Chương 40

    
hành phố Qui nhơn cũng di tản!
Đám tàn quân của Sư đoàn 22 từ An Khê, Đồng Phó, Bình Khê, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Cầu Bà Gi, Phú Tài… tranh nhau chạy hỗn loạn về thành phố Qui Nhơn để mở một con đường ra bãi biển.
Máu chảy đỏ mặt cát và nổi bọt đỏ ngầu trên sóng nước. Chiếc tàu hải quân đậu ngoài xa. Sà-lan lô nhô tròng trành sợ hãi đám quân điên cuồng hò hét chửi bới náo loạn trên bờ nên không dám tiến tới. Đạn bay sát trên đầu, trượt trên mặt nước… Giữa lúc ấy một loạt đạn cối của quân giải phóng từ phía cầu Đôi chụp xuống mặt biển khiến đám tàn quân đạp nhầu lên nhau, dìm nhau xuống nước, sấn tới, đổ xô tới, nhào tới phía những sà-lan bé nhỏ.
Trong lúc ấy trên đường số Một vào Nha Trang, người di tản vẫn tiếp tục vượt đèo qua suối cố đi cho hết cuộc hành trình kỳ quái, hoảng hốt và mê sảng của mình.
Mẹ con Tú và Cang cũng có mặt trong đoàn người di tản ấy. Duy đã ngăn cản, đã tìm hết cách để giải thích, thuyết phục hai đứa em mình nhưng thất bại. Tú rời bỏ Qui Nhơn với lý do: “Tôi có chồng Mỹ, họ mà vào đây họ bắn tôi trước, con tôi là con lai, chắc họ cũng không chừa”.
Và Cang, nó cũng có lý do của nó “Tôi là dân ghiền xì ke. Việt cộng vào đây nếu không bắn bỏ thì tôi cũng phải chết vì không có thuốc.”
Vậy là hai chị em cùng với thằng bé Mỹ lai thuê bao một chiếc xe tải chở một số đồ đạc cần thiết, thẳng đường vô Nam.
Trưa ngày 29 tháng 3 năm 1975 họ đến Cam Ranh, sau hai ngày trời qua đèo qua núi, ngủ bụi ngủ bờ, Tú quyết định dừng lại Cam Ranh vì ba lý do: Một, có tin đồn là Mỹ cắt từ đèo Cả trở ra chia cho “Việt cộng”, từ đèo Cả trở vào vẫn thuộc “quốc gia”, vì thế tất cả các tàu di tản từ Huế và Đà Nẵng vào đều ghé cảng Cam Ranh để đổ dân và lính. Hai là, sau hai ngày đêm bị nhét trên một cái xe tải chật cứng chạy như rùa bò giữa dòng thác xe cộ đông nghẽn, chen chúc hỗn độn, Tú đã mỏi mệt rã rời và ba là, nàng có một người bạn cùng nghề hiện ở tại Cây số Chín Cam Ranh.
°
Sáng hôm sau.
Cang kẹp điếu thuốc lá giữa hai ngón tay, mặc chiếc áo sơ-mi ka-ki vàng rộng thùng thình đi khơi khơi trên đường số Một, nhìn thiên hạ kéo nhau chạy loạn.
Khắp nơi, chỗ nào cũng có xe cộ và người, trong đường lộ, vỉa hè, gốc cây, bãi cỏ, xe nằm ụ, xe ngã nghiêng người đứng bơ phờ, người ngồi thở dốc. Tiếng động rối tung, xoáy vòng như cơn lốc, bốc lên lan ra hỗn độn. Nhưng Cang, nó thấy lòng thanh thản, tay kẹp điếu thuốc, tay bỏ túi quần, nó đi lửng thửng, tà tà qua đường, tạt vô một cái quán ăn lụp xụp.
Ai nheo nhóc vợ con, cồng kềnh đồ đạc mặc kệ, nó có hai tay không, thong dong ngồi lại bàn ăn. Kêu một chai 33, trúng ngay chai đít tròn, uống một hớp thấy nồng nàn, mát lạnh. Dĩa cơm sườn được bưng lên. Nó làm ra vẻ không chú ý đến miếng thịt thơm phức ấy, nó lim dim uống la-de. Nó có tiền. Chưa bao giờ nó có trong túi nhiều tiền như lúc này. Trước khi chạy vào đây, nhân lúc thành phố Qui Nhơn rối loạn nó nhập bọn với Sáu Cùi “dớt” được một số tiền bạc hàng hóa vật dụng. Bán những thứ ấy nó được một cục tiền. Cục tiền ấy mua được một cục thuốc phiện còn dư lại mấy chục ngàn bỏ túi, nó ăn tiêu vung vít đã đời.
