Võ hiệp lịch sử tiểu thuyết
Chương 13.

 
13.Mang án quyết đột nhập Hắc Y,
Bến Lam Kiều gập năm KÌều nữ.
Đêm kinh hoàng,  bón hội viên Song Lưu bị Hắc Y ám sát.
Cuộc điều tra của hội cho biết chứng cớ tang vật thì tất cả giường mối nghi ngờ đều tụ vào một thiếu phụ Hắc Y Ðạo mang tên Lục Giang Nương Dương Thúy Liễu, người tình của một hội viên bị ám sát đêm kinh hoàng, có hình họa trong nhật ký của nạn nhân, Lần đầu tiên, hội tuyên án thủ tiêu đề phòng hậu họa tăng thêm, rút thăm thì Quốc Ðức trách nhiệm thi hành bản án Thủ phạm trốn vào vùng Hắc Y, nên Đức phải lên đường, rời Kẻ Chợ.
Hành trình thi hành án lệnh, dự tính phải trên mười ngày mới tới mục tiêu Lục đầu giang, nơi hy vọng tìm ra thủ phạm. Giục ngựa Tây Bắc, Quốc Đức ở quãng đường trong khu vực tương đối tự do, còn thì giờ nghĩ suy, trông thấy dân tình nơi trù phú, nơi nghèo nàn, đều thấy lo âu khoé mắt, không tin tưởng ngày mai, tình trạng gây ra bởi hai trăm năm chia rẽ chiến tranh. Tiếc hận lan tràn tâm khảm vì mãi tới ngày nay cũng chưa đem đuợc kiểu mẫu Dương Châu và khu Trấn Bắc áp dụng để gây hạnh phúc cho toàn dân.
Chàng ao ước sau này một cuộc họp tất cả các đảng phái, đại diện chính quyền tại bến Thương Giang, đất được trung lập hóa, để nghe hội Song Lưu thuyết trình về phương pháp canh tân, đưa toàn dân đến mực độ giàu mạnh, chen vai thích cách với liệt quốc phú cường.
Hành trình trong khu vực Hắc y không cho phép chàng một phút giây sao lãng, sẵn sàng đối phó với những biến chuyển bất ngờ, chàng nghỉ lại đêm nay ở bến Lam Khê, để người ngựa được thâu hồi sức khoẻ. Vó câu đã cọng vài trăm dặm đường trong ba ngày giong ruổi.
Bến này mang tên nên thơ, nhưng không trù phú, vì còn năm sáu dặm thì đến biên giới Hắc y chỉ có một phố nhỏ, mươi hàng quán. Chưa tàn Dậu mà nhà nào nhà nấy, cửa đóng then gài bít bưng, Quốc Đức buộc ngựa trước Lam Khê lữ quán. Quán này không lớn lắm, nhưng khang trang nhất phố. Chủ quán họ Kiều, có tên trong danh sách bí mật của hội Song Lưu, mà Lam Khê lữ quán, công khai hội viên Thương xã. Nếu tính việc gây lợi nhuận, thì quán này dẹp bỏ từ lâu, nhưng Quế Anh Dương Châu, sau khi nghiên cứu địa điểm trên bản đồ, vẫn gửi trợ cấp thường niên, để thăng bằng cán cân chi thu. Dự định của nàng là vài năm nữa, sẽ dùng nơi này làm đầu cầu tấn công kinh tế miền Hắc Y, gây một vùng giàu mạnh ngay bên nách Hắc y và tất cả những ảnh hưởng kế tiếp …
Chủ nhân, Kiều Thành Vệ, giòng dõi võ tường, thiếu thời theo thân phụ đồn trú thượng du, được rèn luyện võ nghệ từ lên năm, tính tình khảng khái, văn học đủ dùng, sau khi xin nhà đi tự lập, phiêu lưu đó đây, định cư nơi này, xây cất lữ quán để giao du với anh hùng tứ xứ. Năm nay ngoài ba mươi, thời kỳ sung sức, sở trường song đoản thiết côn, chỉ huy ban an ninh khu phố.
Cách đây chừng vài năm, Kiều Thanh Vệ kết duyên với con gái làng Lam Khê, nàng Đào Thị Lộc … thế rồi thực là lộc trời, cưới xong, năm thứ hai sinh đôi hai gái, đặt tên là Kiều Đào Lệ Ngọc, Kiều Đào Lệ Quỳnh. Năm sau nữa, Vệ xin Trời một đứa con trai, chẳng ngờ Trời lại gửi ba gái: Kiều Đào Anh Tú, Tú Châu, Tú Điệp … Lần sinh ba, nàng đuối sức, may nhờ lương y Hoàng Trung Thực, cứu chữa, mẹ tròn con vuông. Kiều Thành Vệ thuận «mệnh trời » không xin thêm con nữa, thương yêu vợ hiền và năm con gái gấp bội. Dân làng này hay tin nàng Đào sinh đôi rồi sinh ba, đến thăm như trẩy hội, quà biếu mẹ con đầy nhà. Bà Xuân Thảo (thân mẫu Quốc Đức) mới sinh con bé Xuân Thêm, nhận làm mẹ đỡ đầu của năm trẻ. Mỗi khi đi Kẻ Chợ may quần áo cho Xuân Thêm, bà đặt thêm năm bộ gửi lên Lam Khê, còn ông Đặng Quang Anh ghi tên năm trẻ vào danh sách học bổng Trần Bắc Trường.
