Võ hiệp lịch sử tiểu thuyết
Chương 6.

 
6.- Mê đấu quyên, vào tình tuyệt vọng.
Chuyện bất ngờ, tình lỡ Quang Anh.
Sân chùa Thiên Chi được quét dọn sạch sẽ từ sáng sớm tinh sương. Hôm nay là ngày tụ họp thử thách toàn thể đồ đệ nam nữ của phái môn. Cũng là ngày hội nhà trường và dân làng cho nên khách thập phương thực là đông đảo. Trung Vân sẽ náo nhiệt, tưng bừng tới đêm khuya.
Lại gập đúng xuân, muôn loài hoa khoe mầu rực rỡ như chung vui ngày hội. .
Cuộc đấu võ và đồ đệ nam nữ ở sân chùa vô cùng hấp dẫn. Trong số khán giả thập phương thường có lẫn môn phái khác đến quan sát dò la.
Năm nay thành phần ban giám khảo được bổ sung. Có thêm vị giáo thụ họ Đỗ, tác giả bức tranh theo kiểu thái Tây kể ở hồi trước, thầy học văn của phần đông giáo sinh phái Hư Không. Thiền sư Quý Đắc luôn luôn nhắc nhở tính cách quan trọng của văn học. Năm nay, Thiền sư mời Đỗ giáo thụ cùng chủ toạ buổi đấu này.
Ngoài ra có nhiều tân khách thập phương, trong số ấy có vài giáo hữu của Thiền sư và một người lạ tên Trương Tạc, nhân vật sơn lâm núi Nham Biền.
Trương đầu lĩnh là thân phụ của thanh niên chim ưng Quế Ngọc làm bị thương trong rừng ( xin coi hồi trước ). Hôm ấy, chàng về kể đầu đuôi với phụ thân thì ông ta rất mực công bằng, cho là con mình gây chuyện, cấm không cho trả thù. Thế là Trương đầu lĩnh muốn biết mặt cô gái chim ưng nên đã biên thư xin đến.
Lại nói về Quốc Đức. Chàng ở đây tính đã gần ba tháng mà không gặp nữ đồng song nào vì giáo lệ phân chia nam nữ.
Không khí hạnh phúc an bình ở Trung Vân bị xáo trộn hai ba lần, từ ngày ‘’ Lâm hiệp nữ hạ sơn ‘’. Lần nào cùng có hai, ba  người bị thương, chính Thiền sư đã phải thuốc men chữa chạy, vì vậy, sư bà Tịnh Đức, Xã trưởng cùng Thiền sư ra lệnh cấm đoán nghiêm ngặt. Nữ độ đệ rèn luyện ở Chùa Tịnh Đức, còn nam sinh ở chùa Thiên Chi, hai bên không được tiếp xúc, trừ ngày hội như hôm nay.
Tranh chấp lần cuối do Lâm Quế Anh đã bí mật tổ chức đấu quyền ngoại giáo lệ, giữa trai làng, trên ngọn đồi vắng phía tây Trung Vân, mà phần thưởng cho quán quân là giải lụa buộc tóc của nàng.Trận đấu vô cùng sôi động đến nỗi có người bị thương như đã nói, mà kết cục nàng cũng viện cớ không cho ai giải lụa hứa hẹn.
Hát ca tổ chức ở sân đình, đêm khuya, dưới ánh trăng và hàng trăm đèn lồng treo ở mái hiên hay cành cây. Nam nữ dự cuộc thi vá khán quan đông như kiến. Thường thường những câu ca hát cũng không có gì siêu việt, trình độ đại khái như mấy câu ca giữa Quốc Đức và người đẹp « vô hình »  ở hồi trước. Có quyền trêu chọc chỉ trích, nhưng không được tục phàm … Đôi khi cũng có câu ca xuất chúng, về văn học, về lịch sử. Đề tài rộng rãi tự do, chỉ cần phản ứng tức thì, theo nhịp trống, bỏ qua ba tiếng, không trả lời là thua cuộc. Trong hai hội hát năm trước, Lâm Quế Anh và con gái Xã trưởng nổi tiếng ứng đáp tức thì, không bao giờ qua tiếng trống thứ hai …
Năm nay, Thiền sư, sư bà Tịnh Đức và Xã trưởng xoá tên Lâm Quế Anh ở danh sách hội hát, áp dụng quyết định trừng phạt tội làm rối loạn an ninh, thành ra có thể kém phần hào hứng …Vì vậy chúng tôi chỉ muốn mời độc giả dự buổi đấu võ mà Lâm Quế Anh vẫn được phép góp phần.
Tổ chức từ khởi mùi đến tàn dậu ở sân Thiên Chi, cây cao bóng mát, trong bầu không khí trang nghiêm tính cách quân sự.
Sân chùa đã đông đặc từ giờ ngọ. Ai nấy tấm tắc ngợi khen đoàn đồ đệ Hư không quyền phái, nam, nữ, ngồi hai bên chờ lệnh..
Trương Tạc ( Trương đầu lĩnh ) tranh thủ đến trước. Thiền sư e ngại không muốn khách tưởng mình khinh thị sơn lâm thảo khấu, xuống ba bực chào đón:
- Bần tăng cám ơn Trương quý nhân đã quá bộ … -
- Không dám, không dám, chính ngu sinh đội ơn Đại đức đã cho đến dự …-
- Xin quý nhân đừng gọi bần tăng là Đại đức. Đường lên Đại đức còn xa, xa quá. A di đà Phật …Thiền môn chưa qua ngưỡng, mà tài hèn sức mọn chưa thấu hiểu cao thâm lại còn thêm quá bận chuyện đời …-
- Tuân lệnh –
Trương Tạc trả lời: - xin phép được gọi ngài là Đại sư để ngu đồ đệ được thỉnh giáo đôi lời. -
- Bần tăng cũng nghe quý danh, từ lâu  muốn gặp, nên đã hỏa tốc hồi âm. Hy vọng chúng ta sau này cộng tác …-
- Tất cả hân hạnh về phần ngu sinh, sau đây về sơn trại sẽ ngóng đợi tin tức Trung Vân.-
- Đây là thiên lý tương ngộ chăng? Trấn bắc trường, Trung Vân và Nham Biền Sơn trại, thế chân vạc chăng? Bần tăng xin hảo hán suy nghĩ. -
Thiền sư thân mật nắm tay mời ngồi. Trương Tạc tiện dịp ngỏ vài lời với Thiền sư về việc con mình bị thương bởi chim ưng của cô gái Trung Vân. Chàng đường hoàng nhận lỗi con mình và nhấn mạnh hôm nay đến đây, không phải để trả thù. Đầu tiên, muốn quan sát môn quyền có tên kỳ lạ Hư Không, đánh cũng như không đánh, và không đánh cũng như đánh. Sau là muốn xem mặt cô gái đã làm con mình bị thương. Mục đích và ẩn ý đều ngỏ cho Thiền sư hay.