Thuốc hút no nê, cơm ăn kỹ lưỡng, nó thấy ngon miệng, khỏe khoắn.
Ngay trong lúc nó hả hê đớp hít thì một bàn tay vàng khè đặt trên vai nó. Nó quay lại. Sáu Cùi.
-A! Đại huynh.
Nó đứng dậy, hấp tấp kéo ghế mời Sáu Cùi ngồi.
-Tao tìm mày quá. Sáu Cùi nói.
-Em đi theo bà chị, bả có đứa nhỏ, em theo phụ một tay.
Sáu Cùi nhìn chai la-de và dĩa thịt sườn, gã có vẻ trầm ngâm. Lát sau gã hỏi:
-Mày còn thuốc?
-Dạ… hết. Em hết sạch.
Sáu Cùi vung tay túm lấy túi áo thằng Cang.
-Tao khám coi.
Cang cười:
-Huynh cứ tự nhiên, em chỉ còn mấy ngàn bạc.
Quả thực, trong túi nó chỉ có năm sáu tờ giấy năm trăm, Sáu Cùi gọi chủ quán tính tiền còn lại bao nhiêu gã bỏ gọn vào túi gã.
-Tội nghiệp mà, anh Sáu.
Cang lửng thửng theo Sáu Cùi ra đến đường cái. Sáu Cùi nói:
-Chạy nữa. Ở đây không yên đâu.
Cang hỏi:
-Ủa, sao nghe nói từ Đèo Cả trở vô thuộc quốc gia mà.
-Láo toét, lính tráng tụi nó kéo nhau đi Sài Gòn hết. Cắt đất từ Biên Hòa trở ra cúng cho Việt cộng.
-Anh nghe ai nói?
Sáu Cùi trợn mắt nhìn Cang:
-Đ.m tao nói mà mày không tin à?
-Tin. Em tin anh Sáu. Nhưng chừng nào đi?
-Đi ngay bây giờ. Xe đang đợi đàng kia.
Sáu Cùi chỉ một chiếc jíp sơn xám đậu bên kia đường, trên xe tụi bè đảng của Sáu Cùi đang nói cười hỉ hả. Sáu Cùi vỗ vai thằng Cang, nó nói:
-Xe tao mới mua.
Vừa nói gã vừa đẩy Cang đi tới. Cang lưỡng lự. Trong ý nó cũng muốn đi vì nó sợ Việt cộng nhưng hiện nó vẫn còn một cục thuốc phiện và một bó tiền để trong cái xách tay cất chung với hành lý của chị Tú nó, nó có thể tách tụi Sáu Cùi mà vẫn lè phè được. Tuy nhiên khi đã leo lên xe nhập bọn với bè đảng cũ nó hiểu ngay là mình không thể lùi bước được nữa. Nó đề nghị:
-Cho em ghé bà chị lấy cái xách tay.
-Ô-kê.
Chiếc xe lao tới và thắng rất gấp trước một căn nhà gạch nhỏ. Cang nhảy xuống xe. Vừa bước vào nhà nó đã thấy mọi người sửa soạn hành lý chuẩn bị lên đường. Trong khi ấy Tú vẫn ngồi im bên đống va-li của mình, ôm đứa con trong lòng. Cang hỏi:
-Sao không lo chạy?
-Tao không chạy.
-Ai người ta cũng lo chạy vô Sài Gòn kìa.
-Mặc kệ họ.
-Bộ chị tính nộp mạng cho Việt cộng à?
-Nộp mạng thì nộp. Tao không chạy. Chạy hết nổi nữa rồi.
Cang quơ lấy cái xách tay của mình. Tú vẫn ngồi yên. Nó nói:
-Chị không chạy, tui chạy.
-Chạy thì chạy đi. Tao cũng cóc cần mày.
Thế là Cang dông một mạch ra xe. Nó ném cái xách tay xuống dưới chân làm ra vẻ coi thường. Nó không muốn Sáu Cùi chú ý đến cái xách.
Ngày 30 tháng 3 vẫn còn những chuyến xe đò từ Nha Trang, Cam Ranh chạy vô Nam. Nói là vô Nam nhưng sự thực xe chỉ đến Phan Thiết. Xe đò trút hành khách xuống thành phố này và lại trở ra chở dân di tản khách vô Nam với những giá tiền càng ngày càng tăng vọt.
