Dịch giả: Phan Huy Chiêm
Chương 24
Lý do các Vương hầu Ý mất hết đất đai

Nếu những điều khuyến cáo tôi đã trình bày những chương trên được thi hành, Vương hầu sẽ có tác phong của một lãnh chúa già dặn, dù chính thức chỉ là một tân Vương; sau đó địa vị Ngài sẽ vững chắc như đã có lâu đời tại Vương quốc này. Một tân Vương luôn bị thiên hạ theo dõi các hành vi kỹ hơn những Vương hầu lên ngôi do Thế tập. Khi những hành động của Ngài cho thấy đúng đường đạo đức, nó sẽ giúp Ngài tranh thủ được nhân dân và thần dân sẽ quý mến Ngài hơn một vị vua Thế tập. Loài người say mê thích thú những sự việc hiện tại hơn quá khứ. Thấy những việc hiện tại hay đẹp, họ tán thưởng hết mức, chẳng nghĩ gì tới việc khác nữa. Họ sẽ hết mình bênh vực nhà Vua tới cùng trong các vấn đề, miễn là trong các lãnh vực khác Ngài đừng mang lỗi lầm gì. Như vậy Ngài sẽ được tán thưởng, tôn sùng bội phần: vừa có công xây dựng nên một Vương quốc mới, vừa mang lại cho xứ sở những luật pháp công minh, thành lập binh lực hùng mạnh, gây được các mối thân hữu trung kiên và còn thêm biết bao tấm gương sáng nữa. Những vị Vương hầu truyền thống, mới sinh ra đã làm Hoàng tử, sau khi lên ngôi báu đã gây bao nhiêu tiếng xấu chỉ vì đức độ hèn kém, nên để cho mất cả lãnh thổ Vương quốc. Các vị này thật đã mang nhục bội phần.
Bây giờ nếu xét hành động của những Vương hầu đã mất nước như Vua xứ Naples, Quận công Milan... ta thấy trước hết, họ thất bại vì vấn đề binh lực kém. Sau nữa họ đã gây thù oán với nhân dân, có khi được lòng dân thì lại không gây được chút cảm tình nào của bọn quyền phiệt. Nếu không có những lỗi lầm to lớn đó, không ai có thể mất nước được. Vua Philippe de Macédoine người đã bại trận trước Quintus Flaminins, Vua một nước nhỏ bé đối với Hy Lạp hay Cộng hòa La Mã. Khi Hy Lạp, La Mã đến tấn công, Vua Philippe vì biết nghề cầm binh lại được lòng dân, có uy phong đối với bọn quyền thần, ông đã chống cự với quân địch một cách oanh liệt trong mấy nắm trời, về sau có mất mấy thành, nhưng nước vẫn giữ được.
Mấy vị Vương hầu nước Ý của chúng ta trị vì từ nhiều năm, nay bị mất nước, mất ngôi không thể trách số mệnh mà chính do sự hèn nhát của họ. Trong lúc thanh bình, họ không nghĩ thời thế có thể thấy đổi (một tật chung của con người là lúc bình an không ai tính đến trận phong ba sắp tới). Khi có loạn tới, không nghĩ đến việc chống giữ, chỉ lo chạy trốn, mang theo hy vọng là nhân dân sẽ chán ghét thái độ cay nghiệt của kẻ chiến thắng, sẽ rước mình trở lại ngôi. Nếu không còn phương cách nào hơn, thì đành dùng cách ấy. Nhưng thực là nhục nhã nếu không xử dụng các kế hoạch, phương pháp khác, để phải dùng đến phương sách tiêu cực này. Ta đừng nên để mình ngã quỵ rồi mong kẻ khác đến dựng dậy, vì điều này ít khi xảy ra. Nếu có chăng nữa, nhà Vua cũng không nên tin vào đó, vì việc bảo trợ ấy có vẻ hèn và là việc do người khác làm chứ không do chính mình.
Công cuộc bảo vệ an ninh phải do chính Ngài ra sức, trổ tài tổ chức lấy mới có thể bền bỉ vững chắc được.