Võ hiệp lịch sử tiểu thuyết
Chương 49.

 
49. Vào hắc điếm, ra tay cứu nạn,
Trấn Bồ Danh, Xuyên Thái chia tay.
Chợt nhận ra đã quá khuya, gấp nhật ký Cúc Xuyên, mở cửa sổ phi thân xuống đường, hướng hội trường đi nhanh. Đi nhanh xem mấy cô em làm gì mà bây giờ chưa về quán trọ?
Nhắc lại: sau khi đọc Nhật Ký Viễn Trình Cúc Xuyên ở Lữ quán Song Đào, Nguyên Thái mở cửa sổ nhảy xuống đường, hướng hội trường Toàn Trạch, bước nhanh.
Dọc đường nghĩ đến câu nói úp mở của danh kỳ: « Nay mai danh sĩ Bắc Hà thua danh sĩ Đàng Trong mà thôi…Tôi là người đầu tiên thua trận! »
Thì ra, đúng như tin mật lén đọc ở Điền Sơn quân đồn, quân Tây Sơn nay mai Bắc tiến. Nguyên Thái chợt nghĩ ra, Ô Mã Thiền Sư đã cố tình để mình lén đọc mà thôi. Vấn đề lương tâm đặt ra. Chống chọi hay giúp Tây Sơn diệt tất cả những thối nát tham nhũng Bắc Hà để đi đến thống nhất giang san, lên đường lập quốc? sẽ thảo luận khi đến Trần Bắc. Còn thì hiện nay, khẩn trương, sáu thiếu nữ Thạch Đào lâm nguy chăng? Giờ này vẫn chưa về.
Suy tư, trên đưòng phố vắng tanh, khoảnh khắc đã tới hội trường. Lo lắng gấp bội. Hội trường như chùa Bà Đanh. Dạ hội liên quan giải tán từ lâu rồi? Nguyên Thái định quay gọt, chợt nghe gió, từ xa xa bên kia sườn đồi có tiếng đàn ca vọng lại. Rảo bước. Thì ra phía kia sườn đồi, trông xuống một mảnh hồ ven rừng, có một tửu quán, đèn nến sáng choang, tửu quán độc nhất ở nơi hẻo lành này. Tiếng đàn, tiếng hát và giọng hát ca trù. Nguyên Thái giận mấy cô em, nói đi dạ hội mà lại đến đây dự cuộc ca trù? Không phải là nơi dành cho các thiếu nữ « con nhà ». Quyết tâm đến nơi sẽ ra mắt trách móc, và đưa cả đoàn về quán trọ.
Đến gần. Ngạc nhiên. Không thấy một cỗ xe ngựa nào. Khoảng mười con ngựa, yên cương sẵn sàng, buộc dưới gốc bụi tre, mà không ai gác canh. Thuận tiện cho việc dò xét. Rón rèn sau bụi cây, nhìn vào cửa sổ sảnh đường. Chung quanh một bàn tiệc tròn, mười thanh niên, võ y dạ chiến, ăn uống cười đùa. Trên chiếc sập, một nữ ca trù, đang trình bày một bản nhạc thời thượng Kẻ Chợ, mà người đệm đàn là một phụ nữ đứng tuổi. Giật mình. Sao danh ca Lê Hồng Diệp lại ở nơi đây, cũng xiêm y, cũng mảnh lụa che mặt, cũng đôi mắt trong sáng, nhưng giọng ca hơi khác. Một thanh niên có vẻ trưởng đoàn, cặp cái trống con giữa hai đùi, đánh nhịp. Không khí thoải mái vui chơi. Tuyệt nhiên, không có gì đáng để ý ngoài sự hiện diện của danh ca Lê Hồng Diệp.
Định vào quán, nhưng lại thôi. Mục đích lại đây là để kiếm các « cô em gái ». Các nàng không có đây thì về lữ quán. Quay gót vài bước lại đổi ý. Thực ra có gì làm chàng không yên tâm lắm. Vòng quanh tửu quán chợt thấy ánh đèn le lói ở một phòng con gần nhà bếp. Nghĩ đến chính mình đã sa cơ ở Điền Sơn, thì cũng có thể sáu nàng thiếu nữ Thạch Đào lâm nạn nơi đây?
Ở nhà bếp có tiếng hai hỏa đầu nói chuyện.
Hỏa đầu thứ nhất, giọng phàn nàn:
-  Tôi rất buồn, không muốn ở lại phút nào nửa. Bị một chuyện oan ức ở Kẻ Chợ, phải bỏ vợ con lên đây. Những tưởng ngày một ngày hai ông chủ cho người đón vợ con tôi lên. Năm sáu tháng rồi, tôi nghi ông ta hứa hảo. Bây giờ lại thấy nhiều điều chướng tai gai mắt. Bắt cóc con gái nhà lương thiện. Hai lần rồi, lần này tôi muốn cứu hai con bé quá, không biết làm thế nào? -
Hỏa đầu thứ hai, giọng tàu lơ lớ:
- Tui cũng muốn thế. Ngặt vì còn ở tây, muốn biết chủ cũ tửu quán Toàn Thành lày và vợ con ti tâu? Ông chủ Toàn Thành, họ Lai là pạn của tui. Được thư, sang tây giúp pạn, thì pạn đã ti tâu mất, không tể lại tin tức cho tui?..-
Nguyên Thái vội đến căn phòng có ánh đèn le lói. Định thần. Quả nhiên hai thiếu nữ bị trói vào cái cột giữa phòng. Cả hai đều bị bịt miệng bằng dải lụa. Cách trói buộc khó lòng cho nạn nhân tự giải thoát. Hai thiếu nữ không phải người đoàn Thạch Đào. Nóng ruột muốn trở về quán trọ, Nguyên Thái bọ mặc chuyện này cho hai hỏa đầu xử trí, rồi hướng về Toàn Trạch. Đi được vài bước hối hận tự trách:
 Quả nhiên là mình sắp đã trở thành con người ích kỷ. Vô tình, vô tâm, quên mất bổn phận hiệp sĩ muôn đời? Mình có là hiệp sĩ không? Phải can thiệp, bỏ đi thì hèn nhát, không bao giờ quên được chuyện xấu này...
