Võ hiệp lịch sử tiểu thuyết
Chương 28.

 
28. Ở vườn đào Thái, Xuyên kết nghĩa,
La đại Thúc kể chuyện La gia.
Sau nhiều ngày tá túc ở bản Thạch Đào, Nguyên Thái lên đường phiêu lưu.
Đến trước La cô nương, Nguyên Thái vòng tay:
- Nguyên Thái xin bái biệt La cô nương. Hẹn La cô nương ở Trấn Bắc Trường cùng ngày này, năm sau! -
Cúc Xuyên rực rỡ trong bộ võ y màu hồng, không nhìn Nguyên Thái, xỉu mặt, không trả lời. Mọi người ngạc nhiên. La lão bà sắp mắng cháu thì gặp ánh nhìn van xin của chàng.
Cúc Xuyên hãy còn giận chàng vì cuộc đấu khẩu hôm qua, gọi là đấu khẩu nhưng thực ra chẳng có gì quan trọng. Chàng nhận thấy Cúc Xuyên có tính nết của một con trẻ được nuông chiều. Hiếu thắng, hay giận hờn, thực thà minh chính, nhưng không hiền hậu cho lắm. Nguyên Thái hơn nàng có một tuổi, nhưng trường đời học hỏi đã nhiều, khá cao tâm lý, khi đề cao Cúc Xuyên chỉ huy dân bản bắt voi.
Việc xong, mấy ngày sau, nhiều lần Cúc Xuyên muốn đo tài quyền thuật với chàng. Chiều ý, chàng tiếp Cúc Xuyên vài ba hiệp, Cúc Xuyên không hài lòng. Hôm qua, Cúc Xuyên muốn thử thách kiếm thuật, chàng ra điều kiện xử dụng kiếm gỗ…Cúc Xuyên không vừa lòng lắm. Chàng nhận thấy đường kiếm Cúc Xuyên tươi đẹp như hoa nở mùa xuân, nhưng nhiều sơ hở. Không dám va chạm tự ái người đẹp, chàng nhắc khéo:
- Đường kiếm hiền muội đẹp tuyệt trần, nhưng khi chuyển thủ sang công, sư phụ tôi căn dặn phải để dành sức lực, không được có thế nào thừa và nhất là không bao giờ rời con mắt địch…-
Cúc Xuyên nhiều khi đi cho đủ đường kiếm, nhu bài học thuộc lòng. Nhược điểm ấy, chàng nói riêng với La Đại Bá, khuyên đại bá gửi nàng đến Trấn Bắc. Chàng cũng đến đó nhập học năm sau…
Nhắc lại, sau mấy chục hiệp đấu kiếm gỗ, Cúc Xuyên và Tú Thái đi thăm vườn đào của Bản. Vườn đào rộng mười mấy mẫu, mấy trăm gốc dọc ngang thành hàng quanh một nhà chòi, dẫy cột nâng nhà bằng gỗ lim. Nếp nhà cực kỳ mỹ thuật, mái ngói đỏ nâu, hòa hợp với màu sắc núi rừng.
Trái đào ở đây hương vị đặc biệt, dòn, thơm ngọt, da đào như đá vân hồng, vì vậy người ta gọi là thạch đào. Có nhiều cành còn quả muộn, thực đẹp mắt. Khi qua một gốc cây, Cúc Xuyên chụm chân nhảy lên hái một trái đào. Chàng giật mình bái phục tài nhảy cao của nàng, nhẹ nhàng như lá bay theo gió. Chàng hết sức khen ngợi biệt tài: Chụm chân tại chỗ mà nhảy cao quá đầu chàng, không phải chạy từ xa lấy đà như các võ sĩ khác. Chàng hỏi bí quyết học tập, Cúc Xuyên cười nói:
-Anh cứ ở đây ba năm, em sẽ dạy -
Tú Thái biết phong tục vùng này, ba năm gửi rể, chàng vờ như không hiểu, trả lời:
- Thế thì hẹn đến năm sau, ngu sinh sẽ nhập môn sư phụ, còn hiện nay phải đi xa, thanh toán mấy việc cần…-
Cúc Xuyên không thưởng thức câu nói đùa lắm, nàng giận chàng thoái thác. Như mọi lần, không khí căng thẳng gây ra bởi Cúc Xuyên. May một lão trượng cầm gậy trúc xuống thang. Mớ tóc bạc phơ búi trên đỉnh đầu, hai hàng lông mày và bộ râu gần trắng như chiếc áo dài của lão trượng. Đôi hải sảo da nâu cùng màu với dây lưng lụa và cây gậy trúc. Dong dõng cao như La lão trượng, hơi giống nhau, chắc có liên lạc họ hàng, Tú Thái nghĩ thầm.
Cúc Xuyên dẫn Tú Thái đến trước lão trượng giới thiệu, nàng gọi lão trượng là đại thúc.
Em trai của lão bá La Cường. Độc thân từ trẻ, nhận chức gác vườn đào, sống với trời mây, vẻ tiên phong đạo cốt.
Ðại thúc nói:
-Cúc Xuyên tính tình nóng nảy, ương ngạch, nhưng hiên ngang minh chính như nam nhi. Ta đã bảo bố nó phải coi chừng dạy bảo, không nghe, chiều chuộng nó, mẹ nó mất tích từ lúc nó đầy tuổi tôi. Hôm kia nó lên đây cầu cứu ta, muốn ta khuyên cháu ở lại Thạch Đào. Ta ầm ừ, nhưng nghĩ đến ta thiếu thời tự do bốn phương, ta không có quyền cản trở chí khí nam nhi của cháu…-
Đại thúc nói đến đây thì Cúc Xuyên về tới giữa vườn.
Đại thúc nói nhỏ:
- Hay là cho nó đi theo cháu, sau khi…-
Từ nãy, Tú Thái suy nghĩ mung lung. Sau cùng chàng nói:
- Thưa đại thúc, cháu còn trẻ quá, chưa hề nghĩ đến chuyện tơ duyên…-
Đại thúc chưa tha:
- Nếu cháu ở La Trang ba năm thì vừa đúng…-
Chưa kịp trả lời thì Cúc Xuyên đã nhảy lên nhà sàn, kéo Tú Thái cáo từ.
Vừa dứt lờI từ biệt, Cúc Xuyên phi thân xuống đất. Tú Thái ngập ngừng vài giây trên sàn nhà, định phi thân xuống theo, nhưng sau ngừng lại, từ tốn xuống thang. Cúc Xuyên trên mình ngựa ghìm cương, nóng ruột. Tú Thái chậm rải lên ngựa trong khi trên nhà, ĐạI thúc mỉm cười trông theo đôi trẻ.
