Cơn giận của bác đồng hồ.

Chị Bóng bay hoàn toàn kiệt sức. Sinh lực của chị chỉ còn là một chút không khí lớn bằng anh Bóng đèn. Thân thể chị mềm nhũn, suốt ngày nay chị nằm liệt dưới chân ông Bàn. Những làn gió nhẹ không làm chị nhúc nhích được.
Chị Bóng bay sống bằng không khí, chị đã hết thời bay bổng rồi. Chung quanh chị là bầu không khí bao la, nhưng chị vẫn gặp đai hoạ vì thiếu chất dinh dưỡng ấy. Vật ít thông minh như ông Bàn mà bây giờ hiểu sự cần thiết của những bàn tay từ thiện cấp cứu.
Quá nửa đêm không còn vật nào dám hy vọng chị Bóng bay sẽ qua khỏi. Chúng đoán rằng bình minh tới, chị sẽ chỉ còn bó da cao su không sót chút hơi nào để thở ra lần cuối. Chổi sẽ rất buồn bã làm nhiệm vụ tiễn đưa một vật hết sức dễ thương. Giỏ rác đã dành một chỗ danh dự cho chị Bóng bay, mặc dầu nó hiểu tất cả những vật đến với nó đều bình đẳng tuyệt đối.
Chú con Quay dặn dò Chổi:
- Khi đưa chị Bóng bay ra giỏ rác anh nên đưa chị ấy một mình, đừng xếp chị ấy chung với rác rến, bụi bặm.
Chổi đáp:
- Vậy thì mất công quá, nhưng tôi sẽ cố gắng. Chú băn khoăn làm chi. Đằng nào bụi bặm cũng gặp chị ấy ở giỏ rác.
Chú Quay sừng nín thinh, nhưng chú giận lắm. Một lát sau chú Quay sừng bắt đầu gây chuyện.
- Này anh Chổi, sao anh chọn cái nghề kỳ cục vậy?
Chổi hỏi lại:
- A! Chú nhỏ này! Chú định phỉ báng nghề nghiệp của tôi đấy phải không?
Quay sừng đáp một cách lừng khừng:
- Tôi chẳng phỉ báng việc làm của bất cứ vật nào. Nhưng tôi xin thú thực, tôi không ưa nổi cái nghề đẩy mọi vật ra giỏ rác. Chắc thấy chị Bóng bay lâm nạn anh khoái lắm đấy nhỉ. Sắp có việc làm mà.
Chổi cố nén giận:
- Chú nói năng cẩn thận một chút nghe, đừng có chọc tức tôi. Không có chị Bóng bay thì mỗi sáng tôi vẫn hoạt động như thường. Căn phòng này mà rời tôi ra vài ngày là mọi vật sẽ mặc áo mới, một cái áo toàn bụi. Hừ! Đẹp đẽ lắm đấy.
Quay sừng càu nhàu:
- Anh khỏi kể công. Tôi chỉ muốn anh phân biệt bụi bặm và những vật chúng tôi mến thương chẳng may mắc nạn. Đừng xếp chị Bóng bay vào hàng ngũ bụi, khó nghe lắm.
- Tôi chỉ đưa ra một nhận xét thực tế: dù đi trước hay sau thì chị Bóng bay vẫn gặp lũ bụi nơi giỏ rác.
Chú Quay sừng nghe nhắc tới chuyện đó, nổi sùng:
- Bởi vậy, tôi xin nhắc lại, tôi không khoái cái nghề của anh.
Cuộc cãi vã giữa Chổi và con Quay đã đến chỗ căng thẳng. Chổi lắc lư muốn hắt một ít bụi lên mặt Quay sừng. Trong khi đó chú con Quay sẵn sàng tiếp tục khiêu khích Chổi, chú tin rằng Chổi là một vật rất độc ác. Chưa vật nào trong phòng nói về chị Bóng bay bằng cái giọng tàn nhẫn như Chổi.
Cụ Sách phải can thiệp:
- Này chú Quay sừng, chú chớ hiểu lầm anh Chổi. Trên đời có những vật lo cho ta lúc đến thì cũng có vật lo cho ta lúc đi. Vật đón, vật đưa đều cần thiết và đáng quí, ta phải cám ơn tất cả. Chú đừng trách anh Chổi, anh ấy nói năng vụng về nhưng tốt bụng.
Cụ sách nói với Chổi:
- Chú Chổi cũng đừng giận Quay sừng, hắn thương chị Bóng bay quá nên mất bình tĩnh.
