Võ hiệp lịch sử tiểu thuyết
Chương 8.

 
8.- Tính thiên định, Quế Anh Dương Châu.
Nơi kẻ chợ nữ kiệt dùng tài...
Lại nói về Quang Anh từ biệt Chiêu Vân Các.Xuống ngựa, phủi bụi đường, chưa kịp bước lên thềm, Xuân Thảo chạy tới:
- Con khoẻ hẳn rồi. Có việc phải bàn với phu nhân.
Sau khi nghe chồng kể lại lời thỉnh cầu của Quốc Đức, Xuân Thảo nửa mừng  nửa buồn, nỗi buồn riêng ấp ủ trong lòng từ lâu, nhưng lại mừng vì Quốc Đức thuận lấy Quế Anh, Nguyễn thị, mà bà rất mực mến yêu.
Xuân Thảo trấn tĩnh nhìn ông, cố giấu nét buồn nói đùa:
- Thì ra thằng bé nó chẳng mê người, nó chỉ mê cái tên Quế Anh thôi. Sao nó không mê luôn công chúa Quế Anh, con chúa Trịnh sâm, để cho chúng ta dễ xử! (1) Quế Anh Lâm gia, ông có trông thấy nó không? chắc hẳn nó đẹp lắm nên Quốc Đức mê say? Lâm gia có điều gì không xứng đáng mà ông phản đối? Càng hay, bé Nguyễn Thị Quế Anh thì tôi rất bằng lòng. Được nó làm dâu thì là Chúa thương nhà ta. Con bé cương trực khí khái  Nhưng phu quân đừng vội lỗ mãng, người ta tưởng mình giầu mua con gái họ …!
Xuân Thảo cố tình không đợi câu trả lời của Quang Anh về gia đình Lâm Quế Anh, nàng nói luôn chuyện khác.
Xuân Thảo qua xưởng, dưa Quế Anh sang sân tư gia.
Dưới giàn hoa lý, bên cạnh một bể non bộ tuyệt đẹp, kiêu hãnh của Quang Anh chính tay tạo ra, gia nhân đã bày một bàn gụ tròn, mặt đá hồng vân, và đôi ghế bành, kiểu thường dùng cho tân khách.
Xuân Thảo bảo Quế Anh ngồi. Nàng lẽn lẽn, không dám. Bà đến tận noi, âu yếm cầm tay nàng bắt buộc ngồi xuống rồi  tự tay rót nước. Nàng vội đứng dậy đỡ tay:
- Xin bà để con  …
- Không được - giọng hiền từ-ta mời con sang đây là tư gia thì con là thượng khách, còn ta, ta phải trọn nhiệm vụ chủ nhà.
Nói về công việc, hồi lâu, hết một tuần trà. Ở đây, không có miếng trầu là đâu câu chuyện, vì tất cả thôn xóm nơi đây, không có ai ăn trầu, nhuộm răng và hút thuốc lào.
Câu chuyện tâm đầu ý hợp về tương lai của xưởng dệt …
Rồi bà đột ngột:
- Nếu ta xin con về làm dâu họ Đặng, con  bằng lòng không?
Câu hỏi không minh bạch, làm lúng túng suy tu. Biết mình gia cảnh thanh bạch, làm dâu thứ bực nào? Quốc Tuấn lấy vợ ba năm rồi, chưa có con. Chắc bà muốn cháu bế bồng, nên muốn nàng về làm thiếp Tri phủ Băng Châu chăng? Nếu như vậy ta sẽ lựa lời từ chối. Còn Quốc Đức thì ai cũng biết đang say mê Quế Anh họ Lâm. Quốc Đức chả bao giờ để ý đến nàng. Cách đây hai năm, ở bờ sông Thương sông lưu, gặp nàng giặt lụa, nói đùa vài câu rồi bỏ đi, chẳng thèm ngoảnh lại. Kể cả ít ngày cách đây khi bà giới thiệu khéo, chàng ta đôi mắt dửng dưng làm nàng bực mình xuốt cả đêm. Chàng ta lại quên nàng đã sửa gọt, chế biến con thoi mới làm xưởng nổi danh. Thế rồi càng cải thiện và giản dị hóa việc lau dầu các khung cửi, chàng ta cũng không thèm khen ngợi. sao mà thấy ghét anh chàng làm bộ ấy, còn làm lẽ Quốc Tuấn thì không đời nào! không đời nào!
Nghĩ đến đây, ngước mắt nhìn bà, hàng mi chớp chớp:
- Thưa bà … thưa bà … Vừa may, bà Xuân Thảo ngắt lời:
- Lẽ dĩ nhiên để con suy nghĩ, bao giờ trả lời cũng được. Nhưng Quốc Đức nó nói « lót » với ta, nhờ ta hỏi con, mà nó nóng ruột chờ tin … chờ tin mừng …!
Thì ra là Quốc Đức. Nàng mừng thầm, nhưng e sợ có sự nhầm tên. Nàng ngập ngừng:
- Thưa bà, con nghe nói, anh ấy muốn cô Quế Anh Trung Vân, con sợ bà nhầm người?
