Dịch giả: Nhất Linh, Nguyễn Tường Thiết
Chương 26 - 27

Những ngày đầu mùa hạ đã trôi qua từ lâu, Kha mới miễn cưỡng chấp thuận lời khẩn nài của hai đứa trẻ và lần đầu tiên Liên và tôi cỡi ngựa đi gặp Tôn. Đó là một ngày tuy không có nắng nhưng trời oi bức ngột ngạt. Bầu trời vẩn mây và đầy sương mù, nhưng không thể có mưa. Chỗ hẹn của chúng tôi được định trước là ở cột chỉ đường đầu ngã ba, nhưng khi chúng tôi đến nơi thì chỉ thấy một thằng bé chăn bò đưa tin. Nó nói:
“Chú Tôn đang đợi phía bên này trại, hai người chịu phiền đi xa thêm một quãng..."
Tôi bảo:
“Chưa chi mà chú Tôn đã sai lời căn dặn của ông bác rồi. Ông ấy cấm chúng mình ra khỏi địa phận Họa Mi Trang cơ mà."
Liên đáp:
“Không sao! Gặp Tôn rồi mình cho ngựa quay đầu lại ngay, thế là mình vẫn đi chơi về phía nhà mình."
Thế nhưng đến lúc gặp Tôn chúng tôi chỉ cách Đỉnh Gió-Hú độ ba bốn trăm thước. Vì Tôn không đi ngựa nên chúng tôi đành phải xuống ngựa và thả cho nó ăn cỏ.
Tôn nằm dài trên bờ cỏ đợi chúng tôi lại gần, và mãi đến lúc chúng tôi còn cách mấy bước nó mới chịu đứng dậy. Nó đứng không vững, nước da xanh mét đến nỗi tôi phải kêu lên:
“Kìa chú Tôn, chú thế kia thì làm sao đi chơi sáng nay được. Trông chú ốm yếu quá!”
Liên kinh ngạc buồn bã nhìn Tôn. Tiếng reo vui sắp thốt ra cửa miệng Liên biến thành tiếng la hoảng. Những lời chào mừng dành cho cuộc gặp gỡ mong đợi từ lâu mà cứ bị trì hoãn, nay đổi thành những câu thăm hỏi lo lắng về sức khỏe Tôn, xem có phải Tôn đau nặng hơn trước không?”
Tôn thở hổn hển đáp:
“Không... Khá hơn... Khá hơn!”
Tôn run rẩy nắm lấy tay Liên như để đứng cho vững. Đôi mắt xanh to của Tôn rụt rè nhìn cô gái, quầng trũng sâu quanh mắt biến cái vẻ uể oải trước kia thành vẻ hốc hác man dại.
Cô chị họ nhất mực kêu lên:
“Nhưng trông Tôn tệ hơn trước, hơn lần sau cùng tôi gặp... Tôn gầy hơn, và..."
Tôn vội ngắt lời:
“Tôi mệt. Nóng quá không đi bộ được. Mình ngồi xuống đây nghỉ đã. Buổi sáng tôi hay bị ốm... Ba bảo tại tôi lớn mau quá."
Liên miễn cưỡng ngồi xuống, Tôn ngồi tựa bên. Nàng cố làm ra vui vẻ, nói:
“Chỗ này gần giống thiên đường của Tôn đấy nhá! Tôn còn nhớ hồi trước tụi mình đồng ý sẽ ở hai ngày tại nơi nào mình thích nhất và tìm cách nào tiêu khiển thú vị nhất không? Ở đây cũng gần gần giống nơi Tôn thích nhất, chỉ phải cái hôm nay có mây che. Nhưng mây dịu êm thế kia còn đẹp hơn cả nắng. Nếu Tôn không mệt tuần sau mình sẽ đi ngựa xuống vườn trại Họa Mi Trang để xem cái thiên đuờng của Liên."
Tôn có vẻ như không nhớ tí gì về câu chuyện Liên nói. Hiển nhiên là nó phải chịu đựng một cách cực nhọc bất cứ câu chuyện gì trong lúc này. Liên không giấu nổi vẻ thất vọng vì rõ ràng là Tôn không thiết nghe, không góp chuyện, cũng không đủ sức làm gì cho Liên vui. Con người và thái độ của Tôn thay đổi một cách khó tả. Cái thói hay hờn của Tôn mà trước đây nếu khéo vuốt ve có thể chuyển thành trìu mến thì nay biến thành thờ ơ lãnh đạm. Nó bớt đi cái tính hờn dỗi của một đứa bé hay quấy để được dỗ dành, nhưng lại tăng cái vẻ u buồn của một đứa bệnh hoạn lâu năm, đã không chịu để người ta an ủi mà lại xem cái vui của người khác là điều xỉ nhục cho mình.
Liên cũng nhận thấy như tôi rằng Tôn xem việc gặp gỡ là một cực hình hơn là một ơn huệ nên nàng không ngần ngại đòi về ngay. Như chợt tỉnh cơn mê, Tôn bỗng bối rối một cách lạ lùng, đưa mắt sợ sệt nhìn về phía Gió Hú và năn nỉ Liên hãy nán ở lại ít nhất là nửa giờ nữa.
Liên đáp:
“Kìa, tôi tưởng là Tôn ở nhà dễ chịu hơn là ngồi đây chứ. Vả lại hôm nay tôi thấy mình không thể giúp vui Tôn bằng cách kể chuyện, hát hay tán gẫu được. Trong sáu tháng qua Tôn đã khôn lớn hơn tôi nhiều, Tôn không còn khoái mấy trò tiêu khiển của tôi nữa. Nếu tôi có thể làm gì cho Tôn vui tôi sẽ làm ngay."
“Liên hãy ở lại đây nghỉ ngơi một lát. Và đừng nghĩ cũng như đừng nói là tôi rất ốm yếu... Ấy tại thời tiết nặng nề oi bức quá làm tôi đâm uể oải đó thôi. Trước khi Liên tới tôi đã đi bộ loanh quanh mãi... đối với tôi đi thế là quá nhiều. Liên về nói với bác là sức khoẻ tôi cũng kha khá nhé."
Ngạc nhiên vì thấy Tôn cứ nhất định nói một điều rõ ràng là sai sự thực, Liên đáp:
“Tôi sẽ bảo ba là Tôn nói như vậy. Tôi không thể nói quyết là Tôn khỏe mạnh được."