Nể lời cụ Sách, Chổi và Quay sừng thôi nghinh nhau. Chổi về một góc nhà đứng lặng thinh. Quay sừng tiếp tục quay xung quanh chị Bóng bay, theo dõi bệnh tình của chị, để báo cáo cùng mọi vật trong phòng.
Ông Bàn càu nhàu:
- Suốt buổi chiều cậu bé ngồi bên tôi học bài. Chị Bóng bay nằm ngay dưới chân tôi, sao chẳng lê tới chân cậu ấy nhắc nhở. Cậu bé biết, chị sẽ thoát nạn ngay mà.
Anh Ghế nói:
- Lúc ấy chị Bóng bay yếu quá rồi, có muốn lê đi cũng chẳng nổi.
Đêm lạnh lẽo và ẩm ướt. Từng đợt sương mong manh lãng đãng trôi qua khung cửa sổ. Chị Rèm cửa cảm thấy thân mình nặng trĩu. Bình mực thủy tinh tưởng như cả căn phòng cô đơn giống như chiếc thuyền nhỏ lạc trong biển sương. Khung của sổ in hình trên bình mực chỉ là một khoảng đen đậm. Bình mực bâng khuâng nhớ chị Hằng ở một nơi thật là xa.
Trừ Bình mực mơ mộng và đãng trí, mọi vật trong phòng đều chú ý tới hoàn cảnh bi đát của chị Bóng bay.
Tất cả cố giữ im lặng để tỏ sự tôn trọng nỗi khổ của vật khác. Ông Tủ cũng đang bị bệnh mọt gặm trong xương. Ông muốn than thở chuyện đó với ông Bàn, kẻ đồng bệnh, nhưng không dám.
Sự chịu đựng trong im lặng khiến ông Tủ phiền lòng. Rồi ông cảm thấy cần gây gổ với bất cứ vật nào:
- Này bác Đồng hồ, sao cứ kêu tích tắc hoài vậy?
Ông Tủ vốn hiền hoà. Đồng hồ không ngờ ông đang giận nên trả lời một cách vui vẻ, đùa cợt:
- Tim tôi đập đó ông ơi.
Ông Tủ gằn giọng:
- Hãy bảo trái tim nhà bác câm đi. Trong khi tất cả yên lặng, bác cứ tích tắc, nghe vô duyên lắm.
Đồng hồ kinh ngạc:
- Ô hay! Tôi làm bổn phận của tôi mà.
Bông hoa trên bàn hét lên:
- Bổn phận của bác độc ác lắm. Bác tích tắc, tích tắc xua đuổi thời gian tiến tới để dòng họ hoa chúng tôi chóng tới lúc già nua tàn héo. Chính bác là nguyên nhân của mọi thảm họa, chúng tôi thù bác.
Thì ra Hoa vẫn thù Đồng hồ từ lâu, nay được dịp cô ả đứng ngay về phía ông Tủ.
Đồng hồ bào chữa:
- Tôi làm việc một cách máy móc thật nhưng tôi đứng đắn, không có ý hại ai bao giờ…..
Được dịp thoát khỏi bầu không khí im lặng nặng nề, mọi vật nhao nhao lên tranh nhau nói. Không vật nào bênh vực bác Đồng hồ. Cuốn Lịch tố cáo:
- Nhất định bác Đồng hồ có gian ý, một tờ lịch cũ của tôi đã than thở nhiều chuyện ấy. Hắn bảo rằng hắn sinh ra vào đúng một ngày lễ, hắn có một ngày tuyệt vời, nhưng bác Đồng hồ ghen tức, bác ấy tích tắc nhanh hơn thường lệ để ngày riêng của tờ lịch chóng hết. Trước khi rớt xuống tờ lịch còn dặn dò tôi là đừng bao giờ tin tưởng ở sự liêm chính của bác Đồng hồ.
Anh Diều giấy mới tới, nằm trong gầm tủ góp lời:
- Trường hợp của tôi thì ngược lại. Sáng hôm qua, tôi mong cho chóng tới chiều để được bay bổng, nhưng bác Đồng hồ cố tình tích tắc thật chậm, kéo thời gian chạy chậm lại để trêu tôi.
Ông Bàn càu nhàu:
- Tôi không cần biết Đồng hồ làm việc nhanh chậm ra sao. Nhưng trong trường hợp mọi vật buồn bã, im lặng thế này mà anh ta cứ thản nhiên tích tắc, nghe không được tí nào. Tôi đồng ý với nỗi bất bình của ông Tủ.
