Chương 4

    
gọc đưa cho chồng một tờ giấy nhỏ.
–Người này là gì của em?
–Bác em.
–Em có biết người ta gởi gì cho mình không?
–Thì chắc là quà.
Hùng trả tờ giấy báo lại cho vợ.
–Mặc quần áo đi. Anh chở em đi mua vé xe.
Người chồng có vẻ hăng hái, vui vẻ. Họ lấy một vé ở sau lưng tài xế. Chuyến xe sẽ khởi hành lúc hai giờ chiều. Hùng nói:
–Còn sáu tiếng đồng hồ nữa, em làm gì?
–Bây giờ đi ăn sáng.
Người chồng nói:
–Anh phải đến cơ quan.
Ngọc đi lại quán miến gà ở đầu ngã tư, vừa ngồi xuống đã thấy hai thanh niên đi vào, ngồi đối diện.
–Xin lỗi, chị là chị Ngọc?
Ngọc nhìn vào mặt hai người thanh niên. Cả hai đều ra dáng người đàng hoàng. Người đeo kính trắng trạc ba mươi lăm tuổi, người kia lớn hơn, mặt tròn, có vẻ lầm lì. Ngọc nghĩ ngay đên một vụ rắc rối gì đó.
–Các anh gặp tôi với mục đích gì?
–Mục đích tình cảm. Người đeo kính nói. Vì chúng tôi rất quý chị nên mới tìm gặp.
–Tôi chưa hiểu ý định của các anh. Nói tiếp đi.
Người đeo kính:
–Khi quen với anh Phan, chị có hiểu gì về anh ấy không?
–Anh ấy là người rất tốt.
–Ðồng ý. Nhưng chúng tôi hỏi chị có biết gì về quá khứ của anh ấy không?
–Anh ấy như thế nào?
–Trời ơi, một người nổi tiếng như thế mà chị không biết à? Quan hệ với rất nhiều đàn bà. Một trong những người đó là chị dâu tôi. Chồng đi học tập cải tạo, ở nhà mang thêm một cái bầu. Từ đó anh ta trốn biệt, không lui tới. Còn nạn nhân kế tiếp, xin mời chị hỏi bạn thân của tôi đây.
Ngọc nhìn kẻ đang ngồi cúi mặt. Anh ta nói:
–Chị tôi cũng là nhà báo, làm chung cơ quan với anh Phan. Có lần hai người đi công tác chung trên lâm trường Mã Ðà, thế là dẫn nhau vô rừng bị người ta bắt gặp, về nhà bị cơ quan kiểm điểm, chị ấy rất khổ, nhưng vì quá yêu ảnh nên cũng không bỏ được. Bỗng một hôm người bảo vệ cơ quan phát hiện anh Phan dẫn gái vô phòng làm việc, ngay đêm ảnh trực. Vụ đó rùm beng cả cơ quan. Mà người con gái lại là bạn của chị tôi. Chị rất đau. Bị ba tôi chưởi, tức quá uống thuốc ngủ tự tử.
Ngọc ngồi chăm chú nghe, lấy làm lạ là mình không hề bị kích động bởi những chuyện ấy. Phần nào Ngọc lại cảm thấy thú vị bởi sự gay cấn của những câu chuyện. Chị nói:
–Tôi biết các anh là người của bác sĩ Bích.
Người đeo kính cười:
–Không đâu. Chị không tin chúng tôi à. Chúng tôi đến đây không có ý xấu đâu nhưng vì thấy chị là người tốt, lại đẹp nữa, chúng tôi rất thương chị và không muốn chị bước vào vết xe đổ của những người đàn bà kia. Có vậy thôi.
Ngọc gọi tính tiền rồi nói:
–Cám ơn các anh. Bây giờ tôi phải đi làm.
Hai người thanh niên theo Ngọc ra khỏi quán. Ngọc chào họ một lần nữa, và trước khi quay đi, chị nói:
–Những chuyện các anh kể hay đấy. Có thể viết thành tuồng cải lương được.
Buổi trưa Ngọc dọn hàng sớm. Về đến nhà đã thấy chồng lui cui trong bếp. Ngọc thay đồ rất nhanh. Có tiếng gõ cửa. Một người đàn ông bước vào.
–Anh Hùng ơi! Anh Năm ở Ðà Nẵng mới vào đây.
Hùng vừa xào thịt vừa đáp:
–Ừ, tôi nghe rồi.
Người đàn ông bước vào, đặt cái túi xách xuống bàn, hỏi ông chủ nhà:
–Chú khỏe không hả, chú Mười?