Cúc Xuyên giục ngựa phi bay, thỉnh thoảng ngoảnh lại. Tú Thái trái lại ghìm cương, không cho ngựa hồi tầu quen sang nước đại.
Không thấy Tú Thái theo kịp, Cúc Xuyên xuống ngựa chờ. Khi Tú Thái đến nơi, nàng dịu dàng, bề trên:
- Anh đừng sợ, con ngựa của anh hiền nhất tầu…Anh người miền xuôi không quen cưỡi ngựa, em sẽ dạy anh, rồi anh sẽ thích thú nghe gió thổi bên tai khi ngựa phi bay.-
- Xin tuân, nhưng hẹn lần sau, mai anh lên đường…-
Tú Thái ngồi xuống mỏm đá bên đường.
Phiến đá nhỏ hẹp. Cúc Xuyên cũng ngồi xuống bên. Tú Thái vội ngồi lui sang bên, nhường chỗ. E thẹn của chàng trai Kẻ Chợ trước tự do, tự nhiên của cô gái sơn lâm. Quá gần mỹ nhân, chàng luống cuống cố kềm giữ xuân tình đột khởi dâng lên vì hương thơm tự nhiên của đóa hoa chớm nở, hương thơm tự nhiên của làn da ngà, quyến rũ, chinh phục. Trong thoáng giây, hiện lên trong mắt chàng hình ảnh thiếu phụ hàm oan trên bè chuối (vụ án Thiện Thành) mà lần đầu tiên chàng nhìn thấy thân thể một phụ nữ không mảnh vải chở che. Hình ảnh vừa gợi đau thương, vừa gợi dục tình của chàng trẻ còn ngây thơ thể chất.
Tú Thái vội trốn tránh vào mẩu chuyện liên tiếp.
- Cúc Xuyên cô nương - chàng trở lại lễ độ, gần như khách sáo – tôi thắc mắc từ buổi dạ tiệc, không được bái yết thân mẫu cô nương, mà mấy ngày sau tôi cũng không thấy bà. Xin lỗi cô nương, tôi có tò mò hỏi thì ai nấy thoái thác, lại khuyên không nên nhắc đến câu chuyện đau thương này…Cô nương coi tôi như anh trai, tôi mới dám đường đột hỏi thẳng cô nương…-
Cúc Xuyên buồn rầu nhìn qua thung lũng, dãy núi xanh lam xa tắp:
- Em cũng hỏi, nhưng chẳng ai nói. Chỉ biết thân mẫu em đi xa khi em lên một. Hỏi thân phụ cũng không được, cho nên nhiều khi em bực tức. Chỉ biết mẹ em tên Kim Chi, họ Ngô, sinh quán miền xuôi, không biết rõ nơi nào. Nếu em biết, em đã bỏ nhà đi tìm.-
Tú Thái dịu dàng ngắt lời, trở về thân mật:
- Nay anh mới hiểu em. Em thiếu tình mẫu tử. Là phận gái, em càng thiếu hơn, cho nên…Tú Thái ngập ngừng vài giây. Thôi để anh dò xét, nếu có thể, giúp em tìm thân mẫu…nếu thân phụ em..cho phép.-
Nói thế, nhưng Tú Thái nghĩ thầm: Chuyện giấu giếm, hẳn là chuyện không vui, tổn thương danh dự, hay quá đau lòng. Nếu tiện, chàng điều tra, ghi lại trong mục chuyện đời, sau này thành tập truyện ngắn đầu tiên trong nước, đó là sở nguyện văn chương của Tú Thái.
Chợt nghĩ ra diệu kế để trốn tránh bẫy tình, chàng nói:
- Cúc Xuyên em, khi ở vườn đào, anh chợt nghĩ đến Lưu, Quan, Trương, anh thề với thần vườn từ nay coi em như em gái của anh. Thân mẫu em cũng như thân mẫu anh. Anh sẽ thay em đi tìm.-
Phản ứng tức thì sôi động, nàng trách móc tới tấp:
- Tại sao không hỏi em trước? bây giờ em làm sao? Em đâu có muốn làm em gái anh…em muốn làm…-
 Cúc Xuyên ngập ngừng…chàng sẽ lợi dụng sự sợ hãi thần thánh của cô nàng.-
Chàng nói:
- Chúng ta học xong ở Trấn Bắc, về đây làm lễ giải thề không muộn.-
Cúc Xuyên không nói gì, mặt đăm chiêu, bực tức, mỗi khi Tú Thái muốn nối lại chuyện trò, nàng trả lời không biết. Cứ thế cho đến La Trang.
Ngựa vừa qua ngưỡng cửa, Cúc Xuyên nhảy xuống, vắt cương lên bờm, đập tay đuổi ngựa vào chuồng, chạy thẳng lên lầu. Bữa cơm tối không thấy mặt. Lão trượng, đại bá và lão bà, như quen với sự khiếm diện của Cúc Xuyên, không ai để ý.
Tú Thái hết sức ân hận. Chàng thực thương mến cô Cúc Xuyên tuy niên tuế trăng rằm mà tuổi tâm tình thì như cô bé mười một mười hai. Lại tiếc chính chàng tuổi tâm tình thì xa hơn nhiều bước. Chàng tặc lưỡi, hóm hỉnh, Cúc Xuyên không phải người con gái đầu tiên chàng hạnh ngộ. Chàng nghĩ đến Mai Trang Hồng, cháu tri huyện Cẩm Giang, Từ Diệu Hồng, xã Tuy Hòa. Và chàng nghĩ đến ba năm « gửi rể », mai một nam nhi…Tình yêu hay là sự nghiệp? Chàng quyết định tiếp tục đường sự nghiệp. Sự nghiệp nào chưa rõ! Phiêu lưu là chính.
Cơm xong, Tú Thái mượn ngựa trở lại vườn đào.
Đại thúc vui vẻ. Phân ngôi chủ khách. Người nhà mang lên khay trà khói bốc hương thơm. Chắc hẳn đại thúc bằng lòng, ít khi có khách hàn huyên.
- Hiền diệt muốn biết phải không? Đại thúc không vào đề khách sáo, nhìn thẳng Nguyên Thái, ngừng vài giây – không chờ chàng trả lời, tiếp tục – cháu sắp nhập môn Trấn Bắc? Ngu lão thực vui mừng, cháu sắp đến một nơi mà triết thuyết Vương Dương Minh được đề cao.
Tri – Hành! phải không cháu? Cái tò mò của cháu dành cho Tri, nhưng nếu có Tri, cháu Hành ra sao? Ta biết cháu, cái gì cũng muốn Tri, hồi chiều ta thấy cháu nhìn một miếng đất gốc cây đào quan sát. Cháu muốn Tri để giải - giải nghĩa tại sao có trái đào tuyệt ngon mùi vị…sự liên lác giữa đất nuôi và hạt giống!
