Võ hiệp lịch sử tiểu thuyết
Chương 32.

 
32. Đến Trà Bàn gập đôi hiệp liệt.
Cùng lão tiều chiến thắng Giang Đô
Khỏi Trà Sơn đường đi theo một thung lũng phì nhiêu. Bên trái dẫy núi cao, rừng già rất gần đường, thỉnh thoảng nghe tiếng thác đổ rừng sâu, còn bên phải đồng ruộng bát ngát, thực xa, thực xa, phía Nam dẫy núi xanh lam mờ hiên qua sương chiều sắp xuống…
Không thấy bóng dáng ai trên đường và ở cánh đồng: Tin giặc đánh Thạch Đào làm người người còn lo sợ, chưa trở lại mực sống bình thường.
Mùa này, đêm xuống rất mau; chàng rảo bước, biến bộ sang phi, ba bước chạy, hai bước đi…vừa tập luyện, vừa tranh thủ thời gian. Bữa tiệc Trà Sơn làm chàng mất nhiều thì giờ. Chương trình đêm nay tá túc tại xã Trà Bàn. Đầu giờ Dậu (18 giờ) đi được khoảng ba dặm (12 cây số), lưỡng lự ở một ngã ba. Đi thẳng đến Trà Bàn, đường bằng phải ba dặm nữa, rẽ trái băng qua rừng, ngắn được nửa đường.
Nguyên Thái rẽ trái, đường rừng, một dịp học tập, vì từ khi rời Kẻ Chợ chưa vào rừng sâu. Tới ven rừng, trời đổ tối. Tìm quãng đường tối nhất, đu mình lên một cành cây, chàng ngồi yên định thần, phương pháp do hòa thượng Tuy Hòa truyền dạy, hồi lâu, mục giác và thính giác lên cao độ. Nguyên Thái kết luận, như Hòa thượng Tuy Hòa nói, định tâm, cố định tâm, ta có thể chỉ huy được thính giác và mục giác ban đêm…có thể gia tăng. Nghe tiếng chim khe khẽ xào xạc trong tổ bên kia sườn núi, nhìn rõ bước chân mình, nhìn xa hơn mười thước, mà khứu giác cũng lên theo. Thoáng làn gió nhẹ, một mùi hôi hôi qua mũi, Nguyên Thái rút gươm đề phòng…thì trong vài giây, một con giơi bay qua. Nguyên Thái có thể chém đôi con giơi, nhưng chàng không sát sinh vô ích.
Giơi vừa bay qua, nghe tiếng gió sau lưng, đưa lưỡi kiếm. Một chiếc lá rơi đứt đôi trước khi xuống đất. Nguyên Thái hài lòng và tin tưởng, tiếp tục đường đi. Đường đi khó khăn, dưới lá cành chùm kín, thỉnh thoảng mới thấy khung trời xanh thẳm. Không có sương mù như ở Thạch Đào. Đường đi vẫn rõ. Phải qua ba dòng suối. Gần nửa đêm ra khỏi khu rừng, đường mòn đưa xuống một khe sâu, phải qua khe này, sang bên kia sườn núi, lên tới ngọn đèo, nhìn sang Trà Bản, Nguyên Thái giật mình: Trà Bản bốc cháy ngùn ngụt, tiếng tre nứa nổ lốp bốp, tiếng kêu khóc vang đến đỉnh đèo.
- Không thể nào được, chàng nghĩ thầm, tình báo Thạch Đào không nhầm, Bành Đức chỉ có đoàn quân duy nhất, đã bị tiêu diệt…Đoàn quân nào đánh phá Trà Bản?-
Đang suy tính, nhìn thấy ngọn lửa dịu bớt, tiếp theo khói trắng bốc lên, lấy lại bình tĩnh, chàng cho là một hỏa tai, dân làng sắp dập tắt.
Một mình đến bản giờ này cũng vô ích. Theo như đã định, nghỉ lại ven rừng, sáng mai xuống bản. Một tòa miếu cổ, giữa lùm cây, như đón mời. Chàng gõ cửa, không ai trả lời. Đẩy cửa, khói hương lạnh ngắt, mái ngói có hơi thủng vỡ nhìn thấy trời xanh. Kiểm tra, bình hương lạnh ngắt. Một cây nến gãy trên bàn thờ.
Thổi mồi lửa, châm sẵn trước khi lên đèo, chàng đốt nến. sàn bụi bẩn, chỉ có vết chân chàng. Tòa miếu này bỏ từ lâu. Nguyên Thái chặt một cành lá, quét hết vết chân chàng, quét sạch gầm bàn thờ, bàn thờ là một bệ xây gạch, kín đằng trước, kìn hai bên, hở phía sau. Giải chăn nhẹ, lấy hành lý gối đầu, sửa soạn giấc ngủ ngon lành, sau khi tắt nến. Cho tay vào túi, giật mình, chạm phải cẩm nang Cúc Xuyên, tò mò định trở dậy châm nến đọc thơ, nghĩ đến lời hứa, nằm yên với tư tưởng nghịch lý, giận Cúc Xuyên vô tình…lúc chia tay và thương nhớ nàng quá sức.