- Không, không chỉ là đồn đại mà thôi. Ông nhà ta nói rõ rồi … nó nhờ ta hỏi con, hỏi chính con. Từ sáng sớm nay, ta mừng lắm, được con về nhà họ Đặng thì ta vô cùng sung sướng -…
Quế Anh nói:
- Thưa bà, bà hẳn hiểu lòng con, không những bà là chủ nhân lại còn là sư phụ văn học, riêng con, con tuân lệnh, nhưng xin phép về hỏi mẹ cha …
Bà Xuân Thảo:
- Con ưng thuận là ta mừng, - Bà đứng lên, đến nắm tay Quế Anh, au yếm, - ngày mai, ông nhà ta sẽ đi nói với thân phụ con, rồi chọn ngày lành, sang bên con, xin đánh tiếng. Ta dậy con, được bao nhiêu? con tự học hỏi thêm nhiều. ai ai cũng kính phục con thông minh tháo vát. Nếu con về đây, mẹ trao toàn quyền quản trị …
Nàng nghe tiếng « mẹ » cũng sung sướng an lòng, xin phép về văn phòng, tần ngần suy nghĩ …
Xuân Thảo kể với Quang Anh, ông tỏ vẻ vui mừng, nâng hai tay bà đưa lên môi cám ơn, bà cũng quên mọi sự, thêm vui. Cử chỉ trìu mến ấy đi vắng từ lâu, bây giờ mới trở lại.
Sáng sau, Quang Anh phi ngựa lên bến Đông Hà, nơi thân sinh Quế Anh, Nguyễn Đức Bình đang chọn cân hạt thảo mộc có dầu. Ông Bình nổi tiếng thành thạo chọn hạt, xuất lượng dầu cao. Quang Anh và Xuân Thảo hết sức tin cậy, thường nói bố nào con ấy.
Không có Xuân Thảo, Quang Anh trở lại cách ăn nói bình dân mà chàng ưa thích.
Sau một tuần rượu ở tửu quán, Quang Anh vỗ vai Đức Bình:
-Thằng Quốc Ðức nhà tôi muốn tôi hỏi vợ cho nó. Ông và tôi, chúng ta « sui gia » nhé! -
Đức Bình chưng hửng:
- Tôi chưa say, ông chủ ơi, ông nói hay rượu nói? Nếu ông nói đùa làm nhục Bình này, thì ngay đây. Bình xin từ chức.-
- Ông từ chức sao được? không có ông, tôi làm ra cái gì? Bà nhà tôi lúc nào cũng bênh ông hết nói. Bà nhà tôi hỏi dò con bé rồi, nó nói tùy quyền mẹ cha. Vì thế hôm nay, tôi hỏa tốc lên đây nói lót với ông, để ông nói với bà …-
Đức Bình chợt nghĩ đến thái độ của con gái từ hơn hai tuần nay, hơi kém ăn, biếng ngủ … thực sự, Đức Bình nông nổi hay thảm trạng hóa mà thôi. Quế Anh chỉ bực mình vì thái độ dửng dưng của Quốc Đức hôm thăm xưởng dệt mà thôi.
Ông ta nghi ngờ:
- Việc gì mà ông phải hỏa tốc lên đây? Tôi biết ông là người kiên trực hiên ngang, ông bỏ  địa vị chủ nhân mà hãy trả lời tôi. Có phải thằng Quốc Đức nó làm hại còn tôi rồi, phải không? Con ông chủ mà? Đức Bình nhìn thẳng mặt Quang Anh.
Quang Anh đỏ mặt tía tai:
- Ông không đưôc nói bậy. Quốc Đức con tôi, nhân lễ, nghĩa, trí, tín, tôi biết, còn con Quế Anh, là bực nữ lưu chân chính, ông không được nghi oan nó. Hai vợ chồng tôi tôn trọng nó, coi như con gái chúng tôi … Tôi đến đây để xin ông về nói với bà nhà … nếu mọi người thỏa thuận, chúng tôi mới mai mối, đánh tiếng chính thức … ông đừng làm đôi trẻ thất vọng ….
Đức Bình nghe ra:
- Quả là tôi quá nóng nẩy, xin lỗi, xin lỗi. Riêng tôi bằng lòng, thực hân hạnh cho Nguyễn gia chúng tôi.-
Vui vẻ hân hoan, Quang Anh lên ngựa, khoan khoái nhẹ nhàng, buông lỏng giây cương cho tuấn mã ruổi giong hồi tầu
Đám hỏi long trọng, bên trai, bên gái, tương tôn tương kính, củ chỉ khiêm nhường, mọi người đều đẹp lòng.
Quốc Đức trao đổi với vị hôn thê vài lời xã giao, ngượng nghịu ngồi yên một chỗ ; Quế Anh thỉnh thoảng liếc nhìn kín đáo, nhưng nàng giữ cử chỉ nghiêm trang thành ra hai người không được vui như những người dự lễ.
Quế Anh trở lại bực mình, hối hận đã nhận lời không suy nghĩ. Còn bà Xuân Thảo giận Quốc Đức nhưng không nói gì.