Tôn tránh cái nhìn xoi mói của Liên, nói tiếp:
“Thứ năm tới Liên lại đây nhớ. Cho tôi gửi lời cám ơn bác cho phép Liên tới đây...tôi cám ơn hết sức... Và... và, nếu Liên có gặp ba tôi hỏi gì về tôi thì Liên nói kheo khéo cho, làm sao cho ba tôi khỏi nghi ngờ là tôi đã ngu xuẩn quá, chẳng nói được đến một câu... và cũng đừng lộ mặt rầu rĩ thất vọng như bây giờ nhớ...nếu không ba tôi sẽ giận lắm đấy."
Tưởng mình là đầu mối để cho cha Tôn giận, Liên kêu lên:
“Ông ấy giận thì kệ ông ấy, mắc mớ gì đến tôi!”
Tôn sợ hãi nói:
“Nhưng tôi sợ ba giận lắm! Liên đừng có chọc ông ấy giận tôi, ổng dữ lắm!”
Tôi xen vào:
“Vậy ra ông ấy dữ với Tôn thế kia à? Ông ấy đã chán chiều chuộng chú và không còn che giấu lòng căm ghét chú rồi à?”
Tôn chỉ nhìn tôi, không đáp. Chúng tôi ngồi thêm với nó mười phút. Trong khoảng thời gian ấy Tôn ngồi gục đầu xuống ngực, không nói một lời, ngoài tiếng rên rỉ mệt nhọc và đau đớn mà nó cố nén không được. Lên ngồi buồn kiếm mấy quả quất dại chia cho tôi ăn nhưng không mời Tôn vì biết rằng có để ý đến nó cũng chỉ tổ làm nó khó chịu thêm.
Sau cùng Liên ghé tai tôi nói:
“Dễ cũng tới nửa tiếng rồi đấy, vú Diễn? Em thấy mình chả có lý do gì ở lại đây. Tôn thì ngủ gục còn ba thì mong mình về."
Tôi đáp:
“Vâng. Nhưng mình không nên bỏ chú ấy ngủ ở đây. Ráng chờ chú ấy thức dậy đã. Mà sao lạ, lúc đi thì cô nóng lòng gặp nó thế, bây giờ lại chán đòi về?”
“Nhưng tại sao Tôn lại cứ muốn gặp em? Hồi trước, ngay những lúc Tôn giận dỗi cáu kỉnh nhất, em còn thấy thích nó hơn là lúc này. Em có cảm tưởng là Tôn bị ép phải gặp em, nếu không sẽ bị cha nó mắng. Nhưng đừng hòng em sẽ làm theo ý thích của ông Hy, bất kể là ông ấy có lý do gì để cưỡng ép Tôn phải chịu cái cực hình này. Và em tuy mừng là thấy sức khoẻ Tôn khá hơn, em lại buồn thấy nó không còn dễ thương như trước nữa."
“Thế cô cho là chú ấy khoẻ mạnh hơn trước à?”
“Vâng. U biết đấy, tính nó bao giờ cũng quan trọng hóa ghê gớm nỗi đau đớn của mình. Hôm nay tuy nó không “khá khá” như nó bảo em về nói với ba, nhưng xem ra nó có vẻ đỡ hơn thật."
“Thế thì cô khác ý tôi rồi, cô Liên ạ. Tôi thấy chú ấy yếu hơn thì có."
Đến đây, Tôn chợt giật mình thức dậy, hốt hoảng hỏi xem có ai vừa gọi tên mình không. Liên đáp:
“Không có ai cả. Chắc là trong giấc mơ. Tôi không hiểu nổi vì sao mới sáng ra mà Tôn đã ngủ gà ngủ gật ở ngoài trời như thế?”
Tôn đưa mắt nhìn mô đất gần đấy, vừa thở vừa nói:
“Tôi ngỡ ba tôi gọi. Mà Liên có chắc là không có ai gọi tôi chứ?”
“Chắc mà. Chỉ có vú Diễn và tôi đang bàn về sức khoẻ Tôn. Có thật là Tôn khoẻ hơn là hồi mình gặp nhau mùa đông năm rồi không? Nếu đúng thế thì chắc là... lòng Tôn với tôi không như trước... Nói thật đi, có thật Tôn khoẻ hơn trước không?”
Nước mắt ứa ra, Tôn đáp:
“Thật mà! Khỏe hơn thật mà!”
Rồi, như vẫn còn bị ám ảnh bởi một tiếng gọi vô hình, Tôn đưa mắt nhìn ngược nhìn xuôi xem có ai quanh quẩn ở đấy không. Liên đứng dậy, nói:
“Hôm nay thế là đủ rồi. Chúng mình phải chia tay. Chẳng nói dấu gì Tôn, cuộc gặp này làm tôi thất vọng. Tôi chỉ nói cho Tôn biết thế thôi chứ tôi không nói với ai đâu. Không phải tôi sợ ông Hy đâu."
Tôn nói khẽ:
“Ấy đừng! Ba tôi đến kia kìa!”
Rồi nó đeo lấy cánh tay Liên cố giữ nàng lại. Nhưng nghe nó nói thế, Liên vội gỡ tay ra, huýt sáo gọi Minh Nhi. Con ngựa ngoan ngoãn tiến lại gần chủ.
Vừa nhẩy lên mình ngựa, Liên đã thúc tôi chạy mau và la lớn:
“Thứ năm sau tôi trở lại đây!”
Thế là chúng tôi bỏ mặc Tôn đấy. Nó vì còn mải nghĩ tới chuyện cha nó sắp tới nên chưa kịp nhận thấy chúng tôi đi mất.
Trước khi về tới nhà, nỗi bực bội của Liên dịu xuống, nhường chỗ cho một nỗi bâng khuâng nửa thương nửa tiếc và hoang mang không biết hiện trạng sức khỏe và tinh thần Tôn ra sao. Tôi chia sẻ với Liên nỗi lòng ấy, nhưng tôi bảo nàng đừng bàn thêm chuyện này và đợi lần sau gặp lại mới có thể nhận xét đúng hơn.
Cậu Kha bắt thuật lại chuyện cho cậu nghe. Liên nhắc lại đúng những lời Tôn cám ơn cậu ấy nhưng những điều khác thì chỉ nói phớt qua. Tôi cũng trả lời để cậu rõ hơn một chút vì tôi chẳng biết nên nói cái gì, giấu cái gì.