Bọn Sáu Cùi vào đến Phan Thiết mới hay là “quân đội Việt Nam Cộng Hòa” đã cắt quốc lộ Một tại Bình Tuy và cấm mọi xe cộ vào Sài Gòn. Thành phố Phan Thiết nhỏ bé thành một con đê tích lũy, chịu đựng những con nước xoáy từ khắp nơi đổ về ào ạt. Xe cộ đùn lại nghẹt cứng trên đường Trần Quý Cáp. Những xe đi vô mấy hôm trước bị chặn ở Bình Tuy lộn trở ra, đụng đầu với hàng ngàn xe cơ giới đủ loại từ Qui Nhơn, Nha Trang, Cam Ranh, Phan Rang đổ vào, quần thảo nhau gầm gừ nhau, húc vào nhau suốt một quãng đường dài từ Phú Long, ngang qua thành phố cho tới Phú Sung ở phía tây.
Xe của bọn Sáu Cùi mắc kẹt gần rạp xi-nê Hồng Lợi từ bốn giờ chiều tới nửa đêm ngày 30 tháng 3 năm 1975 mới thoát ra được bằng cách quẹo qua đường Đồng Khánh rúc đầu vô một khách sạn ở gần chợ Phan Thiết.
Thành phố gần như đóng cửa suốt ngày, về đêm cửa nẻo lại được tăng cường thêm nhiều ổ khóa, đèn đuốc tắt phụt. Sáu Cùi đập cửa rầm rầm kêu réo loạn cả lên nhưng chẳng có ai lên tiếng. Khách sạn dường như vắng chủ. Bọn Sáu Cùi chửi thề một hồi đã đời rồi cũng đành ngồi ngủ gật trên xe. Đáng lẽ chúng đi tìm bọn ghiền trong thành phố để kiếm chác nhưng trời đã khuya quá, thành phố này lại quá xa lạ đối với chúng nên chúng đành ngồi trên xe chịu trận.
Cang ngủ được một giấc ngắn. Gần sáng thức dậy thấy Sáu Cùi và đồng bọn đã ngủ hết nó quờ quạng tìm cái xách tay nhẹ nhàng nâng lên để trên đùi. Nó mở xách ra thăm lại mấy lọ thuốc phiện và cục bạc. Tất cả đã biến mất! Nó thấy lạnh cả người, bàn tay nó run lên, lóng cóng moi tìm trong mớ quần áo cũ. Vẫn không có. Ai lấy? Chẳng lẽ Sáu Cùi tinh mắt đến như vậy?! Không, nếu Sáu Cùi biết, nó sẽ không bao giờ lấy trộm như thế mà nó sẽ lấy công khai, lấy xong còn nện cho mình một trận nữa là khác. Vậy thì ai lấy? Trong đám em út của Sáu Cùi đứa nào cũng đói meo mà không có vẻ gì khả nghi, vả lại suốt từ sáng hôm qua tới giờ cái xách vẫn nằm nguyên dưới chân Cang trong sự giám sát chặt chẽ và thường xuyên của nó mà!
-Vậy thì ai lấy?
Câu hỏi xoáy trong óc Cang. Kéo lùi ký ức lại, chạy ngược đường số Một ra tới Cam Ranh. Thôi chết rồi! Chị Tú lấy chớ không còn ai nữa. Cang tức lộn ruột. Nó nghiến răng! Con đĩ ngựa khốn nạn! Cang chửi lầm bầm. Nó bứt đầu bứt tai tự giận mình đã thiếu cảnh giác giao cả “sinh mạng” trong tay chị nó. Nó đau quá, Nó phải quay về. Trời ơi! Cả một cơ nghiệp, đâu bỏ được. Nó nghĩ, nếu cắt đất cho “Việt cộng” từ Biên Hòa trở ra thì ở Phan Thiết đâu có khác gì ở Cam Ranh.
Cang nhỏm dậy. Bọn Sáu Cùi vẫn ngủ say, chúng nằm vắt vẻo tay chân lỏng chỏng bừa bãi như những xác người chết đói. Tự nhiên Cang thấy rờn rợn ớn ớn nơi xương sống. Nó ngáp nhưng cố dìm tiếng ngáp xuống.
Cang nhẹ nhàng nhảy xuống xe. Nó nhìn xuống phương Đông thấy trời đã hừng sáng liền lách mình chạy băng vô chợ, đi thẳng một mạch ra tới đường Trần Quý Cáp.