Ước định khi nào gặt lúa tháng tám xong, có cốm mới, chim ra ràng, sẽ làm lễ thành hôn. Mọi người hân hoan, chẳng ai để ý đến thái độ quá nghiêm trang của đôi trẻ. Họ lại cho là con nhà thực lễ độ. Xong lễ hỏi, Quốc Đức xin phép cha mẹ đi ngay ra Kẻ Chợ rồi từ ngày đó cũng chẳng về thăm nhà. Lấy cớ đến thời kỳ học hỏi gấp sửa soạn trường thi.
Mấy tháng trời đã qua như bóng câu, mà Quốc Đức, mấy lần định từ hôn. Cũng may Xuân Thảo tận tình giữ vững, gửi thư trách móc Quốc Đức. Nguyễn Quế Anh cố giấu nỗi buồn riêng trước mặt chị em nhưng sắc thái không tránh được đổi thay. Nàng thường cùng bà Xuân Thảo dạo chơi bên cạnh hồ sen cạnh xưởng. Hai người tâm sự có khi đến khuya mời chia tay.
Bà Xuân Thảo ngỏ ý muốn chính mình ra Kẻ Chợ can thiệp, nàng trả lời:
- Con không giấu quá đau lòng vì anh ấy thờ ơ lãnh đạm. Nhưng con nhất định đẹp bỏ tự ái của con, phải tự con chinh phục lòng anh. Con biết anh ấy có chuyện thầm kín đau thương, chưa khỏi. Ở đây, ai cũng biết chỉ vì anh ấy thất vọng vì người khác, nên mới hỏi con. Con không để ý, con nhận lời, chỉ vì chính con đã yêu thương anh ấy từ ngày gặp anh ở bến Lục. Con sẽ hy sinh tụ ái, danh dự, để chinh phục, mẹ đừng lo. Con yên trí có mẹ bênh là con phấn khởi trong lòng …-
Buổi sáng ấy, tiểu đồng hối hả mang lên văn phòng Quốc Đức một gói bọc bằng mảnh lụa sồi, có chỉ hồng buộc nút.
Đó là thứ lụa được người Kẻ Chợ ưa thích, mà chính Nguyễn Quế Anh đã tạo ra, chọn lọc từ lúc nuôi tầm, ươm tơ đến khi thành tấm.
Gói mở ra, có một con thoi mới gọt và một lá thư, giấy hoa tiên, quốc ngữ, mẫu tự La tinh:
Gửi chàng thưong nhớ,
Lới hứa trăm năm đã trót, Mà sầu thương đang chất núi, ngàn thu.
Chàng vui chân bước viễn du,
Còn thiếp, phòng khuê, hằng đợi tin hồng mấy độ.
Thiếp cũng đã kinh luân từ thuả,
Thế mà, phải chăng?, bần nữ quá cao trông?
Nên chẳng được nghe lời lẽ mặn nồng,
Mà trái lại, viết chữ Đồng trên thờ ơ lạnh nhạt.
Phải chăng thể nữ (1) phận thiếp
Còn cung nga (1) chờ đợi những ai đâu?
Hay hướng dương là thiếp suốt đêm thâu
Chờ sáng mai, trông chàng độ nhật triền (2) xa xôi ấy?
Thương thân thiếp, phải chăng là chuyện bán mua?
Mối tình đầu không đúng nơi phải chỗ
Cho nên ngày nay, hai chúng ta cách độ sâm thưong (3)?
Chỉ tiếc rằng:
Lòng thiếp đã trót vấn vương,
Làm sao ra khỏi tình trường, bến mê?
Chàng có nhớ bình minh ngày nọ,
Ngừng vó câu trên bến Thương Giang.
Qua nương dâu đùa cợt năm nàng
Đang giặt sa dòng trong sói chẩy
Năm tấm lụa, năm màu đùa nước ấy
Như cầu vòng Chức nữ Ngưu lang (4)
Má ánh dương sớm điểm bụi vàng,
Tung kim sa như muôn ngàn tinh tú.
Trong khúc diễm từ chàng hát:
Hỡi năm tiên nữ giặt sa,
Dòng trong dòng đục ai là duyên anh?
Ngừng giây, đưa mắt nhìn quanh,
Chàng hát tiếp:
Năm màu tuyệt sắc đua ganh,
Lòng anh đã mắc xin tranh mầu hồng!
Xuống hạ lưu đón đầu giải lụa,
Nâng lên cao chàng thiếp nhìn nhau,
Chàng nói thêm tấm lụa bắc cầu
Buộc giải Đồng đôi ta từ đấy.
Trăng tròn tuổi thiếp,
Nào đâu hiểu thực hư lời ấy?
Cho nên khi bác mẹ muốn chỉ hồng trói buộc,
Thiếp vội vàng sung sướng thuận ưng,
Nào có ngờ, chuyện đau thương, chàng còn vương vấn,
Lại giận hờn trút đổ.
Rồi cành ngô đã chọn, phượng quên không đậu?
