Hạnh Lâm Y Ẩn

    
au khi vượt Trường Giang và nghỉ ngơi một đêm, hai người trổ thuật khinh công băng qua vùng Hoài Dương tìm sang địa phận Sơn Đông.
Hôm ấy, vào lúc trời tờ mờ sáng, cuối cùng họ cũng đến được một thị trấn nằm ngay chân núi Phụ Đường. Dọc đường, Lương Tiêu đan vài ba món đồ tre bán lấy mấy chục đồng tiền, tìm một tửu quán gọi mấy cân rượu và một ít thịt dê để đánh chén với lão già. Yên vị rồi, gã toan hỏi thăm tiểu nhị chỗ ở của Ngô Thường Thanh, chợt nghe ngoài quán có tiếng ngựa hí, bèn đưa mắt nhìn thì thấy chừng mười hán tử đang ầm ĩ xông vào.
Phần lớn đám này đều đeo binh khí, rõ ra dáng điệu dân anh chị giang hồ. Trong bọn có một thiếu niên mặt bầm đen, môi khô nứt nẻ, chừng như bệnh nặng lắm, được người dìu đỡ hai bên mà chân lê ì ạch như đeo đá. Vừa ngồi xuống ghế, hắn đã gục lên bàn thở hồng hộc. Những người còn lại gọi cơm rượu lẳng lặng ăn uống, thần sắc đều một vẻ xám xanh nặng nề. Một tên, xem chừng là trưởng toán, mặt phèn phẹt, cằm có mụn thịt, vẫy tiểu nhị lại:
- Xin hỏi, mấy giờ thì gặp được vị bồ tát trong núi kia?
Tiểu nhị mỉm cười tiếp chuyện:
- Chắc quý khách đến chữa bệnh phải không? Việc này khó nói lắm!
- Tức là sao? – Hán tử có mụn thịt cau mày.
Tiểu nhị đáp:
- Tháng trước ngày nào vị bồ tát ấy cũng ra, tháng này ít hẳn, nửa tháng rồi chưa thấy bóng dáng người đâu!
Hán tử sa sầm nét mặt:
- Thế sao được? Thiếu chủ chúng ta bị thương nặng lắm, không đợi nổi nữa rồi.
Tiểu nhị cười mơn:
- Người bệnh từ các nơi cũng đều đang đợi quanh đây đấy ạ! Bồ tát không ra thì biết làm sao?
Hán tử nọ hừ một tiếng, nói oang oang:
- Người đó mà không chịu ra, Nhục tu cầu[2] Thường Vọng Hải này sẽ phóng hỏa đốt trụi cánh rừng khỉ gió kia đi.
Hắn vừa dứt lời, một giọng nam khàn đặc văng vẳng vọng vào quán:
- Tiểu Thanh, ngươi xem con giun này!
Ai nấy đưa mắt trông ra. Không biết tự lúc nào trước cửa quán rượu đã mọc lên một cái bục rối tay, gió lùa tới cuốn quăn tấm trướng bằng vải dầu đen nhánh, trên đề bốn chữ đại tự bằng sơn trắng “Đại Lý Càn Khôn ”. Trên bục bày biện rất sơ sài, lơ thơ dăm bông hoa và vài ba nhánh cỏ cắm lộn xộn, có hai con rối bằng vải, một nam, một nữ đứng sánh vai nhau.
Giọng nam vừa dứt, giọng nữ the thé đáp lời:
- Xem rồi, con giun kia phải không, có gì hay ho đâu?
Giọng đàn ông hóm hỉnh:
- Con giun này nhiều tác dụng lắm. Ngươi nghe chưa nhỉ, giun còn tên khác là rồng đất, tức con rồng lẩn trong bùn đất, có thể dùng làm vị thuốc cơ đấy!
Giọng nữ ngờ vực:
- Con giun bé tí ti thế, cho dù vào tay Dược vương Bồ tát e rằng cũng không đủ để bào chế thuốc thang gì cả.
Giọng nam cười đáp:
- Nó nhỏ thật, nhưng tương đối đặc biệt. Ngươi nhìn kỹ sẽ thấy dưới cằm nó có một cái mụn thịt, vì thế dân gian gọi nó là Nhục tu cầu, được xem như loại thượng hảo hạng trong các loài giun.
Thường Vọng Hải nghe không sót một từ, mặt hết đỏ lại tái, hết tái lại đỏ, đến đây thì đứng bật dậy, hằn học chửi:
- Tổ sư quân chó má! Ngươi là cái đồ lộn giống từ xó xỉnh nào chui ra? To gan lớn mật tới đâu mà dám chọc ghẹo lão tử?
Hắn tuôn một lô một lốc những từ tục tĩu, người điều khiển rối vẫn không buồn để ý. Giọng nữ đả đớt:
- Thế, cái thứ Nhục tu cầu ấy có chỗ nào khác giun thường?
Giọng nam cười khùng khục:
- Khác nhiều lắm lắm, giun thường đều ăn đất mà sống, riêng Nhục tu cầu ăn cứt mà sống, vì thế nó thở ra toàn giọng điệu thối hoắc.
Thường Vọng Hải nhảy dựng lên, ngoác miệng rủa xả:
- Thối cái con mẹ mày!
Giọng nữ khúc khích:
- Phải phải, nghe cái giọng quả đúng là hơi thối, giống như đánh rắm…
Thường Vọng Hải không nín nhịn nổi nữa, gầm to nhảy vọt ra, vạch chân quét mạnh một đường sát đất theo chiêu thức Thiết môn hạm, cái bục rối hơi nhích lại sau, khéo léo tránh khỏi đòn cước của hắn. Giọng nữ thở dài:
- Giun gì mà tâm địa đen tối đến thế, còn biết cắn người cơ à?
Thường Vọng Hải đá hụt cũng hơi chợn, bèn nhảy vọt lên, đánh một hơi ba quyền năm cước. Nhóm đồng môn theo dõi mà hoa cả mắt, nhất loạt hoan hô khen ngợi. Cái bục rối né hết bên nọ đến bên kia, tránh lần lượt từng cước từng quyền. Giọng nam thở dài:
- Tiểu Thanh, chắc ngươi chưa biết, giun ăn bùn đất nên ruột gan thường đen tối, riêng con Nhục tu cầu ăn cứt nên lòng dạ nó không những đen mà còn thối hoắc, rất ít thấy trên đời!
Thường Vọng Hải nổi trận lôi đình, giả vờ vung tay phải tấn công, thực chất tung chân trái đá bốp vào bên dưới cái bục rối. Ngay lập tức, cổ chân hắn đau nhói như thể đạp phải bẫy, chưa kịp định thần thì cái bục đã nhảy chồm tới húc mạnh vào ngực hắn.
Thường Vọng Hải hự một tiếng, loạng choạng bật lui năm bước, máu miệng vãi tung ra. Ngực áo hắn rách bươm thành nhiều mảnh nhỏ, lả tả rụng xuống như cánh bướm, để lộ dấu vết một bàn tay đỏ rực in trên da thịt. Nhóm người đi cùng kinh hoàng đứng bật cả dậy, một hán tử áo vàng run run hỏi:
- Ngươi, ngươi là đồng bọn với tên điều khiển rối dây phải không?
Mấy kẻ còn lại nghe vậy lộ vẻ hoảng hốt, lật đật tuốt kiếm.
Cái bục rối đứng lặng giữa phố, hai con rối vải êm đềm ngả đầu vào nhau, dáng vẻ hết sức đầm ấm hồn nhiên. Giọng nam khẽ thở dài:
- Tiểu Thanh, người ta hỏi ca ca mình đấy!
Giọng nữ cười hơ hớ:
- Phải rồi, ca ca nhờ chúng ta cái gì ấy nhỉ?
Giọng nam ra chiều hí hửng:
- Nhờ chúng ta đem cho họ một món đồ.
Đám hán tử không nín nhịn nổi nữa, cùng gầm lên, huỳnh huỵch múa đao xông tới gần. Cái bục rối giật lui, đồng thời hất ra một vật đen sì, bật trúng ngực hán tử áo vàng khiến tên này ộc máu văng đi rõ xa. Ai nấy nhóng mắt nhìn xem, cùng nhận ra một cái thủ cấp.
Thiếu niên ốm yếu từ đầu tới giờ vẫn ngồi thở hồng hộc bên bàn, nhác thấy cảnh đó, bỗng tái nhợt mặt, lao bổ lại rít lên:
- Cha, cha! – Hắn ôm thủ cấp ho sù sụ một hồi rồi quắc mắt nhìn bục rối, hổn hển bảo. – Ngươi, ngươi đã giết cha ta!
Giọng nam lấp lửng:
- Đâu riêng cha ngươi!
Giọng nữ tiếp theo, xen lẫn tràng cười khanh khách đầy hoan hỉ:
- Ừ, giết kha khá đấy! Cộng với tính mạng của các ngươi, chỉ lát nữa thôi cái tên Nộ Long bang sẽ bị gạch bỏ khỏi giang hồ.
Ngạt thở trước những lời ấy, thiếu niên ngất lịm đi, hai mắt trợn trắng dã. Các hán tử vừa căm phẫn vừa bi ai, hò nhau:
- Liều mạng với hắn! – rồi khua đao múa kiếm xồng xộc chạy đến. Bục rối lẩn ngay vào đám đông, luồn qua lách lại như một bóng ma.
Núp dưới bục, người điều khiển rối nhìn thấy rất rõ chiêu thức của mấy tên Nộ Long bang, ngược lại, bọn này hoàn toàn không nắm bắt được hư thực trong tấm bạt quây. Điều cốt tử của mỗi cuộc tỉ thí là biết mình biết ta, đằng này bọn hán tử lại rơi vào tình trạng địch ở trong tối ta ở ngoài sáng, làm sao tránh khỏi thất bại, chỉ thoáng chốc đã có bốn tên ngã lăn quay.
Lương Tiêu từ đầu vẫn hờ hững trước những trò thù hằn tàn sát của bọn nhân sĩ giang hồ kia, nhưng dần dần, chứng kiến kẻ trong bục rối xuất thủ quá tàn độc, rõ ràng là muốn đuổi tận giết tuyệt, gã đâm bất nhẫn, liếc mắt nhìn lão già, thấy lão vẫn dửng dưng ngồi ăn thịt, thầm hiểu rằng thứ võ công hạng hai kia chưa đủ tầm khiến lão động tâm, đành đứng lên thở dài bảo bọn Nộ Long bang:
- Các ngươi không phải đối thủ của hắn đâu, lui xuống hết đi!