Thiền sư:
- Ở đây chỉ có con bé Quế Ngọc sở trường chim ưng? Có thể nói ngay với quý nhân, nó hiền lành cương trực, nhưng chưa biết đo lường mức độ phản ứng. Câu nói đùa « áp trại phu nhân » làm nó hoảng sợ. Quí nhân nói vết thương không nặng, không trúng mắt, nay chỉ còn vết sẹo ở mi trái, thì tôi cũng đồng ý nên bỏ qua. Chim ưng cực kỳ nguy hiểm, Trương công tử chỉ bị thương nhẹ như vậy là bản lĩnh khá cao. Công tử đã cúi tránh chớp nhoáng để bảo vệ con mắt. Người thường đã bị hỏng mắt rồi… Nếu tráng sĩ muốn tôi giúp công tử bổ túc, khai thác cái thiên tài ấy, thêm vào phần võ nghệ đã thâu nhập từ trước?
Trương đầu lĩnh:
- Như vậy là vạn phúc cho họ Trương. Ngày mai về sơn trại sửa soạn…
Đấu võ đài từng đôi, theo thứ tự rút thăm, bất phân nam nữ vì số đồ đệ vào danh sách tài nghệ xấp xỉ ngang nhau.
Sáng sớm hôm ấy, Quốc Đức chuyện trò với chú tiểu "không bao giờ lên được sư bác" Chú tiểu thấy Quốc Đức không ngớt hỏi dò về Quế Anh thường hay trêu chọc anh chàng say mê người đẹp chưa hề gặp mặt.
 Quốc Ðức suy tư không hé môi, nhưng chú tiểu tinh ranh ấy nói, sau khi n:gửa mặt lên trời cười rộ:
- Tưởng gi khó khăn, để ta làm ông Tơ bà Nguyệt, Bản Đại Đức này lên cầu Đức Phật, nếu thành công thì ba năm tụng kinh sám hối cũng không sao…-
Dứt lời chú tiểu bỏ đi làm việc khác, không quên liếc nhìn Quốc Đức vẫn  tần ngần suy nghĩ.
Cuộc thi võ bắt đầu từ khởi Mùi mà nay giữa Thân, Quốc Dức vẫn còn chờ lượt. Nay lại thấy chú tiểu mình quen ra thay tiểu bạn, chàng vừa tự hổ vừa mừng thầm, mong chú tiểu cứ gian lận thành công, rồi cả hai sẽ đi cầu kinh sám hối…
Chợt tiếng sang sảng, chú tiểu hô:
- Trường Đức!
Thanh niên ngồi cạnh Quốc Đức ra sân, nhẩy lên võ đài.
Chú tiểu rút phiếu, hô:
- Quế Ngọc!
Một nữ đồ đệ nhẩy lên võ đài. Quốc Đức khen thầm, quả là một thiên quốc sắc. Nếu chị cũng như em?
Theo chương trình, Quế Ngọc thế công bẳng đoản kiếm, còn Trường Đức thế thủ toàn diện tay không. Trường Đức là cháu họ của Thiền sư từ Đàng Trong ra đây được hai năm. Mọi người xanh mặt nhìn ánh bảo kiếm lấp lánh chói loà dưới nắng gần về chiều, nhớ năm ngoái, Quế Ngọc vô tình làm một người bị thương, bỏ võ đài vào phòng trai khóc thút thít.
Ban giám khảo ra lệnh ngừng tay, rồi dù Trường Đức phản đối, hối người mang kiếm gỗ ra thay. Quế Ngọc thì hết sức vui lòng, yên trí không thể làm hại bạn học, nên trổ hết tài tấn công trong bài Trấn Bắc Đào Hoa Kiếm của sư mẫu Đào Ngọc Thanh. Bài kiếm tuyệt đẹp như hoa nở mùa xuân, tưng bừng tứ phía bao vây Trường Đức. Chàng trai không hổ danh cháu Thiền sư, bình tĩnh đối phó. Sau cùng ban giám khảo cho chàng như bị thương nhẹ ở bàn tay trái một lần. Đó là một thánh tích tối ưu, ít người đạt…
Sau trận Trường Đức Quế Ngọc, mấy trận nữa đã qua mà chưa đến lượt, Quốc Đức bắt đầu nóng ruột.
Trời đã xế bóng. Nắng chiều chiếu ngang võ đài làm cho các cuộc đấu vô cùng ngoạn mục.
- Quốc Đức!
Chàng giật mình bước ra lên võ đài, liếc nhìn chú tiểu.
- Quế Anh, chú tiểu hô lớn:
Quốc Đức liếc trộm chú tiểu, cảm thấy mình nóng bừng đôi má. Còn đang tâm tư lúng túng thì Quế Anh nhẹ nhàng phi thân lên võ đài.
Nhìn trộm đối thủ, quả nhiên không uổng công đợi chờ, nàng Tây Thi giáng sinh… Tây Thi này, nếu ta là Phạm Lãi không bao giờ mang cho Ngô Phù Sai… Đó là chàng trai tinh nghịch trong người lại thức dậy… Còn Quế Anh nghĩ thầm chàng trai này thông minh tuấn tú đễ thương, nhưng mới nhập môn ba tháng đâu có phải đối thủ. Nàng sẽ cho biết tay Lâm hiệp nữ Trung Vân. Chàng trai xách nước ấy sẽ ăn bụi võ đài…
Lâm Quế Anh lên đài, không cần biết đối thủ là ai, mọi người nín thở đón chờ một cuộc đấu võ vô cùng hào hứng.