Trong thời kỳ quan du đất nước, ta đã đi mọi nơi Đàng Trong. Đàng Ngoài. Ta đã quan sát những nơi có người ngoại quốc đông, tây. Phố Hiến (Hưng Yên), Hải Phố (Faifo - Quảng Nam) và Cù Lao Phố (Biên Hòa). Ta đã đọc di bút của Chu Thuấn Thủy, học phái Vương Dương Minh, cách đây hơn trăm năm bỏ nước Trung Hoa dưới quyền đô hộ Mãn Thanh, định cư ở Hải Phố, truyền bá triết thuyết Tri-Hành. Tiếc thay nhân sĩ bịt mắt che tai nước ta quá đông…Chu tiên sinh bỏ nước ta sang Nhật Bản, vì chúa Nguyễn Phúc Tần dung túng quan lại Quảng Nam sách nhiễu ông ta! Quan lại nước ta sách nhiễu để ăn của đút lót là cái tệ nạn từ ngàn xưa. Than ôi!-
( Ghi chú của tác giả: Chu Thuấn Thủy (1600-1682) bỏ sang Nhật Bản, được người Nhật quý trọng, vì vậy, hai trăm năm sau mới có Minh Trị Thiên Hoàng (1852-1912). Minh Trị Thiên Hoàng lên ngôi năm 15 tuổi, may được nhiều cố vấn Tân Ý Thức nên mới co nước Nhật ngày nay. Nước Nhật là gương sáng cho các quốc gia châu Á, nếu chúng ta bỏ thời gian gương xấu giai đoàn bành trướng quân phiệt).
Tú Thái lo ngại Đại Thúc sắp thuyết giải sâu thêm về một vấn đề mà Nguyên Thái tuy tuổi trẻ đã học hỏi. Chàng chấm dứt:
- Thưa đại thúc, ngu điệt không thể nào quên cái tình trạng mũ ni che tai của kẻ quyền hành, và những phục tùng mù quáng của sĩ phu không còn đáng mặt sĩ phu. Đã từ lâu, ngu điệt Tri Hành. Tri Hành cho mình để tìm ý thức hệ nhân sinh…Tri hành cho người là mục tiêu cùng nhau đi đến canh tân. (Câu nói không sáng nghĩa lắm. Tú Thái cố tình chăng?)
-Ngu điệt rất hổ thẹn đã đến trường ốc để thi thố văn học tứ thư, ngũ kinh cổ hủ. Cái mũ Tú Tài của ngu điệt tượng trưng cái hèn nhát đó. Nhưng xin hứa với Đại Thúc, hiện thời cháu …chỉ góp Tri, góp thực nhiều Tri, đợi thời Hành!-
Đại thúc vui vẻ ngắt lời:
- Ta biết, ta Tri, ta biết cháu muốn biết, câu chuyện ta nói hồi chiều, về thân mẫu của Cúc Xuyên. Ta không để cháu chờ lâu hơn nữa.-
Đại thúc nhấm nháp nước trà, tiếp tục:
- Ta sắp nói ra cái bí mật của La gia, bí mật gìn giữ mười mấy năm rồi. Đêm nay là đêm của số mệnh. Được biết tài văn chương của cháu, Ta kể cho cháu nghe để ta giải tỏa những đè nén trong lòng. Cháu hứa với ta: cháu chỉ cho Cúc Xuyên biết khi nào cháu gái ta có chồng con. Bí mật này ở Thạch Đào không ai biết, vì gia đình họ La đến định cư mới hơn mười năm, khi Cúc Xuyên lên hai, lên ba.
Cháu đã biết, gia đình gốc Trung Hoa, nhưng định cư đất Việt hơn ngàn năm rồi. Mọi người trong gia đình đều coi mình là con dân nước Nam. Chiến công chống Bắc xâm, nhà Nguyên, kể cả nhà Minh, ngày nay đều có ghi trong gia phả. Tập quán, phong tục, có đổi thay chút ít, nhưng ai cũng nói hai thứ tiếng Trung, Việt…Tổ tiên ta cũng có người dự các phái đoàn bắc cống, trong nhiệm vụ an ninh hay thông dịch.
Thân sinh và thân mẫu ta đều hành nghề y dược. Song thân ta có nhiều môn thuốc tốt ghi chú truyền bá, không có bí mật gia truyền như phần đông. Song thân thuộc hiệp phái Hoa Nam, ngành y. Trưởng chi là một bậc hiền triết gương mẫu truyền bá triết thuyết vị tha…không kéo bè kết đảng, mục tiêu phục vụ dân lành. Ông bà chỉ có hai con trai, anh ta là La Cường, ông của Cúc Xuyên, còn ta tên Hùng, La Hùng. Người đời cho ta một « nhạo danh » La Đà Cư Sĩ, vì ta luôn luôn đi đây đó…Cháu đừng cườI, rồi đây cháu cũng la đà đây đó như ta. Ta không nhầm người. Cháu là người nối ngôi La Đà Hoàng Đế..-
Nói đến đây Đại Thúc ngửa mặt lên trời cười vang, tiếng cười trong sạch, hiên ngang, không mảy may kìm hãm. Vài phút im lặng. Uống một hớp trà, Đại Thúc trở lại nghiêm nghị:
- Lẽ dĩ nhiên anh Cường và ta được giáo huấn theo khuôn khổ, lý tưởng gia đình. Anh ta và ta đều biết y dược, nhưng không ai nối nghiệp hành nghề, bởi vì cả hai người đều thích canh nông. Anh ta tổ chức nông trại ngũ cốc, còn ta chuyên môn trồng hoa, trái cây. Ta kiếm được ra cách ghép giống, ghi chép rồi, rồi đây giao cho cháu đem đi truyền bá...ta nhớ lại cháu cũng như ta hay nghiên cứu đất đai cây giống...
Tú Thái trìu mến nhìn đại thúc, nhẫn nại, cười thầm: thì ra Đại thúc kể chuyện cũng la đà thực.