 Đẩy cửa bếp. Hai hỏa đầu ngạc nhiên. Nguyên Thái ra hiệu. Chàng nói:
-  Tôi vừa nghe hai vị nói chuyện. Mỗi vị đều có vấn đề riêng. Chuyện đó sau này sẽ giải quyết. Hai vị muốn cứu người. Tôi đồng ý giúp hai vị. Cả ba chúng ta tìm kế nào êm thắm. -
Hai người do dự nhưng trước vẻ hiên ngang của chàng trai, gật đầu đồng ý. Nguyên Thái trong thoáng giây, nghĩ lại bài học Cẩm Giang.
Chợt có tiếng trên nhà, gọi món cháo Hải vị, món cuối cùng của bữa tiệc, kéo dài từ chập tối. Món cháo đặc biệt này do đầu bếp Tàu nấu, bọn thực khách này đã nhiều lần thưởng thức. vì giờ này bọn tửu bảo nam nữ đã đi ngủ, chỉ có hai đầu bếp này làm việc. Thực là một tình thế thuận tiện.
Hỏa đầu người Việt phụ trách bưng cháo lên nhà. Cháo được chuyển sang một liễn sứ giang thanh, vừa đủ mười bát.
Nguyên Thái rút chiếc quạt Trần Nhị Ngọc, lấy mũi kim tiêu đựng thuốc mê rất nặng. Tháo đầu mũi kim, đổ thuốc vào liễn cháo. Người đầu bếp e ngai. Chàng liền cam đoan thuốc chỉ làm ngủ li bì mấy giờ mà thôi. Người này yên trí, bưng liễn cháo lên nhà. Khoảng mười phút trở về bếp nói đã chuyển cháo sang mười cái bát rồi? Nguyên Thái nói rõ kế hoạch:Mục đích không muốn dùng bạo lực để cứu hai thiếu nữ. Khi bọn thực khách ngủ say, sẽ cởi trói nạn nhân mang đi nơi khác. Muốn bọn đó không có nghi ngờ hai đầu bếp, xong xuôi chàng sẽ trói hai đầu bếp vào cột nhà, bịt miệng bằng dải lụa như hai thiếu nữ. Hai người sẽ ở lại an toàn, tiếp tục cuộc điều tra tung tích người chủ cũ, gia đình gồm vợ và hai con, còn nhỏ.
Người đầu bếp Tàu cũng đồng ý, nhưng nói nếu Nguyên Thái cần bạo động, hắn sẽ giúp một tay. Nguyên Thái trả lời, dùng võ lực chưa phải là diệu kế trong việc này. Sau vài phút tính lại kế hoạch, hai người đầu bếp bằng lòng. Họ nghi bọn thực khách đã thủ tiêu gia đình người chủ cũ. Nghi thôi, không thấy bằng cớ nào. Trong số mười thực khách, phần đông đều là con cháu các gia đình quyền quý Toàn Trạch, kể cả cháu chỉ huy trưởng phân khu binh đoàn Điền Sơn. Người nhiều tuổi nhất, họ Quách, là chủ nhân mới của quán này. Cách đây hai tháng, Quách chủ nhân đã cùng nội bọn mang mấy cô gái về đây, cũng trói buộc, cũng đánh đập, rồi họ dẫn đi đâu không biết.
Nguyên Thái nghĩ thầm đây là một nghi án, cần phải điều tra, nhưng chàng chỉ muốn hiện thời cứu hai nạn nhân mà thôi.
Người đầu bếp thứ nhất trở lên nhà rồi xuống bếp tường trình kết quả: các thực khách trước đây ngồi ghế đẩu đều ngã xuống sàn gạch ngủ mê mệt. Cô đào hát cùng bà nhạc sĩ đang sửa soạn về phòng.
Nguyên Thái liền nhẹ nhàng ngó vào sảnh đường. Quả nhiên các thực khách ngủ la liệt. Đếm chỉ có tám người. Trên bàn còn hai bát chưa ai đả động. Giật mình, chàng kéo tấm khăn che mặt, rút kiếm vào sảnh đường. Ra hiệu bắt nữ ca sĩ và nữ nhạc sĩ ngồi yên tại chỗ. Ngửi thấy mùi a phiến phảng phất, chàng vào hành lang, khám phá ra hai người còn thiếu. Nhưng hai người này ngủ say như chết, sợ họ tỉnh dậy bất ngờ, chàng phóng luôn hai mũi kim tiêu thuốc mê vào cổ. Hai người cũng chả có phản ứng.
Trở lại sảnh đường, chàng đến trước nữ ca sĩ:
- Lê cô nương, sao cô nương lại ở đây. Bọn này bắt cóc cô, phải không?-
Ca sĩ vội trả lời:
Thưa tráng sĩ, tôi không phải họ Lê, mà họ Đặng. Dì tôi đệm đàn, họ Hoàng.
Nguyên Thái ngạc nhiên, thì nữ ca sĩ giải thích, và xin lỗi đã cải trang Lê danh ca Kẻ Chợ, nàng Lê Hồng Diệp. Vì chuyện nàng Lê Hồng Diệp nổi danh khắp nơi khắp chốn, nên thành ra nhiều người bắt chước bịt mặt, có thế thôi. Nữ ca sĩ họ Đặng liền tháo bỏ khăn lụa bịt mặt, quả nhiên, không có vết tích tai nạn ở Hiên Giang.
Còn thừa hai bát cháo, Nguyên Thái bưng đến mời. Hai người đang lúc đói lòng, không ngần ngại, bình tĩnh múc ăn ngon lành. Ăn xong chưa đầy một phút, cả hai ngủ lăn trên sập.
Nguyên Thái sang phòng giam cởi trói nạn nhân. Hai người cám ơn Nguyên Thái đã cứu mạng. cả hai con nhà thường dân ở xã Hải Minh cách đây khoảng mươi dặm về phía Đông, bị bắt cóc trên đường đi chợ, hai ngày rồi.
Thực là khó nghĩ cho Nguyên Thái, hai nàng không phải người Toàn Trạch. Nếu là người xã này thì việc chẳng khó, chừng hai giờ nữa sẽ dẫn về nhà họ, nhưng cách đây mươi dặm mới là nhà họ, thì không thể để họ tự mình tìm lối về..thế là gánh nặng lại đèo vào thân. Không sao! Đó là nhiệm vụ của hiệp sĩ muôn đời.
Sau khi trói chặt đầu bếp, như đã định, chàng tịch thu ba con ngựa ; cũng may hai nàng biết cưỡi. Thế là cả ba giục ngựa về Toàn Trạch.