–Bình thường.
Ngọc đến bên chồng:
–Ðể em nấu cho. Anh lại nói chuyện với anh Năm đi.
Người đàn ông đưa tay ra, chạm phải một bàn tay nhớp nháp mồ hôi. Hai người ngồi xuống, đối diện nhau.
Người đàn ông lại hỏi:
–Chú bị bịnh hả?
–Hơi nhức đầu.
Nói xong Hùng đứng dậy đi vào phòng riêng, leo lên võng nằm.
Người đàn ông búng mẩu thuốc ra cửa sổ, nói:
–Nó làm cái trò gì vậy?
–Khổ lắm anh ạ. Một con người không biết xã giao.
–Nhưng tao làm gì nó mà nó khinh khỉnh với tao? Tao cũng đâu có đến đây để nhờ vả tụi bay. Tao dư tiền xài mà.
–Tính ảnh vậy đó. Cứ sáng dậy đi làm, trưa về ăn cơm, lên võng ngủ, rồi lại đi làm, chiều về ăn cơm, xong lại lên võng nằm.
–Thế nó không yêu mày à?
–Yêu đến nỗi ghen cả với mấy ông anh rể nữa.
–Chắc nó cũng đang ghen với tao.
Ngọc nói:
–Cả với ba ổng còn ghen.
Trong phòng ngủ, tiếng người chồng vọng ra:
–Ngọc! Ngọc ơi!
Ngọc đứng lên đi vào phòng trong. Hùng ngó chăm chăm mặt vợ:
–Nói chuyện gì mà cười to vậy?
–Cười, anh cũng không cho nữa à?
–Nhưng đây là nhà của tôi. Có cười cũng phải nể tôi một chút chứ. Nó ở Ðà Nẵng vô đây làm gì vậy?
–Chắc ảnh đi chơi. Ði du lịch.
–Du lịch gì. Thời ngụy nó làm trưởng ty gì đó phải không? Coi chừng nó vô đây móc nối với các tổ chức phản động trong này đấy.
–Ðừng có khùng. Cái đầu anh chỉ nghĩ được những chuyện như vậy à?
–À, nói vậy mà đúng đấy. Nếu không thì cũng là đi buôn lậu trầm. Có ngày người ta nhốt đầu lại đó.
Ngọc tức quá, nhào tới đấm lia lịa vào ngực chồng, vừa đấm vừa khóc:
–Trẻ con! Già cái đầu rồi mà như trẻ con!
–Cô nói ai trẻ con? Tôi đi kháng chiến mấy mươi năm, vào sanh ra tử, từng trải việc đời. Chính cô mới là trẻ con.
Ngọc quắc mắt nhìn chồng:
–Câm ngay! Càng nói càng thêm nhục thôi. Anh cút đi cho rảnh!
–Ai cút? Chính nó phải cút đi khỏi cái nhà này ngay lập tức. Cô hiểu chưa.
Cánh cửa phòng sịch mở. Người đàn ông được gọi là anh Năm hiện ra nơi ấy, một tay chống nạnh, một tay cầm điếu thuốc đưa lên môi, dáng điệu khoan thai, bình tĩnh:
–Này ông cán bộ. Hãy ôm lấy cái tự hào tội nghiệp của ông mà sống nhé. Rồi sẽ chẳng còn ai bước chân vào cái nhà này nữa đâu.
Người đàn ông bước ra cửa, vừa lúc mấy nhỏ đi học về. Chúng reo lên:
–Bác Năm!
Và chúng chạy đến sà vào lòng ông. Ông ôm hôn chúng, lúc ấy mới nhớ những gói quà trong túi xách.
Bé Hoa nói:
–Bác ở lại ăn cơm.
Nhưng người đàn ông chỉ quay lại, mỉm cười và đưa tay vẫy.
Ngọc cũng mang cái túi xách từ trong phòng đi ra, vừa đi vừa lau nước mắt.
-Mẹ đi đâu vậy? Lũ nhỏ hỏi.
–Mẹ đi Vũng Tàu lãnh đồ của bác gởi.
Mẹ không ăn cơm hả?
–Mẹ ăn rồi..
Ngọc hôn các con rồi hấp tấp đi xuống cầu thang, vẫn còn tức điên lên vì sự gàn dở của người chồng. Chị đi xích lô đến bến xe. Khi chiếc xích lô dừng lại, Ngọc nhìn thấy một cái bảng điện thoại công cộng ở bên đường, chị liền ghé vô, quay số của Phan.
–Em đang ở bến xe du lịch đi Vũng Tàu. Anh đến ngay nhé. Em rất cần anh.