Gã vừa cất bước vừa quơ tay túm một hán tử đang xớ rớ gần đấy, hất tay lẳng hắn ra sau, khi dứt câu cũng là lúc bảy hán tử còn lại bị gã ném hết về mé sau cùng một loạt âm thanh lịch bịch.
Người múa rối áng chừng đã đánh giá được bản lĩnh của kẻ vừa xuất hiện, liền dừng chân. Giọng nam cất lên thâm hiểm:
- Ngươi là ai? Việc này liên quan gì đến ngươi mà tham gia?
Lương Tiêu thở dài, buồn bã khuyên:
- Lão huynh à, tha được ai thì tha. Ngươi hại bao nhiêu người từ nãy đến giờ cũng đủ rồi.
Giọng nữ lành lạnh:
- Tử diện long Lưu Hi Vân sát hại cha ta, hãm hiếp mẹ ta, lẽ nào ta báo thù là sai? Nếu không diệt sạch môn phái chúng, mối hận trong lòng ta làm sao nguôi ngoai được?
Lương Tiêu chột dạ nhìn sang bọn hán tử, tư lự nghĩ: “Nếu đúng thế thì những người này chết cũng chưa đền hết tội. Chà, nhưng hận thù dễ làm người ta kém tỉnh táo, dạo trước đây chẳng phải chính ta cũng mờ mắt vì hận thù, gây ra bao nhiêu sát nghiệp đấy ư?”. Trầm ngâm hồi lâu, gã trỏ cái đầu tóc bạc lăn lóc dưới đất:
- Đây là Lưu Hi Vân phải không?
- Phải! – Giọng nam đáp.
Lương Tiêu nói:
- Kẻ đầu sỏ đã bị giết, hà tất giết chóc thêm nữa?
Giọng nam bực bội:
- Hừ, ngươi nhất định nhúng mũi vào việc này phải không?
Giọng nữ mắng:
- Thế thì giết luôn cả ngươi!
Không đợi Lương Tiêu trả lời, từ dưới bục tỏa ra sáu ngọn phi đao, bay vù vù về phía gã.
Lương Tiêu cau mày, phất tay áo rộng vạch một đường vòng cung từ trên xuống dưới, sáu luồng đao quang lập tức phụt tắt. Lương Tiêu lại giũ mạnh tay áo, sáu ngọn phi đao rơi leng keng xuống đất. Cái bục rối rung nhẹ, giọng nữ thốt lên:
- Giỏi!
Trong khoảnh khắc, y như tiên nữ rắc hoa, dưới rạp rào rào bay ra ra hơn hai mươi món ám khí, nào là tam lăng tiêu, phi hoàng thạch, nào là phượng vĩ châm, thiết bồ đà, ba phần tấn công Lương Tiêu, bảy phần đánh về phía bọn hán tử. Lương Tiêu cười nhạt, chưởng trái vỗ dọc, chưởng phải khua ngang, hai luồng kình phong tràn đi như gió lớn cuốn qua con đường, chỉ nghe “keng keng” liên miên, các món ám khí rơi đầy xuống đất, không một phát nào trúng đích. Xong xuôi, Lương Tiêu cuốn tay áo đứng yên. Thấy gã chỉ dùng đúng một chiêu mà gạt được toàn bộ ám khí, mọi người đều há hốc miệng, con phố lặng hẳn đi, giọng nam trong bục rối vụt gầm gừ:
- Gia gia liều mạng với ngươi!
Cái bục kéo theo kình phong bổ nhào tới. Lương Tiêu vẫn đứng im, giọng bình thản:
- Nấp nấp nom nom thì tài cán gì? – đoạn khum tay thành trảo, lướt tới như gió.
Cùng tiếng rách roèn roẹt, tấm bạt quây bục bị Lương Tiêu xé làm đôi, một bóng người nhảy vọt ra, song chưởng áp dính lên ngực gã, xuất chiêu trúng đích là lập tức lui ngay lại sau, cười khanh khách:
- Ngươi trúng Hỏa diệm chưởng của ta rồi, không sống được bao lâu nữa đâu, hãy tự trách bản thân mình lo chuyện bao đồng đi nhé!
Đó là một thiếu nữ trẻ măng xinh đẹp, tóc xanh dày mượt, khuôn mặt hồng hào. Cử tọa đều tấm tắc khen thầm, những tưởng dưới bục có hai người điều khiển rối, không ngờ chỉ có một, mà lại là một cô gái.
Thiếu nữ nói xong, thấy Lương Tiêu mỉm cười buông tay xuống, dáng đứng vẫn ngang tàng, hoàn toàn không có vẻ gì giống bị thương hay sắp chết thì tắt ngay nụ cười, trợn tròn đôi mắt hạnh, buột miệng chửi tục rồi vỗ chưởng phóng đến. Lương Tiêu ngửa tay trái nắm lấy cổ tay cô ta. Người con gái kinh hãi tru tréo:
- Quân đểu giả, buông ta ra!
Lương Tiêu bỗng nhướng mày nhìn thẳng ra trước. Thiếu nữ đang thắc mắc, chợt nghe tiếng gỗ gõ xuống nền đá cành cạch thì giật mình la lên:
- Ca ca!
Âm thanh cành cạch ấy phát ra từ đầu phố, nơi một nam tử ăn bận như kép hát vừa xuất hiện. Chàng ta tuổi ước hai mươi, mày dài mắt thanh, da mặt ẩn hiện sắc đen, dắt theo một con rối gỗ Na Tra cao chừng ba thước. Con rối này đầu tròn mắt to, có sáu cánh tay, mỗi tay cầm một thứ binh khí như đao, thương, kiếm, kích… Ở đầu, thân, tay và chân nó đều có những sợi dây nhỏ nối sang các ngón tay của nam tử nọ.
Chàng kép hát vừa chậm rãi bước vừa nhịp nhàng cử động năm ngón tay phải. Na Tra cũng di chuyển y như người thật, đôi chân bằng gỗ đập cồm cộp trên nền đá, nhìn từ xa trông giống hệt một đứa bé chập chững đi theo người lớn. Mấy hán tử Nộ Long bang đều lộ vẻ khiếp đảm và căm hận.
Kép hát đến trước mặt Lương Tiêu, nhíu mày dằn từng tiếng:
- Thả muội tử của ta ra!
Lương Tiêu điềm tĩnh hỏi:
- Nếu ta thuận theo, ngươi sẽ thả những người này chứ?
Gã phác một cử chỉ về phía bọn Nộ Long bang. Thiếu niên bệnh tật đã tỉnh lại, hai mắt tóe lửa trợn trạo nhìn người mới đến. Chàng kép hát liếc hắn, cơ mặt giật giật, lắc đầu:
- Không được, không thể tha bất cứ một ai! – đoạn nhích tay phải.
Na Tra liền nhảy cẫng lên, sáu cánh tay cùng giơ cao, tỏa giàn binh khí bủa vây Lương Tiêu, động tác linh hoạt chẳng kém người thật. Lương Tiêu không hoàn thủ, lững lờ trôi ra xa chừng một trượng, tránh khỏi các binh khí, ngạc nhiên nghĩ bụng: “Dùng rối gỗ tấn công, quả là điều hiếm thấy xưa nay”.
Chàng kép hát đánh trượt, lòng còn ngạc nhiên hơn Lương Tiêu nhiều, lập tức nhảy tới trước vẫy ra một chưởng, kình lực nóng bỏng lạ lùng. Lương Tiêu chưa kịp giơ chưởng đón đỡ, chàng ta đã khua tiếp cánh tay phải, Na Tra bèn múa may xẹt lại như tia chớp. Cứ thế, hai cánh tay kép hát dập dình lên xuống, chưởng lực cùng con rối tấn công đồng thời, uy thế sấm sét, phối hợp bất ngờ, buộc Lương Tiêu phải lùi lại sáu bước.
Lương Tiêu phì cười:
- Thú quá, để xem con rối gỗ của ngươi hay con rối thịt của ta lợi hại hơn nào?
Kép hát nghĩ bụng: “Rối thịt? Hắn nói lăng nhăng gì thế?”, đoạn nôn nóng đánh liền ba chiêu hòng cứu muội tử. Lương Tiêu xoay nghiêng mình, thình lình thả chùng tay phải. Thiếu nữ nhận ra nội lực đã trở lại với cơ thể, không buồn nghĩ ngợi nhiều, lập tức xòe chưởng vỗ lên ngực Lương Tiêu. Đúng khoảnh khắc chưởng lực vừa chớm cạnh tay thiếu nữ, Lương Tiêu bèn tụ kình trong tay áo rồi hắt mạnh ra, đẩy thiếu nữ xoay một vòng, chưởng lực không hãm kịp, quất trúng ngay con rối gỗ. Cùng mấy tiếng “rắc rắc” đanh gọn, hai cánh tay rụng xuống, biến con rối thành Na Tra bốn tay. Thiếu nữ hoảng hốt vùng ra, nhưng Lương Tiêu đã nắm cổ tay trái cô ta ghì lại.
Chứng kiến thủ đoạn của Lương Tiêu, chàng kép hát không khỏi kinh sợ, vẩy dứ một chưởng rồi lại thả con rối tấn công. Lương Tiêu buông thiếu nữ ra, cô ta vô cùng quật cường, giở chưởng vỗ ngay vào bụng dưới Lương Tiêu. Ngờ đâu Lương Tiêu vẫn dùng thủ pháp ban nãy đẩy chệch chưởng lực đi, thiếu nữ mất thăng bằng, không kịp ghìm kình, tiếp tục quạt gãy hai cánh tay khác của Na Tra.
Cô gái khiếp vía phân trần:
- Ca ca… đừng trách, không phải tại muội!
Lương Tiêu lại tóm cổ tay thiếu nữ. Đám hán tử Nộ Long bang mừng rỡ hoan hô như sấm động. Thiếu nữ nọ hai lần liên tiếp chữa lợn lành thành lợn què, ức quá bật khóc, dặn lòng bất kể thế nào cũng sẽ không xuất chưởng nữa.
Na Tra bắt đầu múa may lung tung, chuẩn bị xáp tới lần nữa. Lương Tiêu buông tay, đúng như gã dự tính, thiếu nữ lập tức nhảy vùng đi. Gã liền băng đến chắn trước mặt cô, chưởng phải xòe ra, kình phong ùn ùn đổ tới.