Chương XXVII
Bảy ngày trôi qua; mỗi ngày đánh dấu bằng một trận đau khiến sức khỏe của Kha sút giảm rất mau chóng. Một cơn đau ngắn ngủi trong mấy tiếng đồng hồ tàn phá sức khỏe của Kha tai hại bằng một trận ốm lâu mấy tháng hồi trước. Chúng tôi định giấu không cho Liên biết sự thực nhưng không giấu nổi vì Liên rất nhậy cảm. Nàng ngầm đoán một chuyện khủng khiếp có thể xẩy ra và dần dà, điều ước đoán của nàng trở thành sự thực.
Liên lo âu hết sức, đến nỗi thứ năm tới rồi mà nàng không còn bụng dạ nào nghĩ đến chuyện đi ngựa chơi nữa. Tôi phải nhắc hộ Liên. Tôi cũng được lệnh bắt cô phải ra khỏi nhà. Cậu Kha chỉ ghé qua phòng sách một chốc lát thôi chứ không đủ sức ngồi lâu thành thử phòng sách và phòng ngủ của cậu đã trở thành thế giới của Liên. Vì mải lo săn sóc cha và vì buồn phiền nên nàng trông xanh xao khiến cậu tôi phải xua nàng đi chơi, mong rằng không khí và khung cảnh thay đổi sẽ làm nàng vui lên. Cậu Kha cũng được an tâm hơn với niềm hy vọng sau khi mình qua đời, con gái mình không đến nỗi phải hoàn toàn cô đơn.
Cậu Kha có một định kiến. Nhiều lần cậu để lộ ra và tôi đoán biết. Cậu cho rằng thằng cháu đã giống vóc dáng cậu, tất nhiên nó cũng phải giống cậu về tinh thần, vì trong thư Tôn không để lộ ra hoặc lộ ra rất ít những tính xấu của nó. Còn tôi, vì cả nể tôi không nói ra là cậu sai lầm. Tôi tự nhủ là cái tội của tôi có thể tha thứ được vì có nói ra cũng không ích lợi gì mà chỉ làm cậu buồn thêm trong những ngày cuối cùng của đời cậu. Vả chăng, cậu không có khả năng cũng như không có cơ hội để cải thiện tình trạng.
Chúng tôi hoãn cuộc đi chơi đến chiều, một buổi chiều tháng tám vàng rực. Mỗi cơn gió từ các quả đồi thổi đến đều đem lại một luồng sinh khí tưởng như bất kỳ ai hít thở nó thì dù có sắp chết cũng có thể sống lại được.
Gương mặt Liên thay đổi chẳng khác nào khung cảnh xung quanh, hết bóng dâm lại tới ánh nắng lướt trên mặt nàng, nhưng bóng tối lưu lại lâu hơn còn ánh nắng thì chỉ thoảng qua. Nàng thỉnh thoảng tự trách mình đã lơ đễnh để quên đi những âu lo trong lòng.
Tôn đứng đợi chỗ nó đã chọn lần trước. Liên định bụng chỉ ở lại giây lát thôi nên nàng bảo tôi cứ ngồi yên trên ngựa và giữ con Minh Nhi không cho nó chạy rông. Nhưng tôi không chịu. Tôi được giao phó trông nom Liên nên không dám liều lĩnh xa nàng lấy một phút. Cả hai chúng tôi trèo dốc đi lên.
Tôn đón chúng tôi sốt sắng hơn lần trước. Nhưng không phải cái sốt sắng vì phấn khởi hay vui mừng mà có vẻ do sợ hãi thì đúng hơn. Với giọng đứt quãng và khó nhọc, Tôn nói:
“Liên đến muộn quá! Bác đau nặng phải không? Tôi tưởng Liên không đến."
Liên không chào hỏi gì cả, nói ngay:
“Sao Tôn không thành thật với tôi? Sao Tôn không nói thẳng là Tôn không cần gặp tôi nữa có phải hơn không? Thật lạ quá, đây là lần thứ hai Tôn hẹn tôi đến đây chỉ cốt gây buồn phiền cho cả hai đứa mà chả có lý do gì cả."
Tôn run lên nhìn Liên lộ vẻ vừa cầu khẩn vừa xấu hổ, nhưng cô chị họ không đủ kiên nhẫn để chịu đựng cái thái độ mập mờ bí ẩn ấy. Nàng nói:
“Ba tôi đau nặng lắm. Vì hẹn Tôn mà tôi không săn sóc ba tôi được. Nếu không thích gặp tôi sao không gửi tôi vài chữ bảo tôi khỏi cần giữ lời hứa? Nào, hãy giải thích đi! Tôi không còn tâm trí đâu nữa để đùa bỡn, cũng không có thì giờ đâu để xem trò kịch cỡm của Tôn."
Tôn lắp bắp:
“Trò kịch cỡm? Trò gì đâu? Thôi, xin Liên đừng cáu! Liên có khinh tôi thế nào tôi cũng chịu. Vì tôi là đứa khốn nạn, hèn nhát, đáng khinh...không đáng để Liên phải giận. Liên có oán thì oán ba tôi ấy, đừng oán giận tôi."
Liên kêu lên giận dữ:
“Vô lý! Đồ điên! Vú trông kìa! Nó run lên làm như tôi sắp đụng đến người nó. Này, khỏi phải cầu ai khinh, cữ ấy thì ai cũng khinh hết! Thôi cút đi cho rảnh mắt! Tôi về đây... Thật là điên mới kéo mi ra khỏi cái lò sưởi. Lại còn giả vờ giả vịt nữa chứ... Buông áo tôi ra.. Đáng lý lúc ta thương hại mi vì thấy mi khóc lóc sợ hãi thế kia mi phải cự lại mới phải chứ? Vú Diễn này, hãy vạch cho nó biết tư cách xấu xa của nó... Đứng lên! Đừng có hạ mình bò càng ra như thế, coi không được. Nghe chưa?”
