Dịch giả: Nhất Linh, Nguyễn Tường Thiết dịch
Chương 7, 8 ,9

Liên ở lại Họa Mi Trang hơn một tháng, cho đến gần lễ Giáng Sinh. Trong thời gian đó chân Liên đã khỏi hẳn và cách cư xử của cô cũng tiến bộ nhiều; vợ Hạnh thường thường sang thăm và bắt đầu thực hành chương trình sửa nết Liên. Cô ta gợi lòng tự ái của Liên bằng cách phỉnh nịnh Liên và cho Liên mặc áo đẹp. Thành thử đáng lẽ là một con mãnh con đầu trần đi băng băng vào nhà, chạy bổ đến ôm lấy chúng tôi đến ngạt hơi ngạt thở, thì chúng tôi thấy Liên, từ trên lưng một con ngựa đen kháu khỉnh bước xuống chững chạc, tóc quấn thành bím dưới một cái mũ bằng lông con hải lý, mặc bộ đồ kỵ sĩ dài lượt thượt mà cô phải hai tay nhấc lên để đi cho dễ.
Hạnh bế bổng em gái lên, hớn hở nói:
“Bây giờ em tôi đẹp đẹp là! Anh khó lòng nhận ra được nữa; Liên bây giờ có vẻ người lớn lắm rồi. Cô Sa cũng phải thua xa, có phải không, Lan?”
Vợ Hạnh đáp:
“Sa không có những vẻ đẹp cốt cách tự nhiên như Liên. Nhưng Liên phải giữ gìn, đừng trở lại những thói man mọi cũ. Diễn ơi! Ra cởi áo cho cô. Ấy Liên chớ động đậy làm rối cả tóc... để chị bỏ hộ mũ ra cho.”
Tôi cởi áo cưỡi ngựa của Liên, một chiếc áo lụa đẹp hiện ra với chiếc quần trắng rủ xuống đôi giầy bóng loáng. Khi đàn chó chạy đến nhẩy chồm lên mừng rỡ, thì mắt Liên vui sáng long lanh, nhưng Liên không dám vuốt ve chúng, sợ chúng đặt chân lên y phục tráng lệ của mình. Liên hôn tôi một cái rất nhẹ vì tôi đương làm bánh lễ Giáng Sinh, người đầy bột không phải lúc ôm lấy nhau. Rồi Liên nhìn quanh mình tìm Hy. Hai vợ chồng cậu Hạnh lo lắng chờ đợi cuộc gặp gỡ của hai người xem mưu kế chia rẽ đôi bạn trẻ ấy có thể thành đạt không.
Tìm mãi mới thấy Hy. Nếu trước khi xẩy ra vụ chó cắn, Hy không chú ý đến thân thể, quần áo mình mà cũng không ai chú ý đến nó thì sau này lại tệ bằng mười. Ngoài tôi ta, không một ai có lòng tốt bảo cho nó biết là nó bẩn quá và bắt nó tắm ít ra tuần lễ một lần, mà những đứa trẻ vào trạc tuổi nó lại chả mấy khi thích xà-phòng và nước. Vì vậy ngoài bộ quần áo mà Hy mặc ba tháng ròng, lê la trong bụi, trong bùn, ngoài mớ tóc bờm sờm, mặt và hai bàn tay Hy đen xạm vì cáu ghét. Khi thấy Liên vào phòng, Hy ngồi lánh đi sau chiếc ghế dài cũng là phải. Liên bây giờ là một cô gái sáng sủa thanh tú, không phải là một người đầu bù tóc rối giống Hy như Hy vẫn chờ đợi trong bao lâu.
Liên tháo găng, để lộ những ngón tay trắng trẻo khác hẳn trước, vì không phải làm việc gì nặng nhọc, không phải dạn nắng gió.
Hạnh khoái trí vì thấy Hy bối rối và bị bắt buộc ra trình diện giữa lúc mọi người ghê tởm Hy như một thằng ma lem.
“Hy ơi, mày cứ ra. Mày cứ ra mà chào cô như mọi đứa đầy tớ khác.”
Liên trông thấy bạn ở chỗ ẩn, vội chạy đến hôn má Hy và trong mỗi phút đồng hồ cô ta đặt luôn bẩy tám cái hôn rồi ngừng lại, lùi ra sau và bật cười nói:
“Trông anh khiếp quá, mặt gì mà giận dữ thế kia, trông anh buồn cười ghê gớm tệ. Có lẽ tại em quen nhìn anh Kha và chị Sa. Anh Hy, hay anh đã quên em rồi?”
Câu hỏi sau cùng của Liên không phải không có lý do vì Hy đứng yên, mặt sa sầm xuống nửa thẹn nửa tức.
Hạnh nói giọng trịch thượng:
“Mày bắt tay cô đi, một lần như lần này thì tao cho phép.”
Hy như hết câm, đáp lại liền:
“Tôi không thèm! Tôi không ở lại đây để người ta chế giễu, không thể chịu được.”
Và Hy chắc bỏ đi nếu Liên không giữ lại:
“Em có ý định chế giễu anh đâu, nhưng em không thể nhịn cười được. Anh Hy, thôi bắt tay em đi. Sao anh lại giỗi... chỉ tại vì anh có vẻ lạ lùng quá! Giá anh rửa mặt, chải tóc, thì thực tuyệt nhưng trông anh bẩn thỉu quá!”
Liên nhìn một cách lo lắng những ngón tay đen thui nó đương cầm trong tay và nhìn cả tấm áo mà nó sợ bị quần áo của Hy làm bẩn lây. Hy đưa mắt nhìn theo phía Liên nhìn, giựt mạnh tay ra:
“Ai bảo cô chạm vào người tôi, tôi bẩn kệ xác tôi, tôi thích bẩn, tôi muốn bẩn.”
Rồi Hy cúi đầu cắm cổ chạy ra ngoài phòng, giữa tiếng cười của cô cậu Hạnh và sự hoảng hốt của Liên không hiểu tại sao lời nói của mình lại gây nên cơn giận dữ dội đó. Vợ chồng cậu Hạnh mời Kha, Sa lại chơi ngày hôm sau. Ông bà Tôn nhận lời nhưng với điều kiện là không để lũ con ông bà gặp mặt “đứa trẻ văng tục mất dậy ấy.”
Tôi ngồi trong bếp một mình hát các bài thánh ca, tôi nhớ cụ Yên mỗi năm vào bếp cho tôi tiền làm quà lễ Giáng Sinh. Tôi lại nghĩ đến sự thương yêu của cụ đối với Hy và sự lo sợ đứa con nuôi của cụ sẽ bị ruồng bỏ khi cụ mất đi. Lân la tôi nghĩ đến số phận hiện thời của Hy và ngừng hát, ứa nước mắt khóc. Tôi nghĩ tốt hơn là cố giảm bớt những điều oan uổng của Hy hơn là ngồi khóc xuông. Tôi đứng ngay dậy ra sân tìm Hy. Hắn ngồi ở chuồng ngựa, đương cho ngựa ăn. Tôi bảo:
“Mau lên, Hy, trong bếp ấm lắm, bác Dọi ở trên gác. Mau lên, tôi sửa sang cậu cho thật diện, trước khi cô Liên xuống, hai người có thể ngồi gần nhau; lò sưởi về phần hai cô cậu. Hai người có thể trò chuyện thả cửa cho đến lúc đi ngủ.”
Hy cứ tiếp tục làm việc không ngoái cổ lại. Tôi giục:
“Đi, vào đi. Mỗi người có một cái bánh, sắp chín rồi.”
Tôi đợi năm phút không thấy Hy trả lời, tôi bỏ đi. Liên ăn cơm chiều với anh và chị dâu. Bác Dọi và tôi thì cùng chia sẻ một bữa cơm rất ít thân thiện vì điểm nhiều gia vị trách móc và hỗn sược qua lại giữa hai bên.
Bánh ngọt và miếng phó-mát của Hy để nguyên ở trên bàn suốt đêm. Hy tìm cớ nọ cớ kia làm việc cho đến chín giờ, rồi về buồng lầm lầm lỳ lỳ và câm như hến. Cô Liên thức rất khuya vì có nhiều việc phải trù liệu để hôm sau tiếp rước các bạn mới. Có một lần Liên xuống bếp để tìm bạn cũ, nhưng Hy không có đấy; Liên chỉ hỏi tôi xem Hy làm sao rồi lui ra.
Sáng hôm sau, Hy dậy thật sớm và vì là ngày lễ nên Hy ra rừng cỏ để giải sầu. Khi mọi người đã đi dự lễ nhà thờ, Hy mới trở về... Hắn đi quanh quẩn bên tôi một lúc rồi như thu hết can đảm, tự nhiên nói:
“Vú Diễn. Vú tắm rửa cho tôi thật sạch sẽ. Từ nay tôi sẽ ngoan ngoãn.”
“Kể cũng khá chậm rồi, cậu Hy ạ. Cậu đã làm phiền cô Liên, cô ấy lấy làm hối đã trở về nhà, tôi chắc thế. Người ta sẽ cho cậu là ghen tị vì ai cũng chỉ săn sóc đến Liên mà bỏ rơi cậu.”
Ghen tị với Liên thì Hy không có ý ấy, nhưng cái ý tưởng đã làm Liên đau khổ thì thực là rõ ràng trong óc Hy. Hắn nói một cách nghiêm trang:
“Liên có nói là Liên đau buồn không?”
“Cô ấy khóc khi tôi bảo là sáng nay cậu lại bỏ đi rồi.”
“Thế còn tôi! Tôi đã khóc cả đêm qua. Mà tôi lại có nhiều lý do để khóc hơn cả Liên.”
“Phải! Cậu đi nằm, lòng trống rỗng nhưng đầy ứ kiêu căng. Phải, duyên cớ đấy! Những kẻ kiêu căng thường hay tự rầy vò minh, nhưng nếu cậu biết xấu hổ vì tính hay hờn dỗi của cậu thì khi nào Liên về, cậu nên xin lỗi Liên. Chính cậu phải đi tìm Liên, cần tỏ ý muốn hôn Liên một cái rồi cậu nói... nói gì thì cậu biết hơn tôi nhiều! Nhưng cần nhất là phải thành thực vui vẻ làm vậy chứ đừng nghĩ rằng Liên đã bị cái áo đẹp biến thành một người xa lạ. Nào bây giờ tôi đi trang điểm cho cậu. Rồi cậu xem, cậu Kha bên cạnh cậu chỉ là một con búp bê, mà quả vậy cậu Kha cũng giống một con búp bê lắm. Cậu ít tuổi hơn nhưng người cao nhớn vai rộng gấp đôi. Trong nháy mắt cậu có thể quật ngã cậu ấy như chơi. Cậu có thấy thế không?”