Lam Khê ngũ kiều, sau này dự nhiều trận đấu tranh sẽ kể sau, còn hiện thời, chúng ta theo Quốc Đức vào Lam Khê Lữ Quán.
Quốc Đức gõ cửa  theo mật hiệu Song Lưu. Cánh cửa mở ra, Kiều Thành Vệ, dáng vóc cao lớn, võ khí sẵn sàng, nơi khung cửa, nhận ra Quốc Đức, nghiêng mình:
- Tưởng ai, kính chào chàng Đặng công tử -
Quốc Đức:
- Thưa thúc thúc, có việc cần qua vùng này, ngu diệt đến thăm thúc thúc, cô nương và năm em, xin tá túc đêm nay. Xin thúc thúc đừng khách sáo gọi ngu diệt là công tử -
Thành Vệ goi gia nhân dắt ngựa vào chuồng, đưa Quốc Đức vào sảnh đường. Đào thị và năm con ra đón. Quốc Đức vòng tay: thân mẫu cháu gửi lời thăm cô nương – (Quốc Đức biết Đào thị từ khi chàng còn nhỏ vẫn quen gọi « cô nương », không muốn bỏ danh từ xưng hô ấy).
Từ ngày cùng mẹ lên thăm Đào thị khi nàng sinh ba, đến nay kể đã tám năm, nhan sắc diễm kiều của Đào cô nương không thay đổi, sắc đẹp của con gái Lam Khê, làm chàng thầm so sánh Đào cô nương, con gái Trung Du với con gái đường xuôi, suýt quên mất năm em đang quây quanh.
Năm em, hai lên chín và ba lên tám, xấp xỉ chiều cao, nên Quốc Đức tưởng như một bản chính và bốn bản sao, không biết ai bản chính. Khuôn mặt, dáng dấp đàn em, làm Quốc Đức đoán sau này sẽ thành năm trang tuyệt sắc … không ai bảo ai, năm trẻ duyên dáng cúi chào, đồng thanh:
- Chúng em kính chào anh Quốc Đức - trong như tiếng đôi họa mi, lồng treo bên cửa, cũng rối rít đón chào.
Vừa lúc gia nhân mang hành lý vào, Quốc Đức chia quà: mỗi em được một bút lông hảo hạng, một nghiên mực và một tập giấy hoa tiên, Đào cô nương, một tấm lụa Dương Châu, còn Kiều Thành vệ, một món quà kỳ lạ đối với đường thời: một cái « nhật quỹ » để đo thời giờ theo ánh nắng, sẽ treo trên cột cờ lữ quán.
Mùa này lữ quán không khách, nên tối nay là bữa cơm gia đình thân mật, mọi người ngồi quanh bàn tròn, dưới ánh đèn dầu treo, kể cả hai gia nhân thường trực ngồi cùng, không phân trên dưới. Cảnh tượng ấm cúng làm Quốc Đức nhớ Quế Anh Dương Châu …
Cơm xong, các em và hai gia nhân đi ngủ, còn lại ba người hàn huyên, quanh bình trà khói thơm bốc tỏa.Quốc Đức ngỏ ý sáng hôm sau xâm nhập vùng Hắc y, đến Lục Giang đầu, có việc cần. Thành Vệ ngỏ ý muốn đi cùng, nhưng Quốc Đức từ chối lễ phép, cớ chính là vắng mặt Kiều đại hiệp, không còn ai bảo vệ năm em và Đào cô nương.
Sau hồi lâu phân tích tình hình, hai người đồng ý kết luận:
 Hắc y  có thể coi là tà đạo. Giáo chức địa phương chuyên quyền, giáo dân bị đạo lệ ràng buộc mất hết dân quyền, ban chỉ đạo gồm mười hai giáo chức, dưới quyền một giáo chủ hiện thời tên Hà Vi Kỷ, không ai rõ từ đâu đến, chỉ biết là tu hành đắc đạo, hay tự cho mình đắc đạo từ đâu. Chính sách bế quan tỏa cảng bằng Vạn niên Trúc lũy, làm nhân dân ngày càng suy nhược. Nếu không theo đạo ngày ngày cầu nguyện đúng giờ, khi chết phải chung thân địa ngục. Dân chúng cũng có người không mù quáng, nhưng không giám nói ra.Con người không được học hỏi gì ngoài cuốn kinh năm mươi trang « ba hoa thiên địa », bằng thứ tiếng ngoại lai chẳng ai hiểu gì. Tin nhảm lên cao độ. Phục vụ giáo hội là diều chính,  cho nên nghèo đói khắp nơi.
Ðược tin, có nhà sư vào thuyết pháp, và có cha ngoại quốc đến giảng đạo Gia-Tô, mất tích trong vùng.