Nét mặt đau khổ lẫn kinh hoảng, nước mắt đầm đìa, Tôn mềm người nằm rũ ra đất. Nó quằn quại nức nở:
“Trời ơi! Thế này làm sao tôi chịu nổi! Liên ơi, tôi còn là một thằng phản bội nữa nhưng tôi không dám nói đâu! Nếu Liên bỏ tôi người ta sẽ giết tôi! Sinh mạng tôi ở trong tay Liên... Liên bảo Liên yêu tôi... Liên yêu quý, đừng bỏ về vội... Chúng mình sẽ cùng chết với nhau... Liên chịu rồi phải không?”
Liên cúi xuống nâng Tôn dậy. Lòng mềm yếu của Liên đã thắng cơn giận của nàng. Liên xúc động và kinh hãi nói:
“Chịu cái gì? Ở lại à? Nói rõ đi thì tôi sẽ ở lại. Tôn nói cái gì mà khó hiểu quá làm tôi điên cái đầu lên đây này. Bình tĩnh đi! Và Tôn phải thành thực, có gì chất chứa trong lòng cứ nói ra hết đi. Tôn không muốn hại tôi, phải không? Tôn không muốn ai hại tôi, phải không? Tôi tin rằng Tôn có thể lo sợ cho bản thân mình, những Tôn không hèn nhát đến độ phản bội người bạn thân nhất của mình."
Tôn đan những ngón tay gầy guộc vào nhau, hổn hển đáp:
“Ba tôi đe dọa tôi... tôi sợ lắm... T ôi khiếp ba tôi lắm... Tôi không dám nói đâu!”
Vẻ thương hại lẫn khinh bỉ, Liên nói:
“À được. Cứ việc giữ bí mật đi. Ráng mà lo lấy thân. Còn tôi, tôi không phải là thứ chết nhát! Tôi không sợ."
Thấy Liên rộng lượng không bắt mình phải nói hết sự thực ra Tôn cảm động oà lên khóc. Nó khóc như mưa như gió, hôn bàn tay nàng, bàn tay đang nâng nó lên, nhưng vẫn chưa đủ can đảm thố lộ những bí mật trong lòng.
Trong lúc tôi đang cố đoán xem nó có chuyện gì ẩn ức và quyết không để cho Liên phải chịu đau khổ như thâm ý muốn thế của Tôn hay của bất kỳ ai khác, thì tôi chợt nghe có tiếng sột soạt trong bụi cây. Ngẩng lên, tôi thấy Hy từ phía trại Gió-Hú tiến đến chỗ chúng tôi. Mặc dù Hy đã đến gần, dư sức nghe thấy tiếng Tôn nức nở, nhưng hắn lờ đi không để ý đến hai đứa trẻ. Hy chào tôi, rồi bằng một giọng làm ra vẻ thân mật và thành thực như chỉ dành riêng cho tôi lúc bấy giờ - cái vẻ thành thật ấy tôi chẳng thể nào tin nổi - hắn nói:
“À, vú Diễn! Chắc có chuyện gì vú mới lại gần nhà tôi thế này? Bên Họa Mi Trang ra sao? Nói cho nghe nào! (hắn hạ thấp giọng), người ta đồn Kha đang nằm chờ chết... Có lẽ người ta phóng đại ra thế chứ gì?”
Tôi đáp:
“Không đâu. Người ta đồn đúng đấy. Cậu tôi bệnh rất nguy kịch. Đó là điều đau buồn cho chúng tôi, nhưng lại là điều ơn phước cho cậu tôi."
“Liệu ông ấy còn sống được bao lâu?”
“Tôi không biết."
Lúc ấy Hy mới nhìn hai đứa trẻ. Ánh mắt của hắn làm chúng sợ cứng người ra. Tôn thì hầu như không cử động hay cất đầu lên nổi; còn Liên vì mắc đỡ Tôn nên phải đứng yên.
Hy nói:
“Vì... cái thằng nhãi kia sắp làm hỏng cả kế hoạch của tôi nên... nếu bác nó tịch trước nó, tôi sẽ mang ơn bác nó vô cùng. Hừ! Cái thằng súc sanh kia đóng trò lâu chưa? Tôi đã tẩn cho nó mấy trận về cái tội khóc vờ khóc vịt... Chả biết nó có thường vui vẻ hoạt bát với cô Liên không?”
Tôi đáp:
“Hoạt bát à? Không có đâu.. Chú ấy buồn ghê buồn gớm. Cứ trông chú ấy thì biết. Tôi thấy đáng lý đi chơi với Liên chú ta phải nằm ở nhà có bác sĩ săn sóc mới phải."
Hy càu nhàu:
“Hai ba ngày nữa thôi chắc nó cũng phải nằm nhà thật đấy. Nhưng trước hết (hắn quát lớn)... Tôn! Đứng lên! Không được lăn ra đất như vậy! Đứng ngay lập tức!”
Tôn lại quỵ xuống một lần nữa. Tôi chắc ánh mắt của bố đã cướp mất hồn nó, chứ ngoài ra không một lý do gì khiến nó hành động nhục nhã như vậy. Sau nhiều lần cố gắng gượng dậy để tuân theo lệnh bố, còn chút sức lực thì lại bị tiêu tan hết, nên nó mới ngã xuống, kêu rên lên một tiếng.
Hy tiến tới, lôi xốc nó dậy để dựa vào bờ cỏ. Hắn đè nén lòng hung ác, dằn giọng nói:
“Tôn, tao sắp nổi sùng rồi đây...nếu mày không sai khiến được cái tinh thần bạc nhược của mày... Chết đi cho rảnh! Đứng ngay lên!”
Tôn giọng nghẹn ngào:
“Thưa ba, vâng! Nhưng ba để con yên. Con chết mất! Con đã làm đúng lời ba dặn.... Liên sẽ nói với cha là con... là con... đã vui vẻ. ới, Liên ơi! đứng đây với tôi, đưa tay đây."
Cha nó nói:
“Nắm tay tao đây này! Đứng cho vững! Như thế đó! Cô Liên sẽ cho mày vịn cánh tay... Đúng rồi, nhìn cô ấy. Cô Liên, chắc cô cho tôi là ác quỷ nên mới gây chuyện ghê gớm này. Cô hãy vui lòng đi về nhà với nó. Được không? Tôi mà đụng đến nó thì y như là nó run bắn lên!”
Liên khẽ bảo:
“Tôn à! Tôi không thể đến Gió Hú được đâu... ba tôi cấm... Mà sao Tôn lại sợ hãi thế, ba Tôn có làm gì Tôn đâu?”
