Chương 6

    
ữu đang giảng bài thì có tiếng gõ cửa. Ông hiệu trưởng chào anh rồi bước vào lớp. Học sinh chưa kịp đứng lên thì ông đã ngăn chúng lại và nói:
-Thầy lấy làm tiếc mà nói với các em như thế này. Thầy rất muốn duy trì lớp Bảy, nhưng lớp này quá ít học sinh, học phí của mười mấy em làm sao đủ trả lương cho giáo sư vì thế thầy quyết định giải tán. Em nào muốn đi học trường khác thì đi, còn em nào muốn lên lớp Tám thì thầy cho lên để học chung với các em lớp Tám cho vui.
Hữu nhìn xuống đám học trò, và lạ chưa! Anh thấy mặt đứa nào cũng hân hoan, rạng rỡ.
Hữu chán nản bỏ ra ngoài hành lang trong khi ông hiệu trưởng chăm chú chép thời khóa biểu lớp Tám lên bảng.
Trong đời, chưa bao giờ anh gặp một trường hợp quái đản như vậy.
Ông hiệu trưởng đã chép xong thời khóa biểu và trở ra. Hữu chặn ông lại:
-Trời ơi! Thầy cho chúng nhảy lớp thì làm sao chúng học nổi?
Ông hiệu trưởng cười một cách trâng tráo:
-Tôi có bắt buộc chúng nó đâu! Nếu chúng không thích thì chúng cứ đi trường khác. Tôi đã bảo như thế mà.
-Nhưng thầy biết là chúng đều thích. Và thầy xúi chúng.
-Tôi nào có xúi. Chúng thích thì phải chiều chúng chứ tôi biết làm sao bây giờ?
-Thầy không biết làm sao à? Không duy trì được thì giải tán, sao thầy lại cố giữ chúng lại một cách kỳ cục như vậy?
Ông hiệu trưởng đỏ mặt. Hữu nổi giận và anh tưởng ông ta cũng nổi giận nhưng ông ta đã đặt một bàn tay lên vai Hữu và cười làm lành:
-Anh hỏi gay tôi làm gì. Đáng lẽ anh nên thông cảm cho tôi, mỗi tháng tôi chịu lỗ cả trăm nghìn thì mở trường ra làm gì?
Hữu tì tay lên chiếc bao lơn bằng gỗ mục nát, anh nói:
-Tôi thông cảm cho trường lắm, nhưng nếu trường ở vào hoàn cảnh không thể tồn tại được thì thầy cứ đóng cửa trường và tôi có mất chỗ dạy cũng không phiền trách gì, chứ còn thầy coi thường tương lai học sinh như thế thì vô lý quá.
Ông hiệu trưởng cúi đầu yên lặng. Ông có vẻ xúc động. Mắt ông đỏ hoe, lát sau ông nói nhưng vẫn cúi nhìn mặt đất ở dưới sâu:
-Tôi cũng đã nghĩ tới chuyện ấy anh à. Nhưng anh nghĩ coi (ông ngẩng lên nhìn trời rồi nhìn suốt dãy hành lang vắng teo, giọng ông run run tiếp). Anh nghĩ coi, cả một cơ nghiệp hai mươi năm dài chẳng lẽ phút chốc…
Ông quay mặt chỗ khác:
-Thôi, xin phép thầy, tôi xuống.
Hữu đứng im nhìn người đàn ông ốm yếu ấy bước hấp tấp một mình trên dãy hành lang dài và rộng.
Hữu thẫn thờ vào lớp. Lũ học trò trở nên hỗn loạn. Chúng ngồi chụm lại đánh cờ, nói chuyện. Một thằng ngồi trên bàn, gác chân lên hai vai của một thằng khác ngồi trước, vừa rung đùi vừa huýt sáo. Hữu giận dữ đập bàn và gọi nó lên bảng. Thằng nhỏ sợ hãi bước lên và Hữu trút cơn phẫn nộ kỳ quái xuống người nó. Thằng bé co ro, chống đỡ một cách thảm hại và tuyệt vọng.
Lớp học im phăng phắc. Không đứa nào dám thở nữa. Thằng học trò nhỏ đã lùi đến cuối lớp và ngồi úp mặt trên bàn khóc.
Hữu bỏ ra ngoài hành lang. Anh cũng muốn khóc. Anh đã đánh nó như đánh một kẻ thù, nhưng kẻ nào mới là kẻ thù thực sự đáng nhận lãnh cơn giận điên cuồng ấy?