Võ hiệp lịch sử tiểu thuyết
Chương 11.

 
11. QuangAnh và ván cờ với Chúa,
Lựa lời khuyên đổi luật truyền ngôi.
Quý độc giả nên nhớ: vào chầu chúa Trịnh không phải lúc nào cũng được. Nhưng đối với ông Đặng Quang Anh thì có thể cấp tốc gặp mặt chúa. Chúa cấp cho Quang Anh một hỏa bài quá quan, bút tự của chúa, ấn tín, hỏa bài có lệnh cho quan chức và binh sĩ mọi cấp, mọi loại đều phải bảo vệ, giúp đỡ người mang hỏa bài, đến gặp chúa bất cứ lúc nào.
Chúa biết Quang Anh và chúa, nhiều khi chính kiến bất đồng nhưng, cá tính hiên ngang, thẳng thắn của Quang Anh làm chúa rất tín cẫn … Chúa thường phàn nàn với Quang Anh về những thất bại cải tổ hành chính, chính trị, thế lực chống đối quá mạnh của bọn « quân phiệt » đương thời, nghĩa là của bọn quận công tướng lĩnh.
Nhưng ngoài các việc chính trị, quân sự khô khan, đối thoại giữa chúa và Quang Anh vô cùng kỳ thú.
Quang Anh được chúa tiếp vào cuối Dậu. Lần này chúa cố ý muốn giữ Quang Anh dự tiệc tối, nói cho đúng dự buổi cơm tối thân mật chỉ có chúa và ông ta. Chúa cho người báo trước Quang Anh khi còn ở phòng đợi.Chúa đợi Quang Anh ở văn phòng riêng, sát cạnh văn phòng Cao Hùng.
Thị vệ dẫn Quang Anh vào phòng. Chúa đứng dậy ra đón. Đó là một cử chỉ hiếm có. Quang Anh định phủ phục thi lễ chúa tôi, nhưng cố tình làm chậm động tác này … để chúa có thì giờ tới cầm tay nâng đậy. Chơi đùa giữa chúa và Quang Anh bắt đầu. Chúa cầm tay Quang Anh cưòi nói:
- Thôi để hiền huynh nợ, lần khác trả cũng được!
Chúa thường gọi Quang Anh là hiển huynh, coi Quang Anh như bạn thân, có thể cũng vì Quang Anh không ở chính quyền . Đã mấy lần chúa mời Quang Anh đảm nhiệm việc công, nhưng Quang Anh khước từ lễ phép.
Quang Anh đủ thì giờ tự nghĩ: chúa không nói miễn lễ mà lại cho nợ, dù chúa biết, nhiều lần hai người đã tranh luận về tác động nghi lễ nhục nhã ấy là chúa bắt đầu trêu chọc.
- Muôn tâu Chúa thượng – Quang Anh trả lời - Hạ thần có lẽ chịu nợ suốt đời, chỉ vì muốn trả cũng không xong. Từ nhỏ, tự do, phóng khoáng, trên mình ngựa khắp đó đây, cái xương sống đã cứng nhắc, khôn bề dậy bảo uốn cong … Nếu chúa thượng còn nhớ truyện « Chúa tể sơn lâm »-
- Quên sao được? quên sao được tác giả truyện hay ấy? quên sao được người đẹp, tác giả « Hàn môn tình sử » và những truyện ngụ ngôn kỳ thú? mà nhờ hiển huynh tôi được biết, dủ ngồi dưới đáy giếng ngọc quyền lực vô biên?-
Chúa nghĩ đến thiếu thời, khi còn chúa Trịnh Doanh, cách đây hơn hai mươi năm, khi nghe danh nữ sĩ Tao Đàn ở Hàng Giấy, chúa đã theo dõi đến phường Bích Câu khi nàng rời bỏ hội Tao Đàn. Khi ấy chúa bị chúa cha và Thiết Lực cản trở …