“Tôi không trở về Trại nữa... Tôi không thể về Trại mà không có Liên."
Cha nó quát lên:
“Câm miệng ngay! Mình phải tôn trọng lòng hiếu thảo của cô Liên. Vú Diễn, đưa Tôn về. Tôi sẽ nghe lời vú mời bác sĩ ngay."
Tôi đáp:
“Cậu làm như vậy là phải. Nhưng tôi ở lại đây với cô tôi. Săn sóc con trai cậu không phải là việc của tôi."
Hy nói:
“Vú bướng bỉnh lắm! Tôi biết vậy... nhưng chẳng lẽ tôi phải véo thằng bé cho nó khóc thét lên vú mới động lòng sao? Lại đây, người hùng của tôi! Có muốn tao hộ tống mày về không?”
Hy tiến lại như muốn túm lấy thằng bé ốm yếu. Nhưng Tôn lùi lại, đeo cứng lấy cô chị, cuống cuồng năn nỉ cô phải đi với nó, không đi không được.
Tuy không bằng lòng, nhưng tôi không thể ngăn cản Liên. Thực ra, Liên làm sao có thể từ chối nổi? Tôi không làm cách nào để có thể biết cái gì đã làm thằng bé khiếp sợ đến thế, nhưng cứ trông nó đấy, cái móng vuốt của sự sợ hãi đã chụp lấy nó đến nỗi nó chỉ khiếp đảm thêm một chút nữa là nó phát điên.
Chúng tôi đi tới bực cửa. Liên bước vào trong. Tôi đang định đứng ngoài chờ nàng đưa thằng bé bệnh hoạn ấy ngồi vào ghế rồi ra ngay thì Hy đẩy tôi vào. Hắn kêu:
“Vú Diễn! Nhà tôi không có ai mắc bệnh dịch đâu mà sợ! Vả hôm nay tôi có ý định chiêu đãi khách đây. Vú ngồi xuống và cho phép tôi đóng cửa."
Hắn đóng cửa nhưng lại khóa cẩn thận. Tôi giật nẩy người lên. Hắn nói ngay:
“Vú uống trà xong xuôi mới về được. Chỉ mình tôi ở nhà. Hạ bận giắt mấy con bò đi xa... Còn Dị và Dọi tôi cho nghỉ phép đi chơi. Tôi tuy quen sống một mình, nhưng nếu có khách quý thì tôi vẫn thích hơn. Cô Liên, mời cô ngồi cạnh nó... Tôi xin trao nó cho cô. Món quà này kể cũng chả bõ nhận, nhưng tôi lại chẳng có cái gì khác để tặng cả... Ý tôi muốn nói thằng Tôn ấy mà! Kìa, sao cô lại trố mắt ra thế? Lạ nhỉ! Tôi muốn nổi hung lên với bất cứ ai có vẻ khiếp sợ tôi! Giá tôi sống ở một nơi luật pháp ít nghiêm khắc hơn và sở thích của người ta cũng ít cầu kỳ hơn thì một buổi chiều nào đó tôi sẽ đem hai đứa kia ra mà từ từ giải phẫu thân thể chúng nó để giải trí chơi!”
Hắn hít một hơi thở mạnh rồi đấm tay xuống bàn, lẩm bẩm một mình:
“Đồ chết tiệt! Tôi thù chúng nó!”
Không nghe rõ câu cuối cùng hắn nói, Liên kêu lên:
“Tôi không sợ ông!”
Rồi nàng tiến lại sát bên Hy, đôi mắt lóe lên giận dữ và quả quyết:
“Đưa chìa khóa cho tôi... Đưa đây! Tôi không thèm ăn uống gì ở đây hết, chết đói tôi cũng không thèm!”
Hy giữ chiếc chìa khóa trong bàn tay vẫn đặt trên bàn. Hắn nhìn lên, ngạc nhiên về thái độ hung hãn của nàng, hoặc giả giọng nói và cử chỉ của Liên nhắc nhở hắn nhớ đến người mà nàng được thừa hưởng những nét ấy. Liên chớp lấy cái chìa khóa, suýt nữa giật được chìa khóa ra khỏi mấy ngón tay cầm lỏng của Hy; nhưng hành động ấy của nàng kéo hắn trở về thực tại, hắn giật ngay lại rồi nói:
“Này cô Liên, đứng xê ra, không tôi quật một cái ngã lăn ra bây giờ. Như vậy chỉ tổ làm bà Diễn bà ấy phát điên lên."
Bất chấp lời đe của hắn, Liên vừa chụp lấy bàn tay cầm chìa khóa của Hy vừa kêu lên:
“Chúng tôi phải ra khỏi đây!”
Liên gắng hết sức mình để bẻ duỗi những ngón cứng như sắt kia ra, và thấy dùng móng tay không ăn thua, nàng ghé răng vào cắn thực mạnh. Hy đưa mắt gờm tôi khiến tôi không dám can thiệp ngay. Còn Liên vì mải để ý đến ngón tay Hy nên không thấy nét mặt hắn. Bất ngờ, hắn mở bàn tay bỏ rơi chiếc chìa khóa. Liên chưa kịp cầm cho chặt thì hắn đã giang tay túm lấy nàng lôi sát vào đầu gối, tát túi bụi hai bên đầu. Giá Liên có thể ngã xuống được thì nội một cú tát ấy cũng đủ khiến nàng gục rồi.
Thấy hắn hành hung độc ác như thế tôi giận quá xông vào hắn, la to:
“Đồ khốn nạn! Khốn nạn!”
Một quả đấm thụi vào ngực làm tôi im bặt. Tôi khỏe thế mà chỉ một cú đấm đã làm tôi tắc thở. Vừa đau vừa cáu, tôi lảo đảo lùi lại, cảm thấy nghẹt thở và các mạch máu như muốn vỡ bung ra.
Sự việc xẩy ra không quá hai phút. Hắn buông Liên ra. Nàng đưa tay ôm lấy thái dương như thể không chắc hai tai mình còn hay mất. Nàng run lẩy bẩy, dựa vào bàn, sửng sốt cực độ, trông hết sức tội nghiệp.