Quốc Ðức nhất quyết tiếp tục hành trình. Sẽ đường hoàng vào cửa Linh Nam. 
Tiếp tục sửa soạn hành trình. Chàng lại nhờ Đào cô nương, dùng vải bố khâu một bộ võ phục chùm ngoài, thật lạ, như đã tả ở đầu truyện, cũng từ ngày ấy, người ta gọi chàng là Bố Y Quái Khách, tên này chính Kiều đại hiệp đặt ra.
Về phần Quốc Đức, với bản tính vui đùa, yêu đời, chàng rất bằng lòng nhận tên ấy.
Ngày phiên chợ, chàng lên đường, sau khi khuyên Kiều đại hiệp và Đào cô nương, gửi năm em về Dương Châu. Hai bên đều khẳng định nơi này, từ nay sẽ không an bình như trước.
Kiểm điểm hành trang, võ khí, quyết định kỳ này, nếu cần sử dụng cả võ khí Thái Tây, cây súng ngắn « Bát hỏa tiên cô », những võ khí anh hùng cổ điển sẽ làm chậm trễ hành trình.
Con ngựa Quốc Đức, mua của người Tây phương, người bán nói thuộc giòng giống Ấ-rập, cao hơn ngựa ta, chạy nhanh và bền sức, đặt tên là « Vạn lý thiết túc ». Trên mình ngựa, Quốc Đức trông cao lớn khác thường. Khi qua chợ, ai nấy trầm trồ khen ngợi dáng dấp oai phong lẫm liệt. Có người lại bảo nhau:
- Đây là « tướng nhà trời » đến trừng phạt bọn hung tàn chăng?-
Quốc Đức giơ tay chào mọi người nhường lối, giục ngựa, đàng hoàng vào cửa Linh Nam.
Quả nhiên như tiên đoán: Cảnh biên bị dáng dấp oai phong chi phối, lại thấy trên cổ ngựa đeo một quyển kinh Hắc y, giãn ra hai bên, nghiêm chỉnh. Trưởng đồn mới đổi đến trên chòi canh, cũng nghiêm chỉnh chào. Quốc Đức giơ tay trả lời, giục ngựa nước kiệu thẳng tiến nội địa, mỉm cười nghĩ đến cái lý luận của cảnh biên: Xưa nay, bọn ấy chỉ đề phòng người trốn ra còn chưa thấy ai điên cuồng đi vào. Vậy đây hẳn là một giáo chức cao cấp đi công tác ở ngoại bang về, cho nên, tốt hơn hết không nên lôi thôi, tò mò, cứ việc nghiêm chỉnh đứng chào …Quốc Ðức nghĩ thầm nếu có nguy hiểm cần chống đối, thỉ chỉ ở nơi binh lực, cửa quyền mà thôi, chẳng cần đề phòng quá sức trong khi qua các làng xóm nội địa. Dọc đường, một lần gặp đoàn binh, chừng trung đội, họ cũng nhường lối, nên chàng càng tin ở cách xét đoán của mình.
Quan sát thung thổ, dân tình, đường sá lở vỡ, ổ trâu, ổ gà, cầu qua sông, qua ngòi, qua lạch, qua mương, có nhiều chiếc đổ sập, không ai trùng tu, sửa chữa.
Không chim hót vòm cây, chó sủa xóm làng. Những người làm việc ở đồng nương, quần áo rách rưới, buồn rười rượi, im lặng, âm thầm, nhưng Quốc Đức như nghe thấy tiếng kêu than tuyệt vọng làm ngưng đập con tim, làm trí óc lan tràn đau xót.Tình cảnh dân chúng làm chàng thực đau lòng. Đôi khi, dừng ngựa, muốn bắt chuyện, thì, nhìn trước sau, ai cũng lảng tránh  không đáp một lời.Nén buồn,  chàng giục ngựa.
Chiều tà, đến thị trấn Đông Điều, một nơi nổi tiếng náo nhiệt xưa kia, nhưng nay, buồn thảm điêu tàn. Chàng không ngừng, theo bản đồ của Kiều đại hiệp, tiến lên khu núi rừng. Ngừng đêm nay ở nơi rừng sâu, hẻo lánh.
Đêm nay, là công dụng của bộ bố y kỳ khôi của chàng. Vào rừng, chọn một cành cây cao để ngủ, bố y biến thành một mền ấm, chiếc mũ vành to biến thành gối đầu, màn che ở vành mũ tỏa xuống che mặt, tất cả tỏa thành mùi dầu sả kỵ muỗi. Trước khi lên cành, chàng bố trí bảo vệ con Vạn lý thiết túc. Chặt mấy chục cây tre, đẵn khúc dài, vót nhọn hai đầu, cắm nghiêng tua tủa chung quanh nơi buộc ngựa, biết rằng hổ rất sợ tre nứa vót nhọn, cách bố trí này thí nghiệm thành công khi còn học ở Trung Vân.Phương Đông ửng hồng, báo hiệu một ngày sáng đẹp. Quốc Đức thực bằng lòng một đêm an toàn, không bất trắc.