Về tới quán Song Đào trời đã gần sáng. Chủ quán nói đoàn Thạch Đào đã từ giã được hơn tiếng đồng hồ rồi. theo chủ quán kể lại thì Cúc Xuyên cùng năm chị em đã được xe binh đoàn đưa về quán, không thấy Nguyên Thái, phút đầu lo ngại, sau chờ hai giờ không thấy Nguyên Thái về, nàng giận lắm, ra lệnh lên đường.
Nguyên Thái lên phòng thấy hành lý của mình y nguyên, vội xách xuống lên ngựa từ biệt chủ quán, cùng hai nàng giục ngựa đuổi theo.
Dọc đường, nghĩ lại cái khoé mắt tinh ranh của chủ quán khi hắn ta nhìn thấy Nguyên Thái với hai thiếu nữ mới, chàng mới nhận ra muốn chung sống với phụ nữ sẽ gặp nhiều phức tạp, tế nhị, không dễ dàng đâu! Cái thớ lợ, cái đề phòng để giữ vững an bình thương yêu, còn phải học nhiều Chàng lẩm bẩm: -  Đàn bà phức tạp thực! Đáng trách? hay đáng yêu? Chưa biết!-
Giục ngựa đuổi theo Thạch Đào Đoàn, trên đường hướng đông. Nóng ruột nhưng không dám quá sức con vật. Vả lại phi như bay thì hai nàng « tân khách » không theo nổi. Đành nước kiệu cầm chừng.
Tuy nhiên, đoàn Thạch Đào không đi nhanh lắm, vết vó ngựa và bánh xe lưu ly còn in rõ ràng trên đường, chừng gần hai tiếng, Nguyên Thái đuổi kịp. Giục ngựa đến bên Cúc Xuyên.
Thực ra chàng thừa biết quyền chỉ huy của Thạch Đào đoàn là của Cúc Xuyên và Tuyết Giang, chàng chỉ là khách đồng hành, chàng đâu dám ngỏ lời trách móc, chỉ muốn xin lỗi Cúc Xuyên và « trình bày » sự thể.
Cúc Xuyên, thừa biết tiếng vó ngựa dồn dập đuổi theo là Nguyên Thái, liếc nhìn thấy Nguyên Thái không cưỡi con ngựa của mình để lại, khi Nguyên Thái đến gần, nàng nhìn thẳng không nói năng. Tuyết Giang và mấy em nhìn nhau tủm tỉm.
Trời đã sáng bạch. Cúc Xuyên ra lệnh ngừng chân nghỉ ngơi. Người ngựa đã đi hơn hai tiếng rồi. Vẫn không ánh mắt về Nguyên Thái.
Thì ra Nguyên Thái yêu thương Cúc Xuyên quá nhiều. Chỉ muốn ôm chầm nàng xin lỗi, xin lỗi, bất cứ lỗi gì cũng nhận. Cái tự ái nam nhi mất từ lâu rồi.
Đang suy nghĩ tìm lời, thì hai nàng « tân khách » tới nơi, xuống ngựa chấp tay chào. Hai nàng không hiểu bọn này là ai. Thấy Nguyên Thái xuống ngựa, thì cũng xuống ngựa mà thôi. Cúc Xuyên nhìn hai nàng: không phải sắc nước hương trời, nhưng cả hai khuôn mặt dễ thương, dáng dấp thanh tao, xiêm y như kiểu thường gặp trên đường Toàn Trạch, mà lứa tuổi cũng như mình mà thôi.
Thấy Cúc Xuyên suy nghĩ không nói gì, Tuyết Giang phá im lặng:
- Chúng tôi, Thạch Đào y dược đoàn, còn hai cô nương ở đâu đến?-
Hai người liền kể lể sự tình, từ lúc bị bắt cóc đến khi được Nguyên Thái giải thoát. Cúc Xuyên nghe nửa tai. Hồi lâu thương hại, nhìn chàng trai khẽ hỏi:
- Từ ngày cưới vợ, đã biết trác táng phải không? Cứu hai cô nương ở thanh lâu, hồng lâu nào thế, -
Nguyên Thái mỉm cười, kẻ cả:
- Sao cứ nghi oan anh hoài. Hai cô ấy đã nói sự thực. Nếu em ở vào địa vị anh lúc ấy cũng chả làm thế nào khác! Em đã nói em và anh, chúng ta sẽ chung vai trên đường hiệp liệt mà! Dứt lời, thấy ánh mắt trìu mến của Cúc Xuyên, chàng khôn ngoan hơn trước, tấn công tâm lý, khe khẽ kể lại cho Cúc Xuyên nghe chàng nóng ruột bỏ quán trọ đi tìm Cúc Xuyên, sau khi đọc Viễn Du Ký của nàng. Chàng đã yêu nàng từ khi gặp nhau ở Thạch Đào và chàng đã nhiều lần sắp sa ngã bên cạnh nàng…-
Đôi mắt mơ màng xa xăm của Cúc Xuyên bỗng trở lại sáng ngời thích thú khi chàng kể đến mưu kế êm thắm, cứu kẻ lâm nguy. Tuyết Giang và mấy cô em vui vẻ ra mặt thấy đôi tình nhân đã làm lành, nhất mà khi nghe Cúc Xuyên xin lỗi, nói nhỏ riêng với chàng:
- Em đã nói, em lo ngại bố đẻ em chuyền sang cho em một tính xấu. Đó là cái tật hay ghen, anh phải coi chừng, nếu không một ngày kia sẽ mất em…Lấy vợ chính thức thì được..còn lôi thôi với người khác, em sẽ không nhìn mặt anh nữa! -
Trời đã sáng tỏ. Mọi người giật mình nhìn kỹ ba con ngựa, mỗi con ở mông đều thích: Điền Sơn Binh Đoàn, phân khu Toàn Trạch. Thế là Nguyên Thái vô tình phạm tội đánh cấp ngựa nhà binh?
Cúc Xuyên liền ra lệnh đuổi ba con ngựa ấy, sau khi tháo cương yên dấu vào bụi cây. Ba con ngựa hồi tầu, chạy như bay về Toàn Trạch.
Nguyên Thái và hai cô « tân khách » dùng ba con ngựa thừa của đoàn, tiếp tục hành trình.