Thiếu nữ gần như nghẹt thở, nhưng quyết ý thoát thân nên không đắn đo nhiều, lập tức dồn hết nội lực xuống hai tay, song chưởng xô ra mạnh mẽ hơn hẳn những lần trước, nào ngờ đánh hụt, Lương Tiêu đã thu kình và rút về chỗ cũ tự bao giờ. Chưởng lực trượt Lương Tiêu, theo quán tính phóng thẳng tới trước. Sau một tràng âm thanh trầm đục, hai cánh tay cuối cùng của Na Tra gãy rời. Chàng kép hát tê tái cả lòng, đứng sững ra giữa bãi đấu. Thiếu nữ trân trân nhìn con rối què quặt, tủi thân quá, nước mắt ầng ậng, cuối cùng khóc òa lên.
Thần sắc ủ ê tội nghiệp của người con gái khiến trái tim Lương Tiêu nhói buốt: “Vì sao cô ta cũng có cái dáng điệu ấy?”. Gã sẽ thở dài, lặng lẽ lùi lại. Chàng kép hát bỗng rùng mình, lảo đảo ngồi phệt xuống đất, mặt mũi co giật như đang phải chịu đựng một cơn đau đớn khủng khiếp lắm.
Thiếu nữ hoảng hốt ôm chầm lấy gã:
- Ca ca làm sao thế, làm sao thế?
Thiếu niên bệnh tật hớn hở reo lên:
- Ha ha, thì ra ngươi đã trúng Long tu châm của cha ta. Báo ứng, ha ha, quả là báo ứng!
Chàng kép hát cười nhạt, nén đau đứng dậy, lạnh lùng bảo:
- Lưu Tử, ngươi đừng đắc ý, dẫu trúng độc châm, ta vẫn giết được các ngươi mà chẳng khó khăn gì cả.
Lưu Tử nhăn nhở:
- Ta chết thì thôi. Còn ngươi, trước khi chết sẽ phải quằn quại vật vã đủ ba ngày ba đêm, cứ hôm sau lại đau hơn hôm trước, cuối cùng chất độc sẽ xé nát gân thịt toàn thân, ăn trụi dần từng ngón tay ngươi, ha ha ha, hay cực…
Thiếu nữ sởn da gà, run run nói:
- Ngươi… ngươi đưa thuốc giải ra đây, ta… ta sẽ tha chết cho.
Lưu Tử vênh mặt hợm hĩnh:
- Long tu châm ăn sâu vào kinh mạch, được máu đưa đi, không thuốc nào chữa nổi. Hừ, dù có giải dược ta cũng chẳng bao giờ cho ngươi.
Chàng kép hát hỏi:
- Ngươi có biết vì sao hôm kia ta không quật ngươi chết tươi không?
Lưu Tử cười khẩy. Kép hát nói:
- Ta dùng Hỏa diệm chưởng đả thương ba yếu huyệt của ngươi, trong vòng bốn ngày, ngươi sẽ bị đủ mọi cơn đau hành hạ, cuối cùng toàn thân căng trướng, huyết quản vỡ toác, da dẻ sẽ nứt bửa dần. Hừ, lão quỷ Lưu Hi Vân giết hết trẻ già nhà ta, làm sao ta cho phép ngươi về với lão ấy dễ dàng thế được!
Lưu Tử rùng mình ớn lạnh, trợn mắt nói:
- Trạng chết chúa cũng băng hà, đằng nào cũng toi cả nút! Lão tử tự kết liễu, đi trước xuống mười tám tầng địa ngục đợi nhà ngươi… – Hắn chộp lấy thanh đao của một tên trong bọn định tự tận, thình lình người bỗng nhẹ hẫng đi, tay bị ai nắm giật một cái, thanh đao rơi xuống đất đánh keng. Lưu Tử ôm ngực thở dốc. Kép hát cũng rúm ró mặt mày, ắt là rất đau, nhưng hai bên vẫn nhìn nhau với ánh mắt ngùn ngụt căm hờn, không ai nhượng ai lấy một tí.
Lương Tiêu lắc đầu: “Thế gian này chưa lúc nào vợi bớt những chuyện oán hận chém giết, thành thử nước, nhà, quân, dân cứ tàn hại lẫn nhau chẳng bao giờ ngừng!”. Gã buồn nản cùng cực, không còn tâm trí đâu để can thiệp vào chuyện thiên hạ nữa, quay lại ngồi xuống bàn, cầm bát rượu lên uống một hơi cạn sạch, thầm nhủ dẫu trước mắt có xương trắng chất chồng, máu đỏ lênh láng cũng chả mắc mớ gì tới mình nữa.
Lúc ấy, từ đằng xa có tiếng hô:
- Bồ tát ra rồi!
Mọi người giật thót, ai nấy cùng lộ vẻ mừng rỡ. Nhục tu cầu Thường Vọng Hải ôm ngực thều thào:
- Thiếu bang chủ, người ta thường nói: cơm không ăn thời gạo còn đó. Nên trị thương trước rồi sẽ tính sổ với hai tên kia sau, hụ hụ…
Nghĩ đến thảm cảnh mà tay kép hát đã cảnh cáo, Lưu Tử cũng thấp thỏm trong dạ, vội gật đầu, quay sang phía Lương Tiêu hành lễ:
- Ơn đức cứu viện của đại hiệp, tại hạ sẽ không bao giờ quên…
Lương Tiêu xua tay cắt ngang:
- Trả ngươi hai chữ “đại hiệp”, đừng dùng lối xưng hô ấy với ta.
Lưu Tử ngẩn người, thầm nghĩ trong giang hồ có rất nhiều quái kiệt dị nhân, chắc gã này cũng thuộc hạng đó, vì vậy hắn không dám gạn hỏi thêm để tránh làm mếch lòng Lương Tiêu, bèn hấp tấp thi lễ rồi tựa vào thuộc hạ lảo đảo đi ra. Thiếu nữ nọ cũng đỡ chàng kép hát chập choạng theo sau.
Lương Tiêu uống sạch bát rượu, nghĩ bụng: “Theo lời tên họ Thường thì vị Bồ tát trong núi biết chữa trị vết thương, chắc là Ngô Thường Thanh đây!”. Gã hỏi tiểu nhị:
- Bồ tát mà người ta đang kháo nhau kia là một lão béo múp phải không?
Tiểu nhị phì cười:
- Quý khách nói gì thế, Bồ tát chùa Quan Âm mà là lão béo à?
Lương Tiêu tần ngần: “Bồ tát chùa Quan Âm? Không lẽ là nữ nhân?”. Gã vô cùng nghi hoặc, trầm ngâm một thoáng rồi kéo lão già ngây ngô đi theo huynh muội múa rối. Lúc này cơn đau đã dịu bớt, chàng kép hát định đuổi giết bọn Lưu Tử, nhưng nhác thấy Lương Tiêu đang kè kè sau lưng nên cũng hơi úy kỵ, đành tạm thời kìm nén sát ý trong lòng.
Đoàn người lục tục đi về hướng bắc. Chưa đầy năm dặm, trước mặt họ xuất hiện ba ngọn núi sừng sững, hai dòng nước chia luồng luồn qua giữa chúng, nước trong leo lẻo, in rõ những viên đá xanh biếc nằm rải rác rất mỹ thuật dưới lòng suối, bờ đông cây cối um tùm, chim hót líu lo, bờ tây là một cánh rừng hạnh trải dài tít tắp, trời đang vào độ cuối xuân, hoa nở tưng bừng, rực rỡ như một biển mây.
Lúc này, ở bìa rừng đã có chừng một trăm người đứng chen chúc. Lương Tiêu tự nhủ: “Ắt hẳn nữ Bồ tát ở giữa vòng người kia đây!”. Gã cùng lão già lội qua dòng suối, định chen vào đám đông thì chợt nghe có tiếng la thảm thiết, rồi đám đông ồn ào giãn ra.
Lương Tiêu đưa mắt nhìn kỹ thì thấy một người béo lùn mình vận áo xanh, đầu đội mũ nhỏ đang hầm hầm túm đánh một lão già. Cạnh đó là mấy người, áng chừng là con cái gia nhân của lão ta, vừa khóc lóc vừa co kéo với người béo, nhưng đều bị người này đá ngã hết.
Lương Tiêu nhăn nhó nghĩ bụng: “Nữ Bồ tát đâu ra? Chẳng phải lão béo họ Ngô xấu người xấu nết thì còn ai vào đây kia, tên tiểu nhị chỉ giỏi nhập nhèm!”. Ngô Thường Thanh vung hết tay đến chân đấm đá lia lịa vào các yếu huyệt của lão già nọ. Lão này mặt mày xanh tái, hai mắt nhắm nghiền, quyền cước trút xuống thân thể như thế mà hoàn toàn không có phản ứng gì.
Lương Tiêu thoạt tiên rất sửng sốt, nhưng dần dần, quan sát kỹ thì nhận ra thủ pháp của Ngô Thường Thanh. Nhìn bề ngoài, họ Ngô xuất quyền cực kỳ hung mãnh, thực ra không hề nặng tay, kình lực tới các huyệt vị khác nhau đều có cân nhắc mức độ nhanh chậm nặng nhẹ phù hợp. Một số huyệt vị chỉ lướt phớt qua, một số khác đánh trúng xong còn kín đáo xoa ấn.
Ngô Thường Thanh đấm đá chừng chán tay mới ném bịch lão già xuống cáng, ngực phập phồng, thở hồng hộc, hầm hầm ngồi xuống bên cái bàn vuông. Con cháu lão già tưởng ông cha mình bị đánh chết rồi, ôm lấy xác lão khóc ồ ồ. Người xung quanh đều bất bình trước cảnh bi thảm ấy, nhốn nháo hô:
- Trói lão ác độc này giải lên quan!
- Không cần giải lên quan, mọi người xúm vào nện chết lão đi!
- Chúng ta đến yết kiến Bồ tát để được xem bệnh, cớ sao lão béo này vô cớ nhảy ra hành hung?
Ngô Thường Thanh chẳng nói chẳng rằng, cầm bát uống trà.
Đám đông đang la ó, bỗng nghe lão già bệnh tật thở phào:
- Dễ chịu quá, khoan khoái quá, được nện thêm một trận nữa thì hay!
Lão chống hai tay xuống đất, chật chưỡng đứng dậy. Bầu không khí lặng hẳn đi, ai nấy trố mắt nhìn, gia quyến lão ta còn ngạc nhiên hơn nữa.