Nét mặt Hy tươi lên một lúc rồi lại sa sầm xuống; cậu thở dài:
“Nhưng vú này, tôi có thể quật ngã nó cả vài chục lần, nhưng nó cũng không vì thế mà xấu đi, tôi cũng không vì thế mà đẹp hơn. Tôi thích có mái tóc hung vàng như nó, da trắng trẻo, ăn mặc và điệu bộ lịch sự như nó và sau này cũng giầu như nó.”
Tôi tiếp lời Hy:
“Rồi cậu cũng như nó động tí thì kêu mẹ; có đứa trẻ nào mới giơ quả đấm dọa cũng run như cầy sấy, hoặc co ro cả ngày ở trong nhà không dám ra ngoài chỉ vì một trận mưa bóng mây. Này cậu Hy, lại đứng trước gương rồi tôi chỉ bảo cho cậu biết phải làm gì. Cậu trông hai cái nét nhăn ở giữa mắt, đôi lông mày rậm đáng lẽ phải vòng lên thì lại thụt xuống ở giữa, và hai con mắt đen quái quỷ sâu hoắm này không bao giờ dám mạnh dạn mở to ra, chỉ nhìn trộm từ dưới lên như mắt rình mò của một thằng quỷ. Cố làm cho những nét nhăn ghê sợ kia biến mất đi, mở mắt nhìn thẳng thắn, không chút nghi ngờ, nhìn ai cũng như bạn mình nếu mình không chắc người ấy là kẻ thù mình. Đừng làm như một con chó biết người ta đá mình là đích đáng nhưng vì đau quá nên ghét lây tất cả mọi người cũng như ghét người đá mình.”
Hy đáp lại:
“Nói một cách khác, nghĩa là tôi phải mong có hai con mắt cũng xanh to như Kha, cũng có cái trán phẳng nhẵn ấy. Tôi mong lắm...nhưng không phải là cứ mong là có thể có được.”
“Này, cậu Hy, lòng dạ tốt thì nét mặt dễ đẹp, cho dẫu mình là thằng mọi đen; còn bụng dạ xấu thì nét mặt dẫu đẹp đến đâu trông cũng tệ hơn là xấu nhiều. Nào bây giờ, rửa ráy xong, chải đầu xong, trông cậu có phải xinh trai không nào. Tôi thì tôi trông cậu đỏm lắm rồi. Người ta có thể tưởng cậu là một hoàng tử trá hình. Biết đâu ông thân sinh ra cậu không là hoàng đế nước Tàu, bà thân cậu không phải là nữ hoàng Ấn-Độ, mỗi người có thể mua cả Gió-Hú lẫn Họa-Mi Trang bằng hoa lợi trong một tuần lễ. Rồi cậu bị tụi lính thủy độc ác đem sang nước Anh. Tôi như cậu, tôi lấy làm tự hào vì giòng giõi nhà mình, và mình sẽ thêm can đảm thêm tự hào để không đếm xỉa đến sự bắt nạt của một anh chủ trại quèn.”
Hy dần dần đỡ hầm hầm, nét mặt trở nên bắt đầu rất tươi tỉnh. Bỗng câu chuyện giữa chúng tôi bị ngắt bởi tiếng xe ngựa leo lên dốc rồi vào trong sân. Hy chạy ra cửa sổ, tôi thì chạy ra cửa chính vừa đúng lúc hai anh em họ Tôn xuống xe, thân hình xù xụ vì mặc nhiều măng tô cùng khăn quàng bằng lông thú. Còn hai vợ chồng Hạnh và Liên thì xuống ngựa. Liên cầm hai tay Kha và Sa giắt vào nhà, đặt ngồi trước lửa. Nét mặt xanh xao của hai anh em họ Tôn chỉ một lúc đã trở nên hồng hào.
Tôi giục Hy mau mau lên và cần tỏ vẻ tươi tỉnh; Hy sẵn sàng nghe theo lời tôi, nhưng một sự không may làm cho vừa đúng lúc Hy mở cửa ở phía bếp để ra, thì Hạnh lại mở ở phía kia để vào. Hai người chạm trán nhau. Hạnh hoặc vì khó chịu thấy Hy sạch sẽ và vui vẻ, hoặc muốn giữ lời hứa không cho Hy gặp anh em họ Tôn, nên đẩy mạnh Hy một cái và ra lệnh cho bác Dọi bằng một giọng gắt gỏng:
“Cấm không cho thằng nhãi này vào phòng khách, giam nó lên buồng trên mái nhà cho đến khi xong bữa cơm chiều. Để nó thả lỏng một mình, nó sẽ sục tay vào bánh ngọt và ăn cắp hoa quả đấy.”
Tôi không tự ngăn nổi vội đáp:
“Tôi dám chắc cậu Hy không táy máy vào thức ăn đâu, tôi tưởng cậu Hy cũng phải có phần quà như chúng tôi chứ.”
Cậu Hạnh lớn tiếng:
“Nếu tôi bắt gặp nó ở dưới này, nó sẽ nhận phần quà ở bàn tay này này! Thôi cút ngay, thằng ma cà bông. Hừ! Quân này lại muốn diện bảnh hả? À, nếu mà tao vớ được lọn tóc quăn kia, mày xem! tao sẽ kéo cho chúng chẩy dài xuống.”
Kha, lúc đó đứng ở bực cửa, nhìn trộm vào rồi lên tiếng:
“Tóc tai ấy cũng chẩy khá dài rồi đấy. Tôi cũng lấy làm lạ là anh chàng không rức đầu. Trông cứ y như cái bờm ngựa.”
Khi nói thêm vào câu nhận xét ấy, Kha không có ý lăng mạ gì nhưng tâm tính hung bạo của Hy không sao chịu nổi một lời hỗn xược hơi chạm đến Hy, nhất là lời đó lại ở một người mà Hy đã thù ghét như một kẻ tình địch. Hy cầm ngay lấy một cái liễn xốt táo nóng (vì cái liễn đó ở ngay cạnh cậu ta) và hắt toẹt vào mặt, vào cổ Kha. Cậu Kha thốt ra một tiếng kêu rên khiến Sa và Liên chạy ngay đến. Hạnh nắm ngay lấy Hy kéo vào trong buồng và ở trong đó chắc đã cho Hy một trận nên thân để hả giận...vì lúc đi ra mặt cậu đỏ bừng và thở không ra hơi. Tôi cầm lấy chiếc khăn, xoa không lấy gì làm nhẹ tay lắm vào mặt vào cổ Kha, bụng nghĩ đáng đời nó, ai bảo thích nói leo. Cô Sa khóc sụt sịt tỏ ý muốn về nhà ngay, còn Liên thì đứng sững, mặt thẹn đỏ lên vì cái cảnh vừa xẩy ra. Cô nói giọng cự Kha:
“Anh không nên nói với Hy. Hy đương tức bực trong người. Thế là bữa tiệc hôm nay mất cả vui, còn Hy sẽ bị đòn. Tôi không muốn Hy bị đòn. Tôi cũng không lòng dạ nào mà ăn tiệc nữa. Tại sao anh lại nói chọc Hy.”
Anh chàng Kha rời khỏi tay tôi, lấy ra chiếc mù xoa mỏng để làm nốt cái việc “lau chùi” tôi đương bỏ dở, rồi thút thít khóc và đáp lại Liên:
“Tôi có nói gì đâu. Tôi đã hứa với mẹ tôi là không nói một câu nào với nó, và tôi có nói với nó câu nào đâu!”
Liên trả lời khinh bỉ:
“Thôi đừng khóc nữa, anh đã chết đâu cơ chứ! Đừng có dại dột như vậy nữa.... Kìa, anh tôi ra, im đi. Còn cô Sa nữa, im nào, có ai đụng đến cô đâu?”
Hạnh đi vào vội vã:
“Thôi, các em, ngồi vào ăn đi. Thằng ngợm ấy thật đã làm tôi lộn tiết. Lần sau, cậu Kha phải tự bảo vệ mình bằng những quả đấm.”
Trông thấy bữa tiệc và ngửi mùi các món ăn, hai cô cậu Tôn lại trở lại bình tĩnh. Sau cuộc đi lễ nhà thờ về ai cũng đói, vả lại cũng không ai việc gì, nên họ tự an ủi ngay. Cậu Hạnh thì cắt đồ ăn thành những miếng to, còn mợ Hạnh thì nói chuyện luôn miệng cho vui bữa ăn. Tôi đứng sau ghế mợ Hạnh ngồi và lấy làm rầu lòng thấy Liên, mắt khô khan, vẻ mặt thản nhiên cầm dao cắt miếng cánh ngỗng. Tôi tự nhủ: “Con bé thực vô tình. Bạn chơi bời của nó đau khổ thế nào nó cũng mặc xác. Không ngờ nó lại ích kỷ đến thế!.” Liên đưa một miếng ăn lên môi, lại đặt xuống đĩa, má đỏ lên và nước mắt bắt đầu chẩy. Cô bỏ rơi cái nĩa rồi vội vàng cúi xuống dưới khăn bàn để dấu sự cảm động của mình. Tôi không cho Liên là vô tình nữa.
Cả ngày hôm ấy Liên như người sống ở địa ngục, lúc nào cũng muốn tìm dịp để ẩn lánh một mình hay để đi gặp Hy. Chiều đến có khiêu vũ Liên thoái thác không nhẩy. Sau đó có băng nhạc ở Diên Mễ Tôn đến. Họ cho chúng tôi nghe rất nhiều bài.
