Võ hiệp lịch sử tiểu thuyết
Chương 16.

 
16. Như Ý Đài tái ngộ Nông Lan,
Hội Tao Đàn tạm quên nhiệm vụ.
Ðược rõ tung tích của tội phạm mà hội Song Lưu sai chàng đi tiêu diệt, Quốc Ðức nghi ngờ có điều gì uẩn khúc, không tin Thanh Liễu đã phản đảng. Thanh Liễu về Lục Ðầu để tìm cách cứu bố mẹ, chuyên gia mật ong, bị Hắc Y cướp cửa hàng, và quản thúc một nơi mà thám viên đã tìm ra.
 Con đường dọc bờ sông thực ngoạn mục, mỗi khúc một vẻ, quãng ở ven rừng, quãng ôm sườn núi. Xa xa bình minh nhuộm tím pha nâu, điểm vàng những dẫy núi, ẩn hiện sau màn sương sớm.Trên ngựa lỏng dây cương, nghĩ lại chiều qua, khi được cởi trói, Nông Lan bất chấp mọi người giữ nắm hai tay chàng, cám ơn, khoé mắt trong xanh ướt lệ, người đẹp son cước khư khư không bỏ tay chàng. Mà khi từ biệt, Nông Lan ngước mắt nhìn, hương thơm núi rừng tự nhiên của da thịt trắng hồng làm chàng đê mê tưởng sắp đi vào tội lỗi. Sao Quế Anh Dương châu không ở đãy để kéo chàng xa phản bội....?
 Gần ngọ phải qua một hang đá rất cao, hàng ngàn giơi treo ngủ trên trần, hai bên vách, thạch nhũ muôn mầu. Uốn khúc chừng nửa dậm, qua tối tăm, phải đốt đuốc mang theo. Khỏi hang, coi như thoát hiểm thì con đường lại uốn khúc qua rừng sâu. Giục ngựa mau qua rừng rậm ẩm thấp khó thở tối đen, đến thung lũng đẹp như tranh. Ðường cũng rộng hơn, dễ đi, êm vó ngựa, uốn khúc theo con suối lớn, nước trong veo. Trên bờ, nhiều cây quả muộn, còn điểm hồng lá cành xanh mướt.
 Ðào nguyên là đây, Quốc Dức nghĩ thầm, nhưng sao không thấy ai trên đừơng hay trong vườn cây quả.
 Trầm lặng không thinh, thỉnh thoảng véo von chim ca từ xa vọng lại. Ðường đẹp này đã qua năm dậm. Chợt tiếng vó ngựa sau lưng, Ðức vội vàng ngựa nấp bụi cây.
 Một nữ lang rạp mình trên ngựa  phi bay...Bế Nông Lan, xiêm y sơn cước, ngang lưng đeo song kiếm mà cán bạc lấp loé dưới ánh nắng trưa. Ðức nghĩ đeo kiếm nghĩa là nàng có võ nghệ, mà sao hiền lành để cảnh vệ Lam Hà bắt đi chịu tội? Có thể nàng sợ không che chở nổi song thân, đành thúc thủ chờ cơ.
 Quốc Ðức nhẩy lên ngựa đuổi theo. Khi gần kịp, Nông Lan, ngựa vẫn phi nước đại,  quay lại, dương cung. Nhận ra Ðức, Nông Lan xuống ngựa hết sức vui mừng.
 - Nông Lan đi dâu vội vàng? Ở nhà có gì phải cần tôi chăng?-
 - May quá, em cứ tưởng đến tối mới đuổi kịp.Không, không có gì khẩn cấp...em...em nói với anh điều này. Cha mẹ cho phép em theo anh, như phong tục Thiện Lương, để xuốt đời hầu hạ ân nhân cứu mạng cả gia đình. -
 Lời nói tự nhiên của thiếu nữ sơn lâm làm Ðức luống cuống. Bão tố tâm hồn. Ðức không phải siêu nhân, bắt đầu sa ngã say mê mỹ sắc núi rừng. Tưởng rằng mình cùng số mệnh như cha, đã phản bội mẹ mình với Ðèo Sơn Vân, Lâm nguyệt Ánh. Mình sắp phản bội Quế Anh Dương châu với Nông Lan. Trước phái nữ, Ðức vẫn yếu mềm, đó là cái nguy hiểm khi chàng phải đương đầu kẻ thù phái nữ. Nghịch lý là hội Song Lưu biết thế vẫn nghị quyết giao việc thanh toán Dương tội phạm.
