Chương 12

Hơn bảy giờ tối xe mới đến Sài Gòn. Vẩn Thạch gọi xích lô đến trung tâm thành phố thuê một căn phòng trên lầu bốn một khách sạn sang trọng. Người nữ thư ký của khách sạn mặc áo dài đen quần đen mặt đánh phấn lòe loẹt tiếp hắn một cách mệt mỏi. Hắn thuê căn phòng 403 với cái tên mới: Trần Dũng.
Bồi phòng là một cô bé trạc mười lăm mười sáu tuổi ăn mặc cũn cỡn, ngổ ngáo. Cô bé dẫn Trần Dũng lại cửa thang máy. Hai người bước vào và khi đi lên, cô bé hỏi:
- Anh cần người ngủ chung không?
- Cám ơn. Đi đường quá mệt.
Hắn nói một cách lơ đãng. Lúc vào phòng hắn không cần xem xét phòng ốc giường nệm toa lét ra sao cả, hắn đóng ập cửa lại rồi để nguyên quần áo giày vớ như thế nằm bất động nhắm mắt. Hắn ngủ đến chín giờ tối mới sực tỉnh. Hắn dậy tắm rửa và định thay quần áo sạch để đi phố nhưng chợt nhớ ra rằng mình chẳng có một tí hành lý nào cả ngoài cái gói giấy trong túi quần. Hắn đành mặc quần áo cũ trở lại nhưng không mặc đồ lót vì quá bẩn thỉu.
Có tiếng gõ cửa bên ngoài, hắn nghĩ là cô bé lúc nãy nên không mở cửa. Tuy vậy tiếng gõ cửa lại vang lên lần này lại gấp rút hơn. Hắn bực mình đến mở cửa thì chạm mặt một người ngoại quốc.
- Xin lỗi, tôi lộn phòng.
Trần Dũng nhún vai đóng cửa lại, lại giường mang giày và đi xuống phố. Hắn ghé nhà hàng ăn cơm và vào một cửa hàng ở đường Lê Lợi mua tạm một bộ đồ tây may sẵn với mấy cái đồ lót. Xong việc hắn về ngay vì đã khuya.
Lúc bước ra thang máy hắn gặp lại người ngoại quốc lộn phòng lúc nãy. Anh ta có vẻ trầm ngâm, đứng tì tay lên bao lơn ngó xuống khoảng sân nhỏ. Thấy Trần Dũng đi ngang qua gã gật đầu chào, nụ cười rất dễ mến. Những ý nghĩ xấu về gã chợt biến đi. Trần Dũng hỏi gã bằng tiếng Anh:
- Anh là người Liên Xô?
- Không. Tôi là người Ý.
- Vừa rồi anh có xem những trận tranh tài Italy 90 không?
- Có. Nhưng chỉ qua truyền hình.
- Vậy anh sang đây đã lâu?
- Vài tháng.
- Anh ở Hà Nội mới vào?
- Không. Tôi vừa đến từ Pleiku. Tôi có một người bạn Pháp ở Sài Gòn.
- Một người Pháp? Tôi quen khá nhiều người Pháp ở Sài Gòn. Trước giải phóng tôi làm ở đồn điền cao su Plantation de Terre rouge.
- Ồ, gã kêu lên rồi ngưng bặt như thể đã lỡ lời, gã nói:
- Sài Gòn dạo này buồn hơn những năm trước.
Trần Dũng cảm thấy câu chuyện như thế đã đủ hắn chào người Ý nọ và trở về phòng mình.
Sáng hôm sau hắn ăn điểm tâm qua loa rồi đến bưu điện Sài Gòn đánh điện đi Đà Nẵng cho một người bạn, ở đó tình cờ hắn gặp lại bà Monique, người đàn bà Pháp trên chuyến phi cơ bị nạn ngày trước. Bà ta gần như kêu lên khi nhận ra hắn. Và ở cái tuổi bốn mươi, bà trông cũng chưa đến nỗi nào. Bà Monique hỏi:
- Lâu nay anh không trở lại Đà Lạt?
- Không. Tôi bận nhiều việc lắm.
Hai người đã ra đến đường cái. Người đàn bà vui mừng thấy rõ. Bà hỏi đủ thứ chuyện và than phiền là người Việt Nam rất khép kín. Trần Dũng nghĩ ngay đến cái bi kịch “ở vậy” của bà ta suốt bốn mươi năm cuộc đời, hắn nhìn bà ta bằng đôi mắt ái ngại. Hắn hỏi:
- Về Sài Gòn bà ở đâu?