Chàng nên nhớ,
Thiếp không Văn Quân, nghe Tư Mã Phượng Cầu (6),
Mà cũng chẳng Thôi Oanh, Trương cung, tai thuận (7)
Thiếp như con thoi này mới gọt …
Tuyết sạch giá trong, đường tơ chưa thuộc dọc, ngang.
Đến tay chàng, mong chàng nghĩ lại,
Đừng ném thoi suối hận ngàn thu,
Ngừng bước viễn du, trông về cố quận,
Quê nhà đừng để thiếp
Như nàng Phiên - lộc xưa kia (8)
Chờ người chinh phụ Uy - lịch (9)
Bên khung cởi dệt bao năm?
Em đợi tin hồng,
Ký tên Quế Anh, Nguyễn Thị Dương Châu thôn nữ
Ðọc xong, Quốc Đúc bừng tỉnh. Thì ra chàng đã quá coi thường cô thôn nữ Dương Châu, cho là cô gái quê này hẳn giản dị tâm tình, trăm năm lờI đã hứa thì cần gì phảI tâm tình giao thiệp trước ngày thành hôn. Chắc chắn là Quốc Đức tin lời cha, giây liên lạc huyết mạch giữa chàng và Quế Anh Trung Vân đã đột nhiên chữa khỏi bệnh tương tư. Khi còn ở Trung Vân xuân tình thức tỉnh, tự nhiên tạo hóa, nhưng cảm xúc sinh lý đột khởi ấy, nay bị đè nén vì lễ nghi, phong tục, cần phải chuyển hướng. Chàng cho là đính hôn với Quế Anh Dương Châu, bắt đắc dĩ như bắt buộc, vì vậy từ ngày rời Kinh Bắc, tâm trí chàng cũng chuyển hướng. Không về Kinh Bắc vì bận tâm thế sự, thường xuyên họp bạn luận bàn những sự kiện lịch sử đương thời, mà tính cách quan trọng làm mọi người không tránh khỏi suy tư.
Thuở ấy, chúa Tĩnh Đô Vương. Trịnh Sâm đang  cao độ quyền uy. Năm Giáp Ngọ, Quận Việp vượt biên giới Bắc Nam, song Gianh, chiếm đóng Thuận Hóa, giết Trương Phúc Loan, rồi tháng Chạp năm ấy lại chiếm được thành Phú Xuân. Người người tưởng rằng thống nhất xứ sở đã bắt đầu. Chúa Trịnh sâm chỉ nghĩ đến « ngôi báu », đặt người trung thành với mình nhưng bất lực, ở các đầu mốI quan trọng chính quyền, ngoài ra không hể nghĩ gì đến con dân. Trong khi ấy vua Lê ở địa vị bù nhìn cùng bầy tôi luôn luôn tìm cách gây ra sự can thiệp của Mãn Thanh Trung Quốc, để hủy diệt Trịnh Chúa. Đồng thời, Trong Nam Bố Chính, từ Tân Mão, ba anh em họ Hồ dấy binh, từ khi uy thế vang lừng, đổi thành họ Nguyễn, năm Quý Tị đóng ở Qui Nhơn còn chúa Nguyễn Định Vương cùng cháu là Nguyễn Ánh sửa soạn thu phục lại đất đai và dân chúng, những miến Bắc Hà và Tây Sơn chiếm đoạt.
Trong tình trạng tao loạn ấy, những kẻ thức thời không tránh nổi suy tư, như đã nói trên. Quốc Đức và các bạn thông hiểu thời sự. .
Quốc Đức rất quảng giao, lại có dủ điều kiện tài chính để quảng giao, cho nên nhiều tin tức quan trọng đến tai chàng rất nhanh chóng.
Một tì dụ: trong trận Cẩm sa, Quận Việp đại thắng Tây Sơn, chàng có hai bạn, một ở bên Tây Sơn, trong đám người Quảng Đông do Tập Đình ( cũng người Quảng Đông ) chỉ huy, một ở bên Quận Việp, trong đám kỵ binh Hoàng Phùng Cơ. Những người ấy có nhiệm vụ ghi chép tất cả sự kiện quân sự chính trị, như phóng viên chiến trường ngày nay. Người ở bên Tây Sơn, trong quân đội của khách trú Tập Đình, tiếng Quảng Đông thông thạo, trước đây ở trong tổ chúc Chu Nông Tích, Hoa Nam Phái, trong khi còn ở thượng du Đàng Ngoài có dự nhiều vụ chặn biết liên lạc viên giữa bọn vua Lê và quân đội Mãn Thanh. Nên nhớ khi ấy, họ thành công dễ dàng cũng nhờ sự hiềm khích của người Quảng Đông đối với nhà Mãn Thanh.
Ngoài những sự kiện kể trên, Quốc Đức còn bận tâm một việc khác mà chàng cho là rất quan trọng: Đó là thay cha dò xét tung tích của Nhật Tú … Tình yêu Quế Anh Trung Vân đã đổi thành tình thương bao la. Chàng cho nhiệm vụ riêng của chàng là phải giúp cha tìm ra Nhật Tú.
Cũng vì thế mà chàng mắc tội thờ ơ lạnh nhạt với vị hôn thê.