-Song thân không ghét bỏ anh em ta, nhưng nhiều lúc tỏ ra thất vọng. Sau cùng ông bà nguôi nguôi, nhất là từ khi có năm đồ đệ, ba nam hai nữ đến nhập môn.-
Anh Cường ta không la đà như ta. Anh vội vàng say mê cô đồ đệ giỏi nhất của ông bà, tên là Trần Kiều Hạnh đến nỗi ông thân sinh phải cảnh cáo đôi lần. Nước đổ lá khoai. Vả lại ta bênh vực anh chị ta. Hai người quấn quít bên nhau, có gì tội lỗi. Ta cãi: Đó là luật trời, bố mẹ không nên kìm hãm. Mẹ ta thì quý mến con dâu, vừa là con dâu, vừa là học trò giỏi. Kiều Hạnh có cô em kém ta hai tuổi, tên Kiều Dung. Anh Cường cứ thúc giục ta:
- Chúng ta đóng vai Tôn, Chu đi!
Cháu thừa biết chuyện Đại Kiều, Tiểu KIều ở Giang Đông thời Tam Quốc. Hai chị em, vợ Tôn Sách và vợ Chu Du. Ta cũng xuôi ta đóng vai Chu đi gặp Tiểu Kiều Trần Kiều Dung. Nàng xinh đẹp như kiểu Cúc Xuyên, cháu ta. Nhan sắc làm đổ vỡ thành trì của ta, ta cho anh ta có lý, ta cùng anh ta đóng vai Tôn, Chu, hạnh phúc. Chính anh ta và ta xây Đồng Tước khóa xuân hai kiều…cho ván đã đóng thuyền vì gia đình họ Trần sinh ra mỹ nữ, có nhiều Tào A Man nấp chờ ngoài ngõ.-
Tú Thái mải mê nghe Đại Thúc vô cùng hài hước, đầu tiên ngạc nhiên, rồi sau thông cảm ; câu chuyện đau thương biến thành hài hước chỉ để che đậy đau thương. Cười ra nước mắt ở đây chăng? Tú Thái tự nhủ, ngước nhìn Đại Thúc.
-Không ngờ Kiều Hạnh hiền hậu nhu mì bao nhiêu thì Kiều Dung kiêu căng, chua ngoa bấy nhiêu. Cái tự ái nam nhi của ta không cho ta nhìn xa hơn cái cảm tưởng đầu tiên ấy. Kiều Dung đẹp, đẹp lộng lẫy kiêu sa. Nghe tiếng nàng văn hay chữ tốt lại biết gia đình nàng giàu có. Chị Kiều Hạnh về nhà ta với của hồi môn khá lớn. Chị dùng tiền ấy xây cửa hàng, trang bị dãy tủ thuốc có một không hai trong nước.
Tuổi trẻ khẳng khái, bồng bột, ta trách anh ta không biết xấu hổ, thân cư thê. Ta thì không thèm ăn nhờ nhà vợ, ta sẽ tự lập làm giàu cho họ biết tay…ta sẽ làm giàu bằng nghề bán cây giống.
Một hôm đông đủ bạn bè ở vườn chè, ta ngỏ ý với Kiều Dung về dự định trong tương lai, rồi ta ngắt mấy lá trà:
- Trần tiểu thư coi mấy lá trà này không được tốt lắm, tôi tìm cách cho lai giống, vùng này chúng ta sẽ có thứ trà đặc biệt…
Chưa nói hết câu, Kiều Dung cười khanh khách, gọi mấy cô bạn hành đến cạnh nàng:
- Em xin giới thiệu với chị anh Hùng, người anh hùng của em », rồi nàng hát:
….Để em mua mấy thước vườn
Cho anh cuốc xới cam đường, cam chanh
Con choè, con yến, con oanh
Véo von nó hót trên cành mỉa mai:
Chồng em, cán thuổng, cán mai…
A ra con bé này khinh người, lại chế nhạo cả ta đang nghiên cứu ghép giống hai thứ cam…
Tím mặt ta bỏ đi thẳng, không thèm nghe Kiều Dung đằng sau gọi ta mấy tiếng. Cái tự ái mù quáng làm ta quên Kiều Dung chỉ muốn đi vào cuộc thi hát thông thường vùng này…
Hiểu ra thì đã năm năm phiêu lưu tứ xứ. Khi ta về thì Kiều Dung đã lấy chồng hơn ba năm, mà gia đình đã chuyển đi nơi nào không biết. Ta đau thương, đau thương quá mức…Thì ra ta yêu Kiều Dung…tại sao lúc đó ta không hát tiếp:
Ừ, anh cán thuổng, cán mai,
cuốc, đào, anh dựng lâu đài nhốt em…
lại bỏ đi. Cái kiêu hãnh, chua ngoa bề ngoài chỉ là cá tính vui đùa của nàng…biết ra thì quá muộn ta lại lên đường tứ xứ, tâm niệm tìm nàng. Tìm nàng để làm gì? Trời biết! Ta như người mất trí. Sau, ta kiếm ra. Nàng ở phường Đông Các, Kẻ Chợ. Chồng nàng họ Ngô, có cửa hàng vàng, bạc, danh tiếng. Có Trời chứng giám, ta không hề có ý tưởng phạm đạo lý luân thường. Gần nàng là ta sung sướng. Ta đến phường Đường nhân, mở tiệm thuốc. Mở tiệm dễ dàng vì có bạn bè giúp đỡ.
Một sáng kia, lương y họ La đến tiệm vàng họ Ngô đặt một bình rượu bạc. Nhận ra ta, nàng không giấu vui mừng mà ta thì con tim rộn rực. Ta đưa nàng bức họa mẫu bình, nhìn nàng sung sướng. Nàng luống cuống, sau cùng trấn tĩnh. Đôi hàng răng ngọc đẹp hơn xưa, nụ cười kiêu kỳ thành thị? Nàng bảo người thợ gọi chồng. Ngô chủ nhân lịch sự chào hỏi. Ta thành bạn thân của đôi vợ chồng họ Ngô, vả lại ta là em trai chồng chị Kiều Hạnh của nàng, cho nên càng thêm mật thiết.
Cháu ơi, ta yêu nàng, chỉ muốn thấy nàng là ta ăn no ngủ kỹ, có thế thôi.
Nàng cứ mối lái nhiều lần, giục ta lấy vợ, ta đều từ chối. Có lẽ nàng lo sợ một nguy cơ nào đây sắp đến bên nàng và ta…
Ta cũng bắt đầu lo ngại, định nghe lời nàng lập gia đình cho « xong chuyện ». Đang chần chử thì có nguy cơ. Nguy cơ vì thời thế, không phải nguy cơ mà  ta e ngại.