Chợt nghĩ đến vị thế mình, ban đêm không an toàn lắm, Nguyên Thái buộc chiếc võng nhẹ lên sà miếu gần nóc, nơi kín đáo nhất. Nơi mái ngói, Nguyên Thái hít thở không khí trong lành không còn mùi ẩm mốc dưới gầm bàn thờ.
Khoảng cuối giờ Dần, tiếng vó ngựa chậm chậm lên dốc. Nguyên Thái bỏ võng, nấp trong bụi cây cạnh miếu. Hai người xuống ngựa, buộc ngựa vào gốc cây cau trước miếu. Một nam một nữ, rút kiếm, ròn ren đến cửa miếu…
Hai người xuống ngựa, kiếm cầm tay, rón rèn đến cửa miếu.
Thái hài lòng: thình giác của chàng đến mựa cao, vó ngựa, tuy người cưỡi cố nhẹ nhàng, chàng đã nghe thấy từ cuối dốc. Quan sát, linh tính chàng bảo hai người này không phải lục lâm thảo khấu, một nam một nữ, chàng sang vị thế đề phòng, sẵn sàng đối phó.
Hai người đẩy cửa vào. Chừng hai ba phút lại trở ra, một người cầm chiếc võng của Nguyên Thái, thản nhiên đi ra nơi ngựa buộc. Nguyên Thái đang lưỡng lự, không biết có nên ra mặt đòi võng không, thì người đàn bà bỗng quay lại, dang tay phải. Tức thì như tiếng gió rít, một vật dài bay tới chàng. Chàng đưa kiếm dỡ. Vật ấy rơi xuống đất thì ra chỉ là một khúc gỗ…không phải ám khí nguy hiểm. Tiếp theo một tiếng cười trong trẻo, giọng oanh chế nhạo:
- Trẻ ranh, miệng còn hơi sữa, dàm tự nhận Gia Cát Lượng tái sinh, tới đây, qua mắt ta sao được?…Muốn lấy lại võng đào phải đấu với ta ba trăm hiệp…-
Nguyên Thái giật mình, nghĩ thầm, hai người này có thể biết mình, mà mình không biết họ, chỉ vì mình chưa vào trường đời bao lâu, chàng không nổi giận, bỏ bụi cây, vòng tay chào:
- Ngụ đệ xin lỗi nhị vị hiệp liệt, không ra đón tiếp cho phải phép…sơn lâm hảo hán. Ngụ đệ không bao giờ tự nhận Khổng Minh tái sinh. Đó là người đời nhầm gàn ghép. Gia Cát tiên sinh ngày xưa mưu thần ngoại giao chính trị, tế thế an bang, còn ngu đệ chỉ dự vào bố trí một trận địa nho nhỏ -
Không thấy nữ hiệp ngắt lời, chàng tiếp:
-Còn nếu đấu ba trăm hiệp thì ngu đệ không dám nhận, đành mang tiếng nơi sơn lâm thảo dã…mà nếu nữ hiệp cần võng đào, ngu đệ xin tặng -
Nữ hiệp lại cười to:
- Hai ta chu du thiên hạ đã lâu, nhưng chưa quên chơi chữ, chú em bảo hai ta là sơn lâm thảo khấu, cũng được đi, nhưng muốn ta nhận võng cũng phải đấu ba trăm hiệp -
Dứt lời rút kiếm tấn công. Nam hiệp từ nãy đứng bên, không hé răng. Nguyên Thái rút gươm chống cự. Sang thế thủ nhiếu hơn, chàng cảm thấy nữ hiệp không cố tình hạ thủ, vì nhiều đường kiếm cực kỳ nguy hiểm nàng đều ngừng trước đích. Tú Thái nghĩ thầm, nếu nàng không ngừng mình cũng chống trả được, hồi lâu cũng hứng thú thực tình nhập cuộc. Nửa giờ sau, trời hơi hửng sáng, tấn công của nữ hiệp thêm phần ồ ạt. Một giây sơ hở, kiếm của Nguyên Thái rơi khỏi tay, bay đi cắm vào cửa miếu. Nữ hiệp chỉ kiếm vào ngực chàng. Nhanh như chớp, Nguyên Thái lăn xuống đất mấy vòng tới rút kiếm khỏi cửa, cầm tay. Đó là thế võ « Hắc xà nhập thổ », học cô em gái Cúc Xuyên.