- Khách sạn. Nhưng bây giờ tôi sắp đến nhà một người quen. Nếu không có gì trở ngại mời anh cùng đi, sau đó chúng ta đi ăn.
Hắn thấy một đề nghị như vậy cũng nghe được nên bằng lòng.
Hai người thả bộ dọc đường Đồng Khởi.
Nơi đến là một căn lầu thụt sâu phía trong. Phía trước có vẻ chật hẹp nhưng bên trong khá rộng rãi nhờ ăn thông với một cái sân thượng.
Một người đàn ông da trắng đang ngồi dựa ngửa trên chiếc ghế mây lớn, hai chân lão duỗi ra cho một người đàn bà Việt Nam làm móng chân. Cảnh đó là Trần Dũng thấy khó chịu. Hắn chào lão ta nhưng lão không chào lại, môi ngậm ống điếu to tổ bố, mặt lão đầy thịt, đầu hói. Nói chung lão có đầy đủ vẻ đáng ghét của một tên thực dân.
Người đàn bà Pháp nói chuyện gì đó một lát rồi đưa cho lão một cái thư không dán tem xong chào hắn, lui ra. Trần Dũng xoay lưng đi thẳng. Hắn nói với bà Monique:
- Tôi khó chịu về thái độ của ông ta.
- Ồ, người đàn bà cười, ông ta thuộc lớp trước mà.
Hai người đi rất nhanh qua dãy hành lang hẹp. Một người đàn ông cao lớn từ phía thang máy đi lại. Khi đến gần Trần Dũng mới nhận ra đó chính là người Ý mà hắn đã gặp ở khách sạn đêm qua. Cuộc chạm trán bất ngờ không thể tránh né được. Hai người chào nhau.
Không hiểu do kinh nghiệm nghề nghiệp hay do linh cảm mà Trần Dũng lại nghĩ ngay gã là một tên buôn lậu ma tuý. Người Ý nói:
- Thật bất ngờ.
- Chẳng bất ngờ gì. Trần Dũng cười. Tôi hiểu:
Hắn cảm thấy khoái chí khi nói xong câu ấy. Người Ý nọ liền đứng dậy, gã nhỏ nhẹ hỏi:
- Bạn hiểu à?
- O.K. Ông nhớ tôi là người Việt Nam mà.
- Tốt lắm. Sáng mai gặp lại ở khách sạn nhé. Ta nói chuyện nhiều.
Trần Dũng nghĩ, nghề buôn lậu bạch phiến đối với hắn quả là một nghiệp chướng. Tuy vậy hắn lấy làm thích thú, khe khẽ ngâm:
Chém cha cái số ba đào.
Cởi ra rồi lại buộc vào như chơi.
Bà Monique tưởng hắn nói gì nghe không rõ nên hỏi lại. Hắn đáp:
- Tôi chợt nhớ ra hai câu thơ của một thi sĩ thiên tài Việt Nam.
Thế là người đàn bà hỏi tới tấp về Nguyễn Du. Rồi cũng như lần gặp trên phi cơ cách đây hai năm, bà tỏ ra là một người rất thích thơ văn, âm nhạc. Trần Dũng phải lái câu chuyện sang hướng khác.
- Trưa rồi. Chúng ta đi ăn một cái gì.
Trời đang nắng ráo bỗng tối sầm lại. Gió cuốn lá bay tạt vào cửa kính. Đèn trong nhà hàng bật sáng. Trần Dũng cảm thấy thú vị trong căn phòng ấm cúng ấy. Người bồi bàn đến bên bàn, cúi chào và đưa bản thực đơn. Những món ăn Tây đối với hắn không có gì xa lạ. Bà Monique tỏ ra khâm phục sự sành ăn của hắn. Chiều nay hắn muốn ngồi rỉ rả nhâm nhi nhìn mưa rơi bên ngoài để nhớ lại những ngày sống như thú vật ở trại giam, và để gặm nhấm cái cuộc đời ba chìm bảy nổi của hắn từ hồi để chỏm chăn trâu nhịn đói nhịn khát cho đến bây giờ.
Cơn mưa đến vội vã và ào ạt lúc nãy bây giờ trở nên rả rích, thủ thỉ hiền lành,
Sài Gòn âm u trở thành người tình xưa rất buồn.