Cang cứ theo quốc lộ Một đi ngược ra phía Bắc. Đoàn xe cơ giới vẫn còn nằm ụ một chỗ, thỉnh thoảng mới có một chiếc rú ga cựa quậy giây lát nhưng chỉ nhích lên được một chút rồi lại nằm im.
Trời sáng dần. Đoàn xe như bầy gia súc thức dậy. Ngoại ô thành phố Phan Thiết xe cộ vẫn nối đuôi nhau tiến về phía Nam. Cảnh sát dã chiến chen chúc nhau ngồi trên những chiếc xe cây đầy nghẹt bàn ghế, giường tủ. Vợ con nằm la liệt trên sàn xe, ôm những bao gạo những gói đồ… ngủ gà ngủ gật. Những chiếc xe lắc lư, lắc lư đưa họ đi, đờ đẫn bơ phờ giữa sương gió. Giờ này đã có rải rác xe đi ra, càng xa thành phố sự lưu thông càng dễ dàng hơn và len vào giữa những cơ giới ồn ào, là mấy chiếc xe lam ba bánh, xe lôi chở đồ đạc. Xe gắn máy, xe đạp cũng bắt đầu hoạt động.
Cang đi bộ từ sáng sớm bỗng gặp một chiếc xe tải nhỏ đi ra, nó cố gắng chạy theo đeo cứng phía sau. Chiếc xe mang nó đi ra khỏi thành phố được một đoạn chừng cây số thì dừng lại. Cang nhìn ra phía trước. Một khẩu đại bác 105 ly nằm chình ình giữa đường cái. Xe cộ ra vô phải tránh sang bên mà đi khá vất vả. Chiếc xe tải của Cang tranh đường từng chút, ép mấy người đi Hon-da sát lề. Nó tiến tới, lắc lư một hồi rồi rú ga cố thoát qua một chỗ đất lở ở vệ đường nhưng đã mất đà. Chiếc xe lăn kềnh xuống đường, cửa sau bắn tung ra và từ trong xe hàng ngàn lon sữa thi nhau tuôn ra mặt đường nhựa lăn lóc khắp nơi. Cang nhảy kịp xuống xe, ôm bụng cười ngất. Mọi người đổ xô tới tranh nhau mà lấy sữa nhưng Cang chẳng thèm để ý tới chuyện đó. Cảnh giành giựt, hỗn loạn làm nó thích thú, nó đứng nhìn say sưa như đứa con nít. Mấy người đi xe gắn máy ngang qua thấy sữa lăn giữa đường nhiều quá cũng dừng lại nhảy xuống xe chụp, giựt, la lối om sòm. Bỗng Cang để ý đến một người đàn ông lớn tuổi cưỡi một chiếc Hon-đa màu đỏ tía. Ông ta có vẻ là một người nông dân hay dân chài ở một làng nào gần đây. Thái độ ung dung, phần nào chậm chạp vụng về. Thấy cả chục lon sữa lăn đến bên chân ông hấp tấp bước xuống xe, chụp lấy, quên cả tắt máy xe. Lúc ông vồ được năm hộp sữa, ôm trước ngực và quay lại thì chiếc Hon-đa đỏ tía của ông đã biến mất.
Không, thực ra chưa biến mất. Ông nhận ra ngay một thanh niên tóc tai bờm xờm đang cưỡi nó và phóng như bay ra hướng Bắc, len lỏi một cách tài tình giữa đoàn xe cơ giới ồn ào hướng về phương Nam. Sau cơn sửng sốt ông ném mấy lon sữa xuống đường phóng người đuổi theo, la bãi hãi:
-Cướp! Ăn cướp! Ăn cướp xe Hon-đa!
Ông cố sức chạy và la thất thanh nhưng chẳng ai buồn để ý đến. Người thanh niên cướp chiếc xe ấy chính là Cang. Nó đã biến mất dạng trong đám đông và thoát ra khỏi thành phố, chạy như bay về hướng Bắc.
°
Quốc lộ Một giờ đây ngổn ngang những cơ giới, những đại bác đủ cỡ bỏ rải rác dọc đường, những xe GMC kềnh càng hết xăng nằm trơ cái xác khổng lồ vô dụng của nó trên đường cái bên bờ ruộng hay dưới sình lầy của một đám ruộng nước.
Quốc lộ Một là con đường Việt Nam dài nhất mà cũng rộng lượng nhất. Nó sẵn sàng đón hết, nhận hết những cơ giới ồn ào những súng ống nặng nề những thùng đạn đủ cỡ, những xe tăng súng máy súng trường, những ba-lô áo trận giày bốt-đờ-xô, những mùng màn giường tủ gối nệm chăn bông, những quần áo đàn bà trẻ con những chén bát nồi niêu soong chảo.