Tưởng rằng người ấy tính tình giản dị, mà nay, lời thơ thực là trái ngược, chứng tỏ một tâm tình phong phú, tế nhị, duyên dáng trong cách đặt câu, trong lối chọn từ.
Chàng lại nghĩ rằng nàng có thể thông hiểu cổ học tinh hoa Đông Tây, điển tích thần thoại Hy Lạp dùng ở cuối thơ, chắc hẳn đã do mẹ chàng truyển dạy. Nhưng học ít mà biến chuyển nhiều, vì con người thông minh ấy đã nhiều phen chứng tỏ.
Tự nhiên,  thấy thực kính nể nàng thôn nữ Dương Châu, và tội mình thêm nặng. Xúc động tâm can, và tình yêu bắt đầu chớm nở, chàng phải trả lời nàng, con thoi thông suốt, tượng trưng nàng gửi đến thật duyên dáng dễ thương, hợp tình, hợp cảnh, và trong sạch đối với chàng.
Hối gia nhân thắng yên cương, rời Chiêu Vân, giục ngựa xuống phường Đông Các ( phố hàng Bạc ngày nay ), đặt đánh một con suốt vàng chạm trổ tinh vi, hình đôi phượng, và khắc tên Quế Anh - Quốc Đức. Chàng trả gấp đôi gấp ba tiền công, như buộc phải ngày đêm làm xong.
Nhận lấy suốt vàng, chàng lấy sợi tơ màu hồng quấn quanh, lắp vào con thoi, gửi về Kinh Bắc, kèm theo một bức thư tạ tộ, nội dung như sau: ( Thư viết bằng tiếng Việt, mẫu tự La tinh )
Quốc Đức, con người Kẻ Chợ tội lỗi gửi Quế Anh, thôn nữ Dương Châu kính yêu,
Lòng tôi thực không thờ ơ lạnh nhạt, nhưng tâm tưởng vướng bận chuyện đau buồn chưa thể nói ra. Nếu phát giác, Quốc Đức này e rằng tổn thương tới hạnh phúc của nhiều người thân yêu nên đành giữ kín.Một ngày kia tâm sự sẽ có dịp giải bày, còn hiện nay xin nàng hãy tin tưởng ở lòng chân thành của Quốc Đức:
Tình gửi nàng là tình thứ nhất,
Tâm can thể chất cũng chưa bùn đục suối trong,
Cũng không quên người đẹp bên sông,
Cùng Quốc Đức tôi, bắc cầu giải lụa,
Tuổi trăng tròn nàng còn đùa nghịch,
Mà Quốc Đức cũng mãi vui chơi,
Tưởng đùa cợt đôi lời tươi sáng,
Nào ngờ đâu Nguyệt lão đưa đường,
Rồi ngày nay Quốc Đức mừng vui,
Được cùng nàng bắc cầu hạnh phúc..
Hỡi nàng yêu dấu,
Trước đài gương, xin đùng chau mày hờn giận. Hiểu lòng này như cái suốt gửi theo đây để chứng tỏ chân thành yêu kính. Giao lại nàng con thoi đã đóng suốt chỉ hồng, nàng gìn giữ để đôi ta gần đây, cùng dệt lụa màu hạnh phúc.
Lời thơ của bậc thuyền quyên, lòng này ghi nhớ mà nàng hãy tin là Quốc Đức tôi, không phải Uy-lịch vạn dậm xa xôi, nhưng chỉ xa nàng một buổi đường về, và vài trăng vắng mặt.
Quốc Đức.
Biên thư xong, Quốc Đức buộc lại bọc lụa, sai gia nhân hỏa tốc mang về Kinh Bắc, còn chàng tức tốc thắng yên cương, lên đường Trung Vân gặp Quý Đắc Thiền Sư.
Quốc Đức rất mừng được Thiền sư cho biết, do tính kín đáo tự nhiên của Thiền sư, người chưa hề ngỏ ý với Lâm Quế Anh ; Vì lời hứa với cha, chàng chưa thể nói sự thực, nên chỉ nói song đường không cho phép nên bỏ việc hôn nhân.
Xong Việc, Quốc Đức về thẳng Kẻ Chợ tổ chức một trạm liên lạc cho phái Hư Không ở Kinh Đô.
Cũng từ ngày đó đến khi thành hôn, Quốc Đức, Quế Anh Dương châu chỉ liên lạc bằng thư từ. Quốc Đức tìm ra một thích thú, đọc những bức thư tình của thôn nữ Dương Châu và chàng càng thêm kính yêu. Như cố ý để dành cuộc gặp mặt nóng bỏng sau này? Những thư trả lời của chàng cũng không kém phần sôi động tâm tình, chàng quên cái hiên ngang của người hiệp khách để những lúc ấy, tự do đi vào khoái cảm của tình yêu xa cách.
Độc giả có thể hỏi khi trở lại Trung Vân, sự đối diện của chàng và Lâm Quế Anh ra sao? Xin trả lời là chàng đã trốn tránh những trường hợp ấy vì chàng chưa biết có kìm hãm nổi sự bộc lộ tình thương đối với cô em gái cùng cha khác mẹ, trong khi chờ đợi một giải pháp nào để giải tỏa lời hứa giữ bí mật với cha chàng.

