Chị vừa ru, vừa khóc, cách khóc của người điên. Khóc không thành tiếng mà hai dòng lệ như vô tình cứ chảy hoài, chảy ngoằn ngoèo trên khuôn mặt đen xạm, cáu bẩn, kéo thành một vệt dài xuống cằm, xuống cổ, xuống cặp vú để trần teo tóp, dăn deo. Ngừng ru, chị nhặt những quả bàng rụng đã được vun thành một đóng trước mặt, chọn những quả chín vàng khươm nhằn vỏ rồi khẽ khàng bón cho hòn đá.
Ngày ấy, lão về quê thắp hương nhà thờ họ. Ông tộc trưởng sau khi châm hương, trao cho lão, quay ra ngồi ở hiên, nói chõ vào:
- Tết này, tính cả tuổi mụ, chú sáu mươi rồi nhẩy. Ra rằm họp họ, chú phải sắm cái lễ, khao họ, lên lão. Bây giờ cả làng, cả họ phục cổ, cứ sáu mươi là khao thọ, được con cháu gọi bằng cụ.
Nghe vậy, lão cứ buồn cười. Lão mà là cụ ư? Râu hai ngày cạo một lần, những cái râu đen nhánh, cứng như chông. Công việc làm phăm phăm, khối anh trên ba bốn chục chạy theo còn mệt. Lúc vui nhậu nhẹt, kể cả chúc tụng lão không hề lùi. Khối bữa nhậu, chúng nó say quắc cần câu, chỉ còn lão là tỉnh, ung dung bước lên xe, không phải ai dắt dìu. Và cả cái tính xấu của lão mà bà vợ vẫn hay mắng yêu là: “Anh chỉ được cái vụng đôi tay mà hay đôi mắt”. Quả vậy, cho đến bây giờ ra đường, thấy em nào xinh xinh, lão cũng thích nhìn vài ba lần cho đã mắt. Ôi! đang thế này là làm “cụ” thì thật hoài. Lão vừa cắm hương lên bát nhang, vừa nghĩ vơ vẩn. Thành thử quên cả những lời cầu nguyện, lão chỉ chắp tay vái bốn cái rồi quay ra. Lão tự hứa với mình từ nay hãy đúng mực hơn.
Lâu nay, anh em trong cơ quan gọi lão là “bác”, ừ thì cũng phải, họ gọi thay con, cũng có thể lão có tý chức, dù không lớn lắm, nhưng anh em cũng tôn trọng. Có mấy cô cậu sinh viên mới ra trường gọi là “bác” xưng “cháu”, lão giật mình. Chà! Mình già thật rồi sao? Và câu hỏi ấy được trả lời ngay năm sau khi cấp trên hỏi lão: “Nếu mai kia anh nghỉ chế độ, thì ai thay thế được?”. Thế là sắp hết quãng đời công tác. Lão lên lão thật rồi.
Lão tự răn mình là phải giữ đúng phong độ. Không để “tuổi già” lấn lướt. Điều này dễ, bởi trời phú cho lão có sức khỏe, có chút thông minh lại chịu khó học hỏi.
Nghỉ hưu, lão làm những chuyến hành hương tìm về chốn cũ.
Người đầu tiên lão nghĩ đến là cậu Tứ. Ngày đánh Thành cổ, lão là chính trị viên, Tứ là liên lạc đại đội. Hầm sập, lão bị sức ép ngất xỉu. Tứ bị thương gãy tay. Thế mà cậu ra cõng được lão qua tuyến lửa tọa độ phi pháo dày đặc, về trạm quân y tiền phương. Sau đấy hai anh em cùng đi học. Tốt nghiệp lão về địa phương công tác, còn Tứ học tiếp và hiện đang là một chuyên gia đầu ngành cấp Bộ. Làm ăn phát đạt, cơ quan đóng ở đường Phạm Đình. Lão gặp Tứ không phải là để cầu cạnh gì, mà chỉ là cuộc viếng thăm sau bao năm xa cách, vẫn luôn nhớ nhau, vẫn nghĩ về nhau với những tình cảm đẹp. Vậy thôi.
Tụt ôtô ở bến Kim Mã, lão sà vào quán nước bên đường. Lâu lắm, dễ đến hai chục năm nay, lão mới được ngồi trong quán cóc thế này. Vào thời đổi mới, cơ quan có xe riêng, đi đâu xa là ôtô, rồi họp hành, làm việc túi bụi, nhiều hôm tan tầm vẫn chưa xong việc, thời gian đâu mà ngồi quán cóc. Vả lại, lão có chút cương vị, ai lại la cà. Bây giờ là “phó thường dân”, giữa đất Tràng An này, ai biết lão là ai?