Khi tới Hải Minh, Cúc Xuyên ra lệnh dẫn hai nàng về trả gia đình, thì hai nàng vội vàng đến trước Cúc Xuyên chấp tay, cúi đầu:
- Cũng may, chúng em tấm thân chưa nhơ nhuốc vì Trần công tử giải thoát kịp thời. Trông gương đoàn trưởng và các chị, chúng em xin theo đoàn phục vụ đoàn trưởng và các chị, chúng em, một người sẽ trông nom hoàn toàn việc hỏa đầu, còn một người sẽ phụ trách vá may xiêm y, để đoàn trưởng và các chị có thì giờ mưu toan việc lớn…-
Cúc Xuyên không vui lòng lắm, từ chối. Hai người kia nước mắt chan hòa:
- Chúng em đã nói, chúng em may mắn chưa nhuốc nhơ, nhưng chúng em chán ghét cái thân phận nữ nhi yếu đuối, không chống đối nổi những bất trắc, dù là những đàn áp thường tình. Hôm kia, cả đoàn hai mươi người con gái Hải Minh đi chợ, chỉ có hai người đàn ông rút gươm dọa nạt, cả bọn chạy tán loạn, không dùng những đòn gánh, xúm nhau chống đỡ. Hai em chạy không kịp, bị hai người đó bắt trói mang lên cỗ xe bưng bít, ngựa kéo đi! Chúng em không muốn ươn hèn như thế nữa. Theo đoàn trưởng giúp việc, chúng em sẽ học hỏi võ nghệ để tự vệ sau này về nhà sẽ truyền bá lại cho đàn em…-
Lẽ dĩ nhiên, Nguyên Thái không can thiệp. Tuyết Giang ghé tai Cúc Xuyên:
- Cúc Xuyên em, nghĩ lại đi. Đây là dịp để thay thế hai em chúng ta đã đi lấy chồng…vả lại chúng ta cũng như mam nhi…tứ hải giao tỉ muội mà! -
Suy nghĩ hồi lầu, Cúc Xuyên đồng ý, cho hai nàng lên xe lưu ly giương mui che kín khi đoàn qua Hải Minh, nói thêm, khi qua nhà, nếu hai nàng đồi ý, cứ việc xuống xe, không ai trách cứ.
Đoàn qua Hải Minh, không nàng nào xuống xe. Khỏi Hải Minh chừng năm dặm thì trời đã gần Ngọ. Ngừng ở ven rừng thông, đất đỏ, làm thủ tục ghi tên hai đoàn viên mới:
Nàng Phan Tiểu Hoa, 17 tuổi, và nàng Đoàn Hạnh Thảo, 16 tuổi.
Sau khi nghe điều lệ, quân luật hai nàng giơ tay thề xin tuân theo triệt để, phụ quyền và mẫu quyền từ nay đều thuộc Tuyết Giang và Cúc Xuyên, trong tất cả thời kỳ thuộc đoàn.
Khi Phan Tiểu Hoa nhận nhiệm vụ hỏa đầu, Đoàn mới biết tài của Tiểu Hoa. Nồi cơm khá to, thổi cho chín người ăn, Tiểu Hoa thổi rất chóng, không tốn củi, cơm dẻo thơm toàn vẹn. Lại vô cùng cẩn thận, tránh cháy rừng, quét dọn sạch sẽ nơi nấu cơm trước và sau, dập tắt hết lửa than. Tuyết Giang rất hài lòng. Sau này ở những nơi chỉ có rơm rạ mới thấy thiên tài của Tiểu Hoa. Bất chấp chiều gió, nồi cơm chín nhanh chóng, phẩm lượng cơm như thổi bằng củi gỗ. Rồi từ ngày có Tiểu Hoa, cả đoàn được ăn uống ngon lành; thực đơn đầy đủ chất bổ chất tươi. Tiểu Hoa là một thiên tài về khoa ẩm thực.
Còn Hạnh Thảo vá may rất khéo. Cả đoàn đều khen ngợi bộ xiêm y lụa nâu nàng vẽ kiểu may lấy. Sau này xiêm y cả đoàn đều do Hạnh Thảo phụ trách. Thực là không sai lầm trong chấp nhận. Hai nàng được Tuyết Giang và Cúc Xuyên dạy võ nghệ, kiếm cung, quyền thuật, kể cả cách xử dụng súng trường, súng ngắn.
 (Trước khi tiếp tục kể chuyện đoàn Thạch Đào, chúng tôi tưởng cần nhắc quý vị độc giả lưu tâm đến tâm trạng của hai vai chính trong đoạn này).
Tâm trạng Nguyên Thái: Từ ngày đọc bức thư của Cúc Xuyên giấu trong cẩm nang, chàng trai nóng lòng chờ gặp bạn. Lời hứa của Cúc Xuyên trong bức thư làm chàng xao xuyến tấc lòng…Đã gặp nhiều giai nhân, nhưng vẫn không hiểu thực sự yêu ai. Nghĩ lại có thể yêu Cúc Xuyên, theo đúng nghĩa yêu thương rồi. Yêu bằng tất cả con tim, yêu bằng có, bằng chiếm đóng, bằng sở hữu. Tình dục đang tràn lấn tình tâm.
Quý vị độc giả đừng mỉm cười khinh bỉ chàng trai Nguyên Thái. Chúng tôi đã nói trong chuyện này không có chỗ đứng cho những nhân vật hiệp liệt máy móc không con tim phần đông kiểu Trung Hoa hay Nhật Bản ; máy móc, không con tim, chỉ biết công bình, chỉ biết chính lý, chính đạo, mà không bao gìò hiểu rằng công bình, chính lý, chính đạo, thời nào cũng vậy chỉ là tương đối…Nguyên Thái vá các nhân vật trong truyện này đều không phải là siêu nhân ngoại phàm.
Cho nên trong giai đoạn này, Nguyên Thái, một chàng trai lành mạnh, trong sạch, đã bị lời hứa của Cúc Xuyên chi phối tâm tư. Nghĩ rằng sự hiện diện của chàng trong đoàn thanh nữ Thạch Đào thành ra hơi không chính đáng ; đó là mục đích « vụ lợi », chàng tự tha thứ: vụ lợi thì vụ lợi, cho đoàn, chàng sẽ dự vào việc bảo vệ mấy cô em, trên đường đi Trấn Bắc!