Hai người nghiêng mình chào ban giám khảo, quay sang mọi phía chào khán giả. Chàng trai tinh nghịch lại thức dậy: - Nàng ơi, chúng ta đang làm lễ gia tiên đây! - Chàng nghĩ thầm.
Cuộc đấu toàn quyền thuật, không võ khí.
Phần đầu Quốc Đức thế thủ, Quế Anh thế công. Nàng bắt đầu bài Mai hoa ngũ lộ quyền. Quốc Đức phải tránh né, không còn phút giây nào chiêm ngưỡng người đẹp. Nàng chuyển sang Thần phong quyền, liên tiếp tấn công trên đầu và dưới chân. Chàng khen thầm nữ anh tài. Gần hết hiệp, Quế Anh dùng thế Hải nhạn tầm châu vờ đánh trên, nhưng dùng chân đánh dưới. Quốc Đức dùng thế hạc vọng nguyệt, chỉ nhấc một chân để tránh, nhưng không ngờ Quế Anh lại dùng Song cước đả nhị hổ, chàng mất thăng bằng, phải lộn một vòng ra gần tới góc võ đài. Cử tọa hoan nghênh nhiệt liệt.
Phần này giám khảo đoàn tuyên bồ chàng thua, thế mà chàng lại thấy bội phần sung sương, như thoát nạn. Nạn gì? chắc hẳn là nạn người đẹp giận mình … nếu mình thắng …
Đến lượt thế thủ Quế Anh. Quốc Đức dùng Mai hoa quyền, tiếp theo vài thế Thần phong rồi bất ngờ đổi thế. Quế Anh đã thâu nhận tất cả tinh hoa của Hư Không, nàng luôn luôn lưu động nhẹ nhàng như người tản bộ gió chiều, tiếng gió nhẹ sau lưng cũng làm nàng đoán hướng thế võ, đối phó. Tuy nhiên, cũng có vài lần Quốc Đức có thể trúng người ngọc, nhưng chính chàng đã đưa quyền lạc lối. Sư bà Tịnh Đức, Thiền Sư, Trương đầu lĩnh, thừa biết nhưng chẳng ai bảo ai, không can thiệp, vì chưa bao giờ trận đầu ngoạn mục như vậy.
Từ lúc Quốc Đức đổi thế quyền, Quế Anh có phần lúng túng. Đó là thứ quyền thuật tự nhiên, không lề lối của bọn côn đồ Kẻ chợ mà chàng đã nhiều lần đối phó ở Kinh Đô.
Mọi người tủm tỉm cười, cho là hôm nay cô nàng có người hùng trị. Thiền Sư cũng vui tính, không một cử chỉ phản đối. Thực ra Quốc Đức chưa có lỗi, vì Hư Không phải đối phó với mọi trường hợp, dù là quyền thuật tự nhiên, không lề lối.
Sau cùng, lừa được người đẹp, chàng làm như vô tình, lấy được giải lụa buộc tóc … ngọc trâm cũng rơi theo giải lụa, làn tóc huyền tỏa xuống sau lưng, trong ánh chiều, Quế Anh như nàng tiên giáng thế. Tiếng chuông chấm dứt, hai má đỏ bừng, nàng liếc nhìn Quốc Đức, trách móc thầm, nhưng nàng không buộc tóc lại, để thành hai giải trước ngực, cùng Quốc Đức duyên dáng cúi chào ban giám khảo và cử tọa. Với kiểu tóc mới này, nàng càng xinh đẹp bội phần. Nàng biết rằng sức mạnh chinh phục của nàng không phải ở võ nghệ mà còn ở nhiều điểm khác!
 Ban giám khảo tuyên bố hòa, và bắt Quốc Đức trả lại Quế Anh chiến lợi phẩm nên thơ ấy.
Cuối Dậu tan cuộc, mọi người ra về, sau cơm chiều, đi dự Hát đối, Hát đôi.
Quốc Đức về phòng trai, chưa được phép dự hát đối kỳ này.
Chú tiểu trốn chùa đi dự hội hát, đêm khuya, qua phòng trai gõ cửa, chàng chưa kịp cám ơn và hẹn nhau tụng kinh xám hối thì tiểu xua tay, trao cho chàng một bao thơ.
Khêu đèn mở thơ, Giải lụa gói trong thơ trên giất hoa tiên thơm phản phất hương:
.Ất mùi niên, đệ tứ nguyệt … Tôn huynh nhã giám, Tiện muội đã thua trận, không có quyền lấy lại vật riêng. Tôn huynh giữ lấy, kỷ niệm chiến thắng hôm nay.Trung Vân Lâm thôn nữ, Quế Anh bái kính
Chàng đưa giải lụa lên môi, rồi đặt xuống án thư.Thế là bắt đầu một đêm dài không ngủ của kẻ si tình.
Sáng hôm sau, Trương đầu lĩnh từ biệt Thiên Chi Tự, Thiền Sư ra tận cổng chùa, căn dặn:
- Mong các hạ vong niên nhận bạn. Bần tăng hy vọng Trung Vân, Nham Biền tương thân mật thiết từ nay. Ngàn tinh binh của các hạ rồi đây sẽ là một sức mạnh lớn trong việc bảo vệ non sông. Thêm tài quân sự của các hạ, bần tăng khâm phục khâm phục. Bản đồ án binh thực tuyệt diệu. Nếu các hạ muốn chọn hai người trong số đồ đệ bản phái cho đủ một ngàn…?