Số là lão già này đột nhiên mắc bệnh lạ, toàn thân tê liệt, chạy đôn chạy đáo rước thầy tìm thuốc mà không trị được mới đến đây để cầu may, nào ngờ vừa thò mặt vào rừng là gặp ngay Ngô Thường Thanh, chỉ một liếc mắt đã bị đấm đá tơi bời. Đám người nhà vốn tưởng gánh phải tai bay vạ gió, lão già ắt mất mạng phen này, hóa ra không chỉ bình an vô sự mà còn thuyên giảm bệnh tật, đứng dậy ngay được, quả là một việc quá sức khó tin.
Ngô Thường Thanh đặt cạch bát xuống, nước trà bắn tung tóe:
- Còn muốn nện thêm một trận nữa à? Cái đồ ăn no rồi lại nằm khoèo! Ngươi nghe cho rõ đây, nhớ ngủ ít, vận động nhiều, trong vòng nửa năm cấm ngặt sắc dục, kiêng cữ thịt cá. Khi nào ngươi rèn cho cái tấm thân nhão nhoẹt của ngươi rắn rỏi hơn lên một tí thì hẵng quay lại, lão phu nện mới sướng tay!
Đến đây đám người nhà đã hiểu ra, vị đại phu hung dữ này chỉ là “thương người đày đọa chút thân”, nghe qua thì tưởng đang chửi bới, thực ra là dặn dò những cách kiêng kỵ điều dưỡng, họ bèn ghi nhớ từng lời từng chữ và cúi đầu cảm tạ lia lịa, xong đỡ lão già đi. Nhưng lão ta lại đẩy đám người nhà ra để tự bước lấy, chỉ thoáng chốc đã đi rất xa. Bọn con cháu mừng rỡ, kẻ thì “ông ơi”, kẻ thì “cha ơi”, tíu tít chạy theo.
Những người ở lại vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ, miệng lưỡi thay đổi hẳn. Kẻ khen ngợi “thần y diệu thuật”, kẻ tán tụng “thiên hạ vô song”… Ngô Thường Thanh nhổ toẹt một cái, chống hai tay vào hông, trợn tròn cặp mắt ti hí, cười nhạt:
- Thôi đừng vuốt đuôi nữa. Vừa rồi những đứa nào chửi lão phu? Đứng ra đây cho lão phu xem mặt ngang mũi dọc ra sao?
Không khí bỗng lặng ngắt như tờ, tất cả so vai rụt cổ, không ai dám nhận.
Chợt một giọng nữ vang lên:
- Sư phụ ơi, con mới vắng mặt một lúc mà thầy lại nạt nộ người ta rồi à?
Ngô Thường Thanh trợn trắng mắt, hừ một tiếng:
- Không đến lượt cái mặt ngươi dạy dỗ ta! Lấy được nước suối chưa?
Giọng nữ đáp:
- Đây rồi ạ!
Cùng với tiếng nói, từ trong rừng một nữ tử mảnh khảnh đi ra, mình bận áo trắng, tay trái xách lò nhỏ, tay phải xách siêu nước. Trông thấy người ấy, ai nấy hoan hô:
- Bồ tát đã tới!
Nữ tử vốn đang cúi đầu bước đi, nghe tiếng hoan hô, vành tai trắng trẻo đỏ dừ lên, cô ta càng gằm mặt thấp hơn nữa, ngần ngừ một lúc mới bước đến bên Ngô Thường Thanh, hạ hỏa lò và siêu nước xuống. Họ Ngô hớn hở châm lò, đun nước pha trà, chuẩn bị đâu đấy xong xuôi mới ngả mình xuống cái ghế trúc, ưỡn cái bụng núc ních mỡ, gừ gừ trong cổ họng:
Chẹp,
Chén thứ nhất thấm êm cổ họng,
Chén thứ hai gột những ưu phiền,
Chén ba trí óc nhẹ tênh,
Chỉ còn lời Đạo Đức Kinh soi lòng.
Chẹp chẹp,
Chén thứ tư áo trong đẫm ướt,
Mồ hôi tuôn cuốn hết bất bình.
Chén năm gân mạnh cốt tinh
Lại qua chén sáu thiên linh sáng bừng.
Chẹp chẹp chẹp,
Chén thứ bảy đã dâng trước án,
Hương trà thơm không cạn sao đang,
Sau vai cánh mọc hai hàng,
Hiu hiu gió thổi thênh thang lên trời.
Ngô Thường Thanh vốn mê trà, trong lúc đợi trà sôi thì say sưa ngâm bài Thất oản trà, càng ngâm càng thèm thuồng, nước dãi ròng ròng. Đám đông xung quanh đều buồn cười, nhưng nghe Bồ tát còn phải gọi lão ta là sư phụ nên không ai dám đắc tội, đành bưng miệng nén cười thành tiếng.
Nữ tử áo trắng ngồi xuống bên bàn, vẫn cúi gằm đầu, dáng vẻ ẻo lả yếu đuối. Tất cả định ùa lại, chợt có mười mấy đại hán to cao gạt sạch mọi người để chen vào, chính là đám bang chúng Nộ Long bang. Đám đông liền lu loa phản đối:
- Đến sau mà đòi chen lên trước là thế nào?
Thường Vọng Hải hắng giọng, bọn đồng môn bèn gồng tay, đao kiếm rung bần bật, xung quanh lập tức lặng ngắt như tờ. Họ Thường cười nhạt, dìu Lưu Tử đến gần bàn, vòng tay nói:
- Thưa nữ Bồ tát, xin bà xem bệnh cho thiếu bang chủ của chúng ta!
Nữ nhân áo trắng ừ hữ, chìa tay bắt mạch, bỗng có người xen vào:
- Lão tử đếm đến ba, bên bàn còn ai thì lão tử giết kẻ đó!
Thường Vọng Hải ngoắt đầu nhìn ra. Thiếu niên ăn bận kiểu kép hát đang từ từ bước tới, nét mặt lạnh băng, bang chúng Nộ Long bang rợn người nắm chặt lấy binh khí. Thiếu niên nọ bắt đầu đếm:
- Một…
Nữ nhân áo trắng không hề ngẩng đầu, bình thản chạm bàn tay trắng nõn vào mạch Lưu Tử. Ngô Thường Thanh hừ mũi rõ to:
- Không được chữa cho hắn!
- Vì sao ạ? – Nữ nhân áo trắng hỏi.
- Nhìn con rồng trên tay áo hắn đi!
Nữ nhân áo trắng liếc mắt kiểm chứng, cửa tay áo Lưu Tử quả có thêu một con rồng nhỏ bằng chỉ bạc. Ngô Thường Thanh nói:
- Đó là tiêu ký của Nộ Long bang. Bang phái ấy hoành hành vùng Thái An, chẳng có đứa nào tử tế, đừng nên cứu bọn ác đồ này!
Mấy hán tử Nộ Long bang vừa giận vừa sợ, tự nhủ nếu không phải cường địch đang ở ngay đây thì ắt đã dạy cho lão béo kia một bài học.
Chàng kép hát cười ha hả:
- Tiên sinh nói thật chí lý, xin hãy để tại hạ xuất thủ đuổi chúng đi!
Ngô Thường Thanh ngó con rối gỗ, khinh khỉnh bảo:
- Đừng ra vẻ ta đây! Ta không cứu nó, nhưng cũng không trị độc Long tu châm cho ngươi đâu! Hừ, chắc ngươi là Mộc ngẫu sát trong Quỷ Lỗi Song Sát chứ gì? – lại nhìn thiếu nữ đứng bên cạnh chàng. – Còn ngươi hẳn là Bố đới sát rồi. Hai đứa súc sinh miệng còn hôi sữa, cậy có tí bản lĩnh thối tha là giết người như ngóe, chẳng biết phân biệt thế nào là xấu thế nào là tốt! Các ngươi cũng cút hết cho ta nhờ, đừng có làm bẩn nhà cửa của lão phu.
Thoạt tiên, nghe lão già phán đoán chính xác thương thế của mình, Mộc ngẫu sát rất sửng sốt, nhưng đến đoạn sau, phải hứng đủ mọi lời lăng mạ nặng nề, chàng ta không sao kìm nổi một tia căm giận lóe lên trong mắt:
- Chả chữa thì thôi, ta cũng không hơi đâu van vỉ. Nhưng ta truyền đời báo danh cho mà biết: nếu ngươi cứu tên súc sinh họ Lưu kia thì đừng trách ta không khách khí!
Ngô Thường Thanh sửng cồ nhảy bật dậy:
- Đây, ngươi thử không khách khí ta xem!
Bố đới sát thấy hai bên làm găng, lo lắng đến độ nước mắt ràn rụa. Nghĩ rằng khẩn nài lão béo hung dữ cũng vô ích, cô ta bèn bước nhanh tới trước mặt nữ nhân áo trắng, quỳ sụp xuống dập đầu, nghẹn ngào thưa:
- Nữ Bồ tát đại từ đại bi, xin hãy cứu ca ca của tôi!
Nữ nhân áo trắng vội rời chỗ ngồi ra đỡ cô gái:
- Đứng lên, đứng lên mau! Ta… nhất định sẽ nghĩ cách cứu y.
Bố đới sát mừng rỡ quá, mắt long lanh lệ. Ngô Thường Thanh trừng trừng nhìn nữ tử áo trắng:
- Con nha đầu kia, ngươi dám trái lời ta ư? Khốn nạn, lần sau ta không cho phép ngươi ra đây nữa!
Nữ tử áo trắng cúi đầu lí nhí:
- Vết thương của họ mà phát tác thì tình trạng thê thảm lắm… con không nỡ nhìn người ta chịu khổ…
Cô vừa nói vừa run lẩy bẩy, trông như thể sắp ngã tới nơi, vội lần tay vào ngực tìm một lọ ngọc, dốc lấy hai viên thuốc uống.
Ngô Thường Thanh đăm đăm nhìn học trò một lúc, chợt giậm chân bực bội:
- Ta nói con hay, bọn này đều là kẻ ác, hiếp đáp đàn ông cưỡng đoạt đàn bà, giết người đốt nhà, chẳng từ một việc xấu xa nào. Con còn nhớ khi con bái sư ta đã nói gì không?
Nữ tử áo trắng run run cúi đầu:
- Dạ nhớ, thầy dạy làm đồ đệ của thầy thì phải có bàn tay Bồ tát và trái tim Diêm vương.