Tâm trạng Cúc Xuyên: Cúc Xuyên yêu Nguyên Thái từ ngày gặp mặt. Đã lọt mắt xanh chàng trai lạ mặt, từ phương xa đến, hiên ngang tuấn tú. Lại được sống gần nhau nhiều ngày…và cùng nhau già trước tuổi, vì chiến tranh đột khởi ở môi sinh. Đã yêu, yêu thương thực sự, thì toàn thuộc, toàn thuộc từ ngày đó. Nhưng trước thái độ trốn tránh của Nguyên Thái, Cúc Xuyên vừa buồn vừa giận, nhưng hy vọng vẫn giữ chàng ở lại Thạch Đào cùng nàng xây tổ ấm trong khuôn khổ thuần phong mỹ tục. Nhưng chàng trai ra đi, nàng trói buộc, cố trói buộc từ xa, bằng bức thư trong cẩm nang, hy vọng rằng nếu chàng trai tự khám phá thấy mình yêu nàng, thì sẽ không chống đỡ nổi, phá lời hứa, đọc thơ ngay rồi trở về kiếm nàng, không lấy ai khác nữa. Nhưng chàng trai đã giữ lời hứa cho đến khi mắc vào chuyện Lương Trinh.
Cái ghen tuông thông thường của phụ nữ nổi dậy. Không tin lắm câu chuyện vô lý về Lương Trinh cho nên có chàng trai bên cạnh, vẫn thất vọng.
Tuy nhiên khi gần nhau, Cúc Xuyên vẫn e dè trốn tránh, chống đỡ không"sa ngã" hay là không dám "sa ngã" vì có học y, mỗi khi nghĩ đến cỗi rễ của mình, Xuyên chỉ lo ngại sinh con...tính tình ông ngoại!
Phân tích hai tâm trạng trên đây để quý vị độc giả hiều thái độ của hai người trong quãng đường đồng hành.
 Đoàn thanh nữ Thạch Đào sau khi nhận thêm hai đoàn viên tiếp túc hành trình, nhưng có vẻ hấp tấp vội vàng hơn trước. Cảm tưởng Cúc Xuyên muốn rút ngắn thời gian. Khỏi Hải Minh hai mươi dặm, Cúc Xuyên chợt nhớ chưa đến chùa sư nữ Hải Minh điều tra tung tích thân mẫu, mà chùa Hải Minh khá quan trọng, theo Tiểu Hoa và Hạnh Thảo, chùa có mấy chục sư nữ, và đặc biệt sau chùa có một trường học nữ sinh do năm sáu ni cô điều khiển. Chính Tiểu Hoa và Hạnh Thảo cũng xuất thân ở trường ấy. Nhớ đến và được tài liệu này, thì đoàn đã đến gần thị trấn Bồ Danh.
Như hẹn, Cúc Xuyên ra lệnh ngừng chân cách Bồ Danh khoảng nửa dặm (2 cây số) chờ tiên phong trinh sát trở về. Tiên phong trinh sát là..Nguyên Thái. Chàng nhận nhiệm vụ này thực vui vẻ, khi Cúc Xuyên ướm hỏi trên đường. Cảm tưởng như Cúc Xuyên muốn xa chàng trai. Không thành vấn đề, Nguyên Thái vui vẻ nhận lời. Chính Nguyên Thái cũng e ngại bên cạnh Cúc Xuyên, lại thêm địa vị không rõ rệt của mình trong đoàn. Khách hay đoàn viên? hay là người riêng của Cúc Xuyên? Cho nên nhận nhiệm vụ tiên phong thực là tiện lợi. Tuy xa mà vẫn gần Cúc Xuyên.
Đoàn ngừng chừng khoảng mươi phút thì Nguyên Thái phi ngựa trở về. Xuống ngựa nghiêm trang  trình đoàn trưởng là Bồ Danh, thị trấn trên bờ sông nhỏ, có nơi  án binh an toàn vài ngày.
Cúc Xuyên:
- Cám ơn anh, án binh vài ngày thì không chắc. Xin chị Tuyết Giang ra điều động đoàn vào tỉnh! -
Dứt lời, giục ngựa đến cuối đoàn. Nguyên Thái cùng giục ngựa theo sau.
Cúc Xuyên:
-Anh chưa làm xong nhiệm vụ tiên phong. Xin anh giúp chị Tuyết Giang dẫn đoàn vào tỉnh! -
Nguyên Thái ngạc nhiên, nhưng trấn tĩnh:
 -Xin tuân lệnh đoàn trưởng -
 Dứt lời, giục ngựa lên đầu đoàn, bên cạnh Tuyết Giang.
Tuyết Giang tủm tỉm:
- Rồi còn tuân lệnh nhiều! Thái ơi, học tập làm người đi!-
Nguyên Thái nhin Tuyết Giang, cầu khẩn đồng minh.
- Thực là phức tạp, tôi không hiểu chị em các cô. Tôi có nhiều tội lỗi với Cúc Xuyên quá!-
Tuyết Giang chợt buồn rầu vô cùng:
- Tuyết Giang tôi đã mất người để cùng nhau giận hờn, đấu khẩu. Giận hờn đấu khẩu, thế là yêu nhau, phải không anh Thái?-
 Thái im lặng vì biết trả lời thế nào. Cũng không thể nào an ủi Tuyết Giang. Nhìn Tuyết Giang, Thương nàng vô cùng. Tới trạm nghỉ, mang bút  minh họa chân dung cac nữ đoàn viên trong Viễn trình nhật ký...Trở về quan trọng, nghiêm trang, Thái nói với Tuyết Giang:
 - Vừa đây định đề nghị Cúc Xuyên án binh vài ngày ở Bồ Danh vì thứ nhất phải sửa soạn đưa cỗ xe Lưu Ly qua sông. Nơi này chỉ có thuyền nhỏ, thứ hai, tôi quan sát nơi đây có dấu vết quân đội Mãn Thanh. Chúng ta có thể ở lại đây khai thác tài liệu cho Song Lưu Trấn Bắc và chính cho chúng ta...Chưa kịp nói, Cúc Xuyên đã đuổi tôi...-
 Tưyết Giang ra lệnh giấu kỹ cờ Thạch Ðào, thay thế bởi lá cờ nền xanh thẫm có ghi: Trung Nam Y dược đoàn., rồi mới tiến vào tỉnh.