Lúc đó, nam hiệp mới lên tiếng:
- Thôi hai chị em chơi đùa như thế đủ rồi. Tôi xin kính chào Trần hiền đệ. Tiện nội tính hãy còn trẻ con ưa đùa nghịch. Chúng tôi biết hiền đệ đến đây từ lúc hiền đệ rẽ vào rừng sâu -
Nữ hiệp đến trước Nguyên Thái:
- Chị xin lỗi em, đã lâu không được luyện tập. Nên mới thách thức em như vậy. Nếu chúng ta đánh ba trăm hiệp thì biết bao giờ phân biệt hơn thua. Trận này chị thua em rồi -
Giọng nói thân mật làm Nguyên Thái vô cùng thắc mắc:
- Tiểu đệ họ Trần, tên Nguyên Thái, xin được biết quý danh. -
Nam hiệp:
- Phải gặp hiền đệ, vì có việc cần. Chưa thể nói rõ đích danh. Mong hiền đệ nể tình. Còn nhiều việc phải làm và cần lên đường ngay, việc Trà Bàn, tạm giao hiền đệ -
Trời thêm sáng, Nguyên Thái nhận thấy hai người đều đeo khăn che mặt, chỉ để hở đôi mắt. Nguyên Thái tiếc lúc đấu kiếm, nếu chàng làm rơi được chiếc khăn này? Trà Bàn là việc gì?
Nam hiệp tiếp tục:
- Chúng tôi đến cứu xã trưởng Trà Bàn thì đã muộn. Nhà cửa xã trưởng đã bị tay sai của tri châu Thạch Sơn Lê Hán Thụ đốt ra tro, hai người bõ già, không chạy kịp bỏ mạng. Dân làng có nhiều người bị thương…chúng tôi phải đi ngay. Lạm dụng đồng hội danh nghĩa, trao việc lại cho hiền đệ. Đây là ba bức thư chúng tôi lấy được từ tay thông tín viên của tri châu Thụ, hiền đệ nên mang về ngay Trấn Bắc -
Thái định phản đối, thì nam hiệp bỏ lại túi thơ, rồi cùng nữ hiệp nhảy lên ngựa đi khỏi miếu hoang. Chàng bực tức, không có cách bắt hai người ấy dừng lại. Đành nhặt túi thơ. Quả nhiên có ba bức thư mang ấn tín tri châu Lê Hán Thụ, gửi cho ba nơi khác nhau và đối nghịch, nội dung đại khái như sau:
Bức thư thứ nhất, gửi thẳng Võ phòng Trịnh phủ, đường công văn mật thường lệ, tri châu Thụ báo cáo: Lê Tôn Thắng, người của cung Lê dẫn quân Mãn Thanh chiếm đóng Thạch Đào, tri châu Thụ đem quân dẹp yên rồi. Lê Tôn Thắng và các tướng lĩnh đều tử trận. Quân Mãn Thanh hoàn toàn bị Thụ tiêu diệt. Xin ghi võ công của Thụ…
Bức thứ hai: Gửi phủ thừa doãn Lê triều, tường trình Lê Tôn Thắng mang được quân đến Thạch Đào, nhưng có tà mưu phản trắc nên bị thủ tiêu…Dân bản không biết quân Mãn Thanh đến là do lệnh Lê triều, nỗi lên chống cự…Thụ đến thì đã muộn rồi. Thủ phạm xúi giục dân bản nổi loạn là bản trưởng La Đại Hoành va tên thư sinh Trần Nguyên Thái, người của Trịnh phủ, Thụ đã ra lệnh lùng bắt, v..v…
Đọc xong hai bức thư, Nguyên Thái mỉm cười, Lê Hán Thụ tranh công mạo nhận trước Trịnh, và kể công với Lê, làm như hắn ta ở phe Lê triều. Tri châu Lê Hán  Thụ, ở miền hẻo lánh, thượng du, muốn trình báo thế nào, chính quyền dù Trịnh, dù Lê cũng ít khi kiểm soát. Lê Hán Thụ điển hình là một quan lại hai mang khôn khéo, nhưng khi Nguyên Thái đọc đến bức thứ ba, chàng càng thấy chán ghét.
Bức thư thứ ba ngày này gửi cho Tổng đốc Lưỡng Quảng, Thanh triều. Mật thư báo cho Tổng đốc này biết, Bành Đức Dực đã lạm quyền tự tiện dẫn quân vào bẫy Thạch Đào, dù hắn đã cố tình cản trở, không nghe cho nên bị tiêu diệt…
Thế là Hán Thụ không phải chỉ hai mang mà ba bốn mang, bằng chứng tư thông với địch.