*

Đêm thu ở Dương Châu đã vào khuya từ lâu, trăng tròn đã đậu đỉnh núi mờ xa, sắp lặn. Tân khách dự tiệc cưới đã ra về người cuối cùng. Chỉ còn gia nhân đang dọn dẹp. Cả nhà đã kín đáo ai về phòng nấy. Quế Anh Dương Châu đã vào phòng khi tàn tiệc. Quốc Đức còn một mình ngồi ở hàng hiên suy nghĩ. Chàng ra lệnh cho gia nhân thôi xếp dọn. Bầu không khí trầm lặng tràn ngập cả dinh cơ.
Quốc Đức khe khẽ gõ cửa. Không có tiếng trả lời, chàng vào phòng, nghiêng mình cúi chào. Quế Anh Dương Châu  ngồi ở thành giường, chắc hẳn đã từ lâu, xiêm áo vẫn chỉnh tề. Nàng đứng dậy đáp lễ. Quốc Đức bỗng trở thành rụt rè bẽn lẽn. Cả hai đều không tìm câu mở chuyện, bao nhiêu lời lẽ yêu thương say đắm trong tập thơ gửi cho nhau, đều quên hết. Quốc Đức, chàng trai ngoài đời linh hoạt, đêm nay trong phòng khuê, vụng vể lúng túng..
Hồi lâu, Quế Anh Dương Châu lên tiếng, giọng oanh dịu dàng cởi mở:
- Thưa anh …
Quốc Đức: Em …
Bức tường vô hình đã bị phá vỡ. Chàng đến cầm hai tay Quê Anh đưa lên môi. Đó là lần đầu tiên đôi trẻ có cử chỉ thân yêu, một suối lửa lan tràn qua hai cơ thể. Chàng nhắc lại qua hơi thở: … em … Quế Anh ngước mắt đợi chờ, chàng dang tay ôm ghì nàng vào ngực. Quế Anh dặt đầu vào vai Quốc Đức, cảm giác áo chàng nóng ướt.. Thì ra Quế Anh đã khóc.
Chàng ôm nàng vào lòng, đặt đôi môi trên hai hàng mi đẫm lệ, những giòng lệ hạnh phúc hay đau buồn? chàng chưa hiểu.
Cái đêm qua ngắn ngủi nhưng đẹp nhất trong đời lứa đôi sao chóng hết? Quế Anh dậy trước, rón rèn, ra mở cửa sổ. Quốc Đức nằm nguyên, liếc mắt chiêm ngưỡng những đường cong tuyệt mỹ qua áo lụa hồng. Chàng sung sướng nghĩ thầm: bây giờ mới hiểu thấu hai chữ « mặn nồng » của thi sĩ La mã Ovide trong bài « Nghệ thuật thương yêu » đã viết cách đây hơn mười tám thế kỷ.
Quế Anh quay lại, gặp khoé mắt say đắm của bạn tình, sung sướng tự nhủ:
 Con thoi đã dóng suốt vàng, Thân em xin gửi tình chàng từ nay! -
Quốc Đức, Quế Anh Dương Châu thành vợ chồng, không những thành vợ chồng, lại thành đôi bạn, đôi bân tâm đầu ý hợp, chuyện trò rả rích suốt ngày. Quốc Đức khám phá những khía cạnh bất ngờ của người tình. Con người tế nhị dễ cảm xúc ấy, thực ra rất vui tính, mực độ hài hước rất cao. Hai người nói tới nhiều vấn đề, nào là quan niệm nhân sinh, nào hủ học Tống Nho, nào chính trị, kinh tế, ý kiến của nàng trong tất cả các lĩnh vực thường dành cho nam giới làm cho chàng hết sức ngạc nhiên, rồi khi nghĩ đến từ « Kinh luân » nàng dùng trong bức thư trách móc, nay chàng mới hiểu dụng ý của nàng.
Bàn cờ được bầy sẳn ở nhà thủy tạ tám mái giữa hồ sen. Đôi uyên ương đã chơi năm ván, Quốc Đức đuợc hai thua ba. Trong cuộc cờ, trong khi chàng nghiêm trang, chăm chú tính nước cờ thì người tình khoé mắt âu yếm, dịu hiền, nhìn chàng, đôi môi chúm chím, như không để ý tới quân ngà, bàn son … Thế mà những bước chuyển quân trả lời, bao lần làm chàng luống cuống, hồi lâu mới tìm được thế giải, đến nỗi có lúc nghi ngờ nàng dã cố ý để chàng lối thoát. Người đẹp Dương Châu giỏi toán pháp. Trong một tấm lụa nàng có thể biết, tùy theo sức nặng nhẹ của bàn lược, và đường kinh sợi tơ, bao nhiêu đường tơ ngang, những con số khổng lồ đối với đương thời, và do đó tính trọng lượng của tấm lụa trước khi dệt xong … Vì vậy tính nước cờ đâu có phải khó khăn?