Gọi chén nước chè, khum hai tay ôm chén nước, hơi nóng hôi hổi bốc lên. Lão nhớ ngày bé, lùi khoai vào bếp, lúc lấy ra bóc vỏ, ăn vội, ăn vàng cũng nóng, với cảm giác từa tựa thế này. Sẵn chiếc điếu cày, lão viên thuốc “bắn” một phát. Lâu lắm rồi lão mới hút thuốc lào. Lão bỏ thuốc đã chục năm nay, từ ngày cơ quan có chiếc ô tô máy lạnh.
Còn thuốc lào thì lão đã chia tay với nó trước đó cả chục năm. Nhón cái đóm làm bằng gỗ diêm, châm nhẹ vào ánh lửa nhỏ như hạt đậu từ chiếc đèn chai, đặt đóm cháy nghiêng lên nõ điếu, lão rít một hơi dài. Lồng ngực lão như căng ra, đón khói. Những sợi khói thuốc lào được lọc qua nước lã, tràn vào nang phổi, rồi xộc lên óc, chạy khắp người tạo ra cảm giác đê mê, cùng lúc với tiếng điếu rít lên cao vút, lảnh lót và sang trọng.
Đó là tiếng gà gáy thanh bình nơi thôn dã hay là tiếng rú man dại giữa rừng đại ngàn? Hay là nét văn hóa ngàn năm mang quốc túy quốc hồn quê kiểng? Ai mà biết được. Chỉ biết, lão thấy khoái trá, tròng mắt lờ đờ, thở nhẹ ra, qua mồm, qua mũi những dòng khói. Lão nghiêng đầu xì xái thuốc vào thùng rác, buông luôn điếu vào đó, rồi vớ chén nước kề lên miệng hớp nhẹ. Nước chè, hòa với hơi thuốc trở lên ngòn ngọt, lão vừa thưởng thức vừa chép miệng một cách vô tư, vừa nhìn qua làn khói mỏng lan trong nắng thu vàng và trên cao thẳm cả một bầu trời thu xanh trong. Bà quán nói:
- Lâu lắm rồi tôi mới gặp một khách hàng hút thuốc lào một cách điệu nghệ như bác. Bây giờ người ta xài thuốc lá, ít ai còn hút thuốc lào. Lão nhìn bà chủ quán. Lạ nhỉ, bà này có nét gì đó giống cô Nụ. Giống cái gì nhỉ. Đúng rồi con mắt và cái mồm. Con mắt một mí, to, tròn, ngước nhìn sáng như ánh chớp và cái mồm, có làn môi mọng, các cụ bảo là làn môi cắn chỉ. Nụ còn hơn bà này là tóc dài, cả một mảng tóc dày, óng bệt gót. Tự nhiên lão muốn lân la:
- Trông bà quen quen, không biết đã gặp ở đâu?
- Ôi dào! đường đời muôn nẻo, thiếu gì người gặp nhau. Tôi trông ông như đã từng là bộ đội. Đi đâu hay có việc gì mà dạt vào đây?
- Tôi về đường Phạm Đình, chỗ văn phòng bộ Z, nơi ông bạn vong niên công tác. Chẳng có việc gì, chỉ là lâu ngày về thăm nhau thôi.
- Ôi! Con đường ấy tôi quen lắm đấy. Bên này là phố buôn sầm uất, bên kia là vườn hoa. Con đường ấy như nét ngang của chữ H, sáu bảy giờ tối đã thưa người qua, sau vườn hoa là bờ sông Hồng, bến Phà Đen. Ngày trước giữa sông có một bãi nổi, về mùa heo gió này, cơ man nào là ổi chín.
- Trước bà ở phố Phạm Đình?
- Không. Tôi quen một người ở đó, rồi hai đứa yêu nhau. Những hương ổi, bờ sông, vườn hoa là vấn vương từ ngày ấy. Ông ấy con nhà cán bộ, được ăn gạo sổ, được đi nghiên cứu học tập ở nước ngoài, tôi đi thanh niên xung phong làm đường sắt Đông Anh - Thái Nguyên, rồi về làm sân bay Nội Bài. Ông ấy về nước lấy vợ, tôi vội vàng đi lấy chồng. Bây giờ nghỉ hưu rồi, nhà mặt đường, chị vợ bắt ngồi trông cửa hàng bán rượu, bánh kẹo. Thỉnh thoảng vẫn trốn vợ nhảy xe buýt ra đây hút thuốc lào. Ông ấy rít điệu nghệ như ông vậy đó. Rít rồi lên cơn hen, chảy cả nước mắt, nước mũi, rụt cổ, thở khò khè…
Trả tiền nước, bà lão không nhận, lại còn dặn với:
- Ông qua đó tiện thể ghé vào nhà hàng rượu, bánh kẹo XY, xem lão có còn ngồi đấy không? Hen thế, vợ lại trẻ, mấy hôm nay trời trở gió không khéo lại ngỏm rồi cũng nên. Lúc nào về bác lại ghé vào uống nước, thường nhật tôi cứ phải ngồi đây đến chín giờ đêm.