Nghĩ lại không thể nhận lời Nông Lan, Ðức đang nghĩ cách đối phó, thì trời đổ mưa như chút nước. Mỗi lúc một lớn. Ðức cùng Lan tránh vào ngôi chùa bên đường. Chùa này, hương khói tắt lạnh từ lâu. Hai con ngựa dậm chân hí khẽ mỗi khi có sấm chớp. Ðức thực bận tâm, làm sao thoát khỏi bẫy tình đang thử thách? Cảnh sao quá đẹp. Những giọt mưa theo nhau rơi từ mái ngói xuống hiên thành một bức mành tuyệt mỹ, rồi mỗi ánh chớp những giọt mưa nối đuôi nhau là muôn ngàn hạt kim cương sáng chói.
 Ðức thì muốn từ chối, tìm lời nào không làm Nông Lan thất vọng buồn rầu, thì người đẹp sơn lâm vui như họa mi chào đón bình minh!
 - Anh có biết không, hôm nay là phiên chợ vùng này. Chợ họp bên kia trái núi không xa đâu, vì thế anh không thấy ai trên đường và xóm làng vắng vẻ. Lát nữa, đến chợ em sẽ giới thiệu những món ăn đặc biệt vùng này...-
 Quốc Ðức:
 - Bế tiểu thư, -cố tình nhấn mạnh tiểu thư -, tiểu thư vâng lệnh song đường theo tôi...nhưng...nhưng không dám nhận...bởi vì...bởi vì....mà tiểu thư nói theo tôi "hầu hạ" thực không hợp thời và sai chỗ. Không nên hy sinh một tài sắc như tiểu thư để đền bù một việc mà bổn phận tôi phải làm...không ai nợ ai trong chuyện này.  tôi thực hổ thẹn với lương tâm. Xin tiểu thư quay lại Thiện Lương, tiểu thư con một, ông bà còn cần tiểu thư...-
 - Không phải bố mẹ bảo em đi, mà chính em lựa chọn theo anh, Nông Lan ngắt lời Ðức, nước mắt chan hòa - hay là anh đã có gia-đình?-
 - Tôi biết, - Ðức trả lời, quyền lựa chọn là của phụ nữ Thiện Lương, phong tục từ ngàn xưa. Tôi thực hạnh phúc được tiểu thư chọn, nhưng...nhưng, nói tới đây, ngạp ngừng rồi im bặt.
 - Nếu không duyên số trăm năm, em cũng xin theo làm đồ đệ, bây giờ trở lại Thiện Lương thì còn mặt mũi nào? Nông Lan ngửng nhìn Ðức.
 Ðức lắc đầu:
 - Bế tiểu thư, tôi tài hạnh và niên tuế chưa đủ, làm sao nhận đồ đệ?...
 Còn muốn nói thêm nữa thì Nông Lan, nước mắt chứa chan, Ðức càng thêm luống cuống, nhưng cố tự giữ, không một lời an ủi.
 Mưa càng nặng hột. Mây đen kéo thêm che phủ khung trời. Nông Lan, tự ái nổi dậy, giận chàng trai vô tình, lên ngựa về phía hang giơi. Giai nhân dần dần biến vào màn mưa thỉnh thoảng ánh chớp làm hình nàng nổi bật trong màn mưa. Ðức vẫn đứng ở hàng hiên, mấy lần định gọi, nhưng cố nén, quay mặt đi không nhìn theo nữa. Tự nhủ cứ như thế là phải, cho đỡ phức tạp như cha mình.