Mười lăm phút sau Phan đến. Thấy mí mắt của Ngọc sưng, Phan hỏi:
–Có chuyện gì vậy?
–Ðừng hỏi. Anh đi lấy vé đi.
Ngọc gọi thêm một ly nước cam. Lát sau Phan quay lại. Ngọc giải thích:
–Em đi lãnh đồ.
–Ði lãnh đồ thì phải cười chứ.
–Thì cười. Anh có đem theo đồ tắm không đấy?
–Có, còn em?
Em quên. Vì không có thì giờ chuẩn bị. Cãi nhau quá trời.
–Cãi nhau về chuyện gì? A, mà hình như ông xã em tới kìa.
Hai người nhìn ra cổng. Hùng cưỡi chiếc xe đạp vừa rẽ vô. Ngọc thở dài:
–Trời ơi, em đã linh cảm thế nào ảnh cũng tới.
–Không sao. Phan nói. Anh sẽ bảo là anh đưa bạn anh đi, tình cờ gặp.
Nhưng con mắt bốc lửa đã dọi thẳng vô hai người. Hùng ném chiếc xe đạp sang bên, quát to:
–Tại sao thế này?
Phan nói:
–Anh bình tĩnh đi, ngồi xuống nói chuyện.
–Tao không nói chuyện với mày, mày là thằng khốn nạn.
Phan vỗ vai ông chồng, nói nhỏ nhẹ:
–Mình không nên nói chuyện ở đây anh ạ. Tôi mời anh sang quán cà phê bên kia đường, chúng ta nói chuyện hay hơn.
–Không đi đâu cả. Và tao cấm mày rời khỏi đây. Cả cô nữa, cô nghe rõ chưa.
Ngọc nói:
–Anh làm gì mà om sòm vậy. Ðây là nơi công cộng, không phải nhà của mình đâu nha.
–Người ta cười cô chứ không cười tôi đâu. Vì cô là cái đồ…
Ðám đông đã vây quanh như coi đá gà. Một người có trách nhiệm trong công ty bước đến.
–Ðây là cơ quan, xin đừng làm mất trật tự. Chuyện riêng của các người xin đi chỗ khác giải quyết.
Hùng đành ngồi xuống ghế.
-Thôi được, ông ta nói. Lấy giấy ra đi. Mỗi người viết một tờ kiểm điểm, ký tên vào.
Ngọc rất tức nhưng cũng phải cười.
–Ðừng làm trò hề. Anh đi về đi là hay hơn cả.
–Tôi về để cho hai người đi du hý với nhau à?
–Anh ấy có đi đâu.
–Ðừng qua mặt tôi. Lấy giấy viết kiểm điểm lẹ lên.
Không thấy ai nhúc nhích, ông ta điên tiết, sục sạo trong túi quần tìm kiếm, vẫn không có, bèn đứng lên hỏi những người đang bu quanh:
–Ai có giấy cho tôi xin một tờ.
Mấy anh lơ xe và xích lô đạp nhìn nhau cười, họ bảo nhau:
–Ði kiếm giấy cho thủ trưởng làm kiểm điểm kìa.
Cô bé bán thuốc lá moi ở đâu ra một tờ giấy bằng bàn tay, nhàu nát. Hùng tiếp lấy, vuốt vuốt cho thẳng rồi đặt trước mặt vợ:
–Hai người viết chung một tờ cũng được.
Ngọc gạt tờ giấy xuống đất.
–Không viết hả? Người chồng hét. Ðược rồi, tôi sẽ làm một tờ biên bản.
Ông kê tờ giấy lên đầu gối, hí hoáy viết. Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ðộc lập Tự do Hạnh phúc.. vừa viết vừa nhíu mày, ngừng lại suy nghĩ rồi viết tiếp. Xong ông đưa tờ giấy cho Phan.
–Ký đi.
Phan cầm tờ giấy, đọc lướt qua. Anh nói:
–Tôi không đồng ý câu “bắt quả tang hai người đang âm mưu hẹn nhau đi hủ hóa…”
–Ðó là sự thực. Người chồng nói.
–Tôi không ký đâu.
Hùng vụt đứng lên giơ nắm đấm:
–Tao bảo mày ký!
–Không, vì tôi không muốn anh làm nhục vợ anh và tự làm nhục mình. Anh sẽ làm gì với tờ giấy này?
–Làm gì mặc tao. Ký đi.
–Tôi không ký.
Một quả đấm vụt ra trúng ngay bả vai Phan, nhưng anh vẫn ngồi im hút thuốc lá.