Liên cũng thích âm nhạc, nhưng cô nói phải đứng ở trên đầu thang gác nghe mới hay và trèo lên đứng trên thang tối. Tôi trèo theo sau Liên. Vì đông người nên không ai chú ý đến sự vắng mặt của chúng tôi. Liên trèo thẳng tuột lên gần gian buồng sát mái chỗ Hy bị giam rồi cất tiếng gọi. Trong một lúc lâu, Hy định không trả lời, Liên gọi gằn mãi rồi sau cũng cũng khiến Hy bằng lòng nói chuyện qua các bức ván. Tôi để yên hai trẻ nói chuyện cho đến khi tôi phỏng đoán ban nhạc sắp thôi ca hát vì đến giờ các nhạc sĩ đi uống nước giải khát. Tôi trèo lên cầu thang để bảo Liên xuống. Đáng lẽ thấy Liên ở cửa, tôi nghe tiếng Liên ở trong. Con khỉ con ấy đã trèo lên mái nhà qua một cái cửa sổ nhỏ rồi chui tọt qua cái cửa sổ ở mái, vào trong buồng Hy, thành thử tôi phải khó nhọc lắm mới làm cho cô ả chịu ra. Lúc Liên đi ra, Hy cũng ra theo và Liên năn nỉ tôi bảo đưa Hy vào bếp vì bác Dọi đi vắng. Tôi bảo không muốn chiều hai cô cậu về những trò nghịch ấy, nhưng vì Hy nhịn đói từ chiều hôm qua nên lần này tôi ngơ cho về cái tội đối với cậu Hạnh. Hy xuống bếp. Tôi bảo Hy ngồi xuống chiếc ghế đẩu gần lửa và đưa cho thực nhiều thức ăn ngon. Nhưng Hy trong người khó chịu chỉ ăn được có một tí. Cậu ngồi, khuỷu tay chống lên đầu gối, cằm tựa vào hai bàn tay, đăm đăm yên lặng suy nghĩ. Tôi hỏi cậu ta nghĩ gì thì cậu đáp một cách trang nghiêm:
“Tôi đương tìm cách nào để ăn miếng trả miếng với thằng Hạnh, đợi bao lâu tôi cũng không cần miễn là sau cùng tôi báo thù được nó. Tôi mong nó đừng chết trước khi tôi ra tay.”
“Cậu Hy, cậu không sợ xấu à? Ai ăn ở ác đã có trời trị, còn chúng ta chỉ biết tha thứ.”
“Không! Trời sẽ không có cái khoan khoái mà tôi sẽ có. Tôi chỉ muốn biết cách nào ác nhất. Vú để mặc tôi ở đây một mình. Tôi sẽ tìm mưu mẹo. Cứ nghĩ đến điều đó là tôi cảm thấy đỡ khổ sở.”
Nhưng những chuyện này, ông Lộc ạ, tôi chỉ sợ làm phiền ông. Sao tôi lại lẩn thẩn ngồi nói thao thao bất tuyệt như thế. Nói cho đủ những điều ông muốn biết về chuyện ông Hy, tôi chỉ cần nói dăm ba câu.
Bác Diễn ngừng nói, đứng lên thu dọn các đồ đan. Nhưng tôi thì tôi không muốn rời lò sưởi, vả lại tôi cũng không mảy may buồn ngủ.
“Bác Diễn à, bác cứ ngồi đấy. Ngồi độ nửa giờ nữa. Bác kể chuyện từng li từng tí thế là phải lắm. Tôi thích lối đó. Bác phải kể hết theo lối ấy. Tất cả những nhân vật ấy, tôi thẩy đều chú ý không nhiều thì ít...”
“Thưa ông, ông cho tôi nhẩy cách quãng ba năm. Trong ba năm đó, ông Hy...”
“Không, không được... Bác cứ kể tiếp không bỏ một chi tiết nào. Có điều tôi nhận thấy là những người ở đây họ sống nghiêm trọng trầm ngâm chứ không hời hợt bề ngoài, nay thế này mai thế khác như những người ở chốn thành thị. Chỉ ở đây tôi mới tin rằng người ta có thể yêu nhau trọn một đời; thế mà từ trước đến nay tôi cứ yên trí là không có tình yêu nào có thể bền hơn một năm.”
“Thưa ông, chúng tôi ở đây cũng như mọi người ở nơi khác.”
Tôi đáp:
“Xin lỗi bác, như bác chẳng hạn, tôi thấy bác trái ngược hẳn với những lời bác nói trên, chỉ trừ một vài cử chỉ hơi quê không đáng kể, tôi không thấy bác có những dấu vết về cách cư xử thường thấy ở những người cùng vào hạng bác. Tôi thấy bác đã suy nghĩ nhiều không như những người đi ở khác. Bác tự bắt buộc phải vun trồng trí tuệ của bác vì không có dịp hư phí đời mình đi trong những vui thú nhỏ nhặt, tầm thường.”
Bác Diễn cười:
“Tôi cũng thấy tôi là người nghiêm chỉnh và biết điều đôi chút. Vả lại ông không thể ngờ rằng tôi đọc rất nhiều sách. Trong cả cái thư viện này không có cuốn nào tôi chưa mở đọc hoặc lấy ở đấy ra một cái gì ích lợi cho tôi. Chỉ trừ mấy hàng sách Hy-Lạp, La-Tinh và Pháp. Thôi dẫu sao, nếu phải kể tiếp chuyên như các bà ngồi lê mách lẻo và đáng nhẽ nhẩy ba năm, thì tôi nói ngay đến mùa hè năm sau... mùa hè năm 1778, tức là gần hai mươi ba năm trước đây.”
Chương VIII
Một buổi sáng mùa hè, đứa con nối dõi sau cùng của nhà họ Yên ra đời. Chúng tôi đương phơi cỏ ở ngoài bãi xa thì có người ở gái vừa chạy tới vừa gọi tôi, rồi thở hổn hển, nói to:
“Ơ, ơ, đứa bé lớn ghê. Tôi chưa bao giờ thấy đứa bé kháu như thế. Nhưng thầy thuốc bảo người mẹ khó qua khỏi. Tôi nghe ông ấy nói với cậu Hạnh là mợ bị ho lao từ nhiều tháng nay, không cách gì cứu được nữa và mợ sẽ đi trước mùa đông. Chị phải về ngay, chị Diễn ạ.”
Tôi chạy ngay về nhà để vội ngắm đứa bé, nhưng lòng tôi hơi rầu rầu khi nghĩ đến Hạnh.
Tới Gió Hú, chúng tôi gặp Hạnh ở cửa chính. Lúc đi ngang, tôi hỏi thăm tin tức đứa bé. Hạnh đáp, miệng mỉm cười vui vẻ:
“Nó sắp chạy được rồi, chị Diễn ạ.”
“Thế còn mợ, tôi thấy bác sĩ nói mợ lại...”
Hạnh ngắt lời:
“Quẳng bác sĩ đi!”
Rồi Hạnh đỏ mặt nói tiếp:
“Mợ khỏe lắm, chỉ độ tuần lễ sau là lành mạnh như thường. Chị lên gác à? Chị nhớ nói với mợ là tôi sẽ lên thăm mợ nếu mợ đừng nói huyên thiên. Tôi phải xuống vì mợ cứ nói ba hoa luôn miệng. Theo lời bác sĩ Kiên [1] dặn thì mợ phải nằm yên.”
Tôi kể lại những lời ấy cho mợ Hạnh. Mợ ấy có vẻ hơi bị sốt kích thích, vui vẻ trả lời tôi:
“Tôi vừa cất tiếng nói thế mà cậu ấy đi ra luôn hai lần, vừa đi vừa khóc. Được, chị cứ bảo cậu ta rằng tôi hứa sẽ không nói nữa, không nói thôi chứ còn cười vào mặt cậu ta thì tha hồ đấy.”
Thực là đau thương! Cho đến ngày mợ Hạnh chết, mợ vẫn luôn luôn vui vẻ. Còn chồng thì cứ nhất định một cách bướng bỉnh, một cách dữ dội nữa, rằng sức khỏe vợ mình một ngày một tăng cường. Bác sĩ Kiên bảo cho Hạnh biết rằng bệnh tình đến nước ấy thì sự chữa chạy của ông là vô dụng và ông cũng không muốn Hạnh phải tốn tiền vô ích. Hạnh đáp:
“Tôi biết là vô ích... nhà tôi khỏi... không cần làm bận phiền đến ông, nhà tôi chả bị ho lao bao giờ. Đấy chỉ là một cơn sốt, bây giờ đã hết; mạch nhà tôi cũng yên như mạch tôi lúc này và má cũng mát như má tôi.”
Hạnh kể cho vợ nghe và vợ cũng ra chiều tin. Nhưng một đêm, đương lúc tựa vào vai chồng, mợ vừa bảo chồng là ngày mai mợ có thể đi lại như thường được thì mợ bị một cơn ho...một cơn nhẹ thôi. Chồng giơ tay nhấc vợ lên; mợ Hạnh ôm vòng lấy cổ chồng và nét mặt biến sắc: mợ Hạnh chết ngay lúc đó.
Cậu bé Yên Hạ chuyển sang tay tôi nuôi nấng. Miễn là nó khỏe mạnh, không khóc, là cậu Hạnh yên lòng vì đứa con. Còn cậu Hạnh thì đau khổ đến cùng cực, cậu ta đau khổ nhưng không than vãn, không khóc cũng không cầu nguyện. Cậu luôn miệng nguyền rủa, oán trách, ghét cả đức Chúa Trời, ghét hết mọi người và đắm mình trong một cuộc sống bừa bãi. Đầy tớ không ai chịu nổi sự tàn nhẫn và sự cư xử hỗn loạn của ông chủ, đều bỏ đi, chỉ còn bác Dọi và tôi ở lại. Tôi không nỡ nào bỏ đứa bé đã giao cho tôi, vả lại như ông biết, mẹ tôi là vú nuôi của Hạnh, tôi không hẳn là người ngoài nên dễ tha thứ cho tính nết của cậu ta. Dọi thì ở lại để dằn vặt bọn cấy thuê và bọn làm công, bác muốn ở chỗ nào có nhiều đốn mạt để có cớ mà hằn học.
Lối ăn ở bừa bãi của ông chủ và những người chẳng ra gì xung quanh ông ta thật là một cái gương xấu cho Liên và Hy. Cách đối xử của Hạnh với Hy đến mức có thể làm cho một ông thánh cũng biến thành một thằng quỷ. Mà thực ra, hồi ấy, Hy cũng hình như có hồn ma hồn quỷ nhập vào. Hy lấy làm khoái trá thấy Hạnh đốn mạt dần không phương cứu vớt và mỗi ngày cái tính hung dữ, man rợ của Hy lại càng trở nên mãnh liệt hơn. Tôi muốn diễn ra thế nào, ông cũng không cảm thấy được nửa phần cái không khí ghê gớm trong trại Gió-Hú lúc đó. Vị mục sư thôi không qua lại viếng thăm và về sau không một người nào tử tế đến nữa, chỉ trừ những khi cậu Kha lại thăm cô Liên.