 Nghĩ đến việc sắp phải làm, Ðức vô cùng lo ngại, rồi đây phải thanh toán một người, mình lại sẽ thành vô tri vô giác, chỉ nghe lẽ phải độc chiều, để thỏa lòng tự ái nhỏ mọn lỗi thời, như hiệp sĩ Phù Tang và Trung Hoa...
Chưa bao giờ buồn thế. Suy nghĩ mung lung quên cả trời đã quang mưa đã tạnh. Lên ngựa tiếp tục hành trình.
Lát sau, qua chợ như Nông Lan nói. Người người lại bỏ nơi trú mưa ra chợ. Ngạc nhiên, mọi người vui vẻ, hàng hóa tràn đầy. Có thể vùng này tự do. Không thấy giáo chức nào. Hối hận đã đuổi Lan về, Ðức không ở lại chợ, tiếp tục lên đường.
Rời thung lũng, lên cao, qua đèo hẹp, mà hai bên tường vách đá cheo leo đe doạ,  một độc đạo dễ bị phục kích. Quốc Đức đề phòng. May không chuyện gì, mấy phút sau, đã khỏi ngọn đèo, rẽ sang Tây Bắc, tới một nơi phong cảnh hoàn toàn đổi khác. Thảo mộc ở lại bên thung lũng, còn từ đây tuy đã ba bốn giờ chiều, con đường vẫn phơi mình dưới nắng chang chang như treo trên vách đá trọi trơ, ngựa, người e ngại. Ngựa quí Thiết Túc, bốn vó đặt trên tường đá chắc chắn như chân bọn sơn dương đang phất phơ đỉnh núi. Thiền dương ngả phương tây, nhuộm hồng vách đá và tráng vàng con sông uốn khúc theo chân núi xa xa.
Đối cảnh sinh tình, nghĩ đến nghĩ đến hai Kiều, Quế Anh Dương Châu và Nông Lan, mỉm cười thầm đọc hai câu cuối của một bài thơ Ðỗ Phủ:
Đông phong bất dữ Chu Lang tiện
Đồng tước xuân thâm tỏa nhị Kiều …
Rồi hóm hỉnh dịch rằng:
Gió đông chẳng đến cùng CHU
Hai KIỀU hẳn đã « chu du » đền Đồng!
Nghĩ rằng chàng chẳng phải Tào cũng chẳng phải Tôn hay Chu, chỉ khoái trá chơi chữ  trong câu dịch cuối dùng chu du  vừa là động từ vừa là tên Chu Du ; tìm mãi chung quanh không thấy bóng dáng Đại Kiều và Tiểu Kiều nào, Đức cười thầm nghĩ sang truyện khác thì vừa đúng người ngựa đã ra khỏi quãng hiểm nghèo, và từ đây, đường xuống gần ngang mực nước. Mấy cánh buồm nâu in bóng trời xanh, giang âu bay lượn như muôn ngàn cánh hoa vui chơi đùa gió.
Phong cảnh tuyệt vời của lộ trình. Chừng hai ngày nữa tới đích, chàng cố tình chậm trễ, để cho tâm hồn quen với việc sẽ làm. Vì vậy con người ưa vui chuộng đẹp ấy đã tận tình hưởng thụ mỹ cảnh trời cho.
Quãng đường này có ngưòi qua lại nhưng thưa thớt ; lại có lúc gặp một bọn quân binh địa phương, nhưng cũng không ai để ý. Qua vài bến nhỏ, có thuyền chài chào mời mua cá chép, vẩy bạc sáng chói dưới ánh chiều, nhiều con khá lớn ….
Hết quãng đường ven sông, đất đỏ, núi tím hồng, lại đến vùng phì nhiêu, chung quanh thị trấn Đồng Du. Thị trấn gần nghìn nóc nhà, xây dựng từ bờ sông tới đồi cao, vẽ nét đủ màu nổi bật trên bóng hình dẫy núi mờ xa. Tuy thuộc khu ảnh hường Hắc y nhưng là một vùng tự trị.