Cái thằng quỷ hung ác vừa cúi nhặt chiếc chìa khóa rớt dưới đất vừa nói:
“Thấy chưa! Tôi biết cách trị bọn trẻ con mà. Bây giờ ra ngồi cạnh thằng Tôn như tao bảo đi! Muốn khóc, cứ tha hồ mà khóc. Ngày mai tao sẽ làm cha mày... trong mấy ngày tới mày sẽ không có người cha nào khác đâu...mày sẽ bị nhừ đòn. Mày đâu có ốm yếu, mày chịu đòn được mà! Nếu tao còn thấy mắt mày long lên sòng sọc như thế nữa thì mày sẽ được nếm đòn hàng ngày."
Liên không đến cạnh Tôn mà lại chạy tới tôi, quỳ xuống, áp má nóng hổi lên đùi tôi, òa khóc. Thằng em họ thì nép vào một đầu ghế, nín khe. Tôi dám chắc là nó đang mừng thầm rằng trận đòn vừa rồi rơi lên đầu người khác chứ không phải lên đầu nó.
Thấy tất cả chúng tôi đều bối rối lúng túng, Hy đứng lên, tự mình nhanh chóng pha trà lấy. Tách, đĩa đã bầy sẵn từ trước; hắn rót trà, đưa tôi một chén:
“Uống để nuốt hận đi. Rồi cho hai đứa hư đốn kia uống. Tôi pha đấy. Không có thuốc độc đâu. Tôi ra tìm ngựa cho."
Hy đi khỏi, ý nghĩ đầu tiên của chúng tôi là tìm lấy một lối thoát thân. Chúng tôi cố mở cửa bếp, nhưng bên ngoài đã đóng chặt. Nhìn mấy khung cửa sổ thì... hẹp quá. Liên chui còn không lọt. Thấy mình bị giam, tôi kêu:
“Này chú Tôn! Chú biết người cha độc ác của chú định làm cái trò gì thì chú hãy nói ra đi. Nếu không tôi sẽ bợp tai chú như cha chú đã đánh Liên vừa rồi."
Liên nói thêm:
“Phải đấy. Tôn nói cho biết đi. Tôi đến đây là vì Tôn. Nếu Tôn không nói thì thực là vô ơn."
Tôn đáp:
“Tôi khát quá! Cho tôi chén trà tôi sẽ nói cho nghe. Bà Diễn, bà tránh ra xa, tôi không thích bà đứng gần tôi. Kìa, cô Liên, cô để rớt nước mắt vào tách trà của tôi rồi. Tôi không uống tách ấy đâu. Đưa tôi cái khác."
Liên đẩy một tách trà khác cho nó rồi lau nước mắt. Thấy thái độ tỉnh khô của thằng nhãi con đê tiện ấy mà tôi phát ghét. Nó không còn sợ gì cho bản thân nó nữa. Sau khi bước chân vào trại Gió-Hú, cái vẻ đau khổ mà nó để lộ ra ở ngoài đồng đã biến tan đau mất. Vì vậy tôi tin chắc là nó đã bị đe dọa ghê gớm nếu nó không dụ được chúng tôi vào đây, bằng không nó sẽ bị trừng phạt nặng nề. Bây giờ thì nhiệm vụ của nó đã xong, nó chưa có gì đáng phải sợ ngay.
Uống xong vài ngụm trà, nó nói tiếp:
“Ba tôi muốn chúng mình lấy nhau. Ba biết là cha Liên sẽ không chịu chúng mình cưới nhau bây giờ. Nếu chúng mình phải đợi lâu, ba tôi sợ tôi chết. Cho nên sáng mai mình phải cưới nhau. Đêm nay Liên phải ở lại đây. Nếu Liên làm theo ý ông thì ngày kia Liên sẽ về bên ấy đem theo tôi về cùng."
Tôi kêu lên:
“Đem chú mày về cùng? Tội nghiệp kẻ ngu ngốc kia ơi! Lấy chú mày? Trời đất, chú mày điên nên tưởng tụi này cũng điên hết rồi! Chú mày dám cả gan tưởng rằng một cô gái xinh đẹp khỏe mạnh hiền hậu mà lại đi lấy một con khỉ con sắp chết như chú mày hay sao? Cứ một cái tội vờ vịt kêu rêu khóc lóc để dụ bọn ta về đây, cũng đủ đáng nhừ đòn rồi... đừng làm ra cái bộ ngớ ngớ ngẩn ngẩn nữa! Ta muốn tẩn cho mi một trận nên thân về cái tội bội phản đê tiện kia và cả cái ý tưởng ngu xuẩn kia nữa."
Tôi mới nắm lấy vai nó lắc nhẹ mấy cái thế mà chưa chi nó đã nổi con ho và bắt đầu giở cái trò khóc lóc rên rỉ ra. Liên cự tôi rồi kêu lên:
“Ở đây suốt đêm? Không được đâu! (nàng đưa mắt quan sát chung quanh), vú Diễn, cứ đốt cháy rụi cánh cửa này là ra được."
Nếu Tôn không hoảng hồn lên vì lo cho cái bản thân quý báu của nó thì chắc Liên đã thực hiện ngay lời đe dọa của nàng. Thằng ranh con ôm lấy Liên trong hai cánh tay khẳng khiu của nó, mếu máo nói:
“Liên không muốn lấy tôi, không muốn cứu tôi sao? Liên không muốn tôi về Họa Mi Trang sao? Ôi, Liên yêu quý của tôi. Đừng bỏ tôi! Dẫu sao Liên cũng phải nghe lời ba tôi..."
Liên đáp:
“Tôi chỉ nghe lời ba tôi thôi! Không thể để ba tôi chết vì lo lắng cho tôi. Suốt đêm? Ba sẽ nghĩ gì? Chắc ba tôi đã lo lắm rồi! Tôi mà không phá thì cũng phải đốt để tìm lối thoát ra khỏi nhà này. Im mồm ngay! Mi đâu có gì nguy hiểm mà sợ... Tôn, ta yêu ba hơn mi! Nếu mi ngăn cản..."
Nghĩ đến việc bố nó nổi giận, thằng Tôn run sợ lên và trở lại diễn cái trò hèn nhát cũ. Liên hầu như quẫn trí, nhưng nàng vẫn cương quyết đòi về. Bây giờ đến lượt nàng năn nỉ nó hãy trấn tĩnh và đừng có lo sợ cho riêng bản thân nó như thế.