Nói về văn chương, nàng nhắc lại bức thư trách móc gửi chàng. Những cảm tình chân thật, đã bắt buộc gửi trong khuôn khổ nhà nho, đầy điển tích mà thật ra nàng không ưa lắm, nhưng nếu lúc đó, lời lẽ thông thường chất phác thôn quê, thì chắc chẳng bao giờ chàng để ý. Lời thú thực này của người đẹp Dương Châu làm chàng vô cùng suy tưởng..
Quốc Ðức khám phá giai nhân, không những văn chương lỗi lạc lại còn tài cao quán xuyến kinh doanh.
Lại khám phá người tình cũng võ nghệ tinh thông, thế mà nơi thầm kín lứa đôi, thì hoàn toàn liễu yếu đào tơ. Trong cánh tay chàng, những khi nàng ưng thuận thì như bông hoa buổi sớm, mong manh mềm yếu, hàng phục, không chống đỡ, làm chàng gượng nhẹ chỉ lo quá tay tan tác đóa hoa, hay làm vỡ một đệ nhất công trình mỹ thuật đồ sứ Giang Tây …
Trước đây Quốc Đức định là sau khi cưới, chàng sẽ để vợ ở Dương Châu, còn mình trở về kinh kỳ tiếp tục hoạt động như xưa. Bây giờ, ngược lại, say đắm, không muốn xa nàng một giây, một phút. Vì vậy xin phép mẹ đem vợ ra Kẻ Chợ. Đó là một điều khó xử cho bà Xuân Thảo, nhưng chiều con trai và con dâu, bà chấp thuận, với điều kiện hai người phải trở lại Dương Châu, nếu bà cần đến.
Cũng may, Quế Anh Dương Châu đã huấn luyện được hai cô bạn cùng niên tuế, nàng Đoàn Hồng Thi chuyên viên ở thượng lưu, trồng dâu, chăn tầm, ươm tơ, và nàng Lê Nguyệt Đính, ở hạ lưu dòng sản xuất, se tơ, dệt lụa.
Trong hai ngày bàn giao, Quế Anh Dương Châu hết sức dặn dò, có lúc do dự không muốn rời xa xưởng dệt. sau cùng,  nghĩ thầm: thôi thì phận gái chữ tòng …
Đường kinh kỳ có bao xa, nhưng vì cảm tình đặc biệt các đồng nghiệp, sáng ấy, tiễn đưa đầy sân. Đoàn người ngựa chỉnh tề. Dẫn đầu, bốn gia nhân võ y đồng phục, rồi đến cỗ xe Lưu ly hai bánh một ngựa của Quế Anh, sau cùng, Quốc Đức trên ngựa nâu, bờm và đuôi màu lúa chín. tặng phẩm đầy xe, xã trưởng Dương Châu tặng nàng một lá cờ lụa màu xanh mạ non thêu sáu chữ vàng óng ánh, quốc ngữ mới một bên và nôm, một bên: Dương Châu Kinh Luân Nữ Kiệt .
Ông bà Quang Anh, ông bà Đức Bình cùng gia nhân và xã trưởng Dương Châu trên thềm nhà. Vì không đủ chỗ, bực thềm, sân gạch thảm cỏ đều chật ních người đưa tiễn. Nguyễn Quế Anh đứng trên xe cúi chào xã trưởng, tứ thân phụ mẫu rồi quay mấy phía chào mọi người. Nàng cảm động rút khăn hồng lau nước mắt giục ngựa theo gia nhân ra cổng, Quốc Đức lên  ngựa phi theo, hãnh diện vì vợ chàng được mọi người nhất vì kính nể.
Hãnh diện, không phật ý, vì bài học khiêm nhường nàng đã vô tình cho chàng. xã trưởng tặng nàng lá cờ « Dương Châu Kinh Luân Nữ Kiệt », để cám ơn nàng, trong hai năm phụ trách xưởng dệt đã đua Dương Châu và vùng chung quanh đến trù phú. Chàng vui lòng khi nàng là vai chính trong buổi tiễn đưa.
Từ Kinh Bắc đến Kẻ Chợ chưa đầy mười lăm dặm đường, nhưng vì có Quế Anh Dương Châu, nên Quốc Đức tổ chức an ninh theo quân sự. Vả lại có phái phò Lê họat động dọc đường, đề phòng là hợp lý.
Thực ra danh tiếng thôn nữ Dương Châu đã đến Kẻ Chợ từ lâu rồi và lá cờ mạ non Dương Châu Kinh Luân Nữ Kiệt cắm bên xe Lưu ly là một bản thông hành đặc biệt. Qua các trạm canh, binh sĩ cúi chào lễ phép, nhanh chóng mở đường. Lạị thêm công tử Kinh Bắc phái nào cũng muốn kết thân, quân nhân dọc đường dù Lê, dù Trịnh đều muốn ra công giúp đỡ, cho nên chưa tới Ngọ cả đoàn đã đến bến sông Hồng
Qua sông bằng phà lớn, và tới cuối Mùi, đến Kẻ Chợ. Quế Anh còn đang ngắm nghía đoàn thuyền rồng của chúa Trịnh, đậu ở bến sông, thủy thủ đang tấp nập trep đèn kết hoa để dự cuộc đua đêm nay, thì xe Lưu ly đã cùng mọi người túc trực bên bờ. Đó là những con thuyển dàn gần trăm thước ta, mà hai bên mạn mỗi bên chừng năm mươi mái chèo. Nàng đang suy nghĩ tại sao chúa không dùng sức gió của Trời, mà lại dùng nhân lực hàng trăm người mỗi con thuyền, thì Quốc Đức đến cầm tay nàng đưa lên xe.
