Võ hiệp lịch sử tiểu thuyết
Chương 21.

 
21.Giữa Kẻ Chợ Chú Cậu thị hùng,
cùng các em QuốcĐức ra tay.
Khi đoàn người ngựa đến ngang bến Nứa thì thì thấy dân khu phố Đường Nhân, phường Đông Các và lân cận kêu la chạy trốn:
- Coi chừng, coi chừng! Chúa Cậu! Chúa Cậu!-
Rồi tiếp theo tiếng hàng phố đóng cửa, dọn quầy hàng, tiếng đàn bà con trẻ gọi nhau trốn tránh. Thoáng chốc, con đường đưa ra sông vắng tanh, rồi đến tiếng vó ngựa dồn dập trên đường cùng tiếng quát tháo của bọn thị vệ tiên phong.
Quốc Đức ra lệnh cho mọi ngưòi rảo bước, giao quyền chỉ huy cho Nông Tú Liên đưa nội bọn sang sông. Còn chàng dừng ngựa chặn đường, sẵn sáng đối phó.
Từ ít lâu nay, dân Kẻ Chợ và vùng lân cận mỗi khi nghe tiếng Chúa Cậu đều khiếp đảm, nhất là phụ nữ nào có nhan sắc. Chúa Cậu là em Đặng Thị Huệ, ái phi của chú Trịnh Sâm. Được chúa sủng ái từ khi  sinh Trịnh Cán, nên thế lực của Đặng Phi lên cao tột bực, và họ hàng thân cận của Đặng Phi cũng xếp vào hàng quyền thế. « Một người làm Phi, trăm họ được nhờ. »! Dân Kẻ Chợ hài hước thường nói vậy. Đến khi em trai của Đặng Phi tên là Mậu Lân ra « sân khấu » thì dân Kẻ Chợ gọi là Chúa Cậu. Đặng Mậu Lân, lẽ dĩ nhiên cũng sinh quán ở Phù Đổng như Đặng Phi, sức khoẻ địch trăm người, tính tình hung hãn, đam mê tữu sắc ; đặc biệt người ta cho là « con quỉ dâm dục » đương thời. Đặng Mậu Lân ở một lâu đài tịch thu của một đại thần hết hồi lên voi. Dùng công quỹ tu sửa, trang bị gần như phủ chúa ; vây cánh bộ hạ khá đông, cho nên người đời không ngoa gọi mà « Chúa cậu ».
Mỗi khi ra đường, Chúa cậu theo sau có « một thằng con con »! Đó là một chú nhỏ khoảng mười hai mười ba, không biết tên họ, ai cũng chỉ gọi là " thằng nhỏ" cả Chúa cậu cũng gọi thế. Thằng nhỏ  thuộc hạng tinh khôn, tinh khôn trước tuổi  nhưng thiên về tội lỗi. Nó là tai mắt của Chúa cậu, hay đi dò xét nhà thường dân, hay cả nhà quyền thế. Nơi nào có con gái đẹp là nó mách chủ nó. Chủ nó dẫn thủ hạ tới nhà bắt người đẹp mang đi. Thế vẫn chưa đủ. Chúa cậu thường cùng thủ hạ đi chơi khắp phố phương. Mấy gia nhân đặc biệt mang theo mấy trướng gấm. Đi đường bắt được thiếu nữ nào  vội căng trướng gấm che cho chúa cậu hiếp dâm nạn nhân. Nạn nhân ít khi toàn vẹn thân thể,  có khi mất mạng. Bọn thủ hạ cùng chúa cậu hoành hành. Nhân dân ta thán. Nhiều đơn kiện đến Phủ Chúa  nhưng chẳng có lá đơn nào đến tòa Bố Chánh. Chúa cậu vây cánh khắp nơi, nhân viên thơ lại Tòa Đô sát làm mất tích các lá đơn.. Chúa cậu càng lộng hành.