 Sau bữa cơm tối, Cúc Xuyên lại nhờ Thái trở về chùa Hải Minh
Nguyên Thái ngần ngại:
- Anh rất sung sướng được em giao phó việc riêng, nhưng anh lo ngại, đoàn ở nơi đây, nơi tổ chức kín của Mãn Thanh, có thể gặp nguy hiểm, nếu em không bạo động trong khi anh vắng mặt thì anh yên lòng thi hành nhiệm vụ em giao phó! -
Cúc Xuyên:
- Anh yên lòng, em đủ sức đối phó. Trước đây không có anh cũng không sao. Anh có thấy em dùng lá cờ Trung Nam Y Dược Đoàn. Hầu hết đoàn viên, nguyên quán Thạch Đào gần biên giới Trung Hoa nên đều biết tiếng Tàu. Đó là một điều thuận lợi. Anh đừng lo. -
Dứt lời, Cúc Xuyên gọi Đỗ Hồng Hoa, đoàn viên phụ trách tiếp vận. Đỗ Hồng Hoa liền trao cho Nguyên Thái hai túi, một đựng lương thực, và một nhỏ hơn đựng tiền.
Nguyên Thái:
- Thế có nghĩa là phải thi hành ngay tức khắc việc em giao phó?-
Cúc Xuyên:
- Xin tùy anh đánh giá tính cấp bách của công việc! -
Nguyên Thái không nói gì, gật đầu xách hai túi ra cửa đến tầu ngựa. Con ngựa đã sẵn sàng yên cương, hành lý nhẹ. Nguyên Thái biết là Cúc Xuyên còn giận mình nên mới cư xử ra vẻ tuyệt tình như vậy. Chàng lên ngựa không nói năng. Trời đã về chiều, nhưng đường xa và đêm tối không phải là trở ngại. Cũng hơi chán nản. Định tâm xong công việc này, trở lại gặp Cúc Xuyên sẽ từ biệt đoàn, một mình tiếp tục đường đi Trấn Bắc.
Đường đi một khúc xa rồi bỗng nghe tiếng vó ngựa dập dồn phía sau. Tưởng rằng Cúc Xuyên hối hận để chàng nghỉ lại quán trọ đêm nay, nhưng thì ra Tuyết Giang phi tới:
- Thôi, Cúc Xuyên nó đang đau khổ đấy, Tuyết Giang này nói cho anh biết nếu anh không hiểu. Chịu khó một chút đi…Không ai có thể yêu anh hơn Cúc Xuyên đâu Cúc Xuyên không biết tôi đuổi theo anh để đưa hai bức thư Tiểu Hoa và Hạnh Thảo báo cho gia đình biết hai đứa bình an, lên đường học tập…có thế thôi! Tôi đã kiểm duyệt hai bức thư, không nói đi đâu, đi với ai!-
Nguyên Thái nhận thư. Tuyết Giang cáo từ. Nguyên Thái buồn rầu giục ngựa.
Thế mới biết, trong khi tâm thần không được bình thản, ta thường mù quáng rồi đi quá vấn đề. Nguyên Thái giận Cúc Xuyên nên nhen nhóm trong trí óc ý định chia tay. Nhưng trên mình ngựa, mới biết mình cưỡi con ngựa riêng của Cúc Xuyên, và sau hành trang có buộc cái mũ mây đan ghép da rất đẹp mà thật chắc chắn, chống đỡ mũi tên mũi kiếm. Chàng lấy ra đội thử, mùi hương thơm quen thuộc của mái tóc Cúc Xuyên làm chàng trở lại vui vẻ. Đội lên đầu mình, buộc dây, và giục ngựa nước đại trong đêm.
Đức tính của Nguyên Thái là làm gì cũng đến nơi đến chốn tận tình. Nhất định không ngủ đêm nay, để thử sức chịu đựng của người ngựa trên đường xa. Sức chịu đựng của cơ thể mình và con vật sẽ ghi trong Nhật Ký sau này dùng làm bài học thực nghiệm.
Có nghỉ hơn một giờ sau giờ Tý. Dựa lưng gốc đa, dưới ánh trăng, đồng cỏ xanh mịn, con ngựa chậm rải ăn cỏ, còn Nguyên Thái nhất định không ngủ, dưới ánh trăng tự họa bức người ngựa dưới trăng khuya.
Thế mà gần Ngọ hôm sau mới về tới Hải Minh. Tìm cách bí mật gửi hai bức thư đến nhà hai người kia xong xuôi, giục ngựa đến Hải Minh Linh Sơn Tự, dưới chân núi, cách xa thị trấn khoảng một dặm.
Trong chùa không có sư nữ nào họ Ngô. Và sư bà nói từ mấy chục năm nay, không có sư nữ nào ngoài người nguyên quán Hải minh. Cẩn thận trong việc điều tra, Nguyên Thái chờ hết các sư nữ ngoài đồng áng về chùa. Không thấy ai giống Cúc Xuyên mà cũng không ai nhận chân dung Cúc Xuyên trong Viễn Trình Nhật Ký. Vì vậy khi về tới Hải Minh thì trời đã tối.
Nguyên Thái nghỉ đêm tại một quán trọ ở một phố hẻo lánh. Trong khi ăn cơm tối, tình cờ được biết tin tức về câu chuyện con cái nhà chức trách Toàn Trạch bắt con gái đàn bà.
Nguyên Thái góp chuyện với bọn bộ hành tá túc. Một người trong bọn, đôi mắt thông minh, nụ cười cởi mở, trạc ngoài ba mươi thôi, vui vẻ kể rằng:
- Tôi tên Thừa Lạc, họ Vi, đến Toàn Trạch mua đồ đồng. Xưa nay cho rằng Toàn Trạch là nơi văn minh an toàn đáng làm gương mẫu, thế mà trái lại, chính nhà chức trách và cả chỉ huy phân khu Điền Sơn binh đoàn nổi tiếng nghiêm chỉnh, đã dung túng cho con em bắt cóc, hãm hiếp, cướp của dân lành, trong một tổ chức bí mật. Nội vụ phanh phui làm cho dân chúng bất bình bàn tán xôn xao…Toàn Trạch là một thị trấn trù phú, mực độ kinh tế cao, dân giàu có, đầy đủ, ấm no, nhưng thanh niên thiếu nữ, thừa thãi vật chất, không có lý tưởng nhân sinh trong sạch nên mới rủ nhau đi vào càn rỡ. Thiển ý như vậy. Tội phạm trong vụ này đều là bọn trẻ con nhà quyền quý.
« Số là cách đây mấy ngày, một buổi sáng, dân chúng thấy niêm yết ở công quán và nơi đông đúc mấy bảng ký tên Phi Thúy Song Hiệp, ghi rõ mười tên, đều là con cái nhà quyền quý, phạm tội bắt cóc, đoạt của và hãm hiếp. Danh sách nạn nhân kê rành rọt: Gia đình chủ nhân quán Toàn Trạch, hai vợ chồng họ Lai, hai con nhỏ, năm thiếu nữ, một nguyên quán Toán Trạch, còn bốn người kia, vùng quanh Toàn Trạch.