Quốc Đức hiểu ý, ghé tai nàng: - Đó là những kiểu thuyền rất cổ, của người Vi-kinh, sau này của dân La Mã, và của vài nước Thái tây mà những người chèo thuyền đều là nô lệ hay tù phạm bị người ta xích vào chỗ cầm chèo. Có người đánh trống cầm mực. Phải chèo theo nhịp trống, càng đánh mau càng phải chèo nhanh, nếu chậm trễ sẽ bị trừng phạt dã man … Cũng may từ khi có thuyển buồm, họ đã bỏ loại đó. Gọi là loại Ga-le! -
Quế Anh: - Em không thấy ai xích ở đây? -
Quốc Đức:- Chúa văn minh hơn một chút, người chèo toàn là thủy thủ, lính nhà chúa, nhưng nhịp chèo cũng phải theo trống đánh, mà việc trừng phạt cũng rất nghiêm khắc.-
Khi về đến Chiêu Vân thì gần cuối thân. Chậm trễ vì đường phố Kinh Thành. Ngựa xe đi lại chật ních.
Lần đầu tiên thôn nữ Dương Châu ra tỉnh. Quốc Đức cố tìm kiếm dấu vết ngạc nhiên của nàng trước cảnh phồn hoa, nhưng thấy nàng dửng dưng, đoán nàng cũng chẳng ưu thích nơi đây, nên bắt đầu lo lắng người ngọc buồn phiền.
Nhưng con người vui tính, thông minh ấy có nhiều khía cạnh bất ngờ nữa mà chàng sung sướng thích thú được khám phá. Nàng hòa hợp với hoàn cảnh thực dễ dàng.
Để giới thiệu nội tướng kính yêu với bạn bè, trong một tháng trời, ở Chiêu Vân Các có năm sáu buổi tiếp tân, tấm nập linh đình đến nỗi người ta tưởng có chúa Trịnh sâm vi hành đến dự. Ai ai vẫn nhớ Chiêu Vân Các thường được chúa Trịnh mượn để vui chơi Tây Hồ.
Dáng dấp quyền quý, nhan sắc diễm kiều của nàng chinh phục mọi giới danh nhân của Kinh Thành. Nam tân khách tranh nhau cùng nàng đối đáp văn thơ, hay khiêu chiến trong cuộc cờ tới đêm khuya mới tàn … còn nữ tân khách quấn quít bên nàng đặt hàng trăm câu hỏi về đời sống nông thôn..
Sau một tháng ăn chơi, Quốc Đức sợ nàng buồn chán, giao cho nàng hết cả sổ sách, hồ sơ kinh tài họ Đặng. Những tài liệu ấy gần nửa năm, chàng chưa hề nghiên cứu.
Việc làm nào nàng cũng ham mê, chỉ một ngày xét coi tài liệu, nàng biết tỏ tường giường mối tổ chức kinh tài.
Vui vẻ vào công việc, quản lý, với hiền hậu, công minh, nhân đạo. Chẳng mấy tháng, vang danh nữ kinh tài của Song Lưu thương xã, phường Ðông Các, Kẻ Chợ.
Khám phá nhiều việc không minh bạch, Quế Anh Dương Châu đều giải quyết nhẹ nhàng, không tổn thương một ai....
Song Lưu Thương xã có mặt ở khắp nơi trong dây chuyền sản xuất, kinh doanh, từ nguyên liệu, qua chế biến, chuyên chở đến thương mại … Riêng về chuyên chở, hội có xưởng đóng hàng hải thương thuyền. Trước đây bà Xuân Thảo thường hay cùng nàng nghiên cứu bản đồ hàng hải của người Bồ Đào Nha ở phố Hiến, cho nên nàng dự định khuếch trương nghề hàng hải để cạnh tranh với ngoại quốc.
Có thể nói đó là hội buôn độc nhất của nước Việt từ mấy trăm năm nay. Từ thuở ấy, chúng ta quen sống trong đề phòng, trong lẻ loi, trong chia rẽ ,( vì vậy chúng ta hiện thời ở khắp năm châu, mà chúng ta chưa lập được một hội buôn nào kỹ nghệ,  thương mại hay tài chính, vì thiếu Tín, thiếu Công Tâm … Cũng có những hoạt động kinh doanh cực vi, do vài người gây nên, nhưng chỉ là lửa rơm bùng lên rồi vụt tắt chỉ vì thiếu Tín và Công Tâm )