Một sáng, tiếng gõ cửa dồn dập, thúc bách. Ta bừng tỉnh mở cửa: Hai vợ chồng Kiều Dung cùng đứa con gái độc nhất, lên tám, chạy nhanh vào nhà trong. Ta vội đóng cửa, qua khe cửa, nhìn thấy khoảng một tiểu đội quân binh, mang dấu hiệu phủ Trịnh, thuộc binh đoàn hung hãn nhất. Người dẫn đầu ta nhận ra là Phân đoàn trưởng họ Tạ, phụ trách nội cảnh khu Thủy Quân Hồ (Hoàn Kiếm). Cháu hẳn cũng biết, Nội cảnh đoàn trông nom an ninh chính trị, quyền tiền trảm hậu tấu, hoạt động cạnh tranh với một tổ chức tương đương của cung Lê. Cũng may, tổ chức này yếu hơn nhiều…
Tạ Nội cảnh cùng thụ hạ chạy như bay về cuối phường…Ta đoán là ba cảnh tuần viên Đường nhân đã nói dối, không mách gia đình họ Ngô đã trốn vào nhà ta: Cái tinh thần đoàn kết giúp nhau phường Đường nhân tồn tại nhiều triều đại.
Nguy hiểm quá, coi như đã qua, ta vào nhà trong, sau khi bố trí gia nhân canh phòng cửa ngõ. Ta thật kính phục vợ chồng họ Ngô. Ngô sinh, bình tĩnh, ít lời, dựng kiếm bên tràng kỷ, vòng tay chào, xin lỗi làm kinh động nhà ta. Lẽ dĩ nhiên ta lễ phép đáp lại. Kiều Dung cũng không tỏ ra lo lắng sợ hãi. Vẫn nụ cười kiêu sa chế nhạo. Bản tính vui đùa mà ta đã nhầm là thái độ rẻ người…lỗi ở ta, đến bên hạnh phúc mà không biết. Biết thì quá muộn.
Kiều Dung, bình tĩnh, giãi bày tình trạng. Không có gì phức tạp, chỉ là một việc thông thường, một việc thường tình trong xã hội này. Quan lại, chức việc mọi cấp bóc lột dân lành đủ cách.
Kiều Dung tóm tắt: tám năm mở cửa tiệm, cứ chờ mãi một ngày mai tươi sáng, nhưng từ khi treo biển, chưa thấy lời khi tính sổ cuối năm. Hàng năm cống hiến phủ này, đô nọ, nơi thì năm lượng, nơi thì mười lượng, thậm chí lính lệ, cai cơ, mỗi khi chủ sai đến tiệm, thì người này năm quan, người kia ba quan…Chủ giỏi thợ hay, khách hàng khá đông, thế mà tay không vẫn thành tay trắng. Cách đây vài ngày, Tạ Nội cảnh cho người tâm phúc đến mua năm lượng vàng. Hắn chỉ mang có năm quan tiền đến mua năm lượng vàng. Hắn lại nói chủ nhân hắn, đáng lẽ không đưa đồng nào, nay đưa năm quan, để cho chủ tiệm « lấy may »…Chồng nàng xưa nay, nhẫn nại, bình tĩnh, nghe tới tiếng « lấy may », chàng đỏ mặt tía tai, tay đặt trên chui kiếm giấu trong quầy hàng, cho tới khi tên ấy nói:
- Còn về phần tôi, tôi xin đôi hoa tai chừng năm chỉ…
Chàng rút kiếm gạt phăng năm quan tiền trên quầy rời xuống đất, dây dứt tiền rơi lẻnh rẻng xuống nhà. Tên ấy không kháng cự, bỏ chạy.
Biết sắp có nhiều hậu quả hiểm nghèo, chồng nàng bố trí, giấu nàng và con gái ở khu giáp ranh Đường Nhân, rồi cùng hai ba thủ hạ tộc thuộc, ở lại tiệm đương đầu. Kiều Dung quyền kiếm yếu lược, mặc dầu giỏi cung tên, chồng nàng không cho ở lại, giao cho nàng nhiệm vụ bảo vệ con gái, tên Kim Chi.
Quả nhiên, hai hôm sau, Tạ nội cảnh đích thân đến tiệm:
- Ta tin ông, xưa nay đóng góp cho « công ích » đều hòa, nhưng năm nay tình thế khác năm qua, năm lượng ta « mua » cũng dùng vào « công ích » bất ngờ. Tìn rằng vì không có mặt ta và không có chữ ký, ấn tín của ta, ông mới phạm tội mạn thượng…
Ngô chủ nhân định mở mồm, Tạ nội cảnh nổi lôi đình:
- Nhà người câm miệng, những hành động bí mật của nhà người, của vợ ngươi, con gái ngươi. Từ ngày hôm kia, cả ba có tên trong danh sách điệp viên của Đàng Trong. Tội tử, nhà ngươi nghe không?
- Thưa Đại nhân, quả thực oan uổng, tôi và tiện nội, không có dính dáng gì về chính trị, Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài. Con tôi mới tám tuổi…
Chồng nàng chưa nới hết câu, Tạ nội cảnh đập quầy quát lớn:
- Nhà người còn chối cãi, con gái nhà ngươi, con Kim Chi hả? Nhà ngươi dùng nó đưa thơ liên lạc…cũng tội tử như bố mẹ…nhưng ta khoan hồng, nếu nhà ngươi là người ăn ở « có nhân, có nghĩa » ta sẽ xóa ba tên trong sổ…Ngày mai, đầu giờ Thìn, ta sẽ lại đây, để lấy những gì ta đặt « mua », và thâu lại năm quan tiền, nếu nhà ngươi không muốn giữ…
Nói xong hắn cùng đoàn nội cảnh rút đi.
Kiều Dung tiếp tục:
- Đấy là chuyện hôm qua, chúng nó hẹn đầu Thìn, nhưng sáng nay, mới có giờ Dần mà bọn hắn đã đến. Cũng may chồng em cho gia nhân tản mác từ đêm qua, còn lại chồng em, và em cùng con gái sẵn sàng. Nghe tiếng đập cửa, chúng em theo đường bí mật chạy tới nhà anh. Trời thương, anh thính tai, chính anh ra mở cửa…thế là anh cứu mạng chúng em và cháu gái.
Ta giấu ba người trong nhà trong ba ngày. Đến ngày thứ tư, Ngô chủ nhân nói:
- Không thấy dấu hiệu lùng bắt chúng tôi ở Kẻ Chợ, nhưng lẽ dĩ nhiên, không thể tái xuất lộ…ba ngày hiền huynh che chở, ngu đệ và tiện nội có dịp suy nghĩ chuyện đời…đau lòng trước những thối nát của chính quyền, và cái hèn nhát của sĩ phu, đất nước lầm than, khổ ải từ bao đời, cái sợ truyền kiếp trước chính quyền mọi thứ bực, làm con dân giây phút nào cũng nghĩ cách đối phó, để bảo toàn tính mệnh, tính mệnh chính mình, thì còn làm sao nghĩ đến thiên hạ?