« Bản cáo trạng vạch rõ nơi giam giữ người, cho nên dân chúng vội rủ nhau đến nơi trước khi chánh cảnh bị họ Phạm, nổi tiếng thanh liêm, công minh, cùng nhân viên đến nơi. »
« Ở quánToàn Thành họ thấy tội phạm đang ngủ say lăn lóc, hai nữ ca sĩ và hai đầu bếp bị trói chặt. Theo bản đồ họa trên tờ cáo trạng của Phi Thúy Song Hiệp, đến một đường hầm, vào nơi giam giữ nạn nhân giải phóng họ. »
Ông bà chủ quán họ La khai bị giam giữ hơn bốn tháng rồi. Bọn ấy đánh đập, đe dọa bắt ông ta ký bán tiệm, dọa giết hai đứa nhỏ, nên đành phải tuân theo. Ông bà họ Lai khai gia đình ông ta sống sót vì ông nhanh trí khôn, hứa sẽ đưa bọn ấy đến nơi giấu của, bọn ấy chưa có dịp đưa gia đình ông ta đi lấy của. Nơi để của này sự thực không có, nhưng đã cứu được gia đình họ La.
« Còn mấy thiếu nữ bị bắt cóc trên đường đi chợ. Hai ba tháng rồi. Bọn ấy, sau khi hãm hiếp cầm giam, bắt tiếp khách như một nhà thanh lâu thực sự. »
« Bọn này chưai sát nhân, nhưng phạm tội nặng đáng chết, đáng lẽ Phi Thúy Song tội trạng bắt cóc, đoạt của, hãm hiếp là tội Hiệp lên án xử tử, lần này hoãn thi hành bản án, giao cho nhà chức trách Toàn Trạch tùy theo tội trạng xét xử. Nếu lạm dụng quyền thế bênh vực tội nhân, Phi Thúy Song Hiệp sẽ trở về thanh toán tội nhân và tất cả những kẻ nào bênh vực che chở tội nhân. Đó là lời đe doạ trong bản cáo trạng… »
Họ Vi kể chuyện, Nguyên Thái không khỏi suy nghĩ. Đã hai lần Phi Thúy Song Hiệp có mặt trên đường đi của mình. Việc Toàn Thành tửu quán, tuy tổ chức êm thắm để cứu người, nhưng chàng có lỗi đã không khám phá rơi nơi giam giữ các nạn nhân khác. Phi Thúy Song Hiệp đã thay mình hoàn tất nhiệm vụ!
Một đêm khó ngủ, cuối Dần đã lên đường. Tự nhận thấy sự đổi thay. Hình ảnh Cúc Xuyên luôn chiếm tâm tự, nên trong vụ Toàn Trạch đã không đến nơi đến chốn. Đường về không thấy cần vội vã. Mung lung suy tư, ghìm cương tuấn mã, cho nên đêm tối mới đến quán trọ Bồ Danh.
Cơm chiều đã xong từ lâu. Đoàn viên Thạch Đào ai nấy đang sửa soạn đi ngủ sau khi phân công, chia phiên canh phòng.
Phạm Trang Nương, phiên gác đầu, dẫn Nguyên Thái đến cửa phòng Cúc Xuyên. Trang Nương:
- Anh Thái, anh làm gì mà chị Cúc Xuyên buồn thế. Đêm qua chị thay phiên gác với em, đôi mắt đỏ hoe. Lần đầu trong cuộc viễn trình, chị ở phòng riêng…
- Trang Nương em, thực ra anh cũng không biết anh đã làm gì? Có lẽ anh quá vụng về mà thôi! -
Gõ cửa, Tuyết Giang mở. Thì ra Cúc Xuyên và Tuyết Giang đang bàn luận sửa đổi hành trình, rút ngắn để về Trấn Bắc.
Nguyên Thái không góp ý kiến. Tuyết Giang nói về những tin lượm được: an ninh suốt mấy vùng vừa đi qua có thể bị đe dọa. Quân đội Mã Thanh đều có trạm liên lạc và tích trữ lương thực, phần nhiều nhờ sự đồng lõa của triều đình Lê. Ở vùng này, phủ Liêu Trịnh có nhiều nhân viên bị thanh toán.
Nguyên Thái:
- Những tin này phù hợp với những nhận định của tôi trên đường đi. Có mấy nơi hẻo lánh thưa thớt dân cư, mà tiệm bán ngũ cốc thực to lớn. Có nơi tiệm rất nhỏ, nhưng kho thực phẩm vĩ đại. Thế mà không khách đến mua, không thấy xe chuyên chở…-
Cúc Xuyên:
- Hay là chúng ta ở lại nơi đây, bí mật tổ chức cướp phá tiền đồn lương thực của địch?-
Nguyên Thái:
- Việc cướp phá này phải rộng lớn qui mô, có tất cả năm trạm địch trong khoảng hai mươi dặm, mà phải tấn công đồng thời. Cướp đoạt không phải cướp phá. Vì đốt hủy ngũ cốc là việc không nên. Điều cần là chiếm đoạt mang đi nơi khác…Thôi, xin các em cứ tiếp tục lộ trình…tôi xin lãnh trách nhiệm này. -
Nguyên Thái nghĩ đến trạm mật liên lạc ở Bồ Điền của Song Lưu Hội. Ô Mã Thiền Sư đã cho chàng biết mấy trạm liên lạc này trong một cuộc họp mật chỉ có hai người. Nhưng chàng không nói ra nơi đây, dù tin cẩn ở đoàn Thạch Đào…Đó cũng chỉ là một biện pháp đề phòng mà thôi.