Riêng chú con Quay thì hoàn toàn mất bình tĩnh. Nghe nói có vật xua kéo thời gian làm hại vật khác, chú phóng ra giữa nhà, xoay tít, lớn tiếng.
- A! Chính bác Đồng hồ xua thời gian chạy nhanh hơn để chị Bóng bay chóng xẹp lép phải không? Vậy mà tôi cứ ngu dại tin tưởng vào cái bụng đầy máy móc chính xác của bác. Nếu bác rời nóc tủ xuống đây chắc chắn tôi sẽ lao thẳng vào thân bác, cho bác vỡ mặt ra.
Lời khiêu khích, thách thức của Quay sừng quả là hơi quá đáng. Cụ Sách, ông Cung định can thiệp, nhưng không kịp. Bác Đồng hồ nói một cách rất bình thản:
- Quí vị hiểu lầm tôi rồi. Để chứng minh sự ngay thẳng của tôi, tôi sẽ ngừng chạy. Rồi quí vị coi….
Sự bình thản che dấu một cơn giận khủng khiếp. Nói chưa dứt câu, bác Đồng hồ nhảy thẳng từ nóc tủ xuống nền nhà. Mặt kính nứt ra, cây kim dài cong đi và ruột gan bác lộn tùng phèo hết cả.
Bác nằm bất động, những tiếng tích tắc biến mất.
Tiếng nói của mọi vật trong phòng cũng biến mất. Bông hoa lặng đi, cảm thấy nước trong bình, dưới chân lạnh ngắt. Ông Bàn rùng mình kinh hãi làm ông Bút và Bình mực thuỷ tih suýt lộn nhào. Chú Quay sừng đảo một vòng rồi lùi lũi trở về đứng bên cạnh chị Bóng bay không dám hó hé.
Không còn tiếng tích tắc, mọi vật lắng nghe tiếng thời gian đi qua. Chú Quay sừng thấy chân thời gian trên mình chị Bóng bay. Bông hoa cảm thấy chân thời gian nặng trĩu trên một cánh sắp tàn của nó. Bình mực thấy thời gian cặp kè những làn sương mỏng bước qua của sổ. Và ông Tủ, vật phiền trách bác Đồng hồ đâu tiên cũng không còn nghi ngờ chi nữa. Thời gian đang đồng loã với lũ mọt, gặm nhấm thân thể ông một cách đều đặn, bền bỉ.
Ông Tủ nói với Đồng hồ:
- Xin lỗi bác, chúng tôi hàm hồ ngu dại quá. Chắc bác bị thương nặng lắm?
Đồng hồ nói nhỏ:
- Đừng chú ý tới tôi. Hãy ngắm thời gian đi, ngắm thật kỹ.
- Chúng tôi hiểu rồi mà.
Mọi vật cùng cất tiếng xin lỗi Đồng hồ. Khi đó, Đồng hồ mới bớt giận:
- Quí vị thấy đó. Tôi chẳng hề có liên lạc riêng tư gì với thời gian. Công việc của tôi chỉ là đếm….Nhiệm vụ của tôi nào có khác gì ông Lịch, chỉ tỉ mỉ hơn một chút mà thôi. Tôi không gian lận ngày vui hay phá phách những kẻ mong chờ.
Chú Quay sừng ân hận, bỏ chị Bóng bay, chạy quanh bác Đồng hồ:
- Bác bị thương nặng quá.
Đồng hồ mỉm cười tha thứ:
- Không sao! Chỉ cần được săn sóc một chút tôi hoạt động điều hoà lại ngay.
Ngừng một lát, bác nói tiếp:
- Bây giờ tôi có cố gắng chạy lại cũng vô ích, thời gian bỏ tôi một quãng khá xa rồi. Có điều thật đáng tiếc là sáng mai tôi không thể gõ chuông kêu chú bé dậy sớm.
“ Chú bé dậy sớm ” đó là nguồn hy vọng mong manh cuối cùng của mọi vật. Bình minh tới, nếu chú bé còn ngủ thì chị Bóng bay không thể nào sống sót được.
Nhưng sau cơn giận, sau cái nhảy tai hại, bác Đồng hồ mất hẳn khả năng gõ chuông.
Mọi vật vô cùng lo âu nghĩ tới buổi bình minh tới trong lặng lẽ.