Gần trưa xuống tới Trà Bàn. Chỉ có gia cư xã trưởng bị đốt cháy, đe dọa trước khi làm cỏ cả làng. Thủ phạm cướp đốt không phảI thảo khấu mà là đảng tay sai của tri châu Thụ. Chỉ vì Trà Bàn đang điều đình liên minh vớI mấy xã khác, không đóng góp cho tri châu ngoài số sưu thuế công khai thường lệ. Lại thêm, không biết chính tri châu Thụ ra lệnh hay thủ hạ lạm quyền, bọn tay sai vừa đến bắt ba thiếu nữ trong xã mang đi, nói là lệnh quan châu tuyển « cung nữ »…
 Thái thầm cám ơn hai vị hiệp liệt, đã cho chàng biết tình thế. Từ nay chàng sẽ thận trọng đề phòng trên đường đi.
Đầu chàng đã bị treo thưởng chăng? không quan trọng. Chính đạo, đường đi, như Mõ Cẩm Giang hát tiễn chàng.
Ở lại Trà Bàn ít ngày giúp bản trưởng và dân làng để phòng cuộc tấn công mới…Nếu bản nào, xã nào, làng nào trong nước đều hùng mạnh thì cường quyền và xâm lăng hết đường tiến thủ…Hy vọng của chàng…
Thái tá túc nhà ông bà Đoàn Thành Tạo, ở bờ hồ Băng Tâm, một mảnh hồ tuyệt đẹp, quanh năm phản chiếu trời mây. Con trai ông bà bị bắt đi quân dịch, theo lệ ba năm sẽ được về mà nay đã ba lần ba năm vẫn biệt vô âm tín. Hai ông bà chiều chuộng Nguyên Thái, không muốn chàng tiếp tục hành trình.
Bà tiều phu lúc nào cũng lau chùi sạch sẽ cái án thư, và giường của Nguyên Thái. Bà nói với mọi người, Nguyên Thái là con trai trời cho. Ông làm tiều phu, chuyên lấy gỗ quý đóng đồ đạc, nên nhà cửa khang trang. Người con trai, đi quân dịch hồi hai mươi, để lại trong án thư một tập văn viết dở dang, đề ngày tháng từng đoạn thảo, ngoài lề. Thái thấy  một ánh văn nghệ tuyệt tác, vừa lãng mạn vừa mạnh mẽ, một truyện tâm tình tươi đẹp, vừa yêu đời vừa yếm thế, tác giả đề tên: Đoàn Thành Hồ. Văn thể đặc biệt, cách viết gợi cảm, và mạnh bạo tả tình khi tác giả rủ nàng Trang Tuyết Tâm chơi bờ hồ Băng Tâm dưới ánh trăng…có ghi mấy câu thơ của Trang Tuyết Tâm – Tâm tả xúc cảm thầm kín khi nàng ở cạnh Thành Hồ. Nguyên Thái đọc những dòng này, hai tai nóng bừng, nghĩ đến hôm Cúc Xuyên ôm chầm chàng ở Thạch Đào, những cảm giác, chàng không dám nói ra thì Thành Hồ, ở trong áng văn này, đều tả hết…
Thái hơi xấu hổ, hối hận, coi như mình đã đọc trộm những đoạn văn thầm kín riêng tư của người khác, chàng gặp quyển văn để lại chỗ cũ.
Sửa soạn đi gặp xã trưởng để bàn về cách bố trí đối phó với bọn tay sai của tri châu Thụ. Chợt nhớ xã trưởng họ Trang, tên Tử Hùng, cái tò mò văn bút của chàng lại nổi lên, chàng trở về phòng coi lại trang cuối của tập văn, ghi ngày mồng năm tháng năm, năm Giáp Tí, cách đây chín năm, ngày Thành Hồ bị bắt đi quân dịch. Chàng ghi trong trí óc mấy chi tiết, rồi đi gặp xã trưởng.
Cuộc hội kiến với xã trưởng làm Tú Thái ngạc nhiên. Trang xã trưởng không mảy may tiếc hận dinh cơ bị đốt sạch…trái lại nụ cười của Trang xã trưởng biểu lộ hài lòng như vừa trút bỏ một gánh nặng trong thâm tâm. Xã trưởng cùng hai con, trai tên Tử Quý, gái tên Tuyết Hạnh, cũng trạc tuổi Tú Thái, dọn đến ở tạm công quán. Tử Quý và Tuyết Hạnh không được vui vẻ lắm, hai người ít nói, ít cười, nhưng cả hai cương quyết dự vào việc phòng thủ Trà Bàn.