Liên hồi ấy mười lăm tuổi là bà chúa cả vùng đó, không một ai sánh kịp và Liên trở thành một cô gái kiêu hãnh, bướng bỉnh. Tôi phải thú thực là tôi không ưa gì Liên sau khi Liên không còn là đứa bé nữa, và đã nhiều lần làm Liên mất lòng, vì tôi muốn kiềm chế sự ngạo ngược của cô. Mặc dầu vậy, Liên không bao giờ ghét tôi. Liên có tình đặc biệt chung thủy với những bạn cũ. Cả Hy cũng giữ được nguyên vẹn lòng yêu thương của Liên. Còn cậu Kha, mặc dầu hơn Hy nhiều thứ, cũng không cảm được lòng Liên sâu sắc như Hy.
“À, bức truyền thần cậu Kha ở trên lò sưởi. Ông có thấy gì không?”
Bác Diễn giơ cao đèn nến và tôi nhận thấy một vẻ mặt dịu dàng, trông rất giống cô gái trẻ ở bên trại Gió Hú nhưng có dáng trầm ngâm và dễ thương hơn. Bên thái dương, tóc màu hung vàng dài và hơi cuốn quăn, hai mắt lớn và trang nghiêm, toàn thể trông có duyên quá. Tôi không lấy làm lạ nữa về việc Liên quên người bạn cũ để lấy một người đẹp trai như thế này. Tôi tự hỏi nếu Kha cũng có một bề trong đẹp như bề ngoài thì không hiểu sao lại có thể mê một cô Liên như tôi tưởng tượng bây giờ.
“Một bức chân dung rất dễ thương. Thế cậu ta có giống trong ảnh không?”
“Cũng giống. Ngoài đời thực trông cậu còn bảnh hơn nữa.”
Bác Diễn lại tiếp câu chuyện:
Liên vẫn đi lại với nhà họ Tôn. Trước mặt họ, Liên không để lộ phần tính nết xấu của mình ra. Thấy họ đối đãi rất lịch sự, Liên xấu hổ không dám tỏ ý thô lỗ, thành thử vô hình trung Liên làm cho ông bà Tôn được hài lòng bằng sự thân mật hồn nhiên của mình. Liên khiến Sa kính phục và đoạt được cả tâm hồn của Kha. Sự thu đoạt nhân tâm ấy khiến Liên tự phục mình vì Liên có tính tự phụ, rồi Liên bất giác biến mình thành một con người có hai bộ mặt trái ngược nhau, nhưng làm thế không phải có ý gì rõ rệt để đánh lừa ai. Ở một nơi mà người ta thường nói đến Hy bằng những câu: “Thằng nhãi con thô tục”, “Tệ hơn súc vật”, Liên giữ ý không cư xử như Hy; nhưng khi về nhà, Liên không có ý giở những phép lịch sự ra, chỉ tổ làm cho mọi người cười, và nàng cũng không cố ghìm cái bản chất ngỗ ngược vì nàng giữ thế cũng chẳng khiến ai phục mình.
Kha ít khi có cam đảm đến Gió Hú một cách công khai. Tôi tin là mỗi lần Kha có mặt ở nhà, Liên không được vui lòng vì sự gặp gỡ của hai người bạn. Quả thật, khi Hy tỏ ý khinh bỉ Kha ra mặt, Liên không thể hoàn toàn tán thành Hy như những lúc chỉ có riêng nàng và Hy; đến khi Kha tỏ ý ghê tởm và ghét Hy, nàng cố gắng chiều theo ý Kha.
Một buổi trưa Hạnh đi vắng. Hy tưởng có thể lợi dụng dịp này để nghỉ không làm việc. Hy đã mười sáu tuổi. Tuy nét mặt không xấu xí, không ngu độn, Hy vẫn có cách tạo cho người ta cảm tưởng ghê hãi về cả tinh thần lẫn diện mạo. Bây giờ thì Hy hoàn toàn không như thế nữa. Độ ấy, sự giáo dục mà chàng được tiếp thụ một ít đã mất hết ảnh hưởng. Từ sáng sớm đến tối khuya, chàng phải làm lụng không ngừng. Công việc nặng nề này làm chàng mất tính tò mò muốn hiểu biết và mất cả tính ưa đọc sách, ham học. Hy đã cố gắng để không đến nỗi kém Liên về sự học nhưng chàng vẫn bị thụt lùi lại sau Liên. Mỗi khi bị kém Liên một bước, Hy yên lặng đau khổ và ngấm ngầm tức. Khi nhận ra rằng mình không thể hơn lên được, Hy chịu lùi hẳn và không có cái gì có thể lay chuyển được ý định này của Hy. Bề ngoài của Hy cũng thay đổi theo sự trụy lạc của tâm hồn chàng: dáng đi trở nên nặng nề, vẻ mặt thô lỗ hẳn đi; tính Hy vốn dè dặt nay trở nên rầu rĩ, u uẩn đến nỗi không ai chịu được. Hình như chàng có vẻ tìm thấy một thích thú nham hiểm làm vài người quen vốn rất hiếm của chàng ghét sợ hơn là làm cho họ mến mình.
Mỗi khi Hy được rảnh rỗi, Liên và Hy vẫn gặp nhau. Nhưng Hy không tỏ tình thương mến của chàng bằng những lời nói nữa. Chàng gạt những cái ve vuốt ngây thơ của Liên đi một cách giận dữ nghi ngờ, hình như chàng đã nhận thấy Liên không vui thích gì khi tỏ ý thân mật với chàng như vậy. Trong cái tình trạng tôi vừa kể trên kia và giữa lúc tôi đang giúp đỡ Liên trang điểm, Hy bước vào phòng tuyên bố ý định muốn bỏ không làm việc gì cả. Liên không ngờ anh chàng tự nhiên lại nẩy ra cái ý muốn ngồi nhàn ở nhà. Tưởng rằng chỉ có mình nàng, Liên đã tìm cách báo cho Kha biết rằng Hạnh đi vắng và sửa soạn đón tiếp Kha.
Hy hỏi:
“Liên này, trưa nay có bận gì không? Có đi đâu không?”
“Không, trời mưa không đi đâu cả.”
“Sao lại mặc cái áo lụa này? Tôi mong là không có ai đến chơi đấy chứ, có đúng không?”
Liên lúng túng:
“Em cũng không biết nữa. Nhưng giờ này anh phải ra đồng làm việc rồi chứ, anh Hy? Ăn cơm xong đã một giờ rồi đấy, em tưởng anh đi rồi.”
“Anh Hạnh không mấy khi là không ám chúng mình. Hôm nay tôi không làm việc nữa, ở nhà với Liên.”
Liên nói khéo:
“Ờ, nhưng bác Dọi sẽ mách anh Hạnh. Anh đi đi thì hơn.”
“Bác Dọi đương tải vôi ở bên kia núi. Dễ đến tối mới xong việc. Bác ta không biết đâu.”
Vừa nói Hy vừa đủng đỉnh tiến đến gần lò sưởi ngồi xuống. Liên cau mày suy nghĩ một lát; nàng tìm cách nói có Kha đến cho đỡ rắc rối.
Sau một phút yên lặng, Liên nói:
“Hai anh em Kha, Sa có nói trưa nay sẽ đến chơi. Nhưng trời mưa em không chắc họ đến. Nhưng ngộ họ đến, em không muốn anh bị mắng một cách vô ích.”
Hy nói dằn:
“Bảo vú Diễn nói cô mắc bận. Đừng vì hai cô cậu xuẩn ngốc ấy mà đuổi tôi khỏi nhà. Nhiều lần tôi đã toan phàn nàn về tụi chúng... nhưng tôi không muốn...”
Liên nhìn Hy bối rối:
“Về tụi chúng... làm sao? Ơ kìa, vú Diễn, vú chải ngược tóc tôi rồi! Thôi, vú để tôi chải lấy. Anh Hy, anh định phàn nàn về cái gì?”
“Chẳng về cái gì cả... nhưng cô thử nhìn tấm lịch treo trên tường: những dấu chữ thập ghi những chiều cô tiếp đón anh em Kha, những chấm đen ghi những chiều cô ngồi nói chuyện với tôi. Cô xem, ngày nào tôi cũng đánh dấu.”
Liên càu nhàu đáp lại:
“Vô lý hết sức! Làm như tôi phải để ý. Cái đó có nghĩa lý gì chứ?”
“Chỉ có một ý nghĩa, đó là tôi, tôi để ý!”
Liên mỗi lúc một cau có hơn, vặn lại:
“Thế ra lúc nào tôi cũng phải ngồi với anh? Ích lợi gì cơ chứ? Anh biết nói chuyện gì? Những lúc anh nói chuyện với tôi hay làm cái gì cho tôi vui lòng, anh chẳng khác nào một người câm hay một đứa trẻ con.”
Hy bực tức lắm kêu lên:
“Cô Liên! Chưa bao giờ cô bảo tôi ít nói quá, chưa bao giơ cô bảo cô không thích bầu bạn với tôi.”
Liên lẩm bẩm:
“Hừ, bàu bạn cái gì? Khi mà người ta không biết chuyện gì để nói mà cũng chẳng bao giờ nói gì cả.”
Hy đứng dậy nhưng chưa kịp nói gì thêm ý nghĩ của mình thì đã có tiếng chân ngựa trên nền gạch. Sau khi gõ cửa rất nhẹ, Kha bước vào, mặt mày hớn hở vì đã đuợc Liên mời đến chơi một cách bất ngờ. Trong lúc một người đi ra và một người đi vào, Liên chắc phải chú ý đến sự trái ngược giữa hai người bạn, cũng như sự trái ngược ta phải chú ý khi đi từ một vùng mỏ đất núi thảm đạm tới một thung lũng tươi đẹp phì nhiêu. Giọng nói và lối chào cũng trái ngược như hình dạng. Tiếng Kha nói ngọt ngào, nhè nhẹ y như giọng của ông ấy, ông Lộc ạ, nghĩa là dịu dàng và không cục mịch như giọng nói của những người chúng tôi ở vùng này.
Kha đưa mắt về phía tôi. Lúc đó tôi mới bắt đầu lau bát và xếp dọn một vài ngăn kéo ở tủ ăn. Chàng nói:
“Tôi đến có hơi sớm một chút phải không?”
Liên đáp:
“Không sớm đâu. Vú Diễn, vú làm gì ở đấy?”
“Thưa cô, tôi xếp dọn. (cậu Hạnh có dặn tôi lúc nào cũng phải có mặt trong khi Kha đến thăm Liên).
Liên tiến đến phía sau lưng tôi nói nhỏ, giọng hơi bực mình:
“Vú đi đi, đem giẻ lau đi. Khi có khách đến nhà thuở nào đầy tớ lại đi lau lau chùi chùi ngay chỗ khách ngồi chơi!”