Hắc y mấy lần đánh chiếm không thành công vì vùng này trù phú, dân chúng yên vui, hòa hợp.
Đưòng vào tỉnh quanh co uốn khúc, khi lên khi xuống, đặc biệt hai bên có tường đất đỏ dầy gần hai thước, có thể khi cần dùng làm bờ thành chiến đấu. Vài khu ngoại ô, nhà cửa chen nhau dưới bóng tùng mà tiếng reo của thông chiều giục chim về tổ. Mặt trời đã lặn hẳn phương tây hồng tím mà tiếng làm việc vẫn rộn ràng. Có tiếng thọ rèn đập búa trên đe, có tiếng người giục trâu kéo cần cối xay đá nghiền những cây mía mới mang về, có tiếng phụ nữ giục nhau hối hả chung quanh mấy lò mật, khói trắng lọt qua mái rạ …, in nét trời xanh.
Cảnh tượng thái bình yên lòng khách, nơi đây đất lành chim đậu, nơi đây có thể xây tổ ấm muôn năm …
Đức dừng ngựa trước lữ quán Như Ý Đài ; quán này mặt tiền trông ra bờ sông, khang trang lịch sự.
Xuống ngựa, phủi bụi đường, giao ngựa cho mã phu, rồi tiến vào sảnh đường. Chủ nhân Như Ý Đài là một thiếu phụ xinh đẹp, thanh tao kiêu kỳ, nhưng Ðức thoáng thấy một ánh buồn vô tận nào trong đôi mắt nhung. Nàng từ án thư sau quầy, duyên dáng cúi chào. Quốc Đức đáp lễ  theo kiểu kinh kỳ. Quản trị trưởng ra ân cần. Thân hình cao lớn có thể hơn Quốc Đức vài phân, nhưng cử chỉ nhẹ nhàng nhanh nhẹn của người ấy làm chàng đoán hắn cũng thuộc hạng võ nghệ siêu quần.
Nói cần tá túc đêm nay, dùng cơm tối và sáng sớm mai tiếp tục cuộc hành trình. Nữ chủ nhân dành cho chàng phòng thượng khách. Quản trị viên mời chàng ghi tính danh vào sổ.  Đức ngạc nhiên, các lữ quán khác, tuy có sổ nhưng chẳng ai xin chàng ghi tên. Chàng bình tĩnh ghi: Bế Quan Bình, Hà gia Trung ương quản trị, Bắc phương kiểm chính quan du …Cười thầm cái chức vụ mập mờ kỳ khôi vừa ghi, nhưng quản trị viên Như Ý Đài và nữ lang chủ nhân không ai để ý, chỉ chăm chú nhìn chàng, kín đáo tò mò xoi mói … Lịch sự, chàng quay lại cúi chào mọi người. Ai nấy đứng dậy đáp lễ. Dây chuyền cảm tình tự nhiên từ lúc ấy. Thấy ở đây ai nấy quần áo chỉnh tề thanh nhã, lên phòng cởi bỏ bố y, hồi lâu trở lại sảnh đường, với y phục văn nhân thời trang kẽ Chợ, quạt gập Trần Nhị Ngọc cầm tay, túi thơ gấm hoa, bầu rượu nhỏ bạc chạm nổi danh phường Đông Các. Ai nấy thầm khen chiếc áo dài rộng tay phủ trên quần chẽn đen ống sáo màu sim, lụa Dương Châu, đôi hải sảo da đen, đế trắng …
Quốc Đức trở thành một văn nhân tao nhã, với cái túi thơ hơi to và nặng chỉ vì bên quyển vở, nằm ép khẩu « Bát hỏa tiên cô » mà chúng ta đã biết ở một hồi trước. Võ khí mật đề phòng là cái túi thơ ấy và chiếc quạt Trần Gia.
Trở lại sảnh đường, cùng mọi người vui vẻ, nghe nữ chủ nhân bình thơ.