Chao ôi, tình cũ không rủ cũng về. Cái bà lão bán nước và cái ông lão về hưu bán rượu, tình và nghĩa nồng nàn lắm thay.
May mắn. Lão đến cơ quan thì gặp Tứ. Cái nết vẫn thế, ánh mắt ngời niềm vui, nụ cười trẻ trung và cái bắt tay rất chặt của lính. Vóc dáng Tứ có vẻ bệ vệ hơn, người to, mặt béo nhưng nhìn kỹ thì màu da ung ủng, vàng vàng, bệu bệu. Lão nghĩ có thể Tứ ở phòng điều hòa lâu, ngồi xe máy lạnh nhiều nên cớm nắng.
Tứ tiếp lão như thượng khách: ăn nhà hàng sang, ngủ khách sạn cao cấp, cho lái xe đưa lão đi chơi, đi thăm đây đó đủ các danh lam, thắng cảnh, phố phường. Trưa, tối về cơ quan Tứ đã chờ sẵn đưa lão đi thù tạc. Có điều lạ, Tứ không mời lão về nhà riêng chơi lần nào cả.
Hôm lão đòi về, Tứ hỏi:
- Lâu nay anh có về thăm chị Nụ không?
- Ờ… Quả thực… bận quá… tớ chưa…
Lão tự ngượng với mình. Những ngày nằm viện, lão đã kể cho Tứ về tình yêu giữa lão và Nụ. Lão vẫn ước ao đất nước yên hàn rồi làm lễ cưới. Thế rồi lão mãi đánh nhau, mãi học hành, ra trường lão cưới cô sinh viên cùng lớp. Lão là kẻ phụ tình…
Tứ biết tỏng điều đó, nhưng vẫn muốn lão phải gặp lại chị Nụ như lời Tứ nói là: “Thể hiện sự đàng hoàng, có trước có sau của một người lính”. Hắn nói như vầy: “Em sẽ bảo lái xe đưa anh về thăm chị Nụ, sau đó đưa anh về nhà luôn, khỏi phải xe đò, xe khách vất vả. Thế nhé, sáng mai 8 giờ xe xuất phát. Cậu lái xe của em biết nhà chị Nụ rồi”.
Lão chợt giật mình. Hôm nọ đến giờ, đi hai ba xe, cậu lái xe nào đã biết nhà Nụ? Cậu ấy là người làng hay là bà con thân thích thế nào với Nụ? Trong lão cuộn dâng tình cảm tươi rồi của tuổi trẻ. Ngày ấy, anh lính trẻ Phan Trung Lưu về đóng quân ở làng Hà, tiểu đội ở trong nhà bà Dần và ở đó nảy nở mối tình giữa binh nhì Lưu và cô Nụ con gái gia chủ. Tình vụng trộm, gặp nhau vội vàng vì còn chiến tranh, song không ngăn được những lời ước hẹn một mai này…
Những cuộc hẹn hò dưới sao khuya, bên ao làng, cạnh gốc cây vối già, dẫu ngắn ngủi cũng đủ để lại cho họ những rung cảm đầu đời lưu luyến mãi. Sau này, lão kể chuyện đó cho nhiều người trong đơn vị về tình yêu trong sáng tuổi hoa niên của mình.
Hôm sau, khi chỉ còn lão với chú lái xe, lão hỏi:
- Hôm qua anh Tứ bảo cậu biết nhà cô Nụ?
- Vâng. Cơ quan cháu nhiều người biết. Chả là thời kháng chiến cơ quan sơ tán về đấy. Sau này, hòa bình rồi, các thủ trưởng vẫn về thăm, giữa cơ quan và địa phương vẫn thường xuyên liên hệ. Từ ngày thủ trưởng Tứ về cơ quan, lại biết thêm hoàn cảnh cô Nụ. Thế là hàng năm chúng cháu và cơ quan vẫn về thăm địa phương và thăm cô Nụ.