Ta không ngắt lời, lần này Ngô quân nói nhiều, gẫy gọn, thanh âm cương nghị, còn Kiều Dung âu yếm nhìn chồng, không hé môi. Cháu ơi, đừng chê trách ta, ta cảm thấy hơi ghen vì chỉ thấy có Ngô quân trong ánh nhìn trìu mến của nàng…
Chàng tiếp:
- Tiện nội và tôi đồng quyết định, hai chúng tôi phải theo gương các bực nam anh, nữ kiệt ngày xưa, quyết định đêm nay lên đường làm bổn phận con dân, diệt tà, phù chính, chưa biết đường lối rõ ràng, nhưng sẽ tùy cơ ứng biến…
Duy có một điều hai em phải nhờ hiền huynh…nói thẳng, hai em, giao cho hiền huynh cháu Kim Chi…Hiền huynh coi nó như con hiền huynh, tùy hiền huynh liệu định dạy bảo nó nên người…
Dứt lời, Ngô quân đặt lên bàn tay một túi da rất nặng. Mở dây, Ngô quân đổ ra bàn mấy chục viên bích ngọc, hồng ngọc, cùng mấy chuỗi dây ngọc thạch, và hai trăm lạng vàng. Từ nãy ta chưa hề hè môi, chối nhận, lưỡng nan, nay lại thấy bày ra bàn một cái kho tàng vàng bạc, châu báu lớn như vậy, ta bỗng đỏ tai, nổi giận:
- Ngô huynh và hiền muội coi thường tôi quá. Gia huấn họ La không dạy tham bạc tiền, mấy đời rồi, thanh bạch thiện lương, cứu nhân độ thế…
Ta chưa dứt lời, thì Kiều Dung đứng dậy, đến bên ta, dịu dàng:
- Đây là lần thứ hai La huynh nổi nóng. Lần đầu, em vẫn chưa quên. Không bao giờ hai em có  ý tưởng mua anh bằng tiền bạc. Chỉ muốn anh lưu ý, những của báu này, nhờ anh giữ hộ, của hồi môn của Kim Chi, anh cho nó khi nào nó lấy chồng…sau khi trừ phí tổn dạy dỗ nuôi nấng…
Ta hổ thẹn trong lòng, chưa khỏi bồng bột, nóng nảy, muốn ôm nàng vào lòng xin lỗi, nhưng luân thường đạo lý…ác nghiệt cháu nhỉ…
Quen với thương trường minh bạch, ta kiểm điểm châu bàu, vàng bạc, ghi trên giấy…bảo ký thì hai người đều từ chối…ta đành tự ký, cho tất cả vào bao da…
Đêm ấy, giờ Hợi, Ngô quân và Kiều Dung từ biệt. Hai người nói đi Đàng Trong. Hai người đi Đàng Trong chỉ vì địa danh Đàng Trong, chính Tạ nội cảnh nêu ra.
Kiều Dung dẫn Kim Chi đến trước mặt ta. Nàng đặt tay Kim Chi vào tay ta. Lần đầu tiên ta chạm tay Kiều Dung. Mấy ngón tay búp măng như lụa mỏng, làm ta đê mê xúc cảm:
- Anh La Hùng, em ký thác số mệnh con hai em cho anh…ngập ngừng vài giây, nàng nói:
- Đáng lẽ là con anh đấy nhỉ?
Nàng ngước mắt nhìn ta, hai hạt châu cuối mắt. Ta không nói nên lời, ôm Kim Chi vào lòng. Cháu bé không khóc, nhưng đôi mắt sưng đỏ. Cháu đã khóc từ trước nhiều rồi.
Ta lo ngại câu nói cuối cùng của Kiều Dung làm Ngô quân phật ý, nhưng khi Ngô quân và ta nắm tay nhau từ biệt, thì ta biết Ngô quân hồn nhiên dành cho một tình bạn thắm thiết, không để ý đến câu nói ý nhị của nàng.
Hai người ra đi trong đêm tối, để lại cho ta hai kho tàng, cái kho tàng châu báu và cháu Kim Chi mà từ nay, ta phải trông nom gìn giữ.
Ta đã có dự định âm thầm. Thu xếp xong công việc, ta sẽ đi Đàng Trong, trên vết đi của hai người. Ý nghĩ cuồng dại, nhưng không hiểu sao, ta như người tự động..cứ tâm niệm trở lại đường phiêu lưu số mệnh.
Để bọn nội cảnh khỏi nghi ngờ, ta tiếp tục hoạt động lượng y mấy tháng. Kim Chi, ta cho ăn mặc theo kiểu Trung Hoa, nhưng không cho ra đường. Mùa thu năm ấy, ta cùng Kim Chi xuống thuyền theo sông Hồng đến cửa biển Thái Bình. Rồi từ cửa biển này, ta dùng thuyền ven duyên, đi Ninh Hải, thị trấn giáp với Trung Hoa, nơi đây, song thân ta, anh Cường và chị dâu hành nghề y dược.
Hơn tháng trời mới về tới nhà.
Song thân ta, anh ta, La Cường, và chị dâu Kiều Hạnh, được ta kể lại rành rọt. Hội đồng gia đinh nhất định giữ kín. Đề phòng tiết lộ, không ai được cho bọn hai đứa trẻ, Đại Hoành và Tiểu Sơn, lúc đó Hoành mười một, Sơn lên mười. Không cho chúng biết vì sợ trẻ con thóc mách. Kim Chi là con ta, cả Kim Chi cũng nhận như vậy.
Thân sinh ta chỉ túi châu báu:
- Họ La ta từ ngàn xưa, chữ Tín làm đầu. Không được ai xử dụng kho báu này. Nhà ta có thể nuôi nấng cháu ta. Giấu giữ khi nào bố mẹ nó trở về giao lại, hoặc theo lời dặn của bố mẹ nó…Ai nấy tuân lệnh.