Ngắm trông nữ lang sắp vào chương trình bình thơ, Quốc Đức lại nghĩ đến chuyện cha chàng, ông Quang Anh kể lại, khi nàng Lâm Nguyệt Ánh còn ở quán Bến Sông …Chàng hơi ngả về tin nhảm, cho rằng số mệnh hai cha con có cái gì thường xảy đến một cách song song..chàng sẽ vô tình phản bội Quế Anh Dương Châu ở nơi này chăng?
Đang suy nghĩ mung lung, tân khách đã đến đông và nữ chủ nhân tuyên bố bắt đầu chương trình bình thơ. Giọng nàng ấm dịu, tiếng trầm hay tiếng thanh hơi rung rung, thực gợi tình:
- Quí vị thi hữu, quí vị thính giả Tao Đàn Đồng Du, hôm nay, tiện muội như đã hứa, xin nhắc đến một nhà thơ, bà Ngô Chi Lan, nữ học sĩ đời Lê Thánh Tôn …Cách đây mấy trăm năm rồi …Nói trước rằng không như những lần trước, chúng ta bình luận Chinh Phụ Ngâm để tìm hiểu tâm tình của bà Đoàn Thị Điểm hay ông Đặng Trần Côn … Hôm nay chúng ta chỉ cần cảm thông với cái đẹp, cái vui, trong bài thơ sau đây, mà tác giả đã biến cho chúng ta bốn bức tranh linh động …-
Một ngạc nhiên cho Quốc Đức: Quản trị viện lẫm liệt hiên ngang biến thành một tao nhân hiền hậu, đang sửa dây đàn, để đệm lời ca của nữ lang chủ nhân. Đó là một cây đàn lạ, chàng chưa hề nhìn thấy. Đàn không chơi cầm trên tay, mà để đứng dưới đất. Bầu đàn hình bầu dục cao tới thắt lưng, mà cần đàn cao quá vai nhạc sĩ. Có bốn dây, hai trầm, hai thanh. Phím đàn, trầm thanh, hòa hợp vớI giọng ca đưa thính giả vào giấc mơ tươi đẹp, theo bài thơ của bà Ngô Chi Lan, thế kỷ 15, bài thơ 16 câu về bốn mùa thời tiết.
Tứ thời
Mùa xuân
Khí trời ấm áp đượm hơi dương
Thấp thoáng lâu đài vẻ ác vàng
Rèm liễu líu lo oanh hót gió
Giàn hoa phấp phới bướm châm hương
Mùa hạ
Gió bay bông lựu đỏ tơi bời
Tựa gốc cây đa đứng nhởn chơi
Oanh nọ tiếc xuân còn vỗ cánh
Én kia nhớ cảnh cũng gào hơi
Mùa thu
Gió vàng hiu hắt cảnh tiêu sơ
Lẻ tẻ bên trời bóng nhạn thưa
Giếng ngọc sen tàn bông hết thắm
Rừng phong lá rụng tiếng như mưa
Mùa đông
Lò sưởi bên mình ngọn lửa hồng
GiảI buồn chén rượu lúc sầu đông
Tuyết đưa hơi lạnh xông rèm cửa
Gió phẩy mưa bay giải mặt sông
Dứt lời ca, tiếng đàn cũng từ từ đi vào trầm lặng, nàng tiếp theo:
- Quí vị cùng tôi, lưu ý đến những câu: « Giậu hoa phấp phới bướm châm hương » thực là duyên dáng linh động, màu sắc ở « Gió bay bông lựu đỏ tơi bời» tiếng động ở « Rừng phong lá rụng tiếng như mưa » nét chấm phá ở « Gió phẩy mưa bay giải mặt sông ».  Thưa quí vị, tiện muội tin rằng, nàng là phu nhân của Đông các đại học sĩ  Phù Thúc Hoành, đời Lê Thánh Tôn, hẳn có cuộc đời đẹp đẽ như bốn bức họa, nàng cho chúng ta chiêm ngưỡng hôm nay …?
Cử tọa vỗ tay, mà Ðức thấy hai hạt lệ long lanh cuối mắt nữ chủ nhân dưới ánh đèn dầu năm bấc, và hơn mười cây bạch lạp quanh sảnh đường.