Trong lúc hai đứa còn đang lỉnh kỉnh với nhau thì tên cai ngục trở lại. Hắn nói:
“Hai con ngựa chạy mất tiêu rồi... Kìa, Tôn! Lại sụt sịt rồi hả? Nó làm gì mày? Thôi nín đi, đi ngủ đi. Rồi, con ơi, một hai tháng nữa thôi mày sẽ thẳng tay trừng trị nó cái tội ức chế mày ngày hôm nay... Mày thì chỉ mơ tưởng cái ái tình trong trắng thôi, phải không nào? Chuyện đâu còn đó... Nó sẽ lấy mày... Nào đi ngủ đi! Tối nay Dị đi vắng mày phải thay quần áo lấy. Hừ, nín ngay! Mày về phòng rồi mày khỏi sợ gì hết vì tao không làm gì mày đâu. Cũng may mà việc mày làm không đến nỗi nào. Phần còn lại đã có tao lo!"
Nói rồi, Hy mở và giữ cửa cho thằng con đi ra. Như một con chó len lén cúp đuôi, thằng bé đi ra mà chỉ sợ người giữ cửa nện cho nó một cái nhừ tử.
Hy khóa cửa lại, tiến gần lò sưởi, chỗ Liên và tôi đang đứng im. Liên nhìn lên và theo bản năng tự vệ, đưa tay lên má... Việc hắn đứng gần đã nhắc nàng nhớ lại cái cảm giác đau đớn ban nẫy. Giá ở người khác thì chẳng ai nhìn cái cử chỉ con nít ấy một cách khe khắt, nhưng hắn thì hắn lại cau mày lầm bầm:
“Ô, cô không sợ tôi? Cô làm bộ can đảm khéo lắm... hình như cô sợ hãi lắm mà!”
Nàng đáp:
“Bây giờ thì tôi sợ thật. Vì nếu tôi ở lại thì ba tôi sẽ lo lắng khổ sở lắm lắm. Làm ba tôi khổ sở tôi không sao chịu được... trong khi ba tôi...ông Hy, xin ông hãy cho tôi về! Tôi hứa sẽ lấy Tôn... ba tôi cũng muốn như vậy, vả tôi cũng yêu Tôn... vậy sao ông lại cứ bắt buộc tôi phải làm cái việc mà chính tôi định làm, muốn làm?”
Tôi nói lớn:
“Để xem ông ấy có dám bắt buộc cô không? Mặc dù mình đương ở thế kẹt, nhưng nhờ Trời, cũng may mà trên quả đất này còn có pháp luật. Ví bằng hắn có là con ruột tôi, tôi cũng tố cáo! Đây là một trọng tội, một tội nặng không được ân giảm."
Tên lưu manh nói:
“Bà im đi! La lối cái gì? Có ai hỏi bà đâu mà nói. Cô Liên này, cứ nghĩ đến chuyện ba cô đau khổ là tôi thấy khoái trong bụng rồi. Chắc đêm nay tôi mãn nguyện lắm, tôi sẽ không ngủ được... May mà cô nói ra cho tôi biết... Tôi sẽ giữ cô ở lại đây trong hai mươi bốn giờ tới. Còn về việc cô hứa sẽ lấy Tôn tôi sẽ lo liệu cẩn thận để cô phải giữ lời, nếu cô không làm thì đừng hòng ra khỏi nhà này."
Liên khóc một cách cay đắng:
“Vậy ông cho vú Diễn về báo cho ba tôi biết là tôi vô sự. Hay là ông cho cưới tôi ngay bây giờ đi. Tội nghiệp ba tôi! Vú Diễn ơi! Chắc ba tưởng mình đi lạc đâu. Biết làm sao đây?”
Hy đáp:
“Ông ấy không nghĩ thế đâu. Ông ấy sẽ cho là cô đã chán săn sóc ông nên lẻn đi chơi tiêu khiển một lát. Cô không thể chối cãi rằng cô đã tự ý vào nhà tôi, bất chấp lệnh cấm của cha cô. Ở cái tuổi cô, ham chơi là lẽ tự nhiên. Săn sóc mãi người ốm thì chán chết, mà người ốm ấy lại chỉ là ba cô. Liên này, cái ngày cô ra đời cũng là tàn cái đời hạnh phúc của ba cô. Ông ấy đã nguyền rủa cô, cái ngày cô sinh ra đời. Tôi cũng vậy. Nếu ông ta có nguyền rủa cô lúc ông ta chết thì cũng phải thôi. Tôi cũng sẽ bắt chước ông ấy. Vì tôi cũng chả ưa gì cô. Mà làm sao tôi ưa nổi! Thôi, khóc thế đủ rồi... Cứ như tôi đoán thì từ rầy về sau cô sẽ được rong chơi thỏa thích, nếu như thằng Tôn có thể làm cô khuây khỏa về cái chết của ba cô, như là ba cô vẫn tin tưởng như thế. Những bức thư khuyên bảo và an ủi của ông ta làm tôi vui đáo để. Trong bức thư sau cùng cha cô khuyên thằng con tôi phải chăm sóc, phải tử tế với đứa con gái yêu của ông ấy, nếu mai mốt chúng lấy nhau. Chăm sóc và tử tế...thật là nồng nàn tình cha con. Nhưng ông ta không biết rằng thằng Tôn lại dành sự chăm sóc và tử tế cho chính bản thân nó cơ! Nó lại rất có thể chơi các trò tàn bạo nữa. Chẳng hạn giao cho nó hành hạ bao nhiêu con mèo cũng được, miễn là phải bẻ hết răng và tuốt hết móng mèo đi. Tôi cam đoan với cô rằng sẽ có những câu chuyện rất hay ho về lòng tử tế của nó để cô về kể cho bác nó nghe."
Tôi nói:
“Về điểm ấy, ông nói rất có lý. Ông giảng giải tính tình của con ông để chứng tỏ nó giống ông. Hay lắm. Và tôi mong rằng cô Liên sẽ phải suy nghĩ cho kỹ trước khi nhận món quà tẩm thuốc độc của ông."
“Tôi không cần phải dài dòng nói về những tính đáng yêu của món quà ấy lúc này vì cô Liên bắt buộc phải nhận. Không nhận thì sẽ bị nhốt, cả vú cũng bị nhốt luôn, cho đến khi nào ông chủ của vú chết ngắc. Tôi có thể nhốt hai người ở đây, hết sức kín đáo. Nếu vú không tin, thử xúi cô ấy rút lời hứa đi, rồi vú coi!”