 Sau này Kim Chi thành gia thất, anh ta và chị Kiều Hạnh cũng không giao cho Kim Chi vì chuyện tình duyên của Kim Chi khác thường, ta sẽ kể sau. Hội đồng gia tộc quyết định sẽ trao lại cho con của Kim Chi là Cúc Xuyên…
Cúc Xuyên chưa biết chuyện kho tàng ấy. Nay cháu biết…vậy nếu cháu lấy Cúc Xuyên…
Không thể để Đại Thúc nói hết câu, Tú Thái cười, nói:
- Thưa Đại thúc, cháu đâu có dám chê Cúc Xuyên, Cúc Xuyên là một tuyệt thế giai nhân, chắc hẳn giống Ngô phu nhân Kiều Dung, nhưng cháu biết chắc cháu và Cúc Xuyên không có tơ duyên thiên định-
Đại thúc:
- Ta thử đùa cháu thôi. Ta biết. Ta kể tiếp. Giao Kim Chi cho gia đình, mấy ngày sau, ta lại lên đường, không qua Kẻ Chợ, tiệm y dược đã có người bạn đảm nhiệm…Ta lên đường theo vết chân hai người. Bao nhiên quán trọ dọc đường đều được ta thăm dò. Trong nhà Hồ, phá Tam Giang, Lũy Thầy, ta đều đi qua…Để ý nhất những nơi có nhiều người ngoại quốc. Ta đoán hai người đi học hỏi những gì mới lạ…Quả nhiên đến Phố Hải (Faifoo, Quảng Nam), tìm được nơi trọ của hai người, thì chủ quán cho biết họ đã từ biệt hai tháng trước. Rồi chính ta cũng phiêu du tứ xứ …rồi dần dần ta đi đến thất vọng, kiếm khách thập phương, tu luyện đường gươm lối kiếm…trong mục đích vị kỷ tranh giành, đố kỵ, hằn thù, hiếu thắng, thậm chí có kẻ bợ đỡ chính quyền hà khắc…Thôi không nói hết được cái thất vọng. Hơn mười năm sau trở về nhà với bộ tóc hoa râm, để được biết tấn thảm kích trong gia đình vừa xảy ra, mà chính ta đã là cái nguyên nhân thiên định…
Ta nghe chị Kiều Hạnh kể lại, tâm can chán ngán, mệt mỏi thể chất, tinh thần…
Kim Chi sống với hai anh, Đại Hoành và Tiểu Sơn, trong không khí gia đình đấm ấm. Kim Chi và hai anh cùng học một thầy về văn chương, thơ phú. Đại Hoành và Kim Chi tâm đầu ý hợp, trong thơ văn và trong nhiều lãnh vực khác. Tiểu Sơn rất tinh khôn nhưng lười biếng, lại có nhiều bạn ăn chơi, cờ bạc. Anh chị ta mắng mỏ cằn nhằn, vô công hiệu. Hai anh em đều võ nghệ nhưng Tiểu Sơn kỹ thuật cao cường...anh chị ta rất lo ngại...
Đại Hoành thì cố gắng trông nom cửa nhà, cùng anh ta hành nghề, những khi không bận canh nông đồng áng.
Kim Chi theo lời chị ta, càng lớn càng xinh đẹp, xinh đẹp hơn mẹ nó, nhưng khác hẳn, không có tươi cười cởi mở…trái lại thoáng buồn khoé mắt, chiều chiều buồn rầu nhìn qua dãy núi xa xa đón nhận mặt trời trong sương lam…Buồn tự nhiên của gái dậy thì, hay của thiếu nữ đã lớn khôn, thương nhớ bố mẹ? Những câu thơ Kim Chi viết, đều đượm buồn man mác…Kim Chi chuyên bút nghiên, không thích đao cung, nên có vẻ yếu đuối, mảnh mai.
Khi Hoành hai mươi mốt, thì Sơn hai mươicòn Kim Chi, mười tám tuổi tròn. Thân sinh và thân mẫu ta đã tịch vài năm trước. Anh Cường ta, và chị Kiều Hạnh tưởng cần phải nói rõ cho Hoành và Sơn biết cái bí mật gia đình, Kim Chi thì vẫn biết mình không phải con ta. Thế là từ địa vị con chú con bác, Kim Chi và hai anh nó sang địa vị con dì con già.
Hoành vẫn thương yêu Kim Chi như xưa, đàng hoàng minh chính, cá tính tự nhiên của Hoành. Còn Sơn, từ khi biết có túi châu báu của Kim Chi, luôn luôn đòi xử dụng của cải ấy, bạn bè, đàn đúm, bạc bài, nợ như chúa Chổm. Anh chị ta cương quyết chối từ…
Thế là một ngày kia, Tiểu Sơn rắp tâm thực hiện mưu kế thâm độc…
Anh ta và Đại Hoành sang Đông Hưng mua dược liệu, chị Kiều Hạnh thì đi thăm bệnh nhân ngoài tỉnh… lấy cớ cùng Kim Chi đi kiếm cỏ thuốc…Đến nơi, nó điểm huyệt Kim Chi, con bé chân tay bải hoải, kêu không thành tiếng, thế là nó tự do hãm hiếp em nó…
Xong tội ác, nó giải huyệt, Kim Chi cắn răng, lảo đảo về nhà một mình, thằng Sơn đi thẳng đến sòng phán thán.
Chuyện đã rồi, anh chị ta không biết làm gì hơn là, trong gia đình kín đáo, làm lễ gia tiên, coi như hôn phối…Kim Chi, như người mất hồn, bảo sao nghe vậy, nhưng mỗi khi nó nhìn thấy Tiểu Sơn, nó sợ hãi chạy trốn, có khi chạy đến nấp sau Đại Hoành. Lại càng tức tối khi Kim Chi đóng cửa không cho nó vào buồng…Sau cùng, Kim Chi hết chống đối, phải tiếp Tiểu Sơn, nhưng càng ngày càng ít nói, mặt võ mình gầy. Nghịch tử Tiểu Sơn lộng hành. Nó đòi túi châu báu nhưng không ai chỉ chổ giấu chôn. Đỏ mặt tía tai, nó dọa anh chị ta đưa nội việc đến cửa quan. Nó đòi chia của với quan, thế nào nó cũng được kiện…Tưởng Kim Chi biết chỗ, nhiều phen đánh đập Kim Chi, Đại Hoành và anh ta luôn luôn can thiệp. Gia đình ta biến thành địa ngục. Cúc Xuyên sinh ra, Kim Chi tìm lại chút ít vui vẻ. Nghịch tử thì đào bới khắp nơi tìm của, không để ý đến đứa con của nó.
Cúc Xuyên đầy tuổi tôi, sau bữa tiệc, Đại Hoành say rượu ngủ trên ghế dài ngoài sân. Ai cũng ngạc nhiên: lần đầu tiên thấy Đại Hoành uống rượu. Đêm khuya sương xuống, Kim Chi ra đánh thức, Đại Hoành say mê mệt. Kim Chi trở vào mang khăn đắp cho anh. Chẳng ngờ nửa tỉnh nửa mê, Đại Hoành gọi tên Kim Chi, nắm lấy tay. Kim Chi để nguyên vài giây, rồi gỡ tay, xuống nhà ngang gọi gia nhân khiêng Đại Hoành vào buồng. Tiểu Sơn, trên thềm nhà trông thấy lại nẩy ra ý nghĩ thâm độc.