Cang đã phóng xe như bay một mình giữa muôn vàn phế vật, muôn vàn tàn dư lỉnh kỉnh, hỗn loạn tơi bời ấy, một mình đi ngược đoàn người di tản vô Nam. Nó như Tôn Hành Giả đội trên đầu chiếc kim cô nhưng không phải chạy về với thầy Tam Tạng mà chạy về với chị Tú nó ở Cam Ranh, quyết tìm lại số bạch phiến bị mất.
Chiếc Honda màu rượu chát chạy băng băng, ngược chiếu gió.
Càng lúc gió ngược càng mạnh nhất là qua những đồng trống tiến gần tới bờ biển.
Cà Ná, đó là một bãi biển đẹp, nước trong vắt, sóng nhỏ cát trắng và có nhiều ghềnh đá. Ngay chỗ cái khúc quanh yêu kiều của thiên nhiên xanh tươi này là một nhà hàng ăn thoáng mát hàng ngày xe đò miền Trung vẫn ghé đây để hành khách ăn uống giải lao, giờ đây chỉ là một cái quán trống không đầy dấu tích của hủy hoại của tháo chạy vội vàng. Và trước mặt quán, bọn lính đã gài mìn dày đặc, dấu tích còn mới, còn thô sơ lộ liễu. Một bãi mìn giản đơn cẩu thả của một toán quân hoảng hốt vội vàng. Bây giờ chẳng còn ai, chỉ có biển xanh gió mặn, ngọn núi trọc và tấm bảng bằng các-tông dày vẽ một cái đầu lâu và hai khúc xương chéo bên dưới một chữ MÌN. Đó là bãi mìn chống chiến xa.
Cang đứng ngắm bãi mìn. Nó ngắm biển xanh. Đã hơn năm giờ chiều. Trên đường không còn ai ngoài nó và những hòn đá lớn trên triền núi ghi dấu tích những đoàn quân viễn chinh ngày nào.
Cang vòng theo một lối tắt để vượt qua bãi mìn và tiến về thành phố Phan Rang. Chừng hai mươi phút sau nó gặp một đoàn xe nhà binh chở lính đậu ở bên đường. Địa điểm này cách thành phố Phan Rang chừng mười cây số. Lại một đám tàn quân di chuyển về phương Nam. Năm sáu chiếc GMC, vài chiếc Dodge, mấy chiếc Jeep lùn đầu đàn. Lính tráng vũ trang cùng mình, có kẻ ngồi gục đầu trên xe, có người ngó lên trời, số còn lại đi dọc quanh những con lộ nhỏ dẫn đến ngôi làng nghèo phía bên trái quốc lộ. Mấy viên sĩ quan mặc áo giáp đứng tựa vào đầu xe Jeep khoanh tay trước ngực nhìn suốt con đường dài, im lặng hút thuốc. Khi Cang cưỡi xe đến đó bọn lính đã nhìn nó với con mắt ảm đạm đờ đẫn. Một tên lính chận xe Cang lại.
-Đi đâu đây?
-Tôi đi Cam Ranh.
-Giỡn sao, cha?
Hai ba thằng lính vây quanh Cang, nhìn ngắm nó như nhìn một tên khùng. Ngay lúc ấy một tiếng nổ rền trời vang lên. Vâng, một trái bom bảy tấn. Hay một cơn động đất kéo theo sau một dây tiếng nổ của lựu đạn và súng M16.
Mọi con mắt đều hướng về thành phố Phan Rang. Đó là lúc 6 giờ 10 phút chiều ngày 2 tháng 4 năm 1975.
Lửa! Lửa đốt những đám mây cao! Khói cuộn tròn xoáy vòng như con rồng xám bị một triệu viên đạn tiểu liên từ dưới đất bắn trọng thương.
Phan Rang ở đâu? Không ai thấy. Mịt mù! Mịt mù! Rất xa. Và mất hút sau, hay giữa, hay dưới ngọn hỏa sơn đang bùng dậy.
-Cái gì mà cháy dữ? Viên sĩ quan hỏi.
Cái gì? Câu hỏi hốt hoảng ấy vang ra rồi ngấm sâu trong trái tim hoang mang của từng người lính. Cái gì mà cháy dữ?
-Kho xăng nào vậy?
-Nếu không phải kho xăng của phi trường Phan Rang thì là bồn xăng của các cây xăng trong thành phố.
-Tình hình ra sao vậy trung úy?