Trương Tạc kinh ngạc, Thiền sư biết rõ tình hình sơn trại ; quả nhiên chỉ thiếu hai, đầy ngàn ; chắc hẳn hoà thượng này đã có bản đồ án binh của mình. Chàng trả lời:
- Xin bái lĩnh tôn ý, việc quan trọng, sẽ thảo luận với toàn bộ chỉ huy giờ đây, xin bái biệt. »
Trên đường về, Trương đầu lĩnh không khỏi phân vân suy nghĩ…  Người này biết rõ mình, nếu chì vì thế, uy hiếp bắt ta cộng tác thì ta từ chối, điều tra gián điệp nội tỉnh rồi đổi chiến thuật, chiến lược … nhưng theo quan sát riêng người này đầy thiện chí cho việc lớn, mà lại như Gia Cát Lượng tái sinh, đoàn kết với Trung Vân, và với Trấn Bắc là hợp lý hợp thời. Người lại hứa cho ta hai đồ đệ giỏi. Chọn Trường Đức và Quế Ngọc , tiện hơn hết. Trường Đức là cháu Thiền Sư, về ta, tức là con tin bảo đảm, còn Quế Ngọc … Quế Ngọc, nghĩ đến đây, chàng không khỏi mỉm cười, khen con mình có mắt thẩm mỹ, tinh đời. Quế Ngọc quả nhiên là trang thiên hương quốc sắc, lại là nữ anh tài hiếm có, đáng mặt Việt Nam liệt nữ sau này … nhưng ta ỷ thế bắt nàng cho con ta, theo luật thảo khấu sơn lâm thì sẽ hỏng việc, phải để chính con ta chinh phục bằng cách này cách khác …Rồi chàng lại cười thầm nghĩ đến cách đây hai chục năm, chính chàng đã đi bắt áp trại phu nhân, trong một trường hợp bất ngờ
Sáng ấy, còn nhớ như in trí óc, hạ sơn cùng vài lâu la, đầu trâu mặt ngựa, quần áo xốc xếch tả tơi, đâu có chỉnh tề oai vệ như quân ta ngày nay. Đang tính chuyện đi săn lợn rừng, thì gặp một đoàn mươi người, kẻ đi đầu, vẻ văn nhân,  cưỡi ngựa, theo sau, gia nhân khiêng một cánh võng, mành mành cánh sáo mà ta thường thấy ở nhà quyền quý Kinh Đô. Ta cùng lâu la chặn đường, hét lớn đòi tiền mãi lộ thì không ngờ văn nhân phi ngựa chạy mất mà lũ gia nhân người bỏ chạy, người quỳ mọp bên đường. Ta  ngạc nhiên chưa ra tay đã thắng. Ta đuổi lũ gia nhân đi hết. Mở cái hòm da bọn ấy bỏ lại thì chẳng có gì quý báu, ngoài hai ba bộ quần phụ nữ. Bọn lâu la, vô kỷ luật, mang những quần ướm vào mình, cười đùa nhảy nhót. Trong khi ta định quát mắng thuộc hạ thì một thiếu phụ vén mành bước ra, dáng thanh tao. Yên trí nàng sẽ đến bên ta lạy xin tha mạng thì chẳng ngờ nàng cướp lấy gươm của một lâu la định tự vẫn, may ta nhanh tay cứu thoát. Ta nói với nàng, tuy thảo khấu nhưng cũng trọng luân thường, sẽ sai người hộ tống đến quãng đường an toàn. Nàng bảo không đi đâu nữa và kể cho ta nghe chuyện của nàng. Người chạy trốn là chồng nàng. Có biết qua võ nghệ mà hèn nhát cao chạy xa bay. Hai vợ chồng trước đây ở Kẻ chợ - Chồng không học hành làm ăn, cửa nhà bán hết sạch sanh, vì thua bạc, bán nàng cho một thổ hào Sơn Bắc, tiền đã lấy một nửa rồi, nay trên đường đi « giao hàng » thì bị cướp … vì thế, nàng đã thành áp trại phu nhân của ta. Từ ngày về trại, không ngờ nàng tháo vát đảm đang. Tài quán xuyến tổ chức đã giúp ta đến ngày nay. Ta không quên nàng đã dạy ta chữ nghĩa, lại cho ta đứa con trai mà ta đang định thu xếp chuyện tình duyên.Nghĩ đến đây thì người ngựa đã xa Trung Vân mấy chục dậm, tới nơi bí mật lưu trú bọn thủ hạ, cả bọn cùng nhau thẳng đường về sơn trại.
Nếu ta cho việc Quốc Đức gặp Quế Anh là « tiền định » theo thuyết số mệnh thông thường, thì cũng có lý. Bởi vì đặc biệt năm nay, hội xuân tổ chức chậm hai tháng, nên Quốc Đức mới được phép đến võ đài…
Quen phóng khoáng tự do, mà nay ba tháng kham khổ, đủ tỏ chàng có nghị lực, nhưng từ khi gặp Quế Anh ở võ đài, chàng thấy bồn chồn tấc dạ, lúc nào cũng muốn gặp người đã chiếm đóng hết tâm tư. Chẳng may, Quế Anh còn ở trong thờI kỳ « quản thúc tại gia » mà Quốc Đức, theo lễ giáo chưa có cớ chính đáng lên thượng thôn, thăm đò Quỳnh Hoa Trại, nên lại thương nhớ. Chàng thường kiếm cớ đến thăm Đỗ giáo thụ để chiêm ngưỡng người đẹp Quế Anh trong bức hoạ « Thiếu nữ trước án thư ». 
Sự chờ đợi ấy đã nung đúc mối tình, chàng bắt đầu vào thời kỳ biếng ăn mất ngủ. Nếu ta cho rằng Quốc Đức không còn lý trí thì cũng phải, và chúng ta nên nhớ rằng những kẻ say mê không bao giờ suy luận, bởi vì suy luận là không thể say mê… mà cũng không biết say mê, vì thuộc vào số người không bao giờ say mê…
Thời gian qua. Thế là đã năm sáu tháng đợi chờ. Biết tin Trung Vân thôn nữ Quế Anh được “ tháo củi sổ lồng ” Quốc Đức không giấu nổi vui mừng. Từ ngày đó, lúc nào Quốc Đức cũng có một cớ « chính đáng » đến gần Lâm nữ. Đua ngựa, thi bắn tên, Quốc Đức đều nhường Quế Anh. Mới đầu bực tức rồi  sau nàng cũng quen cử chỉ si tình.
Và đối với  chàng, hay với  tất cả các bạn trai khác, nàng vẫn hồn nhiên, tặng tất cả mọi  người những cử chỉ lẳng lơ, những nụ cười hứa hẹn, những khóe mắt đa tình, chinh phục tất cả mọi  người mà chẳng chiếm đóng nơi nào.
Quốc Đức vì vậy càng thêm đau khổ, rồi, một tối chàng yết kiến Thiền Sư.
Thiền Sư rời sập gụ nơi chính diện, sang bàn bên, gọi tiểu pha trà, đặt bàn cờ thầy trò đàm đạo. Ðó là thói quen, mỗi khi đàm đạo với Quốc Đức, chỉ bắt đầu vào chuyện từ ván thứ hai. Thiền Sư cho đó là một cách huấn luyện bình tĩnh nhẫn nại của con người.