- Cậu nói thế nào? Sao lại là hoàn cảnh cô Nụ? Cô Nụ hoàn cảnh thế nào?
- Tội lắm chú ơi. Cô ấy lấy chồng muộn. Nghe đâu như chờ ai đó. Sau hòa bình mãi rồi mới lấy một chú thương binh. Cô ấy sinh nhiều lần nhưng không nuôi được bởi chú ấy bị chất độc da cam. Thuốc thang mãi mới sinh được cô con gái, lại bị bệnh ngớ ngẩn rồi chết mất. Sau đấy lại phát hiện ra chú ấy bị ung thư. Chạy chữa không khỏi, chú ấy mất đã mấy năm nay. Nhà khánh kiệt chẳng còn gì. Cô ấy lại đau yếu luôn. Tháng trước cháu nghe nói cô ấy phát tâm thần…
Đường quốc lộ vượt qua đê rồi rẽ phải, làng Hà kia rồi. Dẫu đã xa bao nhiêu năm, nhưng cảnh cũ vẫn còn vương vấn khiến lão bồi hồi. Lão cố nhớ xem cây đa làng ở đâu và gần đó có ngôi đình mái cong rêu phủ. Bên đình là cây vối già đứng cạnh bờ ao. Sân đình và ao rộng, tạo nên khoảng trời đêm với biết bao những vì sao lấp lánh. Ở đó lần đầu trong đời lão hò hẹn với một người con gái…
Lần đầu ngồi cạnh nhau, Nụ cứ luôn tay xé những cánh lá vối rụng nghe xạc xào trong đêm vắng. Và khi lần đầu lão cầm tay Nụ toàn thân nàng run lên. Một làn hương dịu nhẹ tỏa lan, ngọt ngào quyến rũ và thanh khiết, cho lão cảm giác ngây ngất, đê mê, để đến mãi sau này anh tân binh Phan Trung Lưu mới hiểu đó là hương sả, hương chanh hòa quyện được tỏa lan từ mái tóc dài óng mượt của Nụ.
Làng quê xưa, nay đã đổi thay, ngoài sức tưởng tượng của lão.
Đường về xã đã rải nhựa, đường thôn đã rải bêtông. Những cột điện, những đường điện, những bóng đèn cao áp, những cần ăngten tivi nhấp nhô, và cũng nhấp nhô nhà mái bằng mái nhọn, mái ngói, mái bêtông. Làng Hà bây giờ khác hẳn làng Hà ngày trước. Bây giờ phải gọi là phố Hà, thị trấn Hà, bởi vóc dáng hình hài khác hẳn xưa kia. Lão đang ngỡ ngàng thì xe dừng kít ngay ngã ba đường. Cậu lái xe nói thì thầm.
- Chú thấy chưa? Chị Nụ đó. Đang ngồi dưới gốc cây bàng đó.
Trước mặt lão là người đàn bà điên. Tóc tự cắt trọc mọc lởm chởm. Da đen cháy, một màu đen man dại vì đã được dãi dầu mưa nắng nhiều ngày. Đôi tay gầy đen đúa, khẳng khiu, cáu bẩn.
Trước mặt chị là cánh võng tết bằng những cây cỏ may xơ xác, trên đó lót những lá bàng khô màu đỏ bầm. Giữa võng là một hòn đá cuội trắng, tròn như quả cam. Cánh võng được buộc một đầu vào gốc bàng và đầu kia buộc vào chiếc cọc tre đóng tạm bợ. Chị vừa lắc võng vừa ru:
“Mẹ thương con có hay chăng
Thương từ khi thai nghén trong lòng
Nắng sớm chiều mưa dầm
Chín tháng so chín năm…”
Chị vừa ru, vừa khóc, cách khóc của người điên. Khóc không thành tiếng mà hai dòng lệ như vô tình cứ chảy hoài, chảy ngoằn ngoèo trên khuôn mặt đen xạm, cáu bẩn, kéo thành một vệt dài xuống cằm, xuống cổ, xuống cặp vú để trần teo tóp, dăn deo. Ngừng ru, chị nhặt những quả bàng rụng đã được vun thành một đóng trước mặt, chọn những quả chín vàng khươm nhằn vỏ rồi khẽ khàng bón cho hòn đá. Vừa bón vừa nói nựng:
- Con yêu, con ngoan của mẹ. Con chóng lớn khôn, đi học trường làng. Con ăn cho no, con ngủ cho ngoan.