- Đúng thế. – Ngô Thường Thanh nghiêm khắc nói. – Phải trau dồi y thuật cho tinh thục, có khả năng cải tử hoàn sinh, linh diệu như phép thuật Bồ tát, nhưng phải biết phân biệt ngay gian thiện ác, cứng rắn phán xử như Diêm vương. Người tốt mắc bệnh, tất nhiên ta phải nghĩ trăm phương ngàn kế chữa chạy cho họ, kẻ xấu mắc bệnh là do ông trời trừng phạt, quyết không được giúp đỡ dẫu chỉ nửa ngón tay, vì cứu những quân hung bạo đó cầm bằng gây hại cho rất nhiều người lương thiện khác!
Nữ tử áo trắng lắc đầu thở dài:
- Nhưng trong Thiên kim phương, Tôn Tư Mạc có nói “tính mạng con người quý hơn ngàn vàng”. Đối với một đại phu, sự sống của mỗi cá nhân đều là ngàn vàng, bất kể họ nghèo hèn hay giàu sang, ngay gian hay thiện ác.
Ngô Thường Thanh nghe cãi giận quá, giọng càng thêm gay gắt:
- Bậy bạ, nhố nhăng! Đó đều là quan niệm lỗi thời cũ rích. Ngươi không nghe lời ta thì mau cuốn xéo đi cho rảnh!
Nữ tử áo trắng co rúm hai vai:
- Nhưng… con không thể thấy chết mà không cứu, không thể tụ thủ bàng quan nhìn người ta chịu đớn đau… – Càng nói, giọng cô càng nhỏ lại, hầu như không thành tiếng, nước mắt lã chã lăn qua chiếc cổ áo trắng bong, rớt xuống đất thành những đốm lấm tấm sẫm màu.
Ngô Thường Thanh gườm gườm nhìn cô một lúc, mặt xám xanh, chợt phẩy tay áo, tức giận nói:
- Lão phu mặc kệ, mặc kệ hết! Hừ, đếch thèm bận tâm đến nữa!
Nữ tử áo trắng lặng đi, chậm áo lau nước mắt rồi đặt tay bắt mạch cho Lưu Tử, trầm ngâm chốc lát rồi thở dài bảo:
- Ba huyệt Địa thương, Bỉnh phong và Hoàn khiêu của ngươi bị viêm dương độc xâm nhập. Ba huyệt này nối liền với Túc dương minh vị kinh, Thủ dương minh đại trường kinh, Thủ thái dương tiểu trường kinh và Túc thiếu dương tam tiêu kinh. Bốn đường kinh vốn đều thuộc dương mạch, nay lại ngấm viêm độc, thật chẳng khác nào lửa đổ thêm dầu, có thể dẫn đến cạn kiệt tinh huyết, nứt vỡ gân da. Chà, ai xuống tay mà độc địa quá chừng!
Mộc ngẫu sát là người hạ thủ, hiểu rất rõ hậu quả trúng độc, nghe nữ nhân chẩn đoán không sai một vi một mảy thì vô cùng kinh hãi, bỗng sinh ác tâm: “Giết ả này đi, xem ai chữa trị được cho tên khốn họ Lưu kia nữa?”. Nghĩ đoạn nhúc nhích ngón tay, nhưng chưa kịp xuất chiêu thì nghe có tiếng hừ mũi, Mộc ngẫu sát ngước mắt nhìn, nhận ra Lương Tiêu đứng cách đó ba trượng, mắt sáng quắc như khoan vào mặt mình, chàng bỗng cứng đơ người, không dám động đậy gì nữa.
Lưu Tử hốt hoảng:
- Vậy thì, có cách nào chạy chữa không?
Nữ tử trả lời:
- Đã biết nguyên do thì chạy chữa cũng dễ dàng hơn.
Dứt lời, cô rút ra ba mũi kim thép, phóng tay châm ba huyệt bị thương, xuất thủ nhanh và nhận huyệt rất chính xác, những tay võ giả đang có mặt đều nức nở khen thầm. Kim châm chắc thuộc loại rỗng ruột, vì mũi kim vừa ăn vào da thịt thì ba tia máu đen ròng ròng tuôn ngay ra từ đuôi kim. Ngay lập tức, Lưu Tử cảm thấy toàn thân nhẹ nhàng thư thái hẳn đi.
Khi máu đen chuyển sang đỏ và bắt đầu đông, nữ tử áo trắng rút kim ra:
- Chích huyết đã giúp xả hết dương độc. Nay ta viết thêm một bài thuốc, ngươi theo đó mà uống, trong vòng mười ngày sẽ có biến chuyển tốt.
Viết xong, cô trao đơn thuốc cho Lưu Tử. Một bóng người thình lình chớp lên, Bố đới sát đã băng tới cướp lấy. Nữ tử áo trắng kinh ngạc hỏi:
- Cô nương làm gì vậy?
Bố đới sát mỉm cười:
- Bồ tát cứu ca ca xong, ta sẽ trả bài thuốc này cho hắn!
Lưu Tử tức quá rủa xả:
- Con vô lại, con dâm phụ, ta đập…
Nữ tử áo trắng vội can:
- Ngươi… đừng nặng lời!
Lưu Tử vội cười xòa:
- Vâng, vâng, vậy mong nữ Bồ tát viết hộ một đơn thuốc khác.
- Được! – Nữ tử áo trắng đáp.
Bố đới sát ứa nước mắt:
- Bồ tát, người đã hứa là cứu ca ca ta.
Nữ tử nọ bình thản trả lời:
- Ta chưa hề nói là không cứu ca ca ngươi, phiền ngươi trả đơn thuốc lại cho y!
Bố đới sát mừng rỡ nói:
- Được, miễn là người cứu ca ca ta!
Cô ta chu môi nhổ một bãi nước bọt lên đơn thuốc rồi ném vào mặt Lưu Tử. Họ Lưu căm hận vô kể, nhét tờ giấy vào ống tay áo rồi vòng tay cười với nữ tử áo trắng:
- Đa tạ đại phu…
Hắn vừa đa tạ vừa lật cao cổ tay, một thanh chủy thủ nằm gọn trong tay hắn tự bao giờ. Nó phóng lên như tia chớp, đâm xẹt vào ngực “Bồ tát”.
Nữ tử áo trắng không hề để bụng đề phòng, cứ ngẩn ra trước tai họa giáng xuống. Bố đới sát cũng trở tay không kịp, chỉ kịp hét lên một tiếng thảng thốt.
“Cạch!”. Thình lình một viên đá nhỏ bay ra khỏi đám đông, bật lên thân chủy thủ khiến nó văng đi xa. Lưu Tử toạc hổ khẩu, kinh hãi nhảy vọt ra sau. Bố đới sát hét vang, múa chưởng đánh tới, bỗng lại “phụp” một tiếng nữa, Lưu Tử hai mắt trắng dã ngã ngửa xuống, trên trán thủng một lỗ nhỏ, máu hòa dịch não chảy ra òng ọc.
Nữ tử áo trắng bàng hoàng, buột miệng thốt lên khiếp sợ. Ngô Thường Thanh vốn chạy đến cứu viện, mới được nửa đường thì tình hình đã giải quyết xong, lão liền ngoảnh phắt về hướng viên đá xuất phát nhưng không thấy có manh mối gì, bất giác run sợ: “Gớm thật, không biết cao thủ đâu ra thế này!”. Riêng Mộc ngẫu sát đoán ngay ra là ai, chàng đưa mắt nhìn Lương Tiêu, đầu mày nhiu nhíu.
Lương Tiêu nhếch mép buồn khổ: “Lại nổi sát tính rồi, chà, ném rơi thanh chủy thủ là được, nào ngờ nóng nảy quá, đi bắn tiếp viên thứ hai!”.
Mộc ngẫu sát nhìn những bộ mặt tái xanh tái tử của bọn Nộ Long bang, lại trông thi thể Lưu Tử, cuối cùng nghĩ đến võ công ghê gớm của Lương Tiêu, lòng háo thắng tranh cường cùng chí báo thù rửa hận suốt hai mươi năm qua bỗng chốc tiêu tan. Chàng thở dài bảo bọn Nộ Long bang:
- Lưu Tử đã chết, ta cũng không gây khó dễ cho các ngươi nữa. Các ngươi không phải người nhà họ Lưu, chẳng việc gì phải bán mạng cho cha con hắn!
Chàng lần tay vào ngực, móc ra một bình sứ ném cho Nhục tu cầu Thường Vọng Hải:
- Xoa ngoài uống trong đồng thời sẽ trị được độc chất của Hỏa diệm chưởng.
Thường Vọng Hải chìa tay ra đón, chẳng nói chẳng rằng cúi xuống ôm xác Lưu Tử, dẫn đồng bọn đi ra.
Mộc ngẫu sát cũng xoay mình bỏ đi, Bố đới sát bèn chặn đường:
- Ca ca không đợi chữa bệnh à?
Mộc ngẫu sát lắc đầu:
- Ca ca nóng lòng báo thù nên mấy hôm nay đã giết hại cả những kẻ vô can, trái với dự định ban đầu. Thôi thì hãy coi Long tu châm như một sự báo ứng, hà tất khổ sở cầu cạnh người ta cứu chữa?
Chàng dợm bước, nhưng Bố đới sát nước mắt lưng tròng, nhất quyết ghì chặt không buông. Mộc ngẫu sát giãy mãi mới thoát, khuôn mặt bỗng rúm ró, thân hình chấn động mạnh, không trụ được phải ngồi phệt xuống đất.
Nữ tử áo trắng nhẹ nhàng bước tới gần:
- Ngươi đừng gắng tỏ ra cứng cỏi nữa! – Sau khi bắt mạch cho Mộc ngẫu sát, cô trầm ngâm hồi lâu rồi hỏi Ngô Thường Thanh. – Sư phụ ơi, dùng cách nào mới lấy được Long tu châm ra?
Ngô Thường Thanh cầm chén trà, mắt ngước lên trời:
- Ngươi chống đối ta hết lần này đến lần khác, còn hỏi han gì nữa? Có giỏi tự đi mà chữa!
Nữ tử áo trắng phân vân hồi lâu rồi lặng lẽ quay lại bàn, bóp trán suy nghĩ. Bố đới sát chăm chăm theo dõi từng biến đổi trên nét mặt cô, tim đập thon thót.
Cuối cùng, nữ tử áo trắng thở dài buồn bã:
- Đành mạo hiểm thử xem. – Cô mở hòm thuốc bên cạnh lấy một con dao mỏng như lá lúa và một viên đá nam châm, lẩm bẩm. – Long tu châm được máu đưa đi, di chuyển theo chiều vận hành của kinh mạch. À, xin hỏi cô nương, lệnh huynh trúng châm khi nào và vào chỗ nào?
Bố đới sát cau mày cố nhớ:
- Có lẽ là giờ dần hôm qua, trúng vào chỗ nào chỉ có ca ca ta biết.