Việc Trà Bàn không quan trọng bằng Thạch Đào về tính cách quân sự, Nguyên Thái chỉ ghi trong Viễn trình Nhật ký như sau:
« Tôi (Nguyên Thái) ở Trà Bàn vài ngày thì được tin tri châu Lê Hán Thụ cùng bọn thủ hạ thân tín, tất cả năm người bị Phi Thúy song hiệp hạ sát. Bản cáo trạng mang dấu hai con chim trả. Tôi giật mình không ngờ đã gặp Phi Thúy Song Hiệp ở miếu hoang. Rất tiếc không thắng nổi nữ hiệp để làm rơi khăn che mặt…
Tôi định ra đi, nhưng hai ông bà Thành Tạo cố giữ lại. Thêm nữa, nỗi lòng thắc mắc về tập văn Đoàn Thành Hồ, tôi nhận lời, ở bên hai ông bà mà tôi coi như song đường của tôi.
Như muốn truyền lại nghề cho tôi, tuy ông không nói ra, ông rủ tôi cùng đi đến nơi rừng sâu nhiều gỗ quý, cách Trà Bàn gần ba mươi dặm. Đến nơi mấy chục người làm của ông đón tiếp, tôi mới nhận thấy tình thầy trò đặc biệt của bọn người khái thác lâm sản. Có mấy người cùng trạc tuổi tôi, còn phần đông từ hai mươi đến ba mươi tuổi, trừ đốc công, một hảo hán râu tóc hoa râm, oai phong như chúa tể rừng sâu. Thì ra, ông Thành Tạo mới vào nghề khoảng năm năm, từ ngày ông đi tìm con trai Thành Hồ.
Ông bà nguyên quán Kẻ Chợ có việc hiềm khích với mấy viên đội trưởng của quận Việp hay quận Huy, rời bỏ kinh thành tội lỗi lên Trà Bàn định cư mười sáu mười bẩy năm. Sinh sống thanh bần, đón củi ven rừng, tuy có một số vàng bạc châu báu giấu cất đề phòng, định tâm còn đi xa nữa. Cách đây năm năm, ông bà chờ con mãn hạn quân dịch mà không thấy về, ông ra đi tìm con, khi đến nơi rừng này gặp hảo hán đốc công, họ Phạm tên Triết, kết thân, ông đem vàng bạc châu báu giao cho Phạm hảo hán để xây dựng nghề này, nay ông trở thành chuyên gia lâm sản mực cao.
Phạm hảo hán và ông dạy tôi nghề này. Tôi ghi chú mục lâm sản cách thức chọn cây, tính tuổi cây, và cách thức đốn cây mà không hại rừng. Vì đốn cây bừa bãi không phòng xa phương cách cho cây mọc lại, rừng thưa hay đất đai sẽ gây thác lũ tràn ngập phá hoại làng mạc dưới hạ lưu mùa nước lũ. Lợi hiện thời không được phép gây hại cho tương lai. Nguyên tắc ấy tôi ghi lại để sau này quản lý đất đai thung thổ.
Cuộc sống ở sơn lâm vô cùng thoải mái. Tôi rất kính phục bọn người hiên ngang thẳng thắn này, cám ơn họ đã không ngần ngại cho tôi nhập bọn. Phạm hảo hán dẫn tôi đến thăm khu vực nữ, vợ con của một số tiều phu. Phạm hảo hán tiếp ông Thành Tạo và tôi ở nhà riêng, cách xây dựng không khác những căn nhà gỗ khác của khu. Bề ngoài trông không khang trang lắm, thế mà trong nhà thật lịch sự tiếp đón: sàn nhà, tường, đều lát gỗ, lên nước, luôn luôn chùi cọ bằng lá chuối. Đồ đạc đều bằng gỗ tốt, từ miền xuôi, gỗ trở lại đây, biến thành đồ đạc thựa ưa nhìn. Tôi (NguyênThái) cảm hứng ghi rằng, sau này, thái bình, an lạc, tôi sẽ nghiên cứu vẽ kiểu đồ đạc không tốn gỗ, mỹ thuật và thông dụng…chương trình sẽ ghi vào phần khuếch trương công nghệ nước nhà.
Bữa cơm gia đình thân mật, chúng tôi cùng bàn với ông bà Phạm Triết, và bốn con, hai trai hai gái. Bà họ Đào, tên Nguyệt Minh, hai con gái, lớn, cùng tuổi tôi, tên Thúy Lâm, em 13, Thúy Liễu, còn hai em trai, sinh đôi, khoảng 7,8 tuổi tên Mộc Hùng, Mộc Thiết. bà Nguyệt Minh là giáo viên của khu khai thác, nhưng chỉ dạy chữ Hán.