Quốc Đức rất cao cờ, mức độ quán quân, với trí óc 19,20, có nhiều nước đi bất ngờ, cho nên tính đến nay Thiền Sư còn nợ chàng hai ván.
Thế mà hôm nay, mới có sáu bảy nước, Quốc Đức đã bị thế cùng. Sau vài giây ngập ngừng, một mạch, chàng giải bày tâm sự, xin phép xuất trường về Kinh Bắc, nói với bố mẹ lên đánh tiếng với Lâm gia, và ước mong Thiền Sư ưng thuận làm chủ hôn sau này.
- Ta hân hạnh lãnh vị chủ hôn, nhưng thiết tưởng đó là quyền của song đường con, khi nào gặp hai người, ta sẽ quyết định. Bé Quế Anh - Thiền Sư thường gọi các nữ độ đệ là bé – Bé Quế Anh thực đẹp người, nhưng ta cho la nết bé hơi đặc biệt, con đã nghĩ kỹ chưa, mà con đã hỏi thẳng nó chưa?-
-Thưa sư phụ, nghĩ kỹ rồi, nhưng hỏi thẳng thì chưa. Con không dám vượt khỏi phong tục lễ nghi …- Quốc Đức nói tới đây thì Thiền Sư ngắt lời với nụ cười đùa cợt và khóe mắt nửa khiển trách, nửa hiền từ:
 - Ta biết rồi. Con không dám hỏi bởi  vì con không chắc chắn câu trả lời hợp ý ; con … con lo sợ, muốn ta làm chủ hôn, nghĩa là đưa ta vào nhiệm vụ người giữ ngọc quý trong khi chủ ngọc đi vắng? Con đâu phải là chủ ngọc? Nói đùa thôi, ta sẽ coi chừng giúp con, ngày mai cứ về Kinh Bắc  -
-Thưa sư phụ, hôm đấu võ …
-Thôi, con không cần phải thú tội chuyện bình thăm, không có gì qua mắt được ta đâu. Chú tiểu bạn con hiện đi vắng không phải là ta trừng phạt, mà vì ta giao cho hắn một việc quan trọng, rồi đây con sẽ biết. Vậy con cứ yên trí về quê.-
Về nhà, thân mẫu cho hay quân tam phủ hống hách sách nhiễu dân chúng, bè đảng lợi dụng danh nghĩa Trấn Thủ Kinh Bắc ( Tuân sinh hầu Nguyễn Khắc Tuấn? ) có ý dòm ngó cơ sở kinh doanh của nhà. Nếu không «đóng góp» cho họ thì sẽ có chuyện không may xảy ra như hỏa tai, cướp phá. Thân phụ chàng đã báo cho Trấn Thủ hay nhưng vị này nói chưa có gì xảy ra, không thể can thiệp. Thân phụ chàng nghi Trấn Thủ cũng có tư tình với bè lũ ấy, nên ra Kinh Kỳ xin Phủ Trịnh can thiệp.
Thành ra vắng nhà gần sáu tháng mà nhiều việc quan trọng đã xảy ra, chàng không thể nói ngay chuyện riêng với mẫu thân, vả lại, còn bận điều động, bố trí hơn ba trăm gia nhân canh gác chung quanh hai xưởng dầu và dệt lụa.
Năm sáu ngày qua, không biến cố, và được tin thân sinh đang trên đường về, chàng yết kiến mẫu thân.Bà Xuân Thảo tán thành cách phân tích và giải thích tình trạng của con trai. .
Thấy mẹ vui vẻ bình tĩnh trở lại, chàng nói chuyện hôn nhân. Bà Xuân Thảo lộ nét mặt mừng, hân hoan ngắt lời con:
 - Mẹ vẫn nóng lòng muốn thêm dâu hiền. Năm ngoái con khất, năm nay con bằng lòng. Mẹ chờ cha con về rồi ra Kẻ Chợ, nói lại với Đinh gia …
- Thưa mẹ, không phải Đinh Kiều Thúy, con xin thú thực với mẹ, con gặp cô Quế Anh, họ …
- Tưởng ai chứ Quế Anh, mẹ biết, mẹ coi như con gái mẹ, cô Quế Anh có thể nối nghiệp mẹ sau này. Họ Nguyễn tuy không phải môn đăng hộ đối, nhưng Quế Anh đẹp người đẹp nết, rất thông minh, lại trông xa hiểu rộng. Bố cô ta lại là bạn từ nhỏ của cha con...
-Thưa mẹ, thưa mẹ, con muốn nói Quế Anh họ Lâm ở Trung Vân.-
Bà Xuân Thảo giật mình, trấn tĩnh hỏi:
- Mẹ đâu có biết con đi lên Trung Vân Sơn, mẹ yên trí con đi Đàng Trong, qua cửa Hàn như con thường nói. Cũng vì vậy cha con mớI biên thư «tín dụng». Ở Thượng du, nhà ta không có liên lạc thương mại nhiều. Mẹ không biết Quế Anh họ Lâm, mẹ sẽ bàn tính với cha con tối nay.-
Dứt lời, Xuân Thảo bảo con cùng mình qua xưởng dệt.
Đi vắng sáu tháng, Quốc Đức ngạc nhiên, thầm kính phục mẹ: Xưởng rộng gấp đôi, cửa sổ mở ra phía hồ sen, gió mát đưa hương khắp xưởng, mùi lụa sống quen thuộc dễ chịu, mà tiếng động của các khung cửi, từ hơn hai trăm, nay gần gấp đôi, cũng không cao quá mực độ chịu đựng thông thường. Đó là nhờ cách biến chế, hoàn chỉnh, cách tiếp dẫn chất nhờn khô vào các bộ phận có khớp cử động của khung cửi, vừa êm, vừa không ô nhiễm lụa dệt, kết quả của cộng tác chặt chẽ giữa bà Xuân Thảo và Quế Anh.