Truyện « Chúa tể sơn lâm » của Lâm Nguyệt Ánh kể rằng: Một con hổ lên ngôi chúa tể trong rừng sâu, bắt quần thần là đàn dê, đàn chó, đàn mèo, và các súc vật khác, luôn luôn quỳ mọp chung quang ngai vàng … khi về già, kiệt sức chống đỡ, đã bị đàn chuột nhắt đến ăn thịt, những súc vật chung quanh vì quỳ mọp lâu ngày, thành nếp, không tài nào đứng dậy, che chở cho chúa tể sơn lâm …
Chúa không quên chuyện ấy. Chúa muốn con dân hiên ngang dũng mạnh, nhưng chúa chưa đánh đổ nổi bọn Tống Nho chuyên chính.Chúa cố thắng ý buồn vừa đến, hỏi Quang Anh:
- Hiền huynh là người tốt số. Bao giờ dẫn nàng vào đây để chúa sơn lâm này được chiêm ngưỡng dung nhan và nghe lời chỉ giáo? -
Quang Anh không giận chúa vì câu nói tự nhiên này, nhưng vì thái độ bình tĩnh của chúa, gần như có thể nói dửng dưng, dù đêm qua có thiệt hại sinh linh bá tánh.
- Xin chúa thượng đừng khêu gợi vết thương xưa. Đã gần hai chục năm nay, tôi chẳng được gặp nàng. Đáng tiếc, đáng tiếc – Quang Anh trả lời, tâm can thành thực – -có lời thề với nàng, khi nào tìm được em nàng, tôi mới được gập mặt, nhưng quả thực tôi rất muốn xóa bỏ lời thề.-
- Nghe nói hai cháu Quế Anh, Quế Ngọc đẹp như Tây Thi tái sinh? Tiếc rằng con trai ta, Trịnh Tông, thiển cận, vô tài, không đáng …
- Hai cháu, cám ơn chúa thượng quá khen, hai cháu có chút nhan sắc, võ nghệ tinh thông, nhưng tài ba kinh quốc hẳn là không có -
Chúa mời Quang Anh bước ra trước bàn cờ. Ván cờ đánh dở. Chúa chỉ chỗ ngồi. Quang Anh liếc qua thế cờ: về phía mình, đến đường cùng còn về phía chúa, chỉ một nước tiến chúa thắng trận …
-Mời khanh vào cuộc « quả nhân » chưa hiểu thế cờ …-
Biết chúa dùng đùa « quả nhân » của vua Lê, Quang Anh « trả đũa »:
- Muôn tâu Hoàng thượng, nếu Hoàng thượng ở địa vị « quả nhân » mà Hoàng thượng dùng thế cờ sát hại, thì phải chuyển sang « nhân quả »…-
Biết Quang Anh trách móc chuyện đêm qua, chúa nói:
- Tuy đặt bàn cờ, nhưng người khác đánh. Kẻ đánh ác đã bị trừng phạt rồi … bây giờ chúng ta chơi tiếp -
Quang Anh biết thế cờ này, nếu chúa đi trước, Quang Anh hết phương cứu chữa …quyền chúa nói ai đi trước. Chúa đe dọa mình chăng? Quang Anh nghĩ thầm.Nhưng chúa nói Quang Anh đi trước. Vì vậy Quang Anh thêm cảm tình đối với chúa. Quang Anh xin bái lĩnh quyền đi trước, dùng xe biên chiếu tướng chúa ; chúa lui pháo che mặt tướng. Pháo này vào chân mã. Xe Quang Anh không thể xâm phạm. Thế là Quang Anh cứu được nước pháo lồng, và cuộc cờ lại bắt đầu thăng bằng... Chúa mỉm cười, tuyên bố cuộc hòa, rồi cùng Quang Anh ra bàn ăn.