Tôi cao giọng trả lời:
“Khi ông chủ vắng nhà là một dịp tốt để tôi lau chùi. Cậu Hạnh ghét tôi khuấy rối ở đây trước mặt cậu. Chắc cậu Kha không cự tôi đâu.”
Cô ả Liên không để cho người khách kịp nói gì, vội kêu lên như ra lệnh:
“Còn tôi, tôi cũng ghét vú lau chùi trước mặt tôi!”
Liên chưa kịp lấy lại bình tĩnh sau cuộc cãi vã với Hy lúc nẫy; còn tôi, tôi cứ tiếp tục làm việc chăm chú như thường.
Tưởng Kha không nom thấy, Liên giật lấy rẻ lau ở tay tôi rồi như điên dại véo vào cánh tay tôi một cái mạnh.
Tôi đã nói với ông rằng tôi không ưa gì Liên và thỉnh thoảng tôi cũng thích làm nàng khổ nhục về tính kiêu căng. Vả lại nàng véo tôi đau quá. Tôi nhồi nhỏm dậy, kêu lên:
“Cô! Cô chơi xấu thế à? Cô không có quyền véo tôi, tôi không chịu được nước ấy đâu!”
Liên cũng kêu theo:
“Ai chạm vào người vú! Đồ vu oan giá họa!”
Mấy ngón tay nàng ngứa ngáy như còn muốn véo tôi nữa, hai tai nàng đỏ lên vì tức.
Tôi giơ tay cho nàng xem một vết đỏ rực trên cánh tay để nàng cứng họng:
“Thế cái này là cái gì?”
Liên giẫm chân, lưỡng lự một lúc rồi như bị những bản tính xấu hổ xô đẩy không hề cưỡng lại, nàng tát tôi một cái mạnh làm nước mắt tôi trào ra.
Kha can thiệp:
“Cô Liên, cô Liên.”
Chàng rất ngượng vì người mình thờ kính đã phạm luôn hai tội: nói dối và hung bạo.
Liên nhắc lại, người run từ đầu đến chân:
“Vú Diễn, vú ra ngay khỏi buồng này!”
Bé Yên Hạ lúc đó ngồi dưới đất cạnh tôi cũng oà lên khóc vì thấy tôi khóc, rồi nó chu chéo bảo “cô Liên ác lắm” khiến Liên lại đổ cả nộ khí lên đầu đứa bé khốn nạn, nắm lấy hai vai nó lắc mạnh quá làm cho đứa bé mặt tái mét. Kha bất giác nắm lấy tay Liên để gỡ ra. Trong một nháy mắt một bàn tay Liên bỏ rời đứa bé và chàng. Kha kinh ngạc thấy bàn tay đó áp mạnh vào má mình, áp một cách không ai có thể cho là tát đùa được. Kha lùi lại, bàng hoàng. Tôi bế Hạ đi vào trong bếp để cửa ngỏ vì tò mò muốn xem họ giàn xếp với nhau ra sao. Kha bị nhục, mặt tái xanh và môi run bắn, đi về phía để mũ.
Tôi nghĩ thầm:
“Thế mà hay, phải, đi đi. Đã biết rõ tính nết thật của cô ả rồi nhé!”
Liên tiến về phía cửa:
“Anh đi đâu?”
Kha vòng ra một bên, tìm lối đi qua. Liên nói quả quyết:
“Anh phải ở lại.”
Kha đáp lại giọng yếu ớt:
“Tôi cần phải đi. Tôi đi đây.”
Liên cầm lấy quả nắm ở cửa, một mực khư khư nói:
“Không, chưa đi được. Anh Kha, ngồi xuống. Trong lúc tôi thế này anh không thể bỏ tôi đi được. Tôi sẽ đau khổ suốt đêm nay mà tôi lại không muốn đau khổ vì anh.”
Kha hỏi:
“Tôi còn ở lại được sao? Sau khi bị cô tát?”
Liên yên lặng, Kha nói tiếp:
“Cô đã làm tôi sợ cô, xấu hổ vì cô. Tôi không trở lại đây nữa.”
Mắt Liên bắt đầu long lanh, mi mắt chớp chớp. Kha lại tiếp:
“Vả lại cô đã định ý nói dối.”
Liên thốt ra được lời nói:
“Không phải thế. Tôi không định ý làm gì cả. Được rồi, anh cứ đi đi nếu anh thích đi, đi đi! Còn tôi bây giờ... tôi chỉ có việc khóc, khóc cho đến ốm người ra thì thôi.”
Nàng quỳ phục xuống, tựa người vào ghế và bắt đầu khóc thật. Kha cương quyết đi ra đến sân; đến đây, Kha lưỡng lự. Tôi quả quyết xúi Kha:
“Cô ấy tính tình bất nhất lắm; làm nũng như cô thì nhiều người, nhưng ác tâm thì không ai bằng. Cậu đi về đi thì hơn, nếu không cô ấy sẽ ốm ngay, và ốm chỉ cốt để quấy rầy cậu thôi.”
Cậu Kha mềm yếu liếc nhìn về phía cửa sổ; chàng không sao bỏ đi được cũng như con mèo không sao bỏ con chuột đã vần gần chết hay con chim đương ăn dở. Tôi thầm nghĩ không cái gì có thể cưú thoát Kha được, Kha đã bị vào tròng và Kha để mình trôi theo số phận. Quả nhiên chàng đột nhiên quay bước, đi vội vã vào phòng rồi đóng cửa lại. Ít lâu sau, khi quay lại để báo cho hai người biết là cậu Hạnh đã trở về say như chết, tôi thấy câu chuyện bất bình lúc nẫy chỉ làm cho hai người thân nhau hơn, làm hai người mất hết những bẽn lẽn của tuổi trẻ và giúp hai người không còn dùng tình bạn để che đậy nữa mà có thể thú thực tình yêu với nhau.
Tin Hạnh về làm Kha vội vã lên ngựa và Liên chạy về phòng.
Tôi đem bé Hạnh giấu đi và tháo đạn ở súng Hạnh ra vì trong lúc điên cuồng chàng hay nghịch súng có khi nguy đến tính mạng những ai chọc tức chàng hoặc làm chàng chú ý đến.
Chương IX
Hạnh đi vào, miệng nguyền những lời rủa kinh khủng và bắt gặp tôi trong lúc tôi đang giấu bé Hạ vào trong cái tủ ăn ở bếp. Bé Hạ, khi chịu đựng sự phát khùng điên dại hay sự âu yếm cuồng thú của người bố, lúc nào nó cũng sợ hãi vì một đằng có thể chết ngạt vì bố ôm ghì, một đằng có thể bị bố vứt vào tường hay ném vào lửa. Bởi vậy khi tôi đặt đứa bé khốn nạn ở đâu là nó cứ im thin thít ở đấy.
Hạnh cầm lấy gáy tôi kéo ra phía sau nhà như kéo một con chó:
“Nó đây rồi. Trời đất ơi, ra các người định giết đứa bé này. Thảo nào mà không bao giờ mình gập nó. Mình phải giết một đứa trong bọn này. Chưa giết thì chưa yên dạ! Vú Diễn, vú đừng cười. Ta sẽ cầu ác quỷ giúp một tay, bắt vú nuốt con dao thái thịt này.”
Tôi trả lời:
“Tôi không thích con dao thái thịt này, cậu Hạnh ạ. Nó vừa thái cá mắm xong. Tôi thích bị bắn hơn nếu cậu thích thế.”
“Mở mồm ra, vú Diễn.”
Hạnh cầm dao ở tay và ấn mũi dao vào giữa hai hàm răng tôi. Nhưng về phần tôi, tôi không bao giờ sợ những lời nói huyên thiên ấy. Tôi nhổ nước bọt, bảo con dao ấy có mùi khó ngửi lắm và tôi không vì lý gì “ăn” con dao ấy.”
Hạnh bỏ tôi ra và nói:
“Thằng ma lem, du côn du kề này không phải là thằng Hạ. Xin lỗi vú nhé, vú Diễn. Nếu là nó, phải lột sống nó ra, sao nó không đến chào mà lại kêu rống lên làm như bố nó là con ma không bằng. Này vú, đứa bé này nếu cắt cụt hai tai nó trông có lẽ hơn... đưa kéo đây... Yên nào bé, yên! Được rồi con cưng của bố ơi. Thôi, quệt nước mắt đi...hòn ngọc quý của bố, hôn bố cái nào. Cái gì? Nó không muốn à? Ôm bố tý, Hạ nào. Ôm bố tý nào, quỷ tha ma rước mày đi. Hừ, làm như tao muốn nuôi đồ quái gở này. Tao sẽ vặn cổ mày chết, bé ơi.”
Bé Hạ kêu thét lên và giẫy giụa trong tay bố nó. Nó lại càng kêu thét nhiều hơn khi Hạnh bế nó lên cầu thang và cầm nó giơ ngang lan can. Tôi kêu Hạnh đừng làm nó sợ có thể sinh chứng kinh phong và chạy vội lên cứu nó. Vừa đến thì Hạnh nghiêng người ra ngoài lan can như để nghe một tiếng gì ở dưới nhà; chàng quên hẳn đứa bé trên tay. Nghe tiếng người đi về phía chân cầu thang, Hạnh hỏi: “Ai đó?” Nhận ra tiếng chân Hy tôi cũng nghiêng người, định làm hiệu bảo Hy đừng tiến nữa. Khi tôi rời mắt khỏi Hạ thì đứa bé quậy người một cách đột ngột, rời khỏi hai cánh tay lỏng lẻo của Hạnh và rớt xuống...
Chúng tôi vừa thoáng rùng mình khiếp sợ thì đã thấy ngay đứa bé khốn nạn được vô sự. Hy đi qua ở phía dưới ngay lúc đứa bé rơi; bất giác chàng giơ tay đón lấy đứa bé, đặt nó đứng xuống đất rồi ngửng nhìn xem ai là thủ phạm. Một người hà tiện bán cái vé số của mình năm đồng hôm sau thấy cái vé ấy trúng năm triệu cũng không ngơ ngác như Hy nhìn thấy Hạnh ở trên.
Không lời nào có thể diễn tả bằng nét mặt chàng cái đau đớn mãnh liệt đã tự mình làm hỏng cái cơ hội “báo thù” cho mình. Nếu trời tối, tôi chắc Hy cố “gỡ” bằng cách đập đầu Hạ vào bực đá cho đến chết. Nhưng cả hai chúng tôi đã nhìn thấy và tôi đã chạy ngay xuống ôm đứa bé vào lòng. Hạnh bước xuống một cách chậm rãi, hơi tỉnh rượu và ngượng ngập. Chàng nói:
“Lỗi tại vú đấy. Vú phải giữ nó đừng cho tôi trông thấy. Vú phải giằng nó ra khỏi tay tôi. Nó có bị thương không?”
