Chương 33

    
ữu cột võng giữa hai cây bằng lăng, Hai Tuyên nằm một bên, hai bàn tay đan vào nhau, lót dưới gáy. Bóng nắng xuyên qua những tàng cây thưa chạy lướt trên hai chiếc võng đưa nhè nhẹ. Rừng im lặng đến độ con nước nhỏ chảy tận phía trong sâu cũng nghe được tiếng róc rách, còn nghe được cả tiếng con cua đá bò trên những lối đi quen của nó, tiếng con sóc chuyền trên cành cây cam thảo. Hữu hỏi bạn:
-Lâu nay chuyện tình cảm ra sao?
-Chưa có gì cả.
-Sao nghe anh Bảy Trung nói có rồi.
Hai Tuyên cười khà khà, rút hai tay ra khỏi gáy, bứt mấy chiếc lá quanh mình. Anh nói:
-Kể ra thì có thể gọi là có. Còn nhỏ lắm, chỉ mới vừa “biết chuyện” thôi.
-Ô! “biết chuyện” là được rồi. Giờ ở đâu?
-Hà Nội.
-Hà Nội à?
-Ừ. Đi học.
-Thế thì tốt quá. Hơn hẳn tao. Tao chưa có gì cả mày ạ. Ở tù mất năm năm, người già khằng rồi mới chết chứ!
-Già gì. Tao thấy mày còn trẻ quá mà. Bao nhiêu rồi?
-Hăm tám.
-Ối giời! (Hai Tuyên giả giọng Bắc) Hai mươi tám mà già gì. Tao hăm chín đây đã sao!
Tiếng con tắc kè ở đâu kêu lên khiến Hữu có cảm tưởng như từ nãy giờ con vật ấy núp ở trong bụi rậm rình nghe chuyện hai người và khi nghe xong lấy làm thích thú nên lên tiếng tán thưởng. Con tắc kè làm thinh được một lát lại kêu nữa. Bắt đầu là một vài tiếng rè rè như đằng hắng lấy giọng, rồi:
-Tắc kè! Tắc kè!
-Mày biết con tắc kè nó nói gì không?
-Nói gì?
-Con vật đó nó tinh lắm mày à. Khi thấy bộ đội miền Bắc đi qua, nó kêu “bắc kỳ! bắc kỳ!”.
-Xạo quá, cha. Bây giờ đâu có bộ đội đi qua mà sao nó cũng kêu “bắc kỳ”?
Hai Tuyên lại cười to hơn:
-Bây giờ nó đâu có kêu “bắc kỳ”, nó nghe mình nói chuyện tình yêu nên nó chọc thằng cha Năm Dương.
-Năm Dương nào?
-Năm Dương hồi trước học Luật đó.
-Mà con tắc kè nó chọc giả chuyện gì?
-Chuyện tình.
-Mày nói khó hiểu quá. Câu chuyện ra sao đâu?
Hai Tuyên lại luồn hai tay xuống dưới gáy như lúc nãy, anh nói:
-Ở đây có một người đẹp. Không biết lúc trước mày đã biết chưa chớ tao thì không. Người đẹp ấy tên là Sáu Lan. Năm Dương “chịu” Sáu Lan lắm, giả theo “quá trời”, ở đây nhiều thằng theo Sáu Lan nhưng không ai tình bằng Năm Dương, nhưng rủi cho anh ta, Sáu Lan có tâm sự riêng…
Hữu cười, Hai Tuyên nói tiếp:
-Trong tình hình ấy Năm Dương nhảy vô. Không được cái “giải” gì cả. Mày biết ở đây khi muốn diễn tả cái tình trạng “không được cái giải gì cả” tụi này dùng tiếng lóng gì không?
-Tiếng gì?
-“Trớt he”! Mỗi lần thấy Năm Dương đi qua rừng là con tắc kè nó chọc “Trớt he! Trớt he!”.
Hữu cười to. Vừa cười vừa tưởng tượng ra khuôn mặt tiu nghỉu của Năm Dương khi lầm lũi đi trong tiếng kêu “khốn nạn” của con tắc kè kỳ quái.
Hai Tuyên nói:
-Tối nay có buổi họp toàn cơ quan để nghe cuốn băng anh Năm Hưởng cán bộ trung ương nói về tiềm lực kinh tế và quốc phòng của ta, thế nào Sáu Lan cũng có mặt.
-Ừ, Hữu làm bộ lơ đãng trả lời, nhưng trong trí anh vẫn có một ý định “phải xem mặt Sáu Lan một chút mới được”.