(Chúa cậu Đặng Mậu Lân là một thứ hầu tước Sade, ở Pháp đương thời ấy hay de Ré (lãnh chúa Râu Xanh) cũng ở Pháp. Hành động của Đặng Mậu Lân làm nhân dân ta thán, mấy năm trước loạn kiêu binh …như thành tích tu hành hổ mang Raspoutine làm tàn diệt thế hệ Nga hoàng, dòng họ Romanov.)
Nông Tú Liên đã dẫn cả đoàn cùng xe lưu ly xuống phà qua sông. Quốc Đức giục ngựa chạy đến nơi xẩy ra nơi tai biến. Biết tiếng Đặng Mậu lân từ lâu, Quốc Đức cho là hôm nay phải cho hắn một bài học xứng đáng.
Chàng tự hỏi thầm: Không biết anh hùng Kẻ Chợ đi đâu hết? Không biết Phi Thúy Song Hiệp ở đâu, mà từ ngày đột nhập lâu đài Đặng Mậu Lân niêm yết tờ cảnh cáo, tới nay không còn tăm dạng? Việc đến tay ta, ta không thể hèn nhát khước từ!
Nghĩ vậy, Quốc Đức giục ngựa vào phố, tuốt bảo kiếm Ngọc Thanh giơ lên, nói:
- Bảo kiếm Ngọc Thanh! hôm nay đến ngày dụng tử cứu sinh! hãy theo ta vào trận! -
Dứt lời, người ngựa nhu bay tới một đám đông vây quanh hai nữ lang giáp lưng nhau chiến đấu. Chung quanh hai nữ lang có đến hơn hai trăm thủ hạ chúa cậu, người dưới đất, kẻ trên mình ngựa, võ khí sáng chói, hăm hở vây bắt hai nữ lang.
Quốc Đức chưa để ý đến hai nữ lang, phi thẳng về phía chủ tướng bọn ấy, chúa cậu đang hét lớn, cách đấy chừng vài sải, gia nhân đã dựng trướng gấm sẵn sàng.:
 - Quân bay, bắt cho kỳ được, phải bắt sống, không được làm chúng nó bị thương. Đứa nào bắt được ta thưởng trăm lạng vàng!-
Chúa cậu còn mải mê chỉ huy thủ hạ, không dè Quốc Đức đến gần. Biết tiếng chưa biết mặt, Quốc Đức hôm nay mới gặp chúa cậu. Đó là một chàng trai cao lớn, vai hùm, hàm én, dáng dấp oai phong, nhưng cái trán thì quá thấp, và đôi mắt thì thực dữ tợn.
Quốc Đức giục ngựa tới sát bên chúa cậu:
- Bớ Đặng quỉ, có ta đây đến lấy mạng ngươi …đẻ trừ hậu hoạn cho nhân loại! -
Dứt lời đánh dứ một nhát gươm. Cái trụ trên mũ của chúa cậu đứt đôi xuống đất.Chúa cậu giật mình, rút gươm giục ngựa lại giao chiến. Chúa cậu bản lãnh cao cường (cũng vì vậy mà chúa Trịnh nể vì và bọn quyền thế cũng không dám ho he phản đối). Lần đầu tiên thấy một tráng sĩ đương đầu với mình, cái tò mò của võ đạo nổi lên, chúa cậu nói:
- Tráng sĩ có điều gì dạy bảo xin từ tốn, để tôi giải thích đôi lời -
Quốc Đức ngạc nhiên trước lời lễ phép của một người cục súc bạo tàn:
- Nhà ngươi tội ác ngập trời, nhân dân ta thán …còn giải thích gì? Chính bây giờ, lúc này nhà ngươi cho thủ hạ vây bắt dân lành …để thỏa mãn dục tình tội lỗi nhà ngươi!-
Chúa cậu:
- Hai con bé này hứa vào Đặng phủ, nay lại bội lời, nên tôi mới cho người bắt …chẳng hay quí tính danh thế nào?-
Quốc Đức:
- Ta thuộc Đặng gia Kinh Bắc, tên Quốc Đức, hiệu Bố Y. Đặng gia Kinh Bắc không có dính líu với Đặng gia Phù Đổng, nhưng nhà ngươi đã làm hại thanh danh họ Đặng -
Chúa cậu ngắt lời:
-Té ra tráng sĩ là lệnh nam của tiên sinh Quang Anh, tôi nghe danh từ lâu -
Quốc Đức vẫn tiếp tục lỗ mãng. Chàng không thèm để ý đến lời lẽ từ tốn của chúa cậu mà chàng cho là giả đạo đức, cố tình che đậy tội lỗi, và cũng lần đầu tiên chàng cố tâm đi vào bạo động tới đổ máu.