Tôi kêu lên giận dữ:
“Bị thương? Nếu không chết thì cũng bị ngớ ngẩn suốt đời. À, sao mẹ nó không sống mà xem bố nó đối xử với nó thế nào!”
Hạnh định sờ vào đứa bé nhưng vừa mới đặt một ngón tay, đứa bé đã kêu ầm lên và vùng vẫy như sắp lên cơn động kinh.
“Cậu đừng sờ vào nó. Nó ghét cậu... ai ai cũng ghét cậu... tôi nói thẳng cho cậu biết thế. Hạnh phúc chưa, cái gia đình của cậu; cậu hay lắm đấy!”
Hạnh cười gằn:
“Bây giờ vú đi đi, ẵm luôn thằng ôn con đi nữa. Còn thằng kia, thằng Hy kia, nghe tao. Mày đi cho khuất mắt tao, đừng bao giờ để tao nghe thấy mày nữa. Tao chưa muốn giết mày đêm nay...”
Nói rồi, Hạnh cầm một chai rượu mạnh trên tủ rồi tự rót một cốc lớn. Chàng uống một hơi cạn, rồi ra lệnh cho chúng tôi đi khuất mắt, lại tuôn theo một tràng dài những tiếng rủa gớm ghiếc tôi không muốn nhắc lại, không muốn nhớ lại nữa.
Khi đóng cửa rồi, Hy cũng rủa lại thì thầm và bảo:
“Hoài của, uống như thế mà không chết đi cho.”
Tôi vào bếp, ngồi ru bé Hạ ngủ. Hy tôi tưởng đi ra vựa lúa, mãi sau tôi mới hay chàng chỉ đi vòng ra sau cái ghế tủ, đặt mình xuống một cái ghế dài kê ở dọc tường, rất xa bếp lửa, rồi ngồi yên.
Tôi ru bé Hạ trên đầu gối, miệng ngâm một bài hát:
Dưới sàn lũ chuột nó nghe
Nó rình lũ trẻ ngủ nhè thâu đêm.
Liên từ buồng bên thò đầu ra khẽ hỏi:
“Vú ngồi đấy một mình à?”
“Vâng, cô ạ.”
Nàng vào bếp, rồi lại gần lò lửa. Tôi nhìn nàng đoán nàng sắp nói chuyện gì. Vẻ mặt nàng bối rối và lo âu, hai môi hé mở như định nói; nhưng đáng lẽ là một lời nói thì chỉ có một tiếng thở dài thốt ra. Tôi lại tiếp tục hát ru.
Liên ngắt tôi:
“Hy đâu?”
“Cậu ấy làm việc ở ngoài chuồng ngựa.”
Hy không cãi lại, có lẽ chàng ngủ gật. Lại một lúc yên lặng kéo dài; tôi thấy một vài giọt nước mắt chẩy từ má Liên rỏ xuống nền đá. Tôi tự hỏi: “Có lẽ cô ấy hối hận về cử chỉ nhục nhã của mình hồi chiều.” Kể thì cũng là một sự lạ.
Sau cùng cô ấy thốt lên:
“Trời ơi, sao mình khổ thế này?”
Tôi nói:
“Phiền quá nhỉ. Cô thực khó tính, khó chiều: rất nhiều bạn như thế, rất ít lo như vậy mà vẫn chưa thỏa nguyện.”
“Này, vú Diễn, vú có thể giữ điều bí mật này cho tôi được không?”
Liên vừa tiếp tục nói vậy vừa quỳ xuống cạnh tôi, ngước mắt nhìn tôi mơn trớn, nhìn bằng một lối khiến ai cũng hết giận cho dẫu người ta có đủ hết các cớ để giận nàng.
Tôi hỏi lại giọng bớt càu nhàu:
“Cái đó có đáng để giữ kín không?”
“Đáng chứ, vì cái đó nó làm tôi băn khoăn bứt rứt tôi cần phải thổ lộ ra. Tôi cần phải biết làm thế nào cho phải. Ngày hôm nay, Kha đã hỏi tôi có muốn lấy Kha không và tôi đã trả lời. Này vú, trước khi nói cho vú biết tôi nhận lời hay từ chối, vú hãy bảo cho tôi biết thế nào là phải.”
“Cô Liên này, tôi làm sao biết được. Sau cái cảnh cô vừa cho cậu Kha xem một mẻ trưa nay, tôi có thể nói chắc rằng cậu Kha khôn hồn thì từ chối đi. Bây giờ cậu ấy lại đi hỏi cô, như thế thì một là ngu ngốc hết chỗ nói hai là táo bạo điên rồ.
Liên đứng dậy có vẻ phật ý:
“Nếu vú nói thế tôi không nói gì với vú nữa. Tôi đã nhận lời, vú Diễn ạ. Nói ngay, vú bảo tôi ngay, tôi làm thế có phải không?”
“Cô đã nhận lời? Thế thì còn bàn làm gì? Cô đã nhận lời, cô không thể rút lời được nữa.”
Liên nói một cách tức bực, hai tay xoa vào nhau, lông mày cau lại:
“Nhưng vú bảo tôi làm thế có phải không...nói đi vú.”
Tôi nói nghiêm trang:
“Có nhiều điều phải xét đã trước khi trả lời đúng đắn câu hỏi ấy. Đầu tiên và trước hết: cô có yêu Kha không?”
“Ai mà không yêu Kha. Cố nhiên, tôi yêu Kha.”
Thế rồi tôi lục vấn cô những câu sau này, đối với một thiếu nữ hai mươi hai tuổi, như thế cũng không có gì quá đáng.
“Cô Liên, tại sao cô yêu Kha?”
“Vú hỏi lạ thực. Tôi yêu Kha... thế là đủ rồi.”
“Không đủ, phải nói tại sao lại yêu.”
“Thế thì... vì Kha đẹp trai và ngồi nói chuyện với Kha tôi thấy thích thú.”
Tôi phê bình:
“Thế thì hỏng.”
“Vì Kha còn trẻ và vui tính.”
“Lại càng hỏng.”
“Vì Kha yêu tôi.”
“Điều đó không đáng kể sau những lý do cô nêu trên.”
“Tại vì Kha sẽ giầu có; tôi sẽ thoả chí vì được làm đệ nhất phu nhân vùng này, tôi lấy làm vinh hạnh có một người chồng như thế.”
“Thế càng tệ hại hơn nữa. Bây giờ cô cho biết cô yêu cậu ta như thế nào.”
“Như mọi người yêu... vú thực là ngốc, vú Diễn ạ.”
“Tôi không ngốc đâu... Cô trả lời đi.”
“Tôi yêu đất chàng giẫm, không khí chàng thở, bất cứ cái gì chàng nói đến, chàng chạm đến. Tôi yêu tất cả các dáng điệu chàng, tất cả các vẻ mắt chàng, tôi yêu chàng đầy đủ, hoàn toàn. Thế đấy!”
“Nhưng tại sao yêu thế?”
“Thôi vú, vú định chế giễu tôi rồi, vú ác lắm!”
Liên cau mặt quay về phía lửa:
“Đối với tôi, đấy không phải là trò đùa.”
“Cô Liên ạ, tôi không có ý đùa đâu. Cô yêu cậu Kha vì cậu ấy đẹp trai, cậu ấy trẻ, vui tính, con nhà giầu, vì cậu ấy lại yêu cô. ‘Cậu ấy yêu cô’ điều ấy không có giá trị gì, không có điều ấy cô vẫn yêu, có điều cô ấy vẫn không yêu nếu cậu ta không có bốn thứ quyến rũ trên.”
“Đúng, vú ạ, tôi chắc không yêu. Tôi chỉ thương hại Kha thôi, và nếu Kha xấu xí và thô kệch có lẽ tôi còn ghét nữa.”
“Nhưng trong thiên hạ còn bao nhiêu người trai trẻ khác, đẹp giầu, đẹp hơn và có lẽ giầu hơn cậu Kha. Cái gì cấm cô yêu họ.”
“Nhưng người đó, cho là có đi nữa, tôi không được gặp, tôi chưa gặp ai như Kha.”
“Có thể một ngày kia cô sẽ gặp. Còn cậu Kha không phải lúc nào cũng trẻ và giầu mãi.”
“Nhưng hiện giờ Kha như thế, mà tôi chỉ nghĩ đến hiện tại.”
“Thế thì được, vấn đề giải quyết xong rồi. Nếu cô chỉ nghĩ đến hiện tại thì cô lấy cậu Kha đi.”
“Tôi không cần phải xin phép vú về việc ấy... tôi sẽ lấy Kha. Nhưng rút cuộc lại, vú vẫn chưa bảo tôi là thế có phải không.”
“Phải lắm chứ, nếu cô cho việc lấy vợ lấy chồng chỉ cần đến hiện tại là phải. Nào bây giờ thử xem tại sao cô khổ sở. Anh cô chắc sẽ vừa lòng, chắc ông bà bên nhà trai cũng không phản đối; cô rời bỏ một nơi hỗn độn không đủ tiện nghi đến ở một nơi lộng lẫy, đáng trọng; cô yêu cậu Kha, cậu Kha yêu cô. Mọi sự xem ra đều êm thấm, dễ dàng, vậy trở ngại ở đâu?”
Liên một tay đập trán, một tay đập vào ngực trả lời:
“Ở đây này! Lại ở đây này! Ở bất cứ nơi nào có linh hồn tôi. Trong tâm hồn tôi, tôi tin chắc là mình sai lầm.”
“Lạ nhỉ. Tôi thực không hiểu.”
“Đấy là sự bí mật của tôi. Nếu vú đừng chế giễu tôi sẽ giảng giải vú nghe. Tôi không thể nói cho minh bạch được, nhưng vú cũng biết đại khái lòng tôi như thế nào...”
Liên lại ngồi xuống cạnh tôi, mặt buồn rầu và trang nghiêm hơn, hai bàn tay chắp lại hơi run run.
“Vú Diễn, vú có mơ thấy những sự kỳ lạ bao giờ không?”
“Có, một đôi khi.”
“Tôi cũng vậy. Trong đời tôi có những giấc mơ không bao giờ tôi quên được và đã làm thay đổi cả ý nghĩ của tôi. Những điều tôi mơ thấy đã thấm nhuần vào người tôi và cũng như rượu chát trong nước lã đã biến đổi cả màu sắc của tâm trí tôi. Đây là một thí dụ, tôi kể vú nghe nhưng xin vú đừng cười về một điều gì trong giấc mơ.”
