Đánh máy: canary
Chương II

Tôi chỉ sợ cô tôi buồn, cho tôi là một đứa bội bạc. Nhưng không, cô tôi tỏ ra rất hiểu biết và độ lượng. Cô thông cảm tâm trạng của tôi. Cô đã từng băn khoăn khi dấu kín sự thật và cô hiểu nỗi băn khoăn của tôi khi được cô cho biết sự thật ấy.
Hôm ông cán sự y tế tới thăm - ông là bạn thân của gia đình từ ngày chú tôi còn sống - cô tôi tâm sự với ông ta về trường hợp của tôi, và hỏi ý kiến ông về việc tôi đòi đi tìm cha mẹ ruột.
Tôi nhận rõ vẻ bối rối qua giọng nói của cô:
- Anh Sáu, anh nghĩ sao về ý định của cháu Khánh?
Tôi nghe ông Sáu trả lời:
- Chị nên chiều theo ý cháu. Nó vừa bị xúc động mạnh... khi được biết nó không phải là ruột thịt của chị. Nếu không có gì ngăn trở chị nên thỏa mãn lời yêu cầu của cháu.
- Tôi muốn lắm, kỳ hè này, tôi đã tính đưa cháu về Saigon chơi một chuyến, nhân dịp tìm thăm người bà con, mà rủi gặp tai nạn đành hoãn lại. Bây giờ cháu Khánh đòi đi, tôi ngại quá. Nó mới 15 tuổi đầu, tuy không đến nỗi khờ khạo gì lắm, nhưng một mình bơ vơ giữa chốn đô thị xa lạ, tôi không yên tâm chút nào.
- Chị vừa nói có người bà con ở Saigon?
- Phải, người đó là chị em chú bác với nhà tôi. Chị ấy tốt lắm nhưng đã lâu không gặp, chẳng hiểu bây giờ chị ấy ra sao.
- Nếu vậy, tôi đề nghị với chị như thế này: Thằng con rể của tôi, thằng chồng con Hương đó, nó tính hè này đưa vợ nó lên chơi trên Đalat. Trên đường đi Đalat tụi nó phải ghé Saigon. Để tôi bảo hai đứa đưa cháu Khánh đến nhà người bà con của chị ở Saigon cho.
Cô tôi ưng thuận liền.
Mấy ngày sau tôi theo vợ chồng chị Hương đi Saigon. Ở bến xe đầu chợ quận, cô tôi bịn rịn như muốn níu kéo tôi trở lại. Hình như cô hối tiếc đã để cho tôi đi. Cô căn dặn tôi đủ thứ, giọng nghẹn ngào và nước mắt rưng rưng. Tôi cũng không thể nào ngăn nổi cảm xúc. Mắt tôi nhòa lệ. Hình ảnh cô tôi nhòa theo, tưởng chừng như sắp tan biến đi mất. Tôi thảng hốt ôm chầm lấy cô:
- Cô! Con đi ít bữa rồi con về! Có tin gì con sẽ báo ngay cho cô biết.
Cô tôi lặng lẽ siết chặt lấy tôi. Tôi luyến tiếc hơi hướng quen thuộc trong vòng tay từ mẫu của cô. Tiếng "cô" tôi quen dùng để gọi người quả phụ này đồng nghĩa với tiếng "mẹ" kính yêu. Ôi, mẹ đã nuôi con từ ngày con còn ấu trĩ, còn nằm ngửa trong lòng mẹ. Mười lăm năm trời trôi qua, mười lăm năm con được ấp ủ trong tình thương yêu của mẹ. Bây giờ con lại được biết mẹ chẳng phải là mẹ của con, cũng chẳng phải cô ruột của con nữa! Cay đắng biết bao!
Tuy thâm tâm tôi nói lên những lời chân thành ấy, dùng dằng chưa muốn rời khỏi cô tôi - suốt mười lăm năm tôi chưa xa cô tôi lấy một ngày - tôi vẫn nghe nỗi náo nức âm thầm nhưng mãnh liệt thúc đẩy tôi. Có tiếng gọi mơ hồ hầu như huyền bí kêu tôi ở phương trời nào đó. Phải chăng đó là tiếng gọi bi thiết của tình cốt nhục?
Tôi chợt nhớ đến tiếng kêu thảm thương của đôi chim sẻ ngụ trong vườn nhà tôi.
Một chiều giông bão đôi chim ấy vội bay về tổ thì thấy mất đàn con, vì cái ổ đã bị gió lùa rơi xuống đất.
Già Lãm đã nhặt ổ chim ấy vào cho tôi, như đem một món đò chơi cho trẻ.
Tôi thích ổ chim non ấy lắm. Nhưng tiếng kêu bi thương của đôi chim mất con đang vật vờ tìm kiếm trong cơn mưa gió, ám ảnh tôi suốt đêm hôm ấy và cả những ngày sau nữa. Không thể cầm lòng được tôi đành xin già Lãm để trả ổ chim ấy vào chỗ cũ.
Tiếng chim kêu ấy bây giờ như đang văng vẳng trong tâm thức tôi.