Cúc Xuyên:
- Anh nói cũng phải, dân ta luôn luôn có nạn đói kém, có năm người chết như rạ, ta không thể đang tâm đốt ngũ cốc, nhưng nếu để nuôi giặc…thì dân ta cũng chết mà thôi. Chúng ta có thể đốt phá nếu cần, theo lối bí mật…chúng ta mất hai ba ngày họa đồ mấy đồn ấy, sửa soạn hỏa liệu…phân công đúng giờ hành sự. Giặc đặt sẵn sàng đồn lương thực, nếu nghe tin đồn lương thực bị thiêu hủy, chắc là chiến tranh sẽ được hoãn lại nhiều ngày..Nếu anh nói rõ kế hoạch của anh…?-
Nguyên Thái:
- Anh không muốn thiêu hủy. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta hiện nay chín người, nếu đoàn trưởng quyết định, nếu đoàn phó Tuyết Giang đồng ý, chúng ta theo kế hoạch Cúc Xuyên. Nguyên Thái tôi nghĩ rằng không nên thiêu hủy, nhưng để một binh đoàn đảm nhiệm theo kế hoạch chúng ta. Những cỗ xe ngựa Toàn Trạch dùng vào việc hữu ích này là phải. Địch không ngờ. Chúng ta ưu thế. Mà binh đoàn Điền Sơn thì đang chờ đợi một chiến công. Ngày mai tôi sẽ từ biệt đoàn Thạch Đào, trở về Điền Sơn tổ chức việc này…Xin các em tiếp tục lộ trình! -
Cúc Xuyên giật mình, ngước mắt nhìn Nguyên Thái. Dưới ánh đèn, chàng trai thấy khoé mắt nàng còn đỏ hoe. Cúc Xuyên nhấn mạnh bênh vực biện pháp nhanh chóng dứt khoát, đưa mắt cầu cứu Tuyết Giang, định dùng quyền trưởng đoàn, nhưng nghe thấy Nguyên Thái xin biểu quyết, đành chịu.
Tuyết Giang đồng ý với Nguyên Thái. Cúc Xuyên đành ra lệnh cho Đỗ Hồng Hoa sửa soạn hành lý lương thực để sáng sau Nguyên Thái đi Điền Sơn, để Nguyên Thái đi với điều kiện là đoàn Thạch Đào ở lại Bồ Danh chờ chàng.
Thảo luận xong xuôi, Tuyết Giang định rút lui, thì Nguyên Thái cáo từ hai người, ra cửa trước.
Lại một đêm thao thức. Nguyên Thái bỏ giường, ra án thư, chép lại việc Toàn Trạch và thêm mấy dòng tâm tư:
« Thì ra ta yêu thương Cúc Xuyên quá, yêu thương và e ngại. E ngại cái ràng buộc tâm tư và thể chất, ta đã bắt đầu mất tự do, không còn vô tư lự…lại nhiều khi không còn sáng suốt trong hành động…Chuyến này xa cách mươi ngày, mươi ngày để « ngược thời gian » để chọn lọc,… để yêu thương, hay để chấm dứt luôn cuộc đời tâm tình, nhiều khi không thích ứng với cuộc đời hành động? »
Phòng bên, biết là Cúc Xuyên cũng không chợp mắt. Nguyên Thái mấy lần định phá vòng vây luân lý. Cố nén. Mệt nhọc, ngủ thiếp vài giờ.
Sáng sau, Nguyên Thái lên ngựa. Cúc Xuyên đích thân tiễn chàng, đôi ngựa song song hơn một dặm. Không ai nói điều gì. Sau cùng hai người xuống ngựa ở một đồi thông.
Nguyên Thái nhìn người yêu, đôi mắt còn đỏ hoe. Đêm qua nàng lại khóc, tơ lòng rung động, muốn ôm ghì nàng xin lỗi, không biết xin lỗi gì, nhưng cố nén. Cũng không dám cầm đôi tay ngọc. Bởi vì chàng biết, nếu có sự cảm thông gần gũi ấy, thì chàng không biết kìm hãm những phản ứng đột khởi:
- Anh xin lỗi, xin lỗi đã làm em khóc! – Chàng khẻ nói.
Cúc Xuyên:
- Anh có lỗi gì đâu? Em khóc chuyện khác Em khóc vì nhớ nhà. Em khóc vì chưa tìm thấy mẹ em…-
Nguyên Thái:
- Không có vết tích gì về mẹ em ở chùa Hải Minh. Anh biết anh có lỗi. Em buồn nhớ nhà, em buốn thiếu mẹ mà anh không biết cách an ủi em! -
Cúc Xuyên nhìn chàng, hai giọt lệ rơi trên đôi má, hồi lâu nàng khẽ nói:
- Anh không hiểu em đâu. Mà làm sao anh hiểu được em?-
Chàng trai định ôm người yêu vào lòng mà không dám:
- Chúng ta là đôi bạn từ Thạch Đào, làm sao mà anh không hiểu em… Rồi ý nghĩ chinh phục lại đột khởi, chàng thêm:
- Em đã nói gì trong bức thư cẩm nang em cho anh. Em có muốn đọc lại không?-
Cúc Xuyên:
- Em viết gì thì em…quên mất rồi! -
Nguyên Thái:
- Em quên thì có ngày nào anh sẽ nhắc lại, nhưng hôm nay vì việc nước anh phải ra đi! -
Mạnh bạo cầm đôi tay ngọc, chàng kéo Cúc Xuyên vào chàng:
- Cúc Xuyên ơi, anh yêu em, yêu em…Em không biết hay sao, em đã chiếm đóng tất cả anh rồi…-
Cúc Xuyên nép vào vai chàng:
- Em khóc vì em chờ đợi mãi, chờ đợi mãi câu anh vừa nói…Em không quên lời hứa trong thơ đâu. Em yêu anh, yêu anh, yêu anh quá, anh cũng chiếm đóng em từ ngày gặp nhau rồi -
Nguyên Thái ôm chặt Cúc Xuyên đặt nụ hôn trên đôi mi ướt lệ, trên đôi môi hé mở…Có gì cảm thông giữa hai cơ thể nóng bừng. Cúc Xuyên và Nguyên Thái rùng mình cảm động không còn sức đứng, đôi tình nhân ngồi xuống đêm Kim thông trên mặt đất, từ nhiều mùa, nay khô êm, màu nâu đậm.
Cúc Xuyên đôi má đỏ hồng bẽn lẽn nhìn Nguyên Thái. Nguyên Thái, cơ thể nóng bừng, trấn tĩnh, kéo Cúc Xuyên đứng lên:
- Cúc Xuyên em, anh sẽ trở về ngay khi xong việc. Nhớ em từng giờ từng phút. Bây giờ anh mới hiểu thế nào là yêu thương! -
Dứt lời lên ngựa.
Cúc Xuyên tần ngần nhìn Nguyên Thái như cố tính giục ngựa đường xa, chàng trai sung sướng đã cố nén tình dục đột khởi, nhưng chưa đưa hai người đi quá ranh giới…