Quang Anh ngạc nhiên: chỉ có chúa với mình sao bầy ba bát đũa. Nghi rằng chúa để Đặng phi dự cùng, Quang Anh cũng tò mò mừng đó là dịp quan sát vì sao chúa đã say mê người ấy...Chúa hiểu ý nghĩ của khách, nói:
- Không, không. Đặng Phi không được đến đây. Hôm nay ta giới thiệu với hiền huynh, người em tâm phúc của ta, người này sống bí mật bên cạnh ta, các Quận không ai biết, nghĩ là muốn hiền huynh cùng chúng tôi « kết nghĩa Vườn Đào »…-
Chúa tiếp:
- Và để thỏa tò mò của hiền huynh. Thiên hạ đồn ta say mê Đặng Phi đến mất lý trí... tôi chắc hiền huynh hiểu tôi hơn ai hết. Đây chúng ta đều là nam nhi, tôi có thể nói thẳng.
- Đặng Phi là một trang quốc sắc, nhưng nếu chỉ thế thôi thì Sâm này đâu có để ý. Các cung tần ở nơi đây, mỗi người một vẻ...không, không, tôi không bao giờ mất lý trí. Ở địa vị luôn luôn quyết định khó khăn, luôn luôn đề phòng chống đỡ... thực tôi thèm muốn ở địa vị hiền huynh. Vì vậy, mỗi khi về cung, Đặng phi cho tôi những phút giây sống thiên nhiên... Trong khi các phi khác sợ hãi, lạnh lùng, ngoan ngoãn chờ đợi, kính cẩn, không bao giờ dám biểu lộ cảm giác tâm tình, thì Đặng Phi không hề sợ sệt, tự thả mình bộc lộ tâm tình và cảm giác theo mực độ thủy triều... Đặng phi là cô gái quê, khoẻ mạnh, trong lành thể chất... có thể là Đặng Phi sinh ở làng Phù Đổng, sinh quán Phù Đổng Thiên Vương, nên cũng khác thường. Em trai của Đặng Phi là Đặng Mậu Lân, sức khoẻ địch trăm ngưòi, chỉ tiếc hạnh kiểm xấu xa, tôi chưa có cách chế ngự. Đặng Phi tật xấu, nhiều khi khóc lóc giận hờn, trí tuệ thì mực thông thường, sau này e rằng những kẻ tranh quyền lợi dụng. Tiếc thay Đặng Phi có trí óc của Nguyệt Ánh, trí tuệ của bà chị tôi, Xuân Thảo của hiền huynh, hay tài « kinh luân quán thế » của con dâu hiền huynh, thì tôi là người sung sướng biết bao, khi nghĩ đến sơn hà xã tắc -Hiền huynh đừng quên tôi biết rõ. Chính tôi đã nhờ hiền đệ sắp giới thiệu với hiền huynh, mang hai lá cờ « Dương Châu kinh luân nữ kiệt » nhờ xã trưởng đưa tặng, nhưng không được nói là cờ đến từ Phủ Chúa …-
-Đặng Phi sinh ra Cán. Tôi hy vọng sau này sẽ có sức khoẻ trong lành của mẹ nó. Còn về trí tuệ, tôi sẽ đích thân dạy bảo cùng có thể nhờ Đặng phu nhân hay Lâm nữ sĩ sau này … Trịnh Tông Dương Phi sinh ra, không phải là người đáng đứng đầu sơn hà xã tắc, có thể nguy hiểm cho quốc gia, tính tình thiển cận, hành động hẹp hòi …-
Quang Anh lễ phép không ngắt lời, để chúa bộc lộ tâm tình. Chúa hẳn rất ít người tri kỷ.
- Nếu cần – Chúa tiếp tục - chẳng Cán mà cũng chẳng Tông, tôi sẽ tuyên bố bỏ luật « truyền tông » giao quyền « quản lý quốc gia » cho người tài đức … Đó là việc khác, sau này sẽ bàn luận … Người tài đức ngoại tộc!!!-
Quang Anh nghe câu này, tỏ vẻ ngạc nhiên, chúa thêm:
- Như trong mấy quyển của bọn thí sinh cố tình phạm húy đề nghị.-