“Cô Liên, đừng kể gì cả. Đời đã sầu thảm quá rồi còn đi gợi lại những ma quỷ để quấy rối chúng ta làm gì. Thôi vui đi. Cô nhìn bé Hạ mà xem, nó chẳng mơ cái gì khủng khiếp cả.”
“Nhưng tôi cứ bắt vú nghe. Không lâu đâu, còn vui thì chiều hôm nay tôi xin chịu.”
“Tôi không muốn nghe, tôi không muốn nghe.”
Độ ấy tôi rất sợ những giấc mơ, đến bây giờ vẫn thế. Vả lại Liên có một vẻ khác thường khiến tôi sờ sợ đoán trong giấc mơ có điều gì như một lời tiên tri báo trước một tai nạn khủng khiếp. Liên bị mích lòng nhưng không cố nài. Nàng có vẻ muốn nói sang chuyện khác rồi một lúc sau lại bắt đầu:
“Vú Diễn này, nếu tôi ở trên trời, trên thiên đàng tôi sẽ khổ sở lắm.”
Tôi đáp:
“Chỉ vì cô không đáng được lên trên đó. Những người có tội lên trời bao giờ cũng khốn khổ.”
“Nhưng không phải vì thế. Đã một lần tôi thấy tôi ở trên Trời.”
“Cô Liên, tôi đã bảo cô tôi không muốn nghe chuyện mê hoảng của cô. Tôi đi ngủ đây.”
Liên cười rồi ép tôi ngồi đấy vì tôi rục rịch toan đứng lên. Nàng nói:
“Nào có gì đâu. Tôi vừa chỉ định nói là thiên đàng không phải thật là chỗ của tôi. Tôi đã khóc đến vỡ tim nát ruột để được trở về hạ giới. Khóc đến nỗi các thiên thần phát giận qưẳng tôi xuống giữa rừng cỏ, ngay ở trên Đỉnh Gió Hú và khi tỉnh dậy tôi đã nức nở khóc lên vì vui sướng. Nói vậy tôi đã giảng nghĩa sự bí mật của lòng tôi hơn là kể giấc mơ kia ra. Tôi không phải là người lấy Kha cũng như không phải là người ở trên thiên đàng. Nếu anh Hạnh ác hại của tôi không làm cho Hy giảm nhân phẩm thì tôi không bao giờ nghĩ đến việc lấy Kha. Tôi lấy Hy bây giờ là tôi cũng tự hạ nhân phẩm theo. Như vậy không bao giờ Hy có thể biết tôi yêu Hy mà tôi yêu không phải vì Hy đẹp trai mà chỉ vì, vú Diễn ạ, chỉ vì Hy là tôi, còn là tôi hơn cả tôi nữa. Linh hồn Hy và tôi như thế nào không cần biết, chỉ biết rằng linh hồn chúng tôi giống nhau như một, còn linh hồn của Kha thì khác hẳn chúng tôi như một tia ánh trăng khác với chớp nhoáng, như nước đá khác lửa.”
Trước khi Liên nói xong, tôi cảm thấy có Hy gần đâu đây. Một tiếng động nhẹ khiến tôi quay mặt và thấy Hy ở ghế dài đứng lên, yên lặng đi ra ngoài. Hy đã nghe đến chỗ Liên nói tự hạ nhân phẩm nếu lấy Hy và chàng không ở lại để nghe thêm một tí gì nữa. Vì Liên ngồi dưới đất bị lưng chiếc ghế tủ che khuất, nên không trông thấy Hy lúc ngồi cũng như lúc đi. Còn tôi, tôi giật mình kêu “suỵt” một cái.
“Cái gì thế?” Liên hỏi rồi nhìn nhớn nhác chung quanh. Có tiếng xe bò của bác Dọi lăn bánh trên đường. Tôi đáp:
“Bác Dọi đấy. Cậu Hy cũng về với bác; có lẽ cậu ấy đã đến cửa ngoài.
“Nhưng vú ạ, từ cửa ngoài chắc anh ấy không nghe thấy tôi nói. Đưa tôi bế Hạ cho trong khi vú nấu nướng; khi nào xong vú cho tôi ăn với. Tôi muốn an ủi lương tâm bối rối, muốn tự nhủ cho tôi tin là Hy không có ý nghĩ gì về việc này cả. Vú nhỉ, chắc Hy chẳng nghĩ ngợi gì. Hy thì còn biết thế nào là yêu nữa.”
“Cô Liên, tôi thấy không lý do gì cậu Hy lại không biết yêu như cô và nếu cậu ấy đã chọn cô thì đó là một người khổ sở nhất đã sinh ra trên thế gian này. Cái ngày mà cô thành bà Tôn Kha thì cậu ấy mất, mất hết, hết tình bạn, hết tình yêu. Cô đã từng nghĩ đến lúc cô và Hy phải chia tay nhau chưa, cô đã từng nghĩ đến nỗi niềm của Hy khi bị bỏ rơi chơ vơ trên đời chưa? Bởi vì, cô Liên ạ...”
Liên bất bình kêu lên:
“Hy, chơ vơ, bị bỏ rơi! Chia tay nhau! Thử hỏi vú, ai chia tay chúng tôi? Người ấy sẽ bị moi gan moi ruột. Tôi còn sống ngày nào, vú ạ, không một ai có thể chia rẽ chúng tôi. Tất cả nhà họ Tôn sẽ bị tiêu diệt trước khi tôi rời bỏ Hy. Tôi không muốn lấy Kha với giá đó. Trước kia Hy thế nào đối với tôi thì sau vẫn y nguyên như thế. Kha phải bỏ cái thói ghét Hy hay ít ra phải chịu đựng Hy. Kha sẽ làm thế khi biết tình thực của tôi đối với Hy. Vú Diễn, bây giờ tôi biết, vú vẫn coi tôi như một con ích kỷ khốn nạn nhưng vú thử nghĩ xem, nếu Hy và tôi lấy nhau, cả hai người phải đi ăn mày. Chứ nếu tôi lấy Kha tôi có thể giúp đỡ Hy ngóc đầu lên và kéo Hy ra khỏi móng vuốt của Hạnh.”
“Bằng tiền của chồng cô à, cô Liên? Cô đừng tưởng chồng cô dễ uốn nắn đến thế. Tuy tôi không có quyền phê bình nhưng đối với tôi hình như lý lẽ này là cái lý lẽ kém cỏi nhất cô viện ra để lấy cậu Kha.”
“Sao lại thế, đây là lý lẽ hay nhất. Những lý lẽ khác chỉ để thoả mãn tính riêng tây bất thường của tôi và của Kha, nhưng lý tôi vừa nói có liên quan tới một người, đối với người ấy tôi cảm thấy tất cả mọi thứ mà tôi không cảm thấy đối với Kha, đối với cả chính bản thân tôi nữa. Đó là một điều tôi không diễn ra được. Nhưng chắc vú, cũng như mọi người khác, đều có cái cảm tưởng lờ mờ rằng ngoài mình ra phải có một đời sống nữa như mình, là mình. Tôi sinh ra đời làm gì, nếu tôi, tất cả tôi, đều bị giam hãm trong cái vỏ xác ngồi trước mặt vú đây. Những đau khổ lớn lao của tôi trong đời này đều là những đau khổ của Hy mà tôi đoán thấy, tôi đã cảm thấy ngay từ lúc khởi thủy. Lẽ sống chính của tôi là Hy. Nếu cái gì cũng mất nhưng riêng Hy còn thì tôi còn. Nhưng tất cả mọi thứ còn mà riêng Hy bị tiêu diệt thì vũ trụ đối với tôi thành xa lạ và tôi có vẻ không phải là người trong vũ trụ này nữa. Tình tôi yêu Kha như vòm lá rừng; thời gian sẽ thay đổi vòm lá đó,tôi biết, cũng như mùa đông thay đổi cây cối. Tình tôi yêu Hy giống như những tảng đá bất di dịch nằm dưới đất, đó là một nguồn vui không lộ ra bao nhiêu nhưng đó là một sự cần thiết. Vú Diễn ạ. Tôi là Hy! Lúc nào, bất cứ lúc nào, Hy cũng ở trong tâm trí tôi, đó không phải là điều làm tôi thích thú gì cũng như chính tôi đâu phải lúc nào cũng là một sự thích thú cho chính tôi, nhưng chàng ở trong người tôi như chàng là chính tôi vậy. Như thế, vú đừng nói đến sự phân chia giữa hai người, điều đó không thể có được và....”
Liên ngừng bặt và giấu mặt vào trong nếp áo tôi. Tôi ẩy mạnh nàng ra. Sự điên rồ của Liên làm tôi không tự kìm hãm được nữa.
“Nếu tôi có thể tìm thấy một nghĩa gì trong những câu vô nghĩa của cô thì nghĩa đó chỉ làm tôi tin rằng cô không biết gì về những bổn phận của một người đi lấy chồng; hay cô chỉ là một người con gái hư hỏng, vô đạo lý. Cô đừng đem những điều bí mật khác ra quấy rầy tôi nữa: tôi không hứa giữ kín đâu.”
Liên nói nhanh:
“Còn bí mật vừa rồi vú giữ chứ?”
“Không, tôi không hứa hẹn gì cả.”
Bác Dọi bước vào bếp làm chúng tôi ngừng câu chuyện. Bác đưa mắt tìm Hy:
“Đến bây giờ mà cái anh chàng vô tích sự vẫn chưa về! Không biết làm quái gì ngoài đó, anh chàng lười chẩy thây!”
Tôi nói:
“Để tôi đi gọi. Chắc ở trong vựa lúa.”
Tôi bước ra, gọi Hy nhưng không thấy tiếng trả lời. Lúc trở vào, tôi ghé tai Liên nói thầm cho Liên biết là Hy chắc đã nghe được một phần lớn câu chuyện và Hy bỏ đi vừa đúng lúc Liên than phiền về thái độ của Hạnh đối với Hy. Liên đương ngồi, nhẩy thẳng lên hoảng hốt và chạy đi tìm Hy, chưa kịp tự hỏi tại sao mình lại cuống cuồng cả lên, tại sao lời nàng nói lại có thể làm đau lòng Hy. Liên đi vắng lâu lắm khiến bác Dọi tỏ ý không đợi được nữa. Bỗng Liên vụt chạy về ra lệnh cho bác Dọi chạy xuống đường cái cố tìm ra Hy cho dẫu Hy lang thang ở nơi nào và đem Hy về nhà ngay.