Người bảo vệ công ty thấy tình hình căng thẳng liền chạy đến.
–Yêu cầu các người không được làm mất trật tự. Nếu không, tôi đi mời công an.
Rồi quay sang Phan, người bảo vệ nói:
–Anh nên rời khỏi đây thì hơn.
Phan đứng dậy, đi thẳng ra cổng.
Hùng hầm hầm nhìn vợ, nói:
–Lần này tha cho nó. Lần sau sẽ cho nó ăn đạn. Còn cô, bây giờ cô đi về.
–Sao về được, người ta hẹn mình hôm nay, đến trễ họ có cho lãnh đâu. Hơn nữa hôm nay tôi đã nghỉ bán, không đi cũng phí mất một ngày.
–Thôi được, cô đi đi.
Người chồng đứng dậy, dựng cái xe đạp lên, đi ra cổng.
Còn lại một mình, Ngọc thấy lúng túng trước những cặp mắt của đám đông. Chị lên xe ngồi, lấy sách ra đọc, nhưng không đọc được gì cả. Rất may, chỉ một lúc sau xe chạy. Khi ra đến đầu đường, Ngọc còn thấy chồng mình đứng chờ dưới gốc cây nhìn chiếc xe đi qua.
Ngọc nhắm mắt lại, nỗi bực tức đã nguôi dần, nhường chỗ cho một nỗi buồn mênh mông tràn đến. Nàng thấy thương mình và thương cho cả hai người đàn ông. Nàng không biết đời mình sẽ về đâu, sẽ đứng ở vị trí nào giữa hai người đàn ông ấy. Nàng không biết cư xử thế nào với bác sĩ Bích, với những đứa con của cả hai gia đình. Tình thế đã đẩy nàng vào một con đường ngổn ngang những chướng ngại, hoa lá lẫn lộn giữa cạm bẫy và vực thẳm.
Chiếc xe vẫn lao đi băng băng trong nắng xế. Ngọc mở mắt nhìn những cánh đồng lúa hai bên đường, những ngọn núi xa và những đám mây… tất cả như bất động, hờ hững, vô tình. Giọt nước mắt ứa ra trên mi. Và khi nàng nhắm mắt lại thì nó lại lăn xuống gò má.
Tám giờ tối xe đến Vũng Tàu. Ngọc vừa xách túi bước xuống xe đã thấy Phan đứng nay trước mặt mình.
–Anh cũng vừa đến, cách đây mười lăm phút. Em có mệt không?
–Không. Gặp anh em mừng lắm. Em cứ tưởng là anh đã bỏ cuộc.
Phan nắm tay Ngọc đi tìm một quán ăn.
Ngọc nói:
–Em muốn đi chơi với anh một lát.
Họ xuống phố. Ðêm yên tĩnh và đầy gió mát.
–Em thích ở đây quá. Vì em có cảm giác mình hoàn toàn tự do. Hoàn toàn tách ra khỏi mọi hệ lụy phiền phức của cuộc đời. Và còn một điều nữa, anh có biết đó là điều gì không?
Phan níu Ngọc lại dưới một tàn cây. Trong bóng tối chàng vẫn thấy rõ vẻ long lanh trong đôi mắt của người yêu. Chàng hôn nhẹ lên đó.
Chàng hỏi:
–Ðó là điều gì vậy? Em nói đi.
–Ðó là em thực sự cảm thấy anh là của em. Và không phải của ai khác. Không phải chia sẻ với ai cả. Ðối với em điều đó rất quan trọng.
Phan nói:
–Anh cũng cảm thấy như thế, và anh rất muốn ở đây lâu một tí. Ðược không?
–Em muốn sống với anh ở đây suốt đời. Không muốn về nữa, bởi vì về nhà có nghĩa là phải đương đầu với trăm thứ chuyện, có nghĩa là trở lại nhà tù, bị điểm danh, bị theo dõi, bị tra khảo, hỏi cung, lập biên bản. Rồi bạn bè, anh chị em, dòng họ lên án, luận tội, giảng đạo đức, người nào cũng nói giống người nào, bởi vì những tiêu chuẩn đạo đức trong sách vở thường giống nhau. Lúc nào mình cũng bị mặc cảm mình là kẻ xấu xa, nhơ nhuốc, là kẻ có tội, đáng thương. Ôi, anh ơi! Sao mà em thấy chán ngấy những thứ đó quá. Em chẳng về Sài Gòn nữa đâu.
–Hay đấy. Anh có người bạn ở Bãi Dâu, một nơi khuất tịch, hẻo lánh, có thể đến đó mà ở ẩn.