Tôi (Nguyên Thái), xin thú tội, ưa nhìn ngắm giai nhân. Nghịch ngợm, cười thầm, hai ông bà đặt nhầm tên, đáng lẽ chị là Liễu, vì dáng vóc mảnh mai, duyên dáng, và em là Lâm, khuôn trăng đầy đặn. Hai chị em ăn nói có duyên quá. Tôi chỉ để ý cô chị, gợi chuyện trò, còn em Thúy Liễu không bằng lòng lắm, luôn xen câu chuyện tuy còn bé. Thúy Lâm không « tinh nhanh » bằng Cúc Xuyên, những câu đùa bóng gió văn chương, suy nghĩ rồi mới trả lời, nhưng mỗi khi trả lời, cặp mắt trong sáng liếc đưa với nụ cười duyên dáng, làm tôi cảm tình rung động…
Lời bàn của tác giả: Lần đầu tiên, Nguyên Thái ghi những mẩu tâm tình này trong Viễn Trình Nhật Ký. Chàng bị ảnh hưởng của áng văn lãng mạn Đoàn Thành Hồ chăng?
Trong mươi ngày nơi đây, tôi không trở lại tư gia Phạm hảo hán, sợ những tình trạng phức tạp đến bên tôi mà không chống đỡ nỗi. tôi tự trách tôi là con người cũng « lôi thôi » lắm. Cho nên, một hôm, tôi thấy hai chị em Thúy Lâm đến nơi đốn củi, tôi trốn tránh trên cành cây cao, không xuống đất ra mặt…
Ông Thành Tạo và tôi đến nơi này là những ngày cuối cùng của đợt đốn cây. Những thân cây đã hết cành con tua tủa, bóc vỏ tròn sạch, trâu kéo xuống sông, để trong vùng nước có kè đá ngăn chặn. Những cây gỗ thực to, nhẵn nhụi, nổi trên mặt nước, tới hơn trăm. Tôi thấy bọn tiều phu nhẹ nhàng đi trên những cây gỗ luôn luôn mất thăng bằng mà không hề ngã xuống nước. Tôi nói với Phạm hảo hán, muốn dự cuộc. Hảo hán mỉm cười, giao cho tôi trách nhiệm điểm lại, và xếp hạng những cây gỗ. Đã trót, tôi đành bước xuống một thân cây. Mọi người bỗng dừng lại, yên lặng nhìn tôi. Quả nhiên, giữ thăng bằng thực khó khăn, vì khúc cây luôn luôn lăn đi…
Hảo hán cũng xuống theo tôi, đi trên những khúc cây bên cạnh luôn luôn căn dặn:
- Nếu hiền đệ ngã, nhớ phải lặn xuống sâu, đừng để bị kẹp giữa hai thân cây -
Tôi hiểu ý, cũng may, chỉ chừng mươi phút sau, tôi khám phá cái bí quyết. Trên bảng tôi cầm chỉ có 4 thứ gỗ: lim, trắc, gụ, lát, tôi bước nhanh trên khúc gỗ, vừa bước vừa chấm hạng…lên bờ đếm lại những điểm chấm, tổng cỗng 127 khúc cây bốn loại, phù hợp với bảng chính của hảo hán.
Sau cùng, các thân cây, buộc lại thành bè, nối đuôi thành mảng dài, Phạm hảo hán đưa theo dòng sông..còn ông Thành Tạo và tôi, xuống thuyền xuôi Trà Bàn.
Trên thuyền, rảnh rang, tôi có nhiều thì giờ hàn huyên cùng ông. Vẩn vơ trong trí óc áng văn tuyệt mỹ dở dang của Đoàn Thành Hồ.
Giữa dòng sông, con thuyền nhẹ nhàng qua biết bao phong cảnh hữu tình, hồn thơ tràn ngập, tôi thảo luận thi văn với Đoàn lão bá thì một ngạc nhiên sung sướng cho tôi: Lão bá cũng thông kim bác cổ, nhưng chẳng mắc bệnh giáo điều. Trái lại, tự do phóng khoáng. Thì ra cha nào con nấy, ông đã truyền cho người con, anh Thành Hồ? Tôi tin rằng, có thể vì những cảm tình sôi động, cái tâm hồn lãng mạn khác thường với thời đại đã gây chuyện bất bình với quân nhân Kẻ Chợ, cho nên ông cùng gia đình lên ngụ cư Trà Bàn. Tôi gợi chuyện không tránh khỏi tật tò mò dưới danh nghĩa văn chương – ông kín đáo rẽ đường đối thoại.
Lão bá và tôi có lúc không ai hé môi, yên lặng suy tư, dựa lưng mạn khoan thưởng thức phong cảnh. Bất ngờ, mùa này mà chúng tôi có bầu trời xanh thẳm, lấp lánh muôn vì sao, mảnh trăng lưỡi liềm sáng tỏ. Tiếng sóng vỗ về mạn thuyền lách tách, rồi thỉnh thoảng trên mặt nước, đoàn có bơi lột, ánh trăng soi sáng, biến thành những cánh bạc lung linh theo gió.