Bàn tay hắn cầm ly rượu ngọt uống liên tục, chếch choáng. Trong cơn say bao giờ hắn cũng cảm thấy cô độc. Không nhớ ai cả nhưng buồn. Hắn hiện nguyên hình là một trẻ mục đồng ngủ quên trên đồi cỏ. Hắn say đến độ không biết mình đã về khách sạn từ lúc nào chỉ thấy một căn phòng xa lạ và lộng lẫy. Bà Monique đỡ hắn nằm xuống giường của bà. Tuy vậy bà không tỏ ra khó chịu. Bà lấy cho hắn một cốc nước lạnh, hắn uống từ tốn và mỉm cười với bà. Trước mặt hắn không phải là người đàn bà đẫy đà nữa mà là một cô gái trẻ xinh đẹp. Hắn đắm chìm trong mùi nước hoa quyến rũ. Hắn quàng tay ôm lấy thân thể người đàn bà, dường như bà ta nói cái gì đó hắn nghe không rõ. Có lẽ là những lời phản đối. Nhưng sự thèm muốn của hắn mạnh hơn những lời ấy rất nhiều. Một lát sau người đàn bà đã nằm gọn trong tay hắn. Lúc ấy hắn biết là mình đang ôm bà Monique. Người đàn bà bị cuốn vào cơn mê đắm rất nhanh, rất bất ngờ và đầy thú vị. Bởi đó là lần đầu tiên trong suốt bốn mươi năm của cuộc đời, bà biết thế nào là nhục cảm. Bà vùng dậy như một con khủng long sau một ngàn năm ngủ quên. Bà ngây ngất trong cảm giác đê mê và ngượng ngùng, trong sự khoái lạc và cơn đau của trinh tiết. Tất cả những thứ đó làm bà muốn phát điên lên.
Họ nằm ngủ cạnh nhau từ trưa cho đến tối mịt.
Trong bữa ăn tối bà Monique có vẻ ngượng ngùng nhưng lại rất dịu dàng với hắn. Riêng Trần Dũng, hắn vẫn chưa ra khỏi những ý nghĩ khôi hài về một đêm tân hôn như thế. Nó kỳ quặc không phải vì mọi sự đã diễn ra khác thường nhưng vì nó đã rất đúng khuôn mẫu: Vết máu trên tấm ra trắng, sự e thẹn. Đó là điều kỳ quắc đối với một người đàn bà phương tây bốn mươi tuổi. Hắn ôm ngang lưng người đàn bà, ngước nhìn bầu trời đã quang mây, lấp lánh sao.
°
Trần Dũng tiếp người Ý nọ trong phòng ngủ của hắn. Trên bàn có mấy lon bia Tiger và một cái gạt tàn thuốc. Người Ý nói:
- Tôi gặp bạn như một định mệnh. Đang cần một người cộng tác lại gặp ngay kẻ rành nghề.
- Sao anh biết tôi rành nghề?
- Thì cũng như trường hợp anh khám phá ra nghề nghiệp của tôi. Chúng ta hiểu nhau quá mà.
- Nhưng tôi không ưa lão ta.
Người Ý mở to mắt, cao giọng:
- Lão nào?
- Lão Tây già ở đường Đồng Khởi. Tên lão là gì. Dường như tôi nghe bà Monique gọi hắn là Rambert thì phải. Nói thiệt với anh, tôi không thích cộng tác với một người như lão.
- Cộng tác gì. Lão ta chỉ là khách hàng thôi.
- Ồ, thế à. Trông lão có vẻ là một chủ nhân. Nhưng thôi ta đi vào vấn đề. Bạn cần nguồn tiêu thụ phải không?
Người Ý nốc cạn lon bia, nói:
- Không, cái đó đã có người lo. Tôi muốn bàn đến tận gốc.
- Gốc nào. Trần Dũng hỏi:
- Tận bên Lào. Dám chơi không?
- Nói điều kiện đi.
Người Ý nói:
- Dễ mà. Bạn tải hàng từ Paksé tới biên giới. Chúng tôi sẽ đón ở đó. Bạn đã từng cầm súng phải không?
- Việt Nam là xứ chiến tranh mà. Trẻ con cũng biết cầm súng. Mỗi chuyến đi mấy người?
- Ba người. Chúng tôi áp dụng chiến thuật du kích của Mao.
- Nhưng các ông sẽ trả công bao nhiêu một chuyến?
- Ba mươi ngàn đô la.
Trần Dũng im lặng. Hắn nhíu mày rồi nói:
- Từ Paksé đến Pleiku cũng phải mất ròng một tháng. Đi bằng voi phải không?
- Phải. Mỗi chuyến một tấn hàng.
Trần Dũng khui lon bia mới, ngửa cổ uống một hơi cạn sạch. Hắn ném cái vỏ vào giỏ rác.
- Thôi được, hắn nói. Ngày mai cũng vào giờ này chúng ta sẽ gặp lại. Tôi sẽ trả lời dứt khoát.