân cháy thui, ngoài sân, thi hài của vú em nuôi Vi Vi và nữ tì mới khoảng mười sáu, mười bảy tuổi. Chàng tìm kiếm khắp nơi không thấy dấu vết hai vợ chồng bạn và cháu gái. 
Trở về Kẻ Chợ, chưa hết giờ Tị, dân chúng bàn tán xôn xao những tin đêm qua: Đều là những tin đồn đại, họ không có điều kiện phân biệt thực hư.
Đồn rằng đêm qua, học trò thi trượt nổi loạn, cướp bóc giết hại dân lành.Đồn rằng chúa cử cảnh vệ đẹp loạn, bắt được nhiều tội phạm, nay mai đem ra pháp trường.Đồn rằng chúa mở kho bồi thường cho những người mà gia cư bị phiến loạn đốt cháy …
Tuyệt nhiên không thấy ai nói đến việc lùng bắt thí sinh phạm húy cố tình.
Quốc Đức về Chiêu Vân Các, không thấy dấu vết đập phá. Gia nhân ra đón, trình  quân cảnh vệ có đến sáng sớm, đọc bảng chúa viết, bàn tán hồi lâu rồi bỏ đi.
Đến giờ Ngọ, gia nhân về báo, dân chúng đổ ra hồ Thủy Quân, coi cảnh vệ vớt xác An Cực Hầu bị phiến loạn ám sát đêm qua.
Tin này làm Quốc Đức phân vân. Còng đang phân vân suy tính thì người nhà mời chàng ra đón tiếp thân phụ, ông Đặng Quang Anh. Ông cho biết trên đường từ phủ Băng Châu về Kinh Đô, được tin chiều nay có lệnh triệu vào yết kiến chúa Trịnh.