Phút thần tiên trầm lặng bỗng bị xáo động. Một thủy thủ nhồi thuốc làm vào điếu cày, châm đóm, mang lại mời lão bá. Lão bá lễ phép cám ơn, nói hồi nhỏ có hút, nhưng cai từ lâu, từ lâu lắm rồi. Thủy thủ đưa điếu cho tôi. Tôi từ chối nấp sau một duyên cớ lễ phép:
Lão bá nhìn tôi mỉm cười, trong khi thủy thủ ra mũi thuyền, châm đóm hít một hơi dài, ánh lửa hồng lấp loé, chiếu sáng bộ mặt dạn dầy sương gió, quắc thước hiên ngang. Hít đầy khói thuốc, thủy thủ ngửa cổ, thở lên không trung một luồng khói trắng vằn vèo như rồng uốn khúc thoáng giây rồi biến theo chiều gió.
Lửa đóm vừa tắt thì nghe tiếng gió rít. tiếp theo tiếng cạch, điếu cầy văng xuống nước. Thủy thủ đầu thuyền vội hô:
- Có động! có động! thuyền bị xạ kích!-
Thuyền trưởng thính tai thức dậy:
- Toàn thủy thủ, theo phân công thường lệ, chiến đấu! -
Chưa hết câu, một trận mưa tên theo nhau xuống thuyền. Vài chiếc cắm vào mạn thuyền, còn phần đông rớt xuống nước.
 Thuyền trưởng ra lệnh cho thủy thủ cầm cán lái, đưa thuyền sang hữu ngạn!
Vừa lúc ấy năm sáu ngọn tên lửa, thành vết sáng dài, bay tới. Hai ngọn tên  cắm vào mạn tả. hai thủy thủ hươi gươm, bình tĩnh chặt đứt hai ngọn tên lửa.
- Ta chưa đi ngủ, biết rằng qua khúc sông này, không được yên bình cho lắm. Con có để ý không? (Lần đầu tiên ông gọi tôi là « con »). Tả ngạn là một khu rừng rậm thuộc châu Quỳnh Lâm, sào huyệt bọn lục lâm, thủ hạ của tù trưởng họ hàn. Không biết người đời họi hắn là Hàn Tầm Xích. Hắn lên đây chiếm cứ một vùng, định xưng bá đồ vương. Tại sao gọi là Tầm Xích, chỉ vì hắn ta hung hãn, xử dụng một thiền trượng dù không phải là kẻ tu hành, một thiền trượng bằng sắt lặng. Hắn ta có mấycon thuyền buôn gỗ đồng lõa ở bến Luống, nơi tập trung gỗ quý. Hôm nay hắn ta muốn cướp bè gỗ của chúng ta đấy! Ta không muốn can thiệp vào sự chỉ huy của thuyền trưởng...Con và ta hãy suy nghĩ cách đối phó. Chỉ chừng ít âu nữa, bè gỗ của chúng ta sẽ qua khúc sông ấy -..
Đoàn lão bá nói tới đây thì thuyền đã gần bờ hữu ngạn, ngoài tấm phóng xạ của bọn lục lâm.
Tuyệt nhiên không động tĩnh bên hữu ngạn, tuy có bóng dáng vài chiếc thuyền nhỏ gần bờ. Lại thêm bên tả ngạn, nơi phát xuất cuộc tấn công thì bấy giờ cũng im lìm không động tĩnh.
Tôi chợt nhớ, cách đây khoảng một giờ trên thượng lưu, tả ngạn là đồng không mông quạnh, mà hữu ngạn lại là một quãng dài bụi rậm, khúc sông hẹp nhất. Dân địa phương gọi là khúc Bùm Tum, vì vài nơi, vượt lên trên bụi rậm, có nhiều cây cao cành lá bùm tum trên mắt nước.
Theo lão bá  xuống cuối thuyền.
Thuyền trưởng họ Đỗ, tên Bảo, năm nay khoảng chừng 35 tuổi, nhưng đã trên 20 năm bôn ba sông nước, sau khi nghe lão bá nói về quãng sông mà bè gỗ có thể bị tấn công. Thuyền trưởng đồng ý.