Mộc ngẫu sát lúc này đã thở lại được, bèn đáp:
- Gần huyệt Nội quan.
Nữ tử áo trắng chăm chú quan sát bóng nắng trên đất, đoạn đặt tay trái lên mạch của Mộc ngẫu sát, tay phải bấm đốt. Đám đông lộ vẻ thắc mắc, lào xào bàn tán trước cử chỉ kỳ quặc ấy. Ngô Thường Thanh chằm chằm nhìn học trò, vẻ mặt chăm chú khác thường, cầm bát trà lên mà quên cả uống. Lão hiểu, nữ tử áo trắng đang căn cứ vào các triệu chứng của bệnh, kết hợp với mạch lý để suy đoán ra đường đi và vị trí hiện tại của Long tu châm.
Huyết khí trong cơ thể con người luôn ở trạng thái vận hành, mạnh hay yếu đều có thời khắc nhất định. Long tu châm được máu đưa đẩy, tốc độ di chuyển liên quan mật thiết với cường độ khí huyết. Thể chất mỗi người một khác nên thời điểm khí huyết mạnh yếu cũng không tương ứng nhau. Có người tỉnh táo phấn chấn ban ngày, nhưng có người đêm xuống mới sáng suốt sung sức, vì vậy rất khó đoán định vị trí của Long tu châm.
Nữ tử áo trắng lẩm nhẩm tính một hồi thì đã lần được đầu mối, miệng đọc:
- Mậu Quý Tị Ngọ thất tương nghi, Bính Tân Hợi Tí diệc thất số, – tay trái áp viên nam châm vào huyệt Cự cốt trên vai Mộc ngẫu sát, tay phải cầm con dao rạch vào da. Một vạt máu từ vết thương bắn phụt ra, hắt xuống đất.
Chừng như việc suy đoán đã lấy đi rất nhiều tâm lực của nữ tử áo trắng. Cô dùng tay áo lau mồ hôi trên trán, hơi thở dồn dập:
- Cô nương tìm hộ xem có cây châm trong máu không?
Bố đới sát xem xét kỹ càng trong vũng máu rồi nhặt lên một mũi kim nhỏ xíu như lông thỏ, chẳng hiểu làm bằng chất liệu gì mà nặng vô cùng, cầm trĩu cả tay. Thấy đại phu đã trừ được nguồn cơn căn bệnh của huynh trưởng, cô ta tươi tỉnh, mừng khôn kể xiết.
Nữ tử áo trắng nghỉ một lúc rồi quay về bàn viết đơn thuốc:
- Kim nằm trong kinh mạch quá lâu, tuy gắng gượng ép ra được nhưng kinh mạch đã bị thương tổn, ngươi hãy điều dưỡng theo đơn thuốc này để tránh di căn… – Nói đến đây, cô bỗng thở dốc, thân hình run rẩy như lá cuối thu, vội vàng móc bình ngọc dốc lấy hai viên uống.
Bố đới sát rất ngạc nhiên:
- Bồ tát không được khỏe à?
Nữ tử áo trắng thở đều trở lại:
- Không… sao đâu, bệnh kinh niên ấy mà, xưa rày đều vậy!
Mọi người nghe nói đại phu mắc bệnh thảy đều há hốc mồm ngạc nhiên.
Bố đới sát mở to mắt:
- Y thuật Bồ tát cao minh như thế, lẽ nào không tự chữa chạy được?
Nữ tử áo trắng chưa kịp trả lời, Ngô Thường Thanh đã gắt gỏng:
- Đừng lải nhải nữa, chữa xong rồi thì mau cút đi!
Bố đới sát trừng mắt nhìn lão vẻ căm ghét:
- Chẳng qua nể mặt Bồ tát, bằng không ta đã cho ngươi…
Ngô Thường Thanh cười khẩy:
- Cho ta cái gì?
Bố đới sát không tiện đắc tội với sư phụ của đại phu nên nén giận cảm tạ nữ tử áo trắng, đỡ Mộc ngẫu sát đi ra. Người bệnh khác tiếp tục tiến đến bên bàn ngồi, Ngô Thường Thanh lạnh lùng lên tiếng:
- Hôm nay đủ rồi, sau này khám tiếp!
Bệnh nhân nọ khựng lại, đang chùng người xuống mà không biết nên ngồi hay nên đứng lên như cũ.
Ngô Thường Thanh phất tay áo bảo học trò:
- Hôm nay con không được khỏe, đừng lao lực quá!
Nữ tử áo trắng không dám kháng cự, định nhỏm dậy, mọi người bèn nhao nhao la hét:
- Chúng tôi đợi đã mấy ngày rồi, xin hãy chữa cho chúng tôi!
- Phải đó, Bồ tát mà về thì chẳng biết bao giờ mới ra, bệnh chúng tôi không thể để kéo dài được nữa!
Những tiếng hò hét láo nháo vang lên. Ngô Thường Thanh nổi cáu:
- Khốn nạn, toàn đồ tự tư tự lợi! Nghĩ cho bọn lộn giống các ngươi thì ai nghĩ cho con bé đây? Bệnh nó còn khó chữa hơn bệnh các ngươi, mạng nó còn quý hơn mạng các ngươi hàng trăm lần! Cút, cút hết cho ta nhờ…
Nữ tử áo trắng thở dài:
- Dạo gần đây bệnh con tái phát mỗi ngày một thường xuyên hơn, hôm nay thế này, nhưng mai chẳng biết ra sao. Thôi thì khám thêm cho vài người nữa, vả chăng con vừa uống thuốc, vẫn chịu đựng được.
Ngô Thường Thanh giậm chân thình thịch, để rơi mình xuống ghế trúc, lầm lầm uống trà.
Nữ tử áo trắng lần lượt gọi bệnh nhân, người thì bắt mạch chẩn đoán, người thì châm cứu xoa nắn, cuối cùng viết đơn thuốc, chẳng may có chỗ nào không rõ thì hỏi Ngô Thường Thanh. Đến cuối giờ thân đầu giờ dậu, đám đông lục tục rời khỏi rừng, ai nấy đều hoan hỉ. Lương Tiêu đợi mọi người đi hết mới dắt lão già lại gần.
Nữ tử áo trắng uống thêm một viên thuốc nữa. Da mặt cô trắng nhợt, từ đầu tới cuối luôn cúi gằm đầu, không dám nhìn thẳng vào ai cả. Lương Tiêu bước đến bên bàn, mê mải ngắm cô hồi lâu. Hiện tại gã đã cao lớn vạm vỡ hơn hẳn khi xưa, lại thêm khuôn mặt dầu dãi phong sương, Ngô Thường Thanh nhất thời chưa nhận ra. Sốt ruột vì gã cứ đứng bất động mãi, lão thô bạo giục:
- Có bệnh thời khám, không bệnh thời biến!
Nữ tử áo trắng vội nói lấp:
- Mời ngồi!
Lương Tiêu y lời ngồi xuống, nữ tử áo trắng đặt tay lên mạch gã, trầm ngâm một lúc rồi hỏi bằng giọng ngạc nhiên:
- Tiên sinh có bệnh tật gì đâu?
Lương Tiêu chậm rãi nói:
- Ta có bệnh đấy, cô xem cho kỹ đi!
Nữ tử áo trắng lắc đầu:
- Tôi không phát hiện ra, thế thường ngày ông cảm thấy khó chịu ở đâu?
Lương Tiêu bỗng cay cay sống mũi, u uẩn nói:
- Thường ngày ta nặng lòng nhung nhớ một cô gái, bệnh đó gọi là bệnh tương tư!
Nữ tử áo trắng vội rụt tay về, lắc đầu thở dài:
- Tôi không… chữa được bệnh này!
Lương Tiêu thở dài:
- Cô gái ấy tốt bụng lắm, nhưng sức khỏe rất xấu. Chẳng hiểu dăm ba năm nay, bệnh tật có đỡ chút nào không?
Nữ tử áo trắng bỗng rùng mình, sắc hồng lan lên đến tận tai, cái cổ gầy nhợt thoáng chốc cũng đỏ dừ. Lương Tiêu lại tiếp:
- Hôm ta buộc phải ra đi, cô ấy khóc lóc rất thảm thiết, chẳng biết có bị thương không? Mấy năm nay cô ấy có còn cảm lạnh? Còn hay choáng váng? Và có còn uống cái thứ thuốc Kim phong ngọc lộ kia không…
Nữ tử áo trắng từ từ ngẩng đầu lên. Khuôn mặt cô hốc hác, làn da xanh trắng tới mức gần thành trong suốt, hàng lông mày nhạt như khói mỏng, hốc mắt hõm sâu càng làm nổi bật đôi mắt to tướng. Cô trân trân nhìn Lương Tiêu, lệ châu thánh thót tuôn rơi, run run gọi:
- Tiêu ca ca…
Mắt Lương Tiêu cũng đã ướt nhoèn. Gã muốn giơ tay áo lau nước mắt cho cô nhưng ngại áo quần bẩn thỉu, đành dùng tay không quệt khẽ đi. Cảm thấy như chạm vào bộ xương, gã thảng thốt buột miệng:
- Hiểu Sương, muội gầy đi nhiều quá!
Hoa Hiểu Sương mừng mừng tủi tủi, bỗng rùng mình ngã ngất. Lương Tiêu vội chạy vòng qua bàn ôm lấy cô.
Ngô Thường Thanh đang say sưa thưởng trà, không chú ý đến cuộc đối thoại của hai người. Khi Hiểu Sương ngất xỉu, lão mới vội vã chạy lại. Thấy Lương Tiêu đứng chình ình phía trước, lão không buồn nghĩ ngợi nhiều, thò tay chụp liền. Lương Tiêu rùn vai tránh khỏi trảo thế của lão, nói nhanh:
- Ngô tiên sinh, tôi là Lương Tiêu đây mà!
Ngô Thường Thanh ngớ người nhìn kỹ rồi kêu lên:
- Ngươi chưa chết à?
Lương Tiêu ngạc nhiên:
- Việc gì mà tôi phải chết?
Ngô Thường Thanh không kịp nói nhiều, xua xua tay, đón lấy Hiểu Sương cho cô uống thuốc, lại dùng kim vàng châm vào các huyệt Nhân trung và Duy hội. Một lúc lâu sau, ngực Hiểu Sương bắt đầu phập phồng, cô mở mắt, gọi ngay:
- Tiêu ca ca!