Một thiếu nữ từ văn phòng ra đón, áo cánh rộng tay lụa mầu mơ non, xiêm dài lụa mầu nâu tím, tóc buộc sau gáy, cổ đeo chuỗi ngọc xanh nho nhỏ, phần thưởng đệ nhất công nhân, mới được cách đây vài tháng. Quốc Đức tuy bận tâm về người đẹp Trung Vân, cũng sửng sốt khen thầm trang quốc sắc nông thôn. Dáng dấp thanh tao, cử chỉ khoan thai từ tốn, đáng bực chỉ huy, dù nàng còn trẻ măng, chừng hai năm qua độ trăng rầm. Khuôn mặt trái soan vừa phải, vầng trán cao, đôi mày lá liễu, mũi dọc dừa, cặp mắt to sáng dưới hàng mi dài, má núm đồng tiền, cằm hơi xẻ, nước da bánh mật tuyệt mỹ càng tăng ánh ngọc hàng răng khi cười nói.
Khi ba người bước vào, mấy trăm khung cửi bỗng ngưng hoạt động. Im lặng như một giáo đường! Có thể vì «tiểu chủ» ít khi vào xưởng nên mấy trăm cặp mắt, đại đa số các thiếu nữ công nhân, tò mò chờ đợi, làm Quốc Đức hơi lúng túng vụng về.
Bà Xuân Thảo phá bầu im lặng:
- Quế Anh con, những thoi mới thế nào?
- Thưa từ mẫu, tất cả các cô gái dệt sa đều gọi Xuân Thảo như vậy vì nàng không những là chủ nhân, là con là sư phụ dạy chữ, nhiều khi lại săn sóc dựng vợ gã chồng, như con cái mình – Thưa từ mẫu, loại thoi mới nhất rất hữu hiệu, se sợi mà ít lỗi.-
Dứt lời, Quế Anh, Nguyễn Quế Anh, ra hiệu cho một cô bạn đứng lên, nàng ngồi thay. Khung cửi và người dệt, dưới ánh chiều, nổi bật, như bức tranh «tối sáng» kiểu «người đẹp dưới án thư» của Đỗ giáo thụ Trung Vân. Mầu da nàng hồng nâu, phản tương với mầu mơ vàng của áo cánh, cặp mắt biến đồng thau, sáng ngời, hai bàn tay, ngón búp măng, đưa thơi như bướm lượn tìm hoa... những hạt bụi cực vi  biến thành phấn vàng đảo lộn lóng lánh trong tia chiều chênh chếch.
Hình ảnh tuyệt mỹ của họa sĩ nỗi danh nào?
Quốc Đức hiểu mẹ nàng gián tiếp giới thiệu người đẹp Dương Châu  ( Dương Châu thôn, tên nơi xưởng dệt và tư gia họ Đặng )... Chàng đang mãi suy nghĩ mông lung, quả nhiên hai Quế Anh đề là mỹ nhân hiếm có, mỗi người một vẻ, không thể so bì. Những tiếng động đều đều của mấy trăm khung cửa đã trở lại mà chàng cũng chưa hay …
Tối hôm ấy, trong phòng khuê, Xuân Thảo ngỏ lời với Quang Anh, thì ông bỗng biến sắc, nhưng cố giấu ưu phiền lo ngại.
- Tôi cũng như bà, tôi không hay Quốc Đức nó chẳng vào Nam và lại ngược Bắc, đến Trung Vân. Cũng như bà, nếu là con Quế Anh Dương Châu này, tôi không bao giờ để ý giầu nghèo, tôi rất ưng … ngừng vài giây ông tiếp:
- Còn con bé Quế Anh họ Lâm ở Trung Vân, thì không được, vì…vì… gia phong không hợp với nhà ta. Tôi không thể nói hơn. Bà cứ tin tôi, khuyên con bỏ chuyện Trung Vân! -
Cái phản ứng tức thì của chồng làm Xuân Thảo buồn rầu lo nghĩ, nàng không nói thêm gì nữa, bắt đầu một đêm suy tư không ngủ, còn Quang Anh sang phòng sách khêu đèn, đối bóng.
Sáng hôm sau, được tin thân phụ chối từ, Quốc Đức vô cùng thất vọng, chẳng cần thu xếp hành trang, chàng từ biệt mẫu thân, lần đầu tiên vô lễ với cha, không chào thân phụ, lên ngựa thẳng tiến Kinh Đô.
Đến thăm em rể và Xuân Xuân, chàng kể tâm tình cho em gái, nàng thương anh, nước mắt vòng quanh:
- Thân em, bố mẹ đặt đâu ngồi đấy, em chưa bao giờ hiểu thế nào là tình yêu, thì em biết nói gì? Em chỉ mong anh sẽ sung sướng hơn em! -
Không ra khỏi cửa Chiêu Vân các, đúng ngồi bồn chồn, càng xa càng nhớ, chàng trai biếng ăn kém ngủ, từ dáng vóc to lớn hiên ngang, biến dạng không ngờ, đôi má hóp, mắt quầng sâu …
Quốc Tuấn và Xuân Tâm hết sức lo ngại, biên thơ hỏa tốc về nhà, còn Quốc Đức sầu tương tư không nguôi, sắp sửa nghĩ đến theo tình bỏ hiếu, bất chấp lễ nghi phong tục cùng người đẹp xây tổ uyên ương nơi nào xa lánh.
Được thơ Quốc Tuấn và Xuân Xuân, Đặng Quang Anh cấp tốc trẩy kinh, chưa bao giờ cướp không gian và thời gian như lần này. Khi ông đến Chiêu Vân các, Quốc Đức vẫn nằm lì trong phòng, không ra đón thân phụ ngoài cửa như mọi lần. Quanh Anh không giận, đến thẳng phòng con:
- Quốc Đức con, đi với cha, cha có chuyện phải nói.-
Quang Anh hối gia nhân sửa soạn cơm chiều, mang xuống thuyền, gia nhân ở lại bờ, tự ông chèo thuyền ra giữa Tây Hồ. Quốc Đức lặng nhìn cha, hy vọng người đã thay đổi ý kiến.