Lão đứng chết lặng trước người điên. Lão cố nhớ xem trong cái hình nhân quái dị trước mặt lão, nét nào còn giữ lại của cô Nụ ngày xưa. Cô chẳng còn gì. Tất cả đã bị tàn phá. Không phải là sự tàn phá của thời gian. Chị lão, em gái lão và vợ lão nữa, có già đi, có khác xưa nhưng vẫn giữ được cái gì đó vấn vương của thời xuân sắc. Nhưng ở Nụ thì bị xóa sạch, xóa hết, xóa hoàn toàn. Trong lòng lão trào dâng những nỗi niềm đắng cay, chua xót, ân hận, dằng xé?
Sau một hồi, nén cơn xúc động, lão bước đến gần bên cánh võng và nói khẽ:
- Nụ à, Nụ còn nhớ anh không? Chị ngước nhìn lão.
Ôi con mắt ngước nhìn lên, vẫn nguyên con mắt ấy, trong một giây, ánh mắt trở về với lão, một thủa tình tứ đắm say. Nhưng chớp mắt qua nhanh, nhường lại cho ánh nhìn điên dại:
- Chẳng nhớ ai. Người là ai mà tôi phải nhớ. Nhớ ai, ai nhớ. Ha… ha… ha. À, ta có nhớ. Ta nhớ người bí mật, rồi chị hát:
“Từ ngày anh đi đường cày em đảm đang,
Ruộng cấy chăng dây…”
Lão đến gần chị hơn và nói khẽ khàng hơn:
- Em ơi, anh là Lưu đây, anh Lưu đây.
Chị giật mình, nhìn lão thảng thốt. Nhưng cũng chỉ trong giây lát thôi, rồi ánh mắt trở nên man dại hơn. Chị quát:
- Láo. Cùng với tiếng quát là nhịp thở gấp và lời nói dứt khoát.
- Người không được xúc phạm đến anh Lưu. Anh Lưu cao ráo, đẹp trai, đội mũ đính sao, mặc áo Tô Châu, chân đi giày vải. Anh Lưu mắt sáng như sao, lông mày lưỡi mác, hàm răng trắng đều tăm tắp, nụ cười hiền như đất, ai cũng mến yêu.
Nước còn giặc anh Lưu còn đi đánh giặc
Chiến trường giục giã bước hành quân.
Bao giờ hết giặc, anh Lưu về, anh Lưu làm ông tướng, đầu đội sao, vai đeo sao, ngực đeo sao, đỏ rực, sáng ngời. Cả làng cả xã đi đón anh Lưu. Anh Lưu đánh giặc, anh Lưu đi cày, anh Lưu gặt lúa… Còn người mặt như cái thúng, bụng như cái thùng, chả tày móng chân anh Lưu. Đừng có nhận vơ là vợ thằng nhân nhớ. Anh Lưu là khánh là chuông còn người là mảnh chĩnh lót đường cho người ta xéo lên.
Nghe ra chửa. Cút. Xéo. Đừng có xúc phạm đến anh Lưu nhé. Anh Lưu của ta, anh Lưu của ta, không phải là ngươi, không phải là của các người.
Nói rồi chị hót tất cả đống quả bàng, hạt bàng ném rào vào lão, ném rào rào vào xe. Cơn gió thu chợt về làm xao xác rơi những lá bàng bầm đỏ và những quả bàng vàng mơ. Lão lên xe còn ngoái lại gốc bàng, ở đó Nụ đang cầm chùm lá bàng làm quạt, phe phẩy trên tao nôi tết bằng cỏ may.
Dọc đường ra, cậu lái xe cứ lầm lũi lái, môi mím chặt im như thóc. Lúc ra đến đường quốc lộ, cậu ta mới nói:
- Chú biết không, chú Tứ cũng bị nhiễm chất độc da cam đấy. Chú ấy biết vậy nên không chịu lấy ai. Cả cơ quan ai cũng thương chú ấy.
Buồn quá. Một nỗi buồn se sắt, bùi ngùi.
Tự nhiên lão thấy hổ thẹn, như kẻ trốn chạy lương tâm. Lão tự thấy mình hèn nhát như một tên đào ngũ. Lão cảm thấy nóng mặt, rồi lão quát rõ to như ra lệnh:
- Dừng xe. Quay lại. Hãy đưa tôi về lại làng Hà.
Lão trầm ngâm nhìn qua kính xe, cả cánh đồng bạt ngàn lúa đang cong bông vào chắc. Những bông lúa gật gù, gật gù như đồng tình với quyết định của lão. Gió heo may, vô tư, dâng sóng lúa xạc xào.
Hết

Xem Tiếp: ----