“Tôi cần nói với Hy, tôi phải nói với Hy. Cổng vườn bỏ ngỏ, chắc anh ta ở xa quá không nghe thấy vì tôi gọi hết hơi mà không thấy trả lời.”
Bác Dọi cầm mũ đi ra miệng làu nhàu. Trong lúc đó Liên đi đi lại lại:
“Tôi không hiểu Hy đi đâu, không biết Hy ở chỗ nào. Tôi đã nói gì, vú Diễn? Tôi quên hết rồi. Trời ơi! Trong khi tôi nói không biết có điều gì làm anh ấy giận, vú bảo tôi đi. Tôi muốn anh ấy trở về! Tôi muốn lắm!”
Tôi hơi lo ngại nhưng cũng đáp:
“Mới có một tí đã ồn cả lên. Tôi chắc cậu Hy trốn đâu đây. Rồi cô xem tôi sẽ tìm ra.
Tôi ra ngoài tìm kiếm lần nữa. Tôi thất vọng trở về, bác Dọi cũng vậy...
... Đêm ấy tuy về mùa hè nhưng trời cũng tối đen lắm. Trông mây như có mưa bão. Tôi bảo mọi người cứ ngồi yên trong nhà vì mưa sẽ bắt buộc Hy phải trở về nhà. Riêng Liên không chịu yên. Nàng bối rối đi đi lại lại không lúc nào nghỉ từ cửa nhà ra vườn cổng. Sau cùng nàng chọn một chỗ thường trực ở dọc đường gần đường cái. Tại đó, bất chấp sấm gầm, bất chấp lời quở trách của tôi và những giọt mưa lớn bắt đầu rơi quanh nàng, Liên vẫn đứng lỳ ở đó. Thỉnh thoảng Liên lại cất tiếng gọi, lắng tai nghe rồi lại òa lên khóc đến hết cả hơi. Thật là một cơn khóc hờn dữ dội hơn cả bé Hạ hay bất cứ một đứa bé nào.
Nửa đêm, mưa bão đổ dồn dập dữ dội xuống Đỉnh Gió Hú, một cái cây ở góc nhà bị sét chẻ làm đôi, một cành lớn hất qua mái nhà làm vỡ một phần thân lò sưởi phía đông khiến đá vụn và bồ hóng rơi rào rào xuống bếp. Chúng tôi tưởng như sét đánh ngay giữa chúng tôi. Bác Dọi quỳ xuống cầu khẩn Chúa đại xá cho những người ngoan đạo và đánh phạt những kẻ vô đạo.
Nhưng hai mươi phút sau, trời hết bão, chúng tôi đều vô sự chỉ trừ cô Liên, khư khư không chịu vào nhà, đứng ngoài trời không mũ không khăn quàng, nên tóc và quần áo ướt sũng nước. Sau cùng nàng trở vào, nằm trên ghế dài, quay mặt về phía lưng ghế và úp vào hai bàn tay. Sau khi van Liên ngồi dậy và thay quần áo ướt một cách vô hiệu, tôi bỏ đi ngủ với bé Hạ.
Sáng hôm sau, tôi xuống chậm hơn mọi khi; nhờ ánh trời chiếu xuyên qua các khe cửa, tôi thấy Liên vẫn ngồi ở gần lò sưởi. Hạnh vào phòng, nét mặt còn ngái ngủ và bơ phờ.
“Liên, làm sao thế? Trông cô ghê sợ như con mèo phải nước. Sao mà ủ rũ và xanh xao như thế này?”
Liên trả lời ngập ngừng:
“Tôi bị ướt, tôi bị lạnh, thế thôi.”
Thấy Hạnh vẫn điềm nhiên, tôi kêu lên:
“Cô ấy khó chịu lắm. Cô ấy cứ đứng dầm mưa suốt cả trận mưa đêm qua, rồi cứ thế ngồi đây suốt đêm, tôi không thể làm thế nào cho cô ấy nhúc nhích.”
Hạnh nhìn chúng tôi ngơ ngác:
“Suốt đêm? Cái gì khiến nó không ngủ? Chắc không phải vì sợ sấm chứ? Hết sấm sét từ mấy giờ đồng hồ rồi còn gì?”
Cả hai chúng tôi đều không muốn để lộ việc Hy đi vắng, chừng nào mà chúng tôi còn có thể dấu được. Tôi trả lời là tôi không hiểu sao cô ấy lại dở chứng. Còn Liên thì im lặng. Buổi sáng mát lạnh. Tôi kéo chiếc cửa sổ mắt cáo, và căn phòng thoảng ngập hương thơm của khu vườn ngoài kia đưa vào. Liên cằn nhằn tôi:
“Vú Diễn, vú có đóng ngay cửa lại không, tôi đang rét run đây này.”
Hai hàm răng đánh vào nhau lập cập, Liên co ro ngồi sát vào gần hơn đống than đã sắp tàn.
Hạnh cầm lấy cổ tay Liên:
“Cô ấy ốm đây mà. Có lẽ vì thế cô ấy không muốn đi ngủ. Nhưng vì cớ gì Liên lại ra mưa?”
Bác Dọi nhân lúc chúng tôi lưỡng lự liền oang oang lên:
“Chạy theo trai ấy chứ còn làm gì? Nửa đêm đi ngao du ở ngoài cánh đồng với ông Hy quỷ nhà trời. Nếu tôi là cậu chủ tôi tống cổ đi hết là xong. Không có ngày nào cậu chủ đi vắng là cậu Kha không lò dò đến. Còn vú Diễn nữa, gái đâu mà thế! Vú ấy rình rình, hễ cậu chủ vào cửa này thì cậu Kha chuồn ra cửa khác, tôi thấy cậu Kha lúc đến lẫn cả lúc về, vú chạy bổ vào phòng báo tin ngay khi có tiếng chân ngựa của cậu chủ lộp cộp trên đường.”
Liên kêu lên:
“Im đi cái thứ nghe trộm ở cửa. Đừng có nói hỗn trước mặt tôi. Anh Hạnh ạ, cậu Kha hôm qua đến bất thần chính tôi bảo cậu ấy đi vì tôi biết anh không thích gặp cậu ta lúc anh say.”
“Thôi việc cậu Kha hãy để đấy. Đêm qua cô có đi với thằng Hy không? Bây giờ nói thực đi. Cô không việc gì phải sợ làm hại nó, tuy anh ghét nó hơn bao giờ hết, nhưng vì mới rồi nó giúp anh một việc rất lớn nên anh không nỡ nào vặn cổ nó. Muốn cho khỏi ngứa tay, anh sẽ đuổi cổ nó đi ngay sáng mai.”
Liên bắt đầu khóc não nuột, trả lời:
“Tôi không gặp Hy đêm qua. Nếu anh đuổi Hy đi thì em sẽ bỏ đi với anh ấy. Nhưng đã chắc đâu anh đuổi được Hy. Có lẽ Hy đã bỏ nhà đi rồi.”
Đến đây, Liên không sao kìm hãm được nỗi buồn khổ và bật lên khóc; lời nàng nói về sau chỉ là những tiếng ú ớ.
Hạnh chửi rủa Liên thậm tệ rồi bảo Liên đi về phòng. Tôi bắt nàng nghe lời và khi lên tới buồng, tôi không sao quên được cảnh tượng nàng lúc đó: tôi lấy làm kinh hãi. Tôi tưởng nàng lên cơn điên và tôi bảo bác Dọi đi tìm ngay bác sĩ Kiên. Liên bắt đầu mê hoảng. Ông Kiên thoạt thấy nàng đã nói nàng ốm nguy kịch, lên cơn sốt. Ông trích máu trong người nàng và dặn tôi phải cẩn thận giữ gìn đừng để nàng nhẩy xuống cầu thang hay nhẩy qua cửa sổ.
Sau cùng Liên thắng nổi bệnh. Bà cụ Tôn đến thăm nhiều lần và khi Liên gần khỏi bà cố mời Liên về ở Hoạ Mi Trang. Chúng tôi cám ơn bà vì đuợc thoát nạn. Nhưng bà Tôn về sau mới hối hận về sự tử tế của mình: cả ông cụ Tôn lẫn bà Tôn đều cũng bị sốt và từ trần cách nhau mấy ngày.
Liên khi trở về nhà lại còn hống hách, bẳn tính và kiêu căng hơn trước. Từ đêm mưa bão, chúng tôi không ai nghe thấy nói đến Hy nữa. Một hôm vì Liên làm tôi phát cáu tôi trót dại đổ cho nàng cái trách nhiệm vì nàng mà Hy bỏ đi: sự thực là như vậy mà nàng cũng biết rõ thế. Từ lúc đó nàng chấm dứt giao dịch với tôi. Với cả bác Dọi nữa. Ông Kiên lại bảo cần không được làm nàng phật ý, phải để nàng tự do muốn làm gì thì làm, cưỡng lại hay làm trái ý Liên tức là làm nguy đến tính mạng nàng. Liên muốn gì thì Hạnh chiều ý ngay; như thế không phải vì Hạnh yêu nàng mà chỉ vì sĩ diện. Hạnh mong Liên lấy Kha để đem lại vinh dự cho gia đình mình. Miễn là Hạnh được yên thân còn Liên có dầy xéo lên chúng tôi như những đứa nô lệ, Hạnh cũng mặc xác.
Còn Kha thì như mù quáng. Ba năm sau, Kha tưởng mình là người sung sướng nhất đời khi cùng Liên vào nhà thờ làm lễ kết hôn.
Còn tôi, tôi buộc lòng phải rời bỏ Gió Hú và đến Hoạ Mi Trang với Liên. Cậu bé Hạ mới lên năm, tôi vừa mới bắt đầu khai tâm cho cậu. Tôi rất buồn lòng phải chia tay với cậu bé. Kha trả lương tôi rất hậu, Hạnh bắt tôi phải cuốn gói đi. Bấy giờ trong nhà không có bà chủ, không cần có người ở gái nữa. Tôi ôm lấy bé Hạ và từ biệt, từ lúc đó Hạ đối với tôi như người xa lạ hẳn.

°

Nói đến đây, bác Diễn tình cờ nhìn lên đồng hồ treo trên lò sưởi và ngạc nhiên thấy kim đã chỉ một giờ rưỡi. Bác không muốn ngồi nán lại một giây phút nào nữa, thực ra tôi cũng muốn để câu chuyện sẽ tiếp tục vào một khi khác.
Chú thích:
[1]Kenneth