Có gì ân hận trong đáy lòng người đẹp chăng? Có chuyện gì thầm kín đã nhuộm buồn khoé mắt của quản trị viên?
Tràng pháo tay chấm dứt, Quốc Đức đúng dậy
- Thưa quí vị, thưa nữ chủ nhân kính mến và hiền huynh quản trị, tôi từ xa lại, may mắn được thưởng thức giọng ca tuyệt mỹ, tiếng đàn mê say, thực xúc động thâm tâm, đền đáp lại, tôi xin kính hiến Như Ý Đài bốn bức họa bài thơ Ngô Chi Lan, sẽ vẽ tại đây, trong khi nữ chủ nhân ca lại... -
Cử toạ hoan nghênh. Quốc Đức mượn chủ nhân nghiên bút lớn. Gia nhân căng bốn mảnh lụa lờn trên tường.
Thế rồi tiếp diễn một trò chơi văn nghệ thích thú:
Sau mỗi khúc ca, Quốc Đức hoàn thành một bức hoạ, cuối cùng tiếng đàn đệm vừa chấm dứt thì Quốc Đức xong bức họa bốn mùa, nét bút, chấm phá, thẩm nhạt bay bướm, vui tươi như cá tính, tâm tình họa sĩ. Thế mà trong khi vẽ theo nhạc ca, nét bút khi nhanh như gió bão, lúc chậm rãi như lông hồng...áp dụng hòa hợp hội họa và võ đạo, kỹ thuật đặc biệt của sư mẫu Đào Ngọc Thanh dạy, từ khi chàng chừng mười tuổi.
Cử toạ đứng dậy vỗ tay, chàng nghiêng mình khiêm tốn:
- Thưa quí vị, tài nghệ thấp hèn, nhưng may hôm nay được giọng ca và tiếng đàn truyền cảm hứng qua mấy ngón tay này... chàng quay lại thầm cảm ơn nữ chủ nhân và quản trị viên - rồi tiếp: cho nên hoàn thành bộ tranh tứ thời Ngô Chi Lan -
Nói xong, chàng lại thắc mắc nghĩ tới hai giọt lệ thầm kín của nữ lang khi nàng nhắc đến cuộc đời đẹp đẽ của người khác. Phải chăng đời nàng không hoàn toàn tốt đẹp?
Còn đang suy nghĩ thì tửu bảo rung chuông báo hiệu phòng ăn bắt đầu mở cửa. Bước vào phòng ăn với ý nghĩ ấy vẫn đuổi theo, Quốc Đức quên hẳn một chi tiết quan trọng chứng tỏ trình độ dân chúng vùng này: Trong khi chờ chương trình bình thơ, mọi người chuyện trò tự nhiên thảo luận, bàn tán chính trị, không hề sợ hãi nhìn quanh.