°
Họ bơi sóng đôi ra xa. Nắng rực rỡ. Bãi biển không một bóng người, cảnh vật trơ trụi hoang dã, nhưng sóng đã thay thế tất cả. Sóng và nắng. Sóng và nắng vờn nhau, trộn lẫn, tách rời, đùa cợt. Sóng và nắng chơi đi trốn tìm, hóa thành những hoa cúc vàng, những khóm lài nhỏ li ti, những luống hoa huệ rập rềnh. Sóng và nắng kết thành những giải lụa vây quanh hai người, tạo ra một thế giới riêng lẻ, lộng lẫy và tinh khiết. Ðó là thế giới của chàng và nàng, của những mối tình trắc trở. Thế giới dành riêng cho những kẻ muốn lãng quên đời.
Họ lặn xuống độ sâu năm mét. Ðáy biển sáng ngời dưới bụng họ. Những sợi nắng chiếu xiên xuống, mảnh như tơ, những vảy ốc lấp lánh giữa mặt cát mịn, lá rong xanh rờn, vật vờ bên những đàn cá nhỏ sặc sỡ, thoắt ẩn thoắt hiện.
Ngọc bơi sát bên người yêu, ôm lấy anh. Thân thể hai người nhẹ tênh, trơn tuột. Nàng hôn lên môi anh nhưng không dám mở miệng vì sợ uống nước. Họ quấn lấy nhau một vòng trong nước rồi đẩy nhau ra. Phan muốn ngắm mái tóc của người yêu trải trong nước xanh. Nó ánh lên như một vầng sáng mềm mại, chiếc váy ngắn màu trắng cũng xòe ra như giải mây nhỏ bay trong một không gian biếc yên ả.
Ý muốn làm tính ngay trong nước chợt lóe lên trong Phan, chàng muốn run lên khi tưởng tượng đến cảm giác lạ lùng trong động tác ấy. Chàng đạp chân lao đến rúc đầu vô giữa cái váy đang rập rềnh. Nhưng lúc ấy Ngọc đã ngộp thở, vội vàng đạp chân ngoi lên mặt nước.
Họ ôm nhau dưới nắng mai nồng cháy, rực rỡ. Phan hỏi:
–Làm tình dưới nước chắc là hay lắm.
–Nước vô trong người em thì sao?
–Ðâu có sao. Nước biển rất tinh khiết.
Ngọc xòe hai bàn tay đặt lên khoảng ngực dầy của Phan rồi áp môi mình lên đó, chậm chạp, trân trọng và dịu dàng. Nàng hỏi thủ thỉ:
–Bây giờ làm sao?
Phan luồn tay xuống phía dưới cởi quần lót Ngọc ra rồi đội lên đầu mình.
–Nhìn xem anh có giống Césare không?
–Giống vua thủy tề.
Ngọc nói và lặn xuống, cái váy rập rờn trong làn nước xanh trong vắt. Phan lặn theo. Nắng ngời lên cặp đùi thon thả, trắng ngần của Ngọc, nó như ngọn cờ vẫy gọi chàng, và khi chàng ôm được nó trong ngực mình thì Ngọc co người lại, ghì lấy đầu chàng vào đó.
Phía trên, măt biển vẫn phẳng lặng.
Biển che lấp cả hạnh phúc và niềm hoan lạc của hai người. Biển dung dưỡng, ôm ấp và cảm thông. Biển ve vuốt và nhìn ngắm họ bằng đôi mắt bao dung nhất.
°
Có một lần giữa đêm, Ngọc chợt nhớ đến tình cảnh chàng phi công Fabien của Saint Exupéry. Trong một chuyến bay đêm, chàng bị bão tố cuốn đi nhưng chàng lại không thể đáp xuống được vì mất liên lạc vô tuyến với mặt đất. Cuối cùng chàng phải bay lên cao khỏi đám mây bão tố kia, nơi đó chàng gặp một bầu trời thanh bình, trăng sáng vằng vặc. Chàng cứ bay vòng vòng dưới ánh trăng thơ mộng ấy dù biết rằng chỉ một lát nữa thôi máy bay của chàng sẽ hết nhiên liệu.
Tình cảnh của Ngọc bây giờ cũng giống như chàng Fabien chạy trốn bão tố để tìm một cõi thanh bình tạm bợ.
Nàng không muốn sống với thực tại nữa. Nàng đến vùng biển này để trốn nó. Và nàng còn muốn chạy trốn vào những kỷ niệm xa xưa của một thời thanh xuân hồn nhiên con gái.