Lúc này trời đã vào đêm. Trăng chênh chếch in bóng mặt hồ gợn lăn tăn. Bỗng tiếng đàn tranh từ bờ xa vọng lại.Đối cảnh sinh tình, Quang Anh, đọc bài thơ Đường «  Văn Lân Gia lý tranh  » của Từ An Trinh:
Bác đẩu hoành thiên dạ dục lan
Sầu nhân ỷ nguyệt tứ vô đoan
Hốt vân hoa- các Tần tranh dật
Tri thị lân gia «Lâm» nữ đàn
Khúc thành, hư ức song nga liễm,
Diêu cấp dao liên ngọc chỉ hàn
Ngân thược trùng quan thính vi tịch,
Bất như miên khứ mộng trung khan.
Rượu ngà say, chưa vào đề, Quốc Đức biết cha mình giầu tình cảm, chàng ngắm nhìn dáng điệu phong lưu mã thượng của ông, chứa chan hy vọng. Câu thơ «Tri thị lân gia Triệu nữ đàn» mà ông lại đọc: Lâm nữ đàn … Có thể ông đã xuôi lòng cho phép chàng đi vào tỉnh mộng? Chàng nâng ly rượu mời thân phụ, ứng khẩu dịch:
Tiếng đàn nhà bên
Đêm khuya sao đấu giữa không sâu
Dưới bóng trăng say dạ rối rầu
Gác tía tơ đồng gieo tiếng nhạc,
Nhà bên Lâm nữ dạo cầm châu
Cung ngừng chắc nhíu đôi mày liễu
Phím nắn, tay ngà hắn lạnh đau
Tìm mãi đường sang, then chốt đóng
Chi bằng vào mộng đến cùng nhau.
Đỡ lu một hơi uống hết, cầm ly ngắm nghía suy tư, đột nhiên ném xuống mặt hồ. Trăng in nước tan vỡ thành muôn mảnh vàng lấp lánh, rồi những vòng tròn đồng tấm nối tiếp nhau vào bờ xa … Ông ngửa mặt nhìn trời:
-Thực là tự ta gây oan! tự ta gây oan! -
Ngừng vài giây, ông tiếp:
- Quốc Đức con, cha nói tại sao cha phản đối con lấy Lâm Quế Anh. Đây là chuyện bí mật giữa hai cha con ta. Con gắng nghe từ đầu đến cuối, đừng ngắt lời cha …
Thế là mẹ con và cha làm bạn với nhau đã hơn hai mươi lăm năm. Người ta nói «làm bạn» thực là chí lý. Mẹ con và cha, hai người thương nhau như đôi bạn, ngoài tình nghĩa vợ chồng. Cha gặp mẹ hồi cha mới mười tám tuổi mà mẹ con chưa đến mười bảy. Gặp nhau, thiên duyên tiền định, ở một bến sông gần Phố Hiến.
Buổi sáng hôm ấy thật đẹp trời mà còn cuối mùa nước cạn, cha giục ngựa qua sông, không chờ phà ngang như mọi lần vì lúc đó phà đã ở giữa dòng. Trong khoảnh khắc, cha vượt phà, khi cha lên bờ thì phà còn vài sải mới đến bến. Mấy người phụ trách sang ngang còn đang lúng túng với sợi dây thừng buộc ngang sông để kéo phà, thì nghe ở thượng lưu tiếng nước đổ, rồi dòng sông bắt đầu nước cuốn mạnh. Vừa lúc đó, lái phà tuột tay, chiếc phà mất giây liên lạc, trôi theo dòng nước xiết chảy. Mấy người quá giang sợ hãi kêu cứu ầm ĩ. Cha vội xuống ngựa, lấy cuộn dây thừng, ném một đầu cho người lái để người ấy buộc vào cột chèo, một đầu cha buộc vào gốc cây, rồi dùng ngựa kéo phà vào bờ.
Cha đưa tay giúp khách lên bờ. Đến lượt một thiếu nữ xinh đẹp, y phục hơi khác thường. Áo cánh lụa nâu ngắn, tay rộng, xiêm cùng mầu, nhưng đầu đội mũ cói kiểu Thái tây, cổ đeo một thập tự nhỏ bằng vàng của đạo Gia Tô. Thực kính phục nàng can đảm vì ở khắp nơi đã có nhiều dấu hiệu kỳ thị đạo giáo Tây phương. Thế rồi cha tìm cớ gặp lại, được biết nàng là một nữ anh tài thông minh mỗi lạc mà quan niệm, lý tưởng về việc đời khác hẳn những hiểu biết thông thường của nho giáo cổ xưa. Thiếu nữ ấy có một nền học vấn khác hẳn người đương thời. Nàng là học trò của giáo sĩ đạo Gia Tô thuộc Dòng Tên ( Jésuite )biết ba thứ tiếng ngoại quốc Hồng Mao, y pha nho và Pháp lan tây … Cha được phép đến tư gia nàng, nhưng trong cuộc hàn huyên, bao giờ cũng hiện diện một tỳ nữ hay bà vú nuôi của nàng, như phong tục nhà quyền quý Y pha nho.
 Chả nói con cũng đoán ra người ấy là mẹ con.
Nhưng chuyện tình duyên của mẹ con và cha cũng không dễ dàng. Ông bà ngoại con nhất định phản đối việc hôn nhân, cớ chính là cha ngoại đạo, còn ông bà nội cũng cực lực phản đối, không cho cha lấy cô gái đạo Gia Tô … sau cùng bất chấp quyền lực gia đình, mẹ con và cha, cùng mấy người bạn thân, đến Thánh đường Gia tô ở Phố Hiến. Cha Gia tô, thầy học của mẹ con, cũng bất chấp giào lệ, làm lễ thành hôn cho mẹ con và cha. Vì vậy, sau cùng hai gia đình cũng thỏa thuận, rồi mẹ con về làm dâu ở Dương Châu, Kinh Bắc. Cử chỉ và đức độ của mẹ con đã chinh phục được ông bà nội con, thường thường bắt con dâu lên sảnh đường thảo luận về văn học Thái Tây. Những dịp ấy, có nhiều khi cha lặng im nghe hai người tranh luận về những gì khác biệt giữa Đông và Tây, và những gì đồng hướng, cha cảm thấy vừa mến phục vừa yêu mẹ con với những cảm tình phức tạp hơn xưa.
Mẹ con đặt hoàn toàn tin tưởng vào cha như đã hứa ở Thánh đường, chỉ một vợ một chồng đến khi trăm năm mãn hạn. Vì vậy, chuyện cha tiếp tục kể đêm nay, con đừng bao giờ để mẹ con biết … cho vô cùng lo sợ phản ứng của mẹ con nếu mẹ con phong thanh chuyện này.