- Nhà ngươi phải lập tức thu quân, không được bắt hai người đàn bà ấy -
Chúa cậu bắt đầu hết bình tĩnh:
- Nhà ngươi thực là cố chấp – nhà ngươi không biết ta là em của Đặng Chánh phi, và ta sắp là đương kim phò mã của Trịnh gia …hay sao?-
(Thiên hạ lúc ấy đồn đại Đặng Mậu Lân hỏi con gái của chúa Trịnh, do Đặng phi làm mới. Chúa Trịnh biết tính hung hãn của Đặng Mậu Lân, muốn khước từ mà không được.)
Quốc Đức chẳng thèm trả lời, giục ngựa. Chúa cậu cũng giục ngựa, múa kiếm giao phong. Những đường kiếm công phá và thế thủ của chúa cậu không phải « tay vừa »..Quốc Đức phục thầm lại tiếc chúa cậu đã dùng võ tài đi vào đường tội lỗi.
Hơn trăm hiệp, bất thân thắng bại. Quốc Đức nóng lòng nghĩ đến Tú Liên và Thanh Mai, muốn nhanh chóng kết liễu. Chàng giục ngựa tấn công chung quanh chúa cậu. Chúa cậu hơi luống cuống, bất ngờ ngã ngựa. Chàng định phóng Ngọc Thanh Kiếm kết liễu, nhưng bỗng ngừng tay, nhẩy xuống ngựa, nhặt nhọn kiếm của chúa cậu bị rơi khi ngã ngựa. Ném trả cho chúa cậu, Quốc Đức tiếp tục tấn công. Thêm gần năm chục hiệp nữa. Thủ hạ chúa bây giờ chia làm đôi, một bọn tiếp tục bổ vây hai nữ lang. Hàng phố đóng cửa kín mít, thỉnh thoảng có nhà bạo dạn hé nhìn. Nhiều người hy vọng hảo hán này diệt trừ con quỉ dâm dục chúa cậu.
Cuộc đầu đang sôi động giữa Quốc Đức và chúa cậu thì hai nữ lang đã phá vòng vây. Thủ hạ chúa cậu có thể có người tử mạng, nhưng bị thương thì khá nhiều. Hai nữ lang múa song kiếm phi thân qua bọn người đang tán loạn. Đến gần Quốc Đức thì vừa đúng lúc bọn thủ hạ của chúa cậu lại xông vào vòng chiến. Cuộc đấu càng sôi động. Chúa cậu cũng không hề núng thế, và từ lúc này, chúa cậu cho là giai đoạn tử chiến. Hai nữ lang tới gần Quốc Đức:
- Anh Quốc Đức, chúng em đây, Quế Anh, Quế Ngọc!-
Quốc Đức sửng sốt, từ đầu cuộc đấu, chàng không hề để ý đến hai nữ lang y phục sơn cước, lại bịt mặt chỉ để hở đôi mắt.