Vào phòng ăn này mới biết Như Ý Đài là một công trình kiến trúc quan trọng, được xây dựng từ trước khi vùng này lọt vào ảnh hưởng của Hắc y. Những cửa sổ trông ra sân mà khi mới đến, Quốc Đức tưởng là cửa phòng ngủ đều là cửa sổ phòng ăn, mười hai cái có rèm lụa màu hồng ngư, buộc vắt hai bên. Hơn trăm bàn ăn, mỗi bàn bốn thực khách nhưng có thể xếp thành bàn lớn. Hai hàng cột lim đen bóng nâng đỡ trần cao bằng gỗ chạm trổ tinh vi. Sàn lát gạch nung nâu hồng. Đặc biệt không có gì sơn hồng, sơn biếc như kiến trúc Trung Hoa. Cuối phòng ăn, một cửa sổ dài rộng mở sang bếp lớn. Đầu bếp sư phụ và đồ đệ đã sẵn sàng vào việc. Ngay cạnh cửa sổ từ phòng ăn, có thể trông thấy, một bên, một nồi dầu lớn sâu chừng nửa thước chu vi khoảng một thước rưỡi, dầu đã sôi lăn tăn, còn bên kia một tấm gang tròn chu vi cũng chừng một thước rưỡi, đặt trên một lò than hồng rực. Đó là hai dụng cụ chính của Như Ý Đài để hiến thực khách gà (1) và cá, rán hay nướng, hai món nổi tiếng. Ngoài ra có thêm gà và thịt luộc và canh chua, món canh chua này học được từ Đàng Trong. Không hề có món xào nấu như bếp Trung Hoa. Tuy là những món thông thường, nhưng nổi tiếng vì cách thức sửa soạn, ướp thoa gia vị, trước khi đem luộc hay rán, nướng … Cá có hai thứ, cá chép lớn mà Quốc Đức đã trông thấy trên đường đi ven sông, và cá bống xương mềm tẩm bột … Đáng lý, vùng này người ta quen dùng cơm nếp, nhưng cũng có cơm tẻ thông thường, nghĩa là Như Ý Đài hiến thực khách những bửa cơm thực sự, không phải như các quán khác ở Kinh thành, ăn chơi uống rượu. Nói về rượu thì Như ý..có thứ rượu cần đặc biệt  chế từ gạo nếp đen …
Thực khách đến đông, không còn chỗ nên quản trị viên yêu cầu mọi người, tuỳ theo tương thân, tương ứng chọn bàn ngồi cùng cho đủ chỗ. Cảnh tượng náo nhiệt phòng ăn thực tương phản với những phòng ăn khác chàng đã qua, thực khách thầm thì giấu giếm. Ở đây, ăn nói tự nhiên, thẳng thắn, không e dè kiêng nể. Chàng được xếp vào bàn cạnh cửa sổ nhìn xuống bờ sông, cùng với một lão trượng, và hai vợ chồng chủ thuyền buôn, mới đến chiều này, thêm một ngạc nhiên: ở đây nam nữ chung bàn, không phân biệt. Trong câu chuyện, Quốc Đức được biết, hai vợ chồng chủ thuyền họ Hà, phụ trách ngoại thương, hai vợ chồng mỉm cười tinh nghịch khi hỏi về những trở ngại trong hành trình. Họ rói rằng, không bao giờ có nguy hiểm trên dòng sông, vì chính bọn Hắc y rất cần họ. Còn lão trượng họ La, năm nay tám mươi lăm mà quắc thước, trang kiện, cặp mắt xoi mói tinh anh, làm chàng nghĩ tới Phan lão trượng. Võ nghệ thì không chắc lắm, nhưng về văn học, La lão trượng đó thuộc bậc uyên thâm, căn cứ vào lời phê bình mấy bức hoạ « võ thuật ».
Theo lão trượng, bốn bức họa chứa đựng tất cả những trái ngược vì cá tình và tâm tình của tác giả, nét bút biểu lộ tính chất vừa anh hùng, vừa mềm yếu, vừa nên thơ êm dịu, vừa cứng rắn khô khan, vừa đầy tình cảm tự do, vừa đứng đắn khuôn khổ, nhưng có nhiều nét chấm phá vô tình bày tỏ những cảm xúc dục tình của một chàng trai đang độ xuân tình, mà lão trượng nhấn mạnh, không phải là một tội lỗi yếu hèn, nhưng do bản chất tự nhiên của con người lành mạnh.
Phân tích của lão trượng làm Quốc Đức giật mình. Tâm trạng ấy chính chàng cũng không biết, nay lão trượng vạch ra, chàng thầm nhận là đúng thế. Trong khi vẽ, chàng theo tiếng nhạc và giọng ca của nữ chủ nhân, nhìn sắc đẹp của nàng, lại nghĩ đến hình ảnh cám dỗ của Bế Nông Lan, và … thân hình thần tượng của Quế Anh yêu dấu.
Một bầy nữ chiêu đãi viên bước vào phòng. Hơn chục nàng tiên, mỗi người một vẻ, bận đồng phục, y màu nâu nhạt, xiêm lụa đen dài tận trên mắt cá, hài nâu cùng màu áo, đế giày.