Sự nghiệp nhà ta bây giờ gấp nghìn lần khi trước là do mẹ con hoàn toàn gây dựng từ khi ông bà nội giao cho mẹ con toàn quyền quản trị ; lòng nhân từ, bác ái, quãng đại của mẹ con chinh phục tất cả mọi người. những gì khi xưa ta nói làm ơn, làm phúc thì mẹ con rất giản dị, cho là công bằng và bổn phận. Cha không thể nào làm tan vỡ cái hồn nhiên, trong trắng, tin tưởng tốt đẹp của mẹ con … Con nay đã khôn lớn, chắc hẳn cảm thông, cha muốn chính con cũng rộng lượng đối với cha.
Cha là người sung sướng nhất đời, mấy năm trời quần quít cạnh mẹ con, rồi anh con ra đời, ông bà nội «độc quyền» trông nom cháu đích tôn, mẹ con thì cùng cha mải mê công chuyện kinh doanh.
Thế rồi một buổi sáng kia, đồng thời cha nhận được hai bức «tâm thư», một của ông Hoàng Công Chất, và một của ông hoàng thân Lê Duy Mật. Đấy là cách đây khoảng hai chục năm, tình trạng loạn ly khắp nơi, dân chúng lầm than đói khổ … cũng như ngày nay … Hai cái thư ấy đánh thức cái ham thích phiêu lưu của cha, không hiểu sao đang ngủ yên trong mấy năm hạnh phúc. Mẹ con đang mang thai con, mà cha, không hiểu sao đã nỡ tình xin phép mẹ con ra đi.
Cha nhớ từng lời nói của mẹ con lúc chia tay. Hồi ấy, cha tính tình nông nổi, không biết mức độ đau lòng của mẹ con qua lời nói nửa đùa cợt, nửa đúng đắn mà cha sẽ kể tiếp.
Sáu con ngựa, yên cương sẵn sàng chờ cha và năm gia nhân ngoài sân. Trong phòng khuê, mẹ con đua hai tay đón hai dòng lệ trào lan trên hai má rồi cầm tay cha nói:
-Chúng ta đã nhiều lần tranh luận quan niệm cuộc đời. Có thể thiếp nhi nữ thường tình cho là bổn phận nam nhi không phải chỉ ở nơi chiến trường khói lửa  mà bất cứ nơi nào. Kẻ sĩ không đem lại hạnh phúc cho nhân dân, có khi còn bạo tàn phá hoại! Nước mạnh dân giàu, ở nông, ở công và ở thưong. Chúng ta ở công và ở thương, thiếp biết chàng không toại nguyện, xin chàng cứ trở về sĩ của mấy ngàn năm nho giáo! Xin chàng đừng vì thiếp giảm nhuệ khí nam nhi trong việc «quân vương cấp bách». Sự thật thì thiếp cũng chẳng biết, «quân» nào và «vương» nào? Đó là chuyện khác. Thiếp không muốn sau này chàng ân hận vì thiếp!-
-Thôi chàng lên đường, xin trao chàng tấm khăn hồng mấy đêm nước mắt của người chinh phụ này, để... để chàng nhớ đến người tình muôn thuở ở nhà nóng lòng chờ đợi khải hoàn …!-
Mẹ con bế anh con, ở lại phòng khuê, không ra cửa tiễn cha.
Lời nói của mẹ con, ngày nay cha mới thấu hiểu.
Đến thăm ba vị hoàng thân họ Lê, rồi lên Mường Then thăm ông Hoàng công Chất. Cha vô cùng thất vọng. Đúng như mẹ con đã nói từ lâu, không ai có một chương trình «trị quốc» gây thái bình, phồn thịnh, hạnh phúc cho nhân dân. Ai nấy chỉ nghĩ đến «sự nghiệp» của chính bản thân mình mà ai cũng cho rằng mình hành động theo mệnh Trời, chẳng biết Trời trao cho lúc nào? Cha đề nghị chương trình án binh địa phương gây những vùng kinh tế phồn thịnh tự lập để làm gương mẫu, thì chẳng ai nghe, chỉ hỏi cha giúp đỡ bao nhiêu tiền bạc. Cha hứa về tính toán trả lời sau, nhưng quyết định của cha là không ai đáng giúp.
Nhân tiện đã xa nhà, cha bàn định với gia nhân, nhân dịp này, qua biên giới đến tỉnh Chiết Giang bên Trung Quốc để nghiên cứu về nghề dệt. Bên ta chưa dệt được gấm vóc như Trung Quốc
Nhưng khi qua một bản làng ở biên thùy thì quân Mãn Thanh đang vây đánh một sơn đồn của ta, thuộc vùng Tà Lùng
Cha đến nơi này vào buổi chiều. Cha lên một ngọn đồi kín đáo dùng viễn kính quan sát: Quân đội Mãn Thanh chung quanh đen nghịt. Một cuộc tấn công vừa bị đẩy lui, khói súng còn mờ tỏa khắp thung lũng. Một số thôn xóm chung quanh đồn đã bị đốt cháy. Hỏi dò, thổ dân trốn thoát kể lại dân chúng bị sát hại khá nhiều. Trong đồn chỉ còn vài chục quân sĩ dưới quyền chỉ huy của một vị quan lang họ Đèo. Mà gia đình quan lang cũng còn trong doanh trại. Mấy ngàn quân Mãn Thanh đã hai tuần vây bọc, nhưng không thôn tính nổi vì kiến trúc kiên cố đặc biệt của vùng này.
Những bức tường cao đất đỏ đầy chông gai, cạm bẫy ác nghiệt và sức chống trả dũng mãnh đã làm mấy trăm quân giặc tử trận. Vì vậy giặc đã trả thù giết hại dân chúng, bất kỳ là người già yếu hay đàn bà con trẻ. Vị chủ tuớng Mãn Thanh thề rằng khi hạ đồn sẽ không để ai sống sót.
Trước tình trạng này, gia nhân và cha, sáu người như một, quyết định phải làm trọn bổn phận nam nhi, bảo vệ đất nước, dù phải hy sinh nơi đây. Mọi người chuẩn bị đêm nay, lọt vòng vây lên đồn. -