Sửng sốt thấy hai em, Quốc Đức đổi chiến thuật, dè dặt hơn trước. Đang định mở đường máu thì ngoài vòng vây bị tán loạn, Thì ra Nông Tú Liên trở lại phá vòng vây trợ chiến. Nông Tú Liên hét lớn:
- Binh đoàn Đặng gia Kinh Bắc tiếp viện!-
Chúa cậu nghe vậy, giật mình hô quân rút lui.  Đoàn thủ hạ hy sinh vây quanh chủ tướng, để chủ tướng nhẩy lên ngựa phi khỏi chiến trường. Đoàn thủ hạ cũng rút theo.
Trên chiến trường còn lại bốn người và vài thủ hạ chúa cậu bị thương nặng. Dân chúng lúc đó đổ ra định xô vào đánh chết bọn bị thương, Quốc Đức cản lại. Chàng đến coi các vết thương cho thuốc. Dân chúng cũng nguôi giận.
Nguôi giận, nhưng dân chúng vẫn hội họp, xôn xao bàn tán. Họ tỏ ý tiếc hận  sao chàng trai không hạ sát chúa Cậu, để làm bài học của dân gian gửi Đặng phi và Chúa Trịnh Sâm.
Quốc Đức nóng ruột từ khi cứu bé Thanh Mai qua hiểm nghèo muốn về Kinh Bắc ngay, nên lễ phép cáo lui.
Cũng nên nhớ rằng, rất ham mê y học, nhất là từ khi hộ sinh cho bé Thanh Mai, Quốc Đức coi như Trời trao cho mình một nhiệm vụ thiêng liêng, cứu nhân độ thế, không cần phân biệt bạn, thù, Quốc Đức đã băng bó chữa thuốc cho tất cả những người bị thương, kể cả thủ hạ ác ôn của chúa cậu. Chính cũng vì hành động anh hùng quảng đại ấy, nhiều thủ hạ chúa cậu sau việc này, bỏ đi nơi khác.
Cũng cần nhắc lại: những năm xẩy ra những sự kiện trên đây là giao thời đặc biệt. Những hiệp sĩ hay những ác nhân vẫn xử dụng những võ khí cổ xưa, cung kiếm, đao, côn. Họ coi khinh những võ khí tối tân đối với đương thời: thanh toán đối phương nhanh chóng bằng súng ngắn, súng dài. Họ cho là một thứ ám khí hèn nhát của những kẻ hèn nhát.
Mãn Thanh luôn luôn đe dọa miền bắc, mỗi khi tấn công nơi nào đền dùng hỏa lực, mà quân đội Mãn Thanh dùng những hỏa khí tân tiến, hoặc làm lấy, hoặc mua của Tây phương. Quốc Đức có bản thuyết trình về vấn đề này, đề nghị mau mau cải tổ quân đội, nhưng chính quyền Lê, Trịnh đều bỏ qua.
Khước từ nghiên cứu khoa học, khước từ học hỏi những mới lạ của phương tây, khư khư bảo tồn cách suy luận mù quáng từ ngàn xưa, đó là một trong những duyên cớ chính về sự thất bại của ta trước sự tấn công chiếm đóng của phương tây trong thế kỷ sau.
Trong viễn trình nhật ký, Quốc Đức có ghi chú phê bình xác đáng, về chuyện Chúa Cậu Đặng Mậu Lân ở khu Kẻ Chợ ấy:
Dân chúng tự nhiên thức tỉnh, hết sợ sệt chúa cậu. Trong khu Kẻ Chợ ấy họ biết chúa cậu sẽ trở lại trả thù. Họ đấu cật, chung lưng, đoàn kết, tổ chức tự vệ. Mỗi khi có đồng đảng Chúa Cậu đến dò xét, họ dang bẫy bắt hết, trói chặt chở qua sông Hồng mang đi đâu, không biết. Chiến thuật Chúa cậu là sai bọn thủ hạ tiền phong dọa nạt, đập phá, Chúa Cậu đến sau can thiệp làm như bênh vực dân chúng. Nhưng hai ba lần đồng đảng đến nơi đều bị mất tích. Chúa Cậu từ ngày đó không bén mảng nơi này.