Lương Tiêu ghé lại gần. Hiểu Sương nắm chặt tay gã, nước mắt ròng ròng:
- Không phải… muội đang nằm mơ đấy chứ?
Lương Tiêu đáp:
- Mơ đâu mà mơ, không tin muội thử véo tay xem có đau không!
Hiểu Sương y lời véo thử tay, đoạn thở hắt ra:
- Đúng, không phải mơ!
Lương Tiêu phì cười. Hiểu Sương thẹn thùng đỏ mặt, cũng cười khẽ. Nụ cười của cô rất đẹp, hoa hạnh khắp rừng như mờ nhạt hẳn đi trước vẻ tươi tắn ấy.
Ngô Thường Thanh lạnh lùng đứng quan sát, chợt tức bực xen vào:
- Hừ, khóc đấy lại cười ngay được, chẳng ra cái thể thống gì! – đoạn trừng mắt lườm Lương Tiêu. – Tiểu tử khốn kiếp, ngươi chưa chết à? Hay lắm, đỡ cho con bé này phải rầu rĩ tối ngày, khóc…
Hiểu Sương cuống cuồng ngắt lời:
- Sư phụ…
Ngô Thường Thanh định nói “sướt mướt sụt sùi”, thấy Hiểu Sương ngăn bèn nén lại, đổi câu hỏi:
- Ngươi đến đây làm gì vậy?
Lương Tiêu trỏ lão già ngồi gần đấy, đang cầm cành cây chọc bới tổ kiến:
- Tôi dẫn lão đến khám bệnh.
Ngô Thường Thanh cau mày:
- Mất trí chứ gì?
- Chịu. – Lương Tiêu lắc đầu, mỉm cười nhìn Hiểu Sương. – Có Bồ tát giáng thế ở đây, đâu đến lượt hạng phàm phu tục tử như tôi chẩn đoán.
- Tiêu ca ca… – Hiểu Sương ngượng nghịu trách. – Đến huynh cũng trêu muội nữa à?
Nhìn sang lão già ngây ngô, cô bỗng nảy lòng thương xót:
- Huynh đưa ông cụ lại đây!
Lương Tiêu gật đầu, chạy ra dỗ dành một lúc mới dắt được lão già đến. Nhưng ngồi xuống rồi, lão lại giở quẻ không chịu chìa tay cho bắt mạch. Lương Tiêu đành lừa:
- Cô nương đây rất giỏi nắn xương, ông để cô ấy nắn thử xem ông có cốt tướng của thiên hạ đệ nhất cao thủ không.
Lão già phật ý:
- Cố nhiên ta là thiên hạ đệ nhất cao thủ rồi, còn cần nắn bóp gì nữa?
Lương Tiêu gắng thuyết phục:
- Ông tự phong đệ nhất cao thủ mà xong à? Phải được người đời thừa nhận mới đáng kể chứ!
Lão già nổi cơn thịnh nộ, tóm luôn lấy cổ gã mắng:
- Đứa nào dám bảo ta không phải thiên hạ đệ nhất cao thủ? Gọi nó ra đây tỉ thí xem sao!
Thấy Lương Tiêu bị bóp cổ, Hiểu Sương bàng hoàng cả người, suýt nữa lại ngất đi. Lương Tiêu thản nhiên nói:
- Tôi bảo ông không phải đấy!
Lão già trợn mắt, siết nắm tay răng rắc. Lương Tiêu dỗ:
- Nếu ông để cô nương đây nắn cốt, từ nay về sau, tôi sẽ thừa nhận ông là thiên hạ đệ nhất.
Lão già dịu nét mặt, buông cổ Lương Tiêu, mỉm cười:
- Được lắm, được lắm! – Lão xắn tay áo, giơ cánh tay nhem nhuốc và nhoe nhoét mỡ ra trước mặt Hiểu Sương, đoạn ngoái đầu hỏi. – Nắn cốt là thế quái nào?
Lương Tiêu mỉm cười:
- Tức là nắn cái hình dạng xương cốt của ông. Xương của hạng cao thủ đệ nhất và đệ nhị khác nhau nhiều lắm đó, cứ để cô nương đây nắn xong sẽ biết.
Lão già ậm ừ, trừng mắt bảo Hiểu Sương:
- Nhóc con mày nắn cho mau, nắn sao cho đúng là thiên hạ đệ nhất, cấm nắn thành thiên hạ đệ nhị nhớ!
Hiểu Sương đỏ mặt nghĩ bụng: “Tiêu ca ca lại lừa người ta rồi!”.
Xa cách đã lâu nay mới trùng phùng, cô gái hoan hỉ vô cùng, cứ miên man hồi tưởng chuyện cũ, nụ cười không ngừng chúm chím trên môi. Lão già sốt ruột giục giã:
- Cười cái khỉ gió, mau nắn đi!
Hiểu Sương xấu hổ đỏ mặt, đặt tay lên mạch lão già chăm chú thăm khám hồi lâu, đoạn ấn vào huyệt Hậu khê ở xương trụ của lão, hỏi:
- Tiên sinh có cảm giác tê ở đây không ạ?
Lão già lắc đầu. Hiểu Sương nghĩ bụng: “Theo mạch lý, khi xuất hiện triệu chứng mất trí thì huyệt Hậu khê tất có cảm ứng. Tiên sinh đây mạch tượng thông suốt, không hề tắc đọng chỗ nào, đúng ra không mắc bệnh gì mới phải!”. Cô ngoảnh sang hỏi Ngô Thường Thanh:
- Con không tìm ra bệnh, mời sư phụ đến chẩn hộ xem sao!
Ngô Thường Thanh lạnh lùng quan sát lão già từ nãy tới giờ, nghe Hiểu Sương gọi thì “ồ” lên một tiếng, gật đầu:
- Quả nhiên đúng, tiên sư nó, quả nhiên đúng!
Hiểu Sương mừng rỡ:
- Sư phụ giỏi thật, chỉ dùng mắt nhìn mà đã lần ra nguồn cơn bệnh tật rồi à?
Ngô Thường Thanh chòng chọc nhìn lão già, hỏi:
- Này Thích Thiên Phong, ngươi đang giở cái trò quỷ gì vậy?
Lão già kinh ngạc:
- Ngươi gọi ta à?
Ngô Thường Thanh trợn mắt:
- Ta gọi ngươi đó, Thích Thiên Phong. Ngươi nhận ra lão phu không?
Lương Tiêu giật mình: “Thích Thiên Phong à, quái, cái tên này ta nghe thấy ở đâu rồi thì phải. Ồ đúng, trong ngôi miếu cổ dạo nào, Cửu Như đã từng nói công phu của ta giống với Đông hải Thích Thiên Phong, khó mà đạt tới cảnh giới tuyệt đỉnh. Nhưng võ công lão già này cao cường như vậy, chỉ e ngay cả Cửu Như cũng chưa chắc thắng được ấy chứ!”.
Lão già ngơ ngác gãi đầu:
- Ngươi gọi ta là Thích Thiên Phong? Thích Thiên Phong là ai nhỉ?
Ngô Thường Thanh hầm hầm nhại:
- Thích – Thiên – Phong – là – ai? Hừ, là cái tên khốn kiếp tự xưng “Chí tôn Đông Hải, võ khố Linh Ngao” ấy! – Lão trừng mắt mắng. – Tên họ Thích kia, ngươi đừng giả ngô giả ngọng với lão phu nữa, ngươi chả bệnh tật gì hết!
Dứt lời, Ngô Thường Thanh phóng tay chộp lấy cánh tay lão già.
Lương Tiêu đang mải ngẫm nghĩ nên không kịp ngăn cản. Lão già hất tay, thân hình tròn xoay của Ngô Thường Thanh bật vút ra xa như một quả bóng. Lão già cười:
- Đồ béo lùn, quả cầu thịt!
Ngô Thường Thanh tức điên, khó khăn lắm mới dừng lại được, đang chống hai tay gắng sức lật mình lên thì lão già nọ đã lướt tới như gió, tung chân móc một cái. Ngô Thường Thanh lăn lông lốc đi ba trượng, lão già đuổi tới sát bên, giơ chân hẩy ngang. Ngô Thường Thanh không sao tự chủ được, tiếp tục lăn đi xa. Lần đầu tiên trong đời bị người ta dùng làm bóng chơi, lão tức giận la oai oái.
Lão già kỳ quặc tự nhiên vớ được quả cầu thịt thì vô cùng hào hứng, liên tục bay theo tung chân đá hất. Lương Tiêu đâm lo cho Ngô Thường Thanh, liền lao đến vung song chưởng chém xuống đầu lão già. Lão ta cười khanh khách:
- Đến đúng lúc lắm! – đoạn giơ chưởng chắn.
Một bên từ dưới đánh lên một bên từ trên đánh xuống, chỉ thoáng chốc đã chao qua hắt lại đến sáu bảy chục chiêu. Lương Tiêu không đỡ nổi, vừa đánh vừa lùi, rút vào rừng hạnh rồi giở kế né tránh sau những thân cây. Lão già theo sát không rời, chưởng lực chém đổ những cây hạnh thân to bằng miệng bát, kình phong xô rụng những tán hoa tươi thắm, trải một tấm thảm dày màu hồng xuống nền đất rừng.
Ngô Thường Thanh ngọ ngoạy ngồi dậy, toàn thân đau nhức. Thoạt tiên, lão vừa thẹn vừa giận, nhưng dần dần quên bẵng cả, chỉ chăm chắm theo dõi trận đấu của hai người, lòng không khỏi hãi hùng: “Thích Thiên Phong là kỳ tài trời sinh, cũng không hổ cho cái danh võ khố. Nhưng Lương Tiêu còn ít tuổi mà sao cũng luyện được bản lĩnh đáng sợ nhường kia?”. Chợt nhận ra trận tỉ thí khiến rừng hạnh tan tác cả, lão đùng đùng nổi giận:
- Hai tên xấu xa muốn đánh thì ra bãi trống, sao lại giày xéo hết cây cối của lão phu thế kia…
Rút kinh nghiệm đau thương, Ngô Thường Thanh chỉ nhướng mày trợn mắt, la lối ỏm tỏi, động khẩu chứ không dám động thủ nữa. Hiểu Sương đứng bên cạnh sư phụ, thấy Lương Tiêu yếu thế hơn thì rất lo lắng.
Chợt một giọng nói ôn hòa từ xa vẳng đến:
- Chắc là ở đây đây!
Hiểu Sương đưa mắt tìm thì thấy có hai người đang đi đến. Một bà già tóc bạc mặt đỏ, mày thanh mắt đẹp, và một trung niên hán tử cao gầy, môi mỏng mắt to.