Hai người hỏi ý kiến tôi. Việc khẩn cấp, tôi không thể lễ phép nhường lời cho Đỗ thuyền trưởng và Đoàn lão bá, tôi đề nghị:
- Cứ thêo bản đồ của Đỗ đại huynh, thì chúng ta có thể chắc tám phần mười bọn cướp sẽ tấn công bè gỗ của chúng ta nơi đấy. Nếu chúng ta dùng thuyền ngược dòng thì không kịp. Trái lại, chúng ta nhân cơ hội, bờ hữu ngạn có quãng đê đi ngược lên phía ấy. Chúng ta chọn mấy thủy thủ võ nghệ cao cường, cùng dùng con đê đi nhanh đến khúc Bùm Tum, chúng ta đánh tập hậu, khi nào bọn cướp ra tay -
Trong giây phút, thu xếp xong xuôi, trên thuyền chỉ còn hai thủy thủ, phòng ngừa bỏ neo đợi giữa sông. Quân lệnh là nếu bị tấn công, cứ việc nhổ neo lên buồm xuôi dòng xuống nến an toàn, không cần để ý đến bọn chúng tôi đổ bộ.
Chúng tôi dùng thuyền nhỏ của địch vượt lạch con, vào tận chân đê.
Chúng tôi vừa đi vừa chạy, chưa đầy một giờ, tới khúc Bùm Tum.
Ngừng nơi kín đáo, chúng tôi vạch rõ kế hoạch. Ưu thế của chúng tôi là yếu tố bất ngờ. Tôi rất thẹn thùng vì lão bá và Đỗ thuyền trưởng giao cho tôi nhiệm vụ chỉ huy. Tôi trẻ nhất bọn, thâm tâm không muốn lãnh trách nhiệm ấy, nhưng thời gian khẩn cấp, tôi đành chiều ý. Vẻn vẹn có chín người kể cả tôi. Tất cả chín đều có cung tên, và gươm kiếm. Trong khu này tuy có trăng sao, nhưng không thể phân biệt rõ địch, mình. Khẩu hiệu mật của chúng tôi là Giang Đô ( Giang Đô là tên con thuyền). Giang Đô theo sau một con số. Tôi là Giang Đô mười, lão bá Giang Đô hai mươi, Đô thường trưởng, Giang Đô ba mươi, người cuối cùng Giang Đô chín mươi... số nhiều hàng chục để đánh lạc địch về quá số ít của chúng tôi. Chúng tôi chia thành hàng dài từ từ tiến vào khúcBùm Tum.
 Quả nhiên, chừng mưòi phút sau, nghe giọng ca khàn khàn của một thủy thủ trên bè gỗ...khi bè ngang khúc Bùm Tum, bỗng nghe tiếng pháo lệnh xé tan bầu không khí tĩnh mịch. Theo tiếng trưởng bè hô phòng thủ chiến đấu, năm sáu con thuyền từ tả ngạn xông ra. Đồng thời, trên những cành Bùm Tum hữu ngạn, địch quân sẵn sàng nhả tên, vì bè gỗ, muốn tránh đoàn thuyền tấn công, sẽ lái sang hữu ngạn và Chúng tôi tấn công, bọn lục lâm trên các cành cây không kịp xuống, bị trúng tên ngã lăn xuống nước…còn lại mấy chục tên sợ hãi, nhảy xuống nước bơi đi. Gần hai chục giặc bị thương, chúng tôi tước võ khí sau khí kéo họ lên bờ. Có thể có ba bốn tên bị tử thương bị nước cuốn đi. Tôi ân hận, nhưng nghĩ rằng, nếu họ lên được bè gỗ, thì như thường lệ, họ giết hết thủy thủ trên bè, cho mất hết tang chứng, rồi họ đẽo hết danh tự bọn tôi khắc trên các thân cây, thay bằng tên của họ, mang về bến Luống, công khai bán đi.
Không có thì giờ coi vết thương của bọn lục lâm, chúng tôi mặc họ tự săn sóc, tin rằng thảo khấu lục lâm, họ biết cách tự chữa vết thương.
Chúng tôi xuống nước thì vừa lúc bè gỗ gần bờ..
 Họ đón chúng tôi lên, trong khi mấy thuyền con lục lâm, chèo nhanh chạy trốn. Tuy nhiên chúng không tin thủ lãnh Hàn Tầm Xích hy sinh trong trận này. Nhưng điều ấy không quan trọng đối với chúng tôi.
Chúng tôi cho bè theo dòng sông, khoảng giờ sau thì tới thuyền Giang Đô. Chúng tôi sang thuyền thì trời hừng sáng.
Vừng đông lấp ló đầu non, ánh hồng chiếu sáng khuôn mặt của những con người anh hùng trên thuyền Giang Đô. Đỗ thuyền trưởng hiên ngang, cám ơn anh em thủy thủ.
Tôi trí óc còn bận rộn, muốn thừa khi lão bá vui vẻ cởi mở, nhất định sắp tới sẽ hỏi chuyện đôi uyên ương Thành Hồ và Tuyết Tâm, tác giả một áng văn chương đặc biệt khác thường…