Tôi buông cô tôi ra, vội vã leo lên chiếc xa hàng đang rồ máy chờ đợi.
Xe chạy. Cô tôi lủi thủi ra về. Tôi mang theo hình ảnh cô tôi suốt cuộc hành trình. Vợ chồng chị Hương ngồi thủ thỉ với nhau bên cửa xe. Họ là đôi vợ chồng trẻ. Tình yêu của họ đang độ nồng nàn. Đối với họ mỗi cuộc du hành dù ngắn hay dài cũng đều là những kỷ niệm thơ mộng. Hai người luôn chỉ trỏ cho nhau xem những phong cảnh bên đường. Tôi ngồi im lặng cạnh họ, bâng khuâng, háo hức về cuộc ra đi đầu tiên trong đời tôi. Trong sự háo hức có thêm sự tò mò nôn nóng. Tôi muốn tìm gặp cha mẹ tôi mà cho tới giờ phút này tôi vẫn chưa hề biết rõ tông tích.
Tới Saigon chúng tôi trọ tạm tại một khách sạn nhỏ gần bến xe. Vợ chồng chị Hương rủ tôi đi chơi phố. Tôi từ chối lấy cớ muốn nằm nghỉ cho đỡ mệt. Nhưng khi họ đi rồi, tôi vùng trở dậy. Tôi có ý định riêng của tôi, và muốn thi hành ngay ý định ấy. Tôi ra đường, tìm tắc xi, xin họ chở tôi đến hãng Ba Sao. Người tài xế tắc xi đưa tôi sang Khánh Hội, đậu lại trước một tòa nhà khá đồ sộ, theo lối kiến trúc cổ từ trước thời tiền chiến.
Tôi bước vào một hành lang rộng lớn, hai bên có những phòng làm việc. Các nhân viên ở đây, nhìn tác người lớn phổng của tôi và cử chỉ mà tôi cố làm ra vẻ đứng đắn đã lầm tưởng tôi là một thiếu nữ cỡ 17, 18 tuổi nên không coi tôi là một đứa trẻ đến làm phiền họ. Tôi được họ ân cần tiếp đón, chỉ cho tôi từ bàn giấy này qua bàn giấy khác. Tôi có cảm tưởng như mình là một trái banh nẩy từ bàn này qua bàn nọ. Sau cùng tôi rơi đúng vào bàn giấy một ông lớn tuổi. Ông mời tôi ngồi xuống chiếc ghế đặt trước bàn ông, ngước mắt qua cặp kính lão xệ trên sống mũi, nhìn tôi. Rồi ông mỉm cười, hỏi tôi muốn gì. Tôi bắt đầu kể lể, giải thích cho ông rõ, nguyên nhân tôi tìm đến đây.
Nghe hết đầu đuôi, ông cau trán nói:
- Chiếc tàu Bạch Phượng! Lâu quá rồi! Hồi đó tôi chưa vào làm cho hãng này.
- Nhưng chắc còn có người biết chiếc Bạch Phượng chứ, thưa ông?
- Không chắc, vì các nhân viên cũ hiện giờ không còn ai. Hãng đã đổi chủ lâu rồi. Và chủ mới đã dọn cơ sở về đây. Bao nhiêu hồ sơ cũ của thời chủ trước không ai lục đến nữa. Hơn nữa phần lớn cũng đã bị thất lạc, hoặc tiêu hủy vì chiến tranh.
Tôi run giọng, lẩm bẩm:
- Nếu vậy, không còn hy vọng tìm ra tông tích những hành khách trên chiếc tàu ngộ nạn sao? Tôi tưởng mỗi chuyến tàu đều có danh sách...
- Dĩ nhiên. Danh sách hành khách của mỗi chuyến tàu đều được lập cẩn thận làm hai bản. Một lưu tại hãng và một ở dưới tàu. Nhưng cô cũng nên hiểu cho tình thế lúc ấy. Bản lưu ở hãng chưa chắc đã còn, mà bản yết dưới tàu...
- Thì sao?
- Thì đã chìm theo tàu xuống lòng biển!
Tự nhiên nước mắt tôi trào ra. Tôi bưng mặt ngồi khóc. Nhân viên tiếp tôi hiền từ nói:
- Chắc quan hệ cho cô lắm phải không?
- Dạ.
- Tôi vừa thoáng nhớ ra một chi tiết, chẳng hiểu có giúp ích gì cho cô được không?
Tôi khẩn khoản:
- Xin ông cứ cho biết.
- Đó là người bếp dưới tầu. Hắn thoát nạn trong chuyến ấy cùng với mấy hành khách sống sót. Sau đó, hắn làm thêm ít năm nữa rồi thôi bỏ nghề đi biển về mở tiệm ăn. Nhân chứng này may ra có thể soi sáng cho cô được.
- Ông ta hiện ở đâu?
- Chợ lớn. Thỉnh thoảng tôi vẫn vào ăn trong tiệm của hắn. Tiệm Long Hải đường Đồng Khánh.
- Thưa, tên ông ta là gì?
-Tên Lủ. Hắn là người Tàu.