Hôm sau, Đại Hoành đi đến xã Hoành Liên lấy dược thảo. Trên đường đi có một cầu mây, mong manh, bắc qua dòng suối thác. Từ cầu xuống thác có thể năm sáu trượng. Nấp chờ cho tới khi trông thấy anh nó đặt chân vào cầu mây, nó vào cầu. Đến giữa cầu thì hai anh em gặp nhau.
Anh nó chưa biết chuyện gì:
- Chú đi đón tôi có việc gì thế?
Nó rút gươm chỉ anh nó:
- Thôi đi, anh đừng giả trong, giả trắng, anh tư thông với em dâu…
Anh nó giật mình cải chính:
- Chú điên hay sao, ăn nói càn dỡ…
Nghịch tử:
- Nếu anh muốn nó, anh cứ việc, nhưng có điều kiện, anh phải chỉ cho tôi nơi giấu của…
Anh nó nổi giận:
- À ra thế. Chú chỉ nghĩ đến túi của. Chú lấy Kim Chi để đòi của. Tôi không biết giấu nơi nào. Còn tôi, tôi chẳng muốn gì. Tôi thương con Kim Chi như em gái trước đây, nay nó thành em dâu, tôi cũng thương nó như trước, không có gì khác…
Nghịch tử không để anh nó nói hết câu, nổi hung đưa lưỡi kiếm. Anh nó né tránh. Chẳng may anh nó trượt chân ngã. Sắp rơi xuống suối thì bám được vào dây mây, gió đong đưa lơ lững không trung.
Không cứu anh, nó lại tới tấp chặt mây, để anh nó rơi xuống suối. Bất ngờ, trong lúc hùng hổ chặt ngược, chém xuôi, nó cũng trượt chân rơi xuống suối. Anh nó ở đầu dây nhìn thấy nó đập đầu vào tảng đá, rồi theo dòng nước trôi đi.
Anh nó giữ đầu dây, tay đã mỏi đừ. Lên thì không được, mà để mình rơi xuống thác thì cũng chẳng toàn tính mạng. Sau cùng liều mạng, dùng dây mây, như dây đu…may dây không đứt, anh nó ném mình vào một khóm cây nên bờ. Trời thương, chỉ xây xát qua loa. Anh nó chạy xuống hạ lưu. Khỏi mấy dặm thấy xác em mắc ở cành cây sát mặt nước. Kéo em vào bờ, biết là hết phương cứu chữa, chạy về nhà báo hung. Kim Chi nghe tin, dửng dưng chẳng nói lời gì.
Chuyện nghịch tử định giết anh, chỉ có gia đình biết. Người ngoài đều tưởng Tiểu Sơn chết vì rủi ro ngã cầu.
Chịu tang sau ba ngày, Kim Chi đi đâu biệt tích.
Ta hối hận vì ta mang Kim Chi về nhà nên mới ra cớ sự. Đành phải qui vào mệnh trời, mỗi khi nghĩ lại.
Ta đang sửa soạn lên đường đi tìm Kim Chi thì quan quân vây nhà. Anh ta ra đón quan châu. Đại diện chính quyền nói:
- Bản chức nhận được đơn tố cáo: ông dung túng loạn luân, loạn dâm trong nhà. Anh trai mấy em gái, ghen tuông giết nhau. Em gai sợ tội bỏ trốn, bản chức đã cho truy tầm. Nay bản chức phải bắt mọi người về điều tra.
Dứt lời quan sát thủ hạ bắt trói anh chị ta, bắt cả Cúc Xuyên vá vú em Cúc Xuyên. Ta đứng ra phản đối, viên tri châu không nghe, hắn coi Cúc Xuyên như tang vật. Hắn định bắt ta, ta nói đi vắng hơn mười năm mới về không biết chuyện gì. Hắn đuổi ta ra ngoài cùng hết cả gia nhân, niêm phong cửa ngõ, dẫn giải anh chị ta và Cúc Xuyên về châu. Ta biết mấy hôm sau hắn cùng lính lệ thân tín đến đào bới khắp nơi, tìm của nhưng vô hiệu quả. Đại Hoành đi vắng về tới nhà thấy sự thể vội lẫn trốn, đến gặp ta. Ta cùng Đại Hoành tụ tập bạn bè, bố trí cướp ngục. Chuyện cướp ngục ta không kể vì cũng như mọi chuyện cướp ngục khác mà dòng kiếm hiệp chúng ta thường tổ chức.
Đại Hoành và ta cùng những người được cứu thoát, đi dọc biên giới, mấy tháng sau tới Thạch Đào… Anh chị ta say mê phong cảnh vùng này, tái mập nghiệp nhà nơi đây, dân chúng quí mến…mấy năm sau Đại Hoành được bầu làm bản trưởng.
Cháu là người ngoài đầu tiên biết chuyện. Thiết tưởng chúng ta không nên kể lại cho Cúc Xuyên, e rằng nó sẽ lấy tính bố nó? Nhưng muốn cháu ghi chuyện này trong Viễn trình Nhật Ký…-
Đại Thúc ngừng nói. Bầu không khí trầm lặng tràn ngập sảnh đường. Tú Thái viết dòng chữ cuối cùng.
Ánh dương lấp ló đầu núi bên đông. Vài tia nắng sớm xuyên qua màn sương, nhuộm vàng mấy lá đào…Đại thúc lơ đãng nhìn qua cửa sổ, nét buồn man mác…
Tú Thái giàu tình cảm cũng như Quốc Đức cảm thông với Giang Thiên Cước lão trượng ở bờ suối Long Tinh, chàng yên lặng nhìn lão trượng…kính trọng phút đau thương của bạn vong niên.
Chàng viết đầu đề: « Câu chuyện ở vườn đào » trong Viễn Trình Nhật Ký.
Đại Thúc quay lại:
- Đồng ý và khen cháu chọn đầu đề. Vườn đào ngày xưa có trung tín nghĩa. Còn ngày nay…? Dù sao truyện cháu viết sẽ minh biện cho họ La nhà ta trước thế hệ mai sau…-
Rồi Đại thúc kết luận:
- Phải không cháu? Ta đã đi tìm Kim Chi mười lăm măm, đã đi tìm Kiều Dung hơn ba chục năm…ta đi tìm, hay ta theo tiếng gọi phiêu lưu? Ta chưa biết! Giang hồ võ hiệp, con tim sắt đá không ibiết yêu? Ta không phải giang hồ võ hiệp, vì ta đau thương với mối tình tuyệt vọng trọn đời-
Trời đã sáng tỏ. Tú Thái cáo từ..
La lão thúc đứng bên lan can trìu mến nhìn chàng trai lên ngựa rời vườn đào.