Liên nói:
“Tôi không rút lời hứa. Tôi lấy Tôn ngay, nếu sau đó tôi có thể trở về Họa Mi Trang. Ông Hy, ông là người độc ác. Nhưng tôi tin ông còn là người, không phải là quỷ. Chắc ông không muốn phá hoại hạnh phúc của tôi chỉ để thỏa mãn tính ác độc của ông. Nếu ba tôi nghĩ là tôi đã cố tình bỏ rơi ba tôi và chết trước khi tôi trở về, thì làm sao tôi sống nổi? Tôi hết khóc rồi. Bây giờ tôi quỳ xuống, quỳ xuống đây trước mặt ông, và sẽ không đứng dậy, không rời mắt khỏi mặt ông chừng nào ông chưa nhìn lại tôi. Không! Ông đừng có quay mặt đi! Hãy nhìn tôi! Tôi không khiêu khích ông. Tôi không căm ghét ông. Tôi không giận ông đã đánh tôi. Trong đời ông, ông không hề yêu ai bao giờ sao, hả ông chú của tôi? Không bao giờ ư? A, thế nào rồi chú cũng phải nhìn cháu. Vì cháu khổ sở cùng cực nên chú không thể không buồn và thương hại cháu."
Hy xô Liên ra, kêu lên:
“Bỏ tay ra, cút đi, không ta đạp cho một cái bây giờ. Rắn nó quấn ta còn thích hơn. Quỷ thần ơi! Sao cô lại có thể nghĩ đến chuyện nịnh nọt tôi nhỉ? Sợ cô thật!”
Hắn nhún vai, lắc đầu làm như ghê sợ Liên đến độ sởn gai ốc, rồi hắn nhấc ghế về phía sau. Tôi đứng dậy, tính mở miệng xỉ vả hắn một trận, nhưng vừa nói được nửa câu thì phải im ngay. Hắn dọa nếu tôi chỉ nói thêm nửa tiếng nữa thôi thì hắn sẽ nhốt riêng mỗi người một phòng.
Trời bắt đầu tối. Chúng tôi nghe có tiếng động ngoài vườn. Hy chạy vội ra. Hắn nhanh trí lắm. Còn chúng tôi thì chậm chạp.
Hy ra nói chuyện độ hai ba phút, rồi vào ngay. Tôi bảo Liên:
“Chắc là Hạ, anh họ cô. Tôi mong Hạ vào đây. Biết đâu chú ấy chả về phe mình?”
Hy nghe thấy bèn nói:
“Đó là ba tên đầy tớ ở Họa Mi Trang được phái sang để tìm các người đấy! Đáng lẽ vú phải mở cửa sổ ra gọi. Tôi chắc con nhỏ này hài lòng lắm vì vú đã không làm thế. Cô ả mừng vì bị bắt buộc ở lại, tôi dám chắc vậy."
Biết mình đã để lỡ cơ hội bằng vàng, cả hai chúng tôi không kiềm chế được nữa, òa lên khóc. Hắn để mặc chúng tôi than khóc cho mãi đến chín giờ tối rồi bắt chúng tôi vào phòng chị Dị qua ngã bếp lên lầu. Tôi bảo thầm Liên làm theo lời hắn, biết đâu may ra chả tìm được cách trốn qua cửa sổ phòng đó, hoặc trốn vào gác xép từ đó chui qua cửa mái cũng nên. Nhưng rồi cửa sổ thì hẹp y như cửa sổ dưới nhà, còn âm mưu trốn lên gác xép cũng bất thành vì chúng tôi bị nhốt y như lần trước.
Hai chúng tôi đều không ai ngủ. Liên ngồi bên song cửa sổ, lo âu chờ sáng. Chốc chốc tôi lại nhắc Liên cố ngủ đi một chút nhưng nàng chỉ thở dài không đáp. Còn tôi thì ngồi trên một chiếc ghế gần đó, nghiêm khắc tự kết tội mình đã không làm tròn bổn phận, đưa đến tất cả những tai họa cho chủ tôi. Thực ra, đến bây giờ tôi biết tôi tự buộc tội như vậy là lầm. Nhưng trong cái đêm sầu khổ ấy trí tưởng tượng của tôi xui tôi tin chắc rằng cái tội của tôi còn nặng hơn Hy.
Bẩy giờ sáng, Hy đến hỏi xem Liên đã dậy chưa. Nàng chạy ngay ra cửa đáp:
“Rồi."
“Vậy ra đây."
Hắn vừa nói vừa mở cửa, lôi nàng ra ngoài. Tôi đứng lên định theo ra, nhưng hắn đã đóng sập cửa, khoá lại. Tôi đòi thả tôi ra, hắn đáp:
“Hãy kiên nhẫn một chút. Lát nữa tôi sẽ bảo chúng nó đem thức ăn lên cho."
Tôi đấm mạnh vào cánh cửa, lắc mạnh then cửa như điên cuồng. Ở ngoài, có tiếng Liên hỏi tại sao tôi vẫn bị nhốt? Hắn đáp là tôi phải chịu nhốt trong một tiếng đồng hồ nữa rồi hai người đi mất. Nhưng mãi hai, ba giờ đồng hồ sau tôi mới nghe có tiếng chân người đi tới, nhưng không phải tiếng chân của Hy. Có tiếng gọi cửa:
“Tôi đem thức ăn lại cho vú đây, mở cửa ra!”
Tôi vội mở cửa, thấy Hạ đem theo khá nhiều thức ăn đủ cho cả ngày. Hạ ấn cái khay vào tay tôi, nói:
“Vú bưng lấy!”
Tôi kêu:
“Khoan đã."
“Không!”
Hạ đáp xong đi liền, không đếm xỉa đến lời tôi năn nỉ hắn đứng lại.
Tôi bị giam suốt ngày và suốt đêm hôm đó, rồi lại suốt ngày suốt đêm hôm sau và hôm sau nữa. Hết thẩy là năm đêm, bốn ngày tôi không hề thấy bóng dáng một ai, trừ Hạ mỗi sáng một lần.
Hạ thật là một tên cai tù gương mẫu. Tôi đã cố gắng làm động lòng vô tư và trắc ẩn của hắn, nhưng hắn lầm lì, giả câm giả điếc, phe lờ như không biết gì cả.