Hai người đến gần, bà lão cười nói:
- Ngô đại phu, cuối cùng cũng gặp được ông…
Giọng bà chợt tắt lịm, mắt dõi trân trân vào rừng, trung niên hán tử nhìn theo, khuôn mặt lộ vẻ ngạc nhiên.
Ngô Thường Thanh cười ha hả:
- Tưởng ai, hóa ra Hải để lao nguyệt Thích phu nhân. Ha ha, chắc cái luồng gió họ Thích chuyên gây náo loạn thổi bà tới đây phải không? – Kèm theo câu nói, lão giơ tay trỏ lão già trong rừng.
Bà kia mừng quýnh, vui vẻ nói:
- Đúng là đi vẹt gót giày tìm không thấy, ngồi chơi xơi nước lại vào tay. Hóa ra lão chết rấp nhà ta chạy tới đây.
Lúc này Lương Tiêu đã dùng hết mọi miếng võ, thấy Thích Thiên Phong sắp vỗ tiếp chưởng, vội ngăn:
- Thôi, coi như ông thắng!
Thích Thiên Phong xuất lực rất mạnh, nhưng Lương Tiêu vừa nhận thua là lão dừng tay ngay tắp lự, chưởng thế dừng sững ngay chóp mũi Lương Tiêu. Lão cười khì:
- Tốt, nhận thua là được rồi!
Bà già le te đi lại gọi to:
- Lão đầu tử, xem tôi là ai này?
Thích Thiên Phong ngoảnh mặt ra. Nhác thấy bà già, mặt lão tái nhợt, ánh mắt kinh hoàng, cấp tập thụt lui đến một trượng. Bà già bước nhanh hơn về phía lão, nóng nảy nói:
- Không được chạy, đi về với tôi!
Thích Thiên Phong thấy bà đi đến gần, cũng thụt lui một khoảng tương ứng, trước sau vẫn hai bên vẫn cách nhau một trượng.
Bà lão bực bội tung mình bay đến. Thích Thiên Phong lập tức guồng chân thi triển môn khinh công Thừa phong đạo hải. Bà lão phát cáu, luôn mồm la gọi:
- Lão đầu tử, quay lại đây… – rồi cũng thi triển môn pháp tương tự, ngặt nỗi võ công tương đồng nhưng công lực khác biệt, chỉ một chớp mắt, khoảng cách giữa hai người đã bị kéo doãng ra ba trượng.
Trung niên hán tử cấp tốc chạy ra chặn đường:
- Cha!
Thích Thiên Phong nhoài qua người y chạy bán sống bán chết, chân không chấm đất. Trung niên hán tử và bà lão hô hoán liên hồi, gấp rút đuổi theo, chỉ chớp mắt, bóng họ đã lướt đi xa tít tắp, biến mất trong trời chiều mờ mịt.
Sự việc xoay chuyển đột ngột. Lương Tiêu chỉ kịp nhớ ra rằng hán tử cao gầy nọ chính là Thích Hải Vũ đã đấu khinh công với mình ở ngôi miếu cổ hôm nào, nhưng không hiểu vì sao hắn tới đây, và vì sao lại đuổi theo lão già.
Ngô Thường Thanh tới gần, Lương Tiêu thắc mắc:
- Chuyện gì thế Ngô tiên sinh?
Ngô Thường Thanh hừ một tiếng:
- Vợ người ta đuổi theo chồng, ngươi hỏi chi cho lắm! – Lão ngoảnh nhìn hoa hạnh phủ dày mặt đất, bất bình chửi rủa. – Ngươi phá hoại bao nhiêu cây cối của ta thế này, định đền bù kiểu gì đây?
Lương Tiêu ngớ người:
- Có gì ghê gớm đâu, trồng lại là được thôi mà!
Hiểu Sương góp lời:
- Muội giúp huynh trồng.
Ngô Thường Thanh lườm cô:
- Hừ, đúng là nữ nhi ngoại tộc, chỉ giỏi ăn cây táo rào cây sung!
Hiểu Sương đỏ mặt, sóng vai Lương Tiêu đi vào rừng. Được một lúc, cô cười bảo:
- Muội cho huynh xem hai thứ!
- Thứ gì?
Hiểu Sương huýt một tiếng, cây lá trong rừng khua xào xạc, một cái bóng vàng từ trên cây lướt xuống, kêu nhí nhách nhảy vào lòng cô, hiện nguyên hình một con khỉ nhỏ xíu.
Lương Tiêu cười vang:
- Kim Linh Nhi!
Hiểu Sương gật đầu tủm tỉm. Kim Linh Nhi láo liên đôi mắt rực lửa nhìn Lương Tiêu. Gã xoa cái đầu bé con mềm mượt như nhung ấy, nhưng nó rụt lại, rúc sâu vào lòng Hiểu Sương.
Lương Tiêu lộ vẻ chán nản:
- Con khỉ này không nhận ra ta rồi!
- Không ngại, hai ba hôm nữa là nó quen huynh thôi…
Thình lình có tiếng sủa oăng oăng, một con chó lông trắng xộc đến. Lương Tiêu ngây người, con chó nhảy cẫng lên, vui vẻ nhào vào lòng gã, sủa điếc cả tai. Lương Tiêu ôm chặt lấy nó, mắt thoáng ướt, lẩm bẩm:
- Bạch Si Nhi, Bạch Si Nhi…
Con chó lông trắng chính là con cún mà Lương Tiêu thu nhặt hồi nhỏ, bây giờ đã lớn bổng, lưng dài eo thon. Xa cách lâu là thế, bề ngoài Lương Tiêu lại khác trước rất nhiều, nhưng nhờ ghi nhớ mùi riêng nên Bạch Si Nhi vẫn nhận ra cậu chủ, rúc ngay vào lòng gã không một thoáng băn khoăn. Lương Tiêu vuốt cái đầu mượt của con chó, thở dài:
- Bắt muội nuôi nấng nó ngần ấy năm, thật vất vả cho muội!
Hiểu Sương mỉm cười:
- Không nuôi sao được? Nó là chó của huynh, muội trông thấy nó cũng như trông thấy huynh mà.
Lương Tiêu phì cười:
- Gớm chưa, muội nói kháy để mắng xéo ta là chó cún đấy à?
Hiểu Sương hoảng hồn biện bạch:
- Đâu? Muội không dám có ý đó…
Lương Tiêu vội vỗ về:
- Ta đùa với muội thôi.
Hiểu Sương nghe vậy mới bình tâm, im lặng nhìn xuống.
Lương Tiêu nhớ lại bao nhiêu chuyện đã xảy ra sau khi mình rời Thiên Cơ cung, bất giác thở dài:
- Nói cho đúng, làm Bạch Si Nhi có khi lại hay cơ đấy, vì được ở mãi bên muội, chẳng phải đi đâu hết!
Hiểu Sương vốn không hiểu nguồn cơn lời cảm thán của Lương Tiêu nên nghĩ chệch theo hướng khác. Tim đập thình thình, hai má nóng bừng, cô thở dài:
- Muội… muội cũng nghĩ như vậy. Thật may trời vẫn còn thương, phù hộ cho muội gặp lại huynh. Muội mừng lắm.
Lương Tiêu vốn định hỏi: “Muội cũng muốn ta làm chó cún ấy à?”, nhưng sợ cô ngây ngô hiểu sai ý mình, bèn mỉm cười, không nói gì thêm nữa.
[1] Thần y trong rừng hạnh.
[2] Con giun có râu bằng thịt.

Truyện Côn Luân Đôi lời về tác giả Thục đạo nan Canh lậu tử Tam tài biến Điệp luyến hoa Chiến thành nam Xạ Thiên lang Mãn giang hồng Cô vân xuất tụ Tuyết vũ Phượng tường Mi gian quải kiếm Huyết tiễn phần thiên Thiên quân nhất cục Nhất sinh sơ kiến Thái Ất phân quang Thiên cơ hữu nguyệt Mê trận vô hình Thiên cơ hữu nguyệt(TTV) Mê trận vô hình(TTV) Khả thị duy ngã BIẾN KHỞI TIÊU TƯỜNG THIÊN ĐỊA PHẢN PHỤC THẮNG GIẢ VI VƯƠNG XẢ THÂN TỰ HỔ HOA ÁM LIỄU MINH Tứ diện sở ca Tiên Phật tranh phong THUẦN DƯƠNG THIẾT HẠP Thương Thiêu Đông Nam Phong Ba Hiểm Ác Thâu Thiên Hoán Nhật Nhạc Cực Sinh Bi Tâm Như Tử Hôi Di Tinh Hoán Đẩu Bát Vân Kiến Nhật Câu Tâm Đẩu Giác Vạn Vật Quy Tàng Bạch Mai Hàm Dương Lăng Không Nhất Vũ Long Hổ Chi Hội Tứ Thiểu Bái Sư Xích Mao Chi Hổ Xa Mã Lân Lân Phục Ngưu San Hạ Chiết Cung Vi Thệ Lục Hoa Diệu Thuật Hán Thủy Kinh Đào Tương Dương Công Phòng Cùng Đồ Mạt Lộ Thạch Công Sơn Đầu Xà Khiếu Tước Lai Thùy Thắng Thùy Bại Tây Tái Long Ngâm Phần Hương Túy Ngọc Vô Pháp Vô Tướng Hạnh Lâm Y Ẩn Quần Ma Loạn Vũ Kiến Hoa Sinh Phật Cựu Ái Nan Mẫn Giai nhân vi chú Hoa trung thánh triết Tả hữu vi nan Vụ lâm kỳ ẩu Điên đảo ngũ hành Ấu đế chi tranh Địch hữu mạc biện Yên ba vi mang Bĩ Cực Thái Lai Kim Thiền Thoát Xác Tự Cổ Đa Tình Tâm Tùy Minh Nguyệt Đại Thiên Vương Tự Chung Thiên Trường hận Chúng Phản Thân Li Đông Tây chi minh Vạn Phu Mạc Địch Trọc Thế Thao Thao Đại Tai Côn Luân Tùy Viên Tựu Phương [1] Nhân Mệnh Chí Trọng Thiên Lang Khiếu Nguyệt Cố Nhân Tương Phùng Hoàng Hà Cửu Khúc Long Bôn Vạn Lý [1] Hòa Hài Chi Đạo [1] Phong Vân Tề Hội [1] Nhất Kiếm Hoành Thiên Thấp Tang Hữu A [1] Nguyệt Chiếu Đại Giang[1]